‘Không ai hỏi về nhạc khi phỏng vấn Đặng Thái Sơn’
Báo chí khai thác chuyện ngoài lề
“Tôi chẳng mấy khi được đọc bài phỏng vấn, hoặc một bài báo nào ra hồn về âm nhạc trên báo chí Việt Nam” – Trần Quang Minh, thành viên website nhaccodien.vn cho biết.
“Điển hình là sự kiện NS Đặng Thái Sơn về nước vừa qua. Có mặt trong cuộc họp báo, tôi thấy rất buồn vì hầu như các phóng viên không ai hỏi về âm nhạc”. Các câu hỏi được mọi người hưởng ứng thường xoay quanh vấn đề cá nhân, sở thích, cát xê của nghệ sĩ. Họ không quan tâm đến âm nhạc. Mà cơ hội được gặp một người như nghệ sĩ Đặng Thái Sơn thì là cơ hội vàng để hỏi về âm nhạc.
Những bài phỏng vấn nghiêm túc tôi chỉ được đọc trên các kênh ở nước ngoài. Những tờ báo như New Yorker, New York Times hay The Guardian viết về âm nhạc rất xuất sắc. Thậm chí các báo nhỏ hơn ở Châu Âu phỏng vấn các nghệ sĩ lớn họ cũng hỏi được rất nhiều. Những câu hỏi của họ không phải là quá chuyên môn. Bản thân tôi không học về nhạc và đọc tiếng Anh mà vẫn có thể hiểu được.
Nhưng những câu hỏi như thế hầu như chẳng bao giờ thấy trên báo chí Việt. Các phóng viên văn hóa ở ta chỉ hỏi những cái bề nổi, sau đó quay sang chê trách tính nghệ sĩ…”.
Nhạc trẻ đang là “con cưng” của truyền thông
Trong khi đó, việc phổ cập các chương trình âm nhạc hay kiến thức âm nhạc thì vô cùng ít. Chưa đòi hỏi thông tin thật chuyên sâu, nhưng hiếm có kênh truyền thông nào đã đảm bảo độ phong phú của các thể loại âm nhạc.
“Bản thân tôi bây giờ muốn tìm hiểu âm nhạc cổ truyền thế nào mới là hay, nhưng không biết tìm hiểu ở đâu và thế nào?. Chưa nói đến nhạc nước ngoài, cái cần gìn giữ nhất với người Việt Nam là âm nhạc dân tộc, mà khán giả cũng không được cung cấp chút hiểu biết gì.
Những điều cơ bản như hát quan họ lẽ ra không sử dụng nhạc đệm, thì phần lớn người nghe nhạc không ai biết. Bây giờ khắp nơi sử dụng băng nhạc xập xình hát Quan họ. Theo tôi đọc được từ một số bài viết về quan họ thì như thế là không đúng”, anh Trần Quang Minh nói.
Ông Khương Cường – nguyên Giám đốc Marketing & Sales của Yan TV trả lời về sự phân bổ thể loại âm nhạc như sau: “Chúng tôi theo thị hiếu của công chúng. Trước khi lên format chương trình này chúng tôi đã có nghiên cứu thị trường, khảo sát kĩ lưỡng với giới trẻ.
Cũng có các bạn quan tâm đến các hình thức âm nhạc khác như âm nhạc đương đại, âm nhạc dân tộc và nhạc cổ điển, nhưng không nhiều, nên chúng tôi không sản xuất. Chúng tôi chủ yếu phát V-pop, K-pop và Âu Mỹ, đôi khi có nhạc Thái. Các chương trình khác về văn hóa là ít.”
Hệ thống âm nhạc trên sóng phát thanh dường như phong phú hơn nhưng cũng không thực sự ổn định và có chiến lược lâu dài. Một số các nỗ lực nhỏ lẻ như kênh AVG với hệ thống phát thanh chia kênh: nhạc cách mạng, nhạc dân tộc, nhạc cổ điển, nhạc trẻ, nhạc trữ tình… mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu và chưa phổ biến.
Quan ngại về tình trạng hiện nay và cũng nhận thức về trách nhiệm của đài, nhà báo Tạ Bích Loan (VTV6) nói: “Chúng tôi mong muốn làm những chương trình có tính giáo dục cao hơn, nhưng còn vướng vấn đề bản quyền và cũng thiếu nguồn. Chúng tôi cũng chưa làm được gì, phải phấn đấu rất nhiều.
Nhưng quan điểm của tôi bao giờ cũng muốn những phương tiện có sức mạnh truyền thông lớn như truyền hình phải dành đất để xây dựng được những giá trị thẩm mĩ tốt cho giới trẻ, qua âm nhạc cổ điển hoặc qua các hình thức âm nhạc mang tính thẩm mĩ cao”.
Theo VNNet