Tôi viết về những người cam chịu lịch sử
Tôi muốn đề cập đến một mặt khác của chiến tranh, chính xác hơn là nói đến những người tham gia chiến tranh một cách đặc biệt, chưa từng được nhắc đến trong các cuộc tổng kết, các buổi hội thảo, những người tham gia chiến tranh bằng việc đi tù.
Lịch sử một đất nước, một dân tộc thường được biết đến như lịch sử những cuộc chiến tranh. Lịch sử Việt Nam càng chứng tỏ điều ấy. Những cuộc chiến tranh chống phong kiến phương Bắc (Trung Hoa), những cuộc chiến tranh với Chiêm Thành, và những cuộc chiến tranh “mở mang bờ cõi”. Đó là chưa kể những cuộc nội chiến như Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài bao nhiêu năm tháng.
Chỉ trong thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam đã trải qua bốn cuộc chiến tranh: Chiến tranh chống Pháp, chiến tranh Nam Bắc và chống Mỹ, chiến tranh chống Pôn Pôt (Pol Pot) ở biên giới Tây Nam và chiến tranh chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.
Chiến tranh đã kết thúc trên 30 năm, đã lùi xa. Đã được tổng kết, sẽ còn được các bên tham chiến tiếp tục tổng kết. Tổng kết và vinh danh những người đã ngã xuống. Nước Mỹ dựng bức tường Việt Nam, ghi tên hơn 5 vạn binh sĩ hy sinh. Và ở Việt Nam, biết bao đơn vị anh hùng, cá nhân anh hùng đã được tuyên dương…
Tôi muốn đề cập đến một mặt khác của chiến tranh, chính xác hơn là nói đến những người tham gia chiến tranh một cách đặc biệt, chưa từng được nhắc đến trong các cuộc tổng kết, các buổi hội thảo, những người tham gia chiến tranh bằng việc đi tù. Những người đóng góp vào cuộc chiến không phải bằng sinh mạng của mình mà bằng tự do của mình. Với kinh nghiệm sống trong một đất nước liên tiếp có những cuộc chiến tranh, tôi hiểu chiến tranh không chỉ đến một mình. Bao giờ nó cũng có một người bạn đồng hành: Nhà tù. Đó là người anh em sinh đôi của chiến tranh.
Trong chiến tranh, việc gìn giữ hậu phương là vô cùng quan trọng. Hậu phương là gốc rễ, là cội nguồn, là căn cứ bảo đảm sống còn cho tiền tuyến, cho chiến đấu và chiến thắng.
Khẩu hiệu: Dù phải đốt cháy dẫy Trường Sơn cũng vẫn chiến đấu tới thắng lợi hoàn toàn đã thể hiện rõ quyết tâm của miền Bắc giành chiến thắng bằng bất kỳ giá nào. Sự có mặt của 50 vạn sĩ quan và binh lính Mỹ cùng quân đội các nước đồng minh như Nam Triều Tiên, Úc,… tại miền Nam Việt Nam đã đẩy miền Bắc Việt Nam vào những năm tháng cực kỳ gay go gian khổ: Dốc toàn bộ nhân lực, vật lực, hy sinh tất cả cho cuộc chiến.
Trong cuộc chiến tranh khốc liệt này, miền Bắc thực hiện chủ trương pha lê hoá hậu phương. Những người đã từng cộng tác với Pháp, với Mỹ, những người có biểu hiện thiếu lòng tin vào sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản, những phần tử đáng ngờ, những kẻ trộm cắp, du thủ du thực,… tóm lại tất cả những gì là vẩn đục so với yêu cầu trong như pha lê của một xã hội cần pha lê hoá, đều bị tập trung cải tạo và đó được coi là một biện pháp không thể thiếu. Hơn nữa, nó còn có ý nghĩa răn đe những người khác, hướng tất cả vào mục tiêu chung.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn và Nguyễn Chí Thiện tại cầu Golden Gate,
San Francisco tháng 5/2009. Ảnh: Đàn Chim Việt
Tác giả và Nguyễn Chí Thiện trước tượng đài Joseph Baerman Strauss,
cầu Golden Gate, San Francisco tháng 5/2009. Ảnh: Đàn Chim Việt
Tổng kết về một cuộc chiến tranh không được quên những người đó. Họ đã góp phần vào chiến thắng, bằng cuộc đời mình, bằng sự đóng góp phần cao quý nhất của mình: Tự Do!
Họ có quyền được chia sẻ niềm tự hào, dù là sự tự hào nhục nhã.
Dù họ chỉ là những người cam chịu lịch sử.
Lịch sử phải viết về họ.
Văn học phải viết về họ.
Thiết tưởng cũng cần nhắc lại ở đây quan điểm của Albert Camus về nhà văn và nghề văn được bày tỏ trong diễn từ nhận giải Nobel văn học tại Stockholm (Thuỵ Điển) ngày 10 tháng 12 năm 1957, cách nay hơn nửa thế kỷ:
“Theo định nghĩa, nhà văn giờ đây không thể phụng sự những người làm ra lịch sử, anh ta phục vụ những kẻ cam chịu lịch sử. Nếu không anh ta sẽ cô đơn và đánh mất nghệ thuật của mình. Tất cả những đạo quân của bạo cường với hàng triệu người cũng sẽ không cứu nổi anh ta ra khỏi sự cô đơn, ngay cả và nhất là nếu anh ta thuận tình đi đều bước với họ. Nhưng sự im lặng của một người tù không quen biết ở tận cùng thế giới, bị bỏ mặc trong nhục nhằn, cũng đủ kéo nhà văn ra khỏi trạng thái lưu đầy ấy mỗi khi, giữa những đặc quyền đặc lợi của tự do, anh ta có thể vượt lên để không quên sự im lặng đó và làm cho nó vang lên bằng những phương tiện của nghệ thuật.”
Chính với những suy nghĩ như vậy tôi đã cầm bút viết văn trở lại sau hơn 20 năm im lặng.
Cuộc đời sáng tác của tôi chia ra làm 2 thời kỳ.
1) Thời kỳ đầu tiên: Từ năm 1954 tới tháng 11 năm 1968, nghĩa là từ lúc bắt đầu nghề viết văn tới khi tôi bị bắt đưa đi tập trung cải tạo.
Trong thời kỳ này, những sáng tác của tôi đều ca ngợi con người mới cuộc sống mới, ca ngợi Đảng Cộng Sản Việt Nam, ca ngợi những người làm ra lịch sử. 14 năm đầu tiên, tôi viết theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, mô tả cuộc sống dưới sự lãnh đạo của Đảng, đang phát triển, đang đi lên, một xã hội không có bi kịch như nhà thơ Tố Hữu, người lãnh đạo văn nghệ Việt Nam đã khẳng định.
2) Thời kỳ thứ hai: Từ năm 1990 tới nay.
Đây là thời gian tôi viết về những người cam chịu lịch sử, về những thân phận bé nhỏ, về những người cố gắng tồn tại giữa những bánh xe của lịch sử, đặc biệt là những phận người rơi vào thảm cảnh tù đầy, những người chịu sự khinh bỉ của xã hội.
Về hai thời kỳ này của tôi, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (Viện Văn Học VN) đã có một cái nhìn tổng thể như sau:
Năm 1995, sau 27 năm bị ngắt tiếng, “bị văng ra ngoài quỹ đạo”, Bùi Ngọc Tấn đã từ một hiện thực khác trở về. Và văn ông bây giờ là nói về một hiện thực khác và từ một hiện thực khác mà nhìn lại. Viết hồi ức, chân dung, truyện ngắn, tiểu thuyết, nhân vật chính trên các trang văn của Bùi Ngọc Tấn là chính ông và những người bạn cùng thế hệ được soi chiếu từ hai phía của một khoảng thời gian đã thành vạch phân cách đời người đời văn: 5 năm (1968 – 1973). Con dấu đóng giáp lai văn nghiệp Bùi Ngọc Tấn mang số hiệu CR 880
(CR 880 là số tù của tôi – BNT).
Thời kỳ viết văn thứ hai tới nay, tôi đã công bố hai tập truyện ngắn, hai tập hồi ký và hai quyển tiểu thuyết.
Những truyện ngắn của tôi đều viết về “những người cam chịu lịch sử”:
Một người có công với cách mạng bị nghi vấn, tất cả bạn bè đều xa lánh anh ta. Quấn quít trung thành với anh ta chỉ còn một con chó.
Một chị gái điếm chuyên phục vụ đám ăn mày.
Một anh tù bị giải đi trong một ô xà lim bịt kín trên xe com măng ca, trên một quãng đường 30 km nhưng từ sáng đến tối mới tới nơi, cực kỳ hoang mang vì những người áp tải thỉnh thoảng lại dừng lại để bắn chim mà anh ta không biết vì sao.
Một anh tù đi họp hội trường, gặp lại thầy cũ bạn cũ, từ dưới đáy xã hội, anh ta trở lại bậc thang học giỏi nhất lớp của mình. Nhưng khi cuộc họp mặt vừa tan, anh ta đã trở về vị trí “phó người” trong xã hội.
Một giám đốc bị bắt oan, vào tù bị “đầu gấu” đánh đập và bắt khoả thân đứng làm Nữ thần Tự Do, khao khát được như những người khác là chăn và giữ mấy con kiến trong một vòng tròn trên nền buồng giam nhưng không được “đại bàng” cho phép. Chỉ đến khi ra tù ông mới có thể thực hiện khát vọng ấy:
Cài trái cửa, giám đốc rút ngăn kéo lấy ra một lọ nhỏ, trong đựng 4 con kiến, thả lũ kiến vào một vòng tròn bằng phấn vẽ trên bàn. Ông bẻ bánh cho chúng ăn và lấy những các vidit (có rất nhiều – trong ngăn kéo của khách và của ông) chặn chúng lại. Thỉnh thoảng ông còn đặt cả ghế lên bàn làm việc. Và khoả thân trên ghế. Đứng thẳng. Mắt hướng về phía xa. Tay giơ cao. Như nữ thần Tự Do.
Tôi xin phép được nói một chút về quyển tiểu thuyết Chuyện Kể Năm 2000 của tôi. Đó là bộ tiểu thuyết của đời tôi, bộ tiểu thuyết mang đậm chất tự sự của tôi. Chuyện một nhà báo đồng thời là một người viết văn mang tên Nguyễn Văn Tuấn bị bắt tập trung cải tạo trong thời gian chiến tranh chống Mỹ (1968 -1973).
Cuộc sống trong tù của anh ta không có gì đáng nói ngoài nỗi đau ê ẩm gặm nhấm tim anh. Đó là một chuỗi dài những ngày xam xám, nhờ nhờ, bợt bạt. Như thứ ánh sáng lọt qua lỗ thông hơi vào xà lim những buổi chiều tà. Anh tù mười ngày cũng như anh tù mười năm. Một hiện tượng buồn thảm lặp đi lặp lại. Cuộc sống tẻ nhạt đơn điệu càng đơn điệu, tẻ nhạt vì không ai tin ai. Người tù này nhìn người tù khác bàng con mắt nghi ngờ. Ai cũng có thể là ăng ten, là chỉ điểm. Không ai cởi mở cùng ai. Bụng cứ liền rốn. Mỗi người là một vòng tròn khép kín. Thật khó viết. Rất dễ nhạt. Tôi cố gắng vượt qua khó khăn ấy, nói lên điều ghê sợ ấy trong cuốn tiểu thuyết của tôi. Nó bàng bạc khắp trong quyển truyện.
Rất khó cho tôi khi muốn kể lại nội dung Chuyện Kể Năm 2000. Đây là một cuốn tiểu thuyết không có cốt chuyện, chỉ có thể trực tiếp đọc nó. Đây là những cuộc đời bất hạnh tồn tại bên nhau, mỗi người mang một nỗi niềm riêng, một hoàn cảnh riêng, một lý do riêng để đến với nhà tù. Nhưng nội hàm của nó rộng hơn nhiều. Đằng sau các nhà tù, là cả một xã hội thời chiến tranh gian khổ khó khăn, thiếu thốn. Là cách quản lý xã hội thời chiến trong những ngày gay go ác liệt nhất, nghĩa là một nền chuyên chính vô sản được nâng lên một cấp độ mới. Bị nghi có những tuyên truyền chống Đảng Cộng Sản, nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Tuấn bị biệt giam xà lim, rồi lê chân hết nhà tù này đến nhà tù khác. Gần 5 năm sau, Tuấn được tha, không kết án, không buộc tội. Cuộc sống hậu tù của Tuấn gay go không kém những ngày sống trong tù. Nhất là khi ông trưởng công an quận gọi anh ta ra đồn, tuyên bố thẳng:
- Chúng tôi không cho anh đi làm. Tôi đã chỉ thị cho tiểu khu rồi. Tiểu khu không cấp giấy cho anh.
Sống dưới đáy xã hội, Tuấn nghiền ngẫm công lao của hắn đã đi tù để góp vào chiến thắng, và âm thầm giữ trong lòng nỗi “tự hào nhục nhã” của mình. Hắn có những thói quen mới: Ngồi ở đâu cũng cố ngồi thu nhỏ lại, gãi tai, nói chuyện với ai cũng gãi tai, kể cả nói chuyện với con, và không thể nào quên được những ngày tù tội. Thế rồi
“điều khủng khiếp nhất đã đến với hắn suốt một thời gian dài sau đó. Gặp ai, ở đâu hắn cũng tưởng như gặp lại bạn tù cũ. Nhìn những người trên đường, hắn giật mình: “Quái nhỉ, ở trại nào nhỉ. Quen quá. Không biết đã gặp ở đâu rồi. Được về bao giờ nhỉ”.
Đó là một cảm giác kỳ lạ. Hắn luôn gặp những khuôn mặt tù quen quen. Những khuôn mặt tù ngờ ngợ. Không biết ở trại nào. Hẳn họ cũng như hắn. Mới được ra trại. Thoạt đầu hắn cho là hắn mắc bệnh quên. Trí nhớ hắn suy giảm, nên hắn không nhớ được những người bạn tù ấy. Nhưng rồi hắn giật mình: “Chẳng lẽ nhiều người đi tù về đến thế? Đất nước lắm người đi tù đến thế?”
Và hắn hoảng lên: “Mình hỏng mất rồi! Đầu óc mình hỏng mất rồi!”
Cùng với Tuấn là già Đô, một Việt kiều sống tại Pháp, bỏ cả người vợ Pháp và cô con gái nhỏ, nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc về Việt Nam, xây dựng đất nước. Già bị tập trung cải tạo vì đã thẳng thắn đấu tranh với cấp trên, và khi bị đuổi việc lại mắc thêm một sai lầm nữa: Đấu tranh theo kiểu Pháp. Ngồi ngay ở cổng xí nghiệp, tay cầm một miếng gỗ dán vuông, có cọc cắm, trên miếng gỗ dán già viết dòng chữ: “Phản đối giám đốc xí nghiệp vô cớ sa thải công nhân.” Đó là một hình thức đấu tranh không thể chấp nhận trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Thế là già vào tù. Khi được tự do, già về nhà Tuấn đã ra tù trước già một năm. Hơn hai chục năm già mới lại được sống trong không khí một gia đình, mới được ôm một đứa trẻ vào lòng. Già gặp con Tuấn, một đứa bé lên năm (cũng trạc tuổi cô con gái bé bỏng của già bên Pháp khi già về Viêt Nam).
“Già bế bé lên, hít mùi thơm của đứa trẻ. Trong giây lát già tưởng như mình đang ở Mác xây (Marseille) hai mươi năm trước. Ôi! Mùi của trẻ thơ. Già nhận ngay ra nó. Đã mấy chục năm già vẫn nhận ngay ra nó. Dù ở Địa Trung Hải hay ven Thái Bình Dương thì cũng giống nhau cả mà thôi.”
Không chỗ nương thân, không còn con đường kiếm sống, già viết đơn xin trở lại nhà tù nhưng không được giải quyết. Già đi ăn cắp với hy vọng được tập trung cải tạo lần thứ hai, nhưng không ai bỏ tù già. Thật là thất bại thảm hại. Già vào mậu dịch vét thức ăn thừa, già đi bới rác. Và già chết cô đơn trong một ngôi đình hoang vắng.
Quyển tiểu thuyết của tôi có Giang Văn Giang, con trai một liệt sĩ anh dũng hy sinh thời chống Pháp, trở thành trẻ bụi, ăn cắp, đánh nhau, được đưa vào trường Kim Đồng, nơi học tập cải tạo các thiếu niên hư hỏng. Nhưng chính tại đây, từ chỗ chỉ quen biết một số bạn phố Bờ Sông, Giang đã quen hầu hết bọn thiếu niên hư trong thành phố và lại đi tù tiếp.
Còn có Sáng một thanh niên nông thôn, bị chính quyền xã ghét đưa đi tập trung cải tạo, 5 lần vượt ngục đều không thoát.
Còn có Nguyễn Văn Phố, một chiến sĩ quân báo của quân đội cách mạng, bị tình nghi là gián điệp cho Mỹ, tù 18 năm với câu nói thản nhiên làm Tuấn rợn người:
- Tôi đi tù năm vợ tôi 33 tuổi, năm nay vợ tôi 51 tuổi rồi.
Còn có Chí Lồng Sếnh, một anh tù người dân tộc, gần như không nói, không cười, chỉ im lặng lao động, bỗng một đêm nằm trong buồng giam, nghe tiếng nai gộ ngoài thung lũng, trở mình nằm sấp, nhìn ra bìa rừng ánh trăng bàng bạc, nói một mình:
- Con nai về ăn lá sắn non đấy.
Nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con, làng bản chỉ gói gọn trong một câu ngắn ngủi ấy.
Còn có Nguỵ Như Cần tù hơn hai mươi năm, trông ao cá, một người sống giữa rừng đã gần biến thành cây cỏ.
Tôi không tra tấn độc giả bằng những cảnh đời xám xịt u tối tuyệt vọng suốt 800 trang sách. Theo sự đánh giá của đông đảo độc giả, Chuyện kể năm 2000 còn là quyển tiểu thuyết của tình yêu, tình yêu con người và tình yêu đôi lứa. Tôi đã cố gắng diễn đạt tình thương giữa những người tù trong những trang viết về Tuấn và Giang, về già Đô với Tuấn, về món quà tặng của Lê Bá Di cho Tuấn: Một bãi phân trâu. Cũng như tôi đã nói lên được phần nào tình bạn giữa Tuấn và những người cùng nghề nghiệp văn chương như Lê Bàn, Vũ Mạc, Lê Bình…
Và tình yêu giữa Tuấn và Ngọc, một tình yêu chỉ có trong những năm xã hội tốt đẹp sau chiến thắng chống Pháp 1954 với những đôi trai gái lãng mạn nồng nhiệt đắm say. Đây là ngày Quốc Khánh mùng 2 tháng 9 của họ:
Quốc khánh mùng 2 tháng 9, dậy từ lúc thành phố còn đang ngủ. Náo nức. Đứng ở cửa chờ Ngọc. Nhìn sang cánh cửa bên kia đường vẫn khép. Rồi nàng mở cửa nhẹ nhàng bước ra. áo dài trắng, quần trắng, đồng phục của trường đi đón ngày quốc khánh. Hai đứa nắm tay nhau đi trên đường phố vắng tanh. Không một bóng người. Như thành phố dành riêng cho ta. Vẫn chưa thể quen được với ý nghĩ mình có cả một người con gái để mình yêu quý. Có tên của người ấy để mình lên tiếng gọi. Cám ơn về tình em yêu anh. Cám ơn mẹ cha, mẹ cha sinh em ngày ấy để cho anh mười chín năm sau đó. Để bây giờ em là của anh. Để em đi bên anh và để anh yêu. Đi đâu bây giờ em? Còn sớm quá. Em dịu dàng và tinh khiết như bầu trời đêm trước lúc rạng đông này. Phố Tô Hiến Thành trong mơ. Ra tới phố Huế vẫn là trong mơ. Tay trong tay đi mãi trong phố vắng. Kia rồi một cửa hàng vừa mở. Mình và Ngọc là những người đầu tiên bước vào hiệu. Uống cà phê sữa. Nhìn nhau. Rồi chia tay khi trời rạng sáng. Nàng đi tới trường. Mình đến Ba Đình trong khối các cơ quan trung ương.
Buổi trưa nàng lại sang. Nàng đã tắm gội, tươi tắn lạ thường. Đến chiều hai đứa ra bờ hồ Hoàn Kiếm, tìm một chỗ ngồi từ lúc mặt trời vừa lặn để xí một chỗ cho đến tối. Để bảo đảm được nhìn thấy pháo hoa trên hồ. Những chùm pháo hoa trên bầu trời mịn như nhung có lẽ là những gì đẹp nhất, kỳ ảo nhất mà con người sáng tạo ra. Mình vừa ngước nhìn pháo hoa vừa quay lại nhìn nàng. Nàng mở to mắt nhìn trời. Cặp mắt nàng, gương mặt nàng với bao mầu sắc của pháo hoa ngày hội lướt qua. Nàng còn kỳ diệu hơn, xinh đẹp hơn mọi chùm pháo hoa đẹp nhất.
Và đây cuộc sống của họ sau khi kết hôn:
Ngồi bên giấy trắng. Một hạnh phúc tuyệt vời. Ngọn đèn chiếu một ô sáng. Cẩn thận hơn, hắn lấy một tờ báo, khoanh thành cái bù đài, úp chụp xuống để khỏi làm chói mắt vợ con đang nằm trong màn. Khi vợ con hắn đi nằm là lúc hắn ngồi bên giấy trắng.
(…)
Ngày đi làm, đêm hắn viết. Hắn có thói quen thức khuya. Hạnh phúc là được thức khuya trong yên lặng. Hạnh phúc là những dòng chữ kín từng trang. Là bóng tối mờ mờ trong phòng, và ở một góc buồng, màn buông, tiếng vợ con thở nhẹ nhàng trong giấc ngủ. Hạnh phúc là lúc đêm khuya cặm cụi, bỗng cảm thấy có người đứng sau lưng. Buông bút. Ngả người trên ghế, đầu đã chạm ngay vào ngực vợ. Linh cảm không nhầm.
Nàng đứng sau lưng tự bao giờ. Nàng đứng im lặng nhìn mình làm việc. Nàng đưa tay ép nhẹ đầu mình vào ngực nàng. Đầy đặn. ấm. Mềm. Mình dụi đầu vào đó và ngước mắt nhìn lên, thấy rõ dưới cằm nàng có một vết sẹo nhỏ, chỉ nhìn từ góc độ ấy mới thấy, vết sẹo khi nàng còn bé tí, bị vập vào miệng chum nước. Đứng phía sau, nàng ấp hai tay vào cằm mình, thì thào:
- Đói không?
Gật đầu. Thế là hai vợ chồng khoá trái cửa, để con ngủ trong màn, đi ăn phở khuya. Ông hàng phở Ngã Bẩy quen.
Bộ tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của tôi được nhà Xuất bản Thanh Niên, cơ quan của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng Sản VN in, chưa phát hành đã có quyết định cấm, bị thu hồi tiêu huỷ. Nhưng nó vẫn được in chui hàng năm ròng sau đó với số lượng mà hiện nay chưa thể thống kê được (chỉ riêng một người bán sách ở Hà Nội cũng đã bán 1000 bộ) cũng như đã được đưa lên mạng để in và phát hành ở nước ngoài. Ngay lập tức quyển tiểu thuyết đã gây chấn động, trở thành sách bán chạy nhất dù phải bán chui ở trong nước và best seller trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Theo chỗ tác giả của nó được biết ở Canada, nhà xuất bản Thời Mới (Toronto) in 3 lần liên tiếp. Tác giả đã trông thấy 5 bản in khác nhau của 5 nhà xuất bản ở Mỹ. Tại Đức, có 2 bản in khác nhau. Tất cả các báo của cộng đồng người Việt trên các lục địa đều đăng tải dưới hình thức feuilleton. Đài BBC đã để ra 3 tháng đọc Chuyện kể năm 2000. Tôi đã nhận được hàng nghìn bức thư chia sẻ của những người Việt Nam và cả những người ngoại quốc từ các lục địa Châu Âu, châu Mỹ, châu úc và châu á. Tạp chí PEN International của Hội Văn bút Quốc tế đã trích đăng một chương. Tác giả của nó được vinh dự là hội viên danh dự của Hội Văn Bút Quốc tế và hội viên danh dự Hội Văn Bút Canada. Biết bao bạn đọc trong nước, ngoài nước đã đến với tôi. Họ cám ơn tôi và nói rằng tôi đã nói giúp họ những điều họ hằng suy nghĩ nhưng không nói được. Trong buổi tôi nói chuyện ở Viện Goethe Hà Nội, nhiều bạn đọc cảm động, khóc nức nở không nói được nên lời. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên viết:
Bùi Ngọc Tấn viết văn trầm tĩnh và đôn hậu. Hình như đây là kết quả của sự kết hợp bản tính người và trải nghiệm đời nơi ông. Sau những gì đã xẩy đến với ông, nếu văn ông có giọng cay độc, chua chát cũng là điều dễ hiểu. Nhưng không! Ngay cả sự trầm tĩnh đôn hậu ở đây cũng không hề là phải cố ý, gồng mình, tỏ vẻ. Ông đưa lại cho người đọc những dòng văn tự nhiên dung dị, khi những oan trái khổ đau lặn vào sau câu chữ làm nên sức nặng, chiều sâu của những điều được viết ra. Một giọng điệu văn chương làm người đọc hiểu ông, tin ông, đồng cảm với ông và cùng ông đồng cảm với những phận người, những kiếp bụi nhân sinh. Cao hơn chuyện văn chương là chuyện cuộc đời. Bùi Ngọc Tấn là nhân vật của văn ông và đồng thời ông cũng là tác giả của những điều ông viết ra. Đó là văn chương của sự thật (…)
Ông đã gánh cây thập ác đi trọn con đường trần ai của mình.
Không vứt xuống.
Không chạy trốn.
Không gục ngã.
Không dừng bước.
Và dẫu không là Chúa, ông đã được phục sinh.
Còn đây là những đánh giá của nhà văn Nguyên Ngọc:
“(…) Bùi Ngọc Tấn đã đi xa hơn được rất nhiều việc mô tả một tấn bi kịch cá nhân, thậm chí một bi kịch của chế độ – điều mà một số cuốn sách viết về nhà tù thường rất tập trung – để nói đến một tình thế phi lí của cuộc sống, và vô hình trung, cuốn sách trở thành như một thiên anh hùng ca, khiêm nhường mà cảm động về con người, con người có thể đi qua được tất cả những gì xấu xa đen tối nhất, đi qua tất cả bùn lầy, giữ vững chất người của mình chống lại tất cả những thế lực đen tối nhất muốn trừ tiệt chất người ở con người. Cuốn sách bị cấm, nhưng bằng nhiều cách vẫn được truyền tay đọc rộng rãi và tác giả của nó được sự kính trọng của toàn xã hội.”
Tôi cảm ơn tất cả các bạn đọc đã chia sẻ cùng tôi.
Cảm ơn trung tâm William Joiner đã tạo điều kiện để tôi có mặt ở đây hôm nay.
Cảm ơn các bạn đã có mặt cùng tôi tại đây.