WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nguyễn Chí Thiện trong “Đêm giữa ban ngày”

Vũ Thư Hiên: Người bạn tù thân thiết của tôi, anh Nguyễn Chí Thiện đã trút hơi thở cuối cùng lúc 7 g 17 phút sáng ngày 2 tháng 10 – 2012, ở xa quê hương mà từng phút từng giây anh hướng về. Chúng tôi có với nhau nhiều kỷ niệm, của đời tù cũng như của cuộc sống ngoài đất nước. Anh là nhà thơ bất khuất của “phe nước mắt” (chữ của nhà thơ Dương Tường). Khóc bạn, tôi chia sẻ vài dòng hồi ức về anh để các bạn hiểu thêm về con người đáng kính, và hơn nữa, đáng yêu này.

—————————————-

Nguyễn Chí Thiện (1939-2012)

Cán bộ giáo dục trại tên Bưởi cũng nương nhẹ đối với những người cộng sản Trung Quốc thuộc “vụ Quảng Ninh”.

- Họ giữ tư cách đàng hoàng lắm – Bưởi nhận xét – Đáng phục.

- Căn cứ tuổi họ thì đây là những người đã tham gia giải phóng Trung Quốc. – tôi nói – Vào thời gian đó chỉ những người có tư cách mới lãnh đạo được quần chúng.

Những người cộng sản này đến Việt Nam bằng con đường khá vòng vèo. Khoảng đầu thập niên 60, tôi không còn nhớ rõ năm nào, vùng Hoa Nam bị lâm vào một nạn đói cực kỳ khủng khiếp. Người chết đầy đường. Dân đói ùn ùn kéo đi Hồng Kông, nghe nói cả triệu người. Chính quyền Trung Hoa lục địa không tài nào ngăn nổi một cuộc di dân ồ ạt như thế. Nó không thể xảy ra nếu không được những người dày kinh nghiệm đấu tranh lãnh đạo. Chính những người cộng sản địa phương đã tổ chức cuộc chạy trốn ấy. Chính quyền Hồng Kông giam dân di tản lại rồi báo cho Bắc Kinh biết. Bắc Kinh tuyên bố: “Không hề có chuyện các công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bỏ chạy tới Hồng Kông”. Đảo quốc Đài Loan giang tay đón những đứa con đói khát của tổ quốc, nhưng không phải chỉ vì tình thương, mà còn vì những mục đích chính trị – họ nghĩ tới những đội biệt kích rồi đây sẽ được phái về “giải phóng tổ quốc”. Những người cộng sản được lọc ra, được huấn luyện, rồi được bỏ lên những con thuyền buồm, nhằm hướng Hoa lục. Không hiểu la bàn hỏng, thuyền trưởng tồi, hay vì những trục trặc nào khác, nhưng họ lại cập bến Quảng Ninh sau một cơn bão, tưởng mình đã ở trên đất đai của tổ tiên.

Tôi hỏi một cựu bí thư huyện ủy (huyện của Trung Quốc to bằng tỉnh của ta):

- Anh thất vọng về chủ nghĩa cộng sản, và chống lại nó?

- Đâu có. Tôi vẫn thích chủ nghĩa cộng sản. Tôi vẫn tin chỉ có nó mới mang lại cho chúng tôi công bằng và hạnh phúc.

- Thế mà anh đã ra đi khỏi nơi đang xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Tại sao?

- Mao Trạch Đông không phải cộng sản. Tôi có trách nhiệm trước dân chúng mà tôi lãnh đạo. Họ đói. Đã có những người chết. Chủ nghĩa cộng sản thì xa. Nồi cơm gần hơn.

Anh Nguyễn Chí Thiện, một tù nhân có thâm niên đáng kính, một nhà thơ được ưu ái trong tầng lớp trí thức của xã hội tù, bĩu môi:

- Các anh nói thối bỏ mẹ: “trách nhiệm trước dân chúng mà tôi lãnh đạo”. Dân chúng chẳng cần tới sự lãnh đạo của các anh. Vì các anh dân mới đói. Vì các anh dân Trung Quốc mới thân tàn ma dại.

Ông bí thư huyện, anh hùng lao động nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhìn Thiện, nín lặng.

Những người cộng sản Trung Quốc sống trong nhà tù Việt Nam như khách. Họ chỉ quan tâm tới tình hình Việt Nam trong chừng mực những gì liên quan tới họ. Ngoại giả, họ mặc. Là tù đấy, nhưng họ không quỵ lụy cán bộ trại, cũng không hòa nhập với cộng đồng tù Việt. Cán bộ có quát nạt họ cũng giả vờ điếc, không nghe thấy, không hiểu. Thỉnh thoảng hứng lên họ hát đồng ca những bài hát cách mạng của Trung Quốc, như bài “Xì lai!” mà chúng tôi cũng biết. Hoặc “Quốc tế ca”. Nhưng không bao giờ họ hát bài “Đông phương hồng” . mặt trời lên. Trung Hoa chúng ta có Mao Trạch Đông!”.

- Nạn đói là kinh niên đối với một nước như Trung Quốc. – tôi nói với Thiện – Không phải những người cộng sản là nguyên nhân duy nhất. Thời Tưởng, tôi biết, nạn đói còn xảy ra nhiều hơn. Hãy nhớ lại bọn Tàu phù sang ta năm 1945. Không phải chỉ đói, mà còn man rợ nữa…
Thiện trợn mắt nhìn tôi. Anh không thích một câu đế ngang xương như thế. Với anh, cộng sản là xấu, là tồi tệ, là kinh tởm, chấm hết. Không một cái gì của cộng sản có thể là tốt. Cái cách tôi đánh đồng loạt chính quyền Thưởng Giới Thạch với chính quyền Mao Trạch Đông như thế là không được. Không hiểu sao anh vẫn chấp nhận tôi như một ngoại lệ.

Nguyễn Chí Thiện làm nhiều thơ. Chiều chiều chúng tôi tụ họp nhau ở sau trại ngắm hoàng hôn, uống trà và nghe thơ. Nhìn cảnh những Kiều Duy Vĩnh, Nguyễn Chí Thiện, Lê Trình, Văn Thợ Mộc, Phổ Gián điệp, Tôn Thất Tần… kẻ đứng người ngồi trong ráng chiều bàng bạc của một vùng rừng núi âm u bắt đầu ngả sang màu tím, tôi nhớ tới bức tranh nổi tiếng Những Người Tháng Chạp trong cảnh lưu đầy ở Sibir thời Sa hoàng.

Những bài thơ của Nguyễn Chí Thiện không hợp với tạng tôi. Thơ của anh trần trụi, bỗ bã, nói thẳng vào vấn đề, mà tôi thì lại thích thơ gợi, thơ kích thích trí tưởng tượng, thứ thơ cho phép người đọc được tham gia thêm vào cái đã có sẵn trong bài thơ, câu thơ, một chút tâm hồn mình. Nhưng cũng có bài của anh đọng lại trong trí nhớ:

Không có chỗ trên con tàu Trái đất
Tôi là người hành khách bơ vơ.
Lỡ chuyến, lầm ga, mất cắp, bây giờ
Tôi ủ rũ trên sàn toa lạnh ngắt,
Cái toa đen dành cho súc vật.

hoặc:

Người xưa ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Rồi cúi đầu thương nhớ cố hương…
Còn tôi đây ngẩng đầu nhìn nhện chăng tơ vướng
Rồi cúi đầu nhặt hạt cơm vương…

Cao lênh khênh giữa các bạn tù, Nguyễn Chí Thiện nhìn đời qua cặp kính trắng mà đàng sau chúng là cặp mắt lồi ngơ ngác. Bộ quần áo trại phát, dự tính cho người tù có chiều cao trung bình, quá cũn cỡn trên người anh, làm thò đôi cẳng chân khẳng khiu ra ngoài. Thiện không bao giờ đi dép, tứ thời anh diện đôi guốc mộc tự đẽo, làm anh cao thêm mấy phân nữa. Thiện không phải là người tù bướng bỉnh, chống đối bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào. Anh còn thuộc loại hiền lành nữa là khác. Có vẻ lúc nào anh cũng ngơ ngác, cũng ngạc nhiên trước cuộc đời bụi bặm và uế tạp. Anh ghê tởm nó, nhưng cũng không có ý định dọn dẹp nó hay sửa chữa nó. Nói tóm lại, anh chẳng gây sự với cán bộ trại giam. Nhưng đó là một người tù không thể bẻ gãy. Tinh thần bất khuất trong những người tù không biểu hiện ở thái độ ngang tàng mà ở thái độ bất cần, thái độ khinh mạn.

Có lần đi lao động về tôi thấy Nguyễn Chí Thiện đã bị khóa cánh tiên ngoài cổng trại. Trông anh như bộ xương người trong giờ học cách trí – lồng ngực ưỡn ra nhìn rõ từng rẻ sườn. Nhìn thấy tôi Thiện mặt đỏ gay còn cố mỉm cười thay lời chào.

Trình Hàng Vải thì thào với tôi:

- Chúng nó bắt được mấy bài thơ của Thiện.

Những người tù số lẻ lặng lẽ đi ngang bạn mình đang bị hành hạ. Mặt họ đanh lại. Tôi nghĩ: chỉ cần nhìn thấy cảnh này chứ không cần nếm nó người dân cũng khó mà yêu được chế độ.

Kiều Duy Vĩnh đánh giá cao cái ngoại lệ mà người tù chống cộng đến cùng dành cho tôi:

- Thiện nó tin anh lắm đấy! Mà cũng trọng anh lắm đấy! Nếu không nó chẳng đọc thơ cho anh nghe đâu.

Tôi hiểu Kiều Duy Vĩnh quý tôi. Trong cái sự trọng tôi của Nguyễn Chí Thiện có ảnh hưởng tình cảm của Kiều Duy Vĩnh dành cho tôi. Nhưng không có Kiều Duy Vĩnh thì Nguyễn Chí Thiện cũng vẫn tin tôi không làm ăng-ten. Những người tù trí thức khác cũng tin như vậy.

Nguyễn Chí Thiện có trọng tôi hay không là chuyện không quan trọng. Trong tù tôi học được cách sống tự tại, mặc kệ người ta nghĩ về mình thế nào. Tôi mãi mãi vẫn là tôi, không phụ thuộc vào sự đánh giá của bất kỳ ai.

Trích từ “Đêm giữa ban ngày”/ Facebook Vũ Thư Hiên

 

6 Phản hồi cho “Nguyễn Chí Thiện trong “Đêm giữa ban ngày””

  1. Trung Kiên says:

    Cám ơn ĐànCimViệt.Info và tác giả Vũ Thư Hiên

    Qua bài viết này tôi hiểu rõ hơn về nhà thơ (và cũng là ngục sĩ) Nguyễn Chí Thiện, và cũng nhân đây tôi mới biết về Kiều Duy Vĩnh.

    Chứng nhân Cổng trời Phaolô Kiều Duy Vĩnh đã được Chúa gọi về

    Tiếc thay, ông Vĩnh cũng đã từ trần vào ngày tam thất (thứ 7, ngày 7, tháng 7 năm 2012). Thế là hai chứng nhân “Cổng Trời” là Kiều Duy Vĩnh và Nguyễn Chí Thiện đều đã qua đời chỉ cách nhau mấy tháng. Nhưng hai người lại có những điểm giống nhau là;

    Khi sống thì cùng tù chung một chỗ
    Lúc cuối đời thì cùng là nhân chứng của Đức Kitô

  2. Trọng Đạt says:

    Nhà thơ Nguyễn chí Thiện là một người văn nhân đáng kính
    Trong số những người phản tỉnh, ông là người chân thật nhất
    Sự ra đi của nhà thơ để lại biết bao thương tiêc cho những người yêu nước ở Việt Nam cũng như tại Hải ngoại
    Những áng thơ tranh đấu của ông có sức mạnh không thua gì những cuộc biểu tình của hàng nghìn người tham dự
    Những người còn ở lại trần gian xin vĩnh việt nhà thi sĩ
    Chẳng biết nói gì nhiều hơn
    Trọng Đạt

  3. NguyenChiThien says:

    Nguyễn Chí Thiện đến quỳ mọp trước mặt Diêm Chúa khấn đầu khiếu kiện:

    -“ Bẩm Ngài tôi có chuyện khiếu kiện.”

    Diêm Chúa phán :

    -“ Nhà ngươi là ai ? trên dương thế làm
    nghề gì báo tên họ trước khi khiếu kiện“
    -“ Bẩm Ngài tôi tên Nguyển Chí Thiện, nghề nghiệp ngục sĩ ‘ làm thơ trong tù’ vì tôi bị bỏ tù suốt 27 năm với tội danh vô cớ ‘Ăn Bám Nhân Dân’ “.

    Diêm Chúa mặt lộ nét hung quang phán:

    -“ Ai bỏ tù ngươi bấy nhiêu năm với tội danh mù mờ vô luật vô lý như thế?”

    -“ Dạ bẩm bọn tòa án nhân dân của nước cộng sản Việt Nam”

    Diêm Vương hỏi tiếp :” Lúc ngươi ở tù ai cầm đầu đảng cộng sản Việt ?”

    -“ Dạ bẩm Ngài là ông Hồ Chí Minh tên thật là Nguyển Tất Thành.”

    Diêm Chúa kêu một tên quỷ thân người đầu dê kề tai nói nhỏ chỉ nghe được câu đầu :

    -“ Ngươi dẩn người này đến . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . “

    Tên quỷ đầu Dê đến trước NCThiện ra hiệu đứng dậy đi theo y,
    Đi một lúc lâu quanh co trong các từng địa ngục đầy bọn tù than khóc, nhiều khu bị hành hình, tên quỷ chỉ họ nói:
    -“ Bọn này giết dân vô tội thời Tết Mậu Thân tại thành phố Huế”

    Đến một tầng lửa nóng chỉ các tội nhân đang bị nhốt chung quanh lò lửa hắn nói tiếp:” Khu này cho các tội trọng giết dân vô tội trên vạn người , tên quỷ dừng lại trước mặt một người nói:

    - “Đây là Nguyển Tất Thành, kẻ ra lệnh giết người tết Mậu Thân, cũng là người gật đầu cho lệnh giam ngươi “

    Nguyển Chí Thiện nhìn NTThành hỏi :” Ông là Hồ Chí Minh?”

    -“ Tôi là Thành đây xin ông thứ lổi bọn Duẩn Chinh đã ra lệnh giam ông tội danh vô lý, xin ông đừng khiếu kiện tôi sẽ ở hỏa ngục thêm ngàn năm nữa khổ lắm ông ạ”.

    Nguyển Chí Thiện lắc đầu :” Tôi bị tù oan còn ông bị tù hỏa ngục là đáng lắm, tội trọng giết hàng vạn người hại dân bán nước và giết cả người con gái có con với ông. . . sao tôi có quyền gì tha cho ông chứ ? ”.

    Tên quỷ dẩn NCThiện trở lại điện Diêm vương, quay nhìn lại thấy già Hồ chỉ còn da bọc xương đang ôm mặt khóc./.

  4. Phan BA says:

    Có những nhân chứng như vầy thì ông này là Nguyễn Chí Thiện thật; có lúc người ta đồn ông này là NCT giả.

    Tôi thật hâm mộ NCT.

    • LẠI MẠNH CƯỜNG says:

      Nói trộm linh hồn ông Nguyễn Chí Thiện, chứ chuyện ông Thiện tranh cãi với đám người khăng khăng “chối bỏ” ông là tác giả những bài thơ trong tập thơ không đề, sau này có người đặt tên là HOA ĐỊA NGỤC, hay TIẾNG VỌNG TỪ ĐÁY VỰC …, tôi nói ngay ban đầu là, VÔ BỔ, KHÔNG CẦN THIẾT !

      Ông Thiện đã có một VỊ TRÍ VỮNG CHẮC trong văn đàn hiện đại, nhất là trong lòng cộng đồng người Việt hải ngoại, ngay từ thuở người ta chưa biết ông là ai ? Chỉ biết một thi sĩ vô danh, bị đoạ đày trong ngục tù CS, và biết đến ông là nhờ nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc một số bài thơ chọn lọc trong tập thơ vô đề trên, gọi là NGỤC CA; sau đó ông Phạm Duy, có khi đi cùng cô con dâu cũ là Julie (Quang), đi hát dạo khắp nơi có cộng đồng người Việt lưu vong chống Cộng, vào khoảng năm 1980.

      Ngục ca gồm cả thảy 17 ca khúc: Từ vượn lên người, Đảng đày tôi, Ngày 19 tháng 5, Xưa Lý Bạch, Những thiếu nhi điển hình cho chế độ … Chính những bài nhạc này đã đem thơ Nguyễn Chí Thiện lại gần thêm và thấm sâu trong quần chúng. Phạm Duy là con người thương mãi, ông đã thu băng cassette các bài hát trên để tung ra thị trường và bà con mua ủng hộ tấp nập. Chúng tôi cũng sở hữu một cassette đó và nghe mãi không biết chán, bởi càng nghe càng thấm thía hết sức.

      Chẳng hạn bài hát TÔI LÀ VÔ ĐỊCH (còn nhớ đại khái)

      Tôi có thể ăn vài cân sắn sống
      Nhai ngon lành như kẹo súc-cu-la
      Bạn bảo tôi tài hơn cả lợn a !
      KHÔNG TÔI ĐANG SỐNG TRONG TRẠI GIAM VIỆT CỘNG

      Chỗ tôi nằm sáu mươi phân chiếu rộng
      Giữa hai người một hủi một ho lao
      Bạn hỏi tôi còn biết phải làm sao
      VÂNG TÔI ĐANG SỐNG TRONG TRẠI GIAM VIỆT CỘNG

      Đông giá rét …. (quên)
      Đứng trân mình vớt nứa giữa giòng sông
      Bạn hỏi tôi xương sắt với da đồng
      KHÔNG TÔI ĐANG SỐNG TRONG TRẠI GIAM VIỆT CỘNG

      Trời đất ơi, một bản cáo trạng đầy đau thương, nhưng hào hùng biết mấy, của những người trong ngục tù Cộng Sản. Giá trị của nó bằng hàng vạn hàng triệu các bài bình luận tố Cộng, nhản nhản ở khắp nơi trên thế gian này.
      Sự thật được bóc trần thật sống động, đến tôi là một cựu tù cải tạo CS sau khi miền Nam thua trận, cũng phải nghẹn ngào rơi lệ, mỗi khi nghe hát và lòng căm thù CS trào dâng.

      Nói tới thơ chống Cộng của Nguyễn Chí Thiện ngày này tháng nọ không dứt; còn nhân chứng sống chứng minh đó là con đẻ trí não của ông cũng không thiếu. Cho nên thi sĩ bận lòng đôi co làm chi với những kẻ có mắt như mù, có tai như điếc, có não như không … , nhất quyết cho ông là thứ đồ mạo hóa. Có vị giáo sư đại học, được xem là học giả Việt học, lại có lúc cả quyết đó là những vần thơ của Lý Đông A, thủ lãnh đã biệt tích của đảng Duy Dân từ thập niên 40.

      Thôi thôi, ta cũng nên xếp lại mọi chuyện thị phi nhảm nhỉ lại, hãy cầu nguyện cho hương hồn thi sĩ sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc.

      Lại Mạnh Cường

Leave a Reply to xoathantuong