WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bảo Đại: Tối cao cố vấn của ông Hồ [2]

Tiếp theo phần I

Hồ Chí Minh và Bảo Đại www.qdnd.vn

Hồ Chí Minh và Bảo Đại www.qdnd.vn

Đại biểu Quốc Hội Lập Hiến

“Ngay chiều hôm ấy, tôi trở về chỗ ở của tôi , đại lộ Hoàng Diệu Hà Nội. Từ khi tôi đi khỏi Hà Nội cách đây 3 thấng, tình hình biến chuyển rất nhiều. Ngày 19-11 Tiêu Văn triệu tập các đảng phái bắt phải thỏa thuận với nhau và quân đội của 3 đảng phải xáp nhập với nhau để chỉ còn 1 quân đội duy nhất.

“Trước những thủ đoạn chính trị của Tàu, Hồ Chí Minh chỉ còn mối bận tâm duy nhất là làm sao vứt bỏ được sự hiện diện của Tàu ở Bắc Việt. Ông sẵn sàng thân thiện lại với người Pháp. Ông biết đầu tháng 1 Pháp có cử đặc phái viên tới Trùng Khánh điều đình với Tưởng Giới Thạch để quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Hoa. Ông đợi đúng ngày bầu cử Quốc hội 6-1, làm một bản tuyên bố được báo chí Pháp đăng lại, trong đó ông nói : ” Chúng tôi không thù hận gì với nước Pháp và dân tộc Pháp mà chúng tôi khâm phục. Chúng tôi không muốn cắt đứt những mối giây liên lạc đã gắn chặt hai dân tộc chúng ta… ”

“… Tháng 11-45 Cao Ủy Pháp ở Sài Gòn đưa ra sắc lệnh rút hết những tờ giấy bạc 500 được in dưới thời Nhật Bản chiếm đóng. Nhưng quân đội Tàu ngay khi mới tới đã thâu cướp được rất nhiều giấy bạc 500 nên đã thương lượng được với Pháp là sắc lệnh này không có hiệu lực ở phía Bắc vĩ tuyến thứ 16… Khi từ Sầm Sơn trở về, tôi không có một đồng xu dính túi vì tuy được nuôi ăn cho ở nhưng không có một đồng lương nào. Tôi viết thư xin mẹ tôi chút tiền thì mẹ tôi hồi âm bằng 2 tờ giấy 500 trứ danh đó. Tôi đưa cho Phạm Văn Đồng, bộ trưởng bộ tài chánh nhờ ông đổi giùm. Ngày hôm sau người ta đem lại cho tôi một phong bì trong đó có 2000 đồng. Tôi tưởng là đưa lộn nên đi tới bộ Tài Chính để trả lại Phạm Văn Đồng. PVĐ nói với tôi:

– Không có lộn đâu

– Sao! Tôi đưa một ngàn đồng mà được đưa lại tới 2000 đồng. Ông làm tài chính như vậy thì còn lâu Việt Nam mới lấy lại được thăng bằng kinh tế.

– Nét mặt không chút xao động, Phạm Văn Đồng trả lời tôi: Tôi biết rõ tình trạng tài chính của ngài. Đây là một đặc ân tôi làm cho ngài.

“Một buổi tối, Hồ Chí Minh chìa cho tôi một tờ giấy và nói với tôi:

– Thưa ngài, trong thời gian ngài vắng mặt (ở Sầm Sơn),tôi có nhân danh ngài gửi cho Pháp một thông điệp. Tôi đọc :
” Thông điệp của Hoàng thân Vĩnh Thụy, cựu Hoàng đế Việt Nam, gửi nước Pháp….

Ký tên : Hoàng thân Vĩnh Thụy cựu Hoàng đế Bảo Đại, cố vấn chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. (tr148)
“… Chính phủ cử Giáp đi thanh tra các tỉnh cho đến tận biên giới Nam bộ với tư cách bộ trưởng bộ Nội vụ. Tôi xin đi cùng nhưng không được chấp thuận. Giáp nói với tôi:

– Một tuần nữa tôi trở về tôi sẽ báo cáo với ngài những gì tôi thấy được.

“Một tuần sau khi tôi đang ăn trưa thì Giáp tới và nói:

– Tôi vừa về sau cuộc tuần tra.

– Mời anh ngồi cùng ăn, tôi nói.

Giáp có vẻ tư lự cúi đầu ăn không nhìn tôi. Giáp thường ngày đã ít cởi mở nhưng bữa nay bộ mặt còn có vẻ rầu rĩ hơn. Tôi để cho ông ta ngồi ăn không nói câu gì. Sau bữa ăn tôi mới hỏi:

– Thế nào?

– Phải thực tế, mặt vẫn cúi gầm.

– Anh muốn nói gì?

– Cái tôi muốn nói, là mình phải thích nghi với thằng Pháp.

– Không lẽ nào mình lại trở về với cuộc bảo hộ.

– Có thể chứ, nếu cần thiết.

– Tôi không hiểu nổi các anh nữa. Tôi chấp nhận độc lập với thằng Nhật. Tôi thoái vị. Tôi ra đi để nhường chỗ cho các anh, nay các anh lại muốn quay trở về với quá khứ.

– Mình biết làm thế nào bây giờ? Ở miền Nam tụi Pháp nó đã phá tan bộ máy của chúng ta phải mất bao công mới xây dựng được. Nó đã lấy lại hết. Chả bao lâu nữa nó sẽ đổ bộ ở đây. Chúng ta làm thế nào để chống lại được? Chúng ta có quân đội nhưng không có đạn dược…

“Được thỏa tấm lòng, Giáp kể lại cuộc hành trình… (tr 149)

“Vài ngày sau, tôi mới hiểu sự bối rối của Hồ Chí Minh và ê kíp của ông. Tôi biết giữa Chủ tịch đi cùng với Giáp và Sainteny có một cuộc hội đàm lâu dài về vấn đề sự trở lại của người Pháp và vấn đề phân chia chủ quyền. ” Độc Lập ” còn có nghĩa gì nữa không ? Mặc dầu còn giũ được uy quyền, sự thay đổi thái độ của ông Hồ gặp một sự chống đối mạnh mẽ. Sự chống đối này được sự hỗ trợ của Tàu và của những đảng mà Tàu thao túng : Đại Việt, VNQDD, Đồng Minh… Tất cả đều đồng thanh đòi ” chính phủ Việt gian” phải ra đi vì đã bán rẻ nền độc lập. Tôi biết các đảng phái này có bàn bạc với nhau về tôi.

“Ngày 27-1, 7 giờ sáng, điện thoại reo trong căn hộ tôi đường Hoàng Diệu. Hồ Chí Minh kêu tôi:

– Tôi có thể tới thăm ngài ngay tức khắc được không?

Tôi trả lời được và ngay phút sau ông đã tới. Ông có vẻ rất xuống tinh thần và ốm yếu hơn thường lệ. Ngay khi vào, ông nói ngay:

– Thưa ngài, tôi không biết làm sao nữa. Tình hình quá nguy kịch. Tôi biết rõ người Pháp sẽ không thương thuyết với tôi. Tôi không được lòng tin cậy của Đồng Minh. Tất cả đều thấy tôi ” đỏ ” quá. Tôi xin ngài hi sinh lần thứ hai : lấy lại quyền hành.

– Tôi trả lời: tôi đã bỏ quyền hành và không có ý lấy lại nó. Cụ biết, tôi không có tham vọng chính trị và tôi đã tự đặt mình trong cái nhiệm vụ phải phục vụ một cách trung trực chính phủ Cộng hòa.

–Tôi để lại chỗ cho ngài, ông nhấn mạnh một lần nữa, tôi sẽ là cố vấn của ngài.

– Nhưng ai sẽ trao quyền cho tôi?

– Ngài sẽ được Quốc hội tấn phong như trong mọi chế độ dân chủ.

– Tôi có được thành lập chính phủ như tôi muốn hay tôi phải lấy lại những bạn hữu của cụ?

– Ngài được tự do hoàn toàn, muốn lấy ai thì lấy.

– Nếu cụ thấy quyền lợi và độc lập của đất nước đòi hỏi như vậy thì tôi sẽ không lẩn tránh. Nhưng tôi xin cụ một chút thời gian để suy nghĩ và hỏi ý kiến các bạn bè của tôi. (tr 150)

” Ngay tức khắc tôi điện thoại cho Nguyễn Xuân Hà ( Nguyễn Xuân Chữ? ) và Trần Trọng Kim và tôi nói:

– Tôi có một đề nghị quan trọng muốn đưa ra bàn với các ông. Nhờ 2 ông triệu tập bạn bè, tôi sẽ đến gặp.

” Đúng 8 giờ 30, tôi tới. Tôi kể với họ về cuộc gặp gỡ với Hồ Chí Minh và đề nghị của ông Hồ. Tôi hỏi họ:

– Các ông có nghĩ đó là cái bẫy không?

” Mọi người đều không tin và Trần Trọng Kim nói rõ thêm:

– Ai cũng biết là Việt Minh có liên lạc thường xuyên với Sainteny và một thỏa ước với Pháp đang được sửa soạn. Nếu Hồ Chí Minh không thiết tha ký nó thì đề nghị của ông Hồ là thành thực. Theo tôi ngài nên nhận lời.

“Khoảng lúc 10 giờ, Hồ Chí Minh lại gọi tôi nữa và hối thúc tôi nhận lời.

– Ngài đã gặp bạn hữu của ngài chưa ? Xin ngài đừng mất thì giờ và đến Quốc Hội càng sớm càng hay.

“Đúng 12 giờ trưa, tôi gọi điện thoại ông Hồ và nói tôi nhận lời.

“Trước đó tôi biết là một người thân tôi có tiếp xúc với thiếu tá Buckley, người của Tình báo Mỹ OSS. Ông này không ngạc nhiên về đề nghị của Chủ tịch và hứa hẹn người Mỹ sẽ đứng trung lập vì là chuyện nội bộ của Việt Nam.

“Điện thoại lại reo đúng 13 giờ. Hồ Chí Minh yêu cầu tôi tới gặp. Khi tới, tôi thấy rõ ràng ông đã thay đổi thái độ. Ông có vẻ đã trấn tĩnh lại, nói hơi ngượng ngùng:

– Thưa ngài, xin ngài quên đi chuyện buổi sáng nay. Tôi không có quyền từ bỏ nhiệm vụ vì tình thế khó khăn. Trao lại quyền hành cho ngài bây giờ là tôi phản bội. Tôi xin lỗi đã biểu lộ sự yếu đuối vì đã nghĩ trong những hoàn cảnh khó khăn này lại muốn trút mọi trách nhiệm lên ngài. Sở dĩ tôi nghĩ ra đi là vì các đảng quốc gia chống đối thỏa ước mà chúng tôi đang sửa soạn với người Pháp.

“Chuyện gì đã xẩy ra giữa 10 giờ và 13 giờ?

“Tôi không nghĩ sự quay ngoặt của ông Hồ là do được Moscou cam đoan hỗ trợ qua phái đoàn Ba Lan, đại diện Liên Xô ở Hà Nội. Đúng hơn là vì tướng Tiêu Văn, bị thuyết phục bởi những ” lí lẽ (vàng) kêu lẻng xẻng “(dịch chữ Pháp arguments sonnants et trébuchants) được Việt Minh tung ra, nên đã nhờ chủ tướng của mình là Lư Hán làm áp lực xuống những người quốc gia – đặc biệt là VNQDD – để những người này chịu tham gia chính phủ. Như vậy nhũng người này phải chia trách nhiệm ký thỏa ước với Pháp và Việt Minh không phải chỉ một mình vác gánh trước công luận. (tr 151)

“Bắt đầu từ đó, Hồ Chí Minh yêu cầu tôi cùng làm việc để thảo bản thỏa ước trứ danh đó (Hiệp định Sơ bộ 6-3). Chúng tôi gặp nhau mỗi buổi tối trong một tuần. Theo ông Hồ, nhờ thỏa thuận với Pháp, sẽ tống khứ được bọn Tàu. Đó là mục tiêu chính của ông Hồ : loại Tàu ra để Pháp vào thay thế. Nhưng đồng thời cũng thao túng Tàu để Pháp chậm đến và đòi Pháp phải đưa ra tối đa những bảo đảm.

Thời gian ở Trung Quốc và Hồng Kông năm 1946

“… Hồ Chí Minh, vừa mới được sự thỏa thuận của tất cả các đảng phái cho Pháp trở lại, không muốn để sơ sót một thứ gì nên quyết định gửi một phái đoàn đi gặp thống chế Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh. Ông gọi tôi đến và yêu cầu tôi, với tư cách là cố vấn tối cao của chính phủ, dẫn đầu phái đoàn này mà thành phần là đủ mọi xu hướng. Ông có cảm tưởng là những tướng lãnh Trung Hoa đã phản ông nên hi vọng với sự hiện diện của tôi, và trong phái đoàn có nhiều thành phần, sẽ làm thống chế có thiện cảm với chính phủ lâm thời hơn. Nhưng Trùng Khánh vừa mới thỏa thuận cho Pháp đổ bộ – Người báo tin này cho Hồ Chí Minh là Sainteny – Và hơn nữa, Tưởng Giới Thạch vẫn chưa công nhận chính phủ của chúng ta. Trong điều kiện này tôi thấy không nên nhận nhiệm vụ. Tôi giảng giải với Hồ Chủ tịch:

– Chuyện này hơi bất trắc. Căn cứ vào chuyện vừa mới có sự thỏa thuận giữa Trùng Khánh và Pháp, nếu Tưởng Giới Thạch không tiếp tôi thì cụ với tôi đều mất mặt.

” Hồ Chí Minh cũng thấy đúng; nhưng vẫn giữ ý định gửi một phái đoàn gặp Tưởng Giới Thạch mà không có tôi.
” Hôm sau, tôi vừa mới ra khỏi nhà thì gặp một tướng Trung Hoa ở cạnh nhà tôi cùng đường Hoàng Diệu. Ông ta có vẻ biết đề nghị của Hồ Chí Minh với tôi nên đột ngột hỏi:

– Thưa ngài, ngài không muốn qua Trung Quốc? Thật là đáng tiếc, ngài nên lợi dụng cơ hội này, dù chỉ là để đi du lịch nước tôi…

Rồi ông ta nói , nửa bỡn cợt, nửa nghiêm trang:

– Với lũ điên , không biết cái chi có thể xẩy đến!

“Cái câu cuối cùng này khiến tôi nghĩ không phải ông ta gặp tôi tình cờ mà là có ý đưa cho tôi lời mời của Tưởng Giới Thạch.

“… Hôm sau tôi đến Phủ Thủ tướng (Bắc bộ phủ) gặp Hồ Chí Minh và nói:

“Cụ không cần tôi ở đây? Đã có Giáp và Đồng. Cho tôi đi qua Trung Quốc du lịch.

– Ngài có thể đi thanh thản, ông Hồ trả lời với vẻ bằng lòng. Ngài đừng lo ngại gì cả.

“… Tôi đi cùng với phái đoàn gồm 6 người : 4 đại diện Việt Minh, 2 VNQDD. (tr 153)

” Ngày 16-3-46, tôi rời Hà Nội. Chiếc máy bay DC-3 cho chúng tôi đi theo có chừng một tá sĩ quan Tàu và chở đầy những hòm lớn, chắc là đồ ăn cắp. Tụi nhà binh này này ngồi chỗ tốt nhất trong khi phái đoàn tôi bị đẩy xuống ngồi phía dưới gần những thùng hàng. Tôi không quen biết người nào trong số những người cùng đi với tôi, trừ một người tôi trông mặt hơi quen quen. Tất cả đều đi máy bay lần đầu nên không giấu được sự lo sợ… Sau 3 giờ bay, máy bay hạ cánh xuống phi trường Côn Minh nằm ở độ cao 2000 mét. Máy bay của chúng tôi không đi xa hơn được nữa. Chúng tôi phải đợi một tuần sau mới có máy bay đi Trùng Khánh nên ngày 23 mới tới. Chúng tôi ở khách sạn ” Bốn mùa ” lớn nhất thành phố. Tôi được ở một phòng rộng rãi còn 6 người đồng hành phải chia nhau 3 phòng tồi tàn.

” Hai ngày hôm sau, tổng thư ký của Quốc Dân Đảng đưa cho tôi giấy mời dự bữa ăn tối. Giấy chỉ mời hoàng đế Bảo Đại mà không đả động gì đến phái đoàn. Một xe đến đón tôi ở khách sạn. Chan, thư ký QDD tới đón tôi. Ông này là cựu sinh viên trường Dòng Tên Rạng Đông Thượng Hải nên nói rất giỏi tiếng Pháp.

“… Tưởng Giới Thạch rất lịch thiệp. Suốt bữa ăn ông tỏ ra rất am tường về tình hình Việt Nam. Chan làm thông ngôn cho tôi.

” Trong suốt thời gian đó, phái đoàn phải chờ hoài mà không được tiếp. Người trưởng đoàn nhờ tôi can thiệp để được Tưởng Giới Thạch cho tiếp kiến. Tôi cố thuyết phục Chan, thư ký Quốc Dân Đảng:

– Sự đoàn kết quốc gia đã được thực hiện ở Việt Nam. Phái đoàn đi cùng với tôi gồm những người đại diện 2 đảng lớn đang nắm quyền. Tất cả đều là những người bạn của Trung Quốc.

– Thưa ngài, Chan trả lời tôi, trong phái đoàn có những người cộng sản và những người cộng sản không thể nào là bạn của Trung Quốc được…

” út cục, sau nhiều ngày chờ đợi phái đoàn cũng được tiếp. Nhưng để không có tính cách chính thức, phái đoàn được tiếp trong một ngôi chùa cổ ở ngoài thành phố.

“Phái đoàn trở về hoàn toàn thất vọng. Tưởng Giới Thạch chỉ để đủ thời giờ cho phái đoàn đọc thông điệp của chủ tịch Hồ Chí Minh. Rồi, sau lời cám ơn cụt ngủn, Tưởng Giới Thạch tuyên bố là Trung Quốc, nhờ góp phần vào sự chiến thắng của Đồng Minh, đã có một chỗ ngồi giữa ” Tứ cường “, muốn quanh biên giới chỉ có những nước bạn.

“Vài ngày sau, tướng Marshall, thay thế tướng Hurley, muốn gặp tôi. Tôi tới gặp ông ở văn phòng. Ông rất chú ý đến Việt Nam và muốn chính tôi kể lại cuộc cách mạng đã xẩy ra như sao khiến Việt Minh nắm được quyền hành.. Tôi nhắc lại những biến cố xẩy ra hồi tháng Tám và tháng Chín năm ngoái và nhấn mạnh vào điểm là không có những xung đột và không có khó khăn gì trong sự thay đổi quyền hành ở Hà Nội. Tôi cũng nói là tôi đã tự rút lui để không có đổ máu. Tôi cũng nhấn mạnh vào sự hòa hợp trong tân chính phủ do Hồ Chí Minh thành lập và sự ông quyết tâm thực hiện độc lập và thống nhất, hai khát vọng mà cả dân tộc Việt Nam cùng chia sẻ.

” Tướng Marshall có nhiệm vụ hòa giải Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông, đặt tôi câu hỏi:

– Ngài nghĩ thế nào về Quốc Dân Đảng?

– Thưa Đại tướng, tôi biết rất ít và không rõ nhiều để có thể có một phán đoán có giá trị. Nhưng tôi thấy những thủ đoạn, những mưu toan của các tướng lãnh và của những người của họ ở Bắc Việt ngay khi họ mới tới, thì tôi thấy chả có gì là sáng láng. Tôi sợ cả Trung Quốc đều như vậy.

“Chúng tôi chia tay nhau sau câu nói này.

“Nhiệm vụ thất bại, phái đoàn sửa soạn trở về Hà Nội. Tôi quyết định cùng trở về. Ngày 15-4, máy bay xuống Côn Minh. May mắn hơn khi đi, chúng tôi có ngay máy bay đi Hà Nội.

Khi chúng tôi sắp lên máy bay thì có người đưa cho tôi tin nhắn của Hồ Chí Minh:

” Thưa ngài, mọi sự ở đây đều tốt đẹp, xin ngài cứ thư thả ở lại. Vả lại, sự hiện diện của ngài ở Trung Quốc rất hữu ích cho chúng ta. Đừng ngại ngùng gì cả. Khi nào tôi thấy là ngài cần về, tôi sẽ báo. Xin ngài nghỉ ngơi cho khỏe để còn làm nhiều nhiệm vụ đang chờ đợi chúng ta. Ôm hôn thân ái. Ký : Hồ Chí Minh. (tr 156)

” Chủ tịch không muốn tôi trở về. Tôi chào từ biệt phái đoàn. Khi máy bay chỉ còn là một chấm nhỏ ở chân trời, tôi đứng một mình trong căn cứ cũ của không quân Mỹ. Ngồi trên bậc cầu thang của phi trường, tôi điểm lại tình hình : không những tôi trơ trọi một thân một mình mà còn hoàn toàn cùng quẫn, không có một đồng xu dính túi. Vali của tôi nằm trong hầm để đồ của máy bay, khiến tôi không có quần áo để thay và cũng không có giấy tờ hay hộ chiếu… Tôi đọc lại câu ” Ôm hôn thân ái ” của Hồ Chí Minh mà không thể không mỉm cười : Thật là một đại kịch gia ! Khi thì săn sóc như một người cha, khi thì đầy trìu mến, ân cần, biết lợi dụng cái giáng điệu mảnh dẻ yếu ớt của mình, khi thì tỏ ra đầy uy quyền. Thật là không thiếu trào phúng… Tất cả ai gần ông lúc ban đầu đều bị nhầm, bị lừa … Người Mỹ, Sainteny, và chính tôi đây… Thật ra sự hiện diện của tôi làm ông vướng víu. Đó là lí do tôi phải đi Sầm Sơn và bây giờ là tôi phải lưu vong.

“Khi tôi đang trầm mình trong suy nghĩ thì có người tiến lại gần tôi. Một người Trung Hoa mặc âu phục bằng trạc tuổi tôi. Ông ta cười và hỏi tôi:

– Ông biết nói tiếng Pháp?

– Rất mừng có người nói chuyện, tôi trả lời: Biết chứ.

– Tôi tên là Yu, cựu luật sư ở Paris.

–Tôi cũng học ở Pháp, tên tôi là Vĩnh, sinh ở Việt Nam. Tôi đi du lịch qua đây bị lỡ máy bay.

– Ông ở đâu ?

Thấy tôi lúng túng, ông ta hiểu tình trạng của tôi và không ngần ngừ đề nghị:

Ông đến ở nhà tôi. Tôi là con cựu thị trưởng thành phố này. Cha tôi mới mất cách đây ít lâu, vì vậy tôi phải về. Nhà tôi khá rộng, ông ở thoải mái.

” … Nhờ sự rộng lượng của chủ nhà, tôi sắm được quần áo trong một cửa hàng bán quần áo cũ của quân đội Mỹ. Tôi liền thay bộ đồ mới mua được. Tôi ngạc nhiên trên đường về thấy lính tráng Tàu chào tôi. Khi về đến nhà tôi mới hiểu là tôi mặc quân phục của đại tá không quân Mỹ. Cả nhà đều cười ran và chúc mừng tôi đã lên chức.

” Có một bữa chúng tôi vào ăn ở một quán thì thấy một thanh niên vòng tay kính cẩn chào:

– Thưa Hoàng thượng, ngài còn sống?

” Đó là một thanh niên Việt Nam thuộc Đoàn Thanh niên của Phan Anh nên có dịp thấy tôi khi đi theo Phan Anh vào thành nội. Trước sự ngạc nhiên của Yu tôi phải giảng nghĩa vì sao tôi phải giấu tên. Không những Yu không bực mình mà còn mời Bùi Minh (Bùi Tường Minh?) ăn cùng. Minh nói phải trốn khỏi Hà Nội vì hoạt động trong đảng Đại Việt…

“… Với 2 người con của tướng Long Vân, thống đốc tỉnh Vân Nam, cả 2 đều tốt nghiệp Saint Cyr, tôi cũng cho biết tung tích của tôi và chúng tôi họp thành một nhóm bạn hữu rất vui vẻ.

“… Tôi không nhận được tin tức gì ở Hà Nội mặc đầu tôi có cho Hồ Chí Minh biết chỗ tôi cư ngụ. Bây giờ tôi biết chắc chắn là ông Hồ không muốn có sự hiện diện của tôi ở Việt Nam.

“… Tháng 9 tôi nhận được lời mời của Chan, Tổng thư ký Quốc Dân Đảng tới Trùng Khánh.. Lạ thay Yu cũng nhận được lời mời tương tự. Yu không tỏ vẻ ngạc nhiên vì cùng học với Chan ở trường Rạng Đông Thượng Hải và thỉnh thoảng cũng được gọi về thủ đô. Yu xin đi cùng, tôi nhận lời và 2 ngày sau chúng tôi lấy máy bay đi Trùng Khánh.

” Chan muốn mời tôi đến nhà ở, tôi cám ơn và nói thích trở lại khách sạn “Bốn Mùa” hơn. Tôi lợi dụng sự rảnh rỗi để tiếp tục đọc về Trung Quốc và đi đánh quần vợt lại.

” Đầu tháng Tám, Quốc Dân Đảng báo cho tôi là có một người đồng hương sắp tới. Hơi ngạc nhiên tôi tơi phi trường đón. Anh ta chừng 30 tuổi, hình dạng không phải là một người Việt thuần túy.

“Khi ngồi trong xe anh ta nói:

– Tôi là đại tá tình báo của quân đội Thiên hoàng, tôi có phận sự theo dõi những hành vi của Quốc Dân Đảng. Tôi sinh ở Nhật, cha Nhật mẹ Việt. Tôi được gửi tới ngài với danh nghĩa là thư ký của ngài;

Chuyện khá tức cười, tôi không nín được đặt câu hỏi:

– Tôi tưởng là những sĩ quan cao cấp Nhật đều tự sát theo truyền thống võ sĩ đạo. Tại sao ông không làm?

– Thưa ngài, những sĩ quan tình báo nhận được lệnh cấm làm hara-kiri. Họ phải tiếp tục sống và làm việc cho tương lai của Đế quốc Mặt trời. Khi tôi làm song phận sự, tôi sẽ trở về Sài Gòn theo ngả Manille và đầu hàng quân đội Anh.

Bắt đầu từ ngày đó, anh ta không rời tôi nửa bước.

“Chan, tôi gặp luôn luôn, nói với tôi là Tưởng Thống chế sắp rời đô xuống Nam Kinh, rất hân hạnh mời tôi tới Nam Kinh.

“Cuối tháng Tám Tưởng Giới Thạch xuống Nam kinh. Người thư ký ” trung thành ” của tôi cũng biến mất sau khi làm xong phận sự. Yu cũng theo chính phủ bỏ Trùng Khánh và nài nỉ tôi đi cùng. Tôi không muốn chút nào đi Nam kinh vì ngán thấu cổ cái bẩn thỉu của nước Tàu và thật sụ là sợ cô độc. Tôi kiếm một nơi ẩn trú đồng thời cũng là trung tâm. Tại sao không là Hồng Kông ? Yu đề nghị cùng đi với tôi vài ngày.

“8 ngày sau, ngày 15-9 chúng tôi bay đến Hồng Kông. (tr 161)

“.. Chúng tôi giữ 2 phòng ở một khách sạn hạng thường bên Cửu Long. Sau 2 tuần du lịch, Yu trở về Nam Kinh, hơi thất vọng vì tôi không đi cùng, nhưng cam đoan với tôi là sẽ được Tưởng Giới Thạch đón tiếp nếu tôi đổi ý.

“…Tôi lại sống cô độc với chút đô la HK trong túi Yu đưa cho tôi. Chỉ ít lâu sau tiền hết, tôi phải tìm cách sinh sống. Trong khi chờ đợi tôi đi dạo. Phần nhiều là đi bộ, hay đi xe buýt. Nhưng tôi cảm thấy hoàn toàn tự do. Lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác như vậy. Trong một bữa đi tản bộ, tình cờ tôi thấy trước một tòa nhà có bản đề “Ngân Hàng Đông Dương”.

” Sau một chút ngần ngừ và cũng không biết tại sao tôi bước vào. Thật tôi đúng vào ngày gặp may ! Khi vào đại sảnh, tôi thấy ông Gany, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Nam Á. Ông nhận ra tôi tức khắc, rất ngạc nhiên và nói ông mới tới Hồng Kông thanh tra và hỏi thăm tình cảnh tôi. Nói vắn tắt tôi kể cho ông trường hợp nào tôi tới Hồng Kông và tôi không có tiền. Tôi muốn ông ấy ứng ra cho tôi một chút. Ngay tức khắc ông ấy đưa cho tôi chừng 2000 đô la HK. Vài ngày sau, cũng tình cờ tôi được biết hội Truyền đạo Công giáo Pháp ở Nước ngoài. Hội này bằng lòng cho tôi vay một số tiền được bảo đảm bằng tài sản của hoàng gia. Tôi không còn phải lo thiếu tiền nữa và tôi dọn tới khách sạn Gloucester ở trên đường Queen’s Road…

“… Cũng ở khách sạn này, vào khoảng giữa tháng 11, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tới gặp tôi. Ông là giấm đốc những đoàn thanh niên Nam bộ dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, rồi làm bộ trưởng không bộ nào của chính phủ Lâm thời tháng Tâm năm 1945 và bây giờ ông là đổng lý văn phòng của Hồ Chí Minh.

– Thưa ngài, tôi từ Quảng Châu tới. Tôi được cụ Chủ tịch sai tôi đưa tin và gửi lời chào thân ái, đồng thời cũng xin ngài nhận vật này: Từ trong cập ông lấy ra một cái tráp trong đó có nhiều nén vàng. Với số vàng này tôi có thể sống được 2 tháng.

– Nhờ ông cám ơn Hồ chủ tịch. Nhưng cho tôi biết hành trình qua Pháp của Hồ Chủ tịch.

– Hồ Chủ tịch tới Pháp ngày 21-10… Một chính phủ mới “Đoàn kết quốc gia” được thành lập. Hồ Chủ tịch vẫn kiêm nhiệm bộ trưởng bộ Ngoại giao. Giáp là bộ trưởng bộ Quốc phòng và Phạm Văn Đồng vẫn giữ bộ kinh tế… Và chủ tịch vẫn muốn ngài làm cố vấn tối cao cho chính phủ.

– Xin ông cám ơn giùm tôi về sự tin cậy của chủ tịch. Kể cho tôi những gì đã xẩy ra từ khi tôi đi Trung Quốc.

– Ngài đã biết là, để thi hành Thỏa ước 6-3, người Pháp đã trở lại…. Chủ tịch đã gặp tướng Leclerc ở Hà Nội và Leclerc đã ưng thuận chính phủ chúng ta đi Paris để cụ thể hóa nền độc lập và sự thống nhất nước nhà.. Một buổi hội đàm đã diễn ra tại Đà Lạt ngày 17-4 để sửa soạn cuộc hành trình. Nguyễn Tường Tam sẽ dẫn đầu phái đoàn , chung quanh có Giáp, Vũ Trọng Khánh, Hoàng Xuân Hãn, Cù Huy Cận… Cũng có những người đại diện miền Nam. Rất mau chóng, các đại biểu ta thấy ngay là người Pháp không thành thật. Những gì là sự thật ở Hà Nội không còn như vậy ở Sài Gòn … Cuộc bàn cãi ở Đà Lạt kéo dài đến tận ngày 11-5. Mặc dầu người Pháp không thật lòng, Chủ tịch đã đi Pháp ngày 31-5, hi vọng vào sự gặp gỡ với chính phủ Pháp. Nhưng khi tới Pháp thì chính phủ đổ, Pháp không còn chính phủ nữa. ! Nghiêm trọng hơn hết là ngay sau ngày Chủ tịch đi Pháp, hôm 1-6, người Pháp thành lập ở Sài Gòn một chính phủ lâm thời Nam Kỳ với bác sĩ Thinh đứng đầu. Đó là chứng cớ sự gian dối của người Pháp…. Sau một tháng rưỡi chờ đợi, Hồ chủ tịch quyết định trở về nước. Tuy vậy, để chứng minh lòng thành thật và sự rộng lượng của dân tộc Việt Nam, trước khi rời Pháp Chủ tịch đã ưng thuận ký với tổng trưởng Marius Moutet một bản đồng tuyên ngôn thiết lập giữa Việt Nam và Pháp, một Modus vivendi (Tạm ước).

“… Tôi cám ơn bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã thuyết trình và nói:

– Tôi thấy bản Tạm ước trù liệu có thể đến tháng 1- 47 sẽ tiếp tục lại những cuộc bàn cãi đã bị bỏ dở ở Hội nghị Fontainebleau. Bởi vậy tôi muốn ông nói lại với Hồ chủ tịch là tôi muốn trở về Hà Nội vào lúc đó.

– Thưa ngài, tôi nghĩ là Chủ tịch muốn ngài ở lại Hồng Kông trong thời gian đó, vì Hồng Kông là địa điểm quan sát tốt nhất. Dầu sao chăng nữa, Chủ tịch dặn ngài phải coi chừng bọn Pháp và những tụi Việt gian đựợc Pháp dùng để thi hành những thủ đoạn của nó.(tr 166)

” Đối với tôi, chuyện đã rõ ràng, Hồ Chí Minh không muốn tôi : Ông đã đẩy tôi đi khi người Pháp trở lại và giữ tôi ở xa trong khi có Hội nghị Đà Lạt và Fontainebleau. Ông không muốn có sự hiện diện của tôi ở Hà Nội nếu cuộc thương thuyết với người Pháp bắt đầu lại.

” Vài ngày sau, gần như cả một phái đoàn tới khách sạn Gloucester xin được tôi tiếp kiến. Từ Quảng Châu tới là 3 thủ lãnh quốc gia, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam: VNQDD. Nguyễn Hải Thần: Đồng Minh Hội. Những người này đã trốn khỏi Hà Nội từ tháng 7 để tránh bị Giáp truy hại trong lúc Hồ Chí Minh vắng mặt. Nối tiếp sau đó là Trần Trọng Kim, cũng từ Quảng Châu tới. Trần Trọng Kim hỏi tôi:

– Thưa ngài, ngài tính thế nào?

– Tôi đợi Hồ Chí Minh gọi tôi về.

– Xin ngài đừng về Hà Nội, nguy hiểm lắm. Tại sao ngài không đi Nam Kinh với Quốc Dân Đảng theo lời mời của Tưởng Giới Thạch?

– Không, tôi không đi Nam Kinh. Quốc Dân Đảng coi như là sắp tiêu tan rồi. Tưởng Giới Thạch không chống lại được áp lực của cộng sản đâu và chẳng chóng thì chày, Mao Trạch Đông sẽ toàn thắng…

“… Tôi được giấy triệu tập của An ninh Anh. Gặp Cảnh sát trưởng người Anh, tôi hỏi lí do. Ông ta nói : Từ ngày ngài tới Hồng Kông tháng Mười năm ngoái, ngài thay đổi nhiều khách sạn. Chúng tôi biết ngài là ai ngay từ đầu. Tôi nhận được lệnh phải bảo đảm an ninh cho ngài. Chúng tôi dành cho ngài một cái biệt thự ở Repulsion Bay. Hai cảnh sát Trung Hoa mặc thường phục sẽ túc trực bên ngài.

“… Từ khi tôi đến ở Repulssion Bay trên đảo Victoria, biệt thự của tôi trở thành một cục nam châm thu hút khách viếng thăm. Có những khách tới để đặt trước chỗ ngồi, có những khách tới để dò dẫm cho Pháp hay cho nước ngoài khác… Tôi không có ảo tưởng gì khi bỗng nhiên nhận được sự quan tâm của nhiều người : bác sĩ Phan Huy Đán, luật sư Đinh Xuân Quảng, cả 2 thuộc đảng Xã hội, VNQDD có Trần Văn Tuyên, rồi bác sĩ Lê Văn Hoạch, phó thủ tướng chính phủ Nam Kỳ, rồi Ngô Đình Diệm mà tôi nghi là con mắt của Mỹ…(tr 171)

“… Ngày Toàn quốc Kháng chiến 19-12 đã đẩy Việt Minh vào một cuộc chiến tranh du kích. Theo tôi đó là cái lầm lớn nhất. Nhưng ai là người chịu trách nhiệm?

” Giáp chắc chắn là có một phần khi sửa soạn cuộc Tổng tấn công. Nhưng hình như phút cuối cùng Giáp hủy lệnh đánh. Cuộc tổng tấn công đã phá hoại đường lối chính trị được ấn định từ trước và đã đưa đến một cuộc chiến tranh quá lâu dài.
“Nếu không có ngày 19-12-1946 thì gì đã có thể xẩy ra ở Việt Nam? (tr 172)

Vài bình luận về những sự kiện kể trong những đoạn dịch

1) Bảo Đại cũng như hầu hết mọi người thời ấy, chỉ nghe đồn chứ không biết Việt Minh là gì, Hồ Chí Minh là ai.
Người biết nhiều về Việt Minh nhất là Tạ Quang Bửu khi nói với Bảo Đại về Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội và Trần Văn Giầu ở Sài Gòn. Nhưng ở Huế là ai? Ông Phạm khắc Hòe, ngự tiền văn phòng của Bảo Đại, được sai ra ngoài Thành Nội hỏi tin tức ai là người của Việt Minh, trở về tay không. Dễ hiểu : Việt Minh chánh cống còn ở Hà Nội, chưa kịp vào Huế. Người Việt Minh chánh cống đầu tiên vào Huế là Trần Huy Liệu mà nếu xét kỹ lí lịch thì cũng chỉ là cựu VNQDD trở cờ. Cù Huy Cận chỉ là kẻ theo đuôi.

2) Bảo Đại dù tây học, nhưng cũng như đa số người dân hồi ấy, vẫn còn mê tín, tin là ông Hồ có được mệnh trời.
Hai câu sấm Trạng Trình “Bao giờ sen mọc biển Đông (Nhật), cha con nhà Nguyễn bế bồng nhau đi”, được giảng là nhằm triều đại nhà Nguyễn và “Đụn sơn phân giới… Nam đàn sinh thánh”, được cho là ứng vào Hồ Chí Minh. Những đồn đại về cụ Hồ mắt sáng như sao, có 2 con ngươi… đã áp đảo tinh thần ông Bảo Đại, khiến ông tự thấy phải thoái vị để theo đúng mệnh trời. (tr119)

3) Ngay khi mới gặp ông Hồ ở Hà Nội, Bảo Đại đã bị ông Hồ mê hoặc như cả triệu người dân Việt thời ấy.

Gặp ông Hồ lần đầu tiên, Bảo Đại đã có ấn tượng tốt vì phong độ nửa đạo sĩ nửa nhà nho của ông Hồ. Nhưng cũng như 99% dân chúng Việt Nam thời đó, Bảo Đại đã bị ông Hồ mê hoặc vì 2 chữ Độc Lập và Thống Nhất. Ai cũng như ai đều cho Độc Lập là Tất cả: là thoát khỏi vòng bị trị, là tự do, là thống nhất, là Bác Hồ, là Nguyễn Ái Quốc, là kháng chiến theo con đường cộng sản. Cả triệu người Việt Nam nghe theo tiếng hô Độc lập của Bác để bị dẫn vào con đường này rồi đi lần lần tới cộng sản.

4) Bảo Đại không có thiện cảm với những người quốc gia

Được mục kích những cảnh hỗn loạn ở Hà Nội gây ra bởi những đám quân Tàu, Bảo Đại ghét lây những người quốc gia vì những người này đã theo quân đội Tàu trở về Việt Nam, mặc dù trong số những người này có người muốn tôn ông làm minh chủ để đối lại với Hồ Chí Minh.

5) Bảo Đại chỉ là phát ngôn viên của ông Hồ

Mang tiếng là cố vấn tối cao, không thấy Bảo Đại đưa ra ý kiến nào trong suốt thời gian làm cố vấn. Trái lại, những thông điệp gửi cho các lãnh đạo nước ngoài, tuy mang tên Bảo Đại, nhưng đều do ông Hồ tự thảo. Và khi đi cùng với ông Hồ gặp đại diện các nước Đồng Minh, những lời tuyên bố của ông Bảo Đại cũng chỉ là những lời đã được ông Hồ mướm trước. Ông Hồ chỉ dùng Bảo Đại như một phát ngôn viên và như một nhân chứng để khẳng định với Đồng Minh là Bảo Đại đã tự trao quyền hành chứ không có sự cướp đoạt quyền hành. Tuy vậy ông Hồ vẫn luôn luôn nghi ngờ Bảo Đại nên không bao giờ để cho đi một mình. Bảo Đại trái lại vẫn luôn luôn tin tưởng vào ông Hồ, luôn luôn tỏ ra trung trực với ông Hồ, ngay cả khi đã biết chắc mình đã bị bỏ rơi. Chứng cớ là khi Phạm Ngọc Thạch tới Hồng Kông đưa cho mấy nén vàng, vẫn một mực hỏi khi nào được ông Hồ gọi về. Thế mới biết sức hấp dẫn của ông Hồ mạnh đến chừng nào!

6) Đề nghị Bảo Đại thay mình là một mánh khóe của ông Hồ khi bị chống đối về dự định ký với Pháp cho Pháp trở lại Việt Nam

Đề nghị này được Bảo Đại kể lại trong cuốn ” Rồng Nam ” (tr 150 ). Tôi không thấy có tài liệu nào nói đến. Có nhiều người cho là ông Bảo Đại bịa ra. Tôi, ngược lại, tin là có thật vì lí do sau đây:

Để nắm trọn quyền hành trong tay, ông Hồ phải tìm cách gạt những đảng phái quốc gia ra ngoài. Muốn vậy, phải làm sao đuổi được bọn Tàu ra khỏi nước, khiến các lãnh tụ quốc gia từ trước tới nay vẫn dựa vào Tàu, nếu không muốn bị thủ tiêu, chỉ còn cách bám theo Tàu, trốn khỏi Việt Nam. Vấn đề là quân đội Tàu lấy danh nghĩa là được lệnh Đồng Minh vào Bắc Việt để giải giới quân đội Nhật, sẽ ở ỳ không bao giờ chịu về. Muốn đuổi Tàu ra khỏi nước, chỉ có cách là điều đình với Pháp, đem Pháp vào thay thế Tàu. Nhưng làm như vậy ông Hồ sẽ mất mặt với toàn dân và Việt Minh sẽ mất chính nghĩa giành độc lập. Các đảng phái Quốc gia, vì sự sống còn của mình, sẽ nhao nhao chống đối, sẽ giành được chính nghĩa, huy động toàn dân đánh Pháp với súng ống của quân Tàu giải giới Nhật để lại. Lực lượng Việt Minh hồi ấy thật ra cũng chả mạnh hơn gì các đảng phái quốc gia tuy được phóng đại vì khéo tuyên truyền, sẽ chỉ còn cách chạy ra khỏi nước. Nhưng đi đâu ? Tàu Mao thì còn quá xa ! Không có lẽ lại trốn qua Pháp, nương tựa vào đảng Cộng sản Pháp ?
Ông Hồ thấy chỉ còn một giải pháp là đưa Bảo Đại lên thay mình. Tất nhiên là Bảo Đại sẽ chỉ là chủ tịch bù nhìn với một nội các bù nhìn, còn mọi quyền hành thật sự vẫn nằm trong tay “Cố vấn” Hồ Chí Minh. Trách nhiệm về chuyện ký với Tây, đem Tây trở lại sẽ đổ lên đầu ông Bảo Đại hết ! Ngoài ra, một khi ông Bảo Đại đã dính với ông Hồ, các đảng phái quốc gia cũng không còn có thể tôn ông làm minh chủ thay thế ông Hồ trước mặt toàn dân được..

Ông Bảo Đại mãi về sau mới hiểu lí do vì sao có sự thay đổi của ông Hồ : Với vàng bạc của “Tuần lễ vàng”, ông Hồ đã đút lót tướng Tiêu Văn để viên tướng này nói với chủ tướng của mình là tướng Lư Hán làm áp lực với các lãnh tụ quốc gia, đặc biệt là VNQDD, tham gia chính phủ Hồ Chí Minh và cùng ký thỏa ước với Pháp. Không biết các lãnh tụ này được Tiêu Văn thí cho bao nhiêu cây vàng. Nhưng đã tự đào hố chôn mình. Và ông Hồ thấy “Giải pháp Bảo Đại ” của mình không cần thiết nữa!

Nhưng ông Bảo Đại vẫn bị ông Hồ gài vào cái bẫy ” Thỏa ước 6-3 ” khi được ông Hồ cho cái hân hạnh mỗi tối cùng ông thảo cái bản thỏa ước này. Lịch sử khó mà kết tội ông Hồ đã đem Tây vào vì tự ông Bảo Đại đưa ra chứng cớ là đã cùng ông Hồ thảo bản Thỏa ước và các đảng Quốc gia cũng há miệng mắc quai vì bản Thỏa ước có chữ ký của Vũ Hồng Khanh.

7) Còn một nghi vấn nữa: Bảo Đại, sau khi tham dự phái đoàn đi gặp Tưởng Giới Thạch, đã cố ý ở lại hay bị ông Hồ bỏ rơi?
Có nhiều người cho là Bảo Đại đã lợi dụng tham gia phái đoàn qua Tàu, trốn ở lại.

Tôi thì nghĩ ông Bảo Đại đã bị ông Hồ vắt chanh bỏ vỏ:

- Nếu thật sự ông Bảo Đại muốn ở lại thì ngay khi gặp Tưởng Giới Thạch đã xin ở lại, đã không can thiệp để phái đoàn của ông Hồ được Tưởng Giới Thạch tiếp. Và nhất là khi gặp tướng Marshall, đã không khẳng định chính phủ Hồ Chí Minh là chính phủ đoàn kết quốc gia được Hồ Chí Minh thành lập với ý chí thực hiện độc lập và thống nhất, hai khát vọng của dân tộc Việt Nam và đã không nói xấu chế độ Quốc dân đảng Tàu.

- Nếu thật sự muốn ở lại thì sao sau hơn 3 tuần ở Trùng Khánh (Từ 23-3 đến 15-4 ), lại theo phái đoàn đi Côn Minh để đổi máy bay trở về Hà Nội

- Chuyện sắp lên máy bay trở về Hà Nội thì nhận được tin nhắn của ông Hồ nói ở lại, cũng khả tín. Chắc chắn là tin nhắn này đã được ông Hồ viết từ trước và đưa cho một người thân tín trong phái đoàn để phút cuối cùng mới đưa cho ông Bảo Đại, gây bất ngờ để ông Bảo Đại không kịp phản ứng, không kịp nghĩ đến vợ con còn ở Việt Nam, quần áo không có, một xu dính túi cũng không.

Chẳng qua là ông Hồ, sau khi đã lợi dụng đến tận cùng ông Bảo Đại để làm lá chắn cho mình trước mặt Đồng Minh và đã ký được thỏa ước đem quân Pháp vào thay thế quân Tàu, thì thấy đã đến lúc vứt vỏ vì đã vắt hết chanh.

Kết luận

Ông Hồ đã 2 lần lầm lỡ:

Lần thứ Nhất: Ngay từ đầu năm 1946, để đuổi Tàu Quốc, ông Hồ đã đề nghị Bảo Đại thay mình làm chủ tịch nước, điều đình với Pháp để Pháp thay thế Tàu rồi lại trở mặt! Hậu quả : 8 năm chiến tranh chống Pháp cho Tàu và đất nước bị chia đôi.

Lần thứ Hai nặng hơn nhiều: Đẩy Bảo Đại ra khỏi nước. Nếu còn giữ Bảo Đại trong nước thì năm 1950 khi Mao chiến thắng tới sát biên giới, để tránh phải phụ thuộc Tàu Cộng, ông Hồ đã có thể lấy lại cái “giải pháp Bảo Đại” năm 1946 của mình. Không những đã rút ngắn chiến tranh Việt Pháp được 4 năm, mà cái quan trọng hơn hết là sẽ không có cuộc nội chiến kéo dài thêm 20 năm với 4 triệu người chết, với hậu quả là đất nước ngày nay thuộc quỹ đạo Tàu không biết bao giờ mới thoát khỏi! Đó là cái tội lớn nhất của ông Hồ đối với lịch sử.

© Phong Uyên

© Đàn Chim Việt

51 Phản hồi cho “Bảo Đại: Tối cao cố vấn của ông Hồ [2]”

  1. DâM TiêN says:

    Vì sao và vì sao? Sao không Bảo Đại, mà là Hồ chí Minh, hử, chú Sam ?
    Ta nhìn với con mắt phượng hoàng của chú Sam, thấy cho rằng, cho rằng :

    Chú Sam tuy toàn quyền dưới thế vào những năm 1940-50, chú đã nghĩ tới cái ngày,
    như lẽ tất yếu thời đó, nước Tàu sẽ là Tàu Cộng… mà sát bên Tàu cộng là VN ta.
    Thằng Tàu mà là Cộng là cái may Blời ban cho chú Sam, bởi từ hai cái văn hóa trái
    nghịch và cái tính kiêu căng Đại Hán, thằng Tàu sẽ không chịu làm đàn em Liên Sô,

    Thế thì ta phải dùng tên ” nằm vùng ” Hố Chí Minh cực kỳ khôn ranh lại láu cá, đủ
    sức …đu dấy cho ta theo đó mà chia mẹ nó Liên Sô và thàng Tàu Phù ra mà đánh .

    Chứ, nếu ta dùng ông Bảo Đại hay ông Ngô đình Diệm, thì sẽ có một Việt Nam an
    bình, lúa vàng thẳng cánh chim bay, cờ vàng phất phời,,, thì chẳng có lợi gì chi ta
    cho bằng ( xin lỗi tí) cho bằng con chó dẫn đường là CS Hồ Chí Minh. OK, right ?

    (Đ/C Tâm Bảo chỉ thị các đồng chí lấy số tay ra ghi mà học thuộc lòng bài này nhá)

  2. Trực Ngôn says:

    “Ông Nội của Trực Ngôn” (?) – says: “Bảo Đại , làm vua mà để dân trong cảnh nô lệ , lầm than dưới ách thực dân Pháp , ấy là tội lớn , nhưng ông đã biết thân tự nguyện “…thà làm dân một nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tự do ” của HỒ CHÍ MINH – Đó là điều đáng khen ! Kẻ nấp danh cháu ta – Trực Ngôn , ăn nói quàng xiên , há mõm sủa càn chê trách những nhân vật lịch sử ….Lũ cccđ như mi , còn mấy hơi tàn heo hắt để rồi ngu…ẻo mất xác nơi xó lạ ???” (hết trích)

    Thời đó không chỉ riêng Bảo Đại mà rất nhiều người đã lầm tưởng Hồ Chí Minh là “người yêu nước” nên mới hợp tác, ủng hộ. Nhưng khốn nạn thay Hồ Chí Minh là một tên gian manh lừa đảo, là tay đồ tể do CS-Quốc tế (Nga-Tầu) đào tạo cùng với đảng CSVN gây tang thương đại hoạ cho đất nước và nhân dân VN!

    Giờ đây đã rất nhiều người mở mắt, tỉnh ngộ, nhìn rõ bản chất độc ác gian manh của đảng CSVN, chỉ còn những kẻ ngu muội mới tin theo CSVN và bênh vực HCM!

  3. Hồ chủ tịt says:

    Ông Bảo đại nhiều vợ là chuyện thường, trai anh hùng thì năm thê bẩy thiếp, nhiều ông đã đi tu đã làm cha làm thấy mà còn đèo bòng thì đã sao? các anh lấy tư cách gì bắt ông ấy một vợ một chồng?
    Năm 1949 ông Bảo đại về nước thành lập Chnh phủ quốc gia, (tiền thân của VNCH sau này) nhờ đó mà người dân taị hậu phương bỏ Việt Minh ùn ùn kéo về thành. Ông Bảo đại có công lớn trong việc thành lập nền móng cho chính phủ QGVN thập niên 50
    Nay nhiều kẻ ăn cháo đái bát vẫn láo xược xúc phạm cựu hoàng Bảo đại

  4. Huỳnh says:

    Nếu ông Bảo Đại không trốn theo giặc Pháp thì cuộc đời ông sẽ sung sướng, khi chết sẽ được an táng trang trọng trong và mộ phần được xây dựng khang trang tại một trong ba nghĩa trang quốc gia ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh hoặc ở Huế.

    Nhưng vì Bảo Đại quyết chí bỏ nhân dân Việt Nam, bỏ đất nước Việt Nam, bỏ cách mạng Việt Nam đang sục sôi tinh thần chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược và đô hộ Việt Nam để đi theo giặc Pháp, nên cuộc đời còn lại của Bảo Đại khi đang sống quá thê thảm, bị chính quyền đệ nhất VNCH tịch thu hết toàn bộ gia sản, đuổi bà Từ cung và người thân của bảo Đại ra khỏi nhà (cung An Định ở Huế, ngôi biệt thự ở Sài Gòn, các biệt điện ở Đà Lạt và nhiều dinh thự, biệt thự, nhà cửa ở các thành phố và thị xã trên khắp miền Nam Việt Nam). Cũng như sau khi Bảo Đại đã chết tại Paris, ngôi mộ cũng không được xây cất đàng hoàng, không có bia mộ… Âu đó cũng là số phận của những người lầm đường, lạc lối theo giặc, giống như 2 anh em ruột là ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Đến nay 2 ngôi mộ của 2 ông (Diệm, Nhu) có bia mộ nhưng không dám khắc lên bia tên thật của 2 ông, mà chỉ khắc Hunh, Đệ, may mắn hơn là nắm xương tàn của ông Diệm và ông Nhu được chôn cất trong lòng đất MẸ VIỆT NAM.

    Đọc những đoạn Hồi ký của Hoàng tử Bảo Ân đăng trong bài “Ông Bảo Ân – Con trai út của vua Bảo Đại”, đang trên Hiệu Minh Blog – http://hieuminh.org/2014/03/15/ong-bao-an-con-trai-ut-cua-vua-bao-dai/ (không phải Blog của CSVN đâu nhé) thì ta sẽ thấy rõ điều đó.

    Trích vài đoạn trong bài “”Ông Bảo Ân – Con trai út của vua Bảo Đại”, đang trên Hiệu Minh Blog – http://hieuminh.org/2014/03/15/ong-bao-an-con-trai-ut-cua-vua-bao-dai/

    “Xây mộ cho phụ hoàng

    Gia đình Bảo Ân đến Mỹ năm 1992 nhưng vì thất lạc hồ sơ nên đến năm 2005 gia đình mới có quyền công dân. Cầm passport trong tay, quốc gia đầu tiên mà ông muốn đến là Pháp, để thăm mộ cha, điều mà ông mơ ước từ lâu, nhưng chưa có cơ hội thực hiện. Ông Bảo Ân đã liên lạc với một người bạn ở Paris là Ðặng Văn Phụng, nhờ vợ chồng người này đi xem thử tình trạng ngôi mộ của Vua Bảo Ðại hiện nay tại nghĩa trang Passy thuộc hạt Trocadero Paris 16e ra sao. Theo lời kể của ông Bảo Ân, người bạn này suốt một ngày đi tìm, đọc hết các tấm bia mộ mà không không thấy, nghi ngờ rằng cựu hoàng không được chôn cất tại đây. Ông Bảo Ân gợi ý cho người bạn là nên đi tìm người gác nghĩa trang để hỏi, mặc dầu với bản sơ đồ trong tay, cuộc tìm kiếm cũng không kết quả. Một lần khác, trong khi đang đứng gần ngôi mộ của cựu hoàng, người bạn này tình cờ gặp và hỏi một người cảnh sát già về ngôi mộ của “Sa Majesté Bảo Ðại,” thì ông này chỉ ngay vào ngôi mộ gần đó. Ðó là một ngôi mộ không có bia, không khắc tên, chỉ trơ trọi hai tấm “đan” xi măng sần sùi, với mấy chậu hoa đã quá cũ kỹ qua thời gian. Người bạn của anh nhìn xuống ngôi mộ mà bật khóc. Nơi yên nghỉ của một ông vua mà như thế này sao?

    Ông Bảo Ân hồi tưởng: “Nghe anh kể mà tôi khóc nức nở, thật là tội nghiệp cho cha tôi, cha nằm đó lạnh lẽo như một kẻ vô danh đã 8 năm rồi, không ai biết để thắp một nén nhang cho cha ấm lòng.”

    Nghĩa trang Passy ở Paris là một nghĩa trang nổi tiếng được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, nơi chôn cất nhiều nhân vật lừng danh của thế giới như tài tử phim hài Fernandel (1903-1971,) nhà văn Virgil Gheorghiu (1916-1992,) họa sĩ Edouard Manet (1832-1883,) người sáng lập công ty xe hơi Marcel Renault (1872-1903,) Tổng Thống Pháp Alexandria Millerand (1859-1943)… Cũng theo lời kể của ông Bảo Ân, Vua Bảo Ðại không tiền và cũng không có thế lực để được chôn cất tại đây, đây là phần mộ của một thương gia giàu có ở Paris, rất kính trọng cựu hoàng, khi nghe ông qua đời đã hiến phần đất này cho ngài. Về việc xây mộ cho Cựu Hoàng Bảo Ðại, khi ông từ trần ở Paris, chỉ có người vợ cuối cùng của ông là bà Monique Baudot, người Pháp ở bên cạnh, và trên pháp lý, chỉ có bà Monique, người vợ có hôn thú còn sống mới có quyền xây mộ cho ngài. Theo sự hiểu biết của ông Bảo Ân, bà Thứ Phi Mộng Ðiệp và các con tuy có tiền nhưng lại không muốn giao cho bà Monique xây mộ. Lúc sinh thời, Thái Tử Bảo Long không làm được, gia đình bên các công chúa không làm được, phía Nguyễn Phước Tộc cũng không làm được vì không có sự đồng ý của bà Monique, thậm chí hội này có quyên góp và giao lại cho bà Monique một số tiền để xây mộ nhưng không có kết quả… Nhiều người giàu có muốn xây mộ cho Vua Bảo Ðại để lấy tiếng cũng bị bà Monique cản trở.

    Bên mộ vua Bảo Đại.
    Bên mộ vua Bảo Đại.
    Ông Bảo Ân rất xúc động và đau lòng khi nghe người bạn từ Paris mô tả những gì về ngôi mộ này, nên muốn nhờ người bạn đi kiếm người làm một tấm plaque khắc tên Vua Bảo Ðại đặt trên ngôi mộ và sau này có thể xúc tiến việc xây mộ cho ngài. Người bạn tìm đến ông Nguyễn Duy Hiệp, một người Việt, có dịch vụ chuyên lo về thủ tục mai táng của thành phố Paris. Ông này khi nghe nói đến có một người con cựu hoàng hiện ở Mỹ có quan tâm đến ngôi mộ, ông rất cảm kích và ngỏ ý ông sẽ liên lạc với bà Monique để có thể tiến hành việc xây mộ. Ông Nguyễn Duy Hiệp giải thích là bà Monique có nhờ ông quyên tiền để xây mộ cho cựu hoàng, nhưng trong ba năm, ông chỉ nới quyên được 1,200 Euros, vậy nếu “Mệ” Bảo Ân có khả năng làm được, “thì mời sang Paris, chúng ta sẽ bàn tiếp”.

    Một chủ công ty mộ bia ở Paris là ông Cridel thấy hoàn cảnh của Cựu Hoàng Bảo Ðại đáng thương nên đã gặp bà Monique, và điều đình với bà, nếu bà bằng lòng thì ông sẽ thực hiện bản vẽ và ông sẽ giúp 50% phí tổn xây cất. Ông Nguyễn Duy Hiệp cũng góp lời thuyết phục, cuối cùng bà Monique đồng ý và giao cho ông Hiệp gây quỹ trong bà con cộng đồng Việt Nam.

    Gây quỹ

    Tốn phí cho công trình xây mộ ước tính ban đầu là khoảng 25,000 Euros. Công ty Cridel chịu 50%, ông Nguyễn Duy Hiệp quyên được 3,000 và cá nhân ông đóng thêm 1,000, chùa Tịnh Ðộ đóng góp 1,000, các vị đạo hữu Cao Ðài cho được 400. Số tiền còn lại do các vị trong cộng đồng Việt Nam đóng góp. Xúc động nhất là có 1 cháu gái gởi tới 5 Euros kèm theo bức thư đại ý là cháu còn đi học không có nhiều tiền nhưng thấy thương ông vua của mình quá nên xin được đóng góp để xây mộ cho ngài. Như vậy còn thiếu khoảng 9,000 Euros cho nên việc xây mộ đã chờ đợi hơn 3 năm nay rồi mà không thực hiện được. Sau sự tường trình của ông Nguyễn Duy Hiệp, ông Bảo Ân hứa sẽ cung cấp số tiền còn lại. Ông Bảo Ân cũng cho chúng tôi biết, qua Mỹ phải làm ăn vất vả, không có tiền, tuy vậy ông đã “cà” tất cả thẻ “credit” ông có mới có đủ tiền xây mộ cũng như trang trải tốn phí cho những chuyến đi sang Pháp.

    Năm 2005, ông Bảo Ân qua đến Pháp, việc đầu tiên là đến gặp ông Cridel để xem bản vẽ, để xem có cần sửa chữa gì không? Ghi khắc tên tuổi của cựu hoàng trên bia đá như thế nào? Ðể khắc chữ bằng vàng trên bia mộ, phải tốn thêm 2,200 Euros. Sau khi bà Monique chấp thuận, ông Cridel sẽ cho xúc tiến xây mộ ngay lập tức, và khi nào hoàn tất, ông sẽ báo cho ông Bảo Ân trở qua Pháp để tổ chức lễ tưởng niệm và cầu siêu cho cựu hoàng.

    Khi được thông báo công việc êm xuôi, cuối năm 2006, ông Bảo Ân trở lại Paris. Ông “chạm trán” bà Monique tại phần mộ của cựu hoàng. Bà Monique nổi tiếng là khó khăn, câu nói đầu tiên của bà Monique khi nhận ra Bảo Ân là “mắng” ông sao sang Paris mà không đến thăm viếng bà theo phép lịch sự, trong khi đó lại đến thăm bà Mộng Ðiệp. Ông Bảo Ân đành lấy lý do ông không rành tiếng Pháp và không biết đường sá.

    Bà Monique cũng than phiền là các con Vua Bảo Ðại “làm phiền bà quá nhiều!”

    Việc ông Bảo Ân xây được mộ cho cựu hoàng cũng là do duyên định, hình như vua cha dành cho ông vinh dự này vì gần 10 năm nay, không ai có thể thuyết phục được bà Monique để cho họ xây mộ của Vua Bảo Ðại, trong khi chính bà lại không có tiền hay không muốn xây mộ.

    Mộ Bảo Đại sau khi đã sửa sang.
    Mộ Bảo Đại sau khi đã sửa sang.
    Ngoài các dòng chữ do ông Bảo Ân soạn khắc trên bia mộ, bà Monique đã quyết định là khắc thêm hình ảnh kim khánh bốn chữ “Bảo Ðại Sắc Tứ”(*) khắc trên tấm bia, mà có lẽ những người làm bia mộ, không ai biết ý nghĩa của nó. Trước ngày khánh thành, ông Bảo Ân cho bà Monique hay là ông sẽ đem lá cờ vàng ba sọc đỏ vào treo trước ngôi mộ, vì đây là lá cờ ngày 2 Tháng Sáu năm 1948, chính phủ của Quốc Trưởng Bảo Ðại (với Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân) đã chính thức dùng làm quốc kỳ của quốc gia Việt Nam. Cuộc thương thảo bất thành vì bà Monique không bằng lòng và de dọa sẽ gọi cảnh sát can thiệp nếu ông Bảo Ân đem lá cờ VNCH vào lễ khánh thành.

    Con trai của cựu hoàng phản đối bằng cách không đến tham dự lễ khánh thành ngôi mộ của cha, và bài diễn văn soạn sẵn, với tư cách là đại diện của gia đình Vua Bảo Ðại, để cám ơn các quan khách và hội đoàn người Việt tại Paris, sẽ không bao giờ còn cơ hội để đọc nữa.

    Ngày khánh thành mộ cựu hoàng có đủ các chức sắc thành phố, các hội đoàn người Việt ở Paris, nhưng lại vắng bóng các “Mệ” con của Vua Bảo Ðại, ngoài lý do trên của Bảo Ân, không ai muốn gặp mặt bà Monique. Ông Bảo Ân cho biết lý do, nếu ai đến, tức là đã công nhận bà Monique trong vai trò người vợ chính thức của nhà vua, đó lại là điều tất cả mọi người không ai muốn.

    Ghi chú:

    (*) Theo nhà biên khảo Võ Hương An, 4 chữ “Bảo Ðại Sắc Tứ” khắc trong kim khánh trên bia của lăng Vua Bảo Ðại tại nghĩa trang ở Paris, nhìn thì đẹp nhưng không có nghĩa. Hai chữ sắc tứ (hay có khi là ân tứ) được dùng khi vua ban thưởng một vật gì đó cho bầy tôi; ở đây, Vua Bảo Ðại đã là vua rồi thì không viết “Bảo Ðại Sắc Tứ” được. Nếu muốn trang trí thì nên ghi “Bảo Ðại Hoàng Ðế”.

    Trong bài báo này chúng tôi dùng tiếng “mộ” để chỉ nơi an nghỉ của Cựu Hoàng Bảo Ðại. Nhưng theo sách vở triều Nguyễn, mộ của Hoàng Ðế, Hoàng Hậu, Thái Hậu được gọi là “lăng,” còn ngoài ra, dân thường và quan lại, dù đến nhất phẩm triều đình cũng chỉ được gọi là “mộ.”

    Những đoạn đời gian truân

    Ông Bảo Ân nhớ lại: Nếu không có chuyện tịch thu tài sản và nhà cửa của bà Phi Ánh, mẹ ông, thì không có cảnh gia đình tan tác, mẹ con mỗi người mỗi ngả và lâm cảnh túng bấn.

    “Cuộc đời đôi khi giống như một vở kịch.” Ông Bảo Ân tâm sự: “Ngày hôm đó thật là một ngày buồn thảm đáng ghi nhớ, trời đã tối rồi mà ba mẹ con chúng tôi vẫn chưa tìm ra chỗ để dung thân, đi tới đâu ai cũng khéo léo từ chối, không ai còn muốn dính dáng tới chúng tôi nữa. Ông ngoại nói với dì Phi Hoa để cho chúng tôi tạm trú, mặc dầu gia đình bà cũng đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì có liên hệ đến Quốc Trưởng Bảo Ðại như chúng tôi.

    Một thời gian khi thấy tình hình bên ngoài tạm yên, Me tôi quyết định cho chúng tôi đi học lại. Me tôi nhờ ông ngoại đến trường ghi danh cho chúng tôi, nhưng ông ngoại tới đâu, sau khi xem ‘lý lịch’ họ đều khéo léo từ chối, mà không nói lý do. Chị em chúng tôi đành phải ở nhà chơi một năm không đến trường. Sau đó chúng tôi phải tìm giải pháp là làm lại giấy khai sinh, lấy họ mẹ, từ dòng dõi nhà Nguyễn đổi thành con cháu họ Lê. Chúng tôi đã trở thành con người mới, không còn dính líu gì đến chế độ cũ nữa, có thể gọi là ‘chối bỏ nguồn gốc để tồn tại!’”

    Trong thời gian này, bà Phi Ánh cũng không dám liên lạc với Ðức Từ Cung vì sợ bị lộ tung tích, vì dầu sao Bảo Ân cũng là giọt máu của cựu Hoàng Bảo Ðại duy nhất đang sống tại Việt Nam.

    Công báo của VN Cộng hòa tịch biên tài sản.
    Công báo của VN Cộng hòa tịch biên tài sản.
    Ông Bảo Ân tiết lộ, tên thật của ông do bà Từ Cung đặt cho ông khi mới sinh ra đời là Bảo Khương. Khi làm lại giấy khai sinh, ông đã đổi tên Bảo Ân và lấy họ mẹ. Sau này khi bà Từ Cung và cựu Hoàng Bảo Ðại biết chuyện này, cũng đã rất thông cảm.

    Năm 1964, bà Từ Cung đem Bảo Ân ra Huế ở với bà để đi học, cho đến năm 1968, khi biến cố Mậu Thân xảy ra, sau khi Việt Cộng rút ra khỏi Huế, bà Phi Ánh lo sợ cho con, nên đã nhờ một người trong Nguyễn Phước Tộc là ông Bửu Nghi, xin với Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ một chiếc trực thăng để đưa Bảo Ân từ sân Phú Văn Lâu lên phi trường Phú Bài, và từ đây ông đi theo máy bay C.130 chở tử sĩ và thương binh về Sài Gòn. Mười hai năm sau, 1980, “Mệ” Bảo Ân và chị là Phương Minh đã trở lại Huế để thọ tang bà nội là Ðoan Huy Hoàng Thái Hậu, tức là Ðức Bà Từ Cung.

    Việc tịch thu tài sản của gia đình Quốc Trưởng Bảo Ðại

    Nhiều người biết chuyện Quốc Trưởng Bảo Ðại bị ông Ngô Ðình Diệm truất phế trong cuộc “trưng cầu dân ý” vào ngày 23 Tháng Mười năm 1955, nhưng ít ai biết đến việc tài sản của toàn gia đình những người liên hệ với Quốc Trưởng Bảo Ðại (kể cả vợ không hôn thú) và của các ông Vĩnh Cẩn, Nguyễn Ðệ đều bị tịch thu. Thân mẫu của Quốc Trưởng Bảo Ðại, Ðức Từ Cung phải dọn ra khỏi Cung An Ðịnh.

    Câu hỏi của chúng tôi đối với ông Bảo Ân là, phải chăng việc tịch thu tài sản này là do cấp dưới, tùy tiện, “lấy điểm” mà không phải do chủ trương, chính sách của cấp trên?

    Ông Bảo Ân đã cho chúng tôi xem một tài liệu cũ mà ông đã lưu giữ từ 56 năm qua, tờ Công Báo Việt Nam Cộng Hòa ngày Thứ Bảy 22 Tháng Ba 1958, ấn hành bởi tòa tổng thư ký Phủ Tổng Thống, “bảng phụ đính vào quyết định số 400.BTC/DC ngày 14 Tháng Ba 1958 của ông bộ trưởng tài chánh chỉ định những tài sản của Bảo Ðại và bộ-hạ đặt dưới đạo luật số 17/57 và 16-2-1957 và sắc lệnh số 122-TC ngày 27-02-1958 chỉ định tài sản tịch thu” của:

    - Vĩnh Thụy tức Bảo Ðại.

    - Marie Jean Nguyễn Hữu Hào, tức Nguyễn Thị Lan, tức Nam Phương Hoàng Hậu, vợ chính thức của Bảo Ðại. – Bùi Thị Mông Ðiệp hay Bùi Mộng Ðiệp, vợ không chính thức của Bảo Ðại.

    - Lê Thị Phi Ánh hay Lê Phi Ánh, vợ không chính thức của Bảo Ðại.

    - Hoàng Thị Lang (hay Lan) tức Wong Y Lang, tức Jenny, vợ không chính thức của Bảo Ðại.

    - Vĩnh Cẩn (anh em chú bác và là người thân cận với cựu hoàng, thường được gọi là Hoàng Tùng Ðệ) và vợ chính thức là Nguyễn Hữu Thị Bích Tiên.

    - Nguyễn Ðệ (đổng lý văn phòng quốc trưởng ở Paris) và vợ là Bùi Thị Mão.

    Tài sản bị chỉ định tịch thu gồm có bất động sản như nhà cửa, lâu đài, biệt điện, đồn điền, các sở đất, các kho chứa hàng, tất cả khí mãnh, dụng cụ trang bị cho các cơ sở trên, số tồn khoản tại các nhà băng, các cổ phần trong các công ty, các số nợ cho người khác vay, các loại xe hơi…

    Chúng ta cũng biết là sau khi Quốc Trưởng Bảo Ðại bị truất phế, An Ðịnh Cung, diện tích 16,584 m2, tọa lạc tại bờ sông An Cựu Huế, tư sản của Vua Khải Ðịnh, không phải của triều đình nhà Nguyễn, đã bị chỉ định là tài sản tịch thu của “Vĩnh Thụy tức Bảo Ðại”. Thoạt đầu Ðức Từ Cung phải dọn qua tạm trú tại nhà thờ Kiên Thái Vương, trong khuôn viên Cung An Ðịnh Cung, và sau đó ra ở tại ngôi nhà ở địa chỉ 79D Phan Ðình Phùng, gần chợ An Cựu cho đến khi bà qua đời.

    Sống lưu vong, chết nghèo khó

    Theo lời kể của thứ phi Mộng Ðiệp với ông Bảo Ân, cuối năm 1955, sau khi bị truất phế, bề ngoài không ai biết cựu hoàng nghĩ gì, nhưng theo bà, ông đã có một thời gian bị trầm uất, mất ngủ và phải dùng thuốc an thần. Ông nói là ông rất lo cho Ðức Từ Cung. Sau này nghe tin Ðức Từ Cung bị đuổi ra khỏi Cung An Ðịnh, cựu Hoàng Bảo Ðại lại càng lo hơn, tối không ngủ được. Cựu hoàng hút thuốc lá liên miên, và thường bỏ nhà đi “bụi đời” (nguyên văn), không biết đi đâu, chỉ những lúc đau ốm hay cạn tiền mới trở về với bà Mộng Ðiệp.

    Cũng theo lời tường thuật của ông Bảo Ân: “Sau cú ‘sốc’ đó cựu hoàng không muốn tin ai nữa, không muốn tiếp xúc với ai, ông bảo bà Mộng Ðiệp đưa tiền rồi đeo cái túi xách lên vai đi 3-4 ngày, đôi khi đi cả tuần đến khi đau ốm hoặc hết tiền mới trở về. Khi hết bệnh ông lại đi tiếp, hỏi ông đi đâu thì ông nói đi loanh quanh đây thôi. Có khi bà Mộng Ðiệp phải bảo Hoàng Tử Bảo Sơn và anh Jean Bui (con riêng của bà) theo dõi cựu hoàng, thì ông giận bà suốt hai tuần. Có lần cựu hoàng lên cơn sốt rét nằm trên băng ghế, dưới hầm metro, cảnh sát đem ông về đồn và gọi điện thoại cho Hoàng Tử Bảo Long đến bảo lãnh ông về, rồi khi hết bệnh ông lại đi nữa.”

    Thứ Phi Mộng Ðiệp nói với Bảo Ân: “Nhà dì giống như cái trạm, hết tiền hay đau bệnh thì ngài mới về. Vì vậy khi Hoàng Hậu Nam Phương qua đời năm 1963, ở Chabrignac, không ai biết ngài ở đâu để thông báo. Ðiều này làm ngài rất buồn và cứ băn khoăn trách móc dì mãi!”

    Nghèo khổ và cô đơn

    Năm 1967, Công Chúa Phương Minh sang Pháp theo sự sắp xếp hôn nhân của gia đình nhưng không thành, thấy hoàn cảnh của vua cha cô đơn và tội nghiệp, nên cô tình nguyện ở lại để săn sóc cha.

    Lúc này cựu hoàng đã dùng thuốc ngủ rất nặng, có lần uống thuốc xong, nằm vắt tay lên trán, vừa suy nghĩ vừa hút thuốc. Khi thuốc ngấm, ông ngủ hồi nào không biết, điếu thuốc trên tay rơi xuống áo cháy phỏng cả ngực, nên lần sau mỗi lần ông dùng thuốc ngủ, cô Phương Minh đứng đó canh chừng đến khi ông ngủ rồi mới dám đi làm công việc. Tuy ở Paris, Phương Minh cũng chỉ gặp Hoàng Tử Bảo Long một lần và chưa hề giáp mặt Bảo Thăng và các công chúa Phương Mai, Phương Liên và Phương Dung. Quốc Trưởng Bảo Ðại có nhiều vợ và nhiều dòng con, khi Nam Phương Hoàng Hậu qua đời, ông cũng không hay biết, điều đó đã tạo thêm sứt mẻ trong gia đình.

    Ðời sống ở Paris cũng khó khăn, vất vả, cô con gái của cựu hoàng, phải đi làm tiếp viên trong một nhà hàng Trung Hoa để có phương tiện để sống gần cha và chính cô, cũng phải nhận sự trợ giúp từ mẹ ở Sài Gòn. Trong thời gian này, hầu hết sự chi dùng của ngài là do tiền của Ðức Bà Từ Cung gởi qua. Mặc dầu các con cũng thường hay lui tới thăm ngài, nhưng ngài không bao giờ đề cập đến vấn đề tiền bạc, và cũng không ai nghĩ đến chuyện giúp đỡ ngài. Theo lời cô Phương Minh kể lại, khi có tiền thì hai cha con rủ nhau đi nhà hàng, khi hết tiền thì nhiều ngày chỉ có một bữa ăn.

    Nhiều khi cạn tiền, túng thế, cựu hoàng phải bảo Phương Minh chạy đi “vay mượn” những người quen biết.

    Cho mãi đến năm 1971, Phương Minh hay tin mẹ đau nặng, cô trở về Sài Gòn và bị kẹt lại sau khi cộng sản chiếm miền Nam. Cũng năm này, Bảo Ðại kết hôn với Monique Baudot, một phụ nữ Pháp kém hơn 30 tuổi (Monique Baudot sinh năm 1946.) Bảo Ðại vào đạo Thiên Chúa, có tên thánh là Jean-Robert.

    Ở Paris, cựu Hoàng Bảo Ðại không có nổi một căn nhà, nơi mà cựu hoàng ở với bà Monique trong những ngày cuối đời là do một người Pháp yêu mến để cho cựu hoàng ở không lấy tiền. Có lần, theo lời kể của bà Mộng Ðiệp, bà Monique đã xúi nhà vua kiện ra tòa án để lấy các tài sản của bà thứ phi, nhưng nhà vua đã không bằng lòng. Cuộc hôn nhân cuối cùng với bà Monique đã đưa đến chia rẽ trong gia đình cựu hoàng, từ đó không ai đến thăm viếng ông nữa và gần như vị vua cuối cùng của triều Nguyễn sống trong cảnh nghèo khó và cô đơn. Năm 1982, nhân khai trương Hội Hoàng Tộc ở hải ngoại, Bảo Ðại lần đầu tiên sang thăm Mỹ với tư cách cá nhân, cùng đi với cựu hoàng có bà Monique.

    Sau khi cựu Hoàng Bảo Ðại kết hôn với bà Monique thì các con đều xa lánh không lui tới, thăm viếng. Ông mất ngày 31 Tháng Bảy 1997 tại Quân Y Viện Val-de-Grâce, Paris, hưởng thọ 85 tuổi. Ðám tang Bảo Ðại được tổ chức một cách lặng lẽ vào lúc 11 giờ ngày 6 Tháng 8 năm 1997 tại nhà thờ Saint-Pierre de Chaillot số 35 đại lộ Marceau, quận 16 Paris và linh cữu được mai táng tại nghĩa địa Passy trên đồi Trocadero, không hề thấy sự hiện diện của thân thích gia đình, trừ bà Monique, người vợ cuối cùng ở bên cạnh, với cờ tam tài của Pháp Quốc và Hội Cựu Quân Nhân Pháp”.

    Hết trích

  5. Hoàng says:

    Ông Bảo Đại làm vua vào giữa thế kỷ 20, lúc đó Việt Nam đã bắt đầu thực hiện chế độ một vợ một chồng, chứ không còn chế độ đa thê. Vậy mà ông Bảo Đại có đến 8 bà là vợ và nhân tình (6 bà không có hôn thú với ông Bảo Đại) thì ông giành thời gian và tập trung sức lực để làm chuyện “sung sướng” với các bà ấy là chính, chứ còn thời gian, sức lực đâu nữa mà lo chuyện quốc gia đại sự.

    Vợ, thứ phi và nhân tình: 8 bà:
    1. Nam Phương Hoàng Hậu. Có hôn thú, 5 con.
    2. Bùi Mộng Ðiệp. Không hôn thú, 3 con.
    3. Lý Lệ Hà. Không hôn thú, không con.
    4. Hoàng Tiểu Lan. Không hôn thú, 1 con gái.
    5. Lê Thị Phi Ánh. Không hôn thú, 2 con.
    6. Vicky (Pháp). Không hôn thú, 1 con gái.
    7. Clément. Không hôn thú.
    8. Monique Marie Eugene Baudot. Có hôn thú, không con.
    Con:
    * Với Nam Phương Hoàng Hậu:
    1. Thái Tử Nguyễn Phúc Bảo Long (4-1-1936/28-7-2007)
    2. Công Chúa Nguyễn Phúc Phương Mai (1-8-1937).
    3. Công Chúa Nguyễn Phúc Phương Liên (3-11-1938).
    4. Công Chúa Nguyễn Phúc Phương Dung (5-2-1942).
    5. Hoàng Tử Nguyễn Phúc Bảo Thăng (9-12-1943).
    (Bốn người con còn lại của Bà Nam Phương hiện sống ở Pháp.)
    *Với Thứ Phi Mộng Ðiệp, hai người con đầu hiện ở Pháp:
    1. Nguyễn Phúc Phương Thảo (1946).
    2. Nguyễn Phúc Bảo Hoàng (1954-1955).
    3. Nguyễn Phúc Bảo Sơn (1957-1987), tử nạn tại Nhật.
    *Với Hoàng Tiểu Lan:
    1. Nguyễn Phúc Phương Anh, hiện sống ở Hawaii.
    * Với Lê Thị Phi Ánh:
    1. Nguyễn Phúc Phương Minh (1950-2012).
    2. Nguyễn Phúc Bảo Ân (1951).
    * Với bà Vicky
    1. Nguyễn Phúc Phương Từ (Pháp).

  6. Huy says:

    Ông Bảo Đại được ông Hồ trao cho 25kg vàng do toàn dân đóng góp trong “Tuần lễ vàng” để dẫn đầu phái đoàn chính phủ lâm thời VNDCCH qua Tàu và Hồng Công mua vũ khí. Khi qua đến Tàu thì ông ta ẵm luôn 25kg vàng rồi trốn biệt theo giặc. Sau này ông ta viết hồi ký bịa ra những chuyện ngược lại để chạy tội ăn cắp vàng của quốc dân đồng bào và chạy tội bán nước, theo giặc.

    • Tien Ngu says:

      Đúng ha…

      Lịch sử VN, muốn viết cho chính xác từng chi tiết, phải tham khảo các cò mồi của Cộng…láo.

      Cò mồi Cộng láo thì anh nào cũng…biết hết, kiến thức đầy quần, ý quên đầy mình, từ chuyện thâm cung bí sử của các chế độ phong kiến, cho đến chuyện Ngô đình Diệm…vớt em dâu, Trần lệ Xuân ngủ với…đại sứ Mỹ…
      Cho đến chuyện Hồ chí Minh được…Unessco phong làm…vĩ nhân, Nguyễn thị Bình ném viết…xuống bàn trước mặt…Mỹ sau khi hạ bút ký ban phước cho Mỹ Nguỵ…

      Vân vân và vân vân…

      Đúng ha…

      Lịch sử VN, muốn viết cho chính xác từng chi tiết, phải tham khảo các cò mồi của Cộng…láo.

      Cò mồi Cộng láo thì anh nào cũng…biết hết, kiến thức đầy quần, ý quên đầy mình, từ chuyện thâm cung bí sử của các chế độ phong kiến, cho đến chuyện Ngô đình Diệm…vớt em dâu, Trần lệ Xuân ngủ với…đại sứ Mỹ…
      cho đến chuyện Hồ chí Minh được…Unessco phong làm…vĩ nhân, Nguyễn thị Bình ném viết…xuống bàn trước mặt…Mỹ sau khi hạ bút ký ban phước cho Mỹ Nguỵ…

      Vân vân và vân vân…

      Cò mồi Cộng rành lịch sử VN hơn ai hết. Nghe xong, chớ nên..nhổ phẹt phẹt. Cũng…cấm cười.

      Bái phục anh cò.

    • TÈO says:

      Đề nghi cho bết nguòn tin này lấy từ đâu ra ?
      (Nếu là nguồn tin từ Đãng va Nha nuớc CSVN theo kiểu Trần DTiên thì xin miễn ghi ra.) Cám ơn truớc.

    • Cù Lần Lửa says:

      Tin tức Vẹt Kộng : úi giời ui, lọa lắm kía…ở cái xứ Vẹt Cộng kia,
      có nhèo sự lọa đời kwá xóa ,

      Có lão già Hù hắn sở hữu đến 8 hay 9 những con Q rài thòòòng;
      thế cho nên có thằng dân Q đen mà cái tên ló nà Huy Huy gì ấy,
      ló cũng phải sở đắc đến 8 cái mồm mà thi công ” ngoạm Q Hồ…”

      Chiện này chỉ xảy ra ngàn năm một lần thui , nay trùng ngay vô
      cái xứ… Xuống Hố Cà Nút, bà con ạ.

    • Láo như Việt cộng says:

      Đọc Đồng Chí Ngô Thời Nhiệm mà cười rớt khỏi ghế cho cái láo lường trơ trẽn, bỉ ổi, ngu đần của bè lũ Việt cộng .

      Cám ơn Austin Phạm đã cho một trận cười pể pụng .

  7. Lão Độc Nhãn says:

    TT Thiệu học sĩ quan năm 1951, các vị sau thì học sĩ quan sau ông Thiệu; đó là thời điểm mà trên thế giới đã xảy ra chiến tranh lạnh. Họ cần đứng trong hàng ngủ Tây phương để chống cộng. Vứn đề là “chống cộng” đúng hay sai, có cần thiết cho dân tộc VN hay không ? Ông bà Vĩnh Long trả lời giùm.“Từ tổng thống Thiệu xuống đến các ông tỉnh trưởng, từ các ông đại tướng xuống đến các ông chuẩn tướng và nhiều đại tá của QLVNCH đều nhờ sự nghiệp đi lính cho Pháp mà trở thành tổng thống, phó tổng thống, bộ trưởng, tổng trưởng, tướng lãnh của VNCH để lãnh đạo chánh nghĩa quốc gia.Viết đúng lắm; nhưng cả cái còm thì mẹ kiếp, ngu như lợn.

    • Hùng says:

      Pháp xâm lược VN, Pháp là giặc. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Vậy mà từ tổng thống, phó tổng thống, bộ trưởng, tổng trưởng, tướng lãnh của VNCH không đánh giặc như đàn bà mà lại đi lính cho giặc thì thua cả đàn bà và còn mang tội bán nước.
      Bất cứ ai chống quân xâm lược đều là người yêu nước, bất cứ ai vì bất cứ lý do gì mà đi lính cho giặc xâm lược thì đều là kẻ bán nước, đó là chân lý đó là điều không thể chối cãi, dù chối cãi và biện minh bằng lý do chống Cộng sản.
      Ông Nguyễn Thái Học là lãnh tụ của Quốc Dân Đảng, ông và đảng của ông chống Cộng rất quyết liệt, nhưng ông cũng là người chống Pháp đến cùng, vì vậy ông Nguyễn Thái Học là người yêu nước. Chính vì ông Nguyễn Thái Học là người yêu nước, chống Pháp đến cùng, (dù ông chống Cộng sản rất quyết liệt), nên chính quyền VNCS vẫn tôn thờ ông – tôn thờ lãnh tụ của một đảng phái yêu nước, chống xâm lược), nên tên của ông Nguyễn Thái Học được chính quyền VNCS dùng để đặt tên cho các đường phố lớn và nhiều trường học trên khắp đất nước.
      Nếu ông Nguyễn Văn Thiệu cùng các quan chức và tướng lĩnh VNCH dù chống Cộng sản đến cùng, nhưng yêu nước, chống Pháp xâm lược thì chắc chắn cũng được chính quyền VNCS tôn trọng như ông Nguyễn Thái Học.

      • Lão Độc Nhãn. says:

        Các đồng chí nãnh đạo đảng ta từng bô bô vì “đại cục” mà phải luôn đối xử với kẻ cướp phương bắc bằng hợp tác toàn diện với “4 tốt, 16 chử vàng”. Ló nà thế lào hả cu Hùng ? Người sống ở đời cần có chút kiến thức về thời cuộc để chọn bạn phân thù, người quân tử chỉ sợ bị lịch sử phỉ nhổ, chả ai cần những tên hèn hạ như CSVN tôn trọng, cu nhé.

  8. Tien Ngu says:

    Thưa,

    Suy nghỉ cho cạn cùng thì…tội nghiệp cho ông Bảo Đại.

    Lớn lên trong nhung lụa, đi song hành với…nhung lụa cả đời.

    Kinh nghiệm song, kinh nghiệm về cộng sản, hầu như là con zero tổ bố. Các nịnh thần…nịnh sao thì hay vậy …

    Các nịnh thần, đa số cầu an, không kinh nghiệm nhiều về cộng sản, cò mồi Cộng láo đi cái đường…tình tự dân tộc, thì em nào cũng…cãm động.

    Thành ra, khi Bảo Đại được các nịnh thần…tình tự y theoi lời cò mồi Cộng láo đã rà cho, thì họ thuyết phục được Bảo Đại,

    Thà làm một công dân xứ…độc lập, hơn là làm vua xứ bị trị.

    Và thế là ông vua…ham vui và ngây thơ, thật thà đưa ra…thượng phương bảo kiếm, trao duyên lầm…Cộng láo.

    Dân ta từ đó mà…tan tác, xui cùng mình.

    Dân miền Nam còn được an ủi 20 năm tự do nhờ Ngô đình Diệm ra sức gầy dung. Đó là ông bà cũng…ngó lại. Có được một nền giáo dục…thâm sâu, một nền vân nghệ…vị nghệ thuật, sản xuất được hàng hàng lớp lớp nhân tài…
    Rieng dân miền Bắc thì quả là…trúng mánh đậm, chết non hàng mấy thế hệ, người lúc nào cũng…xanh như tàu lá. Cò mồi Cộng láo, mắt hí làm vua trong xứ mù, chúng dạy sao thì dân chỉ biết vậy…

  9. lite_breeze says:

    Bao giờ sen mọc biển Đông
    Cha con nhà Nguyễn bế bồng nhau đi
    Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về
    Giặc đến Bồ Đề thì giặc phải tan

    Bốn câu đi liền với nhau. Theo tôi, Sen mọc biển đông là biến động Phật giáo làm mất Miền Nam. Dân Việt Miền Nam bị ly tán bỏ nước. Thể chế của Miền Nam sẽ là thể chế được tái lập cho cả nước Việt Nam sau này.

  10. DN says:

    Năm 1955 người dân truất phế ông Bảo đại vì ông theo Tây, dung dưỡng bọn thảo khấu Bình xuyên làm càn và người dân đưa ông Diệm lên làm Tổng thống. Đây là thời gian mà ông BĐ bị đánh gía tồi tệ nhất, người ta còn cho ông là Việt gian, sự thực ông BĐ trong giai đoạn này đã đi ngược lại quyền lợi đất nước
    Trước đó sáu năm, năm 1949 ông đồng ý từ Hồng kông về nước làm Quốc trưởng theo sự yêu cầu của Pháp, người Pháp phải dùng giải pháp Bảo đại để lấy lòng dân vì cuộc chiến của họ mang tính xâm lược. Người dân từ hậu phương bỏ về thành rất nhiều, người Pháp trả độc lập dần dần chỉ lo chiến tranh chống Việt Minh . Ông BĐ cũng đã gây dựng được chính phủ Quốc gia VN mà sau này trở thành VNCH, ông cũng có công với chính phủ QG trong giai đoạn này(1950-1954)

    • MÂY NGÀN says:

      XÉT NGƯỜI

      Xét người chỉ chính xác trong hoàn cảnh bình thường. Xét người khi họ đang bị kẹt dưới cái bánh xe thì chưa hoàn toàn đầy đủ. Bảo Đại là người đang bị kẹt trong bánh xe lịch sử đất nước và thế giới luc đó là như thế. Đành rằng phải công nhận Bảo đại là người không có tài và cũng không có số làm vua lắm, nên các sự việc liên quan đến ông đều cho thấy điều đó. Nhưng phải nhận ông là người hiền lành và người có tâm với các việc chung. Cứ giả thiết Bảo Đại không giao ấn kiếm cho Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận nhân danh Việt Minh khi đó thì kết quả lịch sử sẽ xoay chuyển như thế nào ? Nếu Bảo Đại không tấn phong Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng mà lại tấn phong người khác, hiện tình đất nước sau đó sẽ ra sao ? Đành rằng Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận thực chất không phải là hai nhân vật xứng đáng gì để nhân danh VM nhận ấn kiếm từ vị Cựu hoàng đế, nhưng âu sự trớ trêu của lịch sử nước nhà khi ấy cũng phải đành vậy thôi !

      NON NGÀN
      (21/3/14)

    • Vĩnh Long says:

      “… người Pháp phải dùng giải pháp Bảo đại để lấy lòng dân vì cuộc chiến của họ mang tính xâm lược.”
      Ấy ấy! Sao DN lại nói như thế? Từ tổng thống Thiệu xuống đến các ông tỉnh trưởng, từ các ông đại tướng xuống đến các ông chuẩn tướng và nhiều đại tá của QLVNCH đều nhờ sự nghiệp đi lính cho Pháp mà trở thành tổng thống, phó tổng thống, bộ trưởng, tổng trưởng, tướng lãnh của VNCH để lãnh đạo chánh nghĩa quốc gia và QLVNCH cả thời đệ nhất và thời đệ nhị VNCH mà DN nói Pháp xâm lược VN là trật rồi đấy DN ạ.

      • Nguyễn Thế Viên says:

        Cuộc kháng chiến chống Pháp là cuã toàn dân, không phải là độc quyền cuả CS. Sau này HCM và CSVN phản bội và cướp công kháng chiến. Để thực hiện chính sách nhuộm đỏ và nô lệ hoá dân tộc VN dưới ách chủ nghiã CS vô nhân, HCM và bè lũ đã giết hại những người quố gia kháng chiến biết rõ bộ mặt that CSt cuả chúng. Trước tình thế lưỡng đầu thọ địch, người QG đành chấp nhận giải pháp Chính phủ QGVN như là một cái đỡ xấu hơn (Pháp công nhận VN độc lập trong LH Pháp). Sau HĐ Genève 1954 chia đôi đất nước, nhân dân Miền Nam đã hoàn thành sứ mệnh dành độc lập từ tay người Pháp . Một số các tướng VNCH xuất thân trong hoàn cảnh này. Họ gia nhập quân đội Quốc Gia VN chớ không phải là quân đôi Pháp.
        Còn giai đoạn sau này ở Miền Nam, mọi nguyên nhân tiêu cực chủ yếu là do CSBV xâm lăng khiến cho nhân dân Miền Nam không có cơ hội kiện toàn dân chủ và độc lập. Tuy nhiên chế độ VNCH vẫn tốt hơn chế độ CS miền Bắc và cả CĐ CHXHCNVN hiện nay nhiều. VNCH đã là mơ ước cuả nhân dân mieề Bắc,và đang là hoài niệm cuả nhân dân cả nước ngày nay.
        Nguyễn Thế Viên

      • ABC says:

        Sau khi tiếp thu miền nam, TT Ngô đình Diệm đã nổ lực đào tạo các cán bộ trẻ cấp tốc từ các trường như Vỏ bị Đà lạt, Vỏ khoa Thủ đức,Quốc gia Hành chánh. Trong thời gian chờ đợi, sự thiếu thốn đội ngũ cán bộ bắt buộc ông phải tạm thời dùng các cán bộ do Pháp đào tạo để lại.
        Còn một ông Chủ tịch nước, xuất thân là một anh thiếu tá của “quân đội phỏng giái” Trung cuốc, vì vậy chuyện “Ta đánh đây là đánh cho Liên xô-trung quốc” , đất đai mất dần về tay TQ , xem ra cũng dễ hiểu thôi phải không vẹm !

        • Đây là phần trích tài liệu lấy được từ website của nhà nước cộng sản Việt Nam có tên:
        http://www1.archives.gov.vn/Tr
        “Sơ yếu lý lịch của Hồ Quang (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại Lớp huấn luyện Nam Nhạc /thuộc tỉnh Hồ Nam. Năm1939. Hồ Quang – Phụ trách điện đài – 38 tuổi – Quảng Đông – Thiếu tá – tốt nghiệp Đại học Lĩnh Nam – Giáo viên trường Trung học. Biết ngoại ngữ, quốc ngữ. (ảnh 1, ảnh 2) Nguồn: Lưu trữ Trung Quốc.
        胡光(即胡志明主席)1939年在湖南省南岳培训班的简历。 胡光—电台员—38岁—-广东—-少校 —-毕业于岭南大学——中学教师。会外语和国语
        资料:中国档案
        Huguang’s curriculum vitae (i.e. President Ho Chi Minh) in training course in Xinan province. 1939. Huguang – In-charge of radio transmission – 38 years old – Guangdong – Majority – graduated from Linh Nam university – teacher of secondary school, ability of foreign languages, national language.”

Leave a Reply to DâM TiêN