WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hoa kỳ sau cuộc bầu cử 2/11/2010


Tại Hoa kỳ cứ 4 năm bầu cử tổng thống một lần, và 2 năm giữa hai cuộc bầu cử tổng thống bầu lại toàn thể 435 ghế Hạ nghị viện, 1/3 ghế tại Thượng nghị viện và khoảng 1/3 các thống đốc tiểu bang. Như một thông lệ, trong các cuộc bầu cử giữa hai nhiệm kỳ tổng thống dân chúng Hoa Kỳ thường dồn phiếu cho đảng đối lập với đảng của tổng thống. Cuộc bầu cử giữa hai nhiệm kỳ tổng thống năm nay 2010 cũng không ra ngoài thông lệ đó, và được thấy nổi bật nhất trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện.

Đáng Dân chủ đang nắm Hành pháp và kiểm soát cả hai viện quốc hội với tỉ số tại Hạ nghị viện: Dân chủ/Cộng hòa 255/178, Thượng nghị viện: Dân chủ/Cộng hòa 57/41 đã thua đậm. Đảng Cộng hòa nắm lại Hạ nghị viện với tỉ số áp đảo Dân chủ/Cộng hòa 191/244 và xuýt nữa thắng tại Thượng nghị viện với tỉ số Dân chủ/Cộng hòa 51/47.

Tại sao đáng Dân chủ thua một cách thê thảm như vậy?

Báo chí, truyền hình, truyền thanh, chính khách đảng Cộng hòa, các nhà bình luận chính trị đều trả lời: vì dân nổi giận. Nhưng khi hỏi dân giận cái gì và giận ai thì không ai có câu trả lời dứt khoát. Truyền thông và các chính khách cả hai đảng có thể có câu trả lời nhưng không ai muốn nói ra.

Giận ai nếu không muốn nói là giận chính mình. Hai năm trước cử tri Mỹ thất vọng trước các chính sách của Geoge W. Bush: kinh tế xuống dốc, chiến tranh sa lầy, uy tín quốc gia trên thế giới xuống thấp, và họ hy vọng ủng hộ ông Obama, một khuôn mặt trẻ họ nghĩ có tài có thể đưa Hoa Kỳ ra khỏi khó khăn. Bầu một tổng thống người da đen Hoa Kỳ sẽ xóa được hình ảnh một người khổng lồ bắt nạt và coi thường văn hóa Muslim, một mẫu mực dân chủ không kỳ thị trên thế giới.

Kết quả trông thấy. Ứng cử viên, Thượng nghị sĩ Barack Obama sau khi được đảng Dân chủ đề cử đã được sự ủng hộ khắp nơi trên thế giới. Sau khi đắc cử ông đi thăm Âu châu đã được đón tiếp như một vị anh hùng. Ông được gỉải hòa bình Nobel năm 2009 mặc dù chỉ nói chứ chưa làm gì cho hòa bình thế giới. Ủy ban Hòa bình Nobel của Na Uy với thiện chí muốn dùng uy tín của giải Nobel để với vài chục triệu mỹ kim tiền thưởng và một huy chương bằng vàng góp phần xây dựng hòa bình thế giới (*)

Chưa bao giờ dân chúng Hoa Kỳ đón một giải Nobel lạnh nhạt như vậy.  Giải này không nâng uy tín của cá nhân tổng thống Obama lên nếu không muốn nói làm giảm uy tín của ông với bài diễn văn nhận giải có nhiều màu sắc ngôn từ chọn lọc nhưng không đi vào lòng người đang mong ngóng hòa bình.

Năm 2008 khi chọn ông Obama đồng thời giao cho đảng Dân chủ cả hai viện quốc hội dân chúng Mỹ hy vọng  đảng Dân chủ sẽ thay đổi tình trạng bi đát của quốc gia trong một thời gian vừa phải như đưa Hoa Kỳ ra khỏi vùng lầy chiến tranh, chấn hưng kinh tế mang lại công ăn việc làm cho dân chúng … Gần hai năm dân chúng Mỹ nhận thấy rằng ông Obama nếu có tài vận động  tranh cử, không đủ tài để cai trị và chưa đủ uy tín trong đảng Dân chủ để dùng đa số trong quốc hội, đồng thời vận dụng một số dân biểu Cộng hòa ôn hòa để giải quyết tốt đẹp một số vấn đề bức thiết trong xã hội như thâm thủng ngân sách, chi phí y tế phi mã, tiền tệ khủng hoảng, điều hòa luật lệ di trú, cải tổ giáo dục … Một số luật quan trọng đã được thông qua như luật cải tổ hệ thống bảo hiểm sức khỏe, luật tài chánh, nhưng không có sự đồng thuận của đảng Cộng hòa và tạo thêm sự chia rẽ giữa hai đảng, và Bạch Ốc càng lúc càng thấy cô đơn.

Phản ứng của dân chúng Hoa Kỳ là một chuyển biến tâm lý của giới thợ thuyền, những kẻ có lợi tức trung bình người da trắng sau khi nhận ra rằng sự chọn lựa ông Obama qúa sớm và họ quyết định thay đổi lãnh đạo càng nhanh càng tốt. Hành động đầu tiên của cử tri người da trắng trung lưu hay dưới trung lưu là thay đổi thành phần phóng khoáng (liberal), tiến bộ (progressive) thuộc đảng Dân chủ tại quốc hội bằng thành phần hữu phái để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.

Kể từ cuộc khủng bố năm 2001, hình như trong thập niên 2000-2010 cử tri Hoa Kỳ mất kiên nhẫn đi từ quá khích này đến quá khích khác. Năm 2001 ủng hộ ông Bush đánh Afghanistan, năm 2003 đánh Iraq hạ bệ Saddam Hussein. Năm 2008 chán chính sách ông Bush ồ ạt ủng hộ ông Obama như một đợt sóng triều. Rồi chỉ hai năm sau 2010 lại như một trận tsunami quét đảng dân chủ sang một bên dọn đường cho những thành phần hữu phái Cộng hòa, và những thành phần cực hữu của đảng Tea Party do bà Sarah Palin khai sinh.

Chưa có bao giờ một Thượng nghị sĩ đối lập coi thường một ông tổng thống như Thượng nghị sĩ Mitch McConnel (Cộng hòa, bang Kentucky) lãnh tụ phe thiểu số tại Thượng nghị viện.  Ông McConnel tuyên bố sau cuộc bầu cử 2/11 rằng, mục tiêu của đảng Cộng hòa trong hai năm tới là làm mọi cách để tổng thống Obama không thể đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2. Giới truyền thông cũng đi ra ngoài giới hạn dè dặt thường lệ. Trong chương trình “The Situation Room” của đài CNN ngày Thứ Sáu 5/11, ông Jack Cafferty bình luận về cựu tổng thống Clinton rằng biết đảng Dân chủ sẽ mất Hạ nghị viện, ông vẫn bỏ cả tuần trước ngày bầu cử đi khắp nước Mỹ vận động cho các ứng cử viên Dân chủ. Jack Cafferty hỏi, để làm gì, nếu không phải là chuẩn bị vận động cho bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, và ông Cafferty thêm, trong lúc đó bà ngoại trưởng Hillary đang du hành Á châu tận bên kia nửa vòng trái đất xem như chuyện đảng Dân chủ mất Hạ nghị viện không phải chuyện của mình. Và ông Cafferty đặt câu hỏi với khán thính giả đài CNN: “Bà Hillary Clinton có ra tranh sự đề cử của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 không?”. Từ Á châu bà Clinton trả lời gián tiếp ông Cafferty rằng bà không có ý định lại ra ứng cử tổng thống. Nhưng phải hiểu đó là “vào lúc này”, còn tương lai thì còn chờ biến chuyển của tình hình chính tri, xu hướng của đảng Dân chủ và các đòn phép của đảng Cộng hòa.

Câu hỏi chính là: “Đảng Cộng hòa sẽ làm gì và tổng thống Obama sẽ xoay xở như thế nào trong hai năm tới?”.

Nếu cuộc bầu cử ngày 2/11/2010 là kết quả của một quyết tâm của đông đảo quần chúng giao sứ mệnh cho đảng Cộng hòa thì cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ dễ làm việc. Đảng Cộng hòa có hướng đi và đảng Dân chủ sẽ phải thỏa hiệp. Nhưng cuộc bầu cử này chỉ là kết quả một sự bực bội và thất vọng chính quyền (gồm cả hành pháp và quốc hội) và đảng Dân chủ đang cầm quyền lãnh đủ. Thì tương lai của nền chính trị Hoa Kỳ chưa biết sẽ ngả về hướng nào

Trên lý thuyết dân chúng Hoa Kỳ (nhất là thành phần có tiếng nói trong xã hội) thích chọn tự do và muốn chính phủ đừng chen vào quá đáng đời sống của mỗi cá nhân, ngay cả xen vào để giúp đỡ như trợ cấp, bắt buộc mua bảo hiểm sức khỏe v.v… hợp với chủ trương của đảng Cộng hòa. Nhưng khi đảng Cộng hòa thực hiện lý tưởng này bằng cắt giảm chi tiêu, giảm chương trình giúp đỡ người yếu kém, ưu đãi tầng lớp kinh doanh bằng giảm thuế thì giới trung lưu và thợ thuyền, thành phần thiểu số (người da đen, người gốc Nam Mỹ, người gốc Á châu …) phản đối. Đảng Dân chủ trái lại chủ trương chống chiến tranh, tăng thuế người giàu để giúp đỡ người yếu kém trong xã hội, chính phủ cần kiểm soát giới ngân hàng, giới đầu tư không cho lộng quyền thì bị thành phần có tiếng nói kết án làm mất an ninh quốc gia, thiên chủ nghĩa xã hội …

Vì những mâu thuẫn đó đảng Dân chủ với tổng thống Obama và quốc hội Dân chủ trong hai năm qua đã không thể chọn một chính sách nào nhất định và do đó không giải quyết nổi sự trì trệ kinh tế.

Hai năm tới, với Hạ nghị viện Cộng hòa, Thượng nghị viện và tòa Bạch ốc Dân chủ, hai đảng lại càng khó thực hiện một đường lối chung nào để giải quyết khó khăn kinh tế, ổn định tâm lý quần chúng, giải quyết chiến tranh và bảo đảm uy tín của Hoa Kỳ trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ dùng đòn phép chính trị (politics) đánh nhau để dành Bạch Ốc, và không đảng nào có đủ uy thế (prestige) và ý chí chính trị (political will) để thực hiện một chính sách (policy) chỉ đạo trong hướng phục vụ quyền lợi quốc gia, và dân chúng Hoa Kỳ lại có một phen để lại nổi giận vào năm 2012.

Đảng Dân chủ đang ở vào một tư thế khó khăn hơn. Nếu – theo cung cách bình thường – tổng thống Obama ra ứng cử nhiệm kỳ 2, họ sẽ mất Bạch Cung vào tay đảng Cộng hòa. Nhưng nếu có một nhân vật khác ra tranh với tổng thống Obama dành sự đề cử của  đảng, nội bộ đảng sẽ phân hóa, và ứng cử viên đảng Cộng hòa sẽ có thêm “đạn” công kích làm mất phiếu của ứng cử viên Dân chủ. Bài học tổng thống Jimmy Carter (Dân chủ) còn  đó. Năm 1980, sau nhiệm kỳ một, uy tín tổng thống Carter xuống thấp, Thượng nghị sĩ Edward Kennedy (Dân chủ, Masachusetts) ra tranh với tổng thống Carter. Đảng Dân chủ chọn Carter, nhưng ông Carter đã yếu trở nên yếu hơn và đã dễ dàng bị ứng cử viên Cộng hòa, Ronald Reagan đánh bại.

Đảng Cộng hòa cũng có những khó khăn riêng vì cho đến lúc này chưa có ứng cử viên nào sáng giá. Người ta nói đến một số nhân vật nhưng không chắc các nhân vật này có ý định ra tranh cử như đương kim Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates (sẽ nghỉ hưu năm 2011), và đại tướng David Petraeus, người có công ổn định tình hình tại Iraq và hiện đang chỉ huy chiến trường Afghanistan. Ứng cử viên Mitt Romney, (nguyên thống đốc bang Massachusetts  2003-2006,  có kinh nghiệm, có ưu thế tài chánh là người sáng giá nhất để đại diện đảng Cộng hòa, nhưng yếu tố tôn giáo có thể là một trở ngại. Ông Mitt Romney một tín đồ thuần thành đạo Mormon không phải là chọn lựa của một xã hội theo Thiên chúa giáo. Tuy nhiên nếu trong thất vọng dân chúng Hoa Kỳ đã có thể bầu một tổng thống da đen, thì tại sao trong một chuỗi thất vọng khác họ lại không thể bầu một người tổng thống da trắng theo đạo Mormon, miễn là ông Romney đưa ra được những chính sách kinh tế , dân sinh và quốc phòng làm dân chúng yên tâm.

Nhưng chuyện đó còn xa. Trước mắt là mầm mống tranh chấp đảng phái đang đe dọa quyền lợi quốc gia. Ngoại trừ một biến cố có tầm vóc quốc tế đe dọa an ninh của Hoa Kỳ làm cho hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đoàn kết lại với nhau.

© Trần Bình Nam

© Đàn Chim Việt

Nov. 12, 2010

—————————————-

(*) Như trước đây năm 1973 Ủy ban Hòa bình Nobel đã trao giải thưởng hoà bình cho Lê Đức Thọ và Henry Kissinger hai tay “gian hùng” chính trị, và năm 1994 cho Yasir Arafat, một tay chủ trương khủng bố có môn bài.

Phản hồi