WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lạc hậu bình phương, mâu thuẫn lập phương

Ở Việt Nam, vài nhận định sai lầm mang dáng dấp chân lí đinh đóng thường xuyên được lặp đi lặp lại, đã tạo nên hội chứng lây lan. Trên các trang báo, báo chuyên văn học và báo phổ thông; trong các hội thảo văn học lớn, nhỏ; trong các cuộc trả lời phỏng vấn của nhà phê bình và cả từ phát ngôn của các quan chức văn học. Thế kỉ trước, thập niên qua và cả… mới hôm qua. Rằng, “sáng tác chưa theo kịp hiện thực đời sống” và “phê bình không theo kịp đời sống văn học”(1).

1. Đó là một cách nhìn nhận lạc hậu. Lạc hậu về nhiệm vụ của người sáng tác cũng như chức năng của phê bình. Bởi thực tế, chủ nghĩa hiện thực đã bị thế giới vượt bỏ cả hơn thế kỉ rồi. Nhà văn hiện đại chủ nghĩa không còn quan tâm đến phương pháp sáng tác của chủ nghĩa hiện thực như là cách phản ánh hiện thực đời sống. Bước sang thời kì hậu hiện đại, nhà văn vừa không tin vào “hiện thực” vừa bất tín nhiệm ngôn ngữ như là phương tiện phản ánh hiện thực, từ đó nhiệm vụ tái hiện và phản ánh hiện thực của văn học hiện thực càng xa lạ với họ. Có thể nói, nếu đến tận hôm nay ta còn bám vào quan điểm sáng tác cổ hủ kia thì quả là quá lạc hậu.

Dẫu sao ở đây, ta cứ tạm chấp nhận mệnh đề kia.

Chấp nhận, – như là cách ‘đi vào trong’ hệ mĩ học đang được đề cao [ở Việt Nam] rằng: văn học phản ánh và tái hiện hiện thực đời sống – là chủ trương chính thống gần như nhất quán của nền văn học dòng chính hôm nay -, để đánh giá năng lực của nền văn học ấy. Xem nó có phản ánh đúng và đủ không? Và phản ánh chân thực đến mức độ nào?

Văn học tụt hậu với hiện thực đời sống, ta nói thế và tin thế. – Đúng, tụt hậu.

“Ngoảnh lại” cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, các nhà văn Trung Quốc cho ra đời hàng trăm tác phẩm “ngang tầm thời đại”; còn ta, sau Cải cách Ruộng đất: khá đìu hiu! Chiến tranh biên giới phía Bắc hay xung đột vũ trang biên giới Tây Nam cùng chung số phận. Tất cả chìm vào quên lãng. Không nói đâu xa xôi, bao nhiêu chuyện thời sự chính trị xã hội tác động đến cuộc sống hiện tại, nhà văn Việt Nam vẫn cứ không hay không biết. Các mệnh đề “văn học xa rời hiện thực”, “văn học không bám vào hiện thực cuộc sống”, “văn chương né tránh hiện thực”… được nhai lại sáo mòn đến thành bão hòa trên sách báo bấy lâu, là điều thật.

Một thực tế lồ lộ, gây xúc động cả dân tộc là “Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa” cuối năm 2007, hỏi có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ dòng chính viết về nó? – Không ai cả! Và, không ở đâu cả. Yên ắng và vắng lặng như thể ở Việt Nam chưa từng xảy ra sự kiện trọng đại đó. Chỉ khi được phép, một được phép không chính thức – ở “Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa” kì hai vào năm 2011 -, nhà thơ ta mới ồ ạt làm thơ yêu nước.

Thơ, bằng thứ thủ pháp quá ư lạc hậu! Thơ, với bao nhiêu là hạn từ làm sẵn: “sóng Trường Sa”, “biển Tổ quốc”, “mẹ Âu Cơ”, “bốn ngàn năm”, “kiên trung bất khuất”, “máu đã thắm”, “ôm biển vào lòng”… Không vấn đề gì cả! Nhưng, đâu là các cuộc biểu tình với những biểu ngữ chống ngoại xâm, những ngọn lửa đốt áp-phích đường lưỡi bò, những bắt bớ, những cú đạp… lộ thiên giữa thành phố Hà Nội, Sài Gòn mỗi cuối tuần, đang được cập nhật cấp tập trên khắp mạng internet?

Không đâu cả! Tại sao? Không gì cả, ngoài sự sợ hãi.

“Suốt đời tôi không làm gì hơn là đẩy cho đến cùng, cái mà quý vị chỉ dám làm có một nửa…” – Dostoievski nói thế. Và ông đã đẩy suy tư tới cùng, phân tích tới cùng tâm lí chiều sâu của nhân vật nhiều dạng, qua đó cho ra đời hàng loạt kiệt tác mang tính khai phá lớn, tạo ảnh hưởng sâu rộng đến văn học và tư tưởng thế giới. Còn ở ta: chỉ có sợ hãi. Sợ hãi, để khi được “cởi trói”, nhà văn mới dám động cập nửa vời đến một “hiện thực” nào đó. Sợ hãi, cho nên dù đã được phép, nhà văn cũng không dám đẩy vấn đề đến cùng. Văn học ta muôn năm tụt hậu với hiện thực đời sống, là vậy. Vì đâu? Ta chủ trương phản ánh hiện thực, nhưng chính ta vội vã rụt đầu lại, nếu mấy phản ánh kia đụng chạm tới căn cốt hiện thực.

Mâu thuẫn đầy nguy cơ tiềm ẩn ngay trong chủ trương văn học phản ánh hiện thực; mâu thuẫn lộ bày trọn vẹn qua nỗi than thở “sáng tác không theo kịp hiện thực đời sống”. Thế là ta tiếp tục chương trình hội thảo để bàn về tiếng than thở ta vừa phát ra ấy. Những tiếng than thở rất giả.

Chủ nghĩa hiện thực của ta bên cạnh lạc hậu, vẫn là thứ chủ nghĩa hiện thực giả.

Câu hỏi đặt ra: Có phải “tất cả” văn chương tiếng Việt không theo kịp hiện thực đời sống?

Các hiện thực đời sống sôi động dăm năm qua với sự kiện Hoàng sa – Trường Sa, sự tan vỡ toàn diện của môi trường nông thôn, mấy thế hệ nông dân mất đất đổ tràn vào phố, rừng đầu nguồn bị tàn phá, sự cố Văn Giang, đập thủy điện các nơi đe dọa làng xóm miền hạ lưu, tình trạng éo le của chục vạn cô dâu Việt ở xứ lạ quê người,… có phải chưa từng có mặt trong các trang viết nóng bỏng của nhà văn, nhà thơ đương đại? Lê Vĩnh Tài với trường ca Vỡ ra mưa ấm (2005), Đêm & những khúc rời của Vũ (2008), Thơ hỏi thơ (2010), và mới nhất: Ăn của rừng rưng rưng nước mắt, Thơ hỏi thở, Cánh đồng bất nhân. Rồi Trần Tiến Dũng qua Hai đóa hoa trên trán cho công dân hạng hai (2004), Mây bay là bay rồi (2010); Inrasara với tập thơ thời sự trong nước và thế giới: Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] (2009); Bùi Chát với Thơ một vần (2009); các sáng tác thơ, truyện của Nguyễn Viện, Chiêu Anh Nguyễn,… cùng mấy mươi cây bút phi chính thống khác?

Có thể nói, hầu hết điểm nóng thời sự [hiện thực đời sống] trên thế giới và nhất là ngay tại quốc nội được động cập thẳng thừng đầy tính phản biện tràn ngập các trang viết đó. Ta đòi hỏi hiện thực là hiện thực nào? Và đâu là đất cho các sáng tác đầy tính hiện thực kia xuất hiện và thể hiện?

2. Còn khi nói “phê bình không theo kịp đời sống văn học”, người phát ngôn ý định phê phán phê bình chưa làm đầy đủ chức năng của mình. Cả khía cạnh này ta cũng bất cập. Bởi đuổi theo đời sống văn học [để có thể gọi là theo kịp hay không kịp] không phải nhiệm vụ chính của phê bình. Bên cạnh phát hiện và quy phạm hóa cái đẹp, phê bình còn có nhiệm vụ khai mở cho cái đẹp mới lộ diện. Nếu chức năng trước phụ thuộc vào tác phẩm, nghĩa là phê bình lẽo đẽo đi sau sáng tác để làm phê bình, thì chức năng sau dành ưu tiên cho việc “lập thuyết”, một dạng phê bình khả năng dẫn đạo sáng tác. Hai chức năng này song hành tồn tại trong đời sống văn học. Cho nên, không thể nói phê bình không phát triển được bởi chưa có sáng tác hay. Phê bình đi sau, song hành, và cả đi trước sáng tác văn học. Trong quá khứ, đã có không ít phê bình mở đường cho sáng tác. Phong trào siêu thực khởi đầu từ Tuyên ngôn siêu thực ra đời vào năm 1924, ở đó chủ trương thực tại đích thực nằm trong vô thức, và bổn phận tối thượng của nghệ sĩ là làm cho chúng hiện thể trong tác phẩm nghệ thuật bất kể nó phi lí tới đâu, đã dẫn đạo sáng tác siêu thực gần mươi năm sau đó. Đó là loại phê bình “đi trước” sáng tác, đi trước cả “thị hiếu chung của xã hội”.

Phê bình cần bám sát đời sống văn học, là một phát ngôn lỗi thời.

Cả ở đây nữa, cứ tạm cho đó là một chân lí bất di bất dịch, như ta quan niệm.

Vậy, đâu là “đời sống văn học”? Đề cập đời sống văn học, ta nhấn vào “thực tiễn sáng tác đa dạng, phong phú và phức tạp”. Ngày qua ngày, các tác phẩm thuộc nhiều dòng, nhiều loại cấp tập ra đời, đã có bài điểm sách giới thiệu. Buổi ra mắt sách, có. Bàn tròn văn chương, có. Hội thảo văn học, có. Ta có tất! Thế nhưng nhìn tổng thể, phê bình hôm nay vẫn cứ né tránh sự kiện hay trào lưu văn học mới lạ cùng mấy sự cố văn học nhạy cảm.

Ai né tránh? – Nhà phê bình chính thống. Cơ quan nào không dám trực diện với vấn đề? – Vẫn là báo chí dòng chính.

Cả thập kỉ hình thành và phát triển của sáng tác hậu hiện đại, mười năm từ khi thơ tân hình thức mở mắt chào đời, ta chưa có một hội thảo nhỏ, lớn nào bất kì về hai trào lưu văn học đang làm sôi động văn đàn tiếng Việt(2). Thơ nữ quyền hay văn chương mạng hoặc thơ trình diễn, không tìm đâu ra bài viết mang tính tổng hợp hay đánh giá trên báo chuyên của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhóm Mở Miệng hay Ngựa Trời, ta né tránh đã đành, ngay Chuyện kể năm 2000, Dự báo phi thời tiết rồi mới đây Sát thủ đầu mưng mủ được phép in nhưng rồi bị dư luận phê phán mạnh mẽ hay bị thu hồi, báo chuyên văn học dòng chính vẫn chưa một lần vào cuộc.

Tại sao? Cả ở đây nữa, hoặc ta sợ đối mặt với cái mới lạ, hoặc ta rơi vào thế kẹt của nỗi nhạy cảm vừa lộ thiên vừa rất trừu tượng. Thế nhưng, có phải tất thảy nhà phê bình đều không theo kịp đời sống văn học?

Thử ngoảnh lại mươi năm qua, khi Nguyễn Thế Hoàng Linh, Bùi Chát, Lê Vĩnh Tài, Đặng Thân, Lý Đợi, Phan Thị Vàng Anh, Phan Bá Thọ, Đinh Thị Như Thúy, Như Huy, Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Lynh Bacardi, Lê Anh Hoài, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phạm Lưu Vũ, Nhật Chiêu, Lê Minh Phong, Vũ Lập Nhật, Đoàn Minh Châu, Vũ Thành Sơn, Tuệ Nguyên, Tiểu Anh, Lưu Mêlan… xuất hiện, thì đã có ngay những Phạm Xuân Nguyên, Lã Nguyên, Inrasara, Trần Ngọc Hiếu, Phùng Gia Thế, Khánh Phương, Nhã Thuyên, Trần Thiện Khanh, Liêu Thái, Đoàn Ánh Dương, Đoàn Minh Tâm, Phạm Xuân Thạch, Hoàng Thụy Anh, Ngô Hương Giang, Phan Tuấn Anh… giới thiệu, nhận diện và bình luận. Rất kịp thời.

Và ai dám cho rằng các bài phê bình, tổng hợp kia “thiếu tính học thuật”, hay thiếu “phân tích một cách khoa học”? Còn “nói phê bình thiếu tính chiến đấu”, hỏi họ chiến đấu với ai, nếu không phải là nỗ lực đánh đổ mấy lạc hậu, lỗi thời để cho cái mới hạ sinh và phát triển?

Khác điều, đại đa số các bài phê bình kia xuất hiện trên mạng thông tin toàn cầu, chứ hiếm khi có mặt trên báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, tạp chí Nhà văn… Nhận định “phê bình không theo kịp đời sống văn học”, người phát ngôn đã bỏ quên phương tiện xuất bản mới là các trang mạng văn học ấy!

Không biết, hay cố tình không biết?

Dù gì thì gì, đó chính là thái độ né tránh hiện thực thực nhất của đời sống văn học đương đại.

Chú thích:

(*) Tiêu đề bắt chước lối nói của nhà thơ Chế Lan Viên: “Thơ bình phương – đời lập phương”.

(1) Nguyễn Hưng Quốc đã có bài phê bình về vấn đề này trong “Những nhà phê bình mù”, 2007, Mấy vấn đề phê bình và lí thuyết văn học, NXB Văn mới, USA, tr. 63-88.

Các trích dẫn ở trong ngoặc kép được trích từ: “Công tác lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật khu vực phía Bắc”, báo Điện tử Tổ quốc, 14-7-2012, http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/49/doi-song-van-hoc/109367/cong-tac-ly-luan-phe-binh-van-hoc-nghe-thuat-khu-vuc-phia-bac.aspx và “Bắt mạch thực trạng phê bình văn học hiện nay”, báo Văn nghệ trẻ, 7-2012, http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=15809

(2) Về hậu hiện đại, tạp chí Sông Hương có chuyên đề “Dấu ấn hậu hiện đại”, số tháng 7-2011; còn tạp chí Nhà văn mãi năm 2012 (số tháng 6, 7 & 8) mới vào cuộc, nhưng không tập trung. Về thơ Tân hình thức, tạp chí Sông Hương cũng đi trước, chuyện đề được thực hiện ở số tháng 6-2012.

Theo Inrasara

3 Phản hồi cho “Lạc hậu bình phương, mâu thuẫn lập phương”

  1. kbc3505 says:

    Tác giả có hiểu nguyên nhân và mầm mống thì sao còn phải hỏi? Tại sao không hỏi chính quyền có phải là vì chế độ? Trước 1975, văn học miền Bắc dưới chế độ cộng sản tiến triển ra sao so sánh với miền Nam tự do, tác giả có biết? Và trong 37 năm thống nhất dưới chế độ hiện nay, lớp trẻ được dạy lịch sử như thế nào? Nếu chế độ không tàn ác, phi nhân, thì người dân há sợ hãi? Có phải xã hội bây giờ từ lãnh đạo xuống tới dân đen toàn lừa bịp và giả dối? Đời sống người dân VN bây giờ miếng ăn còn chưa đủ no, tự do vẫn chưa có, và độc lập, hạnh phúc cũng chỉ thấy trên giấy chứ nào có hiện thực? Ngót một thế kỷ, chế độ đã đưa toàn dân đi lùi về tư tưởng và trí tuệ, quốc gia 10, 20, 30 năm nữa sẽ ra sao, có còn không?

    kbc3505

  2. NGÀN KHƠI says:

    THƠ – VĂN – NGƯỜI

    Thơ là ngôn ngữ chủ vần
    Điệu đàng nghệ thuật cân phân hài hòa
    Văn như tiếng nói con người
    Gợi lên cảm nghĩ của người tự do
    Thơ văn vốn gốc trời cho
    Để người sử dụng như trò rong chơi
    Rong chơi phản ảnh cuộc đời
    Cuộc đời đa dạng giữa người nhân gian
    Cuộc đời bao nét đa đoan
    Thơ văn dầu vậy vẫn sang hơn đời
    Giúp luôn nâng bổng con người
    Thơ văn đâu giống mọi nơi điếm đàng
    Thật tình quả nói không oan
    Thơ văn nô lệ có màng làm chi
    Trâu cày ngựa cỡi ích gì
    Thơ văn lãnh đạo mọi khi khật khùng
    Giống thằng điên dại nói lung
    Thảy đều vô nghĩa chỉ chung phận hèn
    Văn chương ấm ớ lăng nhăng
    Theo đuôi chính trị đúng thằng vong nô
    Khác chi cóc nhái ao hồ
    Chỉ chờ mưa xuống nhao nhao khôn cùng
    Tưởng đâu sự nghiệp hào hùng
    Hóa ra một lũ cả khùng lẫn điên
    Tưởng rằng lịch sử triền miên
    Bùn lầy nước đọng cả miền hoang vu
    Văn chương hệt chốn lao tù
    Thần tiên không có mịt mù tối tăm
    Kiểu người kiếp sống lầm than
    Sồng thừa mà tưởng vẫn sang trên đời
    Chém cha các thứ con người
    Văn chương hiện thực gạt đời vu vơ
    Hiện gì thứ thực tầm vơ
    Văn gì chương bậy tưởng mơ đời người
    Nên thơ vốn chính là người
    Cả văn cũng chính con người không ngoa
    Trăm năm trong cõi người ta
    Văn chương nhân bản mới là văn chương
    Tự do tư tưởng đường đường
    Tự do cảm xúc văn chương lâu bền
    Lấy đời đối tượng làm văn
    Lấy người đối tượng để làm thành thơ
    Văn chương chẳng thể lơ mơ
    Thật lòng đâu thể thờ ơ cuộc đời
    Sáng trưng như ánh mặt trời
    Ngôn từ lồng lộng mây trời bao la
    Ngàn năm chỉ vậy mới là
    Thơ – Văn – Người vẫn nở hoa vạn thời !

    ĐẠI NGÀN
    (17/9/12)

  3. quandannambo says:

    nhà văn nhà thơ dòng chính

    nhửng nhà văn nhà thơ nào vậy
    còn
    nhửng nhà văn nhà thơ dòng phụ và ngoài dòng
    là nhửng ai
    trí tuệ của tác giả
    chưa vượt qua được chử i ngắn
    cho nên
    bài viết này có mùi đậu hủ
    nhìn nhửng chử
    chân lí
    mỉ học
    thế kỉ
    kì hai
    tâm lí
    thập kỉ
    tôi dám chắc chắn 100%
    tác giả là sản phẩm của cải cách giáo dục
    do việt cộng tiến hành vào khoảng 1985-1995
    và đả thành công tốt đẹp

Leave a Reply to quandannambo