Những giới hạn của nhà nước giám sát Trung Quốc
Tác giả: Gabe Collins
Phạm Nguyên Trường dịch
Những cuộc tấn công diễn ra trong thời gian gần đây chỉ ra rằng chỉ dùng đàn áp thì sẽ không thể nào bảo đảm được một tương lai ổn định. Tình hình bạo lực ở Tân Cương dường như đang xấu đi một cách đáng kể, mặc dù Bắc Kinh cam kết mạnh mẽ sẽ đổ tiền và nhân lực vào để xây dựng một bộ máy giám sát toàn diện nhằm ngăn chặn rối loạn xã hội. Hiện hằng năm Trung Quốc chi tới 111 tỉ USD cho lĩnh vực an nội bộ – nhiều gần bằng ngân sách quốc phòng năm 2013 – khoảng 114 tỉ USD.
Nhưng năm 2013 lại là một trong những năm nhiều bạo lực nhất trong suốt thập ki vừa qua ở Tân Cương, một số dữ liệu cho thấy từ tháng 3 tới nay, ít nhất 189 người – chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ – đã thiệt mạng trong các cuộc đối đầu đầy bạo lực với lực lượng của chính phủ, nhiều người khác đã bị thương. Đáng lo ngại hơn, những vấn đề của Tân Cương dường như đang di căn vào những khu vực khác của Trung Quốc, chính quyền đã có những cố gắng rất lớn nhằm ngăn chặn hiện tượng này.
Ngày 28 tháng 10, một chiếc SUV do một người đàn ông Duy Ngô Nhĩ lái, trong đó có hai người trong gia đình, đã đâm vào đám đông tại Quảng trường Thiên An Môn, giết chết hai khách du lịch. Những người ngồi trong xe sau đó đã châm lửa tự thiêu. Cuộc tấn công tự sát tại Quảng trường Thiên An Môn và làn sóng bạo lực đang dâng lên ở Tân Cương cho thấy rằng, khi đối mặt với kẻ thù đầy quyết tâm, hệ thống giám sát và bộ máy đàn áp được chỉ đạo chặt chẽ và được rót khá nhiều tiền không có hiệu quả trong việc ngăn chặn bạo loạn như Bắc Kinh mong muốn.
Thật vậy, chưa đến một tuần sau vụ khủng bố ở Thiên An Môn, Đảng đã cách chức ủy viên Ủy ban Thường vụ đảng ủy khu vực của tướng Bành Dũng, tư lệnh quân khu Tân Cương, cho thấy Bắc Kinh phải hi sinh quan chức cấp cao vì đã để xảy ra những thất bại nghiêm trọng trong lĩnh vực an ninh. Khủng hoảng lan tràn khắp Tân Cương trong suốt năm nay dường như làm cho địa vị của tướng Bành [Dũng] yếu đi .
Trước khi nghiên cứu những tác động mang tính chiến lược của những hạn chế trong việc giám sát, chúng ta hãy xem qua những thông số của hệ thống hiện thời. Hiện Trung Quốc đang thuê tới hai triệu người theo dõi Internet để trợ giúp các nhân viên kiểm duyệt chính thức. Về mặt vật chất, Trung Quốc có một chương trình quốc gia đáng lo ngại, gọi là “Skynet” (tên này chắc chắn làm những người hâm mộ phim Terminator phiền lòng) nhằm gia tăng số lượng và khả năng của các camera giám sát.
Bắc Kinh là thành phố đi đầu trong lĩnh vực này. Đối với những người đi bộ hoặc lái xe ở Bắc Kinh (và người như thế trong các thành phố khác của Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng), câu thường được người ta nói là “Cười đi, bạn đang được chụp ảnh đấy!” Theo Wu Hequan, Tổng thư ký của Viện Hàn lâm Trung Quốc Kỹ thuật, Bắc Kinh hiện có ít nhất 800.000 máy camera quan sát. Như vậy, trong mỗi khu vực nhỏ (một chiều khoảng 270 mét, chiều kia 380 mét) ở Thiên An Môn, người có thể lắp trung bình 60 camera quan sát.
Trên thực tế, ở những khu vực chiến lược của thành phố – các đường phố chính, các tòa nhà của chính phủ, và các danh lam thắng cảnh, như Quảng trường Thiên An Môn – mật độ camera giám sát cao hơn rất nhiều. Vì vậy, người Duy Ngô Nhĩ, lái xe vào Quảng trường rồi tự thiêu rất có thể đã đi qua hàng trăm camera quan sát, nếu không nói là nhiều hơn, trong những cây số cuối cùng của cuộc hành trình của họ. Mặc dù đã vượt qua bao nhiêu camera, vượt qua những người theo dõi trên mạng, trên điện thoại và cảnh sát trên đường phố, họ đã không bị phát hiện trước khi tới một trong những vị trí quan trọng nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc, cán chết khách tham quan, và đốt chiếc SUV – đấy là chiếc Mercedes Benz màu trắng. Nếu chiếc xe mang thêm chất nổ, hay lao vào khu vực đông người hơn trong thành phố thì tình hình có thể xấu hơn rất nhiều.
Bắc Kinh đương nhiên cho rằng hệ thống giám sát đang phát triển của họ là phương tiện đàn áp hữu hiệu các phong trào ly khai. Tháng 11 năm 2012, báo Telegraph viết rằng các lực lượng an ninh Trung Quốc có ý định sử dụng một mạng lưới các camera giám sát để giúp chấm dứt những vụ tự thiêu của những người biểu tình Tây Tạng và cảnh sát có thể có mặt tại hiện trường trong vòng hai phút sau khi hoạt động không mong muốn được camera quan sát phát hiện. Trong khi khó tìm được những bài tường thuật công khai về cách thức sử dụng công nghệ giám sát bằng camera ở Tân Cương thì chúng ta có thể ghi nhận rằng trong tháng vừa qua chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ ít nhất 139 người ở Tân Cương, cáo buộc họ sử dụng Internet để truyền bá tư tưởng thánh chiến.
Hiện nay, Trung Quốc có thể có 30 triệu camera giám sát, được lắp đặt trên khắp cả nước. Các thành phố dường như đang tìm cách lắp thêm, càng nhanh càng tốt; cùng lúc đó, họ lại đang gia tăng năng lực của những chiếc camera này. Ví dụ, các thành phố của Trung Quốc như Đông Quan đang xây dựng hệ thống gọi là “Smart Skynets” nhằm cải thiện khả năng giám sát.
Những hàm ý chiến lược
Cuộc tấn công ở Thiên An Môn có thể sẽ thúc đẩy các cơ quan an ninh Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận “chiến thuật” và đẩy nhanh việc lắp đặt nhiều camera hơn và nâng cấp công nghệ cũng như khả năng của chúng. Những biện pháp áp dụng có thể sẽ bao gồm đưa thêm vào hệ thống camera phần mềm nhận dạng mặt người cũng như tích hợp những hệ thống này với nhau.
Nhưng, nguy cơ thực sự là tập trung quá nhiều vào các biện pháp an ninh kỹ thuật sẽ không thể tăng cường được an ninh như Bắc Kinh mong muốn. Thực tế là ngay cả trong các nhà tù với mức độ an ninh cao trên thế giới, nơi mà hầu như mọi cử động và hoạt động đều được nhân viên và camera an ninh theo dõi, thế mà ma túy vẫn được đưa vào, vũ khí vẫn được người ta chế tạo, tù nhân vẫn thường xuyên bị tấn công và thậm chí là bị giết. Nói ngắn, muốn là có cách, và những hạn chế của công tác giám sát – công cụ ngăn chặn từ xa – đã nhanh chóng được phơi bày. Ngày càng thấy rõ rằng chính sách “đánh mạnh” của Bắc Kinh ở Tân Cương đã không đập tan được ý chí kháng chiến của người Duy Ngô Nhĩ, và trên thực tế nó có thể thực sự làm gia tăng hàng ngũ những người sẵn sàng công khai thách thức sự thống trị của người Hán trong khu vực này. Bạo lực đang gia tăng ở Tân Cương cho thấy rằng đối với một số người Duy Ngô Nhĩ, những bức tường sợ hãi mà Bắc Kinh đã cố gắng thiết lập trong hơn 20 năm qua có thể đang rạn nứt. Nếu đúng như vậy, đây là một vấn đề nghiêm trọng bởi vì nó có thể báo trước một vòng xoáy: bạo lực thúc đẩy đàn áp và đàn áp gia tăng thì bạo lực lại gia tăng.
Quân nổi dậy Duy Ngô Nhĩ sẽ không thể tìm được súng từ những nguồn ở trong nước, nhưng Tân Cương giáp giới với một số nước vùng Trung Á, biên giới ở đây lại lỏng lẻo, còn vũ khí thì rất nhiều. Nhưng, một loại vũ khí có khá nhiều trong những khu vực nông nghiệp ở Tân Cương: phân bón ammonium nitrate, có thể được sử dụng để sản xuất các thiết bị nổ tự chế đơn giản, sản xuất tại chỗ, thường được các phiến quân Taliban ở Afghanistan sử dụng. Năng lực của các nước trong khu vực nói chung là thấp, đặc biệt là Afghanistan và Pakistan, những nước này thậm chí không thể quản lý nổi công việc nội trị của mình, chứ chưa nói đến an ninh ở vùng biên giới xa xôi. Kết quả là: Bắc Kinh sẽ buộc phải đầu tư nhiều hơn nhằm đảm bảo an ninh biên giới bên phía Trung Quốc.
Khu vực giàu tài nguyên ở Tân Cương cũng g có nguy cơ bị quân nổi dậy tấn công. Quân nổi dậy ở những nước khác như Colombia, Iraq và Yemen có thói quen nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng. Mạng lưới đường sắt ở Tân Cương, số lượng đường ống dẫn dầu và khí đốt đang ngày càng gia tăng, và đường dây chuyển tải điện đường dài nhằm cung cấp điện cho miền Trung và miền Đông Trung Quốc đang được hoạch định, đều là những hạng mục có thể bị tấn công. Nếu quân nổi dậy quyết định tận dụng những vùng sâu vùng xa trong tỉnh và những khó khăn trong việc quan sát thường xuyên hàng trăm cây số những cơ sở hạ tầng quan trọng và bắt đầu tấn công vào đó thì Bắc Kinh có thể sẽ gặp khó khăn thật sự. Những cuộc tấn công như thế sẽ ngày càng làm cho nền kinh tế quốc gia gặp khó khăn hơn vì các nhà cung cấp năng lượng ở Tân Cương càng ngày càng gắn bó sâu sắc hơn với các hộ tiêu dùng nằm ở miền Đông.
Bắc Kinh sẽ không nới lỏng quyền kiểm soát Tân Cương trong các kịch bản mô tả ở trên, nhưng nguy cơ là họ sẽ phải dành nhiều nhân lực và kinh phí hơn nhằm duy trì an ninh và quyền kiểm soát – một vụ “bùng nổ” kéo dài, sẽ biến thành thách thức đối với nền kinh tế của đất nước. Vì nền kinh tế của đất nước có mức tăng trưởng thấp, dường như Trung Quốc sẽ ngày càng phải đối mặt với không phải là “súng đọ với bơ” mà còn “súng đọ với súng” nữa, đấy là khi các cơ an ninh nội bộ tranh giành ngân sách với hoạt động quân sự hướng ngoại.
Sự bất ổn gia tăng ở Tân Cương thật sự có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Trung Quốc có những khu vực biên giới bất ổn khác như Tây Tạng, ít bạo lực hơn Tân Cương, nhưng vẫn buộc người ta phải chú ý và thu hút nhiều nguồn lực của các cơ quan an ninh. Nếu Đạt Lai Lạt Ma mất mà không có người thừa kế thì tình hình có thể trầm trọng thêm. Quan trọng nhất là, vấn đề mà Bắc Kinh phải xử lí là mấy ngàn ly khai Duy Ngô Nhĩ thực sự sẵn sàng cầm vũ khí có thể tạo ra những khó khăn kinh tế nghiêm trọng trong những tháng và những năm tới, kết quả là có thể tạo ra rối loạn xã hội mà thậm chí bộ máy đàn áp đầy sức mạnh hiện nay cũng không thể ngăn chặn được. Một số sự kiện có thể dự đoán – thí dụ, một cuộc khủng hoảng nợ hoặc khủng hoảng bất động sản nghiêm trọng có thể nhanh chóng làm cho nền kinh tế Trung Quốc phải trả giá. Hơn nữa, một sự kiện nữa có thể dự đoán được là nền kinh tế phức tạp, trị giá hàng ngàn tỷ USD như của Trung Quốc có khả năng tạo ra những sự kiện theo kiểu “thiên nga đen”[1], có ảnh hưởng rất tiêu cực.
Nếu hàng chục ngàn máy camera an ninh, hai triệu màn hình internet, và lực lượng bán quân sự không thể giải quyết và ngăn chặn được những vấn đề ở Tân Cương, làm sao mà họ đối phó được với hàng triệu người tức giận do những vấn đề kinh tế gây ra? Khoảng cách giàu nghèo tạo ra bạo lực ở Tân Cương và những khoảng cách như thế có mặt ở tất cả những địa phương khác ở Trung Quốc, tạo ra lo ngại về những cuộc tấn công trên khắp cả nước. Đấy là những nhóm người bất bình nhưng không có tiếng nói trong lĩnh vực chính trị, họ chuyển sang sử dụng bạo lực, coi đấy là sự xả hơi cho sự tức giận của họ. Thật vậy, ngày 06 Tháng 11, nhiều quả bom đã phát nổ ở trung tâm khai thác than của Thái Nguyên, làm một người chết và ít nhất tám người khác bị thương. Trung Quốc có thể đang nằm trong xu hướng bạo lực di căn có nguồn gốc từ những vùng biên giới, nơi các dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng lại ảnh hưởng đến lợi ích của người Hán trên khắp cả nước. Nếu Bắc Kinh buộc phải kiểm soát chặt chẽ hơn việc đi lại của con người, xe cộ, và tiếp cận với hàng hóa sử dụng cho hai mục đích: phân bón chứa nitrat, và “gánh nặng khủng bố” sẽ có những ảnh hưởng sâu sắc đối với thương mại và hoạt động kinh tế.
Ban lãnh đạo Trung Quốc đã tỏ ra tháo vát và có năng lực, nhưng các vấn đề có nguồn gốc từ Tân Cương ngày càng cho thấy một tương lai mà chỉ đàn áp không thì không đủ. Dường như giải pháp ngắn hạn của Bắc Kinh là làm mọi việc có thể để khôi phục tăng trưởng, nhưng những biện pháp tài chính và chính sách cần thiết chỉ đơn giản là làm cho tiền đặt cược trong tương lai gia tăng mà thôi. Trung Nam Hải đang phải đối mặt với một gói giải pháp phức tạp và đáng nản khi họ phải vật lộn với tình trạng bất ổn đang gia tăng ở trong nước.
Gabe Collins là người đồng sáng lập website ChinaSign Post và cựu chuyên gia phân tích về đầu tư hàng hóa và cộng tác viên tại US Naval War College’s China Maritime Studies Institute.
Nguồn: http://thediplomat.com/2013/11/08/the-limits-of-chinas-surveillance-state/3/
(Bản tiếng Việt: Blog Phạm Nguyên Trường)
——————————————————————-
[1] Ý nói những sự kiện bất ngờ – ND.