Đêm bảo tàng
Chỉ hiu hiu gió…
Khi chúng tôi gửi thư mời quan khách đến dự buổi chiều hội ngộ tại Việt Museum trong công viên lịch sử San Jose thì ai cũng quản ngại.
Viện bảo tàng dù mở ra cho tương lai nhưng cũng toàn là chuyện quá khứ. Khách hàng của quá khứ còn tồn tại đến nay thì rất ngại xuất hành lúc hoàng hôn. Tổ chức từ chiều kéo qua buổi tối, lại ngoài trời, trên sân cỏ. Gió mưa là chuyện của trời, trời có thể mưa, có thể lạnh, âm thanh ngoài trời, ánh sáng ngoài trời, nói chuyện ngoài trời và trình diễn ngoài trời ban đêm. Tất cả đều là những thách đố. Quý bà mặc áo dài làm sao chịu lạnh. Đi giầy cao gót làm sao thích hợp với sân cỏ. Rồi lại thêm Rest Room dã chiến không có đèn đóm gì hết. Ban tổ chức mà tổ chức thế này, không có thiên thời, địa lợi thì thất bại là cái chắc. Đó là nội dung buổi ra mắt Việt Museum vào đầu tháng 10 năm 2012.
Đã mất 2 điểm thiên thời và địa lợi lại không có nhân hòa làm sao mà thành công. Bởi vì ngày thứ bảy 6 tháng 10 thì thiên hạ hào hoa phong nhã đi với không quân vào không gian hội ngộ. Các quan khách của đệ nhị cộng hòa thì dự lễ giỗ tổng thống Nguyễn văn Thiệu. Qua ngày chủ nhật quan khách quen thuộc đã mệt mỏi nhưng lại còn có nhiều tổ chức trùng hợp mà giới chuyên môn gọi là “đụng hàng”. Cùng ngày, cùng giờ VN Help tổ chức Mùa thu cho em với các ca sĩ tên tuổi. Cô Ngọc Thủy cũng gây quỹ buổi chiều cho hội ung thư. Quan khách đành phải lựa chọn một nơi hoặc chạy qua chạy lại. Thường là sẽ bỏ sân cỏ ngoài trời của chúng tôi để tìm nơi ấm áp, sáng sủa. Nhưng rất may mắn là khách của đêm bảo tàng đã có đủ con số dự trù là 300 người. Trong đó có 52 vị khách Hoa Kỳ chính gốc ghi danh. Riêng 2 đoàn văn nghệ thiếu nhi trên 50 em nhỏ và them các phụ huynh cũng trên 3 chục. Số khách tham dự vừa đúng chỉ số của yếu tố nhân hòa. Còn về địa lợi thì vị trí xem ra đậu xe bên trong cũng thuận tiện. Sau cùng phải xét đến yếu tố thiên thời.
Xin ghi lại câu thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh đã viết từ gần trăm năm trước. Thơ rằng.
Trời không nắng, cũng chẳng mưa.
Chỉ hiu hiu gió cho vừa lòng nhau.
Xin cứ hỏi tại sao.
Đúng như vậy, các bạn hỏi tại sao lại phải tổ chức vào buổi tối ngày vào Thu cho khó khăn. Tại sao lại phải lo mời khách Mỹ. Xin thưa rằng đây là một chương trình mở đầu cho công việc đồng minh vận. Viện bảo tàng thành lập trong công viên lịch sử San Jose mà ở đây đã có 6 bảo tàng của các sắc dân. Chúng tôi cần bán anh em xa, mua láng giềng gần… Thêm vào đó tuy là viện bảo tàng đầu tiên của VNCH và thuyền nhân nhưng các giới chức dân cử vùng Vịnh không hề biết đến. Các em thế hệ thứ hai và đặc biệt thế hệ thứ ba không nghe quen Việt ngữ nên cũng không biết rõ đầu đuôi. Rất cần phải có các sinh hoạt chuyển ngữ bằng tiếng Mỹ để tạo nhịp cầu thông cảm cho toàn vẹn.
Đêm bảo tàng đã có 50 quan khách Hoa kỳ và các sắc tộc. Riêng quý vị người Mỹ gốc Thổ nhĩ Kỳ đã tham dự vừa đúng 12 người. Có các vị dân cử và thân hữu gốc Ý, gốc Nhật, gốc Hy Lạp, gốc Tàu, gốc Mễ và gốc Ấn. Có các cựu hội viên Hồng Thập tự Hoa kỳ và bộ tham mưu của History San Jose. Có các giới chức của các hãng xưởng cùng các thành viên của quận hạt và thành phố.
Rồi cũng phải kể đến lý do quan trọng là đêm bảo tàng ghi nhận danh tính của quý vị đã yểm trợ cho cơ quan về cả tinh thần lẫn vật chất từ bao năm qua. Đứng đầu là ông bà Pete McHugh đã giúp cho việc xây dựng một đoạn đường cho xe lăn được coi là khá nhất so với các công trình tương tự của các bạn láng giềng. Ông bà Lê văn Phụng của nhà hàng Ánh Hồng. Ông vốn là hội đồng quản trị IRCC từ ngày đầu và giúp đỡ tài chánh. Tiếp theo là danh sách quý vị đã đóng góp hay cho vay trên 10 ngàn mỹ kim trong nhiều năm qua.
Gia đình bạn cùng khóa Nguyễn Đức Chung từ San Francisco. Gia đình anh chị Khánh và LanTrần ở phía Bắc Kim Môn Kiều. Gia đình bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải tại San Jose. Gia đình bà Kim Tín con và cả các cháu. Gia đình anh chị Trần văn Ngọc. Gia đình thiếu tá Nguyễn văn Nhạc và cô Hồng. Anh chị Lê văn Thặng bên không quân. Cô Thanh Nga thuộc gia đình quốc gia nghĩa tử. Chúng tôi cũng không quên những ân nhân đầu tiên đóng góp rất nhiều là ông Phong Trần và bà Cindy Nguyễn hữu Chỉnh. Ông Phong hiện đã về hưu và bà Cindy đã qua đời, nhưng danh tính vẫn mãi mãi còn trên bảng danh dự của Museum. Cũng trong số này có anh chị Nguyên Nhu giúp Museum lợp gỗ sàn nhà cả 2 tầng. Về phần người Mỹ, viện bảo tàng được ông Mark Elconin ở Saratoga và ông John K. Castle ở New York yểm trợ danh dự. Cuối cùng là sự yểm trợ của hãng Golden Harvest Cattering và hãng xe hơi Nissan tại San Jose.
Diễn tiến đêm họp mặt.
Văn phòng bà dân biểu Zoe Lofgren gọi đây là buổi Museum Gala nhưng thực sự tổ chức rất nhỏ bé so với danh hiệu.
Tuy vậy, trong phạm vi cây nhà lá vườn, các thành viên thiện nguyện của Museum đã phải bỏ ra rất nhiều ngày giờ để chuẩn bị và chăm sóc từ bên trong đến bên ngoài. Các anh chị Chung của không quân, anh chị Cương bên công binh. Các ông bà, anh chị em thuộc chương trình Senior từ San Francisco cho đến San Jose xin được ghi danh đầy đủ như sau :Bà Hương, ông Long, chị Khuê, anh chị Thảnh bên hải quân. Anh chị Tươi của không quân. Công việc tiếp vận và chuyển vận phải nhờ ông Ngọc Bùi. Mỗi người phụ giúp một tay trong công việc chung mà không hề ngần ngại. Thật hết sức may mắn có được sự yểm trợ 100% của anh John Nguyễn chủ nhân Golden Harvest Cattering. Dàn đèn và âm thanh rất chuyên nghiệp từ công ty BK của anh Khiêm đã đem đến sự thành công cho buổi văn nghệ.Chương trình chuyển tiếp nhẹ nhàng với MC Minh Lê và Thu Hương hoàn toàn bằng anh ngữ. Các em nhỏ của Thái Bình Nhạc Viện hát liên tiếp quốc ca Hoa Kỳ, VNCH và bài chiến sĩ vô danh để mặc niệm. Lần lượt các quan khách Hoa kỳ lên ca ngợi viện bảo tàng. Bà giám đốc San Jose History, giám sát viên Dave Cortese, các city council của San Jose và sau cùng là bà dân biểu Joe Lofgren. Hai màn văn nghệ do 2 đoàn thiếu nhi Việt Nam đảm trách đã làm cho tất cả quan khách Hoa Kỳ ở lại với chương trình cho đến khi chính thức bế mạc. Học viên của nhạc viện Thái Bình có nhiều em rất nhỏ vừa kéo vỹ cấm vừa hát các bản dân ca quốc tế. Các em của đoàn Cánh chim Bách Việt thì đi luôn một loạt 4 màn thể hiện 4 tầng văn hóa Việt.Phần cuối cho bản tường thuật này xin gửi lời cảm ơn đến quan khách thân hữu đã hiện diện cho đêm bảo tàng thêm phần ấm cúng. Lời cảm ơn đặc biệt gửi xin đến các cô Ánh Hiền, Diệu Hiền và quý vị phụ huynh của hai đoàn văn nghệ thiếu nhi. Hình ảnh các em trình diễn vào một đêm mùa Thu trước viện bảo tàng Việt Nam, trước các vị dân cử Hoa Kỳ, các nhà văn hóa sắc tộc trong vườn lịch sử San Jose sẽ là một tác phẩm quý cho mai sau. Nhưng ngay bây giờ, các cháu đã làm tôi vô cùng xúc động. Những đứa bé 6 tuổi kéo vỹ cầm. Những đứa bé hát một lèo quốc ca Mỹ Việt và bài chiến sĩ vô danh. Những cô gái nhỏ thay 3 lần áo cho màn vũ 4 tầng văn hóa trong 20 phút. Cha mẹ chở con đi tập cả trăm lần, xăng lên giá như thế. Bận rộn như thế, biết lấy lời nào để cảm ơn cho đủ.
Một số hình ảnh:
Giao Chỉ, San Jose.
© Đàn Chim Việt