WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cuộc đối thoại với quá khứ qua tư tưởng chính trị của Platon

Platon 2Như đã được trình bày trước đây, và trong khuôn khổ mục Lịch Sử Tư Tưởng Chính Trị Thế Giới này ở trên trang Việt Thức, vào thời điểm từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ IV trước Công Nguyên (CN), Hy Lạp đã khơi mạch cho tư tưởng chính trị của nước này rời bỏ phong cảnh cổ đại để bước vào con đường tân đại. Nhờ có những phát minh độc đáo như Thành Quốc, Dân Chủ, Pháp Luật, Công Dân v.v.  Giai đoạn mở đường này đã giúp cho Hy Lạp tạo ra được một bước phát triển mới của tư tưởng chính trị, theo hướng đoạn tuyệt với cuộc sống của những con người thụ động, cam chịu sự chi phối của những thế lực huyền bí, ở ngoài con người, để chuyển sang cuộc sống mới, trong đó con người biết vận dụng lý trí để tự mình quyết định lấy số phận của mình. Thuật ngữ khoa học xã hội ngày nay gọi hiện tượng đó là sự biến đổi của con người, từ trạng thái “tha trị” (hétéronomie) sang trạng thái “tự trị”(autonomie).

Với hậu thế, công trình tự tân này của Hy Lạp, tuy không kéo dài quá hai thế kỷ nhưng nó đã mang lại cho nhân loại những kinh nghiệm đặc biệt để thực hiện Văn Minh, Tiến Bộ cho loài người, điều mà lịch sử đã chứng minh.

Dĩ nhiên, vào thời điểm kể trên, không phải loài người chỉ nhận được những kinh nghiệm Hy Lạp không thôi, mà còn nhận được nhiều kinh nghiệm khác nữa, trong đó phải kể kinh nghiệm La Mã.

Để tổng kết những gì đã được trình bày, trong mục LSTTCTTG này, về sự đóng góp tự tân của Hy Lạp, trước khi xem xét những kinh nghiệm La Mã, dưới đây tư tưởng của Platon, một trong hai tác giả danh tiếng của Hy Lạp là Platon và Aristote (sẽ được tóm lược sau), và nêu lên, như một biểu tượng cho di sản tư tưởng chính trị Hy Lạp. Một sự tóm lược mang ý nghĩa của một cuộc đối thoại – giả tưởng – với quá khứ, thời điểm hai thế kỷ VI-IV trước CN, và, ở vùng Địa Trung Hải.

Từ thời cổ đại, Hy Lạp đã có rất nhiều nhà hiền triết, nhiều nhà thông thái. Nhưng tại sao lại chỉ bàn riêng về tư tưởng của Platon và Aristote (trong một dịp khác) thôi? Vì hai lý do. Một, tư tưởng của Platon có tầm ảnh hưởng vượt không gian, thời gian. Chiều kích phổ quát của nguồn tư tưởng Platon đã khiến cho tác giả trước CN này, hơn hai ngàn năm về sau vẫn còn là tiếng nói có nhiều tính thời sự. Hai, qua hai nguồn tư tưởng Platon và của Aristote (sẽ tóm lược trong một bài viết sau), người ta có thể rút gọn nội dung di sản tư tưởng chính trị Hy Lạp, từ dạng sơ khai đến dạng đã thành thục.

PLATON

Thành Quốc Của Lý Tưởng Hay Của ảo Tưởng Đã Mất?

Vào thời điểm thế kỷ thứ VI trước CN, đời sống trong Thành Quốc, đối với người Hy Lạp, là một không gian chính trị cơ bản đồng thời cũng là cứu cánh chính trị phải thực hiện. Platon, giòng dõi qúi phái, học trò của nhà hiền triết Cratyle, lại sâu đậm chịu thêm ảnh hưởng của Socrate, đã áp dụng chủ thuyết duy tâm siêu việt để cổ võ cho việc xây dựng một Thành Quốc lý tưởng. Nhưng rồi Platon đã sớm nhận ra rằng đó sẽ chỉ là một mộng ước không thành mà thôi. Cho nên Platon đành phải lùi bước, từ bỏ lý tưởng, chỉnh sửa lại nguyên mẫu lý tưởng và, thay vào đó, sáng chế ra một mẫu Thành Quốc không được như lý tưởng đã phác họa, nhưng khả thi vì thích hợp với thực tế.

Mặt khác, trên thực tế, tham vọng của Platon muốn giữ một vai trò lãnh đạo chính trị trong Thành Quốc Athènes cũng lại thảm bại nên Platon đã rời bỏ con đường hành động để chuyển sang con đường lập thuyết. Về mặt này, Platon kịch liệt chống dân chủ. Vì theo Platon, dân chủ đã giết chết thầy học của mình là Socrate. Ngoài ra, vào lúc đó, Thành Quốc Athènes đã bị Thành Quốc Spartes đánh chiếm nên quyền lực ở Athènes đều nằm trong tay các bạo chúa. Trước bối cảnh chính trị không lành mạnh đó, Platon đã xây dựng sự nghiệp chính trị của mình. Nhưng Platon đã vùng vẫy để đem ra áp dụng tư tưởng chính trị ông cổ võ. Platon đã xin phục vụ dưới trướng của bạo chúa Denis đệ nhất ở Syracuse. Không dè vì bất đồng chính kiến với Denis, Platon bị Denis đem ra chợ bán làm nô lệ. May có người nhà giầu nhận ra được gốc tích của Platon, nên mua về và giải phóng cho Platon. Trở lại Athènes, Platon mở trường theo đường lối của Socrate. Platon, sau đó, lại hai lần nữa vận động trở lại chính trường nhưng đều thất bại. Chính chuỗi thất bại này đã thúc đẩy Platon cho ra đời một số tác phẩm chính trị nổi tiếng, nền tảng của sự nghiệp chính trị của Platon.

Để hiểu đại cương tư tưởng chính trị của Platon, có thể xem xét tư tưởng ấy về ba mặt : Phương pháp luận, Chủ thuyết và Bài học cho hậu thế.

Phương Pháp Luận

Người ta đã tìm biết được rằng Platon đã chịu ảnh hưởng của nguồn tư tưởng chính trị của Hy Lạp thời cổ đại, ba thế kỷ trước khi Platon ra đời. Theo nguồn tư tưởng này thì vào thời điểm nói trên, nhờ có ba nữ thần Eunomia, Dikè và Eiréné, đời sống trong xã hội đã rất hòa hài vì ba nữ thần nói trên chống lại việc bạo lực chi phối mọi quan hệ giữa người với người. Từ sự hòa hài này người ta đã luận ra rằng đời sống chung phải được tổ chức trên nền tảng những nguyên tắc tốt, xứng đáng với loài người.

Nhà cải cách chính trị Solon sau đó đã tìm cách thực hiện sự hòa hài bằng chủ trương phải đem lại công lý cho xã hội. Vì nếu thiếu công lý thì sẽ có hỗn loạn và sẽ đưa tới nôi loạn mà hậu quả là dọn đường cho bạo chúa. Bởi vậy, phải tin tưởng vào Thành Quốc, coi Thành Quốc không phải là của riêng của ai mà là của chung của mọi người, tức là của mọi công dân. Mọi công dân này, trong phần quyền, phần việc của mình, phải duy trì sự hiện hữu của Thành Quốc và hết lòng bảo vệ nó. Athènes đã đạt được sự hòa hài đó bằng Hiến pháp của Clisthène, với những quyền ngang nhau, nhờ những đạo luật bình đẳng được áp dụng cho mọi người.

Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng vào cùng thời, tư tưởng của phái những nhà “Hùng Biện” (sophistes) về giáo dục, về pháp luật, về chủ nghĩa cá nhân cũng đã khơi ra những mạch suy nghĩ mới mẻ có khả năng đổi mới tư tưởng chính trị Hy Lạp trên đường đi tới tân đại hóa. Phái này là tiền thân của phái thực nghiệm pháp lý (positivisme juridique).

Tư tưởng của Platon đi ngược lại chủ trương của phái Hùng biện. Với Platon, pháp luật phải dựa trên một nền đạo lý siêu việt, thiêng liêng, chứ không thể chỉ là sản phẩm của chính con người, dù con người đã tự coi mình có đủ khả năng qui định đâu là thiện, đâu là ác.

Thành ra tư tưởng chính trị của Platon đã được đặt trên giao điểm của ba xu hướng: Thành Quốc là tất yếu, phải có, và không gì thay thế được Thành Quốc, Thành Quốc dựa trên các công dân mà đạo đức, phẩm hạnh là nền tảng của xã hội, những định chế của Thành Quốc hiện nay đang suy đồi, cần phải xem xét lại.

Và để xem xét lại, Platon sẽ phải tự tìm câu giải đáp cho hai nghi vấn. Phương pháp tốt nhất để đặt lại vấn đề Thành Quốc có phải chỉ cần dựa vào phân tích chính trị là đủ hay không? Nếu đúng vậy thì nên chọn hình thức nào để đề xuất sáng kiến tân tạo? Khởi đi từ thật tại xã hội để dự thảo một hiến pháp mới cho riêng Thành Quốc Athènes hay quan niệm lại toàn bộ tư tưởng chính trị?

Chính ở điểm này mà Platon đã cho hậu thế bắt gặp được những nét đặc thù của Ông và ghi lại, trong bộ nhớ nhân loại, một viễn kiến chính trị độc đáo cất giữ trong di sản tư tưởng chính trị Hy Lạp, cuối thời cổ đại.

Chủ Thuyết Chính Tri

Với Platon, sự suy tàn đang điễn ra của các Thành Quốc là hiện tượng xã hội đòi hỏi một sự chữa trị bằng chính trị, hay cũng có thể nói, bằng một công trình suy tư chính trị sâu sắc. Platon ngụ ý muốn nói, cũng như Socrate, rằng chính trị là một khoa học, một loại kiến thức, phải được rèn luyện mới có, và trao truyền được. Hiểu như vậy thì chính trị, dưới con mắt Platon, không phải chỉ là công việc cai trị bằng thuần kỹ thuật, với luật pháp tốt, thẩm phán nghiêm minh, với tài nghệ quân sự biết đánh trận để thắng trận v.v… Nhưng tất cả những thứ đó, tổng số của các khả năng chuyên môn, đối với Platon, chỉ là những hậu quả chứ không phải là thành tố của chính trị để cấu thành bản chất của chính trị. Platon cho rằng chính trị là một loại kiến thức suy lý để tìm hiểu tâm hồn, tìm hiểu bản thể con người, từ đó mới biết được phải làm sao xây dựng những xã hội toàn hảo nhất, trong đó những con người lương thiện nhất, được sống dưới sự che chở của những luật pháp công minh nhất. Và chính loại kiến thức đó mới là thực chất của chính trị, đem lại vinh quang cho chính trị. Cho nên người làm chính trị là người có bản lĩnh lãnh đạo cao độ, nhờ ở kiến thức suy lý siêu việt là chính trị. Tất cả những thứ này đã nâng chính trị lên hàng một đạo lý để thiết lập cho xã hội một nền Công lý cao cả, tuyệt đối thể hiện Chân, Thiện, Mỹ giữa cuộc đời. Một xã hội lý tưởng.

Chính trị quan đặc biệt này của Platon giúp cho người ta hiểu được vì sao Platon đã ấp ủ trong thâm tâm một mô hình Thành Quốc lý tưởng. Và tại sao Platon, trên địa hạt chính trị, lại phiêu lưu trong thế giới siêu hình để tìm thực hiện một không tưởng.

Không tưởng, trong tiếng Hy Lạp có thể hiểu theo hai cách. Nếu không tưởng được định nghĩa theo tiếng Hy Lạp gốc “eu-topos” thì không tưởng là nơi tốt đẹp nhất, nhưng cũng là nơi có thật, có thể tới được. Và có thể xây dựng được. Trái lại, nếu không tưởng xuất phát từ tiếng Hy Lạp “ou-topos” thì đó lại là nơi không thể tìm thấy được bất cứ ở đâu, đừng mất công tìm kiếm. Vì sẽ không bao giờ thấy và cũng chẳng thể xây dựng được. Hai nghĩa của chữ không tưởng (Utopie, Utopia) như nêu ở trên, trái ngược nhau, vì một đằng là một mô hình, đằng khác là một giấc mơ. Và theo các nhà quan sát thì Platon đã chọn không tưởng của ông theo nghĩa một giấc mơ.

Sự lựa chọn mang tính siêu hình này tất yếu đã dẫn Platon đến một mô hình xã hội trừu tượng, thay vì một mô hình xã hội thực tế, mà Platon đã miêu tả trong tác phẩm Cộng Hòa gồm 10 tập (La République). Người ta coi La République như là một tác phẩm về Siêu Hình Chính Trị.

Xã hội theo mô hình này gồm có 3 thành phần. Dưới cùng là Thợ Thuyền, ở giữa là Chiến sĩ Vệ quốc (CSVQ) và trên cùng là các nhà Hiền Triết.

Sự phân chia này, về mặt lý thuyết, đã tạo ra ba cuộc sống riêng rẽ của ba giai cấp. Họp lại thì đó là cuộc sống toàn bộ của cả xã hội. Cần biết rằng sự giao lưu giữa ba giai cấp không bị ngăn cấm, về mặt pháp luật cũng như về mặt văn hóa. Nên có thể coi như xã hội đã được thống nhất. Tuy nhiên, Platon đã lấy sáng kiến sắp xếp để cho chỉ riêng thành phần CSVQ có được một cuộc sống chung với cả hai thành phần còn lại. Cuộc sống chung này là một loại chế độ cộng đồng về của cải và phụ nữ (một thứ chủ nghĩa cộng sản không do K.Marx sáng chế). Nhưng tại sao lại chỉ đặt ra ngoại lệ cho riêng giai cấp CSVQ mà thôi? Tại vì, giống như ở Thành Quốc Spartes, không để cho các CSVQ, vì phải lo cho của cải riêng của mình nên không chu toàn được trách nhiệm chung là chiến đấu để chiến thắng.

Còn về chế độ vợ chồng chung thì đó là sinh sống theo chính sách “Ưu sinh” (eugénisme), gây giòng giống tốt. Các ông chồng là cha chung, các bà vợ là mẹ chung, của các đứa con chung mà các bà mẹ chung đã góp sữa để nuôi dưỡng.

Những biện pháp kể trên của Platon là sự thể hiện của tư tưởng siêu hình về chính trị, nhằm xây dựng một xã hội Hy Lạp lý tưởng theo nghĩa “Chí Thiện”. Con người sống trong xã hội ấy phải là những con người có phẩm hạnh cao độ. Vậy vấn đề chính trị, đối với Platon, là làm sao đào tạo nên được những con người “chí thiện” đồng thời tổ chức xã hội thành một môi trường thích hợp cho cuộc sống chung của những con người chí thiện ấy. Muốn đạt được mục đích này thì cần sắp xếp sao cho con người trong xã hội gần gũi nhau, trong tinh thần đích thực bình đẳng và bác ái.

Cứu Vãn Ảo Tưởng Đã Mất

Khi nhận thấy giấc mộng chính trị siêu hình của mình sẽ không bao giờ có thể thành được sự thật trên cõi đời này, Platon đã mau lẹ và sáng suốt xét lại mô hình lý tưởng của mình. Ông đã mạnh dạn điều chỉnh để sửa sai tư tưởng, quan điểm và sáng tác ra một tác phẩm chính trị mới, có tựa đề là Pháp Luật (Lois) thay thế tác phẩm cũ, Cộng Hòa (La République). Lần này Platon đã tỏ ra khiêm nhượng hơn, chỉ cổ võ cho một xã hội dựa trên Pháp Luật có tính tôn giáo. Một xã hội xây dựng trên lòng tận tín của người dân vào thần quyền cũng như vào sự chi phối của thần quyền. Để cứu vãn một ảo tưởng đã mất, Platon vẫn đòi hỏi rằng nguyên tắc căn bản, đề xuất trong tác phẩm Cộng Hòa (La République), theo đó giáo dục của công dân phải chịu sự chỉ đạo của nhà cầm quyền. Có như vậy, người dân mới am tường và thấu hiểu ý nghĩa của luật pháp. Đồng thời, Platon cũng rút lại chủ trương “của cải chung” và thay thế bằng chế độ “của cải gia đình”. Sau hết, Platon đã hạn chế số công dân trong Thành Quốc ở mức 5040 người. Tất nhiên, những người công dân này được miễn lao động chân tay, vì là phần việc của nô lệ và người nước ngoài.

Bài Học Platon Để Lại Cho Hậu Thế

Mặc dầu Platon đã phải từ bỏ giấc mộng xây dựng một Thành Quốc lý tưởng, bằng một loại chính trị lý tưởng, nhưng hậu thế không thể không nhìn nhận rằng ông đã sáng tạo ra một viễn tượng mới về chính trị, khi ông mang tới cho chính trị một cứu cánh lý tưởng. Lý tưởng ấy đến từ bên ngoài con người. Vì Platon cho rằng con người chỉ đạt được lý tưởng đó nếu có kiến thức khoa học. Nhưng đừng vội cho rằng Platon là người duy khoa học. Ngược lại với xu hướng tương đối hóa đạo lý và chính trị, Platon bác bỏ ý kiến cho rằng con người là mẫu mực của mọi điều trên đời. Vì với Platon thì chính Thượng Đế mới là mẫu mực đó. Bởi thế, theo Platon, chỉ có những triết gia mới là những người lãnh đạo chính trị. Vì các triết gia, như Platon đã trình bày trong tác phẩm Cộng Hòa của ông, là những người học rộng, tài cao. Và cái bản lãnh này đã thúc đẩy các triết gia thành những con người của hành động. Và hành động sẽ dẫn con người tới Chí Thiện.

© Trần Thanh Hiệp

Nguồn: vietthuc.org

 

1 Phản hồi cho “Cuộc đối thoại với quá khứ qua tư tưởng chính trị của Platon”

  1. THƯỢNG NGÀN says:

    TRIẾT HỌC, TÔN GIÁO, KHOA HỌC, VÀ CHÍNH TRỊ

    Triết học là công việc chính yếu của các triết gia. Họ dùng tư duy để phân tích thế giới tồn tại hầu tìm ra chân lý tối hậu.
    Triết học đã có ngay từ đầu trong nền văn minh nhân loại, phương Đông cũng như phương Tây.
    Tôn giáo là niềm tin, hay đức tin, những người đi theo tôn giáo đều là những người cầu tìm sự giải thoát cho đời sau, tin vào đấng Cứu thế hay tin vào một quy luật nhiệm mầu nào đó. Thiên chúa giáo hay Hồi giáo là trường hợp thứ nhất. Phật giáo hay Lão giáo là trường hợp thứ hai.
    Khoa học là ngành nghiên cứu cụ thể các bản chất và hiện tượng của thế giới vật chất, kể cả thế giới ý thức, tinh thần, cũng như xã hội, nhằm tìm ra các quy luật khách quan để cốt vận dụng và chi phối chúng.
    Chính trị là một mặt hoạt động thực tiển có liên quan đến quyền lợi, quyền lực, tổ chức, sự vận hành cụ thể của xã hội con người. Điều này có thể hiểu chính trị có thể gắn hay hoàn toàn không cần gắn tới triết học, khoa học, tôn giáo.
    Chính trị cổ đại Hy lạp thường hay được liên hệ với triết học, đó là thói quen hay bầu khí của xã hội Hy lạp cổ, đó là khuynh hướng văn hóa, tinh thần tự nhiên của người Hy lạp cổ, các học thuyết triết học của những nhà triết học lớn nhất của họ là Platon và Aristote cho thấy rõ điều đó.
    Ở các nước phương Tây theo Thiên chúa giáo, chính trị gắn rất mạnh với tôn giáo hay gắn với thần quyền trong thời trung cổ. Tôn giáo chi phối, cai quản cả chính trị. Chỉ sau khi quan niệm dân chủ, tự do nở rộ, chính trị mới được yêu cầu và bó buộc giải phóng khỏi tôn giáo. Tức thần quyền đã biến thành quyền của toàn dân.
    Ở các nước quân chủ phương Đông, nhất là vùng châu Á, hay Đông nam Á trong đó có VN, ngày xưa chính trị được quan niệm là vương quyền, mà vương quyền là do mệnh Trời ban, dân quyền hoàn toàn không có.
    Trong thời đại khoa học ngày nay ở các nước phát triển, chính trị chỉ được coi như một hoạt động thực tiển của xã hội, đó là lãnh vực quản lý, điều hành xã hội theo cách chung nhất, không nhất thiết phải chi phối nhiều lãnh vực xã hội có thể hoạt động riêng biệt, khác nhau. Khoa học chính trị trở thành một đối tượng nghiên cứu khách quan, nó trở thành một tư duy thuần túy, không liên quan gì đến quyền hành thực tế.
    Nhưng khi xuất hiện học thuyết Mác vào gần cuối thế kỷ 19 ở phương Tây, rồi nó được Lênin áp dụng vào cuộc cách mạng vô sản Nga năm 1917, chính trị trở thành một loại ý thức hệ đi liền với bạo lực và quyền lực lan ra gần khắp thế giới.
    Chính Mác là người đã lấy cảm hứng từ học thuyết triết học Hegel, lấy quan niệm biện chứng luận của Hegel làm thành cái xương sống cốt lõi cho học thuyết ý thức hệ đó của mình. Hai chân đứng của ông là đấu tranh giai cấp và chuyên chính giai cấp vô sản đã làm thành sức mạnh và nguyên lý cho học thuyết của ông. Điều này có nghĩa Mác đã triết lý hóa chính trị trở lại như thời cổ, và trong thực tế tổ chức quần chúng, chỉ dựa trên giáo điều và niềm tin, nên thực chất cũng đã biến thành tôn giáo hóa trở lại chẳng khác gì thời trung cổ ở châu Âu trước kia.
    Tính hấp dẫn của học thuyết Mác chủ yếu vì ông tự mệnh danh học thuyết của ông là học thuyết “khoa học”. Điều này bắt nguồn từ Hegel, vì Hegel là triết gia đầu tiên trong lịch sử nhân loại tự mệnh danh triết thuyết của mình là “khoa học”. Chính bé cái lầm là như thế, vì nhiều người nhầm lẫn học thuyết Mác như kiểu khoa học thực nghiệm, khách quan, chính xác và hoàn toàn hiệu quả. Phong trào cộng sản quốc tế trên thế giới ở thế kỷ trước thật sự rất mạnh, bởi vì nó vừa mang cái hào quang khoa học, vừa được kết hợp với bạo lực và chuyên chính, độc tài hỗ trợ. Ý nghĩa tôn giáo và ý nghĩa quyền lực được kết chặt chẽ với nhau là như thế.
    Nhưng dần dần ngày nay thế giới đã thấy ra nhiều điều vô lý trong nó, nên hiện tại đã từ lâu học thuyết Mác coi như đã ở trong giai đoạn thoái trào thật sự. Bởi ý nghĩa giai cấp, ý nghĩa đấu tranh giai cấp, ý nghĩa giải phóng xã hội theo kiểu ý thức hệ huyền hoặc đã trở nên phi khoa học và không thực tế. Chính trị thế giới hiện đại đã dần dần được giải phóng khỏi ý thức hệ, khỏi các tôn giáo mọi loại chính là như vậy.
    Nói tóm lại, ngày nay mọi người không nên lẫn lộn các lãnh vực triết học, tôn giáo, khoa học và chính trị. Bởi triết học thuộc phạm vi tư duy trừu tượng. Khoa học thuộc phạm vi lý trí khách quan. Tôn giáo thuộc niềm tin siêu hình. Chính trị thuộc ý nghĩa quyền lợi thực tế. Đánh đồng các lãnh vực khác nhau như vậy là lạm dụng, lợi dụng, thiếu lành mạnh và hoàn toàn phi lý. Bởi xã hội con người luôn luôn luôn có sự đấu tranh giữa đạo đức và phi đạo đức, giữa công lý và phản công lý, giữa sự tiến bộ và sự phản động, giữa quyền lợi chính đáng và quyền lợi không chính đáng. Cho nên nếu nhìn lệch những thực tế đó, thổi phồng hay quy nó vào như là luật biện chứng tất yếu của lịch sử kiểu như Mác đã làm là sự nhân danh, sự xuyên tạc, sự mê tín hóa và tôn giáo hóa chính trị xã hội hoàn toàn theo cách giáo điều trái hẳn với mọi căn cơ khách quan khoa học đúng nghĩa. Sự sai lầm của ý thức hệ giả tạo chính là như vậy. Đúng là đây không phải là sự sai lầm mà chỉ là sự cường điệu một cách hết sức giả tạo, lừa dối hay thực chất chỉ là lợi dụng xã hội cho các ích lợi hay tham vọng riêng không khách quan, đúng đắn, hay không chính đáng và sai trái nào đó.

    ĐỈNH NGÀN
    (20/4/14)

Leave a Reply to THƯỢNG NGÀN