WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Căn nhà ông Ách

Chuông đồng hồ ngoài phòng khách chậm rãi gõ mười hai tiếng.

- Mười hai giờ đó anh. Ngủ sớm, mai còn đi làm.

Thùy che tay ngang miệng ngáp dài, xếp trang sách. Nàng đặt cuốn sách trên ngăn tủ kê ngang đầu giường, đoạn kéo mền trùm ngang cổ nhìn chồng.

- Em ngủ trước, anh đọc hết chương này đã.

Thùy biết, dù có nhắc chồng thêm đôi lần nữa, cũng hoài công. Tuy nhiên, nàng cũng vớt vát trách yêu:

- Thức cho khuya lắm, mai dậy không nổi, nghen ông! Một tuần, hổng biết đi làm trễ mấy ngày. Thôi, em ngủ trước đây.

Thùy kéo chăn phủ trùm cả mặt, xoay đầu sang bên tránh ánh đèn từ trên cao dọi hắt xuống.

- Ừ, em ngủ trước. Ngủ ngon.

Nguyễn lơ đãng trả lời vợ, mắt vẫn không rời trang sách. Anh đã quá quen với những lời ‘âu yếm’ trên, gần như một thông lệ hằng đêm.

Hằng đêm, từ mười năm nay, hai vợ chồng vẫn giữ thói quen đọc sách. Hình như đối với họ, văn chương, ở mặt nào đó, cũng giống như một cái ‘van’, có khả năng giải tỏa bớt bao điều bất ưng, của những tháng năm dài đầy ngán ngẩm, dù cả hai tuổi tác vẫn còn trẻ. Chả bù với thời gian đầu, khi mới định cư nơi xứ người, hai vợ chồng đã không bỏ sót một sinh hoạt vui chơi nào của cộng đồng. Thế mà chỉ vài năm, giờ đây, những hội hè, đình đám, ca hát, khiêu vũ v.v… đã không còn quyến rũ họ nữa. Cả hai dần cảm thấy, bên dưới cái bề mặt hào nhoáng, se sua kia, là vô vàn những ‘âm bản’ đáng tởm lợm. Có lẽ cuối cùng, thế giới văn chương là nơi trú ẩn an toàn nhất, với họ bây giờ.

‘Reng… reng…’

Chuông điện thoại reo, làm Nguyễn giật mình.

Thùy cũng choàng thức. Theo thói quen, nàng quơ tay tìm ống điện thoại trên đầu giường, càu nhàu:

- Giờ này… còn điện thoại…

- Điện thoại Việt Nam? – Nguyễn buông sách, nôn nóng.

Nguyễn nôn nóng là phải! Khuya thế này thì chỉ có thể là những cú điện thoại từ Việt Nam.

- Vâng! Đây là nhà ông Nguyễn. Cám ơn ông… vợ chồng tôi vẫn mạnh. Thưa, ông cũng khỏe luôn chứ?

- …

- Ông nói sao? Bà… bà ấy đã qua đời rồi à? Ôi, Chúa ôi! – Thùy ngồi bật dậy.

Nguyễn buông sách quay qua nhìn vợ. Thùy trao ống liên hợp cho anh:

- Điện thoại của ông Ách. Bà Hồng mới mất.

Nguyễn thoáng bàng hoàng:

- Chào ông Eric. Thưa, ông vẫn khỏe?

Bên kia đầu dây, giọng ông Eric Hacksaw chùng xuống, khác hẳn lúc bình thường:

- Ngu đó hở? Bà Rose vừa mới mất đêm kia… – Câu nói bị đứt quãng bởi tiếng hù hụ lạ tai. Lần đầu tiên, Nguyễn nghe ông khóc.

Trong đầu Nguyễn, hình ảnh bà Rose, vợ ông Eric, rõ dần. Bà Rose tuổi khoảng trên dưới bốn lăm, Nguyễn khó đoán chính xác vì khuôn mặt rất trẻ của bà.

Nguyễn quen biết vợ chồng này khá lâu, khi làm chung, ở một thành phố khác nơi ông Eric đang ở…

Chiếc máy cày loại nhỏ này khá thông dụng với những người làm vườn ‘văn nghệ’, dùng cày xới mảnh vườn nhỏ sau nhà, những khi rỗi rảnh cuối tuần, như một trò tiêu khiển. Tiếng máy nổ đều, hòa tiếng vỡ đất lạo xạo, tạo nên một thứ âm thanh nhộn nhạo dòn dã quen thuộc mà hơn mười năm Nguyễn mới được nghe và nhìn thấy lại từ khi anh rời quê nhà. Thằng Bi con của Nguyễn ngồi gọn lỏn trong lòng ông Eric, đôi môi mím lại, đưa hai chân ngắn ngủn cố đạp xuống chân ga bên dưới chưa với tới. Cu cậu đành rú bằng mồm phì phì văng đầy bọt, mặt đỏ kè mồ hôi mồ kê tuôn dọc hai bên thái dương. Ông Eric cười theo, đẩy thằng bé về trước nhường tay lái. Thằng Bi thích quá, càng rú mạnh ‘ga mồm’, hai tay cứ xoay liên tục hết trái sang phải cày nát mảnh đất quanh nhà.

Chiếc máy cày này ông Eric chở tới, để xới lại mảnh đất xung quanh căn nhà mới, Nguyễn vừa mua. Từng kinh nghiệm, ông Eric cho Nguyễn biết những mảnh đất mới này dễ lún vì mưa và tuyết; cần phải xới lên. Thay vì nện bằng những loại chày, vồ gỗ cho dẻ đất, ông Eric dùng phương tiện cơ khí này, vừa nhanh lại vừa ít tốn công sức, thời gian.

Nguyễn đang dựng hàng rào ngăn hai bên hông nhà hàng xóm; thỉnh thoảng, anh bỏ dở tay đứng ngắm ‘hai ông cháu’ đang vừa làm vừa vui đùa. Nhìn thằng Bi, bi bô cái miệng tía lia, Nguyễn nhớ lại khoảng đời thơ ấu nghèo khổ của anh hơn ba mươi năm về trước khi còn ở quê nhà…

Chiếc xe thổ mộ cũng già nua như con ngựa ốm gõ móng lọc cọc phía trước, Nguyễn ngồi lọt thỏm trong lòng ông nội. Phía trên, tấm mui rách tả tơi phần phật trong gió chiều. Hai bên con lộ đất ngổn ngang ổ gà, cánh đồng phủ ngập cỏ dại cùng những gốc rạ mục. Đã bao lâu rồi ruộng nương hoang phế? Chiến tranh triền miên, dân quê bỏ làng ra phố kiếm ăn, kẻ ở lại thì thoi thóp với đói nghèo. Tuy nhiên, tuổi trẻ nào đã biết gì! Khi được ông trao cho dây cương, Nguyễn cũng hả hê như con anh bây giờ. Anh cảm thấy hãnh diện được ông giao cho trọng trách, miệng anh cứ nhíp ‘tắc tắc’ liên tục hối thúc con ngựa già kéo cho lẹ, sợ nắng tắt sớm, không về kịp buổi cơm chiều…

Giữa hai hình ảnh, anh ngày xưa và con anh hiện tại, ai hạnh phúc hơn ai?

Nguyễn không biết. Thật tình anh không biết.

- Anh ơi? Nghỉ tay đã, vào ăn cơm. Mời luôn ông Eric. – Thùy ở nhà bếp kéo khung cửa kính ló đầu ra gọi chồng.
Bà Rose đứng cạnh Ly, đứa con gái ba tuổi của vợ chồng Nguyễn, bảo:

- Ly nào! Gọi ông Eric Hacksaw vào ăn cơm đi con.

Con bé ngọng nghịu, láu táu:

- Ông H…ách-sồ ăn cum, cum…

Vợ chồng Nguyễn cười vang giữa sự ngạc nhiên đôi vợ chồng người da trắng gốc Nga vừa mới quen không lâu. Nguyễn giải thích sự tích về ông Nghị Hách, một nhân vật tiểu thuyết điển hình của văn học Việt Nam. Ông Eric có vẻ thích nhân vật có tên Nghị Hách lắm! Nhưng vì có âm H, ông thường đọc ngọng trại ra thành Ách. Cũng như họ của Nguyễn, đối với người Tây phương, âm giọng này rất khó đọc vì hai chữ Ng, vì thế bà Hồng thường gọi Nguyễn ra Ngu. Từ đó, vợ chồng Nguyễn và ngay cả bà Rose (Nguyễn cũng dịch ra tên Việt Nam là Hồng) đều gọi ông Eric Hacksaw là Ách, một cách thân mật…

- Bà Hồng, bệnh làm sao, lúc nào mà qua đời vậy ông Ách?

- Có bệnh gì đâu! Bị động tim. Vừa phát tác, tôi gọi điện thoại ngay, xe cứu thương chưa kịp đến, bà ấy đã đi rồi… – Ông Ách ngưng ngang. Tiếng hỉ mũi của ông, Nguyễn nghe vang rõ mồn một…

- Cũng tại cái số cả, Ngu à! Không hiểu tại sao lúc trước, vợ chồng tôi đi mua chi mảnh đất quá xa khu thị tứ, để bây giờ xẩy ra có hối hận đã muộn rồi. Tưởng mua nhà để dưỡng lão! Ai dè dưỡng… lão đâu chả thấy, chỉ thấy…

Tiếng xù xụ, tiếng hỉ mủi lại vọng tới hơn hai ngàn cây số làm Nguyễn thêm mủi lòng. Nhưng nhìn cái đồng hồ con con báo thức, Nguyễn thấy đã gần ba giờ sáng và Thùy vẫn ngồi bên ngóng chuyện, anh muốn tìm lời an ủi ông bạn già, đồng thời chấm dứt cuộc điện đàm:

- Ông Ách. Bây giờ, ông tính sao? Tôi nghĩ, ông cứ tiếc nhớ bà nhà mãi, nhất là lúc này, cũng không giúp được gì ông đâu.

- Cậu vẫn làm chỗ cũ chứ, Ngu?

Nguyễn hơi ngạc nhiên, đang nói chuyện này ông Ách bắt sang chuyện khác bất chợt.

- Vẫn đi làm bình thường, nhưng công việc trì trệ lắm, một tuần đi làm chỉ ba-bốn hôm.

Ông Ách hơi ngập ngừng.

- Này Ngu… Cậu có thể lên đây giúp tôi một tay? Một mình tôi bối rối và buồn quá, không biết phải làm sao cả.

Nguyễn hơi khựng lại trước lời yêu cầu ông bạn già:

- Còn thằng David đâu?

Nguyễn nhắc tới người con trai của ông Ách, làm ông thêm mủi lòng.

- Nó bây giờ đang đóng quân ở Kuwait trong đoàn quân của Liên hiệp quốc. Cả tháng nay tôi cũng rầu thúi ruột! Tôi nghĩ, má nó mất cũng phần nào do hoàn cảnh của nó. Ban ngày bả đi làm, chiều về vừa đến nhà bỏ cả ăn uống, ôm cái ti-vi suốt cả ngày đêm; từ cái đêm lão Bush tuyên bố cuộc chiến ở Trung Đông. Cậu cũng biết thằng David nhà tôi là sĩ quan trong binh chủng không quân. Hôm kia, bà nhà tôi nhìn mấy thằng không quân Mỹ, bị lính của ông Sadam Hussen đánh bầm mặt bầm mày làm bả lo cho thằng David thêm. Cứ sợ hôm sau nhìn thấy nó được’ lên ti-vi thì hết đời thằng nhỏ. Cậu cũng biết, vợ chồng tôi chỉ có một đứa con trai độc nhất là nó.

Thấy gia cảnh của ông Ách quá bi thương, Nguyễn không sao chối từ. Dù rằng, Nguyễn biết sự có mặt hay không của anh cũng chẳng giúp gì được ông Ách. Tuy nhiên, chỉ những lúc như thế này, sự quan tâm đến nhau mới thực sự cần thiết. Nguyễn nhớ đến buổi sáng mùa đông năm nào…

.. Bầu trời xám xịt màu chì nặng nề, mây vần vũ kéo xuống thật thấp, gió giật từng cơn ngắn và mạnh, thổi tốc những bông tuyết cuốn xoáy lại tạo nên những vòng trôn ốc. Âm độ xuống thật thấp gần 30 độ C, lạnh cắt da mỗi khi gió thổi.

Nguyễn xuống bãi đậu xe. Anh lui cui bật công tắc đề mấy lần chiếc xe vẫn không chịu nổ máy. Anh biết chắc sẽ đi làm trễ hôm nay.

Thùy nghe chồng lẩm bẩm, hỏi:

- Có chuyện gì mà sáng sớm mặt anh một đống khó coi vậy?

Nguyễn bưng tách càfê uống một ngụm nhỏ:

- Xe không nổ máy!

- Anh không cắm điện xe tối hôm qua à?

Nguyễn bực dọc:

- Ai biết thời tiết thay đổi nhanh dữ vậy. Cái xứ gì lạnh nóng bất chợt tùy hứng.

- Anh còn ngồi đó lầu bầu, cũng chẳng nên tích sự gì đâu. Điện thoại đến mấy ông bạn nhậu của anh nhờ họ câu giùm bình điện. Em đi làm, trễ lắm rồi.

Thùy uống vội hớp càfê còn lại rồi lấy chiếc xách tay đeo lên vai, vội vã bước ra cửa. Xưởng làm của Thùy gần nhà, nàng thường đi bộ.

Nguyễn quay số, gọi Vinh, một thằng bạn khá thân.

- Nhờ ông chạy lại câu bình điện, được không?

- Trễ lắm rồi ông ơi! Chỉ còn mươi mười lăm phút lái xe đến sở, sao kịp.

Nguyễn hấp tấp:

- Tiện đường đi ngang tôi, ông ghé lại vài phút là xong ngay…

- Hay ông kêu xe kéo lại. Ông có mua bảo hiểm của CAA? Gọi bảo nó lo! Còn không thì… mười lăm đồng bạc taxi chứ nhiều nhỏi gì.

Nguyễn dằn mạnh ống điện thoại, văng tục:

- Đù mẹ! Bạn với bè!

Anh định gọi nhờ vài người bạn khác, nhưng lại ngại một sự chối từ khéo léo nữa.

Chợt tiếng điện thoại reo. Nguyễn thoáng mừng, ngỡ Vinh liên lạc lại.

- Hello. Ngu đó hở? Ách đây. Cậu có đi làm được không? Tôi điện thoại đến cậu, vì thấy sáng nay tuyết rơi khá dày và nhiều. Tôi đã phải bỏ hơn tiếng đồng hồ để xúc cả cái sân đầy tuyết sau nhà, mới dời được xe ra đường. Còn cậu thế nào?

Nguyễn nói vài lời cám ơn, đoạn than van:

- Ông Ách ơi! Xe tôi nó chết máy vì hết bình điện. Có lẽ tôi nghỉ làm hôm nay.

- Cậu nghỉ làm sao được! Cậu không nhớ hôm nay thằng Bob làm bên chính phủ sẽ xuống hay sao? Hay là thế này… Đợi mười phút, tôi chạy lại giúp cậu ngay.

Nguyễn mừng lắm, nhưng ngại vì anh mới quen ông Ách không bao lâu, nhà ông lại khá xa và phải lái xe ngược đường. Anh chối từ:

- Cám ơn ông. Nếu vậy phiền ông quá. Tôi quên hôm nay có thằng Bob xuống. Tôi gọi taxi đi làm cũng được…

- Cậu đừng ngại. Tôi tới ngay, tới ngay. Kêu taxi làm chi tốn tiền. Nhớ chờ tôi mươi phút, O-kay?

“Mình đâu có chối từ được, phải không em? – Nguyễn nhớ lại lời anh nói với vợ khi nàng chuẩn bị va-li cho anh sáng nay.

Trời tháng giêng, buổi sáng nhiều gió và mây. Mưa lất phất rơi xiên xiên, những sợi nước li ti ngắn ngủn bám vào khung cửa kính tròn như muốn đóng băng, chợt tan loãng nhanh chóng dưới sức nóng từ hệ thống sưởi tỏa ra.

Thân tàu rung mạnh khi vượt khỏi phi đạo sũng nước. Nguyễn lấy tờ báo phủ úp trên mặt, ra hiệu từ chối buổi điểm tâm trên đoạn đường bay xuyên bang hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Mắt anh cay xè vì khó ngủ suốt đêm qua. Nguyễn cố ru mình vào giấc ngủ, nhưng thân phi cơ cứ rung nhẹ mãi…

Chóng mặt thật, dù từ chỗ ông Ách đang ngồi cưa một đoạn gỗ thừa trên mái nhà xuống đất không cao là bao. Mình già rồi, ông Ách nghĩ.

Tiếng còi xe ré lên ngoài cổng làm ông giật mình. Ông Ách bỏ cưa, nhìn ra, thấy gia đình Nguyễn đang ào ào khuân nồi niêu, đồ ăn đi vào. Bà Hồng lau vội hai tay vào vạt áo đi ra, tíu tít hỏi Thùy. Bà lúc nào cũng thế, luôn luôn vui nhộn một cách ồn ào:

- Hôm nay cô cho chúng tôi thưởng thức món ngon gì đây?

- Bồ câu rô-ti, bà Hồng ạ.

Bà Hồng lập lại câu nói của Thùy có thêm dấu hỏi và cười ngặt ngẽo lộ những lớp nhăn khó dấu khi không son phấn.

- Ôi, những con bồ câu dễ thương của nhân loại sắp bị tử hình!

Thùy cười theo, vui vẻ. Nàng hiểu câu đùa ý nhị của bà Hồng.

Thùy còn nhớ cách đấy khá lâu, trong một buổi tiệc cuối tuần có mặt cả Tây lẫn Việt ở nhà nàng. Hôm ấy, Thùy làm các món ăn cho cả đôi bên, bày biện trông rất bắt mắt ở hai đầu chiếu dưới thảm giữa phòng khách. Buổi tiệc đang dở chừng, Nguyễn đứng dậy vẻ trịnh trọng giới thiệu một món ăn ngon rất thuần túy Việt Nam. Anh nói chưa dứt, Thùy đã mang lên hai cù lao nghi ngút khói. Phía Việt nhà ta vừa nhìn thấy là biết ngay món lẩu lươn tuyệt khẩu. Nhưng khi Thùy mở nắp cù lao, bà Hồng nhìn thấy những con lươn nằm cuộn tròn bên trong, bà hét lên một tiếng ‘Snakes!’ hãi hùng làm tất cả mọi người cũng hoảng hồn theo. Ông Ách ôm chầm lấy vợ trấn an. Là nông dân gốc Nga, vừa nhìn ông Ách biết đó là những con lươn được nấu nướng theo cách của người Á châu. Ông Ách cười, thản nhiên đưa cây xiên xắn ngang khúc đầu con lươn bỏ vào mồm nhai, trước đôi mắt mở to như kinh khiếp của vợ. Sau vài ly rượu mạnh, ông Ách cố nài ép bà Hồng khúc lẩu lươn còn nóng. Được hơi men kích thích, dù vẫn còn sợ những ‘con rắn’ nằm cuộn tròn quanh cù lao đầy ắp rau cải, bà Hồng cũng cố nhắm mắt mà nuốt “khúc rắn” vào bụng. Từ hôm ấy, dần dà cũng quen, không một món ăn Việt Nam nào bà chối từ, lại còn nhờ Thùy chỉ vẽ cách nấu nướng…

Ở cuối vườn, ông Ách cùng Nguyễn đi song song chuyện trò. Con Ly ngồi ngất ngưỡng trên đôi vai lực sĩ của ông Ách, cười trêu thằng Bi đang đếm những đồng bạc kền vừa móc trong túi quần ông Ách.

Những mảng tuyết lớn chưa kịp tan hết sau mùa xuân, lốm đốm trắng rải rác khắp vườn sau, nhìn như những căn nhà egoes bằng tuyết của người da đỏ cực Bắc.

Bên kia vườn không xa lắm, ngôi giáo đường cũ kỹ, cây thánh giá xiêu vẹo cắm trên vòm nhà hình cung tròn – lối kiến trúc cổ của Nga – làm Nguyễn liên tưởng đến ngôi mộ vĩ đại của một Nga hoàng nào đó di dân chết và được chôn nơi đây. Qua cánh đồng bát ngát, một làng của những di dân gốc Nga có đạo, sống tập thể và tách biệt người bản xứ, quây quần nhau trong những dãy nhà khang trang với những đàn gia súc. Họ cưới gả con cái cho nhau; cứ thế ngày một đông đúc thêm, tạo thành một thế giới riêng.

Đó là lý do mà vợ chồng Ách mua đất rất xa khu thị tứ. Ông thường tâm sự cùng Nguyễn. Ám ảnh lớn nhất của ông là luôn luôn hoài vọng về một đất nước Nga thanh bình. Cổ ngữ đất nước nào cũng có câu ‘Chim có tổ người có tông’, con chim bị thương khi chết cũng bay về cái tổ của nó nằm liếm vết thương; và con người khi già cũng hướng vọng về nơi mình đã chôn nhau cắt rốn. Đất Nga quá xa trong tầm mắt ông Ách bây giờ. Vì thế cái làng của những di dân người Nga có đạo là hình ảnh một nước Nga thu nhỏ trong lòng một ông già sống xa quê hương mòn mỏi ngày về. Và, cái mái vòm hình cung lớn, có dát những mảnh gương màu lập thể đội lên ngôi giáo đường sừng sững giữa cánh đồng cô quạnh đã luôn gợi trong lòng ông Ách những kỷ niệm một thời thơ ấu. Thỉnh thoảng, vợ chồng ông qua làng bên mua vài con gà lôi, dăm đôi vịt xiêm, con lợn đất để dành ăn vào những tháng dài mùa đông; nhưng chủ ý ông bà muốn tìm lại hình ảnh quê hương, những thổ ngữ ríu rít, những trang phục đặc thù…

Nguyễn dừng lại, chỉ cái ao khá lớn có bắc nhịp cầu ra tới khoảng giữa, thắc mắc hỏi ông Ách đào làm chi khi ở đây mùa đông kéo dài và mặt hồ sẽ đóng băng suốt sáu tháng. Ông Ách thở dài… Ở đây tìm được cái ao để nhìn thật hiếm, không như xứ Nga của ông và xứ Việt Nam của Nguyễn, đầy rãy. Ông bảo, đào ao chỉ để nhìn được mấy chú ếch, nhái nhảy lủm chủm và những con gọng vó chân dài bơi đùa trên mặt nước trong vài tháng hè, cũng nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ quê . Ông Ách chỉ ngôi nhà, tiếp, ‘Nó nhất định sẽ thành hình đúng khuôn mẫu của tổ tiên tôi bên Nga.’

… Ra khỏi phi trường, Nguyễn gọi taxi trở lại ‘quê cũ’. Sau ba năm trở lại, nhìn cảnh cũ, tâm trạng anh vẫn trống rỗng. Dù nơi đây gia đình anh từng sống hơn mười năm qua. Mảnh đất này chẳng gợi trong tâm thức anh một chút luyến tiếc gì. Hơn bao giờ hết, Nguyễn thấy thấm thía khôn cùng hai chữ ‘tha phương’.

Nguyễn nhìn cùng khắp, vẫn không một đổi thay. Ngôi giáo đường vòm cung đội đầy tuyết đứng ngạo nghễ đơn côi giữa cánh đồng với cây thánh giá rỉ sét xiêu vẹo; cái làng của những di dân Nga vẫn lạnh lùng, xa cách, mọi cửa ngỏ khép kín trầm mặc.

Chợt mắt Nguyễn bắt gặp một đổi thay. Trên chóp mái nhà ông Ách, là cái vòm vòng cung tròn có dát những mảnh gương lập thể đang cất dở. Nguyễn nhẩm tính thời gian. Năm năm! Hình ảnh của xứ Nga được tái tạo trên mảnh đất tạm dung, bằng số lương hai vợ chồng ông Ách kiếm được, hàng tháng, vẫn chưa thành hình, trừ cái vòm vòng cung, những mảnh gương lập thể và cột thu lôi trơ trọi. Nguyễn hình dung đến một đôi chim sẻ, cần mẫn tha từng cọng rơm cỏ để xây cho mình một tổ ấm trong nhọc nhằn và kiên trì.

Ông Ách đón Nguyễn ở bậc cửa tầng dưới đã cất xong từ những năm đầu dựng căn nhà. Ông vẫn vậy không thay đổi mấy, thân hình vẫn to lớn dềnh dàng, duy những lớp nhăn trên mặt thì hình như nhiều hơn, sâu hơn, và mái đầu đã bạc trắng.

Cả hai ôm nhau, im lặng.

Nguyễn nhìn ngôi nhà. Bên kia thế giới mù ảo liệu bà Hồng có hài lòng về những gì mà vợ chồng bà đã bỏ công sức dựng nên, và chưa biết đến bao giờ mới hoàn tất?

Ông Ách đưa Nguyễn vào nhà. Chỉ cái lọ cổ đựng hài cốt của vợ, ông nói:

- Cuối tháng tôi về Nga, bên đó giờ đã thanh bình. Tôi muốn đưa bà ấy về theo, về với quê hương, về với mảnh đất chúng tôi đã từng sinh sống, vui đùa thuở thiếu thời. Tôi nghĩ, chắc bà ấy hài lòng. Còn gì vui sướng hơn khi được yên nghỉ vĩnh viễn trên chính quê cha đất tổ mình, phải không Ngu?

Nguyễn ngạc nhiên:

- Ông hồi hương? Vậy… căn nhà và David?

- Tôi đã bán căn nhà cho người bạn, riêng thằng David tùy nó lựa chọn, dù sao nó cũng sinh ra ở đây.

Ngoài kia tuyết rơi mỗi lúc một trắng xóa, dày đặc hơn. Căn nhà đứng chơ vơ, nhỏ nhoi, tội nghiệp giữa đồng không hiu quạnh. Nguyễn biết chắc, căn nhà của ông Ách, sẽ mãi mãi không thành hình một căn nhà kiểu Nga trong trí anh, ngoài cái vòng cung tròn có dát những mảnh gương đủ màu sắc lập thể, cùng cột thu lôi sáng ngời đến lạnh buốt tê người!

Phản hồi