Về nơi hoang dã: Sáu tâm hồn Việt ở Tahoe…
APRIL is the cruellest month, breeding
Lilacs out of the dead land, mixing
Memory and desire, stirring
Dull roots with spring rain.
Winter kept us warm, covering
Earth in forgetful snow, feeding
A little life with dried tubers.
…
(T.S. Eliot – The Waste Land)
Tháng Tư là tháng tàn khốc nhất, sản sinh
trên dãy đất chết những bụi hoa tử dinh hương
Trộn lẫn dục vọng và ký ức, mưa làm sống dậy chùm rễ khô.
Mùa đông giữ ấm chúng ta, bao che
Mặt đất với lớp tuyết lãng quên, nuôi củ rễ khô cằn
bằng sự sống nhỏ.
…
Bài thơ The Waste Land (Miền Đất Hoang Phế -1922) của thi sĩ, văn sĩ, nhà soạn kịch Anh gốc Mỹ đa tài (ông đổi sang quốc tịch Ăng lê năm 39 tuổi, đoạt giải Nobel Văn chương năm 1948) T.S. Eliot (1888-1965) dài trên 430 dòng. Nhưng có lẽ câu được trích dịch nhiều nhất trong bài thơ là: “April is the cruellest month” Tôi xin mượn ý mấy câu ngắn ngủi đầu bài thơ này để dẫn nhập nỗi niềm của một tâm hồn lạc lõng nói lên sự tồn đọng khốc liệt của tháng Tư và sự tái sinh của mùa Xuân chưa đến (nhưng hy vọng sẽ đến). Trong mấy câu thơ tạp ghi sau đây xin được nhắc đến chuyện ký ức một lần nữa nhưng sẽ không quên gieo hạt cho mùa Xuân nẩy mầm.
Tháng Tư độc địa vừa qua
Đem theo nó mùa Xuân
Vội vàng
Chôn đi những ký ức
đen, đen tối…
Khi người ta lỡ dại, lỡ dại ở lại,
và người lỡ dại ra đi
nhưng không quên cội nguồn
của sự đau khổ
Băm tư (34) mùa Xuân năm cũ
Nhiều người hồ hỡi
Nhiều người tuyệt vọng
Ai người hy vọng?
Ai người hoang mang?
Bao nhiêu người xây dựng mãi một mùa Xuân không tới?
Mỗi năm định kỳ như kinh cầu hồn phải có
Lại nhắc đến chuỗi ngày
tang thương của kiếp người
Lớn lên trong lửa đạn
Một phần tư thế kỷ
Tôi hỏi:
Hằng triệu người
Hy sinh
Mạng sống
Để làm gì?
Rồi từng mùa Xuân đến
Đừng nên tưởng nhớ
Cớ sao ăn mừng
Mấy mươi năm vùi dập cơ thời?
Thờ ơ mãi tháng ngày dằng dặc
Thời gian chẳng vô tình
Hãy chết tiệt đi cột mốc tàn bạo
Làm ngã rẽ chia cắt Người Việt
Nhiều chốn tha hương?
Bỗng dưng tôi chợt nhớ
huyền sử Âu Cơ
50 người con lên non
Năm mươi người con xuống biển
Ra đi, ra đi mãi
Như những dòng sông chảy vào đại dương
“Bố ơi về cứu chúng con!”
Mấy vạn nghìn năm trước Lạc Long Quân hẹn
Sẽ trở về.
Dường như tôi còn nhớ
Một mùa Xuân xa lắm
Xôn xao, xôn xao
Một chiến thắng bất ngờ
Phủ lên đầu con dân
Sống cũng dở mà chết cũng dở
Hai mươi sáu năm trước
Một nửa hình hài ngỡ đã chết đi
Bỗng dưng sống lại
Kéo cả một miền đất nước đứng dậy
Đổi mới…
Rồi bao nhiêu năm sau
Cả miền đất nước sẽ đứng dậy
Đổi mới?
Làm sao cho tôi quên
Làm sao cho tôi quên
Thân phận Việt
Nửa đời còn lại tìm hạnh phúc?
Hôm nay chúng tôi tìm về
Vùng cao nguyên Tây Bắc Mỹ
Lake Tahoe nơi cô đọng tình thương
Của những kiếp lạc loài
Tìm hơi ấm tình người
Trong những mảng tuyết loang lỗ
Còn vương vãi trên ngàn
Thái Anh (Đầu tháng Năm, 2009)
Tháng Tư khốc liệt còn đau đáu trong lòng những mặc cảm bất lực và nỗi đau triền miên của nhiều mất mát: mất biển, mất đất, mất chủ quyền, mất đảo, từ cao nguyên cho đến chuyện khai thác Bô xít cũng như sự tràn ngập công nhân và đội quân thứ Năm của Trung quốc sang Việt Nam, thì ngược lại tháng Năm, từ bên kia bờ đất nước (Thái bình Dương) diệu vợi xa cách đã mang lại những đàn anh chùng một tơ lòng, đến chia sẻ và cảm thông nỗi niềm đau buồn của người Việt với nhau.
Trước tiên là anh chị Tiêu Dao Bảo Cự, bất kể chuyện chăm chú, thăm dò của nhà nước trước khi cho ra đi, rốt cuộc hai vợ chồng đã được toại nguyện, sang đến Mỹ bình an vô sự. Sau cùng, một người anh muộn màng, hiền từ, kể chuyện năm 2000 (Chuyện Kể Năm 2000) từ dạo nào. Nhận mình là người viết văn, nhưng không bao giờ tự cho mình là một người làm chính trị. Bùi ngọc Tấn, một đàn anh Hải Phòng truân chuyên bao nhiêu năm, bây giờ người hải ngoại mới được nhận diện. Chờ anh từ năm ngoái, nhưng anh không qua vì nước Mỹ rộng lớn không có người đẫn đường, đến bây giờ hội ngộ trùng phùng, lần đầu chúng tôi mới có dịp đưa anh đi chơi San Francisco cùng anh Nguyễn chí Thiện, một ngục sĩ gần nửa đời bị giam hãm tuổi thư sinh trong cay nghiệt của Cộng sản.
Một người văn nghệ và tâm giao khác, đạo diễn Trần văn Thủy (Hà Nội Trong Mắt Ai, Chuyện Tử Tế), một người cũng đang chán đời vì chuyện đất nước, cũng đã đến Mỹ tuần trước. Anh Trần văn Thủy và anh Hoàng Khởi Phong (Người Trăm Năm Cũ, Cây Tùng Trước Bão), một nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng của miền Nam, Nam Cali và hải ngoại hiện nay, tuy quen biết nhau trong vòng 5, 6 năm nay nhưng không phải bỗng dưng mà hai anh trở thành bạn cố tri, nếu không cùng một nhịp cầu tri âm.
Hai ông anh định bù khú với nhau, xa lánh chuyện đời, xa lánh đám đông ồn ào náo nhiệt, đang có xu hướng cố thủ miền Nam (Cali) cố định một chỗ không đi đâu, khiến tôi phải thuyết phục hai anh lên vùng Vịnh Nam Tào Bắc Đẩu một chuyến cho bằng hữu có cơ hội gặp gỡ, hàn huyên, thế mà vẫn chưa có gì ghê gớm hấp dẫn lắm, hai anh vẫn bình chân. May thay, trong hai người chưa có người nào đã đi thăm vùng Bồng Lai tiên cảnh ở Lake Tahoe, nên khi nghe tả cảnh thiên nhiên hoang sơ và một hồ nước to trong, xanh leo lẻo giữa vùng đồi núi, họ bèn nhận lời ngao du một chuyến.
Thế là sau đó mọi chuyện trôi chảy, đã có căn nhà chòi lý tưởng của chị Tuyết trên Lake Tahoe, đủ yên tĩnh cho một cuộc retreat (tĩnh hội) xa lánh hồng trần. Đêm thứ Bảy là một buổi họp mặt ở tệ xá với một số bạn bè thân hữu. Sau một đêm chuyện trò cho đến khuya với biệt tài kể chuyện thu hút của anh Thủy, ngày hôm sau hội chúng tôi lái chiếc xe van do Hạnh, một giáo sư Việt ngữ ở đại học Berkeley cho mượn, chở đúng 6 người trong nhóm lên đường. Đây là một con đường thân thuộc mà tôi và nhiều người bạn đã chạy qua hàng trăm bận đi ski nhiều mùa Đông. Họa chăng kỳ này không có ai hăm hở chuyện trượt tuyết, thời gian và tâm trạng luống vô tình! Còn đâu những ngày không vướng bận ưu sầu Việt Nam?
Hội chúng tôi gồm đạo diễn Trần văn Thủy, nhà văn Hoàng Khởi Phong, anh chị Tiêu Dao Bảo Cự (Nửa Đời Nhìn Lại, Mảnh Trời Xanh Trên Thung Lũng), chị Nguyễn Bạch Yến, người bạn đồng hành kiên trường của anh Cự, chị Trần Khánh Tuyết, một người làm chuyện xã hội cho Việt Nam nhiều thập niên nay và tôi, Nguyễn- Khoa Thái Anh, dạy học.
Chúng tôi những người có những gốc gác hoàn toàn khác nhau: Anh Trần văn Thủy, sống cả đời ở Việt Nam, khoảng hai thập niên sau này, du lịch, làm công tác quay và trình chiếu phim anh nhiều nơi trên thế giới; anh Tiêu Dao Bảo Cự, lần đầu tiên sang Mỹ, là một người Huế ở miền Nam, theo lý tưởng cách mạng, chống chiến tranh, chống quân đội Mỹ đổ bộ Việt Nam, theo Mặt Trận Giải Phóng (giúp nhiều người miền Nam sang Mỹ và 5 châu) sau này mới vỡ mộng, nhận thực mình giúp cho một chế độ tồi tệ hơn miền Nam gấp bội phần.
Khi còn học ở Đại học Berkeley, tôi đã biết đến chị Tuyết và ông chồng hiền lương của chị, Chris Jenkins, nhưng thời đó Việt Nam chưa mở cửa và nhiều người như chị Tuyết cũng chưa mở mắt, cho nên chúng tôi dù quen biết nhưng ít giao du vì tôi còn nguyền rủa bóng tối, hờn giận sự ngây thơ và hồn nhiên của những tâm hồn quảng đại (Việt kiều yêu nước). Ngày nay chúng tôi đều chia sẻ chuyện cải tổ Việt Nam.
Thời đó anh em sinh viên chúng tôi chống Cộng hơi tận tình. Tôi không nghĩ bản chất mình đã thay đổi theo thời gian, nhưng một hôm ở Hà Nội trong quán Nghệ sĩ ở phố Hai Bà Trưng, anh đạo diễn Đặng Nhật Minh, Nguyễn quí Đức, Gerry (chủ quán) và tôi ngồi nói chuyện. Không nhớ rõ chúng tôi nói nói chuyện gì, bỗng dưng khi Gerry vừa bước đi, Nguyễn Quí Đức quay sang anh Minh, mách: “Ông Thái Anh này ngày xưa chống Cộng ghê lắm, chắc gì đã chịu về Việt Nam giao lưu?”. Thú thật tôi ngượng cũng hơi chín cả người. Ai lại dám “tố cáo” một thằng hiểu biết như tôi là cực đoan? Làm thế nào tôi có thể cố chấp đến độ không chịu về Việt Nam, không chịu tìm hiểu dân tộc mình! Láo thật!
Từ nhà chị Tuyết ở Berkeley, chúng tôi trực chỉ xa lộ 80 đến gần Sacramento lấy Freeway 50 đi mạn Nam Hồ Tahoe (South Lake Tahoe), chạy khoảng tiếng rưỡi đồng hồ trên đường đèo 50, xuyên qua những thành phố nhỏ và những con rừng thông, rồi đến những cao nguyên, đồi núi chập chùng. Khi qua đèo cao thuộc dãy núi Sierra Nevada, nhìn xuống thung lũng, anh chị Bảo Cự không ngớt lời ngợi khen cảnh đẹp, tuy rằng hai người là dân Đà Lạt. Cả thảy, chúng tôi mất khoảng 3 tiếng lái xe từ vùng Vịnh để đến trung tâm thành phố Lake Tahoe. Căn nhà gỗ xinh xắn của chị Tuyết nằm trên đường 89 cách trung tâm phố xá chỉ khoảng 7,8 phút lái xe. Chị Tuyết rất chu đáo dễ thương, ghé chợ Raley’s gần nhà, mua ít lương thực về nấu cơm, cho tôi đưa các anh Phong, Thủy, Bảo Cự và chị Bạch Yến đi ngoạn cảnh.
Theo thiển ý, Lake Tahoe đẹp nhất vào mùa Đông, vạn vật phủ một lớp tuyết trắng, khoác lên sự sống mới, mát mắt và nổi bật. Thiết nghĩ, không phải đây là tư duy của giai cấp bourgeois, tư sản. Bởi vì anh Thủy, một người đã du lịch nhiều xứ tuyết, trong khi chúng tôi đi quanh hồ tìm chất xốp trắng, đã thốt lên: “Ở miền tuyết đẹp thật, nhưng thực sự sống vào mùa Đông trong những cơn bão tuyết lầy lội mới biết cái khổ sở của tuyết!”
Ngoài kia, những mảng tuyết cũ còn vương vất hai bên đường, trên bệ núi. Có nhiều ngọn núi ở phía Tây hồ tuyết còn phủ trắng xóa, không gian còn ươm ướp lạnh, trời trong xanh, những loài thông trường sinh cành lá xanh rờn, và nhiều cây có sợi lá thẫm đậm. Không khí mát rợi, nắng ấm mơn man, tràn ngập lối đi. Khi chúng tôi vừa đến bãi Baldwin ở mạn Tây Lake Tahoe thì cũng đã hơn 4 giờ chiều. Lái đến chòi canh, tôi định trả 7 đô để lái ra bãi, gặp phải ông Mỹ quản lý rừng tử tế, khuyên chúng tôi đậu xe ở bên ngoài và đi bộ vào bãi, khoảng 1/4 dặm phía trước, như thế tốt, tiết kiệm và bảo trì thiên nhiên cho bãi hơn. Anh Bảo Cự, người sống ở cao nguyên Trung phần, hình như đang nghĩ đến chuyện Bô Xít đe dọa môi trường sống của mình nên đã thốt lên: “Khi nào thì Việt Nam mới biết bảo vệ môi trường?”.
Tiếng chân chúng tôi khua trong không gian tĩnh mịch và hoang vắng. Tiếng côn trùng rả rích chung quanh tạo nên một âm ba thời gian êm trôi bất tận. Cuốc bộ nói chuyện thật thú vị, qua những lời khen đế quốc Mỹ rộng lớn, các anh hình như có ý so đo với chuyện hụt hẫng về môi sinh tại Việt Nam, cưa cây đốn rừng, phá hoại mội trường của người Việt, từ chuyện xả rác, cho đến cảnh quang ô nhiễm. Từ những con gấu grizzly bears cho đến cây cối, bầu trời, hình như cái gì của Mỹ cũng vĩ đại (có thể như thế được không?). Tiền thuế của dân (người Mỹ ghét thuế, nhưng họ sẵn sàng đóng vì được thụ hưởng những công ích như đường xá, các công viên, biển, nơi cắm trại…)
Sau đó chúng tôi đi thăm Vịnh Emerald Bay và một cái đảo đá núi duy nhất, (Fannette Island, còn gọi bằng nhiều tên như Emerald Isle) nằm chơ vơ giữa hồ, ở trên có một dinh thất (Tea House) do một bà nhà giàu Mỹ (bà Knight) xây vào khoảng 1928-1929. Muốn thăm đảo này (mở cho du khách từ 15 tháng Sáu cho đến đầu tháng 2 mỗi năm) này phải đi bằng tàu máy. Căn nhà Teahouse này hiện nay bỏ hoang và bị nhiều kẻ phá hoại, trộm và lột sạch đồ nội thất.
Pages: 1 2