Một chế độ cộng hoà xã hội đen?
Việc chính quyền cộng sản đàn áp các tín đồ Công Giáo tại giáo sứ Tam Toà đã được thông tin và bình luận khá nhiều. Tuy nhiên có hai điểm cần được đặc biệt lưu ý.
Điểm thứ nhất là đảng cộng sản hoàn toàn không biểu lộ một sự hiểu biết hay quan tâm nào đối với lịch sử.
Nhà thờ Tam Toà tuy chỉ được xây cất một cách bề thế năm 1940 nhưng có giá trị lịch sử rất lớn đối với người công giáo. Tam Toà là một trong những họ đạo đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, ngay từ đầu thế kỷ 17, và đã chứng kiến những trang sử bi đát nhất của Công Giáo Việt Nam: những đợt cấm đạo từ thời các chúa Nguyễn đến các triều vua Minh Mệnh và Tự Đức, những đợt tấn công của phong trào Cần Vương – Văn Thân và của một phần dân chúng các làng bên bị kích động. Máu người công giáo đã đổ nhiều, đã có những thánh tử đạo. Trong số giáo dân Tam Toà đầu tiên có những người đã được rửa tội bởi linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), người đã có đóng góp văn hoá quan trọng nhất cho nước ta: Chữ Quốc Ngữ. Nỗi đau của người công giáo tại đây càng lớn khi năm 1954, sau hiệp định Genève, tất cả giáo dân, trừ một phụ nữ có chồng ngoại đạo, phải bỏ giáo sứ để di cư vào Nam, bỏ lại nhà thờ thân thương cùng tài sản và mồ mả tổ tiên của họ, vì biết không sống được dưới chế độ cộng sản trong một bối cảnh địa phương đầy thù ghét. Nhà thờ Tam Toà trở thành nhà kho và từ năm 1968 hoàn toàn hoang phế sau khi bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy, chỉ còn lại mặt tiền.
Tam Toà là một phần lịch sử đau thương và một đất thiêng đối với người công giáo. Lòng tha thiết với đất cũ và nhà thờ cũ vẫn còn nguyên vẹn nên sau khi đất nước thống nhất giáo dân dần dần trở lại và giáo sứ Tam Toà ngày nay đã có gần một ngàn người. Nếu có những nơi nào trên đất nước Việt Nam mà cố gắng hoà giải dân tộc phải được thực hiện một cách nhiệt thành và quả quyết nhất thì Tam Toà là một, đặc biệt đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tại đây sau Cách Mạng Tháng 8 họ đã khủng bố người công giáo và kích thích tinh thần bài Công Giáo đến độ toàn bộ giáo dân phải bỏ vào Nam năm 1954. Những gì vừa xảy ra chứng tỏ họ hoàn toàn không thay đổi và vẫn làm ngược hẳn với những gì đáng lẽ phải làm. Họ liên tục từ chối thỉnh cầu của giáo dân là được xây lại một nhà nguyện cạnh phế tích của nhà thờ Tam Toà cũ. viện cớ là phế tích này phải được giữ nguyên để làm chứng tích cho tội ác của Mỹ trong chiến tranh.
Đây chỉ là một lý cớ lỗ mãng bởi vì phế tích nhà thờ Tam Toà hoàn toàn không được bảo trì, nó bị bỏ hoang giữa một đám cỏ dại. Ngày 20-7 vừa qua khi giáo dân Tam Toà tập trung cầu nguyện trước nhà thờ cũ họ đã bị công an hành hung và giải tán một cách thô bạo. Ngày 26-7 khi họ lại đến đây cầu nguyện và vào giữa lúc 250.000 giáo dân Quảng Bình và hàng triệu giáo dân cả nước hướng về họ và cầu nguyện cho họ, sự thô bỉ của chính quyền cộng sản đã đạt một mức độ mới. Nhiều phân tử côn đồ được huy động tới để đánh đánh đập giáo dân, làm nhiều người bị thương trước sự chứng kiến của công an. Chiều hôm đó, một phái đoàn linh mục và giáo dân tới thăm tín hữu Tam Toà cũng bị bọn côn đồ này tấn công đả thương nhiều người, trong đó có linh mục Nguyễn Đình Phú. Phái đoàn phải bỏ chạy. Tệ hơn nữa là cách chính quyền đối xử với linh mục Ngô Thế Bính, đại diện toà tổng giám mục Vinh, khi ông tới trạm y tế thăm linh mục Nguyễn Đình Phú và các giáo dân bị đả thương. Linh mục Bính đã nhờ phó chủ tịch tỉnh Quảng Bình là Nguyễn Công Thuận dẫn vào vì trạm cứu thương đang bị hàng trăm người hung hăng mang gậy gộc bao quanh, nhưng Nguyễn Công Thuận đã dẫn linh mục Bính tới đó rồi bỏ đi ngay để cho bọn côn đồ xông thẳng vào trạm đánh ông Bính. Chẳng khác gì Thuận giao linh mục Bính cho bọn côn đồ.
Cần lưu ý là trong số hung thủ đánh đập giáo dân chỉ có một thiểu số là bọn đầu gấu thực sự. Ở một vùng thôn quê trong tỉnh Quảng Bình nghèo nhất nước không thể có một số lượng đầu gấu chuyên nghiệp đông đảo như vậy; phần lớn là những người dân nông cạn đã được kích động để thù ghét người công giáo. Họ cũng đã được rỉ tai rằng người công giáo sắp kéo về đây để đòi đất của họ. Chế độ cộng sản đã đưa dân chúng địa phương trở lại giai đoạn đen tối hơn một thế kỷ trước khi người Việt Nam đã dại dột để bị xúi dục tàn sát đồng bào mình vì lý do tôn giáo. Phong trào Nho Giáo tôn quân Văn Thân – Cần Vương ra đời với chủ trương dữ dằn “Bình Tây Sát Tả” (chống Pháp, giết công giáo) đã sát tả hơn là bình tây, họ đã đánh phá hàng ngàn họ đạo, giết hại hàng chục ngàn giáo dân và để lại những đổ vỡ khó hàn gắn. Tuy vậy cho tới một ngày gần đây hành động của họ không bị lên án đúng mức, trái lại nói chung họ còn được tôn vinh như là hiện thân của chí khí dân tộc. Chính vì thế dù phong trào Văn Thân – Cần Vương đã tan rã nhanh chóng ảnh hưởng của nó vẫn còn kéo dài và tạo ra tại nhiều địa phương một số người thù ghét một cách dai dẳng đạo Công Giáo. Văn Thân và Cần Vương chủ yếu là những phong trào địa phương và giáo sứ Tam Toà nằm trong một trong những địa phương này.
Như tất cả những xung đột đẫm máu có nguyên nhân từ văn hoá, vấn đề cần được nhìn một cách bình tĩnh và thận trọng. Có những mù quáng phải bị lên án dứt khoát nhưng cũng có những hiểu lầm và vụng về. Và cũng có những hoàn cảnh đưa đến hiểu lầm và vụng về. Không phải tất cả mọi lãnh tụ Văn Thân và Cần Vương đều chủ trương “sát tả” nhưng họ đã không thuyết phục được phong trào. Ngược lại người Công Giáo khi bị tấn công đã tự vệ và cũng gây thương vong cho những người tấn công họ. Họ cũng đã ít nhiều phải nhờ đến sự che chở của người Pháp, sự kiện này lại càng tạo lý cớ cho những người cáo buộc họ là “theo Tây”, thậm chí cho rằng đạo Công Giáo được người Pháp đem vào Việt Nam làm dụng cụ xâm lược mặc dù nó đã có mặt tại Việt Nam ba thế kỷ trước và đã bị bách hại rất lâu trước khi Pháp bắt đầu dòm ngó Việt Nam. Các vua Minh Mệnh và Tự Đức khi ra chiếu cấm đạo cũng chỉ coi họ là theo một tà giáo chứ không hề buộc tội họ tiếp tay cho quân Pháp. Tuyệt đại đa số sĩ phu Việt Nam lúc đó chẳng biết gì về thế giới bên ngoài, các Văn Thân coi đạo Công Giáo như là đạo của chính quyền Pháp trong khi nước Pháp vừa trải qua cuộc cách mạng 1789 trong đó giáo hội Công Giáo đã bị đàn áp một cách đẫm máu trên cả nước và sau đó bị gặt hẳn khỏi chính quyền.
Việc các vua chúa Việt Nam cấm đạo và kêu gọi chống đạo có lý do của nó. Đó là vì đức tin Thiên Chúa Giáo phân biệt thượng đế và vua và do đó đe dọa nền tảng chính đáng của chế độ quân quyền theo đó vua cũng là trời. Đức tin này không hề xúc phạm đến dân tộc Việt Nam mà còn phải được tán thành, đáng tiếc là một số giáo sĩ trong lúc truyền giáo đã bài xích những tín ngưỡng cổ truyền của Việt Nam như việc thờ cúng tổ tiên, thậm chí đôi khi ngay cả Phật Giáo, đóng góp tạo ra tâm lý bài Công Giáo trong quần chúng. Đã thế sau khi người Pháp áp đặt sự đô hộ Công Giáo lại được ưu đãi, càng gây bực bội cho nhiều người. Nhân và quả lẫn lộn với nhau tùy người nhìn, và trên hết là sự thiếu hiểu biết. Đố kỵ lương – giáo sau đó đã được khai thác cho những mục tiêu chính trị; một trong những thủ phạm chính là Đảng Cộng Sản.
Tình trạng phức tạp này có khi tạo ra những trường hợp rất nghịch lý. Phong trào Văn Thân – Cần Vương là một phong trào Nho Giáo, mà Nho Giáo bài xích Phật Giáo về bản chất, nhưng nhiều người phật giáo, kể cả một số tăng sĩ, cũng ủng hộ nó và coi sự thù ghét đạo Công Giáo như một lẽ tự nhiên, và tiếp tục nuôi dưỡng một tâm lý tồi tệ. Thích Trí Quang là một thí dụ. Ngược lại những hiềm khích mà họ đã là đối tượng cũng tạo ra nơi một số đáng kể người công giáo mặc cảm cô lập và tâm lý co cụm, tự coi mình là người công giáo trước khi là người Việt Nam. Hoá giải những xung khắc trong quá khứ và bình thường hoá chỗ đứng của người công giáo trong lòng dân tộc là một vấn đề còn đòi hỏi cố gắng và thời gian nhưng là điều phải làm đối với một chính quyền đúng nghĩa. Đảng cộng sản đã làm ngược lại. Họ đã kích thích sự thù ghét đối với người công giáo của một số người nông cạn, nạn nhân của sự tuyên truyền dối trá của chính họ, để dùng những người này tấn công giáo dân.
Chính sách trị an của đảng cộng sản rõ ràng là dựng thành phần dân tộc này chống lại thành phần dân tộc khác. Vụ chùa Bát Nhã trên Tây Nguyên cũng nằm trong cùng một chính sách, điều khác là ở đây một thành phần phật tử được điều động để chống lại một thành phần phật tử khác.
Giải quyết những vấn đề mà lịch sử để lại để đoàn kết người Việt Nam trong đồng thuận xây dựng và chia sẻ một tương lai chung không phải là quan tâm của đảng cộng sản. Họ hành xử như một tập thể riêng ở ngoài và ở trên dân tộc Việt Nam. Họ không do nhân dân bầu ra, họ là một lực lượng chiếm đóng. Họ không quan tâm tới lịch sử Việt Nam, họ có lịch sử Đảng. Họ không cần người Việt Nam đoàn kết, trái lại họ muốn người Việt Nam chia rẽ và thù ghét nhau để họ dễ thống trị. Đối với họ cái trở thành của nước Việt Nam không phải là điều quan trọng, điều quan trọng là họ vẫn cầm quyền.
Về bản chất đảng cộng sản không phải là một lực lượng dân tộc. Chủ nghĩa Mác- Lênin không có tổ quốc, nó chủ trương xoá bỏ các quốc gia – Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc còn hơn là thuộc Việt Nam Cộng Hoà vì Bắc Kinh là anh em, Sài Gòn là thù địch. Tiếng gọi đấu tranh giai cấp là tiếng gọi nội chiến, Lenin coi nội chiến là nền tảng của cách mạng vô sản. Tuy vậy những gì xảy ra tại Thái Hà, Tam Toà, Bảo Lộc, và chắc sẽ còn ở nhiều nơi khác nữa, vẫn làm người ta ngạc nhiên. Đảng cộng sản đã cầm quyền trên cả nước gần 35 năm rồi và chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ. Để tồn tại đáng lẽ nó phải cố gắng hoá thân thành một đảng dân tộc. Các cấp lãnh đạo cộng sản chắc chắn cũng phải hiểu như vậy. Nhưng tại sao họ làm ngược lại? Phải chăng họ cho rằng đã quá trễ để hoà giải với dân tộc Việt Nam và chọn lựa thực tiễn duy nhất chỉ là kéo dài chế độ thêm được ngày nào hay ngày đó bằng mọi phương tiện? Dã tâm đến từ tâm lý tuyệt vọng.
Điểm quan trọng thứ hai là hiện tượng đầu gấu hoá chính quyền.
Chế độ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đang hoá thân thành một chế độ cộng hoà xã hội đen. Hiện tượng này bắt đầu trong vụ xử Nguyễn Vũ Bình cuối năm 2002. Hình như đó là lần đầu tiên chính quyền cộng sản sử dụng bọn đầu gấu để hành hung gia đình và thân hữu của một người đối lập. Ngay sau đó qua điện thoại ông Hoàng Minh Chính đã bày tỏ với tôi sự ngạc nhiên và phẫn nộ, nhiều người bị đánh, chính ông dù già cả cũng đã bị xô đẩy. Kế tiếp là những vụ hành hung lẻ tẻ đối với dân oan khiếu kiện. Biện pháp sử dụng bọn xã hội đen hành hung những người chống đối trở thành thông lệ từ năm 2005. Ông Hoàng Minh Chính bị đám “quần chúng phẫn nộ” xô đẩy, xỉ vả và ném đồ bẩn vào nhà khi ông trở lại Hà Nội sau chuyến đi Mỹ. Rồi Phạm Hồng Sơn bị đánh; rồi đến lượt Nguyễn Phương Anh, Phạm Văn Trội, Phạm Đức Chính, Ngô Quỳnh khi đến Hữu Lũng, Lạng Sơn, thăm Vi Đức Hồi. Sau đó là cô Phạm Thanh Nghiên ở Hải Phòng. Cùng một kịch bản: công an chứng kiến bọn côn đồ đánh người đối lập mà không can thiệp. Tuy vậy vẫn chỉ là những nhóm nhỏ trên dưới mười tên. Biện pháp trở thành qui mô từ năm 2008 với hàng trăm tên côn đồ được điều động đến khiêu khích và hành hung giáo dân cầu nguyện đòi lại đất ở xứ Thái Hà. Dù sao cũng vẫn chỉ có bọn lưu manh. Với vụ Tam Toà và chùa Bát Nhã một yếu tố mới xuất hiện: ngoài bọn đầu gấu chính quyền còn kích động một thành phần dân tộc chống lại một thành phần khác. Cần lưu ý là ngay cả báo chí nhà nước cũng được đầu gấu hoá để trắng trợn loan tin ngược hẳn với sự thực.
Thí dụ như báo Dân Trí loan tin:
“Sáng 27 Tháng Bảy khi nhân dân Ðồng Mỹ đang dọn dẹp vệ sinh quanh khu vực tháp chuông đã bị một nhóm đối tượng đi trên 5 xe ô tô bất ngờ dùng gạch đá ném rồi lên xe bỏ chạy”.
Những lần trước nhà cầm quyền cộng sản chỉ cho bọn đầu gấu hành hung rồi báo chí không loan tin, coi như không có gì xẩy ra. Lần này họ còn ra lệnh cho báo chí nhà nước loan tin dối trá. Việc sử dụng các băng đảng xã hội đen được nâng lên thành một chính sách phối hợp an ninh và tuyên truyền.
Phải nói ngay rằng việc sử dụng báo chí ở đây không chỉ thô bỉ mà còn là một sai lầm lớn. Ai cũng biết là bọn đầu gấu -đầu gấu chuyên nghiệp cũng như những thường dân nông cạn bị đầu gấu hoá- là một dụng cụ của chính quyền, nhưng ít ra chính quyền không nhìn nhận. Với sự yểm trợ của báo đảng chính quyền đã tự gỡ mặt nạ.
Nhưng chính sách trị an đầu gấu là gì? Nó là lời thú nhận không còn đối thoại được với nhân dân nữa vì không còn gì hợp lý để đề nghị nhưng cũng không thể dùng bạo lực chính thức. Chính quyền CSVN ngày nay đã khá lệ thuộc dư luận thế giới để có thể đem công an trắng trợn đàn áp những người dân đang cầu nguyện. Họ đã chọn giải pháp dùng bọn đầu gấu để ném đá giấu tay. Nhưng đây cũng chỉ là hành động tự sát. Nhân dân Việt Nam đã tức khắc nhìn ra bàn tay của Đảng và thế giới cũng đã nhận ra bàn tay của Đảng. Còn tệ hơn là dùng ngay công an. Thay vì bị lên án như một chính quyền hung bạo họ bị lên án như một chính quyền gian ác và đạo tặc. Chân dung của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà Nước trước thế giới, đặc biệt là trong các chuyến công du, sẽ rất lộng lẫy!
Chính sách này sẽ đưa đảng cộng sản về đâu? Đừng quên rằng mọi chính quyền cộng sản đều đặt nền tảng trên khủng bố; khi không thể khủng bố nó sụp đổ. Robespierre, lý thuyết gia đầu tiên của chủ nghĩa khủng bố để lại một câu nói trứ danh: “hai cột trụ chính quyền cách mạng là đức hạnh và khủng bố, không có đức hạnh thì khủng bố chỉ là đen độc, không có khủng bố thì đức hạnh cũng bất lực”. Đức hạnh để được kính nể và không bị chống đối, khủng bố để tiêu diệt những chống đối còn lại. Lenin cũng đồng ý với Robespierre, ông chỉ thay thế cái đức hạnh lý tưởng và đam mê của Robespierre bằng cái “đạo đức cách mạng” bịa đặt và áp đặt của Đảng. Nhưng muốn như thế thì phải dập tắt mọi tiếng nói. Sự dối trá sẽ vô duyên và vô dụng nếu nó không có độc quyền. Mọi tiếng nói, trừ tiếng nói của Đảng, phải im bặt, mọi ý chí phải bị đập tan, mọi người đều phải là những thằng hèn. Sự khống chế tư tưởng phải tuyệt đối. Khống chế tư tưởng để triệt tiêu mọi ý định chống đối, đàn áp để tiêu diệt những chống đối còn lại. Bưng bít và bịt miệng là vũ khí cơ bản của các chế độ khủng bố cộng sản, phát xít và Nazi.
Và cũng có hai điều kiện bắt buộc để chính sách khủng bố có thể thành công. Một là một chính quyền chỉ có thể thi hành chính sách khủng bố đối với xã hội nếu cùng một lúc nó cũng thi hành khủng bố một cách dữ dội hơn ngay trong nội bộ. Đao phủ của các chế độ bạo ngược thường xuất phát từ trong lòng chế độ. Stalin đã hành quyết hơn 80% thành viên của ban chấp hành trung ương đã bầu ông vào chức tổng bí thư, Robespierre đã đưa lên máy chém gần hết thành viên của directoire. Hai là khủng bố phải thật dữ tợn để gây kinh hoàng, và phải thật giản đơn để mọi người đều thấy mình có thể là nạn nhân bất cứ lúc nào, và sống trong lo sợ. Giết lầm hơn tha lầm, khủng bố nửa vời là tự sát.
Tình trạng hiện nay của Đảng Cộng Sản Việt Nam là nó không còn khả năng bưng bít, cả nước và cả thế giới biết những gì xảy ra sau một vài giờ. Nó cũng không còn kỷ luật nội bộ và cũng không có hy vọng tìm ra một người lãnh đạo đủ uy tín để áp đặt một kỷ luật nội bộ tối thiểu, nói gì tới khủng bố nội bộ. Những bản án tù vài năm chẳng gây kinh hoàng cho ai, trừ những phần tử yếu bóng vía đàng nào cũng không phải là những người đối lập đáng lo ngại, mà chỉ kích thích sự chống đối. Những vụ bạo hành của bọn đầu gấu sẽ chỉ có tác dụng đổ dầu vào lửa. ĐCSVN muốn thi hành chính sách khủng bố nhưng lại không có được một điều kiện nào trong những điều kiện cần có của một chính sách khủng bố. Nó chỉ đào huyệt tự chôn mình. Và khi sự kiện Đảng đang đào hố chôn mình đã rõ rệt thì tự nhiên ngay trong nội bộ Đảng cũng sẽ có những người nhận ra là phải hành động để tự cứu mình. Phương pháp biện chứng, mà chủ nghĩa cộng sản lấy làm nền tảng của lý luận, cho rằng có một thời điểm mà lượng biến thành chất, mà những mâu thuẫn đã tích luỹ đủ để làm bùng ra một một thay đổi toàn bộ, tiếng Việt nói là tức nước vỡ bờ. Thời điểm này đã gần kề.
Nhưng gần kề là bao lâu? Ẩn số lớn nhất là trí thức Việt Nam. Quần chúng đã chín muồi cho một thay đổi chế độ. Nhưng quần chúng luôn luôn hành động theo trí thức, và trí thức Việt Nam lại có biệt tài làm lỡ các cơ hội. Do di sản văn hoá và lịch sử, và có lẽ vì tâm trí đã bị chấn thương sau quá nhiều đảo lộn và thảm kịch, trí thức Việt Nam luôn luôn lượn quanh thay vì đương đầu với khó khăn. Họ cầu mong những cơ hội nhưng lại không biết rằng một cơ hội chỉ là một cơ hội với những ai đã chuẩn bị sẵn sàng để chờ đợi nó. Và chuẩn bị có nghĩa là xây dựng tổ chức. Đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân, nó luôn luôn là đấu tranh có tổ chức và tổ chức chỉ có thể là thành quả của những cố gắng thông minh và kiên trì trong nhiều năm, bắt đầu từ một tư tưởng chính trị hoàn chỉnh.
Cơ hội đã đến cuối thập niên 1970 khi đất nước suy sụp toàn diện và mọi người, kể cả đại bộ phận đảng viên cộng sản, vỡ mộng. Cơ hội lại đến cuối thập niên 1980 khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và khối cộng sản tan vỡ. Chúng đều bị bỏ lỡ.
Ngày hôm nay cơ hội để thay đổi lịch sử lại đến. Thế giới khủng hoảng và phải thay đổi. Một trật tự thế giới mới, kinh tế cũng như chính trị, phải ra đời thay thế cho trật tự cũ đã từng nuôi dưỡng mô hình Trung Quốc mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bắt chước và nhờ vậy đã sống sót. Các mâu thuẫn tích luỹ trong xã hội Việt Nam –tham nhũng, dân oan, tụt hậu, chênh lệch giàu nghèo- đã đến lúc phải giải quyết trong khi đảng cộng sản phân hoá và ung thối đến cùng độ. Đại hội 11 sẽ là đại hội của bế tắc toàn diện. Ban lãnh đạo xuất phát từ đại hội 11 sẽ chỉ gồm những con người mờ nhạt không thành tích, không uy tín, không khả năng và thiếu cả ý chí, lại phải giải quyết những vấn đề rất nghiêm trọng và cấp bách. Họ sẽ chẳng làm được gì và cũng chẳng lãnh đạo được ai. Vả lại đảng cộng sản không còn là một chính đảng. Nó đã trở thành một giai cấp bóc lột. Và một giai cấp không bao giờ là một đội ngũ để có sức chiến đấu ngay cả khi nó rất giàu và có thừa phương tiện. Bằng cớ là nó đang tự đầu gấu hoá để trở thành một băng đảng. Nhưng đặc tính của những băng đảng là chúng chỉ qui tụ được một số rất ít nguời. Đảng cộng sản sẽ vỡ ra thành nhiều băng đảng xâu xé lẫn nhau và các đảng viên lương thiện sẽ bỏ đi. Bối cảnh hiện nay và sắp tới sẽ rất thuận lợi cho cuộc vận động dân chủ.
Thuận lợi nhưng cũng rất khẩn trương vì chính sự sống còn của đất nước đang bị đe dọa. Một quốc gia chỉ tồn tại được nếu còn có những con người lo lắng cho sự trở thành của nó. Nhưng hiện nay còn có bao nhiêu người quan tâm đến đất nước? Sự thất vọng kéo dài quá lâu với một chính quyền tham bạo đã biến thành sự thất vọng với chính đất nước. Trong khi đó chúng ta đang sống trong một thế giới mà ý niệm quốc gia đang bị xét lại gay gắt. Những quốc gia không được quan niệm như một không gian liên đới của những con người tự do tự nguyện xây dựng và chia sẻ với nhau một tương lai chung sẽ không còn lý do tồn tại. Chúng sẽ giải thể trong lòng người trước khi giải thể thực sự. Phải khẩn cấp chấm dứt chế độ cộng sản trước khi nó chấm dứt đất nước.
© Thông Luận 2009