Đời một người đàn bà làm phụ hồ
Nắng trưa tháng 10 Sài Gòn gay gắt, dội xuống sân xi măng rồi bật trở lên như tóe lửa mà hắt hầm hập cái nóng cháy da vào người những ai giờ này dám “cả gan” “lượn lờ” ở ngoài trời.
Núp mình dưới tàng cây mận rập rạp trong khuôn viên sân nhà thờ Kỳ Ðồng (Sài Gòn), một phụ nữ nước da bánh mật, dáng dong dỏng cao, khỏe mạnh, mặc bộ quần áo vải bông kín mít từ đầu đến chân, ngoài khoác thêm cái áo sơ mi vải dày dài tay để chống nắng, mặt bịt khẩu trang kín mít như Ninja, đầu đội cái nón vải rộng vành phai màu, chân mang đôi dép nhựa cũ, đang gồng mình bẻ sắt trong tiếng ầm ầm, chan chát của búa, của đinh, của tiếng máy trộn bê tông xoay tít.
Cô tên Hiền, 37 tuổi, quê miệt An Giang. Hiền đeo đôi bao tay bằng len đan dày cộm, lấm lem đất cát, cô cầm cái nỏ (*) sắt phi 16 nặng trĩu dài hơn một mét bằng hai tay, liên tục lấy những cọng sắt phi 10 được cắt khúc sẵn dài chừng 1.2m nằm dưới đất đặt vào cái “khung chuẩn” (làm từ giàn giáo cũ) rồi nghiêng người, dùng cả sức nặng thân mình đè lên cái nỏ, đoạn sắt phi 10 lập tức gập lại một góc vuông 90 độ. Hiền rút đoạn sắt xích tới, bẻ tiếp tục cho đoạn sắt cuốn lại thành một hình chữ nhật cạnh ngắn khoảng 3 tấc, cạnh dài khoảng 6 tấc rồi quăng nó qua một bên. Cô tiếp tục lấy đoạn sắt khác nằm thành đống bên cạnh đưa lên khung bẻ tiếp. Cứ cách khoảng một giờ, lại có chị phụ nữ khác lớn tuổi hơn đẩy cái xe rùa tới lấy những khung sắt Hiền đã bẻ xong chất lên xe đẩy đi.
Tôi hỏi cô: “Em bẻ cái khung này để làm gì vậy?” Ðưa tay kéo cái khẩu trang xuống khỏi mặt, Hiền trả lời: “Ðể làm khung đổ bê tông cột nhà lớn đó chị, còn những cái khung vuông nhỏ hơn bằng sắt phi 6 này thì để làm cột nhỏ”.
Tôi hỏi: “Em làm một ngày được bao nhiêu tiền? Bẻ sắt như vầy thầu có giao số lượng phải bẻ được bao nhiêu cây một ngày không? Ăn ngủ ở đâu? Có đủ sống hay dành dụm gì không?” Hiền trả lời, giọng đặt sệt miền Tây Nam bộ: “Sắt này người ta cắt sẵn, em chỉ bẻ thôi, thầu không giao số lượng, bẻ được bi nhiêu thì bẻ. Em theo thầu này làm công trình gần hai chục năm nay rồi, đi tùm lum chỗ. Vợ chồng ông thầu thương mẹ con em lắm, không khó dễ gì. Em làm công trình xây nhà thờ này được ba năm, tối mẹ con em nấu ăn ở đây, ngủ luôn tại công trình này. Lâu lâu, cha có kêu lại cho quần áo cũ với gạo, từ ngày ông xã em chết em mới dành dụm được chút đỉnh. Hồi trước em phải lo tiền thuốc cho ảnh, khổ lắm, hai mẹ con làm cực lắm mà không đủ tiền mua thuốc”.
“Tội quá! Chồng em bệnh gì mà chết? Con em bây giờ ở với ai?” Hiền vẫn liền tay bẻ sắt, ánh mắt cô nhìn xa xăm, giọng đều đều như quay lại hồi ức cuốn phim đời. Hiền nói cái kiểu nói để mà nói, nói để trút cạn suy nghĩ, nỗi niềm cho nhẹ bớt trong lòng, nói mà không cần biết người đối diện có nghe hay không. “Em lấy chồng năm mười bảy tuổi. Chồng em tên Minh, ở cùng quê. Nhà em ở An Phú đi vô đó chị, chị biết chỗ đó hông? Chỗ đó bây giờ có đường xe đi vô, chớ lúc em lấy ảnh thì muốn vô phải đi đường đò. Chồng em lớn hơn em ba tuổi, ảnh cũng làm thợ hồ, đám cưới rồi ảnh dẫn em đi theo làm ở mấy công trình. Ban đầu sống cũng được lắm, hai năm sau em sanh thằng Nhí, gởi nó cho bà ngoại nuôi để hai vợ chồng đi làm. Thằng Nhí được 13 tuổi thì ba nó bịnh, đau thận, đau tim, đau đủ thứ hết. Ban đầu ảnh còn ráng đi làm, sau làm không nổi nữa nên em đưa về quê. Em dẫn thằng Nhí đi theo em đi làm. Ảnh không cho nó đi, nói em đi rồi thì phải để nó ở nhà với ảnh, không thì ảnh buồn lắm. Nhưng mà em nói để nó đi làm với em, hai người làm thì mới có tiền gởi về mua thuốc cho ảnh, một mình em làm không đủ, có nó đi có mẹ có con em đỡ nhớ nhà. Ảnh khóc rồi cũng chịu cho em dẫn thằng Nhí đi.
Em dẫn nó vô công trình xin cho nó kéo xe rùa chở gạch. Ông thầu thấy nó nhỏ hơn cái xe rùa nên không chịu. Em năn nỉ dữ quá, kể hoàn cảnh với ổng, ổng mới đồng ý cho nó làm với điều kiện em phải viết giấy cam đoan nếu có chuyện gì thì em chịu trách nhiệm. Nó kéo xe rùa một ngày được 35 ngàn, em làm phụ hồ một ngày được 55 ngàn. Quần áo em, quần áo của nó toàn xin trong mấy nhà thờ, ăn uống hà tiện, mỗi tháng em dư khoảng triệu rưỡi về quê thăm ba thằng Nhí. Hai mẹ con đi khắp chỗ, ở đâu có công trình của công ty thì đi. Phan Thiết em đi rồi, Vũng Tàu em đi rồi, Nha Trang, Ninh Thuận em cũng đi rồi. Ði tới đâu cũng ăn ở tại công trình nên đỡ tốn tiền”.
Giọng Hiền nói chậm lại, run run, mắt cô ngân ngấn nước: “Lần cuối, cách đây 3 năm, em đang làm thì điện thoại dưới quê gọi lên, kêu về nhìn mặt ảnh lần cuối. Em vội vàng xin nghỉ dẫn thằng Nhí về, vừa về tới bệnh viện Long Xuyên cũng là lúc ảnh tắt hơi, không nói với mẹ con em được câu nào. Em ở quê được một tuần, rồi dẫn con trở lên Sài Gòn. Ở quê hoài lấy gì mà sống”. Tôi hỏi cô: “Nhà em và bên nội thằng Nhí có ruộng rẫy gì không? Ba thằng Nhí chết bên nội nó có giúp đỡ cháu không?” Hiền cười buồn: “Nhà em, nhà ảnh gì cũng không có ruộng, đi làm mướn không hà. Ðến mùa lúa người ta mướn, hết mùa thì không biết làm cái gì để sống. Nhà em ai cũng học hết lớp 3 thì nghỉ học rồi”.
Ðang nói chuyện với tôi, đột nhiên xuất hiện trước mặt Hiền một thanh niên vẻ non choẹt nhưng dáng người cao lớn, mình trần, mặt vuông, tóc đen, mày rậm, mắt sáng, ra dáng đàn ông lắm. Thanh niên đứng trước mặt Hiền nhăn nhó: “Mẹ ơi! Con đau bụng lắm”. Hiền vừa nói vừa móc túi: “Hồi sáng mẹ kêu ăn cục xôi mà hổng chịu ăn, để giờ đau bao tử trở lại. Mẹ mới có 50 ngàn đây, con ra ngoài kia mua thuốc uống rồi vô nằm nghỉ đi”. Người thanh niên cầm tiền đi rồi, tôi nhìn theo nó hỏi: “Con em đó hả? Thằng nhỏ mặt mày sáng sủa, đẹp trai quá chớ”. Hiền nói: “Thằng Nhí đó chị. Năm nay nó được 17 tuổi, lớn rồi, có sức làm nên được ông thầu tăng tiền công lên 55 ngàn một ngày. Nó đẹp trai giống ba nó”. Rồi Hiền toét miệng cười rạng rỡ, nụ cười đầu tiên từ khi cô gặp tôi đến giờ. Trong nụ cười ấy tôi thấy hình như cô đang nhớ về những ngày tháng vui vẻ, hạnh phúc, khi ba thằng Nhí còn khỏe mạnh bên cô.
Tôi hỏi: “Bây giờ em còn trẻ, còn khỏe, còn làm việc nặng được. Vài năm nữa lớn tuổi rồi đâu làm mấy chuyện này được nữa. Em tính sẽ làm gì?” Hiền lại cất giọng đều đều: “Từ ngày ba thằng Nhí chết, em dành dụm được chút đỉnh, tính sau này không làm ở đây nữa thì em về quê buôn gánh bán bưng lặt vặt. Mỗi ngày kiếm tiền lời chừng vài chục ngàn cũng sống đủ qua ngày. Thằng Nhí chắc nó cũng làm thợ hồ như ba nó thôi, chớ mới học lớp 5 đã nghỉ rồi, nó làm đủ nó xài mỗi ngày. Con trai còn có thêm tiền cà phê, thuốc lá, bạn bè, nó không hà tiện được như em, làm sao học nghề khác”.
Ðời một nữ phụ hồ, khi còn trẻ thì bán sức lao động kiếm cơm. Rồi một ngày kia, khi tuổi trẻ tàn phai, sức khỏe cũng không còn, tương lai của Hiền là cái quang gánh mây với những món hàng rong giá rẻ để bán cho mấy bà nội trợ nghèo và lũ trẻ nhà quê.
Nguồn: Blog Tạ Phong Tần
—————————————————–
(*) Là thanh sắt tròn dài khoảng hơn 1m, một đầu đập dẹp và khoét lỗ bằng ngón tay cái trên cái phần dẹp ấy, dùng như đòn bẩy để bẻ sắt cho đỡ tốn sức.
Quê huong ta là chùm khê !!!!!!!! chua !!!!! nguoi dân duoc dùng thoai ma’i nhé !!!,con khê ngot dành riêng cho nhung ai ngày xua sông noi : ……,nay duoc co …..chuc …..an uông thoai mai,không ai tranh dành !!!!!…….
Cô TA-PHONG-TÂN ôi !!!!!,Cô viêt bài nây ! tôi xem ,tôi không câm long duoc !!!!!,tôi da doc dâu do co lân no,Ông NMT noi voi môt thiêu sô nguoi VN o xu Huê ky rang : mà Cô !!!!.
Co thê ! cha’u NHI’ không thuôc diên là : ” cha’u ngoan cua Bac ” !!!! ,Bac da noi : TRAM NAM TRÔNG NGUOI ! cha’u nây con 83 nam nua se duoc nên NGUOI do nhen Cô.