Chuyện Ba Sàm & Bản Cáo Trạng Của V.K.S.N.D
Tôi thấy chính sách thông tin như hiện nay, ta chỉ từ thua đến thua.
Cái gì chớ sách sử là tui né, và né tới cùng. Đọc chán thấy mẹ!
Né của nào, Trời trao của đó. Khi khổng khi không (cái) chị Trương Anh Thụy, người phụ trách nhà xuất bản Cành Nam, gửi cho một thùng sách to đùng. Nó nặng đến độ mà con mẹ đưa thư phải ôm bằng cả hai tay, chân đá cửa rầm rầm, vừa đá vừa lầu bầu văng tục chửi thề tá lả.
Tôi thì hớn hở tưởng rằng (dám) có người gửi cho thùng rượu. Thiệt là tưởng bở, và tưởng năng thối!
Mở ra (ôi thôi) ngoài mấy cuốn Những Lời Trăng Trối, vừa tái bản, của Trần Đức Thảo là “nguyên” một bộ sách (Nhìn Lại Sử Việt) của Lê Mạnh Hùng. Cả bộ dám gần chục cuốn, cuốn nào cũng khoảng 500 – 300 trăm trang. Ngó mà thiếu điều muốn … xỉu!
Và hình như tôi cũng đã ngất đi một lúc khá lâu vì đang bị cúm nên hơi mệt. Mở mắt ra, người ngợm rã rời, chả thiết bò dậy nữa. Tôi bật TV nằm xem cho đến khi chán rồi vớ đại một cuốn đọc chơi, và tin chắc rằng – chỉ vài phút thôi – là mình sẽ tiếp tục ngủ luôn cho tới mốt.
Vậy mà tôi đọc một mạch gần hết tập IV, tập viết về “Nhà Nguyễn Gia Miêu: Từ Gia Long Đến Cách Mạng 19/8.” Theo lời giới thiệu của NXB thì bộ thông sử Việt Nam của Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng “vừa cập nhật vừa đạt những tiêu chuẩn gắt gao nhất của sử học hiện đại.”
Bà nội mẹ tui cũng không biết “tiêu chuẩn gắt gao nhất của sử học hiện đại” nó “gắt gao” ra sao (và “gắt” tới cỡ nào lận) nhưng viết sử mà thứ thường dân vớ vẩn như tui đọc cũng thấy hấp dẫn là “hay” quá xá rồi.
Ông Lê Mạnh Hùng không cường điệu, không khoe khoang kiến thức, rất ít tư kiến, và hoàn toàn không có cái vụ … bình lọan hay bình sảng! Lâu lâu, ổng mới bình thản “chêm” thêm một câu ngăn ngắn rất thâm trầm và rất đáng đồng tiền bát gạo.
Riêng ở chương 17, tiểu mục 17.2 – viết về “Các đảng phái chính trị tiền phong của giai đoạn mới (1923-1927) – Lê Mạnh Hùng ghi nhận một số những sự kiện rất thú vị, xin được tóm lược:
“Trong lúc những người lưu vong bên ngoài tìm một con đường mới cho cách mạng Việt Nam qua Tâm Tâm Xã thì bên trong nước cũng xuất hiện một số đảng phái chính trị xã hội trong nước.
Đảng chính trị đầu tiên là Đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu. Đảng này có thể được coi như là đại biểu của tầng lớp đại địa chủ Pháp hóa tại miền Nam. Mục tiêu chính của Đảng này không phải là giành độc lập cho Việt Nam mà có tính cách khiêm tốn hơn: đó là đấu tranh để chính quyền Pháp phải cải cách đường lối cai trị, ban hành một số quyền tự do dân chủ và đôi xử với người Việt ngang hàng như đối với người Pháp…
Sau Đảng Lập Hiến, một số đảng khác cũng xuất hiện. Khác với Đảng Lập Hiến, các đảng sau này phần lớn có mục tiêu đấu tranh giành độc lập cho đất nước chứ không phải chỉ đòi thêm quyền lợi cho người Việt…
Đảng đầu tiên thành lập có tính cách chính trị là Việt Nam Nghĩa Đoàn mà sáng lập viên bao gồm một số những người hoạt động tích cực lúc bấy giờ như Nguyễn Văn Phùng, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thái Mai, Phạm Thiều, Nguyễn Quốc Túy, Trần Thiệu Ngũ, Nguyễn Văn Ngọc v.v…
Sau Việt Nam Nghĩa Đoàn là Hội Phục Việt được thành lập từ những người hoạt động cũ trong phong trào Duy Tân bị bắt và nhốt chung với nhau trong nhà tù Côn Đảo…
Cũng trong giai đoạn này tại Hà Nội, Nam Đồng Thư Xã xuất hiện. Được thành lập cuối năm 1925 bởi một nhóm giáo viên và tiểu thương trong đó quan trọng nhất là Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm em của ông Phạm Hoàng Trân (tức Nhượng Tống), Nam Đồng Thư Xã có mục tiêu vừa thương mãi vừa chính trị…
Trong lúc Hội Phục Việt và Nam Đồng Thư Xã hoạt động ở Bắc và Trung Kỳ thì ở Nam Kỳ nhóm Jeune Annam hay đảng Thanh Niên được thành lập vào năm 1926. Khác với tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ nơi mà sự đàn áp của Pháp và Nam Triều gay gắt hơn, tại Nam Kỳ vì là một thuộc địa các quyền tự do có được bảo đảm hơn thành ra đảng thanh niên này có thể hoạt động một cách công khai mặc dầu không được chính quyền công nhận… (Lê Mạnh Hùng. Nhìn Lại Sử Việt. Vol. 4. Arlington, VA: Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2013. 5 vols.).
Chèng ơi! Sao đất nước còn bị đô hộ mà hội đoàn, đảng phái xuất hiện công khai, và tùm lum (khắp nơi) vậy cà? Thảo nào mà ông Nguyễn Chí Thiện, đã có lúc, phải la làng:
Ôi, thằng Tây mà trước kia người dân không tiếc máu xương đánh đuổi
Nay họ xót xa luyến tiếc vô chừng
Nhờ vuốt nanh của lũ thú rừng
Mà bàn tay tên cai trị thực dân hóa ra êm ả!
Sống với “lũ thú rừng” thì miễn có vụ hội đoàn và đảng phái, đã đành, chỉ lập vài trang mạng thôi mà cũng đã phải đi tù cả nút. Ngày 6 tháng 2 năm 2015, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao cho phổ biến bản Cáo Trạng quyết định truy tố ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Minh Thúy ra trước Tòa án NDTP Hà Nội theo khoản 2, Điều 258.
Bản cáo trạng này gồm 8 trang, với rất nhiều chi tiết thừa thãi nên đã được blogger Người Buôn Gió “cô đọng” như sau:
- 3 trang đầu miêu tả việc các đối tượng lập blog, lập trang mạng, đây là việc quá bình thường trong một đất nước đang có hàng chục triệu ngươi sử dụng mạng internet. Việc liệt kê quá trình lập blog, bảo mật, đăng ký sử dụng mạng, lập thư điện tử….bất kỳ ai lên mạng đều làm như vậy. Có gì mà phải vẽ ra đến 3 trang như ly kỳ, âm mưu toan tính, hiểm hóc ?
- 2 trang chỉ liệt kê tên của các bài viết, chỉ liệt kê đúng cái tiêu đề.
- 2 trang nêu lý lịch bị cáo.
- 1/2 trang kết luận.
- 1/ 4 trang của bản cáo trạng liệt kê lượng người đọc, còm men.
- Chỉ có 1/4 trang trong 8 trang cáo trạng có vẻ đúng nghĩa bản cáo trạng, nhưng đó là kết luận giám định của bộ thông tin và truyền thông khẳng định các bài viết mà hai bị cáo đưa lên là xuyên tạc đường lối của Đảng, bôi nhọ cá nhân, xâm phạm lợi ích cá nhân tổ chức… còn xâm phạm thế nào, thiệt hại ra sao, cá nhân nào bị thiệt hại… không thấy nói đến.
Cả cái bản cáo trạng lẫn kết luận hồ sơ của Bộ Công An, Viện Kiểm Sát tối cao mà chỉ kể lể dài dòng chuyện lý lịch, việc đăng ký sử dụng mạng, lập hòm thư rồi nêu tên các bài viết. Sau đó ngắn gọn nói rằng giám định Bộ Thông Tin Truyền Thông nói là có tội, thế là thành có tội mang ra xử. Không thấy phân tích chứng cứ, lập luận khoa học kết tội. Rặt áp đặt chủ quan, cảm tính. Một bản cáo trạng và kết luận hồ sơ như vậy thì cần gì hai cơ quan tố tụng lớn nhất đất nước phải dùng sạch bách thậm chí quá hạn điều tra mới viết ra được.
Và tại sao Bộ Công An có cơ quan an ninh văn hoá không giám định các bài viết mà để cho một cơ quan dân sự, không liên quan gì đến việc tố tụng đứng ra giám định và kết luận việc có tội hay không có tội.
Xét về mạnh cạnh tranh độc giả, thì chính các bị cáo là đối thủ cạnh tranh với bộ Thông Tin Truyền Thông trong việc chiếm lĩnh thị trường thông tin.
Vậy vụ án này thật khôi hài và bỉ ổi. Kẻ được nêu tên là bị hại thì chính là kẻ khởi tố, điều tra vụ án. Đối thủ cạnh tranh thị trường lại được mời làm giám định thiệt hại, kết luận có tội. Một vụ án được những kẻ tham gia tố tụng như vậy trông mong gì minh bạch.
Cá nhân tôi không mong gì chuyện “minh bạch” trong vụ án này, hoặc bất cứ một vụ án nào, ở nước C.H.X.H.C.N Việt Nam. Tôi cũng không có máu “khôi hài” nên không nhìn ra những khía cạnh “riễu cợt” trong bản cáo trạng thượng dẫn.
Tôi chỉ thấy cách luận tội của V.K.S.N.D (“xuyên tạc đường lối của Đảng, bôi nhọ cá nhân…làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”) sao “cù nhầy” và “buồi dái”quá thôi. Coi: cả “tập đoàn lãnh đạo” hiện nay đều lấm lem bê bết từ đầu đến chân, có sót chỗ nào để mà “bôi nhọ” được nữa – mấy cha? Tương tự, còn có ai tin tưởng gì vào “Đảng, Chính phủ, Quốc hội, và Nhà nước…” đâu mà kết án con người ta “làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng” – hả Trời?
Vài tháng trước, trên trang thư tín của tuần báo Trẻ (phát hành từ Dallas, Texas – ngày 26 tháng 2 năm 2015) có vị độc giả phát biểu rằng: “CS chiếm miền Nam bằng cái miệng.” Ý tưởng này khiến tôi nhớ đến một cân nói của nhà báo Huy Đức: “Trong lịch sử Việt Nam, Hồ Chí Minh rõ ràng là một trong những nhà lập ngôn xuất sắc nhất.”
Quả tình, Bác và Đảng đã chiếm được cả nước – chứ không riêng chi miền Nam – bằng mồm chứ còn gì nữa. Nhưng thời thế đã khác rồi. Bây giờ mà vẫn còn hy vọng giữ được quyền bính cũng chỉ nhờ vào cái miệng (mình) và bịt miệng kẻ khác thì quả là một chuyện rất viển vông.
Thử nghe Thông Tấn Xã Việt Nam “khoe hàng” chút xíu nha:
“Website của TTXVN tại địa chỉ http://news.vnanet.vn là một trong những trang thông tin chính thức và là trang duy nhất ở trong nước cung cấp những thông tin mới nhất, tin cậy bằng bốn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha) về tình hình Việt Nam và thế giới, là cầu nối để độc giả khắp nơi trên thế giới hiểu về Việt Nam và con người Việt Nam…
“Với 63 phân xã tại tất cả các tỉnh thành trong nước và 27 phân xã nước ngoài ở cả 5 châu lục, cùng nguồn thông tin trao đổi trực tuyến liên tục 24/24 giờ với 42 hãng thông tấn và tổ chức báo chí quốc tế là một ưu thế mà không một cơ quan báo chí nào của Việt Nam sánh được …”
“Ưu thế” tới cỡ đó mà T.T.X.V.N lại không có độc giả. Thiên hạ chỉ đua nhau vào xem Thông Tấn Xã Vỉa Hè thôi. Và đây có lẽ đây mới là nguyên do (đích thực) khiến cho Trương Duy Nhất, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Ngọc Già, Hồng Lê Thọ, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thuý … phải bị trừng trị – hay bị trả thù, theo như cách nhìn của Người Buôn Gió!
Sự kiện người dân tẩy chay mọi hình thức truyền thông của nhà nước không phải là lỗi (hoặc tội) của Ba Sàm và của giới T.T.X.V.H. Đây chỉ là hiện tượng (“vỡ trận”) tự nhiên, báo trước ngày tàn của chế độ thôi!
© Tưởng Năng Tiến
Âm nhạc thành án tù , tán gia bại sản, chết ngoài lề đường có lẽ chỉ xảy ra ở các nước Cộng Sản :
Trích –
Thập niên 60 – 70, khi những ban nhạc trẻ Sài Gòn đang làm mưa làm gió ở những Đại hội nhạc trẻ Lasan Tarberd , Thảo Cầm Viên… thì ở Hà Nội một vụ án liên quan đến âm nhạc được xem là “nghiêm trọng ” thời ấy khiến hai người đàn ông chịu mức án một người 10 năm, người kia 15 năm tù. Một người còn sống , một người đã chết ngoài đường phố sau khi mãn hạn tù đày.
Vụ án ” Toán Xồm – Lộc vàng ” những người ” dám hát nhạc vàng” vụ án “văn nghệ đồi truỵ.” do Toán Xồm (Phan Thắng Toán) chủ mưu với đồng phạm là một số nghệ sĩ nghiệp dư khác. Vụ án được đem ra xử vào tháng 1 năm 1971.
Các bị cáo của vụ án bị cáo buộc đã tụ tập “thành một ban nhạc nghiệp dư tụ tập chơi nhạc vàng. Khi đi biểu diễn nhạc kiếm tiền ở những đám cưới, các cuộc liên hoan, chúng tìm cách đánh xen kẽ những bản nhạc vàng để truyền bá và thăm dò thị hiếu của lứa tuổi thanh niên. Chúng phân chia nhau đi tìm mua đĩa hát loại nhạc vàng lọt vào được, đi sưu tầm các bài hát và nhạc vàng cổ, ghi chép các bản nhạc giật, nhạc tâm lý chiến của đài Mỹ và đài Sài-gòn. Chúng dùng các bản nhạc này để luyện cho nhau những giọng hát, tiếng đàn thật là bi quan, sầu thảm, lả lướt, lãng mạn để đi truyền bá lôi, kéo thanh niên…” (trích bài báo “Phan Thắng toán và đồng bọn đã bị xét xử”, báo Hà Nội Mới, ngày 12/1/1971).
Âm nhạc thành án tù , tán gia bại sản, chết ngoài lề đường có lẽ chỉ xảy ra ở các nước Cộng Sản:
Phiên tòa đã diễn ra 3 ngày để xét xử bọn “gây ảnh hưởng xấu cho phong trào trật tự trị an, phá hoại việc thực hiện một số chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách văn hóa, chính sách lao động sản xuất, chính sách nghĩa vụ quân sự… xâm phạm nghiêm trọng đến hạnh phúc, phẩm giá của phụ nữ, đến đạo đức và đời sống của nhiều người và tuyên truyền xuyên tạc lại chế độ XHCN trong lúc cả nước đang chiến đấu chống Mỹ xâm lược…” (Báo Hà Nội Mới, bài đã dẫn).
Xét tính chất nghiêm trọng của vụ án, ông Toán Xồm ((Phan Thắng Toán) bị tuyên 15 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân, ông Nguyễn Văn Đắc bị 12 năm tù giam, và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân, ông Lộc Vàng bị 10 năm tù giam, và sau đó 4 năm bị tước quyền công dân…
Ông Lộc Vàng kể:
“Sau khi ra tù thì anh Toán Xồm cũng chẳng còn nhà cửa gì nữa, anh chán đời và tìm vui bên men rượu trên hè phố. Đêm 30 tháng 4 năm 1994, anh chết bên đường…”.
Ông Đắc mất năm 2005. Về phần ông Lộc Vàng, sau khi ra tù ông cũng đã sống một cuộc đời bôn ba. Sau khi người vợ qua đời, ông Lộc Vàng dựng quán cafe để ông thỏa chí hát lên cảm xúc đời mình.
Dưới đây xin trích vài câu hỏi và đáp của toà với các “bị cáo” do nhạc sĩ Tô Hải, người đã tham dự phiên tòa năm đó, thuật lại:
Chánh án: -Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi truỵ không?
Toán xồm: -Dạ! Thưa quý toà,con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng Hoà Dân Chủ Đức thôi ạ!
Chánh án: -Anh nói láo! Thế La Paloma, Santa Lucia là của ai?
Toán Xồm: -Dạ! La Paloma là của nước bạn Cu Ba ạ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ! Nhà xuất bản của Nhà nước đã in và sân khấu Nhà nước đã có nhiều ca sỹ biểu diễn ạ!
Chánh án: -Vậy anh có biết cha cha cha là cái gì không?
Toán Xồm: -Dạ! Có ạ!! Đây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cu Ba ạ!
Chánh án: -Thế còn Tango bleu chắc anh cũng đổ cho Cu Ba hết hả?
Toán xồm: -Dạ không! Tango là một điệu nhảy Ác-giăng-tin nhưng đã được quốc tế hoá. Vừa giờ Đoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước XHCN đều xử dụng cả ạ!
Chánh án: -Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác. Đừng có ngụy biện!
Toán Xồm: -Dạ! Đánh y hệt ạ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn… chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ!
Chánh án: -Anh hãy im miệng! Đồ ngoan cố!
Và cứ như vậy, suốt phiên tòa, chánh án chỉ sử dụng câu “Im miệng! Đồ ngoan cố” để cắt lời người bị buộc tội. Không hề có ai bào chữa.
TÀI TỬ LỘC VÀNG: VÀO TÙ VÌ YÊU NHẠC
Ông Lộc Vàng tên thật là Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1945 là một trong những người mê nhạc vàng nổi tiếng tại Hà Nội.
Trước năm 1954, đâu đâu cũng nghe người ta hát nhạc vàng (đó là dòng tân nhạc nay gọi là tiền chiến. Hồi đó vì vẻ đẹp sang trọng và đáng quý nên người ta so sánh nó quý như vàng, chứ không phải nhạc vàng hiểu theo nghĩa sến, héo úa sau này) nó ngấm vào ông từ khi nào không biết. Cũng vì trót yêu, trót thèm được phiêu du cùng cái cảm xúc thật của mình mà bất chấp lệnh cấm, ông Lộc cùng một nhóm bạn, trong đó có ông Phan Thắng Toán (Toán “Xồm”) và Nguyễn Văn Đắc thường xuyên tụ họp tại nhà, cùng hát với nhau những bài hát của Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Đặng Thế Phong, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng…
“Chúng tôi gặp gỡ, đóng cửa hát cho nhau nghe thôi chứ cũng chẳng phản đối chính sách nhà nước gì cả. Chúng tôi chỉ thấy dòng nhạc này hay quá, trữ tình và đầy tình người nên muốn lưu giữ lại và đóng cửa hát cho nhau nghe.”
“Người này đồn người kia. công an bắt bạn tôi và nói rằng vì chúng tôi thích những bài nhạc ấy nên chúng tôi phá hoại nền văn hóa CNXH và tuyên tuyền văn hóa trụy lạc của chủ nghĩa đế quốc. Và họ đã xét xử bọn tôi”.
Ngày 27 tháng 3 năm 1968 nhóm nhạc của ông Lộc Vàng bị bắt. Vụ án “Phan Thắng Toán và đồng bọn về tội tuyên truyền văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc” đưa ra xét xử, ông Toán “Xồm” bị tuyên 15 năm tù giam, ông Đắc bị 12 năm tù giam và ông Lộc Vàng bị 10 năm tù giam.
Từ năm 1954 đến năm 1987, những bài nhạc vàng- ý Cộng Sản Hà Nội nói màu vàng bệnh hoạn- và nhạc tiền chiến (vốn thịnh hành trước năm 1954), hai loại nhạc bị CS Hà Nội cho là thứ âm nhạc lãng mạn bi quan, hoặc khêu gợi tình dục và những khát vọng thấp hèn. Cùng với phong trào bài trừ “hoàng sắc âm nhạc” của Mao Trạch Đông tại Trung Quốc, thời gian đó tại Việt Nam xuất hiện nhiều bài báo chống lại những giai điệu được cho là ủy mị và thiếu tinh thần đấu tranh cách mạng.
Ông Lộc Vàng là một trong những người mê nhạc tiền chiến nổi tiếng tại Hà Nội. Ông Lộc thuộc và hát được hầu như đến 80% các bài nhạc tiền chiến. Cũng vì trót yêu, trót thèm được phiêu du cùng cái cảm xúc thật của mình mà bất chấp lệnh cấm, ông Lộc cùng một nhóm bạn, trong đó có ông Phan Thắng Toán (Toán “Xồm”) và Nguyễn Văn Đắc thường xuyên tụ họp tại nhà, cùng hát với nhau những bài hát của Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Đặng Thế Phong, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng…