WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Về đường đi của văn học tự do

Ảnh: TDBC

Mới đây việc xuất bản cuốn sách Thơ đến từ đâu của Nguyễn Đức Tùng đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận chung quanh vấn đề biên tập, kiểm duyệt sách, mở rộng ra đến chuyện xuất bản, hội nhập văn học  trong và ngoài nước, tư cách của người viết… Đúng là những vấn đề lớn rất đáng bàn luận.

Trước hết xin kể lại mấy câu chuyện cũ.

Năm 1972 tôi viết truyện ngắn “Tự do hay là chết” với bút hiệu Tiêu Dao Bảo Cự gởi đăng trên tạp chí Đối Diện. Đối Diện là tạp chí đối lập hàng đầu ở miền Nam do hai linh mục Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan làm chủ nhiệm và chủ bút. Tạp chí này đã nhiều lần bị tịch thu, chủ nhiệm phải “vác chiếu ra tòa” nhưng vẫn được tiếp tục xuất bản dưới hình thức báo lậu với giấy phép xuất bản tự cho, được nêu là căn cứ vào điều 11 Hiệp định Paris, trong đó có ghi rõ quyền tự do báo chí. Tòa soạn đôi khi được ghi đặt tại Canada hay Tokyo, dù thực sự vẫn ở Sài Gòn. Đây là một cách làm táo bạo của những người đối lập thời đó, trong giai đoạn mà sách báo thường phải chịu cảnh “hốt cắt đục” (tịch thu, kiểm duyệt cắt xén và phải “tự ý đục bỏ”).

Đối Diện đăng truyện ngắn “Tự do hay là chết” nhưng cắt bỏ một đoạn (có lẽ vì quá rùng rợn) với lời ghi chú “Một mai khi hòa bình sẽ trả lại cho tác giả”. Ngay sau đó, đài phát thanh Hà Nội và đài phát thanh Giải Phóng đều đọc truyện này nhiều lần trong mục “Đọc truyện đêm khuya”. Năm 1974, Nhà Xuất bản Giải Phóng (trong bưng) in lại truyện này trong tuyển tập Bút máu và ghi là “ký sự” thay vì truyện ngắn, lại cắt một đoạn khác trong phần kết (có lẽ cho là bi quan). Sau 1975, ngoài tập Bút máu được tái bản, truyện này còn được đưa vào nhiều tuyển tập khác như Mùa xuân chim én bay về (NXB Cửu Long 1986), Tiếng hát những người đi tới (Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ, NXB Trẻ 1993), Tuyển tập truyện ngắn Việt (NXB Trẻ TP/HCM 1997),  Nhìn lại một chặng đường văn học  (GS Trần Hữu Tá, NXB TP Hồ Chí Minh 2000), Viết trên đường tranh đấu (NXB Thuận Hóa 2005).

Đây là truyện ngắn được một số nhà nghiên cứu văn học trong nước xem là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của dòng văn học gọi là “hiện thực, yêu nước, tiến bộ, cách mạng” ở miền Nam trước 1975, nội dung tố cáo chế độ lao tù và nói lên khát vọng tự do của người Việt. Điều đáng chú ý là trong những lần in lại này, khi thì nó được đổi thể loại thành ký sự, khi thì đổi hẳn tựa đề là “Địa ngục trần gian”, khi thì đổi tên tác giả thành Trường Sơn Ca hay Tiêu Dao (bút hiệu khác của tôi), lúc cắt đoạn này, lúc bỏ đoạn khác, mà chẳng ai hỏi ý kiến tác giả cả, khi tác giả đã trở thành kẻ “có vấn đề” với chế độ.

Năm 1987-1988, lúc làm tạp chí Langbian của Hội Văn nghệ Lâm Đồng (Bùi Minh Quốc làm tổng biên tập, tôi là phó tổng biên tập kiêm thư ký tòa soạn), chúng tôi kiên quyết phản đối chuyện kiểm duyệt. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy yêu cầu duyệt trước nội dung nhưng chúng tôi chính thức trả lời bằng văn bản không chấp nhận. Mới ra số đầu tiên, Ban Tuyên huấn và Sở Văn hóa Thông tin tổ chức họp phê bình tạp chí nhưng không mời  chúng tôi dự. Họ phê phán:

-Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga mà không có khẩu hiệu chào mừng trên bìa báo, như vậy là “Langbian ở truồng chào mừng Cách mạng Tháng Mười”?!

-Bài thơ “Những cây thông kêu” của Thanh Thảo có câu:

Những cây thông ào vào tỉnh ủy
Xin đừng đốn chúng tôi.

Bọn văn nghệ sĩ, chúng nó ào vào tỉnh ủy làm gì? Định làm loạn hả? Ấy là nhà thơ  mới “xin” chứ chưa la hét phản đối gì cả.

-Bài thơ “Cảm xúc đi trên đường Nguyễn Trãi”của Đặng Thị Vân Khanh có câu:

Oan Ức Trai sáu trăm năm trước
Bọn gian thần đổi dạng vẫn còn đây.

Láo, xuyên tạc! Chế độ ta là chế độ dân chủ, làm gì có “gian thần đổi dạng”. Định ám chỉ ai đây? Các số Langbian tiếp theo đều bị cho là có “sai phạm” và “vấn đề nghiêm trọng”:

Kể từ khi nhóm “Nhân văn-Giai phẩm” bị đàn áp giữa thập niên 50, Langbian là tạp chí đầu tiên đã đăng lại thơ của một số thành viên trong nhóm này như Trần Dần, Văn Cao, Hữu Loan. “Đề cương đề dẫn ở hội nghị đảng viên bàn về sáng tác văn học” do nhà văn Nguyên Ngọc thay mặt  Đảng đoàn Hội Nhà văn  trình bày từ năm 1979 với quan điểm cấp tiến, nêu vấn đề xem xét lại phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, đã bị phê phán và cấm phổ biến, lần đầu tiên cũng được công bố. Tạp chí còn mở ra mục Diễn đàn, công khai phản đối việc chụp mũ chính trị trong phê bình văn nghệ.

Thế là sau 3 số, Langbian bị cúp giấy phép. Cuối năm 1988, chúng tôi tổ chức một chuyến đi xuyên Việt (có mời nhà thơ Hữu Loan cùng đi) từ Nam ra Bắc, liên kết với các Hội Văn nghệ  miền Trung để đòi tự do sáng tác, tự do xuất bản và báo chí, yêu  cầu đổi mới thực sự. Tôi còn viết ba bài báo phản bác một số luận điểm trong “Kết luận của Bộ Chính trị về một số vấn đề trước mắt trong công tác tư tưởng” cuối năm 1988 và bài diễn giải văn bản này của Trần Trọng Tân, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, đăng trên báo Nhân Dân ngày 24-12-88. Hai bài “Đổi mới, công khai và dân chủ”, “Tự do báo chí và sắp xếp lại báo chí” đăng được trên báo Đảng Lâm Đồng, do tổng biên tập lúc này tỏ ra đổi mới và trong tòa soạn có anh em tốt ủng hộ, tìm cách đưa bài vào lách khỏi kiểm duyệt, nhưng sau đó tổng biên tập này bị kiểm điểm và mất chức. Bài thứ ba “Động dao về chủ nghĩa xã hội và tự do tư tưởng” gởi nhiều nơi đều bị từ chối, mãi sau mới được đăng trên tạp chí Đất Quảng.

Do các chuyện này, Bùi Minh Quốc và tôi bị đưa ra kiểm điểm. Chúng tôi đấu tranh trong nội bộ Đảng hơn nửa năm, cuối cùng cả hai đều bị cách chức và khai trừ ra khỏi Đảng, riêng tôi còn bị trục xuất ra khỏi Hội Văn nghệ. Sau đó có chỉ thị (kiểu lệnh miệng) từ cấp trên cho các báo không được đăng bài viết của chúng tôi. Một số bạn quen trong ban biên tập các báo còn cho biết, không những không được đăng bài chúng tôi viết mà khi có bài nào khác nhắc đến tên chúng tôi cũng phải gạch bỏ. Thế là chúng tôi bị “bốc hơi”, thành “người vô hình” trong sinh hoạt văn học báo chí.

Bất đắc dĩ, chúng tôi phải gởi tác phẩm ra xuất bản và đăng tải trên báo chí nước ngoài. Năm 1994, NXB Thế Kỷ ở Mỹ in cuốn tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại của tôi. Sau khi sách phát hành được một tháng, Lê Đình Điểu, giám đốc nhà xuất bản trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê trên đài RFI có nói đại ý: Có thể có người thắc mắc tại sao Thế Kỷ lại xuất bản cuốn sách của một “người cộng sản” và ông đã giải thích lý do vì cuốn sách có mục tiêu góp phần tìm con đường dân chủ hóa cho Việt Nam nên những người chống cộng và những người còn là cộng sản cũng nên đọc. Sau đó sách được nhiều độc giả và một số nhà văn, nhà phê bình đón nhận. Một số người đã viết bài giới thiệu, phê bình sách với nhiều cảm tình như Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Trương Anh Thụy, Hoàng Khởi Phong, Tâm Việt, Hòa Vân, Đỗ Mạnh Tri… Năm 1997, NXB Văn Nghệ tái bản cuốn Nửa đời nhìn lại và đến nay sách đã tuyệt bản. Đến nay tôi đã có thêm 4 đầu sách xuất bản ở Mỹ: Hành trình cuối đông (Bút ký, NXB Văn Nghệ 1998), Trên cả hận thù (Tập truyện, Văn Học 2003), Mảnh trời xanh trên thung lũng (tiểu thuyết, NXB Văn Mới 2007), mới vừa phát hành là Tiếng chim báo bão (chính luận, NXB Tiếng Quê Hương 2009).

Như vậy có thể nói tôi cũng có đôi chút hiểu biết và kinh nghiệm bản thân về việc biên tập, kiểm duyệt và xuất bản qua nhiều giai đoạn và tôi suy nghĩ về những vấn đề này với tư cách một người trong cuộc. Có lẽ tôi và các bạn văn cùng chí hướng gặp khá nhiều khó khăn ở cả hai chế độ vì chúng tôi luôn đứng ở phía đối lập, đối kháng với nhà cầm quyền. Trong cuộc đời cầm bút của mình, chúng tôi xem chuyện sáng tác, ngoài việc thể hiện những tâm tình cá nhân còn là bày tỏ thái độ chính trị và là một phương tiện chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác dưới mọi hình thức. Trong hoàn cảnh lịch sử đã sống trải và bị chi phối mãnh liệt, đó là một lựa chọn tự do, một cuộc dấn thân nguy hiểm, đồng thời cũng bị ràng buộc, giới hạn bởi sự lựa chọn của mình. Sự lựa chọn đó có thể đúng hay sai, theo quan điểm của người khác hay cách nhìn nhận trong từng giai đoạn lịch sử, nhưng đó là một cách sống trung thực.

Pages: 1 2

Phản hồi