WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Về đường đi của văn học tự do

Một nhà văn có thể có nhiều lựa chọn: Viết cho mình, viết vì Chân Thiện Mỹ nói chung, viết để chiến đấu (khi đứng về một phía chiến tranh, trong một lý tưởng hay một ý thức hệ)… Sự lựa chọn nào cũng không thoát khỏi sự chi phối của bối cảnh lịch sử, của chế độ mà nhà văn đang sống. Chưa nói đến tài năng, nhân cách của người cầm bút ở chỗ nhà văn có thực sự tự do lựa chọn con đường của mình hay không. Nếu con đường sai, đó là do nhận thức chứ không phải vấn đề nhân cách. Chỉ có thái độ ngụy tín, biết sai nhưng vẫn vờ cho là đúng hay vì hèn nhát, vì những giá trị tầm thường mà bẻ cong ngòi bút mới là điều đáng chê trách.

Tự do sáng tác nhất thiết phải đi đôi với tự do xuất bản, nếu không sẽ trở thành bi kịch hay chỉ là một điều mỉa mai. Sáng tác xong phải cất vào ngăn kép, phải chôn giấu, để rồi 10 năm, 20 năm sau, thậm chí 30-40 năm hay sau khi chết mới được công bố, không phải ai cũng có thể chấp nhận. Hơn nữa đó là một sự lãng phí thời gian, cơ hội, tài năng và tim óc nếu thực sự tác giả có tài và tác phẩm có giá trị. Điều đó cũng tố cáo chế độ không có tự do xuất bản là một chế độ độc tài tiêu diệt tự do sáng tạo và làm thui chột tài năng của đất nước.

Trong một chế độ độc tài, độc quyền về tư tưởng và chân lý, bi kịch xảy ra hằng ngày với những người cầm bút có tự tưởng tự do. Để có tác phẩm được xuất bản, họ phải tự kiểm duyệt tác phẩm của mình trong khi viết và chấp nhận sự biên tập của các nhà xuất bản, nơi có những người gác cổng trung thành về tư tưởng của chế độ. Đâu là ranh giới của sự thỏa hiệp hèn nhát và lựa chọn khôn ngoan để tác phẩm được ra đời và phát huy hiệu quả của nó như mong muốn của tác giả? Nếu văn học cũng là một trận chiến đấu thì trong cuộc chiến này có nhiều loại vũ khí. Tên lửa tầm xa, đại bác, mìn, súng liên thanh, lựu đạn, súng trường bắn tỉa… Dĩ nhiên đây là cách nói tượng trưng và trong chế độ kiểm duyệt nghiêm ngặt, thường nhà văn tự do chỉ có thể dùng cách đặt mìn, đánh du kích hay bắn tỉa. Ngay chính những người biên tập, nếu họ có tư tưởng tự do, họ cũng có thể dùng phương thức này để giúp những tác phẩm có sức công phá ra đời. Thường thường trong lựa chọn này, những người đó đều phải trả giá nhất định. Cũng có thể có người xé rào, bất chấp quy định của pháp luật về việc xuất bản, như những người chủ trương tạp chí Đối Diện ngày trước hay nhóm Mở Miệng và những người chủ trương một vài tờ báo đối lập hiện nay. Hệ quả như thế nào tùy thuộc vào sự dũng cảm, khôn ngoan của người thực hiện và chính sách đàn áp của nhà cầm quyền.

Tình hình trở nên dễ dàng hơn đối với những người sống ở nước ngoài và trong thời đại có Internet. Sự thuận lợi đối với những người cầm bút ở nước ngoài quá hiển nhiên vì họ muốn viết, xuất bản bất cứ tác phẩm nào họ muốn mà nhà cầm quyền trong nước không thể làm gì được ngoại trừ việc cấm họ nhập cảnh khi họ muốn trở về nước. Đối với người trong nước, việc đưa tác phẩm ra xuất bản ở nước ngoài hay công bố trên mạng là một việc đòi hỏi có bản lĩnh và có thể chịu nhiều hệ lụy.

Như thế tùy vào hoàn cảnh, mỗi người có thể có lựa chọn khác nhau. Nếu anh là người chính trực, dứt khoát không thỏa hiệp bất cứ điều gì để tác phẩm mình được xuất bản nếu nó làm sai lệch nội dung tác phẩm, mọi người có thể ca ngợi, ngưỡng mộ anh, thậm chí coi anh như lương tâm của dân tộc, nhân loại. Dĩ nhiên anh phải có tài năng, tác phẩm có giá trị, còn nếu tác phẩm không có giá trị thì dù để nguyên hay bị cắt xén một nửa cũng chẳng là vấn đề gì. Nhưng nếu anh phê phán, mạt sát những người không làm giống mình, anh sẽ bị phản ứng và điều đó không có lợi cho ai. Nếu anh thỏa hiệp có mức độ, hiệu quả tốt của tác phẩm vẫn còn, mọi người có thể thông cảm hay đồng tình. Nếu anh thỏa hiệp vô nguyên tắc, cốt chỉ để thủ lợi hay kiếm danh (trong trường hợp này rõ ràng là danh hảo), anh sẽ bị khinh bỉ.

Trở lại sự việc Thơ đến từ đâu của Nguyễn Đức Tùng. Vấn đề quả thực phức tạp vì anh ở nước ngoài và xuất bản sách trong nước, sách có nhiều đồng tác giả mà anh là người chủ trương thực hiện. Rõ ràng anh phải tùy thuộc vào những người biên tập của nhà xuất bản và sự đồng thuận của các đồng tác giả. Việc liên lạc để thống nhất này khá nhiêu khê và mất rất nhiều thời gian, gặp nhiều trở ngại dù là trong thời đại Internet. Đối với các đồng tác giả, nếu anh không làm hết trách nhiệm, khi có sự cố xảy ra, tùy mức độ, có người thông cảm cho qua, có người trách cứ, có người phản đối, thậm chí tức giận, đó là quyền của họ và anh phải chịu trách nhiệm trước họ. Đối với những người biên tập trong nước, tất nhiên anh đặt lòng tin vào họ (đây là những người quen biết) và không thể kiểm soát hết mọi việc, nếu họ phụ lòng và khi sự việc đã rồi, anh phải đành ngậm đắng nuốt cay. (Việc biên tập cắt xén một số đoạn nào đó bị coi là “húy kỵ”, “nhạy cảm” về chính trị có thể hiểu được nhưng nếu tự ý sửa đổi ngược lại ý của tác giả hoặc đã thông báo thỏa thuận về bản in cuối cùng rồi sau đó lại cắt xén tiếp là điều không thể biện minh và không thể chấp nhận.)

Tuy nhiên, xem xét việc này cần có cái nhìn tổng thể. Việc cuốn sách được in ra, trong điều kiện như đã biết, có lợi hay có hại cho tình hình văn học Việt Nam? Nếu không có gì quá nghiêm trọng, thêm một cuốn sách văn học đứng đắn đối với độc giả trong nước là điều có ích. (Đây là nói theo giả định, vì tôi chưa có cuốn sách trong tay.) Tôi tán thành việc giao lưu, hội nhập văn học trong và ngoài nước (nói cho rõ, hiểu theo nghĩa giao lưu, hội nhập giữa các nhà văn với nhau và trao đổi tác phẩm chứ không phải giữa nhà văn và nhà nước dù nhà nước luôn tìm mọi cách đứng gác cổng ở giữa). Dù là một người viết không được xuất bản sách của mình trong nước, tôi vẫn ủng hộ các tác giả ở nước ngoài xuất bản sách trong nước, dĩ nhiên với một số điều kiện nhất định, mà trường hợp Nguyễn Đức Tùng là một trường hợp cần rút kinh nghiệm chứ không nên đả kích. Nhà văn Việt Nam ước mong đưa tác phẩm của mình đến với đông đảo người đọc Việt Nam là một ước muốn hoàn toàn chính đáng. Đại đa số công chúng văn học và tương lai của công chúng đó ở trong nước chứ không phải nước ngoài.

Ai cũng thấy trong chế độ độc tài toàn trị hiện nay, việc giao lưu, hội nhập văn học trong và ngoài nước hiện nay còn là tình trạng bất công, bất bình đẳng nhưng nếu từ chối không thực hiện thì sự bất công đó ngày càng lớn. Hiện nay ở các hiệu sách bên Mỹ, sách trong nước đưa ra bán ngày càng nhiều trong khi sách của các tác giả ở hải ngoại được phổ biến ở trong nước hầu như không đáng kể. Tuy vậy một vài cuốn sách của tác giả hải ngoại xuất bản trong nước như Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), Trăng thuê ảo ảnh (Nam Dao), Ảo đăng (Mai Ninh), Tu bụi (Trần Kiêm Đoàn), Tuyển tập các nhà văn nữ hải ngoại, nhiều cuốn của Nguyễn Tường Bách (đây là những cuốn tôi có trong tay), rõ ràng đã cho người đọc trong nước có thêm những món ăn tinh thần mới lạ. Trừ Sông Côn mùa lũ, tác giả viết khi còn ở trong nước và viết về đề tài lịch sử, các tác phẩm khác được viết khi tác giả đã sống lâu năm ở nước ngoài nên có đề tài, bối cảnh, trải nghiệm, tâm tình, phong cách rất mới mẻ, khác lạ so với các tác phẩm trong nước. Dĩ nhiên, bước đầu đây chỉ là những tác phẩm không có những vấn đề “nhạy cảm về chính trị”, nhưng có vẫn hơn không.

Có người chủ trương không có gì để hòa giải và bản thân họ không cần hòa giải. Đó là nhận thức và quyền tự do cá nhân, người khác cần tôn trọng. Nhưng người khác có nhận thức ngược lại và chủ trương hòa giải, hô hào và thực hiện việc giao lưu, hội nhập, đó cũng là quyền và cần được tôn trọng. Nếu phê phán người khác mình nặng nề, đi đến xung đột, rõ ràng hòa giải đã là một nhu cầu. Tôi tin nhu cầu hòa giải có ở mọi nơi, mọi lãnh vực. Không phải chỉ trong, sau hận thù mới cần hòa giải. Giữa cha con, anh em, vợ chồng, bằng hữu, sắc tộc, tôn giáo, dân tộc… đều cần hòa giải vì sự khác biệt, mâu thuẫn là điều tất yếu, có tính bản chất nơi con người. Hòa giải chỉ để cuộc sống chung được dễ dàng, tránh xung đột,  hạnh phúc và hòa bình hơn chứ không có gì khác. Giao lưu văn học là một trong những cách tốt nhất để người ta có thể hiểu nhau và hòa giải. Vấn đề đặt ra ở đây là nhà nước toàn trị làm cái cổng thanh lọc giữa sự giao lưu này, người trong cuộc phải có cách để vượt qua và đây chính là một cuộc đấu tranh gay go, phức tạp.

Trong kinh nghiệm chiến tranh để sinh tồn, dân tộc Việt Nam đã thực hiện và rút ra những bài học, những sách lược quý giá: lấy nhỏ đánh lớn, lấy yếu thắng mạnh, đánh vào lòng người (tâm công), “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”…  Sau này trong cuộc chiến tranh của mình và của dân tộc, những người cộng sản đã áp dụng những bài học lịch sử của tiền nhân, cộng với những kiến thức thời đại và phát kiến mới, đã sử dụng du kích chiến, “ba mũi giáp công”, “nắm thắt lưng địch mà đánh”, kết hợp tiến công và nổi dậy, nổi dậy với tiến công… tất cả đã mang lại cho họ chiến thắng.

Cuộc chiến đấu cho một nền văn học tự do, nằm trong cuộc đấu tranh chung cho tự do dân chủ hiện nay là một cuộc chiến mở đầu không cân sức và không chiến tuyến rõ rệt, cũng có thể rút ra những bài học từ các kinh nghiệm chiến tranh trên, nhưng bằng các phương thức hòa bình, cộng với tri thức của thời đại mới. Cũng cần “nắm thắt lưng địch mà đánh”, “giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn”, “diễn biến hòa bình”… trên mọi lãnh vực. Tác phẩm in trong nước, ngoài nước, xuất bản lậu hay hợp pháp, công bố trên mạng… đều có thể góp phần vào cuộc đấu tranh. Không nhất thiết phải là những tác phẩm có nội dung chính trị rõ rệt hay hoàn toàn như mong muốn của tác giả (đối với sách xuất bản trong nước). Những tác phẩm thực sự có giá trị nhân văn, thậm chí chỉ là một ý, một đoạn, một câu nằm đâu đó trong các trang sách cũng có sức mạnh, đôi khi công phá mãnh liệt vào thành trì của độc tài toàn trị, làm suy yếu kẻ thù của tự do và tăng cường ý chí của dân tộc.

Những phê phán, ý tưởng quá cực đoan một chiều, cả trong văn học và chính trị, đều không có lợi gì cho cuộc đấu tranh này. Nếu ai đó nói rằng trong nước tất cả trí thức đều hèn nhát, tất cả nhà văn đều là văn nô, tất cả nhà báo đều là bồi bút, tất cả các nhà văn ở hải ngoại xuất bản sách trong nước đều háo danh, nhận định đó có đúng đắn không và sẽ mang đến điều gì? Đó chính là “vơ đũa cả nắm”, chủ quan, thiếu thực tiễn, làm “thêm thù bớt bạn”, yếu đi sức mạnh của dân tộc khi chống lại độc tài toàn trị.  Phê phán thẳng thắn, chính trực, có văn hóa, có lý có tình là cần thiết, cần lắng nghe nhưng phê phán quá nặng lời, gay gắt, hồ đồ, thiếu văn hóa, thậm chí là những lời “chửi rủa cho sướng miệng”, chỉ gây phản cảm, phản tác dụng và tác hại. Đây không phải chủ trương kiểu ba phải, “dĩ hòa vi quý”. Đây chính là sách lược và con đường đi gai góc mà dân tộc Việt Nam không thể không đi qua để tiến đến một nền văn học tự do và viễn cảnh tự do dân chủ của đất nước.

© Tiêu Dao Bảo Cự

Pages: 1 2

Phản hồi