Hãy thắp cho anh một ngọn đèn
Audio clip: Adobe Flash Player (version 9 or above) is required to play this audio clip. Download the latest version here. You also need to have JavaScript enabled in your browser.
Audio clip: Adobe Flash Player (version 9 or above) is required to play this audio clip. Download the latest version here. You also need to have JavaScript enabled in your browser.
Sau cùng, suốt 30 năm tạp ghi, viết về cựu chiến binh, viết về thuyền nhân, viết về nước Mỹ, viết về Việt Nam Cộng Hòa, lần này tôi được yêu cầu viết về một mối tình. Nói cho chính xác, viết về chuyện tình của cô nữ quân nhân thuộc hàng thấp nhất của hạ sĩ quan.
Cô hạ sĩ nhất của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tên Lý thị Thương Uyên hiện cư ngụ tại Oklahoma City với Area code 405, giữa cơn giông bão mùa Xuân năm 2010 đã kể lại chuyện đời lính của phụ nữ Việt Nam. Cuộc đời của chính cô. Cô phàn nàn rằng sao không thấy bác viết về chuyện hạ sĩ quan binh sĩ. Không viết về người lính nữ quân nhân thực sự sống chết tại các đơn vị. Sao bác không viết về chuyện của em…
Cô Uyên gửi thư cho Dân sinh Radio sau khi nghe loạt bài về Thủy Quân lục chiến và trận Quảng Trị. Phải chăng cô biết gì về Quảng Trị. Không. Cô gái suốt đời là học sinh và suốt đời đi lính chỉ quanh quẩn ở hậu giang và miền Ðông Nam Phần, chẳng biết gì về cao nguyên, duyên hải hay miền Trung Việt Nam.
Nhưng cô có liên hệ rất nhiều với người yêu thủy quân lục chiến, cô nghĩ rằng trận Quảng Trị là trận của người lính mũ xanh. Cô muốn gửi di vật của trung úy Thủy quân lục chiến Bùi Năng Vũ về cho viện Bảo Tàng tại San Jose.
Lá thư viết như sau:
“Kính gởi bác Giao Chỉ.”
“Em tên thật là Lý thị Thương Uyên hiện ở Oklahoma, xin gởi một kỷ niệm nhỏ đến bác. Mong nó được lưu giữ. Ðã 40 năm qua em giữ nó như báu vật. Qua bao nhiêu cuộc bể dâu nó vẫn ở bên mình. Không biết bao lần em đã tự hỏi nếu một mai chết đi thì nó sẽ ra sao? Có thể bảo con trai liệm chung trong quan tài cho mẹ. Khi sang thế giới bên kia em sẽ gặp Vũ để trả lại cho anh. Nhưng cuộc đời này làm sao biết được ngày mai. Vậy xin bác giữ lại và đặt vào chỗ nào đó cho em yên lòng.”
“Kỷ vật nhỏ bé gửi kèm theo chỉ là bài thơ do trung úy Thủy quân lục chiến Bùi Năng Vũ tặng em cuối mùa thu 1970, lúc đó đơn vị gốc của anh Vũ ở căn cứ Sóng Thần, khu Rừng Cấm, thuộc Tiểu Ðoàn Ó Biển. Vũ đã chết ở trại tập trung Ðà Lạt năm 1978. Ðây là số điện thoại của Uyên (405)…………..”
Ðính kèm là bài thơ của anh Sĩ quan Thủy quân lục chiến viết chữ rất đẹp, trên những tờ giấy màu xám mỏng bỏ trong 1 bao thơ đơn sơ cũ kỹ. Góc bao thơ đề: “Vũ, thủy quân lục chiến. Gửi cho Thương Uyên.”
Phía dưới là hàng chữ: “Nhờ Chỉnh chuyển dùm trao. Cám ơn.”
Bài thơ mở đầu như sau:
Lời hứa buổi hoang sơ tương ngộ.
Chỉ một lần xin nhớ đến trăm năm…
****
Ðọc xong lá thư của cô Uyên, đọc xong bài thơ của anh Vũ, tôi nghĩ đến người lính trẻ đã chết trong ngục tù. Nghĩ đến người nữ quân nhân còn sống ở miền giông bão Hoa Kỳ. Bèn quay số 405….. hỏi thăm…..
Câu chuyện tình được bắt đầu kể lại.
Uyên quê ở Tân Châu, Hồng Ngự thuộc miền quê Châu Ðốc, chưa học hết trung học nhưng có tên thật đẹp như bút hiệu nên cuộc đời cũng gặp nhiều phiền phức. 16 tuổi lên Sài Gòn ở nhà cậu mợ. 18 tuổi ghi tên vào học lớp hạ sĩ quan nữ quân nhân. Năm 70 ra trường nhưng vì thường cậy có chút nhan sắc lại ba gai nên không được mang cấp bậc trung sĩ. Cô chỉ tốt nghiệp hạ sĩ rồi được gửi đi Vũng Tàu học đánh máy ở trường Truyền Tin.
Tại đây cô gặp thiếu úy Vũ, dân Bắc kỳ. Anh được Thủy quân lục chiến đưa về học lớp sĩ quan truyền tin. Mối tình kéo dài suốt thời gian cả 2 người theo học tại Vũng Tàu. Cô Uyên hỏi bác Giao chỉ có biết đại tá Tạo chỉ huy trưởng trường truyền tin không. Có, bác Tạo trước đây ở San Jose, nhưng bác đã chết rồi. Cô khóa sinh khoe rằng em được bác Tạo cho chụp hình nữ quân nhân truyền tin đang học đánh máy để treo trên tường. Như vậy chắc cô lính trẻ có nhan sắc ăn ảnh đáng được chụp hình quảng cáo cho binh chủng.
Cô kể tiếp rằng mối tình với Vũ là mối tình đầu đẹp đẽ nhất. Khi trung úy đi hành quân Cam bốt, cô Uyên đến thăm hậu cứ trại Cấm, Sóng Thần đã được các bạn đồng nghiệp cho vào phòng truyền tin nói chuyện với người yêu qua siêu tần số hành quân. Nhưng rồi những ngày vui qua mau. Tình đầu không phải là tình cuối.
Một hôm Uyên khám phá ra rằng Vũ thực ra đã có người yêu. Ðó là cô Sương quê Mỹ Tho, nữ điều dưỡng ở quân y viện Vũng Tàu. Sương quen Vũ từ khi anh nằm tại bệnh viện này. Uyên là người đến sau nên cô quyết định chia tay mối tình đầu đầy nước mắt. Vũ ra vùng hỏa tuyến. Uyên đổi về quân đoàn III. Rồi sau cùng cô đổi về tiểu khu Kiến Hòa thuộc quân đoàn IV. Cô xin đi thật xa miền Ðông, nhưng vẫn nhớ Vũ và giữ mãi bài thơ tỏ tình năm 70.
Từ Hạ Lào trở về, Vũ lấy Sương, mối tình đầu của anh. Năm 1973 Uyên lấy thiếu úy Nhiều, một sĩ quan hải quân, phục vụ trên chiến hạm Trần Khánh Dư.
Từ đó Uyên yên phận làm vợ của người lính biển. Khi mang bầu đứa con đầu tiên, anh chồng sĩ quan hải quân lênh đênh trên biển Ðông đã dặn vợ đẻ con gái đặt tên Cam Tuyền, con trai đặt tên Hoàng Sa. Cam Tuyền cũng là tên một hòn đảo của Hoàng Sa. Và đứa con trai Hoàng Sa đã ra đời tại Mỹ Tho. Hai vợ chồng cùng khoác chiến y nhưng chiến tranh đã chia cắt gia đình thành nhiều mảnh. Chồng hải quân sống trên đại dương. Vợ trực gác tổng đài tại mặt trận xình lầy Bến Tre. Con trai Hoàng Sa gửi về cho bà nội nuôi ở Châu Ðốc.
Cô Uyên tiếp tục hăng hái kể chuyện nhà binh.
Sau mối tình đầu dang dở, cô và chị Sương nay vợ của Vũ đã gặp nhau nối thành tình bạn gái. Cuộc đời nữ quân nhân, với cấp bậc hạ sĩ rồi vinh thăng hạ sĩ nhất đã dành cho cô Uyên những kỷ niệm không bao giờ quên được. Cô đã từng là hoa hậu của các chiến binh độc thân trong đơn vị từ binh sĩ đến hạ sỹ quan. Vì mang cấp hạ sĩ, cô cai Uyên gần gũi với đa số lính tráng hơn là các sĩ quan nữ quân nhân.
Những đêm hỏa châu làm việc dưới hầm truyền tin tiểu khu. Những anh lính ca vọng cổ tán tỉnh. Những lời hò tình tứ qua máy truyền tin lẫn trong tiếng pháo kích. Hỏa châu sáng rực chân trời. Chưa bao giờ cô lại thấy nhớ đời lính như vậy.
Nhưng rồi tháng 4-75 oan nghiệt chợt đến. Anh Vũ, Bắc Kỳ bỏ Sóng Thần từ biệt cô Sương đi trình diện vào tù trên Ðà Lạt. Anh Nhiều, Nam kỳ bỏ vợ con ở Châu Ðốc đi tù trong Ðồng Tháp. Bộ binh cũng vào tù, Hải quân cũng vào tù. Cô lính trẻ có tên như tài tử nhưng chỉ mang cấp bậc hạ sĩ nhất nên không phải đi tù. Dù vậy cô vẫn nhớ thương quân đội Cộng Hòa. Một lần chị Sương ghé Mỹ Tho gặp Uyên báo tin anh Vũ đau nặng trong trại tù. Chị em cùng đi tìm mua thuốc tiếp tế. Mấy tháng sau, Sương ghé lại với ngón tay đeo 2 chiếc nhẫn cưới. Cô vừa đi chôn chồng sau khi nhận xác từ trại tập trung. Anh lính trẻ Bắc Kỳ chết đi để lại cho những cô gái miền Tây di vật cuối cùng. Cô Sương còn cặp nhẫn. Cô Uyên có lá thư tình. Anh Vũ chết rồi. Cô Sương trợ tá quân y không bao giờ lên Ðà lạt nữa. Cô Uyên truyền tin còn đi thăm nuôi chồng 3 lần ở Ðồng Tháp. Rồi anh Nhiều trở về. Thêm 1 đứa con trai ra đời, anh cựu sĩ quan hải quân tuy ra tù “cải tạo” nhưng vẫn còn nhớ mãi biển Ðông nên đặt tên con trai thứ hai là Trường Sa.
Năm 1992 gia đình anh Nhiều và cô Uyên đem cả Hoàng Sa và Trường Sa qua Hoa Kỳ theo diện HO 9. Hai vợ chồng cùng đi làm và nuôi con ăn học.
Nhưng sao cuộc sống hòa bình ở Hoa Kỳ không giống như thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam. Vợ chồng không còn hòa thuận nên chỉ ở được với nhau thêm 4 năm tại Mỹ rồi chia tay. Lần lượt những đứa con trai trưởng thành đi theo bố về Texas làm ăn. Anh Nhiều có vợ mới. Cô Uyên còn lại ở Oklahoma một mình.
Cháu Hoàng Sa lập gia đình, có 2 đứa con nhưng rồi vợ chồng nó cũng chia tay. Lúc còn ở với nhau, vợ chồng con trai đưa cháu về thăm bà nội. Ðó là những giây phút hạnh phúc nhất của cô hạ sĩ nhất Thương Uyên. Nhưng bây giờ chúng nó bỏ nhau. Vợ Hoàng Sa đưa con về bà ngoại. Cha con nó còn ít gặằp nhau. Chẳng ai còn ngó ngàng gì đến bà nội trẻ cô đơn nhớ đám cháu quay quắt đêm ngày. Năm nay cô mới 60 tuổi. Còn lâu mới lãnh tiền già. Cô cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa vẫn đi làm tự nuôi thân. Cuối năm 2009 cô bị té trong hãng nên phải nằm nhà, lãnh tiền thương tật vì tai nạn lao động. Suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Mùa Ðông 2009 mưa bão triền miên chẳng ra khỏi nhà. Trải qua cái TẾT cô đơn, cô Uyên nghe đài Radio nói về Thủy quân lục chiến đánh trận Quảng Trị 38 năm về trước. Cô bèn đi tìm lá thư tình của Trung úy Vũ, cô nghĩ đến ngày mai rồi mình cũng qua đời trong quạnh hiu giữa mùa tuyết phủ nơi xứ lạ quê người.
Những đứa con Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu của cô cũng đang bận rộn bươn trải với cuộc đời mới. Chỉ còn lại một mình, chợt nhớ về mối tình ở trường truyền tin, những vần thơ rất lãng mạn và ngây thơ của người lính trẻ Bắc kỳ. Cô hỏi bác Giao Chỉ rằng nếu bây giờ, đã gần 40 năm rồi, cô vẫn còn thấy nhớ thương mối tình đầu thì có phải tội lỗi không?
Không, cô cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa của tôi, cô hạ sĩ quan truyền tin của tiểu khu Kiến Hòa, nàng cai xếp của tiểu đoàn truyền tin diện địa quân đoàn IV, cô không làm điều gì sai quấy khi ngồi than khóc cho chuyện tình gần 40 năm về trước.. Anh chàng Trung úy Bùi Năng Vũ rất xứng đáng để cô gái Tân Châu ngồi khóc ở Oklahoma, nhớ về những ngày hai đứa ngồi bên hàng dừa ở bãi sau Vũng Tàu. Anh thấy hình em treo trên tường ở phòng học đánh máy trong trường truyền tin. Trung úy thủy quân lục chiến Bắc Kỳ tạm quên cô Sương y tá bên quân y viện để gửi thư tán tỉnh cô khóa sinh truyền tin xinh đẹp. Chàng ký tên bút hiệu Châu Nguyên năm 1970 gửi bài thơ cho Lý thị Thương Uyên.
Lời hứa buổi hoang sơ tương ngộ.
Chỉ một lần xin nhớ đến trăm năm.
Ðó là đoạn mở đầu. Và đây là những trích đoạn tiếp theo:
Bụi đường và tháng ngày còn đó.
Gởi cho Uyên làm kỷ niệm chia ly
Mai anh đi, nghe thời gian rũ cánh
Kiếp phong trần cháy đỏ trên tay
Ðắng cay cho trọn tháng ngày
Cung thương một gánh, tình sầu chưa nguôi…
Ðá trong ly, đá tan thành rượu
Rượu lên men, rượu ngọt lịm môi…
Có một ngàn vì sao
Nằm trong đáy mắt
Như một ngàn hỏa châu thắp sáng
Như một ngàn đóm thuốc trong đêm…
Em ơi! Thương Uyên! Anh là người lính
Mà số trời đã định, cho một cuộc sống
Với quá khứ là tủi nhục,
Hiện tại là đắng cay
Và tương lai chỉ là nấm mồ không tên nơi chiến địa…
Châu Nguyên, cuối thu 70.
Với lá thư tình não nuột như vậy, anh trung úy thủy quân lục chiến đã chiếm được trái tim cô gái Tân Châu. Và như chúng ta đã nghe cô hạ sĩ truyền tin kể lại, khi khám phá ra anh trung úy Bắc Kỳ bắt cá hai tay, cô đã bỏ đi để buộc anh phải trở lại với mối tình đầu. Ðể anh lấy chị Sương, người con gái Mỹ Tho.
Cô Uyên nói rằng, thưa với bác, em nhường Vũ cho chị Sương, nhưng em hỏi bác vì bác cũng là Bắc Kỳ, thơ này có phải thực lòng của anh Vũ không. Có phải thơ của Vũ làm không? Bác trả lời rằng, thơ này nhiều phần chính Vũ đã làm. Bác chưa từng đọc được lời thơ này ở đâu cả. Rất chân thành tuy cũng có phần cường điệu.. Người lính trên khắp thế giới đều vẫn thường đưa cái chết ra để dọa dẫm người tình và dọa dẫm cả chính mình,.Ngày xưa, ở tuổi 20, mới vào quân đội, Vũ cũng là hình ảnh của những anh Bắc Kỳ như bác… Anh nào cũng thơ thẩn bước vào đời. Thơ không làm được thì chép thơ thiên hạ tán đào. Bây giờ nhớ lại, ngượng chín cả người.
Quí vị đã nghe tôi kể chuyện của cô Uyên với nội dung không phải là một bi kịch ai oán não nùng. Không hề có những tình tiết éo le rắc rối. Nhưng mối tình đầu đã làm cô tưởng nhớ về những năm còn trong quân đội. Tuy bom đạn triền miên nhưng sao lại quyến rũ như vậy. Dù cô chỉ là 1 người lính đàn bà. 18 tuổi nhập ngũ, 25 tuổi tan hàng, với 7 năm quân vụ. Bây giờ đã 35 năm sau cô vẫn còn nhớ mãi về đời lính.
Bác có nhận giữ hộ lá thư của anh Vũ không. Cô gái Tân Châu hỏi tôi như vậy. Trả lời rằng, bác sẽ lưu giữ trong Museum câu chuyện tình của anh chị. Xin gửi kèm cho bác vài tấm hình kỷ niệm. Báu vật quý giá của cô sẽ là di vật của Việt Nam Cộng Hòa. Ở đây không phải chỉ toàn là những trận đánh oai hùng. Phải có cả những câu chuyện tình hết sức đơn giản như mối tình của cô Uyên với anh Vũ, chuyện vợ chồng của anh Vũ với chị Sương. Chuyện chia tay của cô Uyên với anh Nhiều. Những đứa con mang tên Hoàng Sa và Trường Sa. Và sau cùng là chuyện cô gái cựu chiến binh, cô cai xếp Việt Nam Cộng Hòa giữa trời mưa bão mùa đông Oklahoma ngồi khóc cho mối tình 40 năm về trước.
Thưa bác, bây giờ em phải làm gì, cô Uyên hỏi tôi lần nữa.
Tôi trả lời rằng: Trung úy Vũ là người yêu đầu tiên của cô năm 1970 và bây giờ sẽ là người yêu cuối cùng vào năm 2010. Trong đoạn cuối của bài thơ ,Vũ đã viết rằng tương lai của anh chỉ là nấm mồ không tên nơi chiến địa.
Vậy cô Uyên hãy thắp cho anh Vũ một ngọn đèn.
Ngọn đèn tưởng niệm…
Hãy thắp cho anh một ngọn đèn…
Hãy thắp cho em một ngọn đèn…
Hãy thắp cho nhau một ngọn đèn…*
*(thơ Nguyễn Ðình Toàn)
© Giao Chỉ
Pages: 1 2
Đất nước ngày nay “được” có Hai Bà Trưng đi tế Mã Viện là nhờ công khó của các anh QĐNDVN đã hết lòng tàn sát đồng bào miền Nam, như tết mậu thân, pháo kích trường hoc, đặc mìn quán ăn, rạp hát
Tòan dân hãy ghi ơn HCM và đám tay sai, đã mang về cho Việt nam thêm vài nghìn năm nô lệ giặcTàu .
QĐNDVN và con cháu HCM hãnh diện lắm lắm phải không ông Nguyễn hữu Viện?