WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Con đường Liên-Âu: thâu cả châu về một mối [3]

Tản Mạn Ký Sự Hè 2013 

Phần 1

Phần 2

Vĩ tuyến 50

Vĩ tuyến 50

3.3  Thắng Cảnh MAINZ Dọc Bờ Sông RHEIN

Pháp có sông Seine, Đức có sông Rhein cùng chảy ra chung một biển. Sông Rhein chảy thật dài qua hai ba xứ và chia thành nhiều khúc. Anh chị N&N lái xe gần trăm cây số, chạy dọc theo bờ sông từ thành phố Mainz qua Binger LochLoreley thuộc khúc trung lưu. Chạy tới đâu thì dừng lại đi bộ thăm các thành phố nhỏ, hễ đói thì ăn và khát thì uống. Đi chơi trọn một ngày dài!

Thành phố Mainz là thủ đô của tiểu bang Rheinland-Pfalz, một trong 16 tiểu bang của Cộng hoà Liên bang Đức, và có dân số độ trên 200 ngàn dân. Trung tâm thành phố Mainz được xây dựng lại sau chiến tranh với một đường cẩn đá lót dài cắt ngang qua đường xe chạy để chỉ rõ toạ độ bằng vĩ tuyến thứ 50. Mainz là quê hương của tổ sư nghề in đầu tiên châu Âu. Tên ông là Gutenberg và tượng đài kỷ niệm được đặt trong trung tâm thành phố.

Hồi thế chiến, thành phố lớn nhỏ gì của Đức cũng bị tàn phá. Khu nào may mắn chưa bị giật sập thì nay đã trở thành những di tích lịch sử, giữ được vẻ đẹp cổ kính, hấp dẫn du khách đến thăm viếng và chiêm ngưỡng. Khu phố cổ của thành phố Mainz còn sót lại nhiều căn nhà đã được cất cách nay hơn ba trăm năm, trông rất lạ mắt!

Dọc bờ sông Rhein có nhiều thành phố nhỏ rất xinh xắn với nhiều con đường lót đá chật hẹp, ảnh hưởng của xây cất La-mã, nhưng thật sạch sẽ. Những dãy nhà gạch hai tầng san sát vào nhau: ăn ở tầng trên, cửa hàng hiệu buôn tầng dưới, thật là tiện lợi. Tôi chú ý đến một nhà thờ tróc nóc ở trên đồi. Hỏi ra thì mới biết nhà thờ bị dội bom tróc nóc trong thời kỳ chiến tranh và dân chúng điạ phương muốn giữ lại làm di tích lịch sử, nhớ nó mà chừa. Dân Đức đã bị đòn nhiều lần nên sợ chiến tranh lắm!

Khu phố cổ – Downtown Mainz

Khu phố cổ – Downtown Mainz

Hai ngàn năm về trước, đế quốc La-mã đã lấn chiếm toàn xứ Gaul (nay là Pháp) và tiến lên phương bắc để lấy xứ Germania, nhưng khi vươn lên tới sông Rhein thì bị các dân tộc Germania chận lại dọc theo bờ sông. La-mã đã gọi các bộ tộc này là dân mọi rợ (Germanic barbarian). Các sử gia Đức ngày nay gọi tổ tiên họ là dân tự do (Free Germania). Đến thời trung cổ của thế kỷ 14 đến 18, các lâu đài của những bang chúa độc lập được thiết dựng dọc theo bờ sông Rhein. Trục thủy lộ theo đường sông Rhein rất quan trọng cho sự chuyển vận hàng hoá từ xưa cho đến nay. Tàu bè vượt qua ranh giới tiểu bang phải chịu đánh thuế. Sở thuế thủy lộ được đặt ngay giữa cù-lao trên dòng sông, ai đi đường sông phải nộp-tiền-mải-lộ.

Chạy dài theo sông Rhein hết hơi! Ngày mai, chúng tôi sẽ viếng thăm thành phố Frankfurt

3.4   Nhà Thờ St. Bartholomew’s Cathedral in Frankfurt AM Main

Tôi chuộng đi thăm chùa chiền và nhà thờ lắm! Đi thăm cảnh nhiều hơn là đi học đạo. Ở Frankfurtnhà thờ chánh toà được xây cất rất công phu, tên là Thánh Bartholomew.

Tuy được gọi là nhà thờ chánh toà (cathedral), nhưng không có một giám mục nào cai quản, vì theo nghĩa chữ cathedral thì phải có vị giám mục chăm sóc. Nhà thờ được xây lên khoảng năm 680 nhưng chưa có nóc tháp (tower). Đến thế kỷ thứ 16 thì tháp mới được dựng thêm thành nóc thật cao, 95 thước cách mặt đất, và có cả thảy 328 bậc thang để leo lên. Để kỷ niệm công trình đồ sộ của nhà thờ này, mang ảnh hưởng đế quốc La-mã trên xứ Đức, nên dân chúng điạ phương đã vinh danh nhà thờ này thành ra cathedral (chánh toà).

Nhà thờ St. Bartholomew

Nhà thờ St. Bartholomew

Chúng tôi đi dạo một vòng để xem cảnh nhà thờ bên ngoài, trước khi bước vào bên trong chánh toà. Các chạm trổ trên nóc, trên tường nhà thờ thật là tinh vi, tỉ mỉ và sắc xảo. Ngó lên trên tháp cao thì mỏi cổ, nhưng ngó xuống cửa ra vào thì lòng cảm thấy dạt dào! Nhà thờ thấy rất uy nghi và trang nghiêm nhưng không có vườn sân và hoa cỏ chung quanh, thành ra có vẻ hơi trơ trọi. Bên kia lề đường, cách chỉ vài bước, là đủ thứ tiệm ăn hoặc thương hiệu bán quần áo.

Bước vào bên trong nhà thờ thì tôi cảm thấy toàn cảnh hơi tối, có lẽ vừa mới bị chói nắng bên ngoài. Chỉ có ánh sáng thiên nhiên xuyên qua các cửa kiếng và vài ngọn đèn điện nằm sát chân tường, hợp với nhiều ánh đèn cầy lung lay trên bàn thờ, là có thể dùng làm điểm tựa để đưa chúng tôi chậm bước trầm ngâm tiến sâu vào chánh điện.

Nhà thờ Công-giáo La-mã (Roman Catholics) chứa rất nhiều hình tượng giống như trong các chùa ViệtNam để tôn thờ các vị thánh/tăng. Trong khi ấy các nhà thờ Tin Lành (Protestants) thì đơn giản, nhỏ nhắn và mộc mạc hơn, vì không nhắm nhiều đến hình thức bề ngoài. Tư thế nào cũng có lợi điểm và thất điểm của nó. Khí hậu trong nhà thờ bằng gạch rất mát mẻ khiến cho khách thập phương cảm thấy khoẻ ra. Tôi vội ngồi xuống băng ghế cây, nhắm mắt tịnh tâm!

Năm phút sau, mở mắt dậy, tôi nhìn thấy cảnh vật chung quanh mình rõ nét hơn. Tôi mon men đến một bức tượng to lớn, cao gấp hai người thường, được dựng đứng ở bờ tường bên trái. Đó là tượng của Saint Bartholomew mà tên của Ngài được đặt cho nhà thờ này. Tượng trông rất uy nghi với đầu đội thánh miện, tay phải ôm cuốn Thánh Kinh và tay trái thì cầm phương trượng. Hình tượng này nhắc nhở tôi liên tưởng đến hai việc: kinh sáchquyền bính.

Việc thứ nhất về kinh sách, Nho-học có căn dặn: học hành cần phải có kinh sách, nhưng nếu tuyệt đối tin vào đó như đinh đóng cột thì chẳng thà đừng có nó (tận tín thư bất như vô thư).

Việc thứ nhì về quyền bính, Phật-học có mẩu chuyện về lục-tổ Huệ-Năng đã rũ bỏ y bát tượng trưng cho quyền lực của giáo hội. Không có quyền bính thì không thể tổ chức lực lượng. Mà có nó quá nhiều, khi không thể kiểm soát và quân bình (check-and-balance) được, thì chắc chắn lạm dụng và độc tài sẽ hoành hành thao túng. Quyền bính đã thấm nhập từ đời cho đến đạo và ngược lại.

Tôi đi vòng qua phía tường bên phải của nhà thờ thì đến một phòng cầu nguyện. Trên bàn có chứa rất nhiều nến nhỏ đang cháy lung linh làm sáng tỏ một góc phòng. Chúng tôi bỏ một đồng EUR vào trong hộp khoá và châm đốt lên một ngọn nến, cầu sao cho thế giới, quốc gia và gia đình được luôn an bình. Ánh đèn chỉ sáng rõ được một góc nhỏ, tôi lại tiến dần vào khu giữa nhà thờ và ngước nhìn lên nóc vòm rộng lớn trên đầu.

Vòm nhà thờ Công-giáo thường được xây theo kiểu lườn chiếc tàu của ông Noah lật úp, tượng trưng cho sự che chở của Đức Chúa Trời trong trận lụt hồng thủy với 12 cột nhà chống đỡ, tượng trưng cho 12 đại tông đồ theo chân Chúa Jesus. Tôi nghe mấy chuyện này hồi tôi còn bé khi đi theo Ông Ngoại tôi viếng nhà thờ SàiGòn. Ông tôi là người Ki-tô hữu khi còn là thanh niên, nhưng sau đó thì rời các tổ chức tôn giáo, chỉ giữ Chúa lại trong lòng. (Chuyện này dài và ly kỳ lắm. Vị nào muốn biết thêm về ông tôi, xin hãy tìm đọc bài ký sự Thăm Nước Pháp thì sẽ rõ).

Bà tôi thích đọc chuyện Tàu, còn ông tôi lại thích chuyện Tây. Tôi ở cửa giữa, nghe được thứ nào thì ngốn vô thứ nấy. Về chuyện ông già Noah thì nhiều sách vở, kể cả nhiều tôn giáo hay kể lại vụ ông thoát hiểm trận đại hồng thủy, vì thượng đế muốn tiêu diệt thế gian băng hoại này nên đã làm ra ngập lụt lớn, dâng nước nhận chìm tất cả. Chúa chỉ cho hai vợ chồng ông Noah3 cặp vợ chồng của con ông là Shem, HamJapheth đóng chiếc tàu thật to, rồi leo lên đó cùng muôn loài vật, mỗi thứ một cặp để được tồn tại sau cơn nước dâng. Thiên hạ xấu xa, các loại tà ma, là bị nước cuốn trôi tiêu hết. Chỉ còn lại mỗi gia đình của ông Noah là sống sót! Sau đó, 8 người (bốn ông cộng với bốn bà) tái tạo lại xã hội loài người tốt hơn. Hy vọng thế giới kỳ này, mong cho nhân loại sống đàng hoàng và tử tế hơn! Nếu chúng còn lạng quạng thì sẽ dâng nước nữa. Thiếu gì tsunami !!! Sóng tử thần dâng tới đâu, thiên hạ đi chầu Diêm-vương tới đó.

Ông tôi hồi thanh niên là người theo đạo Chúa, nhưng lại rành về Nho-học và bói toán. Ông cho rằng, đại-gia-đình gồm 8 người của Noah chính là cái bùa bát-quái đã hộ trì và cứu độ chúng sinh. Nghe thì lạ mà nghĩ sâu xa cũng có lý! Theo Nho-học: bát-quáitám quẻ (càn-khôn/li-khảm/tốn-chấn/cấn-đoài) tượng trưng cho 4 cặp yếu tố đối (x)ứng tạo dựng nên xã hội con người và muôn loài. Quan niệm xã-hội này phát sinh từ nền văn minh nông nghiệp của vùng Đông-Nam-Á cả chục ngàn năm về trước. Phân tích và tổng hợp 4 cặp hằng số văn hoá–kinh tế– chính trị– giáo dục trong xã hội (determinantally social variables) là cả một nan đề trong xã-hội-học.

Hồi còn học trung-học (thế kỷ 20) ở ViệtNam, thầy dạy Việt-văn của tôi thường hay lập luận: Đông là Đông và Tây là Tây, mỗi thứ là một độc đặc, khó mà gặp nhau. Thầy tôi mất rồi, và tôi đang sống ở thế kỷ thứ 21, thế kỷ của sự toàn-cầu-hoá, tôi lại nghĩ đến cách so sánh đại-đồng-mà-tiểu-dị theo kiểu của ông Ngoại tôi về gia đình ông Noahbát-quái. Đông và Tây vẫn có thể gặp nhau ở một điểm chung, để thấy rõ loài người có nhiều điểm lớn giống nhau. Dượng Năm tôi (chồng của Dì Năm, 1924-2013) là một tín đồ đạo Cao-Đài. Ổng hay nói: Dịch-Thánh đồng tông, Đông-Tây cùng gốc! Hồi đó, tôi không hiểu dượng tôi nói gì cả!

Giờ đây, ngẫm lại thấy dượng mình cũng hữu lý phần nào. Mình muốn thế gian hoà bình thì phải tìm và tin vào cái giống nhau (đại đồng) để còn đối thoại và kết nối. Chứ đi tìm cái khác biệt nhỏ nhoi (tiểu dị), rồi cứ cho mình ngon, mình thắng, và mô hình của mình là hạng nhứt thiên hạ thì có ngày sẽ thành nhức cư ! Mà hễ nói một cách vô lý thì dù có tiến sĩ cũng không cần nghe theo!

Ông đi qua bà đi lại tuy đông đảo, nhưng rất trật tự và thanh lặng.

Ông đi qua bà đi lại tuy đông đảo, nhưng rất trật tự và thanh lặng.

Chào tạm biệt nhà thờ, chúng tôi lội bộ qua công trường Römerberg nổi tiếng. Khu này thiên hạ đi chơi đông lắm. Dân Đức rất có kỷ luật. Ngoài nơi công cộng mà không cảm thấy ồn ào náo nhiệt mặc dù dân chúng đi đầy đường. Cùng một khung thời gian và cùng một số người tương đương hiện diện, nếu bạn ở bên Marseille (Pháp) thì độ dBA (cường độ đo âm thanh) sẽ cao hơn nhiều, và nếu bạn ở HồngKông (Tàu) thì được một chợ âm thanh hỗn loạn. Và nếu bạn ở “thành phố HCM ” (ViệtNam) thì sẽ có một độ ồn ào không thua gì ở HồngKông (bên hông Chợ Lớn) cộng thêm những tiếng chửi thề tục tĩu ngoài đường phố.

Vào thời trung cổ, khu Römerberg được thành lập dưới ảnh hưởng của giáo hoàng La-mã. Römer tiếng Đức có nghĩa là Roman (người La-mã). Khu này đặc biệt dành cho tổ chức hội chợ, lễ lộc nên rất nổi tiếng. Chúng tôi đến nơi thì thấy rác giấy đầy sân, hỏi ra mới biết là có một buổi lễ chạy đua hay đi bộ gì đó vừa mới tàn cuộc.

Chung quanh công trường này còn nhiều di tích lịch sử như nhà Römer (thế kỷ thứ 15), đền thờ Alte Nikolaikirche (năm 1264) và tượng nữ thần công lý Gerechtigkeitsbrunnen được xây ngay chính giữa sân rộng (năm 1543).

Tượng nữ thần, tay phải cầm kiếm tay trái cầm cán cân công lý, nhưng lạ là mắt không bị bịt lại như các tượng ở trong toà án mà chúng ta thường thấy. Tôi nghĩ thầm: cũng đúng thôi! ở trong toà thì cần bịt mắt để giữ tính vô tư và công bằng vì đã không thấy sự kiện. Còn đứng ở giữa chợ như nữ thần Justitia thì cần phải mở mắt ra và cây kiếm cầm phải to hơn để thấy cảnh xằng bậy ở đâu là chém ngay tới đó! Khác với cảnh hiệp sĩ mù nghe gió kiếm như trong phim Nhật-Bổn.

Chỉ cách thần công lý có vài bước là nơi mà đảng Đức-quốc-xã (Nazi) của hung thần Hitler đã đốt sách vở của các phe phái khác, không nghĩ như họ (năm 1933). Tưởng họ dữ chứ đâu dè họ sợ. Kẻ độc tài và bạo quyền thường hay sợ; sợ người khác nghĩ khác mình. Sau chiến tranh, dân điạ phương đã xây một tấm bảng bằng đồng, lộng trong sân đá lót gạch để ghi nhớ hành động đốt sách xấu xa, không phải của Nazi.

Ra khỏi công trường Römerberg vài dãy phố thì chúng tôi thấy cảnh sát sắp sửa chận một khúc đường lại, cắm bảng không cho xe hơi chạy ngang, để dành chỗ cho dân chúng tụ tập chơi trò chạy-trên-giày-trượt (roller skate). Thành phố Frankfurt làm tiền thiệt nhiều mà chơi thì cũng lắm!

Chúng tôi bắt đầu bị kiến cắn bụng rồi. Mấy người bạn rủ đi qua bên kia bờ sông, cũng không xa công trường Römerberg, để đến một nhà hàng nổi trên sông có nhiều món nhậu đặc sản của dân Frankfurt. Tôi nghe bèn chịu liền. Ngon dở thì hậu xét. Đặc sản điạ phương là ưu tiên!

Muốn đi qua bờ bên kia thì phải đi ngang một cây cầu, dành đặc biệt cho khách bộ hành, và đặc biệt hơn nữa là cho những cặp tình nhân. Chuyện như thế này: mỗi cặp tình nhân khắc tên của hai người lên trên một ổ khoá, được xem như là con tim của tình yêu, và sau khi khoá ổ vào thành cầu vững chắc thì vứt chìa khoá xuống dòng sông sâu.

Úi chà! biết chừng nào cầu mới sập! Làm thể nào tìm cho ra chìa khoá con tim? Tình yêu của đôi ta là bất diệt:

Thương em không biết để đâu

Khắc trên ổ khoá vứt chià xuống sông!

chứ không phải:

Thương em không biết để đâu

Để trên nòng súng lâu lâu bóp cò!

Chìa khoá yêu đương đầy cầu, nhưng không biết sự thương yêu sâu hay cạn ! Tên chiếc cầu bằng tiếng Hy-lạp  ΠΛΕΩΝ  ΕΠΙ  ΟΙΝΟΠΑ  ΠΟΝΤΟΝ  ΕΠ  ΑVVΟΘΡΟΟΥΣ  ΑΝΘΡΩΠΟΥΣ Bạn giỏi đọc đi  ♥ ♣ ♠ ♦

Chìa khoá yêu đương đầy cầu, nhưng không biết sự thương yêu sâu hay cạn !
Tên chiếc cầu bằng tiếng Hy-lạp ΠΛΕΩΝ ΕΠΙ ΟΙΝΟΠΑ ΠΟΝΤΟΝ ΕΠ ΑVVΟΘΡΟΟΥΣ ΑΝΘΡΩΠΟΥΣ
Bạn giỏi đọc đi ♥ ♣ ♠ ♦

3.5   Chiếc Cầu Mang Ngàn Khóa Tình Yêu (Eiserner Steg Love Bridge)

Đây là chiếc cầu bằng sắt (đúng ra là bằng thép). Dọc theo lan can hai bên bờ rào có cả ngàn ổ khoá, đủ mọi màu sắc, được khoá dính chùm vào nhau thành từng xâu. Mỗi ổ khoá thấy khắc tên của một cặp tình nhân, bằng đủ loại ngôn ngữ. Tôi cố tìm cho ra một ổ khoá có khắc tên bằng tiếng Việt, nhưng tìm hoài vẫn chưa thấy. Nguyên cây cầu dài, chứa đến cả ngàn tên, tôi tin thể nào cũng có cặp tình nhân người Việt cột vào đây. Nhưng nhiều quá, đếm không xuể! Chịu thua!

Úi dà! Tôi lại thấy tên hai anh chàng này Rüdiger & Jörg khắc trên một ổ khoá màu xanh dương thật là tình tứ. Chưa hết! Có một ổ khoá treo tòn ten trên đòn sắt cao khoảng năm, sáu mét (hình hai, hàng hai, Hình 39, mũi tên đỏ). Đúng là vì muốn biểu lộ sự yêu thương mà anh chàng nào đó

dám leo cao để treo trái tim mình trên nóc. Không biết cặp tình nhân này tên gì, vì đâu có ai cả gan dám leo lên cao mà đọc. Mà leo lên bằng cách nào? Nếu chàng có té thì chắc là khó sống, mà có sống thì chắc là cũng khó nuôi! Tôi bèn tức cảnh sinh tình, tặng cho anh chàng này 4 câu:

Thương em: cầu cao cách mấy anh vẫn phải trèo.

Dù trơn dù trợt anh leo tới cùng!

Có té xuống đất, nặng lắm, thì kể như khùng. Tuy khùng, anh vẫn muốn hun em!

 3.6    Các Món Đặc Sản của Frankfurt

Frankfurt còn được dân địa phương gọi trại là Bankfurt, ý muốn nói thành phố này có nhiều ngân hàng (nhà băng, bank) cho sinh hoạt kinh thương. Đại thương lẫn tiểu thương. Đại thương thì đã có Ngân hàng Trung ương Liên-Âu đặt căn cứ tại Frankfurt lo liệu. Còn tiểu thương thì thiên hình vạn trạng. Trong các tiệm nhỏ bán tặng phẩm cho khách du lịch, tôi thấy hàng Made in Germany (làm tại Đức) bày bán cạnh tranh với các món nhập cảng của Made in China (làm tại Tàu). Dĩ nhiên giá hàng Đức mắc hơn hàng Tàu, nhưng nghệ thuật và phẩm chất của Đức cao độ hơn gấp bội. Đúng với câu tiền-nào-của-nấy!

Ngồi dưới quán ăn nhìn lên trên bờ sông, tôi thấy một cặp chuyên viên tiếp thị (marketeers) ở trần. Vâng, họ ở trần! họ vừa đi vừa viết phấn xuống đường: tên của công ty truyền thông mà họ muốn quảng cáo. Chắc cách quảng cáo này hiệu nghiệm lắm! Đói quá rồi, chúng tôi gọi thức uống và món ăn đặc sản của dân chúng Frankfurt ưa thích.

Thức uống là Apfelwein (apple wine, rượu táo), khoảng 6% độ rượu, nhẹ hơn bia, nhưng vẫn làm cho tôi ngây ngất. Xin thành thật khai báo: tôi uống rượu dở lắm, nói một cách y-học là tôi bị dị ứng với rượu; nhiều khi chỉ ngửi hơi rượu mạnh là đã ngà ngà rồi. Món ăn có tên là Handkäse mit Musik màu trắng sệt (hand = cầm tay; käs = cheese, phó-mát; mit = với; musik = nghĩa đen là âm nhạc, nghĩa bóng là đánh rắm). Món ăn này là tổng hợp của ba thứ: nước giấm, hành tâykümmel (gia vị vùng Trung-đông) trộn vào nhau bằng tay, toàn là những thức chua cay mùi đời, giống như ba loại nhạc khí cổ truyền cộng lại thành một ban nhạc hoà tấu không-giống-ai. Không xì ra hơi mới là lạ! Để tối nay xem tình hình tiêu hoá ra sao! Hy vọng tôi không sáng tác ra musik, để còn thanh tao đi thăm thành phố khác.

  1. 3.     Thành Phố HANNOVER

Tôi đã ghé qua thành phố Hannover rất nhiều lần. Tôi cũng đã có dịp tiếp xúc và lắng nghe học hỏi từ các vị lãnh đạo thành phố này như các vị thị trưởng, nghị viên, vân vân. Nhưng khi nhắc đến thành phố Hannover thì tôi lại nhớ nhất về ba vị sinh sống ở đây: anh Sông Lô, anh Mài và anh Philipp Rösler. Tôi đã trò chuyện cùng ba vị này rồi, có nhiều ký ức rất tốt đẹp và cộng thêm vài ba bài học, nên kể lại đây hầu các bạn:

4.1   Những ngày xưa thân ái

Sông Lô là bút hiệu của anh Lê Nam Sơn, một cựu sĩ quan pháo binh trong binh chủng Thủy-quân-lục-chiến của quân lực VNCH. Đơn vị của anh đã tử thủ Cổ Thành Quảng Trị. Sau năm 1975 anh bị tù tội bởi cộng-sản và vượt biển tìm tự do tại Tây-Đức. Anh Phạm Văn Mài là chiến sĩ bộ đội cộng-sản miền Bắc đã tấn công xâm lấn miền Nam vào năm 1972; trong trận đánh này, anh bị trọng thương vì bị pháo bên địch và giải ngũ sau đó. Anh Mài xin đi làm lao động khách cho Đông-Đức vào thập niên 1980 để sinh sống. Ở ngoại quốc, anh nhận thức về con đường ViệtNam trong mai hậu sẽ bị bế tắc vì nạn độc tài và tham nhũng, nên anh quyết định ở lại Đức khi bức tường Berlin sụp đổ và anh dấn thân trở thành nhà đấu tranh cho dân chủ.

Anh Sơn và anh Mài, hai người hai chiến tuyến, chưa bao giờ quen biết nhau hoặc được gặp mặt nhau trên đất nước ViệtNam trước 1975, nhưng trên xứ Đức thống nhất, hai anh đã có duyên và thuận dịp nên đã được họp mặt trong một buổi tiệc tại thành phố Hannover. Số là trong đêm văn nghệ tối hôm đó, anh Mài đã cống hiến bài hát đại chúng Những ngày xưa thân ái với giọng ca vàng, thật truyền cảm của anh:

những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai
Gió mùa xuân êm đưa rung hàng cây lưa thưa
Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ
Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ
? …

(Nhạc và lời của Phạm Thế Mỹ, 1930-2009, điệu Boléro)

Chính bài ca này đã đem anh Sông Lô đến gặp anh Mài vì anh Sông Lô rất yêu thích và thường ca bài nhạc vàng này để kỷ niệm những người bạn trong quân ngũ đã vĩnh viễn ra đi trong chiến trận. Hỏi ra thì mới biết: hai anh đều có mặt trong trận đánh Cổ Thành đẵm máu hồi năm 1972. Và cũng có thể: vết thương vì bị pháo của anh Mài là đã do đơn vị của anh Sông Lô nã vào.

Hỏi ra thì lại được biết thêm: anh Mài thuộc sư đoàn 304 cộng-sản, anh đã tìm thấy bản nhạc Những Ngày Xưa Thân Ái trên đường xâm nhập. Anh Mài thấy quá hay, hợp với tâm trạng mình, nên đem ra hát cho các bạn khác nghe. Từ đây trên đất Đức, quê hương thứ hai, hai anh SơnMài bỏ qua chuyện cũ, chuyện nồi da xáo thịt của hai phía tương tàn dành nhau chính nghĩa, để thấy rõ thực trạng đau buồn của ngày hôm nay là do tầng lớp lãnh đạo yếu kém dẫn đường, và hai anh đã ý thức được nhiệm vụ mới. Hai anh đã trở thành cặp song ca Đức-Việt của thời cuộc. Ca sỉ, không còn là ca lẻ nữa!

Hai anh Sơn & Mài đã đi giúp vui văn nghệ cho bà con khắp vùng Đức quốc, được đồng bào ta nhiệt liệt ủng hộ và lan ra các xứ Liên-Âu khác nữa. Người Việt ủng hộ hai anh, một phần vì giọng ca trìu mến và điêu luyện của hai anh, phần khác do ý nghĩa và giá trị hơn, vì một tình bạn khắng khít mới ra đời bởi sự nhận thức cho con đường dân-chủ-hóa ViệtNam. Tình bạn mới không từ những quá khứ đau buồn, không có sự tự do lựa chọn khi được sinh ra tại bắc hay nam, giữa cộng-sản hay cộng-hoà, mà từ hoạt động làm chính sự vì dân chủ của hai anh cho tương lai:       

 … những ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai
Anh còn gì cho tôi tôi còn gì cho anh
Chỉ còn tay súng nhỏ giữa rừng sâu giết thù
Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho anh
.
(Nhạc và lời của Phạm Thế Mỹ, 1930-2009, điệu Boléro).

Tương lai của ViệtNam là làm sao để không còn nghe tiếng nói độc tài đảng trị, giọng tham nhũng tràn lan và lời nguyền rủa bởi ngoại bang lấn áp. Tiếng hát của cặp song ca Sông Lô-Mai Huyền, người Đức-Việt, đã làm cho toà đại sứ Việt-cộng sợ hãi không dám cấp giấy chiếu khán cho anh Lê Nam Sơn về thăm quê hương; và lại nghiêm cấm không cho anh Phạm Văn Mài được ra khỏi phi trường Nội-Bài (Hà-Nội), mới vài năm về trước, do lịnh của công an khi anh Mài muốn về thăm sinh nhật một đồng đội cũ, người cựu chiến binh cộng-sản đang lâm trọng bịnh.

Tôi may mắn, có dịp đã nhìn thấy sự trình diễn của hai bạn đôi năm về trước trong một cuộc sinh hoạt vui vẻ của cộng đồng cư dân Đức-ViệtHannover. Xin trân trọng ngả nón chào đón hai bạn Sơn Mài, và khe khẽ hát theo: … những ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai !

(Xem thêm chi tiết: http://tqlcvn.org/thovan/van-ngayxua-thanai.htm).

4.2   Ông ấy là đảng trưởng của chúng tôi !

Philipp Rösler là một người Đức hoàn toàn, từ trái tim cho đến đầu óc, ngoại trừ cái xác ViệtNam. Chỉ vì có cái xác Việt mà nhiều người Việt cảm thấy tự hào vì thấy có một ông Phó thủ tướng, người-gốc-Việt, cho một cường quốc của Liên-Âu. Nhưng khả năng của anh Philipp này tài giỏi đến độ nào mà dân Đức, một dân tộc tự hào về giống nòi của mình, đã tin dùng để cho Philipp Rösler trở thành Phó thủ tướng? Tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với ông và những người cộng sự của ông, nên thấy được một vài điều lý thú.

Trong kỳ bầu cử quốc hội của xứ Đức tháng 9 vừa qua, kết quả thắng thế của các chính đảng được liệt kê theo thứ tự như sau: đảng FDP (Tự Do Dân Chủ, 4.8%), đảng Xanh (Grünen, 8.4%), đảng Tả (Linke, 8.6%), đảng SPD (Dân Chủ Xã Hội, 25.7%), và đảng CDU/CSU (Liên Minh Dân Chủ Cơ Đốc, 41.5% của bà Thủ tướng Angela Merkel). Anh Philipp Rösler là đảng trưởng của đảng FDP và về chót, nên hết làm Phó thủ tướng.

Ba năm về trước (2010), tôi tham dự một buổi tiếp xúc của anh Philipp do Bộ Y-tế xứ Đức tiếp đón phái đoàn công dân Đức-Việt về sách lược của nhà nước. Anh Philipp cao lớn, mới có 37 tuổi, vóc dáng bảnh trai như tài tử Hollywood của Mỹ. Anh ta nói lưu loát Anh-văn khi gặp gỡ chúng tôi.

Tôi không quan tâm lắm về các câu hỏi chính trị, kinh tế hay y tế như các bằng hữu khác đã đặt, mà tôi lại muốn hỏi một câu mang tính xã-hội-học. Buổi họp dự định là một tiếng đồng hồ. Mới được nửa tiếng là anh Philipp phải vội vã rời khỏi phòng họp để đi tiếp đón một vị lãnh tụ ngoại quốc khác theo yêu cầu đột xuất của Bộ Ngoại-giao Đức khẩn báo. Tôi cụt hứng vì chưa kịp đặt câu hỏi. Nhưng không sao, vì anh Philipp còn để lại bốn vị thuộc hạ thân tín trong Bộ Y-tế để tiếp đón và trò chuyện cùng nhóm chúng tôi cho hết nửa tiếng còn lại.

Tôi hỏi: theo sự nhận xét của tôi, có hai dân tộc hùng cường trên thế giới, châu Á có Nhật, châu Âu có Đức, hai xứ này khó có thể cho phép người ngoại tộc (không phải dân Đức chính cống) lên ngồi cương vị lãnh đạo trong giới sinh hoạt chính trị giòng chính; tại sao lại có trường hợp ông Philipp Rösler lên làm Bộ trưởng của Đức quốc?

Anh phụ tá của Philipp Rösler trả lời tôi một cách ngoại giao, khôn khéo và nhỏ nhẹ: luật căn bản hiến định của xứ tôi cho phép vị Thủ tướng (lãnh tụ chính đảng đa số, bấy giờ là bà Angela Markel) mời chọn vị lãnh tụ chính đảng thiểu số làm Phó để làm quân bình sinh hoạt chính trị cho nhà nước. Đa số hợp tác với thiểu số để cùng nhau xây dựng xã hội. Rồi anh ta lại bồi tiếp: anh có biết không? Ông Philipp Rosler chính là đảng trưởng của chúng tôi!

Tôi vẫn chưa hiểu đa số cùng thiểu số xây dựng xã hội là như thế nào? Khi gặp lại các bạn Dương Hồng Ân, Trần Mỹ Nga thì được các vị chỉ bảo thêm: Sau cuộc bầu cử quốc hội và thủ tướng, chỉ những đảng phái đạt được trên 5% trong số cử tri đi bầu mới có cơ hội có chân trong quốc hội (thượng nghị viện) và tham gia chính quyền. Trong lần bầu cử năm 2009, đảng FDP của Rösler đạt được tỷ lệ trên 11%, với đảng trưởng là Udo Westerwelle, đảng FDP đã được mời vào đứng chung trong liên minh CDU/CSU để thành lập nội các. (CDU/CSU tuy đạt được đa số cử tri so với những đảng khác nhưng vẫn chưa đạt được tỷ số trên 50% của tổng số cử tri nên bắt buộc phải liên minh với một đảng khác để có được đa số trong quốc hội). Ông đảng trưởng của đảng thiểu số trong liên minh cầm quyền thường được ủy nhiệm chức vụ Phó thủ tướng và giữ chức Bộ trưởng bộ ngoại giao. Một năm sau (2010), nội bộ FDP lủng củng, Udo Westerwelle phải nhường chức đảng trưởng FDP cho Phillip Rösler, và Westerwelle chỉ còn giữ chức vụ Bộ trưởng ngoại giao trong nội các của Merkel. Trở thành đảng trưởng của FDP, Rösler đương nhiên đảm nhận chức vụ phó thủ tướng, thay Westerwelle. 

À, thì ra thế! Hễ lên làm được đảng trưởng hay trong hàng lãnh đạo cao cấp của chính đảng thì có thể trở thành lãnh đạo nhà nước vì hiến pháp vận hành của xã hội Đức phải tuân thủ làm theo. Đức là một quốc gia dân chủ, cấp tiến và pháp trị. Câu hỏi mang tính xã-hội-học của tôi hơi bị lỗi thời vì nó thiên về tâm lý nòi giống hơn là chính trị thực dụng. Luật căn bản 1949 được xem như bản hiến pháp hiện hành của xứ Đức, đã cho phép Philipp Rösler, một đảng trưởng của đảng thiểu số trở thành vị Phó thủ tướng đầu tiên, người châu Á nói chung và Đức-Việt nói riêng, trong chính trường Đức.

Bài học làm đảng trưởng này cứ lảng vảng trong đầu óc tôi. Tôi, một công dân Mỹ-Việt, già quá-đát rồi, lại không khoái làm lãnh tụ chính trị, cũng không thích tham gia chính quyền, nhưng ước vọng là làm sao cho con cháu người Mỹ-Việt của chúng tôi có thể lên làm đảng trưởng hay có chân trong giới lãnh đạo đảng phái của Mỹ. Tại sao không? Chính đảng đa số cũng được, mà đảng thiểu số thì càng hay, vì Mỹ có hơn 40 đảng hiện hành (hệ thống đa đảng). Đảng nhỏ dễ leo lên cao hơn đảng lớn.

Xứ Mỹ là xứ dân chủ, cấp tiến và pháp trị, nhất là chính trị thực dụng, đâu có thua gì xứ Đức. Leo lên làm đảng trưởng rồi, thì khi Mỹ-vàng (nói riêng cho Mỹ-Việt) ra tranh cử tham chánh sẽ kéo theo đảng viên Mỹ-trắng, Mỹ-đen, Mỹ-nâu ủng hộ. Đâu có khó gì! Các bạn đã thấy chưa? Chúng tôi đã rất tự hào về vị Tổng thống Mỹ-đen đầu tiên trong lịch sử Hoa-Kỳ.

Tôi biết có một số bạn Mỹ-Việt đã không có bầu cho Barack Obama vì nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Một tiêu chuẩn quan trọng là bạn thuộc về đảng đa số Cộng-Hoà hay Dân-Chủ. Tôi không phải là đảng viên của Dân-Chủ hay Cộng-Hoà, nhưng tôi thấy anh Obama ngon lành theo tiêu chuẩn chủ quan của tôi, nên tôi đã bầu cho ổng. Nếu ổng tệ thì 4 năm sau, tôi sẽ bầu cho vị khác. Nếu bạn là đảng viên Cộng-Hoà hay thiên về Cộng-Hoà thì xác suất cao là bạn không muốn bầu cho Obama vì anh ta thuộc đảng Dân-Chủ. Để tôi hỏi bạn câu này: Xứ Mỹ là lưỡng đảng hay đa đảng? Tại sao cứ để lưỡng đảng Cộng-Hoà hay Dân-Chủ chiếm trọn não trạng của chúng ta?

Tôi cũng biết có một số công dân Mỹ-Việt ra sinh hoạt chính trị, nghĩa là ra tranh cử để tham gia lãnh đạo chánh quyền. Hệ thống chính trị Mỹ có 5 cấp được đem ra bầu cử, từ cao xuống thấp: 1. Liên bang (Federal); 2. Tiểu bang (State); 3. Quận hạt (County); 4. Thành phố (City), và 5. Khu vực (District). Leo lên cấp 1 có ông Cao Quang Ánh làm được một thời. Leo lên cấp 2 có ông Trần Thái Văn (California) và Hubert Võ (Texas). Leo lên cấp 3 có cô Janet Nguyễn (Nam Cali). Leo lên cấp 4 có Madison Nguyễn (San José, CA); Tạ Đức Trí, Andy Quách (Wesminster, CA) vân vân. Đại khái là như thế! Tôi không có danh sách đầy đủ. Chỉ có một điều dễ thấy là, các ông bà chính trị gia này, một là đảng viên đảng Cộng-Hoà, hai là đảng Dân-Chủ.

Cộng-Hoà (Republican) và Dân-Chủ (Democrat) là đảng đa số. Không có mạng Mỹ-Việt cầm quyền nào thuộc đảng thiếu số. Chính trị gia Mỹ-Việt chỉ là đảng viên tầm thường, chỉ mong được lòng của đảng để tranh thủ sự ủng hộ của đảng lớn, đưa mình ra tranh cử cho chắc ăn. Não trạng chỉ là hạng ăn theo, chứ chưa dám chủ động. Chủ động phải là đầu đảng như làm đảng trưởng hay trong ban tham mưu lãnh đạo đảng. Phong thái lãnh đạo theo đảng lớn chỉ là trông cậy vào tá-lực (nhờ vào sức người khác), mà quên đi xây dựng nội-lực (sức của chính mình).

Anh Trần Thái Văn có lần được tham mưu của đảng Cộng-Hoà đề cử ra tranh cử cấp 1 (dân biểu liên bang) sau khi có kinh nghiệm đã làm dân biểu tiểu bang (cấp 2). Anh Mỹ-vàng chạy đông chạy tây đến các cộng đồng Mỹ-Việt để gây quỹ ra tranh cử. Nhưng không dè mấy tuần sau, ban tham mưu đảng lại kêu anh rút vào và đưa một tay Mỹ-trắng khác ra thay thế. Sao kỳ vậy? Nếu anh TTVăn có chức sắc cao trong đảng thì chắc mấy tay khác không dám động đến. Đằng này vì không có nội-lực thì phải chịu thua thôi! Dựa vào nó, thì nó bảo ra, kêu vào là phải rồi!

Bài học bên Đức của đảng trưởng Philipp Rösler có thể quý giá cho các chính trị gia Mỹ-Việt trong tương lai. Xứ Mỹ còn có 3 đảng lớn thứ ba là: Constitution Party, Green Party of The U.S.Libertarian Party. Vào đảng nhỏ để tạo chủ lực rồi từ từ leo lên. Chưa hết đâu! Còn chừng 42 đảng khác nữa. Các bạn có thể vô mạng này mà xem (http://www.politics1.com/parties.htm), nhưng nhớ đừng dại dột mà đút đầu vô mấy đảng cộng-sản cóc con để làm đảng viên. Xứ Mỹ là xứ dân chủ thứ thiệt, nên pháp luật cho phép cộng-sản thành lập chính đảng, nhưng dân Mỹ (Mỹ-trắng, Mỹ-đen, Mỹ-nâuMỹ-vàng) không ai chịu theo hết. Chỉ còn Mỹ-dốt là hoan hô cộng-sản! Ông bà mình dạy:

Thà làm đầu con rít,

Còn hơn làm đít con rồng.

Chúng tôi chuẩn bị từ giã Hannover sau hai ngày viếng thăm.

  1. 4.     Made-in GERMANY :

Con đường Liên-Âu – Thâu cả châu về một mối

Để kết luận chuyến đi du lịch/học lần này, tôi dùng khung thẩm định văn-kinh-chính-giáo trong Việt-Học để áp dụng khi phân tích xã hội xứ Đức. Dĩ nhiên, khung xã hội này rất tổng quát và đơn giản, nhưng mặt khác nó có thể giúp chúng ta dễ hiểu vấn đề hơn. Có bạn sẽ cho rằng: còn rất nhiều thành tố sinh hoạt xã hội khác cần phải kể thêm, ngoài bốn mặt văn hoá, kinh tế, chính trịgiáo dục; thí dụ như luật pháp, quân sự, y tế, khoa học, nghệ thuật, văn học, triết lý. Đúng thế! Bạn còn có thể kể thêm cả chục mặt sinh hoạt quan trọng khác nữa.

Nhưng nếu dài giòng văn tự để kể hết các mặt sinh hoạt, lớn và nhỏ trong xã hội, thì chúng ta đang làm công việc phân loại (classification). Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa các thành phần hỗ tương trong xã hội với nhau. Đó là công việc hệ-thống-hoá (taxonomy, systematics). Thí dụ: luật phápquân sự có thể đứng chung dưới dàn chính trị; y tếkhoa học cho đứng chung trong kinh tế; còn nghệ thuật, văn học đặt dưới trướng của giáo dục; và triết lý có thể ở trong mặt sinh hoạt văn hoá. Điểm quan trọng là sự liên hệ giữa các mặt sinh hoạt xã hội này cần đi theo các nguyên lý vận dụng vạn-vật-đồng-nhất-thể như tứ-linh, ngũ-hành, bát-quái mà văn minh nông nghiệp của phương Đông đã phát kiến để ơn ích cho loài người từ trước.

5.1   Về văn hoá

Tuy bị Hy-lạp-hoá và La-mã-hoá như các nước Tây-Âu khác trong quá khứ, nhưng vì ở xa và bị ảnh hưởng sau, nên Đức quốc đã chọn thế đứng riêng và thoát ra khỏi gọng kìm bị ngoại-hoá một cách tương đối. Vào thế kỷ 18, nước Phổ (tiền thân của nước Đức ngày nay) đã thiết lập nên một nền văn hoá dân tộc Đức độc đặc, tương sánh với các cường quốc khác của châu Âu. Thế kỷ 19 và 20 tiếp theo là sự đóng góp của Đức vào nền thịnh vượng chung của Tây phương trên các mặt triết học, khoa học, nghệ thuật và kỹ thuật.

Thất bại trong hai cuộc thế giới đại chiến cũng là bài học tốt cho nền văn hoá của Đức tránh khỏi hầm tai vạ bởi tinh thần dân tộc độc tôn và quá khích, nếu có, trong tương lai. Dân Đức và nhà nước đã hoan nghênh và chào đón Đức Đạt-lai Lạt-ma của Tây-Tạng lưu vong mà không e dè về sự hăm he chống đối của nhà nước bá/bạo quyền Trung-cộng. Dân Đức đã không muốn thấy lại cảnh một dân tộc lớn mạnh đi ức hiếp một dân tộc yếu kém và hiền hoà.

5.2   Về kinh tế

Sau thế chiến (1945), tuy bị chia đôi bởi thế giới tư-bảncộng-sản được dẫn đầu do MỹNga trong cuộc chiến tranh lạnh, nhưng Tây-Đức đã phục hồi nhanh chóng và thống nhất với Đông-Đức một cách hoà bình, phi vũ lực (1990). Nhờ kinh qua sự khó khăn của thời kỳ chiến tranh và với tinh thần chịu đựng bền bĩ, kinh tế nước Đức đã phục hồi và tăng trưởng vượt bực nhờ các sách lược tiết kiệmđầu tư thay vì chỉ biết chăm chú nhiều vào tiêu thụ như các nước khác.

Kinh tế của Đức hiện nay được dùng làm trụ cột cho thị trường chung của chợ Liên-Âu. Một mặt, Đức giữ cho nước mình được bền vững, mặt khác Đức hỗ trợ và giúp đỡ cho các quốc gia thành viên khác thoát ra khỏi các cuộc suy trầm kinh tế vì tiêu xài quá mức như Hy-lạp, Tây-ban-nha, Ý … Đức không những chỉ biết lo riêng cho mình mà còn biết bảo vệ sự toàn vẹn của nền kinh tế Liên-Âu (chợ Tây) để tranh thương cùng chợ Mỹ, chợ Tàu và nhiều chợ nhỏ khác.

Giá trị của đồng EUR không thua kém gì đồng USD trên thương trường quốc tế (Hình 42). Hai bức tượng đồng qua hình dáng của con bò mộng (bull) và con gấu (bear) tượng trưng cho hai trạng thái tiến côngthoái thủ trong thị trường tài chánh ở trung tâm ngân hàng Frankfurt, dùng để ám chỉ sách lược kinh tế nhịp nhàng của Liên-Âu.

5.3   Về chính trị

Nhân dân Đức đã trải qua kinh nghiệm giữa hai chủ nghĩa tư-bản và xã-hội, nên sau chiến tranh đã ý thức đến giá trị và con đường nhân bản. Luật căn bản 1949, được đặt ra sau chiến tranh, đã nhấn mạnh về nhân phẩm con người với 20 điều luật về nhân quyền và dân chủ xã hội, và biến thành bản hiến pháp cho Cộng hoà Liên bang Đức quốc sau cuộc thống nhất Đông Tây-Đức.

Nội dung của bản hiến pháp Đức hiện nay là một nối dài về dân chủ đại nghị như của nước Anh và tổng hợp về hiến định phân quyền thực dụng của nước Mỹ. Nhưng đây chỉ là (nghệ) thuật chính trị. Còn (tưởng) chính trị của nước và dân Đức là tiến tới xây dựng một tổ chức toàn cầu chân chính và nhân bản hơn để đưa loài người tới mơ ước thiên hạ thái bình.

5.4   Về giáo dục

Một mặt, phương pháp giáo dục phải tạo điều kiện cho cá nhân phát triển tột bậc trong nghiên cứu và sáng tạo, nhưng ở mặt khác, sách lược về giáo dục phải xã-hội-hoá được toàn dân trong ý thức trách nhiệm của người dân đối với trời, đất và người. Giáo dục của nước Đức đã đi hàng đầu trong hướng giáo dục cộng đồng (đại học hai năm) và môn công dân giáo dục. Thẩm định mặt sinh hoạt giáo dục không phải chỉ trên căn bản học-vị/thuật mà còn ở sự rèn luyện nhân cách. Các thành phố Đức chúng tôi có dịp đi ngang qua đã cho thấy ảnh hưởng quan trọng của đức tính người công dân như tính tự trọng cá nhân và sự an toàn trong xã hội.

Tóm lại, xuyên qua 4 mặt sinh hoạt văn-kinh-chính-giáo của xã hội Đức, nhân dânnhà nước xứ Đức đã chứng tỏ khả năng hiện thực mang tính liên-lập để giữ vững sách lược phát triển một cách quân bìnhvững bền hơn. Không những giữ vững cho riêng quốc gia mình mà còn cho toàn khối Liên-Âu hầu tạo thế ba-chân-vạc cho tiến trình hoàn-cầu-hóa trong thế kỷ 21.

© Trương Như Thường

© Đàn Chim Việt

—————————————

Chân Thành Cảm Tạ Quý Ông Bà và Quý Anh Chị Đã Giúp Sức

Cho Chúng Tôi Trong Chuyến Sinh Hoạt Việt-Học

Hè 2013 tại Pháp Quốc và Đức Quốc

Gia đình Nguyễn Quốc Nam  .  Lâm Hoàng Tùng  .  Gia đình Trần Phước Lý

Dr. Nguyễn Văn Trần  .  Bùi Đình Đại  .  Thu Sương & Lam Sơn 719

Gia đình Nguyễn Gia Kiểng  .  Dr. Nguyễn Thành Khương

Phạm Đức Bình  .  Dr. Thục Quyên  .  Bùi Lộc  .  Hồ Thành Công và Nhóm 008

Dr. Dương Hồng Ân  . Vũ Ngọc Yên

Gia đình Vũ Đình Hải  .  Lâm Đăng Châu  .  Sông Lô  .  Phạm Văn Mài

Phạm Quốc Phong  .  Phạm Quốc Phương  .  Dr. Nguyễn Mạnh Hùng

Gia đình Trần Mỹ Nga & Nguyễn Hữu Nghĩa và nhiều bạn khác chưa nêu tên.

BÀI KÝ SỰ NÀY KÍNH TẶNG HƯƠNG LINH

Giáo Sư  PHẠM NGỌC ĐẢNH  (19362011)

Thầy cố vấn của  Hội Ái Hữu Pétrus Trương Vĩnh Ký – Âu Châu

Phản hồi