Bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ
Tác giả: Ngụy Kim Sinh, Lê Minh Nguyên chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua của Mỹ đã khơi lên mối quan tâm lớn, ở một mức độ nhiều hơn so với cuộc bầu cử tổng thống. Chỉ cần nhìn sự đóng góp tài chánh của chiến dịch tranh cử này đã đạt đến hơn bốn tỷ đô la, vượt hơn cuộc bầu cử tổng thống trước đây. Tại sao lại có mối quan tâm như thế cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ? Vì nó có một số lý do rất quan trọng sau đây.
Điều quan trọng nhất là nền kinh tế. Không những người Mỹ quan tâm đến nền kinh tế, mà còn là vì những vấn đề kinh tế hiện tại thì quá sức bất thường: nền kinh tế đã bị suy giảm trong những năm qua và vẫn chưa thể hồi phục được từ sự trì trệ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn rất cao vào khoảng 10% . Trong cuộc sống hàng ngày, người ta có thể cảm nhận được các tác động của sự suy thoái kinh tế. Giá hàng hóa đã đi xuống, mọi người không dám mua sắm, không dám tiêu tiền, và thậm chí là các khu du lịch sinh động và các cửa hàng đã trở nên hoang vắng. Tình trạng này làm cho dân chúng quan tâm đến chính trị, tự hỏi làm thế nào mà các chính trị gia đã để cho một nước Mỹ mạnh mẽ và thịnh vượng rơi vào tình trạng xấu như vậy.
Trong thập kỷ qua, người ta đã nhận thấy là một trong các vấn đề kinh tế lớn nhất ở Mỹ là sự không công bằng thương mại với nước ngoài, nó đã lấy đi rất nhiều công ăn việc làm của người dân, chủ yếu là các sản phẩm chất lượng kém và thấp từ Trung Quốc đã dần dần loại bỏ các công việc sản xuất hàng hóa của Mỹ. Các đại công ty kiếm được lợi nhuận cao từ việc khai thác công nhân Trung Quốc, và khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ở Mỹ đã nhanh chóng mở rộng. Trong khi các công nhân Mỹ dần dần bị mất công việc làm của họ, thì khoảng cách giàu nghèo lại mở rộng hơn nữa. Hậu quả của việc gia tăng thâm hụt thương mại với nước ngoài là sự gia tăng nghèo đói trong xã hội Mỹ từ năm này qua năm khác. Nói một cách đơn giản, kinh tế Mỹ đã không tiến bộ, mà đã đi thụt lùi. Dân chúng có trong túi của họ ít hơn và ít hơn do các lỗi lầm điều hành đất nước của các chính trị gia.
Mười năm trước, người ta đã cảm nhận được vấn đề. Trong cuộc tranh luận liên quan đến tình trạng thương mại bình thường vĩnh viễn cho Trung Quốc (còn gọi là PNTR), 70% người Mỹ nói “không” với Trung Quốc. Đó là vì chính quyền Trung Quốc không cho Mỹ có cùng một đối xử như vậy khi đó. Sự thiếu cân bằng này sẽ dẫn đến sự mất thăng bằng thương mại và thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, các chính trị gia Mỹ dưới sự lệ thuộc tài chánh của các đại doanh nghiệp đã thông qua nghị quyết trong thời Tổng thống Clinton, đặt Hoa Kỳ vào thế bất lợi trong mối quan hệ thương mại không công bằng.
Trong 10 năm qua, những hậu quả tiêu cực của quan hệ thương mại không lành mạnh như vậy đã trở thành chẳng những nhiều hơn và rõ ràng hơn, mà còn vượt ra ngoài sự dự liệu. Ngoài việc nó làm cho công ăn việc làm bị đưa ra nước ngoài, nó còn gây ra sự bần cùng hóa dần dần xã hội Mỹ. Tài sản ngày càng tập trung nhiều vào một thiểu số giàu có, trong khi chính trị cũng nghiêng về việc phục vụ thiểu số giàu có này. Trong một cái nhìn vĩ mô, khi thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng càng ngày càng lớn hơn, người giàu thì càng giàu hơn ở cả hai nước, trong khi người nghèo thì nghèo hơn ở cả hai nước. Đối với các nhà tư bản của cả hai nước, Trung Quốc là phép lạ kinh tế của họ. Đối với các lớp người nghèo và người có lợi tức trung bình ở cả hai nước, “mô hình Trung Quốc” là thảm họa của họ.
Khi người dân bình thường dần dần nhận ra vấn đề này, thì cử tri trong chế độ chính trị dân chủ bắt đầu chú ý. Lý do mà một người ít ai biết đến trước đây, ông Barack Obama, được bầu làm tổng thống hai năm trước là do một khẩu hiệu quan trọng: thay đổi. “Thay đổi” cái gì? Đó là cải cách chính trị Mỹ, để đưa nó trở lại đúng những gì mà mọi người dân mong đợi, với sự tập trung vào các lợi ích của Mỹ. Hoặc nói một cách khác, là để cho sự thăng bằng chính trị hướng về lợi ích của người dân Mỹ bình thường, thay vì một thiểu số giàu có.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho chính quyền Obama, cử tri không chỉ cho đảng Dân chủ quyền lực của tổng thống, mà còn kiểm soát Thượng viện và Hạ Viện. Quyền lực của các đảng viên Dân chủ gần giống như quyền lực của nhà độc tài La Mã. Nhưng họ đã làm cho dân chúng thất vọng. Trong hai năm qua, tình hình vẫn không được cải thiện, nhưng vẫn tiếp tục xấu đi nhanh chóng.
Người dân Trung Quốc thì chỉ thấy chính quyền Obama lên tiếng một cách công khai rằng sẽ không quan tâm đến nhân quyền ở Trung Quốc, cũng như nhượng bộ chính quyền Trung Quốc trong tất cả mọi thứ. Chính quyền Obama quá mềm yếu với chính quyền Trung Quốc đến độ hầu như cư xử như một đứa em nhỏ của Trung Quốc. Và bù lại, Cộng sản Trung Quốc càng trở thành cứng rắn hơn lên, đến mức độ của một “thái thượng hoàng”. Nhưng những gì mà người Mỹ nhận thấy được thì chủ yếu là vấn nạn kinh tế, vấn đề các công ty lớn của Hoa Kỳ và Trung Quốc đã lấy đi công ăn việc làm của người Mỹ, và các vấn đề quyền lợi quốc gia của Mỹ và quyền lợi của dân chúng.
Các tầng lớp người nghèo và người có lợi tức trung bình đã ủng hộ Obama bầu ông làm tổng thống hai năm trước đây đã cảm thấy bị lừa dối vì rằng đã không có sự thay đổi cốt yếu cái mô hình cơ bản là các đại doanh nghiệp kiểm soát nền chính trị ở Hoa Thịnh Đốn và hy sinh lợi ích của người dân Mỹ bình thường. Hầu hết các chính sách lớn được ban hành kể từ khi Tổng thống Obama nhậm chức đã sử dụng tiền thuế của dân để làm những việc có lợi cho các doanh nghiệp lớn. Có một loạt các học giả gia nô đã cố gắng liên tục để giải thích rằng chỉ bằng cách cướp của người nghèo để cho người giàu thì nền kinh tế mới hồi phục trở lại. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không phải là kẻ ngu. Họ không tin những học giả này, những học giả nhận sự giúp đỡ từ những người giàu để nói dối, vì vậy họ sử dụng lá phiếu của họ để bày tỏ quan điểm. Họ không tin vào chính trị của một đảng chuyên quyền. Họ muốn có một đảng đối lập để hạn chế chính quyền.
Vì vậy mà giai cấp cử tri nghèo và có lợi tức trung bình đã bầu ông Obama làm Tổng thống không lâu trước đây, lần này rút hơn sáu mươi ghế của đảng Dân Chủ ra, nhiều hơn ba mươi chín ghế mà phe Cộng hòa cần để kiểm soát Hạ viện. Thậm chí gần một nửa số cử tri đã ủng hộ cánh Tea Party, do đó mà cánh này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc bầu cử. Sự tức giận này của dân chúng buộc các chính trị gia của hai đảng đưa vấn đề Trung Quốc lên hàng đầu trước khi bầu cử. Họ tấn công lẫn nhau là vì thân Cộng sản ở Bắc Kinh nên ủng hộ một chính sách sai lầm, để cho công nhân Mỹ bị mất việc làm. Ngay cả Tổng thống Obama đã phải thừa nhận sau cuộc bầu cử rằng sự thất bại của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là vì “chúng tôi bị lạc lối trong việc kết nối với dân chúng, những người ban đầu đã bầu chúng tôi vào đây.”
Cho dù ông Obama có tái đắc cử trong hai năm tới hay không, điều chắc chắn là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này sẽ buộc chính quyền của ông phải điều chính chính sách. Dĩ nhiên, điều đầu tiên phải được quan tâm là về lợi ích kinh tế Mỹ; cố gắng giảm thâm hụt thương mại, tăng cường cơ hội có công ăn việc làm. Làm sao để giảm thiểu ảnh hưởng của tiền tài lên chính trị, trở về với bản chất của nền dân chủ. Ngoài ra, làm sao để thoát ra khỏi sự trăng mật với chính quyền Cộng sản Trung Quốc, và thay vào đó là các biện pháp cứng rắn hơn, bao gồm cả các biện pháp ngoại giao cứng rắn, chống lại các rào cản thương mại của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong thực tế, ngay cả trước khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, chính quyền Obama đã bắt đầu sự điều chỉnh này. Trên bình diện kinh tế, bắt đầu từ vấn đề hối suất đồng quan tệ của Trung Quốc, các cuộc thảo luận đã lan rộng ra đến vấn đề rào cản thương mại. Trên bình diện ngoại giao, bắt đầu từ sự hỗ trợ Ấn Độ để chống lại Trung Quốc, nó đã mở rộng ra để hỗ trợ Việt Nam và Nhật Bản trong cuộc đấu tranh cho chủ quyền hàng hải đối với Trung Quốc. Mục đích của việc duy trì áp lực như vậy là để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ về các vấn đề kinh tế. Chính sách này là lợi ích quốc gia lớn nhất của Mỹ, cũng như lợi ích chính trị lớn nhất của chính quyền Obama.
Trong tình hình hiện nay, chính sách có lợi nhất cho Trung Quốc là nên là nắm bắt lấy cơ hội để đạt được mục tiêu. Vì nó làm giảm thiểu những khó khăn kinh tế và ngoại giao, cũng như làm giảm lạm phát ở Trung Quốc, để cảnh ngộ khó khăn kinh tế và chính trị của Trung Quốc sẽ được dịu đi. Trong thực tế, con đường này cũng sẽ có lợi cho Đảng Cộng sản để nắm giữ quyền hành. Nếu nó có thể bắt đầu được một tiền lệ chính trị là quan tâm đến dư luận quần chúng, sau đó nó thậm chí sẽ được ở vị trí thuận lợi trong tiến trình dân chủ hóa Trung Quốc, và tốt đẹp cho diễn biến hòa bình ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính trị của Trung Quốc không phải là dân chủ, nhưng là độc tài độc đảng dựa trên giai cấp đại tư sản. Lãnh đạo Cộng sản không muốn từ bỏ cơ hội để khai thác người dân, vì vậy họ sẽ không từ bỏ các chính sách được lập ra để làm cho tư bản Mỹ và Trung Quốc giàu có. Vì vậy, chúng ta có thể tiên đoán rằng các cuộc đối đầu về kinh tế và chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có khuynh hướng trở nên trầm trọng hơn, cùng với những cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng. Hiện giờ, những người bảo thủ trong Đảng Cộng Sản và giai cấp đại tư sản của Trung Quốc sẽ tiếp tục kéo Trung Quốc vào vực thẳm của sự sụp đổ.
© Lê Minh Nguyên (Bản tiếng Viêt
© Đàn Chim Việt