Những lời nói, thái độ và hành vi can đảm để đời [1]
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng. Lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước đã ghi lại nhiều tấm gương lẫm liệt, những lời nói can trường, những thái độ hào hùng của những anh hùng hào kiệt, những anh thư cao quý làm rạng danh người Việt Nam. Nếu không có những tấm gương can đảm, hy sinh, đất nước Việt Nam không có hy vọng đứng vững mà đã bị ngoại bang và các thế lực đen tối vùi dập, đô hộ. Những tấm gương bất khuất có thể là một lời nói uy dũng, một thái độ uy nghi, hào sảng, một hành vi vô uý không biết sợ. Tất cả đã làm nên cá tính và bản chất bất khuất, hào hùng cuả con người Việt Nam mà những giống dân khác trên địa cầu không dễ gì có được. Sông núi Việt Nam sẽ bền vững, con người Việt Nam sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian bởi cách ứng xử khôn ngoan, quả cảm, anh hùng của người Việt Nam. Chúng ta có bổn phận ôn lại những chuyện cao đẹp, bất khuất này để cho con cháu noi theo và làm rạng rỡ hơn nữa giống nòi cao quý Việt Nam.
Sách “Việt Nam sử lược” của Sử gia Trần trọng Kim kể rằng:
“Năm Giáp Ngọ (34) là năm Kiến Võ thứ 10, vua Quang Vũ sai Tô Định sang làm thái thú quận Giao chỉ.
Tô Định là người bạo ngược, chính trị tàn ác, người Giao Chỉ đã có lòng oán hận lắm. Năm Canh Tý ( 40) người ấy lại giết Thi Sách, ngưòi ở quận Châu Diên, (phủ Vĩnh Tường, trước thuộc về Sơn Tây, nay thuộc tỉnh Vĩnh Yên)
Vợ Thi Sách là Trưng Trắc, con gái quan lạc tướng ở huyện Mê Linh (làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc yên) cùng với em gái là Trưng Nhị, nổi lên đem quân về đánh Tô Định. Bọn Tô Định phải chạy trốn về quận Nam Hải.
Lúc bấy giờ những quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cũng nổi lên theo về với hai bà Trưng – thị.. Chẳng bao lâu quân hai bà hạ được 65 thành trì. Hai bà bèn tự xưng làm vua, đóng đô ở Mê Linh là chỗ quê nhà.
Năm Tân Sửu (41) vua Quang Vũ sai Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Long làm phó tướng cùng với quan lâu thuyền tướng quân là Đoàn Chi sang đánh Trưng vương.
Mã Viện là một danh tướng nhà Đông Hán, lúc bấy giờ đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn còn mạnh, đem quân đi men bờ bể phá rừng đào núi làm đường sang đến Lãng bạc gặp quân Trưng vương. Hai bên đánh nhau mấy trận. Quân của Trưng Vương là quân ô hợp, không đương nổi quân của Mã Viện, đã từng đánh giặc nhiều phen. Hai bà rút quân về đóng ở Cẩm khê (phủ Vĩnh tường, tinh Vĩnh Yên). Mã Viện tiến quân lên đánh, quân hai bà vỡ tan cả. Hai bà chạy về đến xã Hát môn, thuộc huyện Phúc lộc, nay là huyện Phúc thọ, tỉnh Sơn tây), thế bức quá, bèn gieo mình xuống sông Hát giang (chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng Hà mà tự vận. Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm Quí Mão (43).
…Hai bà họ Trưng làm vua được 3 năm, nhưng lấy cái tài trí người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng là đủ để cái tiếng thơm về muôn đời. Đến ngày nay có nhiều nơi lập đền thờ hai bà để ghi tạc cái danh tiếng hai người nữ anh hùng nước Việt Nam ta”
(Trích “Việt Nam sử lược” tập 1 cuả Trần trọng Kim trang 39, 40)
Chuyện Hai bà Trưng tuẫn tiết trên dòng sông Hát giang sau khi thua quân Tàu Mã Viện như đoạn văn trích dẫn trên của Sử gia Trần trọng Kim là một chuyện mà người Việt Nam ai cũng biết. Có một số người Việt Nam vọng ngoại lúc nào cũng ca tụng nhân quyền của Tây phương, ngưỡng mộ chuyện nữ quyền được pháp luật Tây phương đề cao, và từ đó tỏ vẻ dẻ bĩu về thành kiến trọng nam khinh nữ cuả người Việt Nam nói riêng và Á châu nói chung. Có bao giờ họ nhìn thấy chuyện Hai bà Trưng đã lên làm vua ngay từ thời kỳ đầu của nước Việt Nam, trong khi ở những nước Tây Phương giờ này còn lẹt đẹt tranh đấu cho nữ quyền được bình đẳng với nam giới !
Lịch sử là một chuyện thường được lặp lại. Gần 2000 năm sau, một người Việt Nam yêu nước khác cũng dùng dòng nuớc sông để tuẫn tiết đền nợ nước. Người đó chính là liệt sĩ Phạm hồng Thái. Chuyện kể rằng người tráng sĩ Phạm hồng Thái một mình ôm bom vào tận trong bàn tiệc của khách sạn Victoria, thành phố Sa điện thuộc tô giới Pháp. Ông quyết giết tên thực dân Pháp Martial Merlin là toàn quyền Đông Dương thời bấy giờ, lúc đó hắn đang trên đường từ Nhật Bản ghé Hồng Kông trước khi về Hà nội. Phạm hồng Thái phải ra tay trừ gian diệt bạo giải cứu quê hương Việt Nam đang đau khổ khốn cùng trong bàn tay cai trị khắc nghiệt của thực dân Pháp.
Hôm đó là ngày 19-6-1925. Phạm hồng Thái đã ném trái bom vào trong bàn tiệc cuả tên Merlin nhưng tiếc thay không giết được tên thực dân Pháp gian ác này. Sau đó, ông bị truy đuổi và cuối cùng đã nhảy xuống dòng sông Châu giang tự vẫn. Sông Châu giang là con sông ngăn cách giưã Hồng Kông và thành phố Quảng Châu. Ông hành xử như thế để quyết không dể xác thân lọt vào tay giặc.
Hai con sông Hát giang và Châu giang là nơi tuẫn tiết cuả hai nữ lưu Trưng Trắc và Trưng Nhị và chàng tráng sĩ dũng cảm Phạm hồng Thái. Đã là người Việt Nam nếu có dịp đi trên hai con sông này thì cũng nên nhớ dến tấm gương trung liệt khí phách của người xưa.
Lịch sử Việt Nam oanh liệt nhất ở thời nhà Trần với 3 lần đánh thắng quân Nguyên xâm lược. Không phải ngẫu nhiên mà quân dân ta hồi ấy hùng mạnh như thế. Trong những yếu tố thành công đuổi giặc, có yếu tố những vua quan chỉ huy hồi ấy là những người dũng cảm, anh hùng.
Khi đất nước đang bị nguy biến vì xâm lăng. Vua Thái Tông đến hỏi ý kiến Thái sư Trần thủ Độ. Thủ Độ nói rằng, “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, thì xin bệ hạ đừng lo!”
Rồi đến danh tướng Trần hưng Đạo thì sách Việt Nam sử lược cuả Trần trọng Kim kể lại rằng:
“Vua Nhân Tông nghe Hưng – đạo- vương thua chạy về Vạn kiếp, liền ngự một chiếc thuyền nhỏ xuống Hải đông (tức là Hải dương) rồi cho vời Hưng – đạo- vương đến bàn tiệc, nhân thấy quân mình thua, trong bụng lo sợ, mới bảo Hưng- đạo – vương rằng, “Thế giặc to như vậy, mà chống với nó thì dân sự tàn hại, hay là trẫm hãy chịu đầu hàng đi để cứu muôn dân.”
Hưng – đạo -vương tâu rằng, “Bệ hạ nói câu ấy thì thật là lời nhân đức, nhưng mà Tôn miếu, Xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!” Vua nghe lời nói trung liệt như vậy, trong bụng mới yên.
(Trích “Việt Nam sử lược” tập 1 cuả Trần trọng Kim trang 139)
Người cầm đầu là Hưng – đạo – vương can đảm khí khái như vậy mà những tướng dưới tay cũng không kém anh hùng. Trần quốc Toản, Phạm ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng đều là những dũng tướng tài ba cả. Riêng tướng Trần bình Trọng thì đã lưu lại trong sử sách một tấm gương trung liệt bất khuất còn lưu đến ngàn năm sau.
Sách “Việt Nam sử lược” cuả Trần trọng Kim kể :
“Ở Thiên trường, Trần bình Trọng thấy quân nhà Nguyên đã đến bãi Đà mạc (ở khúc sông Thiên mạc, huyện Đông an, Hưng yên) liền đem binh ra đánh, nhưng chẳng may bị vây, phải bắt. Quân Nguyên đưa Bình Trọng về nộp cho Thoát Hoan, Thoát Hoan biết Bình Trọng là tướng khỏe mạnh, muốn khuyên dỗ về hàng, thết đãi cho ăn uống, nhưng Bình Trọng không ăn, dỗ dành hỏi dò việc nước, Bình Trọng cũng không nói. Sau Thoát Hoan hỏi rằng, “Có muốn làm vương đất Bắc không?” Bình Trọng quát lên rằng, “Ta thà rằng làm quỉ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì chỉ có một chết mà thôi, can gì phải hỏi lôi thôi!” Thoát Hoan thấy dỗ không được, sai quân đem chém.
(Trích “Việt Nam sử lược” tập 1 cuả Trần trọng Kim trang 144)
Lời quát khí tiết bất khuất của Trần bình Trọng còn vang vọng mãi đến ngàn sau mà mỗi người Việt Nam mỗi khi nhớ đến không ai lại không cảm phục, kính trọng. Nhà Trần hồi ấy có những tướng tài giỏi dũng cảm như Trần thủ Độ, Trần hưng Đạo, Trần bình Trọng nên đã huy động được sức lực cuả toàn dân Đại Việt và đã đánh bại quân Nguyên xâm lược không phải chỉ có một lần mà cả thảy 3 lần. Chính nhà Trần đã tổ chức ra Hội Nghị Diên Hồng tập hợp sức mạnh toàn dân cùng đánh giặc và hào khí Diên Hồng mãi mãi là một bài học mà dân tộc Việt Nam cần phải học hỏi để đối phó với nạn ngoại xâm sau nầy.
Sau 1000 năm đô hộ giặc Tàu rồi đến 100 năm đô hộ giặc Tây. Dân Việt một lần nữa xả thân tranh đấu cho nền độc lập nước nhà và những tấm gương đấu tranh dũng liệt lại được phơi bày ra ánh sáng. Một trong những tấm gương dũng liệt là gương tuẫn tiết cuả quan Nguyễn tri Phương.
Sách “Việt Nam sử lược” của Trần trọng Kim kể rằng :
“Đến sáng hôm rằm tháng 10 năm Quí dậu (1873) thì quân Pháp phát súng bắn vào thành Hà nội. Ông Nguyễn tri Phương cùng với con là Phò mã Nguyễn Lâm hoảng hốt lên thành giữ cửa Đông và cửa Nam. Được non một giờ thì thành vỡ, Phò mã Lâm trúng đạn chết, ông Nguyễn tri Phương thì bị thương nặng. Quân Pháp vào thành bắt được ông Nguyễn tri Phương và quan khâm phái Phan đình Bình đem xuống tàu.
Ông Nguyễn tri Phương nghĩ mình là một bậc lão thần thờ vua đã trải ba triều, đánh nam dẹp bắc đã qua mấy phen, nay chẳng nay vì việc nước mà bị thương, đến nỗi phải bắt, ông quyết chí không chịu buộc thuốc và nhịn ăn mà chết.
Ông Nguyễn tri Phương là người ở Thừa Thiên, làm quan từ đời vua Thánh tổ, trải qua ba triều mà nhà vẫn thanh bạch, chỉ đem trí lự mà lo việc nước, chứ không thiết của cải. Nhưng chẳng may phải khi quốc bộ gian nan, ông phải đem thân hiến cho nước, thành ra cả nhà cha con, anh em đều mất vì việc nước. Thật là một nhà trung liệt xưa nay ít có vậy.”
(Trích sách “Việt Nam sử lược” tập 2 của Trần trọng Kim trang 282, 283)
Pages: 1 2
MOT BAI VIET CO CHAT LUONG, HAY, SAU SAC DA NOI LEN DUOC TINH CHAT ANH HUNG CUA NGUOI VIET NAM.. DAN TOC VN CO ANH HUNG THI NUOC VIET MOI DUOC TRUONG TON.. DAN TOCVN THI ANH HUNG MA SAO BON BAC BO PHU LAI HEN QUA,, SUOT NGAY CHUNG LAM TAY SAI CHO TRUNG CONG, BAN DI LANH THO YEU DAU CUA VN.. PHAI DUNG DAY QUAT DO BON VC GIAN AC DE CUU BON SONG VN,,
Ước chi các bạn trẻ Việt Nam đọc những dòng lịch sử này!