WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đem tâm tình viết lịch sử: Dân Việt mình cần thay máu (2)

(Bài thứ hai)

 Thành phố Houston, Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, ngày 7 tháng 9 năm 2010

 Anh Đỗ văn Minh thân mến,

 Người ta thường nói theo thói quen: “Hãy để lịch sử phán xét”. Câu nói ấy có thể đúng và không đúng.

Tại sao đúng? Bởi vì lịch sử giống như một bức tranh lớn. Muốn ngắm vẻ đẹp của bức tranh lớn, người quan sát phải bước lùi một khoảng cách nào đó mới có thể thấy toàn cảnh bức tranh được. Tương tự như thế, muốn hiểu và viết đúng lịch sử mà không bị cảm quan, tư kiến chi phối, người chép sử cũng cần phải lùi một khoảng thời gian nào đó thì ngòi bút mới có được sự vô tư.

Tại sao không đúng? Dù đã lùi một khoảng thời gian đủ để xem xét một nhân vật hay một dữ kiện, nhưng người viết thiếu lương thiện, (1) hoặc do lòng căm thù với đối tượng được đề cập, (2) hoặc do tư kiến ý thức hệ của phía bên này viết về phía bên kia.

Ví dụ (1): Ông Đỗ Mậu thù Tổng thống Ngô Đình Diệm không cho ông lên Tướng, nên ông viết về Tổng thống Ngô Đình Diệm bằng lời lẽ khiếm nhã, sai sự thực, mặc dù ông Diệm là người đã từng cất nhắc ông Đỗ Mậu lên chức Đại tá Giám đốc An ninh Quân đội và Quân ủy trưởng Đảng Cần Lao. Ông Đỗ Mậu là người âm mưu với các Tướng lật đổ và sát hại Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Ví dụ (2): Ông Nguyễn Đắc Xuân từng được Miền Nam nuôi dưỡng, giáo dục, nhưng đi theo cộng sản để chống lại “chế độ Nhu Diệm” (chữ của Việt Cộng) dưới chiêu bài Phật giáo tranh đấu. Nay sau hơn 35 năm hòa bình thống nhất, chính quyền cộng sản đàn áp các tôn giáo một cách thô bạo, dã man (trong đó có cả Phật giáo), ông Xuân lại ngậm miệng và vẫn trung thành với chủ nghĩa Marx. Người ta sẽ hỏi tại sao dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Nguyễn Đắc Xuân chống chế độ đàn áp Phật giáo mà thực thế không hề diễn ra? Chính quyền Tổng thống Diệm chỉ thực sự đàn áp kể từ khi những tăng sĩ Phật giáo ở Huế bắt đầu gây cuộc nổi loạn tại đài phát thanh Huế. Còn nay sự đàn áp là có thực, thì ông Xuân im lặng? Dù đã phạm tội mang quân Bắc Việt tàn sát hàng ngàn nhân dân vô tội thành phố Huế, ông Xuân chưa hề có một lời tạ lỗi, sám hối. Do đó, những gì ông Xuân viết là theo chiều hướng duy vật sử quan. Ông Xuân mạt sát gia đình Nhà Ngô để biện hộ cho ông cái lý do ông chạy theo cộng sản là chính đáng. Một con người không biết sám hối mà vẫn đứng trên bục rao giảng về giáo lý Phật giáo thì không thể mang lại đức tin cho tín đồ. Ông Xuân là kẻ ngụy giáo, chứ không phải môn đồ chân chính của Đức Phật.

Ông Nguyễn Đắc Xuân là người ngồi cùng bàn với tôi nhiều năm trong các lớp học Đệ nhất cấp của trường Quốc Học, Huế. Ngày 17 tháng 4 năm 2009, ông Xuân gửi email cho tôi một bài viết để phân trần, nhưng tôi không trả lời, vì ông không có một lời nào tỏ ra hối hận về tội giết người trong Tết Mậu Thân năm 1968. Một người phạm vào tội ác chưa hề sám hối, dám rao giảng kinh Phật, mà có người gọi ông Xuân là nhà “Huế học” (tức là nhà nghiên cứu lịch sử xứ Huế) thì quả là một sự hoang phí trong cách sử dụng ngôn từ! Tôi không muốn giao thiệp với người bạn học cũ, người không còn nhân tính để biết đau nỗi đau của đồng bào mình!

Có người viết khách quan, vô tư, không có chủ tâm bôi bác, nhưng sai lầm vì không kiểm chứng dữ kiện. Chẳng hạn, tôi từng đọc thấy người ta viết rằng chế độ Ngô Đình Diệm kéo lê máy chém khắp Miền Nam để chém đầu cộng sản. Là người đi và sống khắp dải đất Miền Nam từ nam vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mâu, ra đến các đảo Côn Sơn, Dương Đông, An Thới, tôi chưa hề thấy hình thù cái máy chém thời chế độ Diệm ra sao. Người bị chém duy nhất là Lê Quang Vinh (Ba Cụt) một vị Tướng phản loạn Hòa Hảo, chứ không phải cộng sản. Kết tội ông Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo cũng không đúng, bởi vì những vai trò quan trọng từ chính trị đến quân sự trong chế độ phần lớn là Phật giáo. Hệ thống trường Bồ Đề của Phật giáo không hề bị kiểm soát gắt gao. Các nhà sư được quyền tự do rao giảng giáo lý nhà Phật. Kinh sách Phật giáo được in tự do. Cờ Công giáo hay cờ Phật giáo được tự do treo (miễn là ở vị trí dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ) trong các dịp lễ lớn.

Tôi cũng không tin tưởng mức trung thực của các bộ sử thời vua chúa, vì các sử gia ghi chép những dữ kiện mà có tính cách phương hại đến thanh danh của vương triều thì sẽ bị trừng phạt ngay. Cũng như những nhà chép sử chính thức có ăn lương Nhà Nước dưới chế độ cộng sản cũng không đáng tin cậy. May ra những người viết chui ngoài luồng thì có thể cung cấp cho chúng ta sử liệu xác đáng mà thôi.

Riêng anh và tôi thực hiện cuốn sách này là ở vào trường hợp ngoại lệ, vì chúng ta là người ghi chép độc lập và được sống ở xứ sở tự do. Tuy rằng đây không phải là cuốn biên niên sử với đầy đủ ngày tháng của từng sự kiện, cũng không phải là chính sử hay huyền sử. Nhưng mức độ khả tín cao là vì những sự kiện mà chúng ta nêu ra đều có chứng nhân đang hiện hữu. Nếu chúng ta ghi chép điều gì sai, không chính xác, người chứng có thể lên tiếng phản bác. Với lương tâm trong sáng, tuyệt nhiên không có ác ý gièm pha bất cứ nhân vật nào, chúng ta cương quyết không viết ra điều gì có tính cách phi đạo đức như bêu riếu đời tư đối tượng, chẳng hạn. Dĩ nhiên, khi ghi chép sự thật sẽ có phản ứng của kẻ sợ sự thật. Họ sẽ phản ứng bằng cách dùng biện pháp tồi tệ như là chụp mũ cộng sản hoặc nhẹ hơn là cáo buộc chúng ta gây chia rẽ hoặc phỉ báng chính nghĩa quốc gia. Đó là chưa kể đến những phần tử bất lương, giả danh bịa ra những điều tồi tệ nhằm hạ uy tín chúng ta như đang diễn ra hiện nay.

Có người đã hỏi tôi như sau: “Nếu cựu Tổng thống Nguyễn văn Thiệu còn sống và được Nhà Nước Cộng sản mời về Việt Nam để bàn chuyện Đất Nước thì anh (Đặng văn Âu) có bảo vệ ông Nguyễn văn Thiệu như anh đã bảo vệ ông Nguyễn Cao Kỳ không?” Chẳng cần một phút do dự, tôi trả lời ngay: “Tất nhiên tôi bảo vệ chứ! Tôi quan niệm rằng một khi người đang cầm quyền ở Việt Nam cử người đi mời một cựu nguyên thủ Việt Nam Cộng Hòa để về bàn việc Đất Nước, tức là họ đang có vấn đề cần đến kinh nghiệm của người có mối quan hệ với Hoa Kỳ. Từ lâu tôi mong mỏi Việt Nam có mối quan hệ tốt với Hoa Kỳ, vì tôi tin rằng sự hiện diện của Hoa Kỳ là điều thuận lợi cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam làm bạn với Hoa Kỳ là hết sức cần thiết, vì sẽ không còn sợ bị Trung Cộng bắt nạt. Bài học năm 1979 của Trung Cộng đối với người anh em “môi hở răng lạnh” hãy còn đó.

Anh Đỗ văn Minh thân mến,

Nhân dịp này, tôi muốn nhắc đến một sự kiện mà ít người biết đến. Vào khoảng cuối năm 1991, cựu Tổng thống Nguyễn văn Thiệu có liên lạc với nhà báo Đỗ Văn làm việc cho đài BBC để nhờ anh Đỗ Văn chuyển lời đề nghị của ông muốn quay trở về Việt Nam nhằm giúp một bàn tay với chế độ gầy dựng lại Đất Nước, vì trong thời gian đó Hà Nội đang gặp những khó khăn về mọi mặt, nhất là bị Hoa Kỳ cấm vận do việc Hà Nội đem quân sang xâm chiếm Kampuchia và không chịu rút quân về, mặc dầu Mỹ yêu cầu. Theo nhận định của tôi, cựu Tổng thống Thiệu là người chống cộng sản bị Hà Nội đánh bại, nhưng sau bao năm trăn trở với số phận của đồng bào mình, ông đã quên mối thù riêng cũng là điều đáng khen. Ông Thiệu đã không ngần ngại nhờ anh Đỗ Văn chuyển lại lời đề nghị đóng góp một bàn tay cho xứ sở. Tuy là người vốn không có cảm tình với cựu Tổng thống Thiệu, nhưng tôi coi hành động của Tướng Thiệu là một cử chỉ bày tỏ lòng yêu nước, yêu đồng bào một cách can đảm. Ai có quyền cấm đoán hay mạt sát một người bày tỏ lòng yêu nước một cách riêng? Chế độ là nhất thời, non sông là vạn đại. Nếu lời đề nghị của Tướng Thiệu lúc bấy giờ được Hà Nội chấp thuận thì sự trở về của Tướng Thiệu còn bị những phần tử Chống Cộng ở hải ngoại nhục mạ nặng nề hơn sự trở về Việt Nam của Tướng Kỳ vào năm 2004. Tướng Kỳ được Hà Nội cử Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin sang Hoa Kỳ mời đàng hoàng; chứ Tướng Kỳ không ngỏ lời trước với Hà Nội để về Việt Nam như Tướng Thiệu. Hai tư thế của hai vị cựu lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa về nước hoàn toàn khác nhau.

Anh Đỗ Văn đề nghị Tướng Thiệu nên công khai hóa yêu cầu của ông với Hà Nội. Anh sẽ dành cho Tướng Thiệu hai phút để ông trình bày ước nguyện của ông trên hệ thống phát thanh Quốc tế BBC. Tướng Thiệu đồng ý. Anh Đỗ Văn với tư cách là nhà báo đã chuyển đề nghị của Tướng Thiệu cho Bộ Ngoại giao Việt Nam và cũng sẽ dành cho Hà Nội hai phút phát thanh trên đài BBC để trả lời sự yêu cầu của Tướng Thiệu. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam lúc bấy giờ là bà Hồ Thể Lan trả lời rằng ông Thiệu muốn làm gì thì làm, họ không muốn bàn tới và cũng không có gì để nói qua làn sóng điện của đài BBC. Tuy bị Hà Nội từ chối, Tướng Thiệu vẫn muốn đưa đề nghị về giúp nước của ông qua cuộc phỏng vấn với anh Đỗ Văn trên đài BBC trong hai phút. Buổi phỏng vấn Tướng Thiệu đã được phát đi, Hà Nội vẫn giữ im lặng như thể không nghe, không biết. Một tuần lễ sau đó trong cuộc họp báo thường lệ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của một ký giả về tin ông Thiệu muốn trở về Việt Nam, bà Hồ Thể Lan nói: “We do not care about him. Thiệu is nobody”. Có lẽ nhà cầm quyền Hà Nội lúc bấy giờ không đánh giá cao thiện chí của Tổng thống Thiệu là vì cái khuynh hướng bảo thủ trong Đảng còn mạnh? Nên nhớ rằng năm 2005, để kỷ niệm 60 năm thành lập Quân Đội Nhân Dân, các Tướng lĩnh Cộng sản vẫn coi Mỹ là kẻ thù số một trong các bài tham luận đăng trên tờ kỷ yếu. Do đó sự thuyết phục của Tướng Kỳ với các lãnh đạo cộng sản để họ tin rằng thắt chặt mối bang giao với Mỹ sẽ không gây bất lợi cho chiếc ghế của họ, rất là khó khăn. Ngày nay, trước áp lực bành trướng của Trung Cộng, các Tướng lĩnh cộng sản đã thay đổi tư duy, họ liên tục gửi kiến nghị cho Bộ Chính trị để yêu cầu Việt Nam phải nhanh chóng trở thành đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, thì sứ mệnh của nhà du thuyết Nguyễn Cao Kỳ năm 2004 thiết tưởng không phải là điều vô bổ cho Tổ quốc Việt Nam.

Sự kiện tôi nhắc lại ở đây chắc chắn các ông Hoàng Đức Nhã, Nguyễn Tiến Hưng đều biết đến lời đề nghị của Tổng thống Thiệu với Hà Nội. Cái băng thu tiếng nói của anh Đỗ Văn và cựu Tổng thống Thiệu trong cuộc phỏng vấn hai phút chắc chắn cũng còn lưu trữ trong thư khố của Đài BBC.

Cựu Tổng thống Nguyễn văn Thiệu hay cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ là đại diện chính thống của một chế độ chính trị do dân bầu và được quốc tế nhìn nhận. Tôi không ủng hộ cá nhân ông Thiệu hay cá nhân ông Kỳ, tôi ủng hộ vị thế chính thống của một chế độ đã bị đối phương xem là ngụy. Cái vị thế chính thống của Miền Nam, đối với tôi, quá ư cần thiết, khi người đương quyền nghiêm chỉnh đặt vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc. Vì sự sống còn của Đất Nước, người cầm quyền bắt buộc phải thi hành chính sách đại đoàn kết, họ sẽ phải cư xử với người đại diện chính thể Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta như một đối tác, chứ không thể có hành vi xem như là sự khoan hồng hay ban bố đặc ân.

Có sự chính thống (legitimacy) thì sự hiện hữu của lá cờ vàng ba sọc đỏ mới có ý nghĩa.

Nếu ông Thiệu bị những phần tử chống Cộng dởm tấn công, tôi cũng sẽ phản pháo. Tôi tin rằng tôi ở vào vị thế phản pháo mạnh mẽ hơn cả ông Hoàng Đức Nhã hay ông Nguyễn Tiến Hưng (những cộng sự thân tín cũ của Tổng thống Thiệu), vì tôi không phải là thủ túc của Tướng Thiệu và vì tôi đã chứng tỏ khả năng và quyết tâm của tôi khi tôi bảo vệ thanh danh của phi công Phạm Đăng Cường bị Mặt trận của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh chụp mũ cộng sản, mặc dầu liên tục có những cú điện thoại gọi đến khủng bố tinh thần mà tôi chẳng hề tỏ ra sợ hãi, nao núng.

Khi mới đặt chân về Việt Nam, Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã trả lời câu hỏi của ký giả Hồng Nga của đài BBC như sau: “Tôi không bao giờ chấp nhận chủ nghĩa cộng sản” (a). Khi mở đầu cuộc họp báo với các ký giả Việt Nam và ngoại quốc, Tướng Kỳ tự giới thiệu: “Tôi nguyên là Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa”. Dĩ nhiên, ai cũng biết Tướng Kỳ là cựu Phó Tổng thống của Miền Nam, nhưng ông phải minh danh như vậy là để chứng tỏ rằng Miền Nam đã có một chính thể do dân bầu (tức là có sự chính thống) và được nhiều quốc gia trên thế giới nhìn nhận, chứ không phải là chính quyền Ngụy. Trong khi ấy, Nhà Nước Cộng sản Việt Nam cướp quyền lực từ họng súng, nên không có vị thế chính thống. Từ khi có sự xác minh đó, chúng ta mới bắt đầu được nghe Trung tá Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Trần Anh Kim đã gọi các chiến sĩ Hải quân hy sinh trong trận hải chiến chống Trung Cộng trên đảo Hoàng Sa năm 1974 là những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa anh hùng, yêu nước. Mới đây, chúng ta cũng đã nghe trên hệ thống phát thanh của Đài RFA, luật sư Cù Huy Hà Vũ nói đến kiến nghị của ông yêu cầu Nhà Nước Cộng Sản trả tự do cho tất cả quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị giam giữ cho tới ngày hôm nay. Danh xưng Việt Nam Cộng Hòa đang được đảng viên cộng sản sử dụng công khai.

Chúng ta thua trận, nước Việt Nam Cộng Hòa bị xóa sổ trên bản đồ thế giới. Nhưng chính thể Việt Nam Cộng Hòa từ Đệ Nhất đến Đệ Nhị là một thực thể hợp hiến, hợp pháp, được thế giới công nhận thì sự hy sinh chiến đấu của chúng ta bảo vệ Miền Nam mới là chính đáng, không ai có thể phủ nhận được. Dù ông Nguyễn văn Thiệu hay ông Nguyễn Cao Kỳ về nước và xác nhận mình là nguyên thủ của một thực thể chính trị đã có trong quá khứ, thì chúng ta đều phải hãnh diện, tự hào.

Một cụ già từ dưới quê miền Tây, lặn lội lên Sài Gòn, rồi đứng trước khách sạn Sheraton để chờ gặp gỡ Tướng Kỳ. Khi trông thấy bóng dáng Tướng Kỳ, cụ vội vàng chạy lại, hai tay cầm lấy hai tay Tướng Kỳ và nói trong nước mắt: “Tôi mừng quá ông Tướng ơi! Trông thấy được ông là tôi nhắm mắt được rồi!” Tướng Kỳ đã hỏi cụ già: “Tại sao trông thấy tôi mà cụ yên lòng nhắm mắt?”. Cụ già đáp: “Ông Tướng là người chống Cộng khét tiếng, mà bây giờ họ để ông về nước, tức là cái chế độ cộng sản này trước sau gì rồi cũng phải trả lại quyền tự do cho dân Việt Nam thôi!”.

Anh Minh thấy không? Một cụ già ở dưới quê mà còn biết cái ý nghĩa sâu sắc của Tướng Kỳ về nước là chế độ bắt đầu có sự thay đổi, lâu hay mau chưa ai có thể nói trước được. Có thể rồi đây, anh hoặc tôi sẽ viết xuống cuộc họp báo đầu tiên của Tướng Kỳ từ đĩa DVD để mai sau con cháu mình cũng biết được rằng Miền Nam có nhà du thuyết rất hùng biện chẳng kém gì Tô Tần của Trung Hoa. Ngày nay có những viên chức Nhà Nước đôi khi nói chuyện với Tướng Kỳ cũng gọi Tướng Kỳ là ông Phó Tổng thống một cách tự nhiên trước đám đông. Điều đó chứng tỏ rằng trong thâm tâm người cộng sản đã chịu nhìn nhận chế độ Miền Nam của mình là một thực thể chính trị, chứ không còn coi ta như là tay sai của Đế quốc Mỹ, là Ngụy quân, Ngụy quyền.

Danh xưngViệt Nam Cộng Hòa là cái chính danh mà người Việt chống Cộng lâu nay chỉ giương cao ở hải ngoại. Sau 30 năm, Tướng Nguyễn Cao Kỳ là người đầu tiên tuyên xưng cái quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa trước hàng chục ống kính của ký giả địa phương và ngoại quốc. Tôi phải cám ơn anh Liêu, người tháp tùng vợ chồng Tướng Kỳ đã cung cấp cho chúng ta cái DVD để làm sử liệu. Anh em ta cũng phải cám ơn Tướng Kỳ đã làm cho Nhà Nước Cộng Sản nhìn nhận thể chế dân chủ của Miền  Nam.

Lâu nay tôi chấp nhận búa rìu dư luận để bảo vệ thanh danh Tướng Nguyễn Cao Kỳ (hoặc Tướng Nguyễn văn Thiệu, nếu ông còn sống và trở về Đất Nước) để xác minh sự chính thống của Việt Nam Cộng Hòa. Đó là động cơ duy nhất thúc đẩy tôi. Anh Minh là người đọc được tấm lòng sắc son của tôi đối với đất nước Miền Nam, nên anh đã không để tôi cô đơn như cái hồi tôi phải lẻ loi chống lại sự khủng bố tinh thần của Mặt trận Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, khi tôi đăng bài “Vàng Rơi Không Tiếc” của nhà văn Đào Vũ Anh Hùng trên giai phẩm Lý Tưởng do tôi phụ trách. Tôi hết sức biết ơn tấm lòng tri ngộ của anh. Hẹn anh thư sau.

Thân ái,

Bằng Phong Đặng văn Âu, bạn anh.

© BP ĐVA

© Đàn Chim Việt

——————————————————————————————

Ký giả Hồng Nga viết về cuộc phỏng vấn Tướng Kỳ trên trang mạng BBC (2004)

Ngày đầu ở Việt Nam của tướng Kỳ

Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ vừa cho BBC biết về ngày đầu tiên tại Việt Nam của ông sau 29 năm xa quê.
Trong cuộc nói chuyện với phóng viên Hồng Nga, ông nói ông nghẹn ngào khi đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Nhưng ông có cảm giác hơi lạ vì lần này ông ngồi trong phi cơ ở ghế hành khách chứ không phải ghế người lái.

Trước câu hỏi ông nghĩ thế nào về ý kiến cho rằng ông ủng hộ thể chế cộng sản bằng chuyến đi này, ông phản bác rằng ông chẳng bao giờ chấp nhận chủ nghĩa cộng sản cả. Ông nói ông về vì đất nước, chứ chẳng vì ‘ông chính quyền hay các ông Hải ngoại’.

Tướng Nguyễn Cao Kỳ cho biết ông muốn tìm hiểu, lắng nghe xem hiện tại và tương lai đất nước sẽ đi vào đường hướng nào. Và nếu ông thấy mọi thứ đúng với mong muốn của mình và nếu chính quyền muốn ông đóng góp thì ông sẽ tính. Chứ hiện nay thì ông chưa có tính toán nào cả.
Tướng Kỳ cũng nói thực ra sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ và các thay đổi ở Trung Quốc, Việt Nam thì người ta, kể cả những người cựu cộng sản cũng thấy sự sai lầm của chủ nghĩa cộng sản có những sai lầm và nhìn vào các thay đổi ở Việt Nam mà cứ gọi họ là cộng sản nữa thì cũng không đúng nữa.

Ông Nguyễn Cao Kỳ năm nay 73 tuổi, quê Sơn Tây, đã rời Việt Nam vào năm 1975 và hiện sống tại tiểu bang California, Hoa Kỳ.

2 Phản hồi cho “Đem tâm tình viết lịch sử: Dân Việt mình cần thay máu (2)”

  1. D.Nhật Lệ says:

    Bài viết của ông ĐVÂu không phải là không có điều hợp lý hợp tình nhưng đưa vào lời lẽ của một
    bà nhà quê không biết gì về chính trị,dù bà có lòng tốt đi nữa thì không thuyết phục mấy vì lý luận
    của ông do đó trở nên hời hợt và nông cạn.Bàn về chính trị như thế thì làm sao nói chuyện hòa giải
    hòa hợp với nhà nước VC.từng chơi nhiều canh bạc bịp trên xương máu của nhân dân VN.?
    Thực tế nhất là đòi hỏi VC.phải trao cho dân quyền tự do ngôn luận trước mà chính Hiến pháp VC. quy định rồi từ đó mới có thể đi tiếp tục những bước kế tiếp.Tại sao ? Lý do là vì nếu VC.không
    cho dân nói thì chỉ có Đảng nói mà thôi,nghĩa là nói một chiều tức là không đối thoại gì cả và dân
    phải tuân theo.Thế thì không thể hòa giải hòa hợp mà sa vào vòng lẩn quẩn,không lối ra !
    đó mới đi đến việc thoả hiệp giữa dân và nhà nước

  2. Duc nguyen says:

    Ông Âu thân mến,
    Nhiều người đã lên tiếng khuyên bảo ông nặng nhẹ đều có mà ông vẫn ngoan cố không nghe lời,vẫn một mực lên tiếng đễ bênh vực cho NC Kỳ đã được xếp vào loại hèn mạt và phản trắc…(ĐCV đục bỏ)…
    …..
    Nên tĩnh tâm suy nghỉ mình đang nói gì và làm gì.Già rồi ông ơi không lẽ cứ để chúng tôi phải nặng lời mãi với ông .

Phản hồi