9 con đường Liên-Âu: Thâu cả châu về một mối [3]
Ký Sự Tản Mạn Hè 2013
HỒI MỘT : THĂM NƯỚC PHÁP
Hóng Gió Ngoài Bãi Biển LE GRAU-DU-ROI
Thăm cổ thành Nîmes như vậy là tương đối khá đầy đủ. Chúng tôi ra xe để lái đến bãi biển Le Grau-du-Roi vào buổi chiều, nhưng trời mùa hè còn nắng và sáng lắm! Anh Paul lái chừng 45 phút là ra tới biển. Le Grau-du-Roi là một thành phố nhỏ, chưa tới một chục ngàn dân, nhưng có được hai bãi biển và một làng đánh cá sầm uất. Đường vô bến tàu rất hẹp, du khách phải đậu xe bên ngoài rồi đi bộ vô làng. Phải băng qua một cái cầu quay. Tới giờ tàu đánh cá về bến thì cầu được điều khiển quay thành 90 độ để có đường cho tàu đi qua, còn người ta và xe cộ phải đứng chờ. Tàu cá vô trước, bộ hành nối bước theo sau.
Dọc theo hai bên thủy lộ là các dãy nhà gạch, cũ kỹ, cao không quá ba tầng đã được xây cất gần một trăm năm nay. Le Grau-du-Roi ban đầu chỉ là một làng đánh cá nhỏ vào cuối thế kỷ 19 bởi các di dân người Ý. Và vì nhờ có bãi biển tốt dài đến 18 km, nên đầu thế kỷ 20 thiên hạ tụ lại thành một nơi nghỉ hè/mát lý tưởng. Khách sạn mọc cao sáu bảy tầng ngay trước mặt bãi.
Tôi thích ngắm cảnh tàu cá về bến vào buổi chiều tà. Từng đàn chim hải âu bay lượn sau đuôi tàu để chờ ngư phủ quẳng cá hư thúi xuống nước. Mùi cá tanh trộn lẫn tiếng chim đang tranh giành, tạo thành một cảnh tượng sinh tồn tự nhiên. Bối cảnh này được phụ họa bằng một điệu nhạc hoà tấu thật chói tai, nhưng tất cả khách vãng lai đều muốn dừng chân đứng lại để thưởng thức.
Qua cầu quay rồi, đi dọc theo thủy lộ độ 500m là ra tới bờ biển. Bãi biển thật diệu hiền vì ít song. Người tắm biển không đông mặc dầu trên bãi khá nhộn nhịp. Tôi thử dọc nước. Ồ nước còn lạnh quá! Hèn gì ít người xuống tắm biển. Anh Paul còn cho biết, vì bờ biển khá dài và có nhiều cồn cát khuất nẻo, nên nếu lái xe lên phía tây của làng chài thì có vài bãi tắm khoả thân. Ảnh hỏi muốn đi xem khoả thân nữa không? Kỳ này là tượng thịt da, chớ không phải là tượng đất đá như ở Les Jardins. Nhưng tất cả chúng tôi đều mệt mỏi quá rồi vì đi bộ cả ngày, từ sáng đến chiều, nên tôi xin khất lại kỳ sau. (Thật ra, trong bụng tôi nghĩ khác: ông già Paul đang mắc bịnh tim, đi chơi thường kéo theo ông già bác sĩ Khương đi kèm. Nhỡ ông Paul có bề gì thì đã có ông Khương cứu thương kế bên. Hai ông này mà gặp một rừng da thịt, lỡ lên cơn giật nguy kịch cùng lúc thì làm sao tôi cứu cho kịp! Chớ tôi đâu có mỏi mệt gì đâu mà từ chối đi xem bãi biển khỏa thân).
Trên đường trở về chỗ đậu xe, dọc theo thủy lộ, quán ăn đồ biển (sea food), các tiệm bán quần áo và sản phẩm kỷ niệm mọc lên như nấm để cung ứng nhu cầu cho du khách. Mấy tay ngư dân, mặt mày sạm nắng, vẻ mặt khắc khổ, xăm mình đầy chỗ, ngồi cạnh chai bia trông thật thư giãn! Tự nhiên tôi chợt nhớ đến cuộc đời và số phận của ngư phủ ViệtNam.
Ước gì cuộc sống của ngư dân người Việt tại làng Lý Sơn (tên cũ là Cù lao Ré ở miền Trung) cũng được thoải mái bằng một ly bia như các ngư dân đồng nghiệp tại làng Le Grau-du-Roi. Ngư dân ViệtNam luôn sống trong phập phồng bởi các ‘tàu lạ’ (made in China).
Trên đường trở về khách sạn sau một ngày thật dài thưởng ngoạn, tôi miên man liên tưởng tới chuyện của xứ người, rồi của xứ cũ của mình! Ngày mai, chúng tôi rời miền nam nước Pháp để thăm lại kinh đô Paris trên miền bắc. Thành thật cảm ơn anh Khương và anh Paul. Nhiều thật nhiều. Những người bạn nối-vòng-Trăm-Việt tuyệt vời! Chúng tôi đi du lịch cũng là đi du học về tình hình của đất nước các anh:
Khí hậu miền nam nước Pháp thật dễ chịu và các tỉnh nhỏ chứa đầy di tích lịch sử. Theo hướng trục từ nam lên bắc, người Hy-lạp đã đến chiếm đóng Marseille của dân bản địa để làm đầu cầu cho đế quốc vào năm 600 trước công nguyên. Nhiều thế kỷ sau đó, tới phiên người La-mã tây- tiến lên cư ngụ vùng Nîmes, cũng để dựng đường đế quốc sang Tây-ban-nha (Spain). Sự tiến hóa và hùng mạnh thời cổ-đại của Hy-lạp và La-mã đã góp phần hình thành tạo nên nền văn minh trung-đại cho người Pháp sau này. Do đó, khi thăm viếng Paris, kinh đô của ánh sáng trên cực bắc nước Pháp, chúng ta cảm nhận phảng phất đâu đây sắc thái văn minh của Hy-lạp và La-mã tự xa xưa, nhiều ngàn năm về trước.
Ngày nay, người La-mã đã không còn hiện hữu nữa vì đã hòa nhập và biến thể thành đất nước Ý (Italy). Còn người Hy-lạp thì dặm-chân-tại-chỗ và đất nước họ trở thành yếu kém trên mọi mặt sinh hoạt về kinh tế và chánh trị. Ngược lại, sự tiến bộ của đất nước Pháp cũng như lòng vị tha của dân tộc Pháp, được xem như hậu duệ của Hy-lạp và La-mã, đã đóng góp nhiệt thành vào mái nhà chung Liên-Âu. Tính hóa giải và liên hợp của nước Pháp về phương pháp đồng thuận là bài học lãnh đạo đáng trân trọng cho loài người ghi nhận.
Đặc biệt người Châu Á phương Đông đã học hỏi được những gì từ người Châu Âu phương Tây? Và đặc biệt hơn nữa là, với chính sách bành trướng hung hãn và thiển cận của giới lãnh đạo Trung-cộng hiện nay, đang luôn lăm le tiến chiếm vùng Đông-Nam-Á sẽ đưa Á Châu và thế giới đi về đâu? Lãnh đạo Châu Á phải xử Trung-cộng như thế nào?
Nhà nước Việt-cộng gọi Trung-cộng là ‘tàu lạ’ là đúng, bởi vì họ đâu có biết gốc gác của Trung-cộng từ đâu ra. Lạ là phải. Nguồn gốc của Trung-cộng và Trung-quốc thì lạ hoắc đối với giới lãnh đạo ViệtNam. Nhưng cổ sử của dân tộc ViệtNam thì đã tỏ rõ. Lãnh đạo đất nước cần phải biết gốc gác của sự việc thì mới toàn triệt được nhân quả về sau. Cái gốc nằm trong sự hiểu biết, chứ không phải ở họng súng GDP! Còn tàu ngầm, hàng không mẫu hạm với những thứ máy bay tàng hình chỉ là chuyện nhỏ! Khi con người tháo chạy, thì, họ bỏ lại tất cả!
Trung-cộng, hậu duệ của xứ Tần (China), có còn nhận thức được nền văn hóa vay mượn của mình từ những dân tộc nông nghiệp Bách-Việt tự phương Nam hay chăng? Văn hóa của Hoa Hạ từ đâu mà ra? Lịch Rùa, điểu-trùng-văn từ đâu mà có? Thực chất hay bản chất của Hán-tộc là gì?
Cái hậu quả xứ Tần bị Nhà Nguyên, Nhà Thanh cai trị đã từ nguyên nhân nào mà rước vào vùng trung-nguyên? Song song với những tiến bộ biểu kiến về kinh tế bề ngoài, Trung-quốc đã học hỏi được những gì từ lịch sử xã hội đen tối bề trong vào cuối đời của các Nhà Châu, Nhà Tần và Nhà Hán? Cũng vậy, nếu lãnh đạo Trung-cộng không biết ứng dụng con đường dân-chủ-hóa qua các phương pháp đa nguyên, đa chiều đồng thuận như Liên-Âu đối với lân bang, thì vấn nạn ngoại-ưu-nội-hoạn của Tàu-cộng (bên ngoài thì sầu muộn còn bên trong thì luống cuống) ngày càng thêm chồng chất!
Xin tản mạn sơ qua một vài nét đan thanh về lịch sử trung-bang, để Ta và Tàu cùng nhau suy ngẫm!
4. Trở Lại PARIS
Paris, kinh đô của ánh sáng, của văn minh. Tôi thích lắm! Tôi đã thăm viếng Paris nhiều lần: từ cảnh đi dạo dọc bờ sông đến ngồi thuyền chun qua các gầm cầu (La Seine); từ việc tung tăng trong vườn bông xanh mát (Le Jardin du Luxembourg) cho đến những buổi trưa ngủ gục trong các bảo tàng viện khảo cổ để xem trống đồng (Le Musée Guimet); …..
….. xem những đoạn phim quay về Đông Dương cả trăm năm trước (Musée et Jardin Albert-Kahn); rồi vừa đi vừa lết, cả ngày chưa hết trong các bảo tàng viện nghệ thuật (Musée du Louvre); từ việc ngồi uống cà-phê và đấu láo tào-lao cùng bạn hữu trong các khu sinh viên gần trường đại học (Quartier Latin); …..
….. từ việc đến thăm các nhà thờ nổi danh (Notre-Dame du Paris), chen chân vào không lọt; từ việc leo lên ngọn tháp bằng kim loại đen xì, cao ngất (La Tour Eiffel), giống như chuột tý trèo cây cau; từ việc lội bộ ba tiếng đồng hồ, không bản đồ trong tay, để tìm cho ra ngôi mộ của hoàng đế ViệtNam cuối cùng (mả vua Bảo-Đại); từ việc ngồi ăn nhậu bốn năm tiếng đồng hồ trong các gia đình Pháp-Việt, làm tới đâu ăn chơi tới đó, thật là nhàn hạ quá cỡ ….. Còn nhiều thứ lắm, tôi nhớ chưa ra hết!
À, còn việc leo lên leo xuống các hầm métro:
tuyến dọc rồi lại tuyến ngang,
tuyến thẳng tuyến chéo, thăm ban suốt ngày …
(thăm ban, phải bỏ thêm dấu nặng thành thăm bạn, mới có nghĩa),
rồi đi các chuyến xe buýt đêm miễn phí, rồi lạc đường, vân vân và vân vân.
Mỗi kỳ viếng thăm là châm thêm được một vài bài học. Kỳ này tôi ghi nhận được nhiều điều mới, xin chia sẻ (có lúc tôi dùng chia xẻ, cả hai đều đúng) cùng các bạn:
5.1 Nhà thuốc tây (pharmacie) đầy đường;
5.2 Thăm anh Nguyễn Gia Kiểng và Nhóm Thông Luận;
5.3 Viếng Château de Vincennes và Mosquée de Paris; và
5.4 Quang cảnh trên đỉnh đồi Montmartre.
4.1 Góc đường nào cũng có nhà thuốc Tây (Pharmacie)
Không biết khi nào chương trình ObamaCare bên Mỹ dám chơi cú này như ở bên Tây: góc đường nào cũng có tiệm thuốc Tây. Thiên hạ vô mua sắm, đa số đưa thẻ y tế ra cà, nhà nước lãnh đủ! Tiệm thuốc vừa bán dược phẩm, kèm theo mỹ phẩm, thỉnh thoảng tôi thấy có bán luôn cả ba cái đồ xài lặt vặt trong nhà. Không biết có hợp pháp/lệ hay chăng? Sức khỏe dân Pháp tương đối tốt, mấy bà mấy cô Pháp-Việt nhìn thon gọn, ít xồ xề, trông thấy mê, chắc do cách thức ăn uống và thuốc men đầy đủ. Còn tập thể dục, tôi nghĩ, chỉ là chuyện phụ!
Còn mấy ông bạn Pháp-Việt của tôi ở dưới Marseille thì hết chỗ nói rồi. Nhìn sơ qua là thấy già trước tuổi. Ông nào ông nấy cũng nhậu thường thường, cao đường cao mỡ và cao máu, chỉ có tuổi thọ là chưa chắc cao. Tôi kể chuyện thật, xin quý vị Marseille đừng giận! Đây chỉ là thống kê chủ quan, mang tính cà-chớn, và thiếu sót của tôi. Tôi chỉ hỏi thăm sức khỏe của vài người bạn của mình (sample), rồi tổng quát hóa ra tất cả mọi người (population). Cái trật của tôi là ở chỗ quơ-đũa-cả-nắm. Xin quý vị thông qua. So ra, vẫn còn thua thống kê của nhà nước cộng-sản nói chung, và của ngân hàng nhà nước nói riêng, về các số liệu nợ nần.
Nhớ lại cả tuần ở dưới Marseille, anh Rolland dắt chúng tôi đi thăm mấy gia đình ViệtNam làm chủ quán ăn, nên ngày nào cũng có tiệc tùng và cụng ly, nhất là lối ăn-bao-bụng (all you can eat) về đồ biển. Các chủ quán làm ăn rất khấm khá. Càng nhiều tôm cua thì phải cần nhiều thuốc trị liệu cholesterol. Vô pharmacie là có ngay, không cần toa bác sĩ. Quá đã! Tha hồ mà ăn nhậu!
Vùng phụ cận và ngay tại Paris đã có nhiều gia đình Pháp-Việt rất thành công trong thương trường pharmacie mà tôi quen biết, thí dụ như các chị TNS, NGK, hoặc các anh NQN, HCT. Có người có đến hai, ba tiệm. Chính mắt tôi thấy, bà con cư dân địa phương chào hỏi anh NQN rất thân tình khi gặp nhau ở ngoài đường. Dân Pháp thật đáng mến! Tình cảm và thuốc men vẫn là hai mặt giao chỉ của thực thể tâm sinh lý.
Thuốc men bên Pháp đầy đủ nhờ ở sách lược bảo vệ y tế cho toàn dân của xứ Pháp. Vật giá tuy cao hơn ở Mỹ nhiều, nhưng dân chịu đóng thuế, nên nhà nước có tiền chi trả, nhờ vậy cuộc sống thoải mái, dễ chịu hơn. Dân Pháp-Việt ít bị siết nhà, ít bị vỡ nợ, ít lên voi xuống chó, ít tâm lý trầm cảm như dân Mỹ-Việt. Mức sống Mỹ cao hơn mức Pháp, và lối sống Pháp đã hơn lối Mỹ. Thành ra mức sống (standards of living) và lối sống (ways of living) là hai chuyện khác nhau, như âm-dương hai mặt. Nhưng nếu biết điều hòa: có chuyện thì cùng nghe và có việc thì cùng làm, chớ có bỏ nhau! Tuyệt chiêu!
Dân Mỹ-Việt lâu ngày cũng bị Mỹ-trắng-hóa, bị chia ra làm hai phe: cộng hòa và dân chủ. Dân chủ thì theo ObamaCare, còn theo phe cộng hòa (không tăng thuế, giảm chi tiêu) thì không thích phe dân chủ (đánh thuế cao, tăng dịch vụ). Tôi đứng trung dung, thuộc phe Mỹ-vàng và tự hào vì có ông tổng thống là Mỹ-đen (đầu tiên trong lịch sử Hoa-kỳ). Đứng trung dung nghĩa là, thứ nhất: phải tăng cao thuế như ở Âu châu để khỏi mượn nợ (national debt) quá cỡ, chịu chơi chớ không chơi chịu; thứ nhì: phải giảm chi tiêu, có bao nhiêu xài bấy nhiêu, thắt lưng buộc bụng. Nếu theo sách luợc kiểu trung dung như của tôi thì đố ai dám bầu cho tôi làm tổng thống!
4.2 Thăm vợ chồng anh chị Nguyễn Gia Kiểng và các bạn trong Tập Hợp Đa Nguyên
Xin có vài lời phi lộ trước khi quý vị đọc tiếp phần này. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi có dịp trò chuyện cùng anh Nguyễn Gia Kiểng, nổi tiếng về chuyện ‘hòa hợp hòa giải’ gì đó. Và chúng tôi cũng khẳng định là chưa nhận được một cắc bạc nào từ gia đình ảnh chỉ, để tung hô. Tôi nghe tiếng anh Kiểng và nhóm Thông Luận đã từ lâu. Khen, chê, đầy đủ từ mọi phía. Vài người bạn đã giới thiệu chúng tôi với nhóm của ảnh. Tôi thích học hỏi nên thử đối thoại lần đầu cho biết. Chúng tôi được chào đón bằng một buổi tiếp xúc thân mật và cởi mở bởi nhóm anh Kiểng; được đối đãi bằng một buổi cơm thanh đạm nhưng rất ngon miệng vì đang đói, và vì mấy ngày trước ăn toàn thức ăn tây; rồi tối đó được ảnh lái xe đưa tới nhà một thân hữu khác để nghỉ qua đêm.
Tôi nhỏ lớn sống ở Mỹ, một xứ dân chủ. Mà tối thiểu người dân phải có quyền ăn nói trong một xứ dân chủ. Tôi rất thích ‘được ăn nói’ và trao đổi với anh chị Kiểng. Vợ ảnh đãi chúng tôi một chầu ăn bún bò thật là ngon. Còn ảnh thì cho một tràng nói lý, cãi hoài chưa hết ý! Hễ tôi nói áo trắng thì ảnh trình bày cảnh áo đen, và khi bàn tới áo đen thì ảnh nhảy qua việc áo trắng. Người không quen thông luận và phản biện, chắc chắn là không hợp với sự năng động của anh Kiểng. Nhóm bạn thành viên của anh Kiểng cũng rất vui vẻ và dễ thương, nhưng chưa biết thương có dễ hay không? Chưa thử thành ra chưa biết!
Khi bàn sang văn thơ thì anh Kiểng rất uyên bác và kể chuyện thật dí dỏm. Nhưng tôi lại thích hàn huyên và trao đổi với ảnh về chuyện thời sự, vì nó kích thích mình suy nghĩ thêm và nhìn vấn đề rộng hơn. Tuy nhiên, phương pháp luận nghiên cứu của ảnh chưa được tròn đầy, nên vài chỗ còn thiếu. Còn hành động theo ảnh là chuyện sau bức màn nhung, và xin hạ hồi phân giải!
Tôi mê câu này của nhà tư tưởng Voltaire (1694-1778) của Pháp (đã được dịch sang Anh văn): I do not agree with what you have to say, but I’ll defend to the death your right to say it (tôi không đồng ý với điều gì anh nói, nhưng tôi quyết bảo vệ cho đến chết quyền được nói của anh). Chỉ có đảng cộng-sản độc tài đương thời là muốn độc quyền ăn nói, còn ai nói chuyện ngược lại là có chuyện lớn. Ở ViệtNam, ở tù như chơi.
Tôi chấp nhận quyền ăn nói của anh Nguyễn Gia Kiểng về ý nghĩ hoà-hợp-hoà-giải theo lý của ảnh; không như báo chí cộng-sản đã chụp mũ và lên án anh ta nhiều lần. Trong tương lai, nếu anh Kiểng có dịp qua Mỹ thì tôi sẽ mời gọi anh ta nói chuyện trước bà con người Việt về Việt-cộng, về Tàu-cộng, về con đường dân-chủ-hoá đất nước ViệtNam để chúng ta cùng nghe … và cùng cãi, trong tinh thần huynh đệ đoàn kết, tương kính tương nhượng.
Chuyện ngoài đường kéo tôi vướng vào việc trong nhà. Trước khi Ông Ngoại tôi mất, ông dặn các cậu tôi (là quân nhân thời VNCH) đừng chấp ông Bảy Trấn đã lầm lỡ theo cộng-sản. Ông Bảy Trấn đã theo đệ-tam là vì ông Sáu Nhâm (em ổng) đã bị Pháp chặt đầu, và trong lúc khốn cùng, hết đường trốn chạy giặc tây nên mới bay theo cộng-sản, núp dưới bóng Việt-Minh. Chớ không phải ông ấy khoái chí hay hiểu biết gì về cộng-sản. Tánh ông Bảy cương nghị, thể nào ổng cũng tỉnh ngộ, quay đầu chống lại, rồi làm gương cho cả nhóm đàn em rút ra khỏi đảng mà coi!
Quả đúng như vậy! Ở đời thì nhân-vô-thập-toàn, không ai là tuyệt đối hoàn hảo cả. Lầm đường lạc lối là chuyện thường, chuyện của hoàn cảnh. Biết lỗi và dám đứng dậy để sửa đổi mới là chuyện ngon lành, chuyện của tình thương và trí tuệ! Sau 1975 trở về Nam, ông Bảy chơi với mấy nhà tu hành miền Nam, rồi viết báo, viết sách, và đấu tranh đòi nhà nước cho báo chí tự do, mặc người đời khen chê:
Vì đại nghĩa không màng danh lợi.
Luận anh hùng chớ kể dại khôn.
Còn nếu như chúng ta chọn/tự làm người khôn mà ngồi núp trong/một góc. Mang lý tưởng cộng- hòa mà ôm sầu hận, lại thiếu sách lược và ngán hành động, đụng đâu chỉ trích đó thì khó có thể thay đổi được thời cuộc, ngoại trừ giải bày cho tâm lý mặc cảm của mình được phôi pha đôi chút. Mặt tiêu cực của các diễn đàn trên mạng, tuy mang danh ‘chính nghĩa’, lại chính là liều thuốc an thần, tích cực chữa bệnh hội chứng cho các cây viết nặc danh sầu muộn. Vừa leo lại vừa teo! Nghe những vị nặc danh phê bình anh Kiểng trên các trang mạng ảo, là việc làm không công bằng và quang minh đối với những người bất đồng chính kiến trong một xã hội dân chủ.
Ông Ngoại tôi tuy bất đồng chính kiến với hai người em vợ là ông Tám Xuân theo lính tây và ông Bảy Trấn theo cộng-sản (cũng là sản phẩm của tây), nhưng không bao giờ Ngoại tôi xem họ là kẻ thù. Dặn con cháu không nên trả thù ai hết, vì đó là con đường bất-báo-vô-đạo của ông tôi, dù cho mẹ tôi bị tán gia bại sản, và các cậu tôi bị tù đày nhục nhằn bởi chính sách thiển cận của lãnh đạo cộng sản. Trong nhà đã ôn hoà như vậy, huống chi chuyện ngoài đường.
Các ông Bảy Trấn, Tám Xuân, ông Ngoại, mẹ tôi, và cậu thứ ba của tôi đều đã ra người thiên cổ, còn lại cậu thứ sáu, hiện là nhà sư, thì hằng ngày luôn tụng niệm cho thế giới yên bình và các tiền nhân được siêu sinh tịnh độ. Tôi viết chuyện người, chuyện đất nước và luôn luôn nhớ đến chuyện thứ tha trong nhà! Chúng quyện vào nhau như hình với bóng, không tách ra được. Khi trong nhà chưa biết cách hoà để tu dưỡng nội lực thì đừng trách gì ngoại bang tha-hoá chúng ta.
Thôi! Thăm anh Kiểng và nhóm Tập hợp Đa nguyên như vậy là đủ rồi! Đợi dịp có duyên, khi gặp nhau trong cuộc họp mặt dân chủ nào khác thì chúng ta sẽ bàn tiếp.
5.3 Xem lâu đài Château de Vincennes, rồi đi ăn nhà hàng Mosquée de Paris
Lâu đài này khá to, được bắt đầu xây từ năm 1150 dưới thời vua Louis VII (1120-1180) và sau đó tiếp tục xây lớn thêm vào thế kỷ 14 và 15 trong các thời kỳ trung cổ. Nó được dùng làm cổ thành, cung điện, nhà tù và khu quân sự, tùy theo sở thích của các vị vua cai trị. Vua Louis IX (1214-1270) đã khởi quân thập-tự chinh (crusades) từ Vincennes hai lần để xâm lăng các xứ Hồi giáo ở Bắc-Phi: lần nhất (1248) bị quân Ai-cập bắt và được chuộc mạng, lần nhì (1269) thì bị bịnh chết tại xứ Tunisie.
Lâu đài này đã chứng kiến biết bao thăng trầm, tranh giành quyền lực của thời đại quân chủ trong lịch sử Pháp. Chung quanh lâu đài là hào sâu cả chục thước, thời xưa chứa đầy nước với cọc nhọn dưới đáy để giữ thành hoặc gây khó khăn cho tù vượt ngục; thời nay thì khô cạn và cỏ mọc xanh rì trên thân không biết bao nhiêu cốt khô đã ngã gục. Chân tôi vừa nhàn hạ đi dạo quanh bờ thành mà đầu óc tôi vừa loạng choạng nghĩ về mấy ông vua thời quân chủ: dân trong nước mấy ổng còn hổng tha, huống hồ gì dân Rệp (Arabe, Á-rập), dân Mít (Annamite) ở ngoài xa. Quả báo là tới thời dân nổi loạn, ông vua Pháp lại bị dân chặt đầu.
Vua chúa lãnh đạo của Pháp kém xoay sở bằng vua chúa lãnh đạo của Anh. Hoàng-gia Anh biết được sức mạnh của người dân. Cách mạng dân chủ Pháp phải trả đầy xương máu chỉ vì lãnh đạo vô minh. Bài học lịch sử của Tây phương có ơn ích gì cho Đông phương hay không? Giới lãnh đạo độc tài của Trung-cộng và Việt-cộng rồi sẽ ra sao trong tương lai? Bãi đáp an toàn cho cộng đảng như thế nào tùy thuộc vào nội lực công phu đổi mới tiến vào con đường dân-chủ-hoá.
Đi bộ được một tiếng đồng hồ rồi! Bây giờ đã thấy đói, bèn nhớ tới Tú Minh đã gọi hồi sáng rủ cùng nhau đi ăn cơm tối.
Thật là bất ngờ gặp được ca-nhạc-sĩ Tú Minh, người cùng quê với chúng tôi ở San José, ngay tại thủ đô Paris mỹ lệ này. Tú Minh qua thăm bà nội bị bịnh nặng ở Pháp chỉ có vài ngày rồi trở về Mỹ. Sẵn dịp anh chị Khánh-Khanh, bạn nghệ sĩ của Tú Minh, là dân thổ địa trên 40 năm tại Paris rủ đi ăn cơm Trung-Đông (thức ăn của dân Hồi, cơm tối tiệm Rệp) tại quán Mosquée de Paris rất đặc biệt (Hình 34). Tụi tôi OK liền!
Vừa gặp bạn hiền, lại thêm bạn mới, vừa thưởng thức đặc sản lạ, còn gì quý giá cho bằng! Đúng là ‘hữu-duyên-thiên-lý-năng-tương-ngộ’ (khi có duyên với nhau thì dù có xa ngàn dặm cũng gặp nhau được). Để tôi viết kể về thức ăn trước, rồi về người sau, vì tôi đang đói bụng. ‘Dĩ-thực-vi-tiên’ (cái ăn là hàng đầu) mà! ‘Tiên’ là ông tiên hay bà tiên [仙], và ‘tiên’ cũng là đi trước [先], tùy theo cách mình viết chữ Nho/Hán. Chữ Hán từ chữ Nho mà ra. Chữ Nho thường là ‘đồng-âm-dị-nghĩa’: âm nói giống nhau mà ý nghĩa lại khác nhau vì do cách viết khác nhau! Tôi xài âm Hán-Việt hơi nhiều, thí dụ như: dĩ-thực-vi-tiên, đồng-âm-dị-nghĩa, nội-ưu-ngoại-hoạn …
Tiếng Việt thiên về âm nói, còn tiếng Tàu thiên về chữ viết. Tiếng Hán-Việt là âm đọc chữ Nho/Hán/Tàu theo kiểu của người Việt. Người Bắc-kinh, Quảng-đông, Triều-châu, Phúc-kiến, Triết-giang đều không hiểu âm Hán-Việt; do đó, âm Hán-Việt là của riêng chúng ta.
Trong đoạn này, tôi xài nhiều thành ngữ Hán-Việt, xin bạn đọc đừng hoảng vì tôi sẽ diễn giảng. Có khi tôi còn ‘cut’ (cắt) và ‘paste’ (dán) chữ Tàu vào bài viết của mình nữa. Nhưng có bạn hiểu nhầm, tưởng tôi là dân Ba Tàu, nhất là họ của tôi là Trương, nên càng dễ lầm lộn hơn nữa. Bạn đó cứ ngỡ tôi là giòng dõi Trương Giốc, Trương Phụ hay Trương Phi gì đó bên Tàu. Khi tôi hỏi ngược lại, có biết Trương Chi (trong truyện Trương Chi và Mỵ Nương) vào thời Hùng-vương hay không, thì bạn đó lại bí! Để tôi bật mí thêm gia phả bên nội tôi cho bạn đọc được rõ.
Ông nội tôi là Trương Tựu, cha tôi là Trương Bổn Thắng, và tôi là Trương Bổn Tài bút danh Trương Như Thường. Bà nội tôi là Võ Thị Thân, lấy ông tôi ở Sa-đéc. Bà tôi thuộc dòng dõi còn sót lại của tướng Võ Tánh. (Võ Tánh theo phò Nguyễn Ánh đánh không lại quân Tây Sơn đành tự vẫn, chứ không chịu đầu hàng). Ông và cha tôi là dân vùng Tiền-giang đều mất ở tuổi 33. Cha tôi và tôi đều mồ côi cha lúc 10 tuổi. Giòng bên nội tôi bị sớm đứt đoạn, nên tôi lớn khôn trong lòng ông bà ngoại và mẹ hiền, với sự đùm bọc của các dì, cậu. Chỉ nghe người lớn nói lại: ông nội tôi là dòng dõi con cháu của tướng Trương Định, dưới thời vua Tự Đức. Cả giòng họ không chịu theo tây, cứ đánh hoài cho tới chết. Hết tuồng! Đủ thanh minh thanh nga rồi chưa hỡi bạn?
Nếu bạn có laptop, biết xài internet và cho tôi nửa tiếng đồng hồ thì tôi có thể chỉ cho bạn viết và hiểu được tiếng Tàu. Nếu bạn chịu nghe tôi thuyết trình 4 tiếng đồng hồ thì tôi sẽ dẫn giải ‘tiếng Tàu’ là từ tiếng Nôm của Ta mà ra. Cả âm nói lẫn chữ viết. Nôm có nghĩa là Nam, phương nam, thí dụ Quảng Nôm chính là Quảng Nam. Nôm có trước, Nam có sau. Bạn thân tôi là các nhà nghiên cứu ngữ học Nguyễn Cung Thông và Đỗ Ngọc Thành rành sáu câu về vụ này. Người Tàu cộng-sản hiện tại viết chữ giản-thể (simplified form) càng làm cho văn hoá Trung-cộng xuống thấp/cấp, vì kiểu viết đơn giản làm mất đi ý nghĩa nhân bản sâu sắc của thời xưa.
Nếu bạn cho tôi 8 tiếng đồng hồ thì tôi sẽ kể lại cho bạn nghe về nền văn minh Trung-Hoa phát xuất từ miền nam Bách-Việt. Ông bạn Hà Văn Thùy của tôi ở ViệtNam còn đang viết lại sử của Trung-quốc nữa kia kìa! Văn hoá tiến từ Nam lên Bắc cả chục ngàn năm về trước, rồi bị chính trị đè từ Bắc xuống Nam mới độ hai ngàn năm nay. Đủ lấy le (show off) chưa?
Ý tưởng của tôi nhảy tùm lum phải không bạn? Đã đề tựa là ký sự tản mạn mà. Tản mạn là rời rạc, không có tập trung. Ghi lại sự việc (ký sự) một cách không đầu đuôi, chỉ nhắm vào khúc giữa, khúc liên hệ, chuyện nọ xọ ra chuyện kia. Bạn hiểu/nhận ra được sự liên hệ giữa một rừng sự việc là tâm đắc với tôi rồi đó. Bây giờ trở lại món ăn ở tiệm Mosquée de Paris, vẫn còn kịp!
Mosquée có nghĩa là đền thờ Hồi giáo. Đúng rồi, Mosquée de Paris: bên trong là đền thờ, bên giữa là phòng sinh hoạt văn hóa, còn bên ngoài là quán ăn và nơi thưởng thức uống trà. Nhiều dịch vụ khác nhau dưới chung một mái nhà. Quán ăn rất nổi tiếng về món ăn đặc sản của dân Bắc-Phi (Morocco, Tunisia, Algeria, Liban và Mauritania … vốn là thuộc địa cũ của Pháp, theo đạo Hồi). Đó là món couscous và thịt trừu/cừu non, nướng rất thơm ngon.
Dân Á-Đông thì mê ăn cơm, còn dân Bắc-Phi thì thích ăn couscous (đọc đại là ‘cút-xơ-cụt-xờ’). Cút-xơ-cụt-xờ là một loại lúa mì (durum wheat), màu vàng hạt nhỏ (nhỏ hơn hạt gạo tấm của ta), dùng để hấp hay nấu, rồi ăn chung với rau cải, hay với canh, hay với các loại cá thịt, nhất là thịt cừu non, thì khá ngon! Tên khoa học của cút-xơ-cụt-xờ là triticum turgidum durum, đọc đại là ‘tri-ti-căm-tuột-giờ-i-đăm-đuy-răm’; muốn dễ nhớ dễ thuộc thì liên tưởng đến trị-tí-cúm, cạo-gió-dùm, dù-cho-rụm.
Mỗi đêm, trước khi đi ngủ, đọc đi đọc lại cụm từ này 10 lần thì chắc chắn sẽ thuộc lòng. Tôi bảo đảm với bạn, kết quả 150% vì hồi nhỏ tôi học môn thực-vật-học (botany) theo lối học thuộc lòng kiểu này, nên đã được đậu vớt (đậu nhờ cho thêm điểm, cứu vớt lên), có nghĩa là cô giáo cho đậu vì thương tình (dễ sai dễ bảo), chứ không phải vì tôi thông minh nhớ dai!
Một số người Việt chưa ăn được thịt trừu vì cho nó có mùi. Không phải vậy đâu! Ăn thua là ở đầu bếp. Tôi xực hết cả dĩa cơm couscous với thịt trừu nướng một cách ngon lành tại quán Mosquée de Paris. Lẽ dĩ nhiên phải có thêm vài giọt nước tương maggi và chút xíu ớt. Món couscous thịt trừu hấp dẫn không thua gì món cơm-tấm-bì-thịt-nướng của ViệtNam mình. Cảm ơn anh chị Khánh-Khanh đã giới thiệu món ăn truyền thống của dân Bắc-Phi cho chúng tôi.
Ăn cơm couscous xong (tôi không dùng chữ cút-xơ-cụt-xờ nữa mà sẽ xài chữ gốc) còn có màn uống trà Hồi. Mùi vị của trà Hồi (chắc cũng nhập cảng từ vùng Bắc-Phi) không ngon và dịu bằng trà Tàu hay trà Ta. Nhưng cách rót trà của anh bồi bàn thì thiệt là lạ! Anh ta rót từ thấp kéo rút lên cao mà không đổ một giọt nước nào ra khỏi ly. Tôi tưởng là dễ, bắt chước một cái, nước đổ ra ngoài, văng tung tóe. Thật là bừa bãi. Thấy dễ vậy mà không phải là vậy!
Ngoài thức ăn lạ miệng, quán Mosquée còn cho thực khách một khung cảnh ấm cúng, có nhiều cây kiểng trong tiệm, tạo nên chỗ nghỉ ngơi thư giãn, thanh bình và thoải mái. Chắc chủ nhân người Pháp-Hồi của tiệm này khá rành về nghệ thuật chiêu đãi trong thời đại mới, không giống như bối cảnh giật giành tại vùng Trung-Đông (Middle East) dầu sôi lửa bỏng như hiện nay.
Dân Bắc-Phi mà Pháp đến xâm chiếm hồi thế kỷ 19 đã có nền văn minh nông nghiệp cả 5000 năm trước công nguyên, trước cả thời Hy-lạp và La-mã rớ tới Marseille và Nîmes, trước cả khi quốc gia Pháp thành hình. Và ngày nay, các xứ Bắc-phi vẫn còn chậm phát triển, Hy-lạp lại lặn hụp trong nợ nần, và Pháp đang phải gồng gánh nhiều hậu quả xã hội, đặc biệt là các vấn nạn đối với Hồi giáo và các sắc dân theo đạo Hồi, đã kéo dài từ thời thập-tự-chinh đến giờ.
5.4 Nhà thờ tâm linh bên trong, Nghệ sĩ ngoài đường và Hoạ sĩ hè phố tại Montmartre
Sáng sớm tinh sương chúng tôi lên đường viếng thăm nhà thờ Basilique du Sacré-Ceur. Nhà thờ này rất đặc biệt, kiến trúc theo kiểu nóc vòm, nên được gọi là basilique. Basilique tiếng Pháp lấy theo tiếng gốc Latin là basilica, có nghĩa là đền thờ Thiên-chúa-giáo với kiến trúc nóc tròn làm trục ở giữa cho toàn khối nhà, tượng trưng cho trung tâm của mọi sinh hoạt xã hội.
Basilique du Sacré-Coeur de Montmartre được xây cất từ 1875 và xong năm 1914 trên đỉnh đồi Montmartre cao nhất thành phố Paris để dân chúng thờ phụng trái tim linh thiêng của Đức Chúa Jesus (sacré-coeur, sacred heart). Thay vì chạy xe thẳng lên nhà thờ trên đỉnh đồi, chúng tôi dừng xe dưới chân đồi, rồi lội bộ và leo lên mấy trăm bậc thang, tiêu hết calorie từ bơ sữa của buổi ăn sáng. Nam thanh nữ tú đi lô-ca-chân như chúng tôi khá đông, từ mọi con đường nhỏ, trực hướng nhà thờ mà thẳng tiến.
Đúng như quan niệm xã hội của các kiến trúc sư truờng phái basilica: chung quanh nhà thờ là mọi sinh hoạt khác. Trước mặt nhà thờ là hằng trăm khách thập phương đang ngồi trên các bậc thềm cao điểm. Khách nhìn xa xuống cả thành phố náo nhiệt dưới trần, và nhìn gần vào con đường tiểu lộ ngay trước mặt, được dùng như một sân khấu lộ thiên cho các nghệ sĩ hè phố biểu diễn ngoạn mục.
Tài nghệ mấy anh nghệ sĩ ngoài đường thật tuyệt chiêu! Bên này: một nghệ sĩ Pháp-đen đội nón trắng và mặc quần trắng, một tay đang leo cột đèn, còn tay kia vờn banh thật lanh lẹ. Quả banh chưa bao giờ rơi xuống đất. Đúng là cao thủ! Bên kia: một nghệ sĩ Pháp-trắng vẽ mặt trắng nhưng mặc quần đen, đang huýt còi chọc khán giả băng ngang đường, rồi lại nằm trườn trên mặt đường chận xe cộ. Vừa nực cười lại vừa nguy hiểm. Nhỡ mà ô-tô cán qua mình thì e khó sống, mà dầu có sống thì chắc cũng khó nuôi!
Ngang hông nhà thờ Sacré-Coeur là mấy quán nhậu và cả một chợ họa sĩ đang miệt mài cho tác phẩm của mình. Vĩnh Thanh Thảo và Thu Sương sung suớng đứng cạnh một kiều nữ đang dạo phong cầm (đàn accordion) một cách thong dong với một dàn chậu bông giả/giấy vây quanh. Điệu nhạc valse (waltz) lả lướt từ tiếng đàn mà hai cô nỡ lòng nào chịu đứng im, không nhúc nhích. Uổng thật! Một, hai, ba – bấm! Ngày mai rửa hình sẽ cho lên trang bìa.
Họa sĩ vẽ hình ở khuôn viên Montmartre cạnh bên hông nhà thờ khá đông. Độ vài chục mạng, đủ các gốc Tây, Tàu và Ta. Họ gồm nhiều loại trường phái khác nhau và giá cả thì trên trời dưới đất, tùy theo mấy ổng hay bả đang đói hay no. Một bức tranh chân dung theo kiểu truyền thần, giá thấp từ 50 € (chưa chắc đẹp) đến giá cao 90€ (cũng chưa chắc vừa ý). Mấy bức hình vẽ mẫu, trông rất đẹp, nhưng làm sao biết nó giống người thật? Chọn họa sĩ thì hên xui may rủi. Ba năm trước (2010), tôi được anh Marek Waniek vẽ cho một bức, may mắn, rất ưng ý. Bạn xem hình vẽ của tôi, đăng quảng cáo ở trang cuối bài. Đẹp biết dường nào (yamaham, già-mà-ham) !!!!! Vĩnh Thanh Thảo tốn bộn tiền cho hai ông họa sĩ vẽ hình mình, nhưng không biết có vừa ý hay chăng!
Quý vị đã biết/nghe qua xã-hội-quan của phái basilica: nhà thờ là trung tâm của mọi sinh hoạt xã hội, và đã thấy hình ảnh của hàng quán, nghệ sĩ và họa sĩ vây chung quanh nhà thờ trên đỉnh Montmartre như một bằng chứng sinh động. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi nhìn cách khác!
Mô hình xã hội quân bình, theo Việt-học, có dạng ngũ-hành: năm nguyên lý vận hành con người và xã hội với nguồn gốc văn minh nông nghiệp của Bách-Việt, xuất hiện cả chục ngàn năm về trước. Minh chứng nguồn gốc về ngũ-hành là của Ta sẽ được trình bày ở sách khác. Không phải bây giờ và ở đây. Chúng ta không đủ thời giờ và trang giấy để tóm lược nguồn gốc trong bài này.
Nhà thờ không phải là trung cung của xã hội, nhân-tâm mới đóng ở vị thế trung tâm. Nhân-tâm là một mặt ở vòng trong và bốn mặt sinh hoạt ở vòng ngoài xã hội là: văn (văn hoá), kinh (kinh tế), chính (chính trị), giáo (giáo dục). Nhà thờ hay chùa chiền, chỉ là mặt văn hoá, thuộc vòng ngoài. Trong (tức là tâm) và ngoài (tức là tài) hợp vào nhau tạo thành một lũy lực (synergy) tiến bộ cho xã hội (hợp-nội-ngoại-chi-đạo). Ý kiến chữ-tâm-kia-mới-bằng-3-chữ-tài của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều là chưa ổn vì đã chọn một bỏ một!
Cụ Nguyễn Du sinh-bất-phùng-thời, tâm của cụ và của nhiều cụ khác cùng thời đã có, nhưng tài thì chưa đủ, nên lúc nào quý cụ cũng cảm thấy lực-bất-tùng-tâm (sức mình không đủ để theo kịp con tim của mình). Con tim cho ta viễn kiến (vision) và tài năng chính là khả năng hiện thực (competency) của mình. Chỉ có tâm mà thiếu tài thì hay đi lạc đường hoặc làm không nổi. Lãnh đạo thiển cận của Ta và Tàu trong quá khứ đề cao ‘chữ tâm’ và xem nhẹ ‘chữ tài’ nên bị Tây nó đẩy văng lật gọng trong cả thế kỷ.
Nghĩa bóng của chữ tài là bốn mặt văn-kinh-chính-giáo, thuộc về phạm trù tổ chức và lãnh đạo học. Tu luyện nhân-tâm là điều kiện cần và mài dũa tứ-linh là điều kiện đủ để thăng tiến xã hội: chữ-tâm-kia-hợp-cùng-bôn-sắc-tài. Bôn sắc bốn. Bốn mặt của chữ tài: văn-kinh-chính-giáo!
Bà con đừng nghĩ là tôi chê Truyện Kiều. Không! Trăm lần không! Vạn lần không! Truyện Kiều là một áng văn chương tuyệt tác của thời đại. Tôi chỉ muốn chia sẻ một vài ý nghĩ, khác với nhân sinh quan của cụ Nguyễn Du, và nhất là, khác với học phái basilica. Xã hội gồm hai vòng tròn (vòng trong và vòng ngoài) với tâm là nhân-tâm thuộc vòng trong và tâm thì có-có-không-không; còn tài thì ở vòng ngoài, luôn hiện diện và cần tôi luyện. Dù sao, chúng ta vẫn mãi ghi nhớ lời dặn dò đạo lý của cụ Nguyễn Du:
có tài mà cậy chi tài,
chữ tài liền với chữ tai một vần.
Mặt tiêu cực của chữ tài là chữ tai. Tại sao chúng ta không thấy mặt tích cực của chữ tài là chữ khai. Cũng là vần ai, như khai dân trí của cụ Phan Châu Trinh. Và nếu không có tài để khai dân trí, thì không thể chấn hưng khí và hậu dân sinh được. Cái thế kẹt của giới lãnh đạo cộng-sản đương thời là xem mình như ‘thiên tài’, mang tính độc đảng độc quyền với đỉnh cao của trí tuệ qua bộ chính trị:
mất mùa là tại thiên tai,
được mùa là tại thiên tài đảng ta.
Lãnh đạo cộng-sản đã xem mặt sinh hoạt chính trị (mặt chính) – thực chất chỉ là một trong bốn cái tài của văn-kinh-chính-giáo vòng ngoài – như đỉnh cao hoặc là trung tâm của vũ trụ, thì chết một cửa tứ rồi! Xe hơi bốn bánh mà chỉ bơm đầy có một thì làm sao xe chạy ngon cho được? Hậu quả mọi mặt xã hội ViệtNam hiện nay đang bị suy đồi và xuống cấp đà thấy rõ. Sự sai thiếu của tư duy cộng-sản là nguyên nhân chính vì học thuyết mácxít không được tròn đầy.
Trên đường xuống đỉnh Montmartre để trở về nhà, đầu óc tôi luôn tản mạn với chữ tâm, chữ tài, chữ tai và chữ khai, mà không dè lại bắt gặp chữ phở. Tiệm Phở Tài bên đây đường, tiệm Phở Tài Tài bên kia đường, và nguyên một tấm bảng quảng cáo bánh mì baguette trên tường trong khi bụng tôi đang đói meo, thì hết chịu nổi rồi! Hai tiệm này cách nhau chỉ vài bước, không biết họ có bà con hay ân oán giang hồ, tranh thương gì với nhau. Hai tiệm đều mang tên Tài, nhưng không có liên hệ gì đến tôi. Tuy tôi không biết nấu phở nhưng cả đời mê ăn phở. Cơm, phở, bún, … và bánh mì tây là những món nuôi sống tôi hằng ngày.
Đang nghĩ miên man về thức ăn trên đường về, bỗng hiện ra hình ảnh một ông tây đang nằm ngủ ngay dưới cầu thang kéo (escalator) của một khu chợ, kéo tôi về với thực tại. Ăn được ngủ được là tiên. Không biết ổng ăn uống gì chưa, mà thấy nằm ngủ một cách ngon lành. Tôi cũng không biết đây có phải là dân vô gia cư (không nhà cửa), đụng đâu ngủ đấy hay không! Giữa đường giữa xá công cộng mà có cả một tấm nệm nhỏ (mattress) để nằm ngủ … thì sướng hết chỗ nói rồi. Đúng là cảnh màn trời nệm đất (không phải chiếu đất)! Chung quanh ông ta là vài ba cái túi xách tay đựng đầy quần áo và chắc cũng còn đủ thức ăn trong đó. Dân xứ giàu chết vì bịnh chứ ít ai chết vì đói.
Thôi! Tôi không muốn ghi tiếp nữa, để mai từ giã xứ Pháp đi viếng xứ Đức, rồi sẽ viết thêm. Tạm biệt bạn đọc. Chấm dứt Hồi Một: Thăm xứ Pháp. Mai sẽ viết tiếp Hồi Hai: Viếng xứ Đức.
© Trương Như Thường
© Đàn Chim Việt
—————————————————–
Chân Thành Cảm Tạ Quý Ông Bà và Quý Anh Chị Đã Giúp Sức
Cho Chúng Tôi Trong Chuyến Sinh Hoạt Việt-Học
Hè 2013 tại Pháp Quốc và Đức Quốc
Gia đình Dr. Nguyễn Quốc Nam . Lâm Hoàng Tùng . Gia đình Trần Phước Lý
Dr. Nguyễn Văn Trần . Bùi Đình Đại . Thu Sương & Lam Sơn 719
Gia đình Nguyễn Gia Kiểng . Dr. Nguyễn Thành Khương & Paul
Phạm Đức Bình . Dr. Thục Quyên . Bùi Lộc . Hồ Thành Công và Nhóm 008
Dr. Dương Hồng Ân . Vũ Ngọc Yên . Dr. Patrick Thanh Nguyen-Brem
Gia đình Vũ Đình Hải . Lâm Đăng Châu . Sông Lô . Dr. Nguyễn Mạnh Hùng
Phạm Quốc Phong . Phạm Quốc Phương . Gia đình Trần Mỹ Nga
và nhiều bạn khác chưa nêu tên.