WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tết Mậu Thân 1968 trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc

Tết Mậu Thân 1968, quân đội cộng sản vi phạm ngưng bắn mở cuộc tổng tấn công thủ đô Sài Gòn và hầu hết các thành phố tỉnh lỵ tại miền Nam . Trên bốn mươi năm qua, do thiếu tài liệu và phân tích, chúng ta không quan tâm lắm đến vai trò và chiến lược của nhà cầm quyền Bắc kinh trong biến cố lịch sử này. Chúng ta thường chỉ xem vai trò của họ là viện trợ quân trang, quân cụ, quân nhu cho cộng sản Việt Nam.

Bài viết này dựa trên những tài liệu nội bộ hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc được giải mật để chỉ ra vai trò chỉ đạo và chiến lược tòan cầu của những người cầm quyền Bắc Kinh trong trận tổng tấn công này. Tòan bộ các tài liệu từ phía trung quốc là biên bản các buổi họp bằng tiếng Trung Hoa, được dịch sang Anh ngữ và phổ biến trên mạng “Cold War International History Project” Woodrow Wilson International Center for Scholar. Tài liệu từ phía Việt Nam chủ yếu từ tập tài liệu Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua.  Tập tài liệu này được nhà xuất bản Sự Thật cho phổ biến khi chiến tranh Việt -Trung bắt đầu năm 1979.

Từ những năm đầu 1950, khi hai đảng Cộng sản Việt – Trung chính thức lập quan hệ ngọai giao, Trung Quốc đã trực tiếp chỉ đạo và tham gia chiến tranh Việt Nam . Chỉnh quân, chỉnh huấn, cải cách ruộng đất, các chiến dịch quân sự đều được đặt dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của các cố vấn Trung Quốc và được huấn luyện bởi các chuyên gia Trung Quốc. Hiệp định Genève chia đôi đất nước đã được Chu Ân Lai trực tiếp đề ra và tiến hành.

Sau 1954, miền Bắc đã xẩy ra một cuộc tranh chấp giữa hai phe lãnh đạo. Phe theo Trung Quốc nắm đa số và luôn luôn thắng thế. Phe thân Liên Sô là thiểu số lại bị mang tiếng là thiếu tích cực thống nhất đất nước, không cổ vũ việc “giải phóng” miền Nam.

Hội nghị lần thứ 15 cuả Trung Ương tháng 1-1959, bí mật ra quyết định điều động bộ đội miền Bắc chuyển vũ khí vào Nam, để tiến hành võ trang thống nhất đất nước. Ngày 7-1-1959, Hồ chí Minh chính thức xác nhận: “Như vậy là ở Đông Nam Châu Á, chúng tôi đã đứng ở tiền đồn của mặt trận dân chủ và hoà bình toàn thế giới chống lại chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh.” (1)

Tháng 5-1963, Lưu Thiếu Kỳ đi thăm và đưa Bắc Việt đứng hẳn về phía Trung Quốc. Hồ chí Minh và Lưu Thiếu Kỳ đã ký một Tuyên Bố chung gọi “chủ nghĩa xét lại” và “cơ hội hữu khuynh” là đe dọa chính cho phong trào cộng sản quốc tế. Tháng 7-1963, Hồ chí Minh họp riêng với Chu Ân Lai và đã tuyên bố như sau: “Đừng nói là phải đánh 5 năm, 10 năm, dù có 20 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm cũng phải đánh, đánh cho đến khi thắng lợi hoàn toàn!”. (2) Câu tuyên bố trên chỉ nhái lại khẩu hiệu: “Đánh đế quốc, đánh, đánh, đánh, đánh cho đến thắng lợi” do Mao Trạch Đông đề ra.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã phê phán chủ trương chung sống hòa bình và hội nghị kết thúc với nghị quyết đẩy mạnh công cuộc đấu tranh bằng vũ lực ở miền Nam. Sau Hội nghị Trung Ương lần thứ 9, nhóm do Lê Duẩn cầm đầu tăng cường phê phán “chủ nghĩa xét lại hiện đại” (ám chỉ chủ trương thi đua hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau, mà Liên Sô, Khrushchev, cổ vũ). Tại hội trường Ba Đình, tháng 1-1964, trước các cán bộ cao và trung cấp học tập nghị quyết 9, Trường Chinh tuyên bố: “Đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng ta và Nhà nước ta là thống nhất về cơ bản với đường lối đối ngoại và đối nội của Đảng Cộng Sản và nhà nước Trung Quốc.” (3)

Để tăng cường xâm nhập miền Nam, ngày 08-04-1965, Lê Duẩn sang Trung Quốc xin quân viện. Lê Duẩn lên tiếng:”Chúng tôi muốn một số phi công và thiện chí quân, … và những người thiện nguyện khác, bao gồm những đơn vị xây dựng cầu cống, đường sá.” (4) Lưu Thiếu Kỳ đáp lại “Đó chính là chính sách của chúng tôi, chúng tôi sẽ làm tốt nhất để đóng góp với các đồng chí.” (5)

Tài liệu về phía Việt Nam cho biết: “…về nguyên tắc, đến tháng 6 năm 1965 phía Trung Quốc phải gửi phi công sang giúp Việt Nam . Nhưng ngày 16 tháng 7 năm 1965 Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng Trung Quốc đã báo cho Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam là phía Trung Quốc không thể gửi phi công sang Việt Nam được vì ‘thời cơ chưa thích hợp’ và ‘làm như vậy không ngăn cản được địch đẩy mạnh oanh tạc’. Trong một cuộc hội đàm với phía Việt Nam tháng 8 năm 1966 họ cũng nói: ‘Trung Quốc không đủ khả năng về không quân giúp bảo vệ Hà Nội’ ”. (6) Thay vào đó, Liên Xô đã gởi phi công sang chiến trường Việt Nam .

Tại Hà Nội, ngày 13-4-1965, Tao Zhu, bí thư Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc Nam phân bộ, báo cho Hồ chí Minh Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc và Mao đã giao trách nhiệm viện binh cho 4 tỉnh phía Nam . Để chắc chắn, ngày 16-05-1965, Hồ chí Minh đã sang Trung Quốc hội kiến Mao trạch Đông. Ông trình bày với Mao kế họach xây dựng hệ thống giao thông phía Bắc để tiếp nhận quân viện từ các quốc gia trong khối cộng sản qua biên giới Trung Quốc. Cùng với kế họach xây dựng đường mòn Hồ chí Minh để xâm nhập miền Nam . Ông nói với Mao: “Nếu chủ tịch Mao đồng ý Trung Quốc sẽ giúp, chúng tôi sẽ gởi người của chúng tôi vào Nam .” Mao trạch Đông trả lời:”Chúng tôi chấp nhận. Chúng tôi sẽ làm. Không có vấn đề gì cả.” (7)

Ngày 23-3-1966, Lê Duẩn sang Trung Quốc bị Chu Ân Lai chất vấn về việc Việt Nam chính thức kêu gọi viện binh từ các quốc gia cộng sản khác, nhất là từ Xô Viết. Chuyến cầu viện này có lẽ đã thất bại, ba tuần sau Lê Duẩn lại phải sang Trung Quốc một lần nữa. Biên bản buổi họp ngày 13-4-1966, giữa Chu Ân Lai, Đặng tiểu Bình, Kang Shen, Lê Duẩn và Nguyễn Duy Trinh, được tường trình với nhiều dữ kiện lịch sử quan trọng.

Đặng tiểu Bình cho biết chỉ chưa đến một năm Trung Quốc đã gởi sang Việt Nam 130.000 quân để xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược, hằng chục ngàn quân chiến đấu hiện đang túc trực ở biên giới, đã có những thảo luận về việc Trung Quốc sẽ tham chiến nếu chiến tranh xảy ra. Lê Duẩn góp ý:” Bây giờ đã có hằng trăm ngàn quân Trung Quốc tại Việt Nam , nhưng chúng tôi nghĩ rằng nếu có chuyện nghiêm trọng xẩy ra, ở đó cần thiết 500.000 quân.” (8) Phía Trung Quốc cũng miễn cưỡng chấp nhận để Việt Nam nhận viện binh từ các quốc gia cộng sản khác.

Trong cùng buổi họp, Chu Ân Lai tuyên bố dự định sẽ gởi chừng 4 đến 5 tóan nghiên cứu quân sự gồm chừng 100 người vào Nam Việt Nam để trực tiếp quan sát tình hình quân sự. Chu Ân Lai nhấn mạnh các toán này có thể sẽ đến tận ngọai ô Sài Gòn.

Tháng 6-1967, đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu thân. Ngày 4-7-1967, Võ Nguyên Giáp và Phạm văn Đồng đã sang Trung Quốc tường trình Bắc Kinh tình hình và chiến lược quân sự. Phạm văn Đồng đã báo cáo Chu ân Lai như sau: “Một số chiến lược đang được áp dụng trên chiến trường miền Nam theo lời đề nghị khi trước của các đồng chí. Việc này chứng tỏ chiến lược quân sự của chúng tôi, và của các đồng chí, là chính đáng, với tiến triển khả quan”. (9)

“Lấy nông thôn bao vây thành thị” và “vũ trang tổng tấn công” là chiến lược do Mao Trạch Đông đề xướng. Chiến lược này được sử dụng như kim chỉ nam cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân. Nhà cầm quyền Hà Nội còn tin rằng dân chúng miền Nam sẽ nổi dậy, quân đội Việt Nam Cộng Hòa sẽ chạy theo quân đội cộng sản, vì thế họ còn gọi là “cuộc tổng tiến công và nổi dậy”. Điều này đã không xảy ra, ngược lại quân và dân miền Nam đã anh dũng bẻ gẫy, đánh tan tòan bộ cuộc tấn công.

Trong buổi họp, ngày 4-7-1967, Chu ân Lai than thở, ông và các đồng chí của ông đều đã trên dưới bẩy mươi, và nhấn mạnh:”Mặc dù tôi đã già, tham vọng vẫn còn đó. Nếu chiến tranh ở miền Nam không chấm dứt vào năm tới, tôi sẽ thăm các đồng chí và tham quan.” (10) Năm tới mà Chu ân Lai muốn nhấn mạnh là Mậu Thân 1968. Điều này cho thấy cả nhà cầm quyền Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều rất kỳ vọng vào chiến thắng quân sự trong cuộc tổng tấn công này.

Phạm văn Đồng cũng đã báo cho Chu ân Lai biết Liên Xô đề nghị Trung Quốc cho gia tăng số lượng quân viện Liên Xô chuyển sang Việt Nam qua ngõ Trung Quốc từ 10.000 lên 30.000 tấn mỗi tháng. Có thể, Liên Xô sẽ gởi một số đầu máy xe lửa sang Trung Quốc. Để sửa sọan cuộc tổng tấn công, riêng nửa năm 1967, Phạm văn Đồng cho biết Trung Quốc đã quyết định viện trợ Việt Nam 500.000 tấn lương thực.

Tài liệu từ phía Trung Quốc cho thấy Liên Xô đã không được báo cáo tường tận cuộc tổng tấn công này. Sau Tết Mậu Thân, Liên Xô đã chỉ trích nhà cầm quyền Hà nội và cho rằng quyết định tổng tấn công Mậu thân là một quyết định sai lầm.

Có thuyết cho rằng có bất đồng trong Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam về quyết định tổng tấn công. Tuy nhiên các tài liệu đã giải mật từ cả hai phía Trung Quốc lẫn Việt Nam đều không hổ trợ cho thuyết này.

Qua các tài liệu được giải mật từ phía Trung Quốc, chúng ta có thể thấy được vài lý do khiến Trung Quốc trực tiếp chỉ đạo và tham gia tổng tấn công:

(1) bành trướng ảnh hưởng khối cộng sản nói chung, Trung Quốc nói riêng;

(2) tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô;

(3) thất bại xây dựng kinh tế, Trung Quốc cần lý do “giải phóng miền Nam Việt Nam” và ” đế quốc Mỹ đe dọa tấn công Trung Quốc” để giải tỏa áp lực từ quần chúng và nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc;

(4) thất bại chiếm đóng Đài Loan, Trung Quốc sử dụng miền Nam như một thí điểm quân sự cho chiến lược vũ trang tổng tấn công và nổi dậy;

(5) bất ổn quân sự Nam Việt Nam bắt buộc quân đội Hoa Kỳ phải dồn nỗ lực giải quyết, do đó sẽ giải tỏa áp lực quân sự trực tiếp lên Trung Quốc;

(6) chiến thắng quân sự của cộng sản Việt Nam (nếu có) sẽ tạo uy tín cho các lãnh tụ Trung Quốc, nhất là trong giai đọan cách mạng văn hóa đang được rầm rộ phát động.

Tập tài Liệu “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” tuy không đề cập nhiều đến trận Mậu Thân, lại tố cáo: “Trong chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, nếu họ coi Liên Xô và Mỹ là những đối tượng chủ yếu cần phải chiến thắng, thì họ coi Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính để dễ bề đạt được lợi ích chiến lược của họ.” (11)

Theo tài liệu này Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965:

“Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malayxia và Singapo…Một vùng như Đông nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản…xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…Sau khi giành được Đông nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô- Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…”. (12)

Tài liệu cũng tố cáo trong cuộc gặp giữa đại biểu bốn đảng cộng sản Việt nam, Trung Quốc, Nam Dương và Lào tại Quảng Đông tháng 9-1963, Chu Ân Lai nói: “Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông nam châu Á”. (13) Để mở con đường xuống Đông nam châu Á, tập tài liệu cho biết: “Như nhiều nhà chính trị và báo chí Tây Âu nhận định, Trung Quốc quyết tâm ‘đánh Liên Xô đến người Tây Âu cuối cùng’ cũng như Trung Quốc trước đây đã quyết tâm ‘đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng’ ”. (14)

Tập tài liệu còn cho biết (Trung Quốc): “Ngăn cản nhân dân Việt Nam thương lượng với Mỹ, khuyến khích Mỹ tăng cường ném bom miền bắc Việt Nam, đây chính là cái mà tướng Mỹ M. Taylơ gọi là quyết tâm của những người lãnh đạo Trung Quốc “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”, nhằm làm suy yếu Việt Nam, có lợi cho chính sách bành trướng của họ.” (15)

Nạn nhân của Mậu thân 1968 là hàng ngàn thường dân vô tội đã bị cộng sản chôn sống, giết chết hay gây thương tích bản thân. Là những chiến sỹ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh hay mang thương tích do quân đội cộng sản vi phạm ngưng bắn. Là tâm lý của hằng chục triệu người dân miền Nam khi phải chứng kiến tội ác của cộng sản Việt Nam.

Thế nhưng trong khi kế họach tổng tấn công Mậu Thân được sửa sọan ở Bắc Kinh và Hà Nội. Để “bảo đảm bí mật”, các thành viên Mặt trận Giải Phóng Miền Nam, các lực lượng vũ trang Bắc Việt xâm nhập chỉ biết được khi tham gia cuộc tổng tấn công. Đa số cán binh cộng sản bị lường gạt đưa vào cuộc chiến mệnh danh “giải phóng miền Nam” và “nhân dân miền Nam” sẽ nổi dậy phối hợp với họ để giải phóng Miền Nam. Hậu quả của cuộc tổng tấn công là hằng trăm ngàn cán binh cộng sản tử trận, hằng trăm ngàn người còn mang thương tích từ thể xác lẫn tinh thần. Họ và gia đình cũng cần được kể là những nạn nhân của những người cầm quyền Bắc Kinh — Hà Nội trong chiến lược tòan cầu “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” của Trung Quốc.

Một nhân vật được nhiều lần nhắc đến trong bài này, Phạm văn Đồng, ở cuối đời đã sám hối và nhắc nhở các đồng chí của ông như sau: “tất cả chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm, vừa là công tố, vừa là quan tòa và cũng vừa là bị cáo.”

Mậu thân đã xảy ra 42 năm trước, nhưng trong nội tâm từng người Việt từ cả hai phía Quốc Gia hay Cộng Sản vẫn còn nhiều chia rẽ. Sự chia rẽ làm suy yếu nội lực dân tộc lại chính là thành quả lớn nhất mà những người cầm quyền Bắc Kinh gặt hái trong quá trình 60 năm chỉ đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Mậu Thân nói riêng cuộc chiến Quốc Gia – Cộng Sản nói chung được đặt trong chiến lược tòan cầu của những người cầm quyền Bắc Kinh.

Ngày nay nhiều phần đất ông cha để đã sáp nhập lãnh thổ Trung Quốc. Hằng chục ngàn cây số vuông vịnh Bắc Bộ đã mất vào tay Trung Quốc. Hòang Sa, Trường Sa và Biển Đông đang bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng. Trung Quốc ảnh hưởng từ Trung ương đảng đến hạ tầng cơ sở, từ kinh tế đến chính trị văn hóa, từ tư tưởng đến hành động … Việt Nam được ví như một chư hầu, một bán thuộc địa, một tỉnh nhỏ nghèo của Trung Quốc. Sáu mươi năm chiến tranh hận thù chia rẽ đều nằm trong chiến lược tòan cầu của của những người cầm quyền Bắc Kinh.

Hy vọng xuân Canh Dần năm nay, chúng ta dành chút ít thời gian suy ngẫm sự thực quan hệ Việt – Trung để đồng hướng đến một Việt Nam tự do, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Melbourne, Úc Đại Lợi

10/2/2010

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh Toàn Tập, 1989, Tập 8, trang 258, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội.

(2) Hồ Chí Minh Toàn Tập, 1989, Tập 8, trang 457, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội.

(3) Nguyễn minh Cần, 2001, Đảng Cộng Sản Việt Nam Qua Những Biến Động Trong Phong Trào Quốc Tế Cộng Sản, trang 129, Tuổi Xanh xuất bản.

(4), (5), (7), (8), (9)(10) Cold War International History Project, Woodrow Wilson International Center for Scholar

(6), (11), (12), (13), 14 và (15) Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, 1979, nhà xuất bản Sự Thật.

© Nguyễn Quang Duy

Tags:

2 Phản hồi cho “Tết Mậu Thân 1968 trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc”

  1. mandi says:

    Cam ơn tác giả. Nhưng có mấy người tronbg nước đọc được những tâm tư này của ông, có mấy người sẽ chịu suy nghĩ “một chút” !!! Khi người lính Việt gác cổng Lãnh sự quán Trung cộng tại Sài gòn nhìn lom lom dân chúng đi qua đường như sợ người dân ấy sẽ xông tới “xâm nhập gia cư bất hợp pháp” !!! đó là cấp hạng cuối cùng của người Việt, còn chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, bộ chính trị trung ương đàng thì thái độ của họ thế nào khi nhìn và nói về đàn anh TC, câu trả lời không cần thốt ra cửa miệng cũng có thể biết chính xác là gì !!!!! Nhưng chỉ có thể nói cho đã miệng như thế này thì ai cũng có thể nói được cả !!!

  2. Trần Hoàng Long says:

    Bài viết rất hay thực tế và mang tính thời sự,mong rằng những người VN hãy thức tỉnh.

Leave a Reply to Trần Hoàng Long