WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Xóm Lò Đúc

Tôi không biết tại sao người ta gọi cái khu gia đình tôi ở là Xóm Lò Đúc. Phải chăng vì khu dân cư này trước năm 1975 nằm gần một hãng nhôm tên là Hiệp Lợi, chuyên đúc nồi, niêu, xoong, chảo bằng nhôm?

Ranh giới rõ ràng của xóm Lò Đúc khó diễn tả vì hãng nhôm Hiệp Lợi nằm bên kia đường Võ Di Nguy, trên con hẻm dẫn đi vào Ấp Đông Nhất, trong khi xóm Lò Đúc nằm bên này đường, giới hạn bởi đường Võ Di Nguy, Nguyễn Minh Chiếu (hiện nay là đường Nguyễn Trọng Tuyển?) vòng qua tới đường Trương Tấn Bửu, Võ Tánh, trở lại Võ Di Nguy, tất cả khu vực đều nằm trong địa phận xã Phú Nhuận.

Sài Gòn xưa. Ảnh Google

Sài Gòn xưa. Ảnh Google

Trước tháng 4 năm 1975 xã Phú Nhuận rất lớn, thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, gồm có các ấp Trung Nhất, Trung Nhì, Đông Nhất, Đông Nhì, Đông Ba, Tây Nhất, Tây Nhì…trụ sở hành chánh là một tòa nhà nằm ngay bên trái con hẻm dẫn vào trường tiểu học Võ Tánh.

Sau 30.04.1975, chế độ cộng sản tách xã Phú Nhuận ra khỏi quận Tân Bình và thành lập quận Phú Nhuận với 17 phường.

Xóm Lò Đúc, nếu từ đường Võ Di Nguy đi vào, dọc theo Nguyễn Minh Chiếu thì ngay đầu đường là hai tiệm bán hủ tíu, mì, bánh bao, xíu mại… của người Tầu trấn giữ hai bên, mời gọi bao tử người đi đường mà chế độ CS gọi là người tham gia giao thông (dù không sai nhưng vừa dài vừa ngô nghê).

Phía tay phải, bên ngoài tiệm hủ tíu, trên lề đường là một xe nước mía ép, chủ nhân cũng là một người Tầu. Nước mía được ép ra từ một cái máy ép nhỏ chạy bằng mô-tơ (moteur) điện, chẩy qua một cái vòi nhựa trắng (chẳng biết người bán có bao giờ súc, rửa cái vòi, hai cái trục ép mía này không) vào một cái chậu có đập nước đá vụn.

Trời Sài Gòn mùa hè nắng gắt, nóng nực, uống ly nước mía ép cùng một trái quýt với nước đá đập vụn, đã con tì, con vị gì đâu. Không biết cái máy ép, cái chậu đựng có sạch sẽ, vệ sinh không, nhưng quả thật chưa bao giờ tôi bị đau bụng vì ly nước mía ép từ chiếc xe này.

Đi tới vài bước là một chiếc xe hủ tíu bò viên nhưng chỉ bắt đầu bán từ khoảng 4-5 giở chiểu trở đi đến 9-10 giờ tối. Xe hủ tíu này đăc biệt có món sa- tế cay xé miệng, ăn vào toát mồ hôi.

Bên trái, bên ngoài tiệm hủ tíu mì thứ hai, đầu thập niên 50 là một phông tên nước (fontaine: well, fountain) chẩy có giờ, nằm trên một khoảng trống lót xi-măng (cement). Vào những giờ nước chẩy, thường là chiều tối, người dân chung quanh đem thùng, gánh ra hứng nước về dùng, chuyện này tạo thành một nghề là nghề gánh nước mướn.

Thời gian đó, xóm Lò Đúc chưa có đường ống dẫn nước do thành phố cung cấp, người dân dùng nước mưa, nước giếng đào trong nhà hoặc lấy nước từ phông-tên như nói ở trên.

Người gánh nước mướn dùng một cặp thùng và một quai gánh, thường là thùng dầu hôi có hình con gà bên ngoài, khoảng 20 lít, rửa sạch, tráng nhựa đường hoặc sơn đen, đóng quai ở giữa. Tôi không nhớ rõ một thùng được trả bao nhiêu công, nhưng tùy theo nhà ở gần hay xa vòi nước.

Gia đình tôi thời gian đó cũng có một hồ chứa nước mưa lớn khoảng 2.000 lít và vài ba thùng phuy 150 lít cùng những cái lu bằng sành lớn để đựng nước uống và nấu ăn.

Bên cạnh phông-tên nước, khu vực tráng xi măng rộng chừng 20 m vuông không hiểu từ bao giờ, cứ buổi tối là có một xe bán chè lớn của một gia đình (cũng) người Tầu với các món chè đặc biệt như sâm-bửu-lượng (gồm có nhãn nhục, hạt sen, táo tầu, thổ tai, bạch quả…), chè sen nóng (lạnh), chè đậu xanh đánh (lục tào xá?) cùng nhiều loại chè khác tôi không nhớ hết. Khi đẩy xe ra bán trên khoảng trống lót xi-măng, họ kê vài ba chiếc bàn xếp tròn, hơn chục cái ghế cũng thuộc loại xếp được. Bán hết thì họ xếp bàn, ghế lại đẩy xe về.

Đi khỏi phông-tên nước chừng 30m là tới tiệm thuốc bắc Vĩnh An Đường của một gia đình người Tầu Phúc Kiến. Tôi là chúa ghét thuốc bắc nhưng lại hay ra tiệm Vĩnh An Đường này mua cà na với trần bì (vỏ quýt xào ngọt) ăn. Mẹ tôi thỉnh thoảng uống thuộc bắc, mỗi lần cân vài thang cho mẹ tôi, ông chủ tiệm hay cho thêm một vài trái cà na ngọt ngào quấn trong giấy trắng mờ, đục, có những chữ tầu xanh, đỏ, không biết nghĩa là quỷ quái gì.

Từ tiệm Vĩnh An Đường, đi vài bước tới một con hẻm nhỏ là con đường tôi thường luồn, lách trong thời gian học ở Võ Tánh vì nó gần, không phải đi vòng ra đường Võ Di Nguy. Dùng chữ luồn, lách vì con hẻm rất nhỏ, đi ngang qua hông một vài căn nhà, nhiều đoạn chỉ vừa cho một chiếc xe Honda chạy, gặp người đi bộ đối diện thì phải ngừng cho người ta đi qua.

Đứng ở con hẻm, nhìn sang bên kia đường, hơi xéo về phía trái là nhà may âu phục Tân. Tân là tên con trai trưởng của bác chủ tiệm (tôi quên mất tên), bạn học của tôi. Năm 1968, Tân đậu tú tài hạng Bình, đi du học ở Pháp. Nghe nói Tân hiện là bác sĩ ở Paris nhưng không liên lạc được vì không có tin tức.

Đứng từ nhà may Tân nhìn về hướng đối diện, thấy ngay tiệm thuốc bắc thứ hai tên Ích Thọ Đường với ông chủ trẻ, mập, bụng phệ. Tôi ít khi vào tiệm này mua cà na hay trần bì, không hiểu tại sao.

Tiệm thuốc này trước đó là một cửa tiệm chạp phô (tạp hóa, tiếng Tầu), cũng của người Tầu bán đủ thứ hàng từ đậu xanh, lạp xưởng, nước mắm, xì dầu, đường cát, đường thẻ vàng…hằm bà lằng xắng cái…Đặc biệt của tiệm chạp phô này là họ bán hàng ngay cả khi đã đóng cửa nghỉ trưa hay tối. Cứ gõ cửa, mua một hai trăm gram đậu xanh, nửa ký đường, chai nước mắm, ít mộc nhĩ (nấm mèo), nửa lít dầu hôi… đều được vui vẻ tiếp đón, không bao giờ nghe một tiếng cằn nhằn.

Người Tầu buôn bán rất vui vẻ, chiều lòng khách và rất ít khi cạnh tranh, tìm cách diệt nhau. Mua một ký lô đậu xanh tiệm chạp phô này giá $3, bước qua một tiệm gần đó, giá cũng y chang, họ không dìm giá xuống để giết nhau như người Việt.
Cách tiệm thuốc Ích Thọ Đường vài căn là tiệm Tân Dân, chuyên bán giấy, bút, dụng cụ cho học sinh , cho thuê sách, báo, truyện…, có mấy cô con gái cao lòng nhòng nhưng trông xinh xẻo, có vẻ trí thức. Tôi cũng là khách hàng (thuê truyện kiếm hiệp, truyện gián điệp Z 28…) thường xuyên của nhà sách này.

Bên cạnh tiệm sách Tân Dân là một tiệm mộc, đóng bàn ghế theo nhu cầu cho từng gia đình, buổi sáng có bán cà phê và thức ăn nhẹ như bánh bao, bánh mì ốp-la, xíu mại… Đứng ở tiệm Tân Dân nhìn qua đường thấy ngay nhà Phúc Ký, chuyên về cơm gà, nhưng cũng bán phở và các món ăn, nhậu khác. Tiệm này của gia đình một người Tầu Quảng Đông, có anh con trai cao nhòng là bạn của tôi.

Mỗi lần mẹ tôi buôn bán về trễ thường sai tôi chạy qua tiệm Phúc Ký mua xí quách (xương heo nhưng còn nhiều thịt, thứ anh em chúng tôi rất thích gặm) về nấu canh cho nhanh, anh bạn lúc nào cũng múc cho tôi một thau (tình cảm) đầy oặp, nhiều hơn hai ba lần bình thường bán cho người khác.

Chỉ cần vài cục xí quách bỏ vào nồi, nấu sôi, thái một ít bắp cải, trái bí đao thêm vào là có một nồi canh đủ bốn yếu tố nhanh, gọn, ngon, ngọt.

Rời khỏi tiệm Phúc Ký, chỉ đi vài bước là tới chợ Lò Đúc, nằm ngay ngã ba Nguyễn Minh Chiếu – Minh Mạng. Chợ không lớn, thường chỉ họp buổi sáng, từ khoảng 6:30-7:00 giờ đến độ 1-2 giờ chiều thì tan dần, nhưng đóng hẳn thì khoảng 3-4 giờ.
Con đường dẫn vào chợ là đường Trần Khắc Chân (Phú Nhuận). Đa số các sạp hàng hóa đều nằm trong nhà của các gia đình cư ngụ hai bên đường. Bên trái, dài khoảng 50m là các sạp bán thịt, cá, đoạn này không có nhà vì là hông của một tiệm bán thuốc tây lớn mà mặt trước của tiệm nhìn ra đường Nguyễn Minh Chiếu.

Chợ Lò Đúc mang tiếng là chợ nhỏ nhưng thực phẩm không thiếu thứ gì, đủ các loại rau, trái, thịt, cá, đậu hũ, đậu xanh, đậu đỏ, trứng bắc thảo, dưa muối, cà… cho nhu cầu của các bà nội trợ.

Ngay đầu chơ, bên phải là một hàng bán bánh cuốn với giò chả, bánh tôm khô, rồi tới một gánh bún riêu, thỉnh thoảng có một gánh bán xôi bắp, xôi đậu xanh hoặc chè trôi nước, sương sa, hột lựu…cho các cô, các bà đi chợ sớm ăn điểm tâm.

Tóm lại là đủ các món ăn chơi. Còn muốn ăn thiệt? Dễ thôi! Cứ đi hết con đường Trần Khắc Chân ra tới đường Võ Tánh (sau này là Hoàng Văn Thụ) quẹo phải là gặp phở Quyền.

Trở lại chợ Lò Đúc, đi sâu vào trong chợ, qua khỏi các sạp rau, trái…là cửa hàng bán kim chỉ, vải vóc của bà Cự, có hai cô con gái rất đẹp, tôi chỉ nhớ cô em tên Nguyệt. Đến sau năm 1968, gia đình cô Nguyệt don đi đâu mất tăm.

Đi tiếp xuống dưới, thỉnh thoảng cũng gặp một vài gánh chè, cháo, bánh bèo, bánh tầm bì, cơm rượu… bán di động, có một quai gánh với hai ba chiếc ghế gỗ nhỏ.

Gần hết đường Trần Khắc Chân có một con hẻm nhỏ bên trái dẫn ra trường trung học tư thục Hoài An. Nếu đi thẳng hết Trần Khắc Chân sẽ gặp đường Võ Tánh, đi tới khoảng 150m là ngã tư Phú Nhuận.

Phía bên phải đường Trần Khắc Chân chợ Lò Đúc có những con hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo dẫn ra đường Võ Di Nguy. Có một hẻm dẫn ra nhà trồng răng Vinh Sơn.

Nếu đi ngược về hướng ngã tư Phú Nhuận 20-30m sẽ gặp trạm xe buýt (Bus) Sài Gòn-Phú Nhuận. Ngay trạm xe buýt này có vài tiệm bán tạp hóa, đồ điện, bóng đèn, linh tinh các cái…

Lộ trình xe buýt này chạy từ ngã tư Phú Nhuận, đường Võ Di Nguy, qua cầu Kiệu, thẳng trên đường Hai Bà Trưng, tới đường Thống Nhất (Hồng Thập Tự), quẹo phải qua Công Lý, tới Lê Thánh Tôn và chợ Bến Thành.

Những năm đầu vào trung học Nguyễn Trãi, trụ sở mượn của trường tiểu học Lê Văn Duyệt, tôi thường phải đi xe buýt này để đến trường, lên xuống trạm nằm ở góc đường Hai Bà Trưng-Phan Đình Phùng để đi bộ tới trường. Lớn hơn một chút, năm đệ ngũ tôi bắt đầu đi xe đạp đến trường.

Từ Vinh Sơn đi về hướng Nguyễn Minh Chiếu vài chục thước gặp nhà may Bảo Toàn. Đây là một nhà may lớn, sang trọng chuyên về âu phục, veston có tiếng ở Sài Gòn, Gia Định. Trong tủ kính nhà may Bảo Toàn ngoài các bộ âu phục mẫu trưng bày với các mannequin bằng gỗ hay nhựa còn có một hình nhân mặc veston, đội nón, ngồi nhe răng cười hề hề, ngoẹo cả cổ, chạy bằng điện cả ngày.

Tiệm may Bảo Toàn vào buổi tối, thỉnh thoảng ông chủ tiệm cũng cho chiếu phim coi miễn phí, đa số là các phim trắng đen thuộc loại giáo dục, thời sự hoặc các phim cũ của thập niên 30-40. Vào những buổi tối như thế khán giả, đa số là con nít bu coi rất đông.

Đi tiếp hơn chục bước nữa là tới rạp ci-nê Cẩm Vân, thuở nhỏ tụi tôi gọi là rạp hát, rạp chiếu bóng.

Từ nhà tôi đi ra rạp Cẩm Vân chưa đầy một phút. Đây là rạp ci-nê tôi được coi những phim đầu đời của Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ…như Aladin và cây đèn thần, Aladin và 40 tên cướp… (Ấn Độ), Cậu bé giáp đỏ, Cóc thần báo thù, Người phu xe, Tám dũng sĩ Cửu Đầu Sơn, Dĩa bay tấn công địa cầu…(Nhật bản), Bắn chậm thì chết (với Gary Cooper) Cầu sông Kwai…(Mỹ). Tuổi thơ của thơ của tôi được coi rất nhiều phim hay, vẫn nhớ tới bây giờ.

Rạp Cẩm Vân sau 1975 trở thành trường trung học Hải Quan, nơi đào tạo cán bộ thuế quan của chế độ cộng sản. Năm 1980, trong một dịp tình cờ, tôi quen một cô học trường này, từ ngoài Bắc vào, da trắng, cao, dáng vẻ thanh tao, rất xinh và dễ thương tên Thu Hương.

Ban đầu, tôi không biết cô làm gì, chỉ thấy thường đi bộ ngang qua nhà vào buổi chiều lúc 5-6 giờ với 3-4 cô gái khác. Một bữa tò mò, tôi lấy xe đạp chạy chậm chậm theo sau thì thấy nàng đi vào trong cư xá dành cho học sinh hải quan ở cuối đường Minh Mạng, giáp đường Trương Tấn Bửu.

Từ đó, tôi hay đứng trước cửa nhà buổi chiều, ngắm cô đi qua. Đối mặt nhiều lần nhiều lần nhưng tôi không đi theo tán tỉnh, nói chuyện, thỉnh thoảng cũng thấy cô nhìn tôi, mỉm cười nhẹ như một lời chào.

Cho đến một buổi sáng đi lãnh quà từ nước ngoài gửi về ở Bưu Điện Sàigòn, thùng quà được khám ngay tại bàn của cô, tôi buột miệng hỏi có phải cô học trung học Hải Quan không?

Cô cười, gật đầu, cho biết đang đi thực tập. Lãnh hàng xong, nhìn tên trên phiếu kiểm hàng, tôi mới biết cô là Thu Hương. Thùng quà được khám rất nhanh và không phải đóng thuế dù có nhiều món rất giá trị.

Thu Hương có giọng nói nhỏ nhẹ, thanh tao, dễ thương còn sót lại (không nhiều) của dân Hà Nội. Sự liên hệ của chúng tôi cũng không đi xa hơn, trừ một lần duy nhất tôi đi bộ theo Thu Hương nói chuyện đến khi nàng vào trong cư xá, có lẽ nàng ngại vì một lý do nào đó.

Tuy vậy nàng cũng giúp tôi thêm vài lần lãnh quà không bị khó dễ, đóng thuế hoặc có nhưng chỉ tượng trưng. Lần cuối gặp nhau tại Bưu Điện Sàigòn, Thu Hương cho biết đã mãn khóa học, sắp trở về Hà Nội với gia đình. Từ đó tôi không gặp lại.
Cách rạp Cẩm Vân hai căn nhà là tiệm may Thành Lực, sát vách với tiệm hủ tíu, mì. Thành Lực là tên con trai ông chủ tiệm họ Đoàn, học Võ Tánh chung với tôi. Từ khi lên trung học, tôi cũng không còn gặp lại hay liên lạc với Đoàn Thành Lực cho đến nay.

Đứng ở tiệm thuốc tây đầu chợ Lò Đúc nhìn sang phía đối diện là đướng Ấp Trung, sau đổi là đường Minh Mạng. Từ khi „Cắt mạng“ vào trở thành phường 15, quận Phú Nhuận, ngay đầu đường là tiệm bán điểm tâm,cà phê, bánh bao, xíu mại (cũng lại của người Tầu), trứng omelette (dân miền Nam gọi là hột gà ốp la).

Từ tiệm này đi dọc theo đường Nguyễn Minh Chiếu chửng 150m gặp phòng mạch của đông y sĩ Đông Hải chuyên chữa bệnh nhãn khoa với tấm bảng quảng cáo vẽ hình một con mắt thật lớn, bên cạnh đó là một gia đình kinh doanh bàn bi da lỗ loại nhỏ, có hai bàn đá banh tay bằng gỗ, mỗi bên có 11 cầu thủ như đá banh thật. Mỗi lần bỏ vào năm cắc, kéo một cái cần nhỏ, 7 trái banh gỗ chạy ra, hai người chơi.

Đi tới nữa là trường tiểu học tư thục Việt Hưng, trong sân trường có gian hàng của một bà già người Nam nhai thuốc bỏm bẻm cả ngày, bán các thứ quà bánh vặt cho học sinh từ mận, ổi, cóc, tầm ruột ngâm cam thảo, chấm mắm ruốc giã với ớt cay xé miệng hay những chiếc bánh men trắng, hồng nho nhỏ…. Rời trường Việt Hưng khoảng 100m đến vựa củi của gia đình Phước, cũng là bạn học Võ Tánh với tôi. Từ khu này trở đi không còn được tính là xóm Lò Đúc nữa.

Một đặc điểm của xóm Lò Đúc là các gánh hàng rong. Hàng rong ở Sàigòn nói riêng, cả miền Nam nói chung, trước tháng 04.1975 hầu như nơi nào cũng có, đủ các loại như chè trôi nước, chè chuối, đậu hũ nước đường, bánh rán, bánh chưng, bánh giò…không thiếu thứ gì.

Hàng rong ở xóm Lò Đúc khác các nơi khác là có một ông già Tầu bán đậu phụng (người Bắc gọi là lạc) rang húng lìu, một xe bán bò bía, một xe chè Chí ma phủ (chè mè đen), lục tào xá (chè đậu xanh đánh nấu với bột báng, không có nước dừa) cũng của hai người Tầu khác. Ông già bán đậu phụng rang húng lìu dáng ốm yếu, nhỏ thấp, đẩy chiếc xe đạp có cái chuông rung leng keng, ở yên sau có 2 cái thùng sắt tây sơn xanh lá cây đậm có nắp, đựng đậu phụng, những hạt nhỏ hơn bình thường nhưng chắc, rang với dầu và húng lìu (ngũ vị hương?), ăn rất ngon, bùi.

Đậu phụng được bán, tùy theo mua nhiều hay ít, được gói trong những tờ giấy nhỏ ¼, 1/2 trang giấy học trò, cuộn lại thành một cái phễu, những hạt đậu được múc, đong bằng một cái tách uống trà nhỏ bằng sành.

Bò bía thì được đẩy bằng một cái xe thùng, ông già Tầu bán món này cũng không mập mạp gì hơn ông bán đậu phụng húng lìu,

Toàn bộ cái xe của ông chỉ có một chảo lớn đựng củ sắn ( người Bắc gọi là củ đậu) xào với cà rốt, tôm khô…, vài cái thố (tô) lớn có nắp đậy, cái đựng lạp xưởng thái mỏng dính như lá liễu, cái đựng trứng chiên thái thành sợi, đậu phụng chiên dầu giã nhỏ, hai lọ tương, môt tương đen, một tương ớt cay xé họng và một xấp bánh tráng lớn cắt làm tư.

Mỗi cái bò bía được cuốn bằng một phần tư cái bánh tráng, quét hai nhát tương, một đen, một ớt, bằng cái đũa gỗ dẹp, ít củ sắn xào, một hai miếng lạp xưởng, vải sợi trứng, dăm ba hạt đậu phụng giã nhỏ, chiên dầu.

Ngoài các món trên, ăn vặt ở xóm Lò Đúc có thể kể thêm món chuối nướng, bắp nướng, mía hấp…thường chỉ bán vào buổi chiều, tối vài tiếng đồng hồ.

Về món chuối nướng, trái chuối sứ chín được lột vỏ, bọc nếp, nướng bằng than. Khi nếp chín có màu nâu hơi cháy, còn nóng hổi được người bán lấy dao nhỏ rạch một đường ở giữa, rưới lên một ít nước cốt dừa rồi lót lá chuối đưa cho khách. Ít tiền hơn một chút thì ăn loại chuối ép, cũng nướng nhưng không bọc nếp, không chan nước dừa, có thể trét thêm ít mỡ hành.

Bắp nướng cũng tương tự như thế nhưng thay vì rưới nước dừa, bắp được trét mỡ hành, ăn vừa bùi, vừa béo lại thơm mùi hành lá rất ư khoái khẩu.

Bắp, chuối nướng do người Việt bán nhưng mía hấp lại do người Tầu chiếm lĩnh „thị phần“ ăn vặt. Mía được róc vỏ, hấp trong một cái thùng bốc khói nghi ngút. Mía được chặt ra từng khúc nhỏ bằng đốt ngón tay, hoặc xẻ dọc theo thân mía cho ai thích gặm.

Dân Sài Gòn đa số đều thích ăn vặt. Bố mẹ tôi không giầu có gì, chỉ là tiểu thương buôn bán quần áo, vải vóc, nhưng anh em chúng tôi tương đối có đầy đủ các thứ. Buổi sáng tôi thường được cho ăn bánh cuốn hoặc hủ tíu, cơm tấm…, đến khoảng 3-4 giờ chiều, không làm một hai cuốn bò bía thì cũng chơi một chén chè chuối, cái bánh cam, chén đậu hũ nước đường, ly cơm rượu…

Xóm Lò Đúc nói cho cùng, chỉ là một địa danh không nổi tiếng, chẳng có gì đặc biệt, ít người biết đến, trừ những người ở Phú Nhuận nhưng tiêu biểu cho thành thị miền Nam trước năm 1975. Xóm Lò Đúc cũng không phải là khu dân cư sang trọng, giầu có, đa số là tiểu thương hoặc dân lao động, trừ chủ nhà may Bảo Toàn hay chủ rạp hát Cẩm Vân. Tuy nhiên, người dân ở đó cư xử với nhau thật hiền hòa, vui vẻ, thân ái, rất hiếm thấy những chuyện cãi cọ, tranh tụng nhau về chuyện gì.

Suốt thời gian từ đầu thập niên 50 đến tháng 04.1975 xóm Lò Đúc rất an bình, trừ ba lần người dân nghe đến tiếng bom đạn. Lần thứ nhất khi hai chiếc Skyraider của ông Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử dội bom dinh Độc Lập, đảo chánh ông Ngô Đình Diệm, lần thứ hai là một trái hỏa tiễn 122 ly do cộng sản bắn bừa vào thành phố rơi trúng căn nhà nằm sau vựa củi của gia đình Phước làm chết một phụ nữ và đứa con gái bà bị thương nhẹ, lần thứ ba là cộng sản vi phạm lệnh hưu chiến Tết Mậu Thân, tổng tấn công trên toàn miền Nam.

Đối với tôi, xóm Lò Đúc, Phú Nhuận cũng như Sàigòn là quê hương. Từ khi mở mắt chào đời cho tới khi rời khỏi đất nước, gần nửa cuộc đời tôi đã sống gắn bó với xóm Lò Đúc. Biết bao nhiêu kỷ niệm thân thương với những người bạn thuở còn tiểu học, trung học giờ không còn gặp lại.

Năm 2008 về Việt Nam, tôi thấy xóm Lò Đúc đã thay đổi rất nhiều, đường phố trở nên chật hẹp hơn trước vì người dân cơi thêm diện tích nhà ở bằng cách xây thêm sân lấn ra mặt đường một cách rất ư tùy tiện, hoàn toàn không có một sự quy hoạch rõ ràng, mạnh ai người đó lấn. Ai có tiền đút lót cho phường, quận, phòng nhà đất là có thể lấn thêm ra đường.

Chợ Lò Đúc cũng thế, khang trang hơn nhưng đồng thời cũng co rút, tù túng hơn. Giao thông trên những con đường quanh xóm Lò Đúc luôn tấp nập từ tờ mờ sáng đến 10-11 giờ đêm, không còn vẻ bình yên, vắng lặng như thập niên 50, 60,70 nữa.

Thời gian đã làm thay đổi mọi thứ (đương nhiên) kể luôn cả tình cảm con người. Người Việt Nam giờ đây đối xử với nhau không còn nhân hậu, tình người như trước.

Không riêng người dân miền Nam, người Sài Gòn đã dần dần mất đi bản chất thật thà, hiền hòa, phóng khoáng, tốt bụng…, mà người Hà Nội, Huế cũng không còn nét thanh lịch, phong lưu, đài các… Tại sao?

Tất cả chỉ vì chủ nghĩa cộng sản do ông Hồ Chí Minh du nhập vào đất nước đã xóa bỏ tất cả những gì hay, đẹp của một nền văn hóa hơn 4.000 năm.

Nghĩ, nhớ về quê hương chỉ còn lại một nỗi buồn, thất vọng cùng câu hỏi cay đắng:- Đến bao giờ thì Việt Nam sẽ trở thành Tây Tạng thứ hai?

© Thạch Đạt Lang

© Đàn Chim Việt

28 Phản hồi cho “Xóm Lò Đúc”

  1. Người qua đường says:

    Đọc bài Xóm Lò Đúc của Thạch tiên sinh cũng 2 ngày rồi, vì tôi không phải là dân xóm Lò Đúc, và thời còn ở Saigon cũng ít có đi qua bên Phú Nhuận, hay bên Thị Nghè , cả Đa Kao cũng hiếm. Tôi ở 1 xóm khác, kể từ ngày đi tầu Há Mồm vào Saigon, nhà tôi cứ ở quanh quẩn 1 cái Phường ở Saigon, tuy có dọn tới dọn lui ở mấy xóm khác nhau, nhưng nói chung là ở 1 chỗ.
    Tuy nhiên, đọc bài của Tiên Sinh, thì cả 1 vùng trời thời niên thiếu trở về. Sự thực thì hồi những năm 55-63, ở Saigon, sinh hoạt của người bình dân ở bất cứ Xóm nào đều có hình ảnh chung, nhất là đối với đám con nít chúng tôi hồi đó. Cái xóm dù là nhà gạch, nhà nửa gạch tôn hay là nhà lá, thì đối với đám con nít, cái xóm mình ở và vài xóm sát bên nhau là toàn bộ Thế Giới sinh hoạt hang ngày. Từ hàng cơm tấm bì, hang hủ tiếu, cà-phê kho(còn gọi là cà phê bít tất!), gánh xôi, xe bán bánh mì , gánh bò-bía có lắc xí -ngầu, cà-rem cây ..vv…. coi như trung tâm sinh hoạt hàng ngày, năm thì mười họa có lên sốt hay cảm mạo, thì ra 1 tiệm thuốc bắc có biển hiệu cái gì Đường ở gần đó hốt 1 thang ,3 chén sắc còn 7 phân, uống vô ủ mền, đổ mồ hôi ,2 ngày là hết bệnh!! Cái lo lắng dưới mắt đám con nít hồi đó, đầu tiên là học hành cho đàng hoàng để cha mẹ khỏi rầy la, rảnh thì phụ gia đình trong những cuộc mưu sinh hàng ngày, rồi còn thì giờ thì rủ 1 băng : Bắn đạn(búng bi!), tạn lon, tán u, bong dụ …vv…. không những lành mạnh mà lâu lâu còn được các người lớn ở hàng xóm “khuyến khích, chấm điểm” !! Các bậc cha mẹ, nhất là dân di cư, dù bỏ hết nhà cửa ,ruộng vườn ngoài bắc, nhưng họ đều tin là : Ráng chịu cực, vài năm nữa con mình nó học hành đàng hoàng xong thì đời sống sẽ khá hơn ( và đó đã xẩy ra đúng như thế!). Đời sống ,nhất là trong các Xóm, dù thiếu thốn, nghèo nàn, nhưng con người đối xử với nhau đầy tình người. Ngoại trừ đám trẻ con chúng tôi, có đánh nhau với đám con nít Nam-Kỳ những năm đầu mới vô Nam, vì chúng nó cứ chọc mình là Bắc Kỳ đít lòi cọng rau muống !! Nhưng rồi những câu như thế lại trở thành nhũng kỷ niệm đẹp, khi cả đám chúng tôi cùng lớn lên !! Bây giờ, thỉnh thoảng gửi mail cho những thằng bạn cùng lớn lên thời đó, thì những câu mở đầu thường là : Ê Bắc-Kỳ X…. Nghe nó thân thiết làm sao ấy !! Ở trong các xóm, lâu lắm mới có 1 vụ “động trời” mà người ta phải kêu “mả-tà” đến. Thế là “nôi vụ” được các “ Thông Tấn Xã” trong xóm bàn luận, phân tích…vv… Các “Đặc Phái Viên” sau khi đi chợ hay ra quán chạp phô ông tiều đầu ngỏ về , là xì các tin” hậu trường” cứ như là Wikileak vậy, và người ta bu lại nghe rồi bàn loạn cả tháng trời ! Chả có gì : Ông A sau khi cãi cọ to tiếng với vợ, đập nồi đập chén, nhưng hôm sau “ bị bắt gặp” có đứng nói chuyện “ thân mật” với 1 bà nào đó ở xóm khác, hay là con nhỏ B, nhà Ông Bà C, có thằng bạn trai, cha mẹ không chịu, nên ì xèo đòi uống thuốc độc, làm phiền đến Phú Lít! …vv…. Lúc đó ,Chiến Tranh, giết chóc xa xôi lắm, người ta sống chỉ có 1 cái lo duy nhất, lcố gắng làm ăn, dành dụm để cho cuộc sống càng ngàng càng khá hơn !
    Đọc bài của Thạch tiên Sinh làm tôi ngồi tơ tưởng cả buổi, toàn chuyện thời mình “ngày xưa còn bé”, như Duyên Anh đã viết, hay là ngấm nghé qua bên kia hang dậu mùng tơi ..vv… như nhà thơ nào đó diễn tả !!
    Xin cám ơn Tiên Sinh đã cho tôi có 1 dịp thanh thản để nhớ lại những ngày êm đềm xa xưa!

  2. tèo says:

    Nối dài đấu đường NMChiếu (hai bên đương có 2 tiêm hủ tiếu cafe của 2 chú chệt ) ,băng qua Võ Di Nguy ,là Xom Lò Đúc (nơi đây thời trước thập niên 50 )hình như có lò đúc (gạch)? ,dóc thoại thoải và không trải nhựa hay đá mà đất nện . Chĩ có cái xóm đó mới gọi là xóm lò Đúc (mà chỉ có dân kỳ cựu mói gọi )
    Vậy nếu kẻ góp ý không lầm thì bài viết của Thạch Khoai Lang viếtt về xom Lò Đúc mà nói tới trương Vỏ Tánh rạp Văn Cầm….. [(VC 1&2 sau này rạp 2 (từ Càu kiêu đi xuống ,qua khỏi đường NMC) mới đỏi lại là Cẩm Vân...Rạp này lúc khánh thành thì đòan hát hương xa của nghệ sĩ Bãy Cao tới biểu diển ,có đoạn chiếu cả phim phụ họa hổ tương cảnh hát (như khi người SQHQ giã từ người yêu thì máy bay thử bom bay trên biển ( chiếu phim) ,khán giã vổ tay hoan hô nhiệt liệt.Cố nhiên 2 tài tử núp dươi "phông" cây liểu,dựng sát vói bờ biển trên màn hinh. Còn rạp Văn Càm 1 thì trước đó hàng năm trường Vỏ Tánh mượn đẻ phát phần thữơng có phần văn nghệ do học sinh diển nhưng bài ngắn vui như có kẻ di tây vê.khong đỏ dạt gì nhưng cha làm tiệc mừng con ,phải đọc diển văn . Anh tây vàng và thằng bạn đã lấy bài "thân thể người ta (tiếng Pháp) và người bạn dịch ra tiếng việt mxin chào mừng quan khác...làm phụ huynh và người Vào xem "cọp ' vổ tay ,cười "bể bụng .")] hay lan tới Phở Quyền…(mói có sau này khi chính quyền QG mở rộng con đương Vỏ Tánh) có lẻ KHÔNG ĐÚNG VƠI TƯA BÀI LẮM. vì tất cả hầu như không thuộc xóm lò Đúc (Không nghe Ai nói trường TH Vỏ Tanh thuộc xóm Lò Đúc ,hay lò Mổ Heo (trước trường Vỏ Tanh) là Lò Mổ Heo Lò Đúc…
    Có nghĩa là không có gì thuộc về Lò Đúc cả mà chỉ là tã sinh hoạt quạn Phú nhuạn giói hạn từ rạp Văn Cầm I(từ cầu Kiêu đi xuống )mà thôi
    (tèo 2014h00,04.16)

  3. song gnuyen says:

    Thạch Đạt Lang nhớ nhiều, nhưng tuyến xe bus Saigon-Phú Nhuận.. chạy từ PN về TT Saigon.. từ VDN, lên Hai B Trưng.. rẽ phải ở Hiền Vương.. tời Công Lý rẽ trái …..không dùng HBT đọan Hiền Vương lên tới Thống Nhất rồi rẽ phải !!!! Tuyến SG -PN thì chạy theo Pasteur
    tới Hiền Vuơng rẽ phải… tới HBT rẽ trái… chạy tới ngã tư PN là hết tuyến…

    • Lão Ngoan Đồng says:

      Trời đất ui, tôi còn nhớ mẹ tôi hàng ngày đi làm hồi thập niên 60 thời ông Diêm, thường ra đón xe buýt ở phía đối diện chợ Tân Định để tới đại lộ Nguyễn Huê ở chỗ Tổng Ngân Khố. Xe chạy lòng vòng qua các con đường đón khách, như Hiền Vương (?), Duy Tân, Pasteur …. (khúc này mình nhớ không rõ, bởi ít khi đi xe buýt lên Sài Gòn, mà thường đi xe đạp hay xe Honda dame)
      Còn khi vê thì xuống ở bến đâu ngay tại chợ Tân Định !

      Khi don về ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tội nghiệp bà cụ phải lội bộ cả cây số ra tận đường Hai Bà Trưng mới có trạm xe buýt. Khúc nhà mình ở gần Đài Phát thanh Sài Gòn và Tổng Nha An Ninh Quân Đội, cũng như trại của Tâm Lý Chiến, cho nên phương tiện công cộng hầu như không có.

      Đến thời Nguyễn Cao Kỳ có chương trình còn nhớ đại khái mang tên “Hữu sản hóa đợt tự chủ”, qua đó bán xe lôi lambretta làm phương tiện chuyên chở công cộng do tư nhân đảm trách, nên góp phần rất lớn trong việc di chuyển ở thủ đô Sài Gòn và khu Chợ Lớn, Gia Định.

      Nói gì thì nói tôi vẫn còn nhớ muốn đi xuống Gia Định từ chợ Phú Nhuận, tôi vẫn phải dùng xe ngựa aka xe thổ mộ, khởi đi từ chợ PN đầu Võ Duy Nguy, để đi về phía Lăng Ông Bà Chiểu.
      Còn ở Đa Kao đi vể Lăng Ông Bà Chiểu hỉnh như cũng thế thì phải.
      Cái thú này chỉ có ở thập niên 50 và đầu 60 thì phải. Nó biến mất hồi nào mình hổng hay nữa.

      Ở ngã tư Trần Quang Khải và Hiền Vương nối dài qua Cầu Bông nhiều năm sau thời ông Diệm vẫn có một bến xe ngựa chuyên vận chuyển vật dụng cồng kềnh, như tủ bàn giường …
      Đi qua khu này hôi mùi nước đái và phân ngựa hết sức. Và xin lỗi lần đầu tiên thấy được của quí của con ngựa dài quá cỡ thợ mộc :-) ! Vì thế mấy thắng nhóc hoc sinh trung hoc đệ nhất cấp đố nhau của thật hay giả !???

      Phải công nhận xem lôi / lam (lambretta) góp phần giải quyết rất lớn cho việc chuyên chở ở đô thành như Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định. Xe luồn lách qua mọi ngã đường phố, cứ có khách gọi là tấp vào đón ngay, rất tiện lợi, nhưng thú thật cũng cực kỳ nguy hiểm cho các loại xe “tham gia”giao thông trên đường phố, nhất là xe hai bánh gắn động cơ như các xe Nhật Honda, Suzuki, Yamaha, Kawasaki …

      Hình như xe lam đã giết chết xe xích lô máy ồn ào, gây ô nhiễm môi sinh … Sau 75 tôi chỉ thấy rất ít xe xích lô máy chở hàng chạy trên đường Trần Quốc Toản (đổi tên thành đường 3 tháng 2) đi về hướng xa cảng miền Tây vào lúc sớm tinh mơ (những hôm trực gác đêm ở một Trạm Y tế ở trên đường này làm tôi mất ngủ vào lúc 4-5-6 giờ bởi tiếng ồn của động cơ trong lúc trời về sáng còn khá yên tĩnh).

      Còn nhớ thời ông Diêm cả nhà khoảng gần chục mạng kéo nhau đi coi cải lương Đoàn Kim Chung ở rạp hát Olympic trên đường Hồng Thập Tự. Tối vãn hát lúc gần nửa đêm, cả nhà chất lên một chiếc xe xích lô máy cho tiện việc chánh phủ (thay vì chia làm hai tốp ngồi xe xich lô đạp vừa rắc rối vừa lâu lắc), Xe chạy ầm ầm qua các con phố lớn và gió ban đêm mát mẻ lồng lộng thổi vào mặt thật đã đời, sau mấy tiếng ngồi bó rọ trong rạp đày hơi người và khói thuốc lá.

      Ôi những kỷ niệm xưa cũ cứ rủ nhau dắt díu hiện ra lần lượt trong cái đầu giã cỗi của mình :-) !
      Nghĩ mà thương mà nhớ mà vui mà buồn …. tình cảm lẫn lộn thật ..TÌNH ƠI LÀ TÌNH :-) !

  4. Tư Lô says:

    Tiệm may Tân có tên đầy đủ là Tân Thành Hưng và tiệm may Thành Lực có tên đầy đủ là Đòan Thành Lực.
    Tệm mộc kế bên tệm Tân Dân la Thanh Hải.

    • Thạch Đạt Lang says:

      @Tư Lô!

      Cám ơn anh đã nhắc những cái tên đầy đủ.

      TĐL

  5. dai nguyen says:

    Toi cung khoai pho Quyen o tren duong Vo Tanh nua, Ca mot troi ky niem

  6. felix nguyen says:

    Tôi chỉ còn nhớ con người, còn cảnh vật, địa danh thì hầu như quên sạch. Nhờ những bài viết như thế này để tôi còn mơ về một thời tươi đẹp trong quá khứ. Cám ơn tác giả!

  7. Trịnh Hoàng says:

    Cám ơn Thạch Định Lang đã viết về “Xóm Lò Đúc”, và có lẽ cũng vì sống và lớn lên từ Xóm Lò Đúc, nên chỉ nghe thấy ba chữ Xóm Lò Đúc thôi, là máu huyết đã nhốn nháo, bồi hồi nhớ tới những ngày xưa thân ái, những ngày mà Sài Gòn chưa bị những đôi chân man rợ dẫm đạp làm hoen hố, bầy nhầy, lộn xộn không giống ai để bây giờ, Sài Gòn là một đống những công trình xây cất bắt nguồn từ vốn đầu tư nước ngoài, cái nọ “…ịt mẹ” cái kia (theo lối chửi thề của Bắc Kỳ 2 nút), một thứ phồn vinh giả tạo nửa Tầu, nửa Nga, nửa giai cấp vô sản, “thấm đượn” nét văn hoá, văn minh cơ bắp du nhập từ Hà nội vào.

    Cũng như Lão Ngoan Đồng, tôi rất phục trí nhớ của Thạch Đạt Lang vì đến cả cái con hẻm rất nhỏ, nối từ đường Trần Khắc Chân ra đại lộ Võ Di Nguy, nơi gia đình tôi gồm bố mẹ, anh em chúng tôi quây quần biết bao năm trời, vậy mà TĐL còn mô tả rành mạch đến kẻ cư ngụ trong con hẻm ấy là tôi, cũng phải nghiêng mình bái phục.

    Không những thế, Thạch Đại Lang còn nhớ cả tiệm trồng răng Vinh Sơn ở đầu con hẻm. Nhà ông Vinh Sơn có mấy người con, trong đó có Kh. Đẹp. Mảnh mai. Qúy phái. Dĩ nhiên với một người như thế, ra vào chạm mặt, có thánh cũng phải nảy lòng nọ kia. Thế rồi một hôm, Mẹ tôi trong bữa cơm chiều, nhẹ nhàng hỏi: “Anh đi lại với chị Kh. nhà Vinh Sơn đến đâu rồi?”. Tôi ngẩn người chới với, chắc lại con em gái lớn, vốn là “liên lạc viên” của tôi tiết lộ đây. Tôi hỏi lại: “Sao mẹ biết”. Từ tốn, nhẹ nhàng, mẹ tôi nói: “Tôi gặp bà Vinh Sơn. Bà ấy nói Kh. rất ngoan và hiền lành, nếu cậu nhà thành thật thì giao thiệp, bằng không thì đừng để Kh gặp khó khăn. Vậy còn anh thì sao?” Qúa đột ngột và đầy vẻ nghiêm trọng, tôi khất: “Để về kỳ sau con cho mẹ biết.” “Tuỳ anh. Nhớ lời bà Vinh Sơn. Chỗ người lớn anh đừng làm tôi khó xử.” Tan hội thảo tôi về nơi biệt phái, chưa được bao lâu thì xảy ra vụ Mậu Thân. Bề bộn mãi đến khi được gọi về đơn vị gốc thì Kh. đã có con, người chồng cũng là quân đội, đó là nghe em tôi nói thế, sau khi rũa anh tơi tả. Riêng tôi bàng hoàng. Trách mình lơ đãng. Đến giờ nghĩ lại vẫn thấy bồi hồi. Thạch Đạt Lang vô tình làm khó đồng hương. Viết gì không viết lại viết về Xóm Lò Đúc, Phú Nhuận, Sài Gòn.

    • Lại Mạnh Cường says:

      Thạch quân kỳ này được tán thưởng, bởi đụng đến cả một góc trời tâm sự :-) !

      Họ Thạch có lẽ nhỏ hơn tôi một tuổi, từng lê lết học tiểu hoc tại trường Võ Tánh như tôi.

      Tôi không ở Xóm Lò Đúc, nhưng ở quanh khu chợ Phú Nhuận (lúc ở trong hẻm chung đụng với người Chà Và (thực ra là người Chàm/ Chăm), lúc ở trên đường Nguyễn Huỳnh Đức, ở gần phía cắt ngang đường Công Lý vắng vẻ, chứ ở đầu kia cắt đường Võ Duy Nguy trái lại cực kỳ nhộn nhịp cả ngày cho đến tận khuya.

      Dù sau này sống đa phần ở hai khu Tân Định (cư xá Kiến Ốc cục, đối diên trường trung học tư thuc Văn Lang), sau cùng là khu hẻm 26 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Đa Kao gần Sở Thú, nhưng hoài ức tuổi thơ thời

      tiểu học vẫn không hề phai mở ở khu chợ Phú Nhuận.

      Giữa đường Nguyễn Huỳnh Đức là cái đình với sân rộng và cây đa to khiến cả khu này trông âm u đến phát sợ. Tuy nhiên mỗi khi có gánh xiêc đến lưu diễn biến nói này thật náo nhiệt. Tôi còn nhớ xem biểu diễn mô-tô bay rất hấp dẫn, và ấn tượng nhất là chiếc xa mô-tô chạy làm quanh làm rung rinh cả rạp !
      Ngoài ra là xem chặt đầu người rồi ráp lại liền lạc như cũ. Nạn nhân là một cô gái trẻ đẹp. Cái đầu nạn nhân sau khi bị chặt đứt được bưng để lên câi khay. Rồi nó thản nhiên hút thuốc nhả khói và sau cùng ca một đôi câu vọng cổ mới được đêm ráp vào thân xác cũ !

      Cũng trên con đường này có một nơi phơi các tĩnh nước mắm. Đi ngang cực kỳ hôi mùi nước mắm, nhưng sau bị dẹp tiệm.

      Trường Võ Tánh nắm sâu trong con hẻm rộng nối vào đường Võ Duy Nghi. Một bên hẻm là toà Hội đồng xã Phú Nhuận thật uy nghi bề thế và bên kia hẻm nếu tôi nhớ không nhầm là nhà bảo sanh tư của một bà nữ hộ sinh dòng dõi nhà vua (Công Tằng Tôn Nứ chi chi đó).

      Từ con hẻm trên đi xuôi xuống vài trăm thước là rạp hát Cẩm Vân, và đi ngược lên hướng Cầu Kiệu là rạp hát Văn Cầm. Đó là nơi tôi xem phim Người Đẹp Bình Dương với cô đào hát chính là Thẩm Thuý Hằng. Chưa từng vào xem rạp Cẩm Vân, mặc dù dán măt mũi xem các hình ảnh quảng cáo sắp chiếu nhiều lần. Về đêm đèn đưốc trước hai rạp hát bình dân này sáng rực và tụ tập cả một đạo quân bán hàng vỉa hè thật sôi nổi đến tận khuya.
      Sau này hình như ế độ, nên hai rạp, nhất là Cẩm Vân thường cho các gánh cải lương hạn hai như ban Minh Chí Việt Hùng thuê diễn tuồng cổ trang La Mã, hay hiện đại như người dơi …

      Chợ Phú Nhuận có lâu đời là một trong những chợ nổi tiếng từ xa xưa của mảnh đất Sài Gòn hoa lệ. Các chợ khác ngoài chợ Sài Gòn còn có chợ Cũ, Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối, Đa Kao, Tân Định, Bà Chiểu … Mẹ tôi có thời kỳ bán vải trong nhà lồng chợ Phú Nhuận, khu sạch sẽ sang trọng nhất trong chợ. Đôi khi đi học về tôi ghé ngang qua sạp vải của mẹ tôi và ngồi đùa nghich một mình giữa những xúc vải đủ màu sắc, rồi được mẹ cho ăn quà và dục về nhà học bài. Thế mà giờ đây mẹ tôi đã gần 100 tuổi, còn tôi cũng gần 70. Nghĩ là hãi kinh

    • Thạch Đạt Lang says:

      @Thưa anh Trịnh Hoàng!

      Kh là tên trên giấy tờ. Bạn chị thường gọi chị là Khánh Linh, chị có người em trai tên Sơn. Chị Kh lấy chồng rất sớm, nhưng chỉ có một cô con gái, năm nay chắc cũng ngoài 50 rồi.

      Tôi tình cớ gặp chị Kh ở San José năm 2001, chị không biết tôi là ai vì khi chị lấy chồng, tôi vẫn là một thằng nhóc, tôi nhận ra chị vì chị vẫn đẹp, quyến rũ và trẻ không ngờ được, dù lúc đó đã có cháu ngoại. Năm nay chắc chị Kh phải ngoài 70 rồi.

      TĐL

      • Trịnh Hoàng says:

        Cám ơn anh đã cho biết khái quát về chị Khánh Linh, tôi chỉ biết tên thật của chị ấy. Tôi hơn chị cỡ 4 tuổi. Xin lỗi gia đình chị Kh, mẹ tôi có lúc nói với tôi là “hợp đấy”. Chẳng biết cụ có xem bói toán gì không hay chỉ nói đại để “chiêu hồi” thằng con “hư hỏng” của cụ thuở bấy giờ.

  8. VôViNhiVôBấtVi says:

    Nếu! Nếu một ngày nào đó mà VN ta sẽ thành ra một TâyTạng thứ 2 thì cũng phải thôi vì đã có người muốn thế và cũng có người nghĩ thế! Và lúc đó thì bọn chúngta đâu có còn ở đó đâu mà thắcmắc nhẩy? Chúngta cũng cóthể là những thằng nhóc, con bé đang vôtư học nói, học hát, và học cách cangợi các bác Mao, Đặng, Hồ, Giang và Tập…Và cùng nhau thoảimái mà ”cỏn” hay là ”thốt” tiếng KwảngĐông, KwanThoại thui!!! Cũng như những người ”MẹcXìCaNô”, ”MẹcXìCaNa” họ đang tựnhiên và thoảimái nói tiếng TâyBánNhà và sống theo vănhóa ngườita mà đâu có sao đâu???!!! Một nước ĐạiLý của dòng họ ĐoànChánh… ở VânNam nay cũng đâu có còn gì!!!??? Đời nà thế đó, mạnh được, yếu thua! Cá lớn nuốt cá bé!!! Hỏi xem ôn ”thượngđế” có làm được cái gì ko???!!!

    • NgànLáĐa! says:

      Có đấy! Thượngđế thường làm được một việc rất ư là giỏi, đó là kụ chờ cho mọi việc yênbề đâu vào đó rồi là kụ bảo: đó là ý kụ!!!
      ”Ý CHA, Ý CHUÁ, Ý Giời, Đã là như thế thì ”tốn lời” có ích chi!!!???
      Khì!

  9. Van says:

    Nhớ cine Cẩm Vân mà bác quên rạp Văn Cầm 5 đồng 2 phim cao bồi.
    Thêm phở Quyền, cà phê Hòa ngó xéo qua …

    • Thạch Đạt Lang says:

      @Van!

      Chào bạn! Không quên rạp Văn Cầm nhưng vì chỉ nói đến xóm Lò Đúc nên không nhắc tới. Rạp Văn Cầm nhìn xéo qua là đường Nguyễn Huỳnh Đức (hiên nay là Hùynh Văn Bánh). Từ rạp Văn Cầm đi về hướng cầu Kiệu sẽ gặp ngõ Đội Có, sau này đổi là đường Cô Bắc – Cô Giang. Ngay đầu đường Cô Bắc-Cô Giang có tiệm bán thuốc lào Ba số 8, quảng cáothuốc với câu:” -Ông kia đã bỏ thuốc lào, Thấy ba số 8 vội đào điếu lên.”

      Nếu kể thêm về khu phố này thì còn nhiều chuyện lắm, từ trường tiểu học tư thục Bùi Quang, tiệm chụp, rửa hình Trần Cửu…, tất cả những nơi đó tôi đều có kỷ niệm nhưng kể hết thì dài quá. Cà phê Hòa dường như đầu thập niên 70 mới mở, tôi nhớ nhưng ví tiệm nằm bên kia đường, không thuộc xóm Lò Đúc.

      TĐL

    • Lu Xà Bù says:

      Rạp hát Cẩm Vân không thuộc xóm Lò Đúc mà !

  10. Lão Ngoan Đồng says:

    Thạch Đạt Lang dường như có cả một kho chuyện (cổ tích) để viết

    • tonydo says:

      Văn vẻ viết chán phèo, thế mà cũng có người khen?
      Cuốc bộ theo em vài lần, em gái Hà Thành tội nghiệp, lãnh hàng giùm mấy chuyến.
      Chim về tổ. Hết chuyện!
      Nội cái tình cảm này, mấy thằng nhà văn “ăn gian”, hoặc cho Nguyễn Thị Cỏ May múa bút, ít ra cũng được một đầu sách.
      Chán Quan Đốc!

      • Trần Tưởng says:

        Bài trước khen giọng văn có hơi hướm của nhà văn Bình Nguyên Lộc . Bài
        sau ,ngài phán :”Văn vẻ viết chán phèo, thế mà cũng có người khen?” !!!!

        Hehehe … Làm sao cho vừa lòng Kim Thánh Thán Tonydo ?

      • Trần Tưởng says:

        ‘Nội cái tình cảm này, mấy thằng nhà văn “ăn gian”, hoặc cho Nguyễn Thị Cỏ May múa bút, ít ra cũng được một đầu sách”

        Viết theo kiểu “phóng sự” khác với văn viết tiểu thuyết chớ . Sao lại so sánh
        quả táo với quả cam được nhỉ .
        Hỏi riêng đàn anh Tonydo nè : “đầu sách” là cái chi vậy ? Nhà tôi có mấy
        quyển sách . Tìm hoài mà chẳng thấy cái sọ của nó ,cơ khổ !!!

      • Lão Ngoan Đồng says:

        Dear tonydo

        Bài này rất “kén” độc giả ! Cứ xem dân Xóm Lò Đúc đã tung hoa tưng bừng gửi đến tác giả thì biết tôi viết không sai sự thật đâu.

        Giá có Người Buôn Gió viết chuyện giang hồ vặt ở Hà Thành thì tonydo tỉnh người và hót theo còn hơn chim khiếu, hihihihihahahhaha :-) !

        Hay ai đó viết về những ngày đầu tiên lê gót chân trên xứ Mọi bảo đảm tonydo sẽ múa súng, wên múa ngón tay gõ phím rào rào tán phét vài phùa …

      • felix nguyen says:

        Muốn chê về “văn vẻ ” thì trước hết phải biết về “văn”. Không phân biệt được thể loại tiểu thuyết diễm tình và ký sự, giữa fiction và non-fiction mà mở miệng chê thì rõ ràng là ganh tỵ!
        Tác giả TĐL có thể viết văn kém nhưng ít ra ông ấy cũng viết được một bài viết có đầu có đuôi, còn hơn xa ông chỉ viết vài dòng comment mà viết cũng không ra hồn. Đã bất tài lại còn có tính xấu nhỏ nhen, đố kỵ, đó mới đúng là chán phèo!

      • tonydo says:

        Kính qúi đàn anh; Trần Tưởng, Lão Ngoan Đồng, felix!
        Em khoái các bác. Qúi vị là bậc Thầy của em!

        Thạch Kiếm Sỹ có lần chửi em, “đôi khi loạn kiếm”, em phải tìm kẽ hở để ăn miếng trả miếng chứ. Phải không thưa qúi đàn anh?

        Đàn anh Trần Tưởng hỏi đầu sách là gì mà không thấy cái sọ? Kính xin qúi Trưởng Thượng giải thích giùm.
        Riêng em, thời xa xưa khi còn đồng chí Lê Duẩn, sách nào cũng có “đầu” nhưng chẳng bao giờ có cái “đuôi”. Chẳng ai muốn vô nhà đá!

        Cảm ơn qúi quan bác nhiều!

      • Lan says:

        Sao các cụ không chịu hiểu nỗi lòng cụ tonydo nhà cháu, lại nặng lời mắng mỏ? Nghĩ mà xem, cùng một lứa mà… bên trời lận đận. Trong khi ở miền nam nắng ấm chàng trẻ tuổi họ Thạch buổi sáng bánh cuốn, hủ tíu, cơm tấm… buổi chiều, chưa biết ăn chi, bò bía, hay chơi một chén chè chuối, hay cái bánh cam, chén đậu hũ nước đường, ly cơm rượu… thì ngoài thiên đường xã nghiã bắc bộ bác Hồ lạnh lẽo cụ tonydo ngồi dựa lưng sân sau nơi góc bếp tay mân mê rổ khoai mì, cổ nghèn nghẹn uể oải không biết chọn củ nào luộc ăn chiều nay… Cho nên chuyện ăn uống thì ai thèm đọc làm chi, chỉ còn hy vọng đọc chút tình cảm lãng mạn xem đằng ấy yêu đương thế nào, thế mà mới vài dòng đã hết. Như thế hỏi sao không chán?

      • Tudo.com says:

        Bởi vậy chán lắm!

        Mấy sư huynh nầy cứ rủ nhau. . . “ăn mày dĩ vãng”, hết xóm Bàn Cờ, Chợ Lớn, ngã ba Ông Tạ, bây giờ Xóm Lò Đúc. . .của Saigòn làm bà con chán. . .cảnh thanh bình năm xưa một cách hết sức. . .bùi ngùi!
        Thôi đi mấy ông ơi! Dĩ vãng rồi, quá khứ rồi, hãy quên đi.

        Quê hương “ta”, (ủa chớ của ai mà tụi nó muốn làm gì là tụi nó làm?) đang “định hướng” về một hướng vào vũ trụ. . .nowhere, vậy mấy ông còn muốn gì nữa?

        Đề nghị ông Thạch Đạt Lang và Cỏ May nghiêng cú. . .”thị trường” về băng đảng cướp giựt của Xóm Ba Đình, Xóm Nghệ An sẽ là đề tài hấp dẫn hơn.

    • Van says:

      Tôi thích bác Thạch ở những bài như hồi xưa viết về cô Liên.
      Nhớ có lần tôi nhẩn nha đọc bác Thạch tả bữa điểm tâm, và tần ngần nghĩ sao Liên và tác gỉa chưa bị Mĩ hóa. Sáng còn có bánh mì phết bơ, thêm trứng gà ốp la, cà phê sữa nóng…

      Nay bác Thạch đụng mối thương lòng, dù không ở xóm lò đúc, nhưng ngày còn trẻ lang thang phường 9, phường 12 quận Phú Nhuận nên bùi ngùi ôn cố tri tân.
      Tôi ở 1 hẻm nhỏ, khúc đường Nguyễn Hùynh Đức đụng đường Hùynh Quang Tiên
      Có lẽ bác Cường ở Phường 12 gần bãi đất trổng?

Phản hồi