WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chợ Tết Canh Dần của người Việt tại Melbourne và tản mạn về nước Úc

Nghe chúng hát, xem chúng nhẩy múa, ta không thể nghĩ xấu về tương lai của chúng. Tôi  bỗng lặng yên, như lắng nghe tiếng vọng từ xa xăm: Đất Mẹ, nơi quê hương luôn cần và hy vọng ở các con!

Tôi là người mới sang, nên còn lưu luyến, nhưng các cháu cùng đi đã mỏi chân, phải cho chúng về nhà. Tôi, chú em và mấy đứa cháu lớn chọn một quán ăn, thưởng thức những món Việt trên đất Úc và nói những chuyện  trời  biển.  Những lần nói chuyện như thế, gợi cho tôi viết tiếp đoạn sau.

Tôi ở đây không lâu, cũng không có nhiều điều kiện tìm hiểu về nươc Úc, nên chỉ ghi chép lại đôi chuyện vụn vặt, ngẫu hứng.

*

Tôi biết rất ít về lục địa này, cũng chỉ là khái quát qua lần viếng thăm Viện bảo tàng Melbourne mới đây. Lịch sử nước này cũng khá độc đáo, có nhiều điều khiến ta phải suy ngẫm: Từ xa xưa, tổ tiên của Thổ dân ở đây có nguồn gốc từ Indonesia, họ đã vượt biển đến đây từ 70.000 năm trước. Người châu Âu bắt đầu thám hiểm châu Úc vào thế kỷ XVI. Vào năm 1770, thuyền trưởng người Anh là James Cook đã đi thám hiểm suốt dọc phía đông châu Úc  và tuyên bố  lục địa này thuộc chủ quyền của người Anh. Ngày 26/1/1787, đoàn tàu đầu tiên gồm 11 chiếc, chở 750 nam nữ tù nhân vượt qua nửa vòng trái đất, đổ bộ lên đây để khai khẩn đất đai. Miền đất này dần trù phú và trỏ thành vùng đất hứa đối với dân di cư tự do từ châu Âu và các châu lục khác.

Nước Úc chính thức trở thành một quốc gia vào ngày 1/1/1901 qua sự thành lập một Chính phủ liên bang với sự thống nhất nhiều vùng thuộc địa riêng biệt. Nhưng Ngày quốc khánh Úc (National day) lại là ngày nhằm ghi nhớ sự kiện  những người Anh bị lưu đầy đặt chân lên đất này: Ngày 26 tháng 1 (!)

Sau đại chiến thế giới thứ hai dân số Úc tăng nhanh vì dân nhập cư. Hiện nay đã là 23 triệu người, trong đó ¼  được sinh ra ở nơi khác. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính nhưng họ còn sử dụng riêng tới 200 thứ tiếng.

Trong lịch sử phát triển các nước trên thế giới thường xảy ra  những cuộc chiến tranh tàn khốc giữa các dân tộc ở gần nhau hoặc giữa dân bản xứ và những người từ xa đến để tranh dành  đất đai. Ở Châu Úc cũng vậy. Cho nên, sau này Chính phủ Úc đã chính thức xin lỗi thổ dân về những sai phạm nghiêm trọng trong quá khứ – như đã xua đuổi, đàn áp và tàn sát họ. Chính phủ, qua các thời đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt để đảm bảo tốt đời sống, sự phát triển tập tục xã hội và giữ gìn nền văn hóa bản địa. Thổ dân đã hội nhập nhưng vẫn có khu vực tự quản riêng.

Trong các thành phố, thị trấn, người ta thường thấy bên cạnh lá cờ chung của nước Úc, còn có  những lá cờ mà khách tham quan ít biết đến, trong đó có lá cờ nửa đen trên, nửa đỏ dưới, giữa có hình tròn vàng, được treo trịnh trọng ở khắp nơi. Nó tượng trưng cho trời, cho đất và con người đã tồn tại hàng ngàn năm nay trên vùng đất này.

Không có điều kiện tiếp cận nhiều thì có lẽ thư viện là nơi nói lên được nhiều điều về văn hóa ở nơi đó.

Tôi là khách “tạm trú” nhưng việc lấy thẻ thư viện cũng dễ dàng. Với hộ chiếu, khách chỉ cần điền vào tờ khai đơn giản để thể hiện mong muốn được là  “thành viên của thư viện”. Không phải xin xỏ gì cả. Hôm sau bưu điện sẽ đưa thẻ đến tận nhà.

Đã là thành viên (có thẻ), người ta có thể đến sử dụng máy vi tính của thư viện, có thể ngồi đọc hoặc mượn sách báo, băng đĩa, có thể đăng ký tham gia các cuộc  hội thảo, đi du lịch, dự các lớp học về ngôn ngữ, nghệ thuật, nghề nghiệp… Ở đây có nhiều tài liệu, sách báo bằng các thứ tiếng chủ yếu: Anh, Việt, Hoa, Ấn, Indonesia…

Tôi thường vào khu tiếng Việt xem các ấn phẩm của các nhà xuất bản, các tác giả trong và ngoài nước mà mình chưa biết đến. Không thiếu những cuốn sách của chính những bạn đọc đã gửi tặng cho thư viện, với mong muốn được nhiều người cùng xem. Nhiều cuốn hay, khách quan có giá trị về văn học, khoa học, lịch sử.

Hạn mượn ấn phẩm là ba tuần. Tôi ít thời gian đọc nhưng vốn tính tham lam, chưa đọc đã sợ thiếu nên muốn mượn tối đa theo quy định, bèn hỏi nhỏ cô thủ thư: Tôi có thể mượn một lần được bao nhiêu cuốn sách (hoặc băng đĩa)?. Cô ta ngạc nhiên, cười: Xin tùy theo sức đọc của ông!

Quá hạn chưa thấy trả ấn phẩm, họ nhắc nhở qua email. Nếu xin ra hạn – cũng qua email – thư viện lại ra hạn thêm.

Có lần tôi định dành thời gian để đi trả sách, kẻo quá hạn. Đứa cháu tôi bảo: Đưa cho cháu. Lúc nào tiện đi qua, cháu  trả, khỏi mất thời giờ đi lại. Nó giải thích thêm: Không cần gì phải trả  vào giờ làm việc. Bất kể ngày hay đêm, cứ đem đồ mượn bỏ vào chiếc thùng gắn ở cửa thư viện. Thế là xong trách nhiêm của người mượn.

Mà cấm có thấy ai bị nhầm lẫn, rắc rối bao giờ (?!)

*

Có một ông già – thấy tôi dắt cháu nhỏ đi dạo ngang qua nhà, lại nói tiếng Việt – nên ra hỏi han và mời vào chơi. Thế là quen. Xa quê hương, người ta dễ quý mến nhau. Năm nay ông ở  tuổi 85, sang đây đã gần bốn chục năm, đang sống với người vợ bệnh tật bằng tiền trợ cấp của chính phủ và sự giúp đỡ của các hội từ thiện. Thế nhưng, dù ít nhiều, thường cứ vài tháng ông lại gửi chút tiền  về cho con cháu trong nước.

Ông đã qua Âu, Mỹ nhưng không thấy ở đâu nhiều tình người như ở Úc này (?). Ông kể: Một lần lái xe qua một vùng xa, dân cư thưa thớt  để thăm bà con và bị lạc đường. Ông vẫy chặn một chiếc xe đi ngược chiều để hỏi thăm và được hướng dẫn tỷ mỷ. Sau khi đi tiếp được một đoạn, bỗng nhìn kính chiếu hậu thấy chiếc xe của người  vừa chỉ đường đang  đuổi theo, nháy đèn và còi báo, có ý gọi. Ông ghé vào lề đường, dừng xe đợi. Thì ra: “Đoạn đường này có nhiều lối rẽ giống nhau, tôi sợ ông lại đi nhầm”. Rồi ông ta đưa ông đi tiếp tới dăm chục cây số nữa “cho chắc ăn” mới quay lại!

*

Đến Melbourne, người ta thấy ngay là thành phố quan tâm đến trẻ nhỏ. Ở những nơi công cộng (siêu thị, công viên , cụm dân cư …)  luôn luôn thấy những  hệ thống công trình lắp đặt để trẻ leo trèo, đu trượt, bập bênh, chạy nhẩy vui chơi.

Đã có khu vệ sinh là có phòng thay tã lót. Dắt trẻ vào nhà hàng  là phải có loại ghế riêng cho chúng để thuận tiện  và an toàn khi ăn uống.

Nhà ở của người dân thu nhập trung bình trong thành phố thường chỉ có một đến hai tầng, cao lắm là ba tầng, đất rộng vài trăm m2, có ga ra,  vườn tược. Hàng rào ranh giới giữa vườn, nhà riêng và hè phố làm chỉ để tạo dáng, thường thấp tới mức có thể bước qua được. Nhà ở hầu hết lợp bằng ngói, tường hai lớp (cách nhiệt). Ngăn cách giữa nội thất và ngoài đường phố nhiều chỗ chỉ là những tấm kính (có rèm che), không bao giờ thấy có song sắt, mặc dù trong nhà có những đồ  đáng giá.

Người Úc thật chủ quan, thiếu …cảnh giác!

Hoa có ở khắp nơi. Chủ nhà mất công trồng, người đi đường được ngắm.

*

Không ai phủ nhận sự giàu có của nơi được mệnh danh là “đất nước may mắn” này. Nhưng chắc hẳn không chỉ vì lẽ đó mà người ta coi trọng con người. Có vài  chuyện nhỏ:

Tôi được một đứa cháu mời đi dự buổi Lễ công nhận công dân Úc cho người nhập cư. Vài chục người được công nhận lần này, họ thuộc nhiều màu da.  Buổi lễ tổ chức trang trọng và ngắn gọn tại Tòa nhà Cơ quan quận.

Tôi rất nhớ lời chúc mừng và nhắn nhủ chân thành của bà Quận trưởng: “Xin chúc mừng các bạn – những công dân mới – cùng quốc tịch với tôi. Dù bạn ở một một đất nước xa xôi nào tới đây, tôi cũng tin tưởng và hy vọng rằng ngoài nghĩa vụ công dân các bạn vẫn luôn luôn nhớ về quê hương thân yêu, nơi đã sinh ra mình…”(!)

Sau đó những công dân Úc mới  cùng với thân nhân và đại diện chính quyền vui vẻ chụp nhiều ảnh kỷ niệm, ghi nhận buổi lễ được mong đợi và đáng nhớ này.

Cuối buổi lễ, họ và người thân cùng được mời dự một tiệc ngọt chúc mừng và được tặng mỗi người một cây giống nhỏ thuần Úc để về trồng và chăm sóc tại vườn nhà.

Tôi chợt nhớ đến việc nhận con nuôi ở xứ ta: Bà chị tôi thường có ý thức đề phòng và mong đứa con nuôi của mình: Chớ có bao giờ nghĩ tới cha mẹ đẻ của mày. Họ đâu có tồn tại trên cõi  đời này?!

Biết tôi mới sang, đứa cháu đến thăm, tiện thể cho tôi một cái thẻ, trên có ghi “Thẻ yêu cầu phiên dịch. viên”(dùng khi làm việc với các cơ quan). Tôi tuy tiếng Anh còn ú ớ, nhưng cứ nói trạng: Bác nói được tiếng Anh mà, cần gì đến thẻ này! Nó bảo: Bác cứ cầm xem chơi, phòng khi cần thiết. Tôi nhận và lúc rỗi mở ra xem, thấy có kèm một bảng hướng dẫn dài bằng nhiều thứ tiếng. Rất tóm tắt như sau:

- Chính phủ Victoria tài trợ cho các cơ quan để giúp cư dân không biết tiếng Anh tiếp cận được  dễ dàng với các cơ quan Nhà nước (Bệnh viện, trường học, cảnh sát, tòa án, cơ quan pháp lý, văn phòng Chính phủ…).

- Những ai có thể nhận thẻ?: – Bất cứ ai cần giúp đỡ.

- Có thể xin thẻ ỏ đâu?: – Các địa chỉ ….

- Phải trả bao nhiêu tiền khi nhận thẻ?:  – Không phải trả tiền.

- Thời hạn của thẻ?: – Thẻ không còn giá trị khi quý vị thông thạo tiếng Anh.

- Ai có thể dùng thẻ của tôi?: – Những người trong gia đình và bạn bè.

- Ngoài tiếng Anh, tôi biết nhiều thứ tiếng khác thì sao?: – Quý vị nên yêu cầu phiên dịch thứ tiếng mà mình thông thạo nhất.

- Có thể yêu cầu phiên dịch viên là nam hay nữ không (!)?: – Có thể.

- Có thể làm gì khi yêu cầu về phiên dịch viên mà bị từ chối?: – Quý vị có thể liên lạc với Văn phòng Thanh tra số…hoặc gửi email đến hộp thư…

Pages: 1 2 3

1 Phản hồi cho “Chợ Tết Canh Dần của người Việt tại Melbourne và tản mạn về nước Úc”

  1. Tom says:

    Có một điều bạn không dám noí ,đó là sự khác biệt tuyệt đối giữa hai chính phủ , dân chủ và độc tài .

Phản hồi