WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Thêm một lần nói về doanh nghiệp nhà nước

Lời giới thiệu của tác giả:

Vinashin đang trở thành đề tài nóng đến mức sôi sục, là cái ung nhọt kinh tế rất lớn. Những thiệt hại do Vinashin gây ra làm cả xã hội xót xa, đau đớn.

Tuy nhiên, xin mời độc giả đọc lại bài viết sau đây để thấy rằng hiện nay đâu chỉ có một Vinashin, mà còn nhiều lắm, có những “Vinashin” còn tệ hại hơn Vinashin. Tất cả đều được khai sinh, được nuôi dưỡng từ chủ trương doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo nhằm bảo đảm cho được đường lối “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Một số đại biểu Quốc hội đang yêu cầu truy cứu trách nhiệm tới cùng, vậy căn nguyên của tội trạng này là từ đâu? Những ai cần phải được đưa ra xét xử?

————————————————

Báo lao động số ra ngày 6 tháng 11 năm 2009 có bài “Trên 45% các tập đoàn (TĐ), tổng công ty hoạt động hiệu quả thấp”. Bài báo nói về thực trạng của các doanh nghiệp nhà nước lớn như sau:

“Về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo báo cáo có tới 45,05% các TĐ, TCTy hoạt động hiệu quả thấp (tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%). Chính điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của khu vực kinh tế nhà nước.

So sánh với các loại hình doanh nghiệp khác như doanh nghiệp ngoài nhà nước, các doanh nghiệp có vốn FDI thì hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại TĐ, TCTy còn thấp, chưa tương xứng với quy mô, nguồn lực tài chính của Nhà nước, vị trí và vai trò trong nền kinh tế.

Không ít đơn vị, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu nhờ vào vốn vay ngân hàng và vốn chiếm dụng, cơ cấu tài chính không hợp lý dễ phát sinh rủi ro về cân đối dòng tiền, nợ phải trả cao gấp nhiều làn so với vốn chủ sở hữu.

Cụ thể năm 2006 có 38 TĐ, TCty hệ số an toàn vốn vượt ngưỡng 3 lần, chiếm 40% số TĐ, TCty. Năm 2007 có 31 TĐ, TCty chiếm 32% số TĐ, TCty; năm 2008 có 31 TĐ, TCty chiếm 32% số TĐ, TCty có hệ số an toàn vốn vượt ngưỡng 3 lần.

Tính đến 31.12.2008, một số đơn vị có tỉ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao (trên 10  lần) là: Tổng Công Ty Xây dựng CTGT 1 (21,6 lần); Tổng Cty lắp máy Việt Nam (17, 4 lần) ; tổng công ty Xây dựng CTGT 4 ( 14 lần), TCty Thành An (13,9 lần); TCty Xây dựng Công nghiệp Việt  Nam ( 12,9 lần ); TCty cổ phần XNK và Xây dựng Việt Nam (12,2 lần ); Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 (12 lần ); TCty Thủy tinh và Gốm xây dựng  (11,3 lần ), Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin (10,9 lần)…

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31.12.2008, tổng nợ tổ chức tín dụng của 7 tập đoàn (gồm các tập đoàn: Dầu khí, Than – Khoáng sản, Cao su, Dệt may, Công nghiệp Tàu thủy, Điện lực, Bưu chính viễn thông, không tính tập đoàn Bảo Việt) là 128 nghìn 786 tỉ đồng, tăng 20,54% so với cuối năm 2007 và chiếm gần 10% so với tổng nợ tín dụng đối với nền kinh tế tại cùng thời điểm.

Một số đơn vị có nợ lớn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam nợ 66 nghìn 764 tỉ đồng, chiếm 51,84% tổng nợ tín dụng của 7 tập đoàn; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nợ 21 nghìn 477 tỉ đồng, chiếm 16,67%; tập đoàn Vinashin nợ 19 nghìn 885 tỉ đồng, chiếm 15,44%.

Báo cáo cho biết, đây chủ yếu là nợ chung và dài hạn, phục vụ cho các dự án đầu tư mang tính chiều sâu và các kế hoạch phát triển. Cụ thể, nợ ngắn hạn chiếm 15%, nợ trung và dài hạn chiếm 85% tổng nợ của các TĐ, TCty.

Cũng theo báo cáo giám sát thì đa số các TĐ, TCty có số nợ phải thu lớn, tính đến 31.12.2008, số nợ phải thu đã tăng 6,3% so với cùng kì năm 2007, tổng số nợ phải thu của các TĐ, TCty là 185 nghìn 826 tỉ đồng, chiếm 38,28% vốn chủ sở hữu và 14,96 % tổng tài sản của các TĐ, TCty.

Về chất lượng nợ, tổng nợ quá hạn của 7 tập đoàn đến 31.12.2008 là 4 nghìn 168 tỉ đồng, chiếm 3,24% tổng dư nợ của các tập đoàn tại các tổ chức tín dụng. Trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm 15% tổng số nợ quá hạn.

Tập đoàn Vinashin có số nợ quá han là 3 nghìn 812 tỉ dồng, chiếm 19,17% dư nợ của TĐ và chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn của cả 7 TĐ. Nợ quá hạn của 9 nhóm TCty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng là 1 nghìn 208 tỉ đồng, chiếm 10,5% tổng số nợ tại tổ chức tín dụng”.

Hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chính của doanh nghiệp đã thấp, hiệu suất đầu tư sang các lĩnh vưc khác còn thấp hơn:

“47 TĐ, TCty tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng… với tổng số vốn đầu tư rất lớn, cuối năm 2006 là 6 nghìn 434 tỉ đồng, cuối năm 2007 là 16 nghìn 190 tỉ đồng và cuối năm 2008 là 21 nghìn 164 tỉ đồng.

Tuy nhiên theo nhận định thì hiệu suất đầu tư ( lợi nhuận trên vốn đầu tư ) tính chung là rất thấp, thấp hơn so với đầu tư vào ngành kinh doanh chính cuả các đơn vị này. Năm 2008 thị trường chứng khoàn suy giảm mạnh. Hầu hết các TĐ, TCty đều bị thua lỗ hoặc không phát sinh lợi nhuận. Tính đến hết tháng 12.2008, tổng mức đầu tư của EVN vào lĩnh vực chứng khoán là 214 tỉ đồng; các TĐ góp vốn vào quỹ đầu tư của TĐ Dầu khí Việt Nam là 368,9 tỉ đồng, TĐ cao su là 27 tỉ đồng; TĐ Công nghiệp Tàu thủy 144  tỉ đồng đều không phát sinh lợi nhuận.

Cũng theo kết quả giám sát thì nhiều TĐ chạy đua đầu tư ra ngoài ngành, vào chứng khoán, trong khi đang thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư vào dự án phát triển các dự án quan trọng của nhà nước. Điển hình là EVN, năm 2008, đơn vị này đầu tư vào lĩnh vực tài chính khoảng 2 nghìn 146 tỉ đồng, trong khi từ nay đến 2015 để đảm bảo kế hoạch đầu tư xây dưng nguồn điện đơn vị còn thiếu 382 nghìn 931 tỉ đồng”.

Rời bỏ nhiệm vụ chính (thường gọi là nhiệm vụ chính trị) để đi chôm chỉa, kiếm chác nhưng kết quả mang lại chỉ là nợ ngày càng chồng chất, càng đầm đìa:

Báo cáo giám sát cũng cho thấy nhiều TCty làm ăn thua lỗ, tính đến cuối năm 2008 vẫn còn 23 đơn vị có lỗ lũy kế với tổng số tiền là 2 nghìn 797 tỉ đồng. Cụ thể, năm 2008, TCty Lắp máy lỗ phát sinh 68,75 tỉ đồng, TCty xây dựng Công trình Giao thông 4 lỗ phát sinh 52,52 tỉ đồng, Tập đoàn Dệt may lỗ phát sinh 27,98 tỉ đồng…

Đáng chú ý, TCty Xây dựng Đường thủy có tới 7/8 đơn vị thành viên hạch toán độc lập chưa cổ phần hóa bị lỗ làm mất toàn bộ vốn chủ sở hữu của TCty ( việc mất phần vốn của nhà nước ở các đơn vị thành viên làm cho phần vốn chủ sở hữu của toàn TCty bị âm trong 3 năm liên tiếp, năm 2006 âm 257.756 triệu đồng, năm 2007 âm 444.010 triệu đồng, năm 2008 âm 464.434 triệu đồng)”.

Thực trạng tồi tệ, nguy khốn đến như vậy nhưng vì phải tỏ ra đi đúng “lề đường bên phải”, bài báo lại không dám không ca ngợi các “đại gia của nhà nước”:

Theo báo cáo giám sát thì tổng nguồn vốn của 90 TĐ , TCty đến 31-12-2008 là 1 triệu 241 ngàn tỉ đồng. Với quy mô về vốn, tài sản, vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế nhà nước, hoạt động của TĐ , TCty Nhà nước luôn song hành cùng tiến trình phát triển kinh tế của đất nước. Chỉ tính riêng trong năm 2008, khối doanh nghiệp nhà nước, mà chủ đạo là các TĐ, TCty đã đóng góp 40% giá trị GDP, tạo ra 39% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu.

Theo đánh giá chung thì nhiều TĐ, TCty đóng vai trò là công cụ quan trọng của nhà nước trong việc điều tiết thị trường, ổn định giá cả, đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về giải quyết công ăn, việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội … Quy mô vốn chủ sở hữu của hầu hết các TĐ, TCty được bảo toàn và không ngừng tăng trong những năm qua”.

Đoạn ca ngợi này viết không đúng sự thực.

Theo đại biểu Quốc hội, giáo sư – tiến sỹ Nguyễn Đăng Vang, các “đại gia” không hề “đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về giải quyết công ăn việc làm”. Thực tế, toàn bộ số lao động trong 95 tập đoàn kinh tế nhà nước chỉ có 1,119 triệu trong số 54,8 triệu lao động toàn xã hội. Chỉ sử dụng được 2% lao động thì làm sao có thể xem là góp phần đáng kể, chứ nói chi đến đi đầu trong việc giải quyết công ăn việc làm cho xã hội. Chỉ với 2% số lao động ấy thì làm sao đóng góp được 40% giá trị GDP.

Chắc chắn không thể đạt 40%.

Con số thực có lẽ chỉ khoảng 18,9%!

(Thế mà, Báo cáo chính trị tại Đại hội VIII của ĐCSVN trước đây đã từng vạch chỉ tiêu đóng góp 60 % vào GDP cho khối doanh nghiệp nhà nước. Thuở ấy, trong bài góp ý cho Đại hội này có tiêu đề “Thế nào là định hướng đúng.” (*) đề ngày 1-5-1996 tôi đã viết:

Vậy mà, sao vẫn phải “ Tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế nhà nước ”và gán ghép cho nó cái chỉ tiêu chiếm tỉ trọng 60 % GDP ? Liệu có thể làm thế nào trong dăm năm tới đạt chỉ tiêu đó không ? Hay là, nó chỉ đạt tỉ trọng đó khi GDP phải teo lại ? Liệu có ai thích cái cơ chế đó chỉ vì muốn lợi dụng nó để biến một số phần tử trong ”giai cấp mình.” thành những tên tư bản đỏ – những tên tư bản được đề bạt, được chỉ định, được bao cấp, được bảo vệ bằng chuyên chính vô sản ? Chính những tên này không chỉ bóc lột dã man hơn mà còn đục ruỗng nền kinh tế tàn tệ hơn bất cứ loại tư sản nào!”.

Qủa vậy, cho đến nay, đã qua ba kỳ Đại hội, sau 14 năm, không những chỉ tiêu 60 % không thể nào đạt được mà muối mặt man khai cũng chỉ dám công bố con số 40 %  hoàn toàn sai sự thật như trên!)…

Nói các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã đóng góp trên 50 % kim ngạch xuất khẩu là không đúng. Chính báo cáo của Chính phủ cho biết năm 2006 doanh nghiệp nước ngoài tạo được kim ngạch xuất khẩu đến 62,8 % trong khi toàn bộ các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả tư doanh, kể cả các “đại gia.” lẫn các doanh nghiệp nhỏ chỉ đóng góp được 37,2 %! Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đạt 60,3 %, trong khi DNNN chỉ được 39,7 %. Năm 2008 có tiến bộ hơn nhưng toàn bộ khối DNNN cũng chỉ có kim ngạch xuất khẩu khoảng 45% chứ lấy đâu ra trên 50 %!

Những bài báo, những báo cáo như đang nói đến (kể cả báo cáo trước cơ quan quyền lực tối cao) chứng tỏ: để bảo vệ cho được quan điểm, đường lối của Đảng, người ta không ngần ngại sử dụng những thủ đoạn man trá để lừa dối nhân dân, lừa dối xã hội.

Trong bài viết “Thế nào là định hướng đúng” (*) tôi cũng đã từng tố giác: “Tại các doanh nghiệp nhà nước, người ta đem tài sản quốc gia và của cải nhân ra bán đi hoặc cho vay lòng vòng, thậm chí vay của nước ngoài để chia chác, làm giàu cá nhân hoặc tiêu sài phung phí. Nhiều doanh nghiệp nhà nước đang là bầu sữa tong teo của nhân dân bị vắt ra đau đớn để nuôi béo một bọn người vừa bất tài, vừa vô trách nhiệm, vừa phi nhân bản

Đến bài viết “Về vấn đề vai trò của doanh nghiệp nhà nước” (**) đề ngày 20-4-2000 tôi lại hơn một lần rền rĩ thống thiết:

Cách đây dăm năm, trong một bản góp ý vào Báo cáo Chính trị của Đại hội VIII, tôi không nén nổi lòng mình, cũng đã từng thẳng thắn cảnh báo: “Nhiều doanh nghiệp nhà nước đang là bầu sữa tong teo của nhân dân bị vắt ra đau đớn để nuôi béo một bọn người vừa bất tài, vừa vô trách nhiệm, vừa phi nhân  bản”. Lẽ ra tôi phải viết “hầu hết DNNN”, nhưng lúc đó lòng dũng cảm của tôi chỉ dừng ở mức dám dùng một tính từ chỉ số lượng hoàn toàn bất định: “nhiều”. Bây giờ thì bên cạnh câu ấy, tôi còn muốn minh hoạ thêm bằng một biếm hoạ chua xót mà ở giữa là một cái bồ sứt cạp thủng đáy; phía trên là mồ hôi, nước mắt, xương máu nhân dân đang được mạnh tay đổ vào; phía dưới, ngoác ra hàng loạt cái mồm khốn nạn chen nhau nhồm nhoàm nhai nuốt.

Cũng như chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp nặng trước đây, chủ trương ưu tiên củng cố, xây dựng các doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang tạo ra nhiều nghịch lý, nhiều phản giá trị cả trong kinh tế lẫn xã hội.

Thật vậy, DNNN không chỉ là những cái bồ thủng đáy để người ta rót của cải, tiền bạc của nhân dân, của nhà nước vào những cái mồm tham nhũng đủ mọi cấp, đủ mọi loại, mà còn là những cái bồ sứt cạp để người ta đổ tung toé một cách vô tội vạ những khoản “ tiền chùa.” to lớn, tạo nên tình trạng lãng phí rất đau lòng”.

Từ đấy tôi đã nêu kiến nghị:

Không thể giao phương án cải cách doanh nghiệp bao gồm việc sắp xếp lại hay cổ phần hoá cho các cấp chủ quản xây dựng và chỉ đạo thực hiện. Như thế khác nào trông chờ họ tự đẽo, tự cưa cái ghế của họ, tự gạt đi cái   “ mâm cỗ chùa.” họ đang hưởng. Cần thiết lập một cơ quan độc lập đủ mạnh để thực hiện một chương trình cải cách DNNN. Cơ quan này phải có quyền lực thực sự, đồng thời phải chịu mọi trách nhiệm trước nhà nước.

Cần xác định lại thế nào là vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước? Đâu phải đóng được vai trò chủ đạo thì phải và chỉ cần chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất và lưu thông đồng thời chi phối cưỡng bức các thành phần kinh tế khác thông qua việc tăng cường quyền lực tài chính và chính trị.

Muốn đóng vai trò chủ đạo, muốn chỉ đạo được, muốn chi phối được về thực chất thì không thể vận dụng mệnh lệnh hành chính mà phải thông qua sự thuyết phục bởi tính hiệu quả. Hiệu quả của các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các thành phần kinh tế nhà nước phải đủ sức cạnh tranh và cạnh tranh thắng cuộc đối với các thành phần kinh tế khác, thì khi đó mới chi phối được nền kinh tế quốc gia và mới xứng đáng vai trò chủ đạo.

Song song với việc xử lý tích cực đối với các DNNN cần khẩn trương hơn trong việc tạo lập môi trường sản xuất – kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế kể cả DNNN cần khẩn trương hơn trong việc tạo lập môi trường sản xuất – kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế . Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả DNNN phải chuyển sang hoạt động theo một luật doanh nghiệp thống nhất. Từ đó tạo một sân chơi phẳng, một trường đua phân minh để chiến thắng thực sự thuộc về tài trí chứ không phải chỉ dành cho các cậu ấm, cô chiêu được nuôi dưỡng bằng bầu sữa bao cấp của nhà nước”.

Những nhận xét, đánh giá khách quan, khoa học như vậy, những kiến nghị tâm huyết thực sự vì dân, vì nước như vậy đã được thành khẩn dâng lên từ hơn chục năm qua. Nếu tinh thần ấy được hiện thực hoá thì nền kinh tế nước nhà đâu phải gánh những món nợ è vai hiện tại và những nguy khốn tương lai nhỡn tiền! Tiếc rằng tấm lòng ấy, những ý kiến ấy không những không được tiếp nhận nghiêm túc mà người viết còn bị truy chụp đủ tội : gián điệp, phản động, chống CNXH, chống Nhà nước, cơ hội vv …; bị lục soát nhà cửa và công an bắt đi tra vấn hơn một chục lần, bị bỏ tù, bị hàng chục bài báo của Đảng bôi bẩn, lăng nhục…!

Cho dẫu như vậy, trước tình hình quá nguy cấp: vì phải gồng gánh DNNN mà, theo Ngân hàng Thế giới WB, năm 2009 nợ nước ngoài của Việt Nam đã lên tới 26,8 tỷ USD (gần bằng 1/3 GDP). Đây là hiểm hoạ lớn sẽ đổ lên đầu con cháu chúng ta sau này, mà tội lỗi từ chúng ta. Cho nên, đến Đại hội XI sắp tới của ĐCSVN tôi vẫn không thể không thêm một lần khẩn khoản kiến nghị: Hãy đừng vì can tâm nô lệ mãi cái ý thức hệ “Định hướng XHCN” mà cứ cố xác lập vai trò chủ đạo DNNN một cách duy ý chí hoàn toàn vô lý để làm khổ dân, hại nước. Một nền kinh tế thị trường lành mạnh, hiện đại (chứ không phải nền kinh tế thị trường hoang dã như ở Việt Nam hiện nay), một chính phủ giỏi giang đủ sức quản lý chỉ đạo ngang tầm các nước tiên tiến sẽ bảo đảm kinh tế phát triển tốt, đưa đất nước đến giàu mạnh.

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2009

© Nguyễn Thanh Giang

© Đàn Chim Việt

——————————————–

( * ) Trong cuốn  “ Khát vọng ngàn đời ” xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1997

( ** ) Trong cuốn “ Suy tư và Ước vọng ” xuất bản tai Pháp, Hoa Kỳ, Canada

1 Phản hồi cho “Thêm một lần nói về doanh nghiệp nhà nước”

  1. Hồn Gaddafi says:

    Một ngày rất gần cộng sản VN cũng sẽ trở thành Vinasin thôi, tin tôi đi….

Leave a Reply to Hồn Gaddafi