Rủi ro tập đoàn kinh tế ở ta
Tập đoàn ta, chưa trở thành quả đấm thép đã phải đánh đổi bằng rủi ro cho nền kinh tế, lỗi không nằm ở chính bản thân nó, mà ở tư duy của nền kinh tế quản lý tập trung áp đặt cho nó, chừng nào chưa đoạn tuyệt, chừng đó không thể khác được!
Nước ta kiến định trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, nghĩa là còn 10 năm. Công cụ được kỳ vọng là các tập đoàn do nhà nước thành lập đặt vào nó niềm tin như những quả đấm thép, hàm nghĩa ra nước ngoài cạnh tranh thương hiệu, giành thị phần thế giới, trong nước làm nòng cốt cho thành phần doanh nghiệp nhà nước chi phối chủ đạo nền kinh tế, từng được rót tới 50% tổng đầu tư xã hội, với bao ưu đãi độc quyền.
Tuy nhiên, thực lực thực tế của cả khối doanh nghiệp nhà nước đã tỏ ra bất tòng tâm, tổng doanh thu của chúng năm 2008 chỉ chiếm 31,5% tổng doanh thu doanh nghiệp toàn quốc, thuế thu nhập DN chỉ chiếm 7% tổng thu ngân sách Nhà nước, tạo ra chỉ 4,4% việc làm toàn xã hội. Trong khi đó, khối doanh nghiệp này lại có những kỷ lục nợ trong và ngoài nước khổng lồ, ngân sách phải gánh chịu, chưa từng có xưa nay, làm giảm lòng tin tín dụng quốc tế và gây rủi ro nợ quốc gia.
Vậy mâu thuẫn giữa ý chí, ưu đãi, với thực tiễn phũ phàng trên nằm ở đâu, vốn không chỉ xảy ra ở ta mà ở mọi quốc gia trên thế giới, khi sử dụng quyền lực nhà nước để kinh doanh?
Chính Marx đã chỉ, “một khi thực tiễn vướng mắc thì cần quay trở lại kiểm tra nền tảng lý luận của nó”, ở đây liên quan đến bản chất của doanh nghiệp, tập đoàn, hoạt động trong nền kinh tế thị trường!
Lịch sử vận động của nền kinh tế thị trường phát triển tới đỉnh điểm toàn cầu hoá hiện nay, đã tạo nên vô số loại hình doanh nghiệp cơ bản, được phân biệt thành 2 nhóm dạng thức ngược nhau, “doanh nghiệp tư nhân” hiểu theo nghĩa đồng nhất doanh nghiệp với chủ sở hữu cả về tài sản lẫn trách nhiệm pháp lý; và “doanh nghiệp tư bản”, hiểu theo nghĩa ngược lại tách rời, tài sản khác của chủ doanh nghiệp không liên quan gì đến tài sản thuộc doanh nghiệp.
Do đồng nhất doanh nghiệp với chủ sở hữu, nên chủ sở hữu chết thì doanh nghiệp tư nhân cũng mất theo; doanh nghiệp nợ nần, gây thiệt hại, chủ sở hữu phải bồi thường hoàn toàn bằng tổng tài sản cả trong lẫn ngoài doanh nghiệp; doanh nghiệp vi phạm pháp luật, chủ doanh nghiệp bị chế tài; thu nhập của doanh nghiệp cũng là thu nhập của chủ doanh nghiệp. Nói theo ngôn ngữ kinh tế học, chủ doanh nghiệp chịu “trách nhiệm vô hạn” với doanh nghiệp, thường gặp ở loại hình công ty gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Kinh doanh không thể nói chắc thắng thua, ấy thế mà doanh nghiệp tư nhân hễ bị phá sản, thì chủ của nó ngay lập tức trở thành vô sản. Nếu giả sử ai kinh doanh, trong đời cũng bị 1 lần thất bát như thế, thì nền kinh tế thị trường sẽ dẫm chân tại chỗ, gặp phải đại khủng hoảng, doanh nghiệp bị phá sản hầu hết, sẽ kéo theo nền kinh tế thị trường tới ngưỡng tiêu vong, từng được Marx khái quát thành luận đề chu kỳ khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản.
Dạng thức doanh nghiệp tư bản chính là một lối thoát giảm thiểu hậu hoạ trên. Theo đó, doanh nghiệp độc lập với chủ sở hữu, nợ nần gây thiệt hại chỉ phải bồi thường trong phạm vi tổng trị giá tài sản hiện có của nó, không liên quan gì đến tài sản khác của chủ sở hữu, ai cho nó nợ hoặc bị nó gây thiệt hại vượt quá tổng trị giá đó coi như mất hoặc không được bồi thường đủ.Trách nhiệm bồi thường có giới hạn đó, ở ta được gọi là “trách nhiệm hữu hạn”.
Giám đốc chịu trách nhiệm pháp lý hoàn toàn từ A-Z đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp chứ không phải chủ sở hữu; hình dung như đối với đất nước, trách nhiệm pháp lý điều hành thuộc về thủ tướng, tổng thống, chứ không phải nhân dân là chủ nhân đích thực của đất nước. Doanh nghiệp tư bản vì vậy thu hút được mọi công dân, tổ chức, nhà nước; bất cứ cá nhân và pháp nhân nào có tiền đầu tư đều có thể trở thành đồng chủ nhân doanh nghiệp, hình thành nên các tập đoàn đa quốc gia vững mạnh, và khi doanh nghiệp phá sản, vẫn còn cơ hội cả bán tháo, lẫn lập mới.
Với 2 dạng thức trên, bao gồm nhiều loại hình cụ thể cho từng dạng thức được pháp chế hoá, các doanh nghiệp dù của nhà nước, tổ chức, hay cá nhân đều có thể tự chọn cho mình loại hình thích ứng, hoạt động hoàn toàn độc lập với nhà nước, trong khuôn khổ pháp lý đó. Trong quá trình kinh doanh theo đuổi mục đích lợi nhuận, hoạt động và phát triển của chúng tất yếu dẫn tới bành trướng, phình to, sát nhập, đan chéo, liên doanh, liên kết, chuyển đổi, thành lập mới, như ở Đức thống kê năm gần nhất 2009 có tới 865.000 doanh nghiệp thành lập so với 728.300 doanh nghiệp đóng cửa.
Quá trình phát triển trên có thể xảy ra dưới 2 hình thức, một, bằng hợp đồng liên doanh giữa các doanh nghiệp, nghĩa là vẫn giữ nguyên tính độc lập về vốn và tư cách pháp nhân doanh nghiệp thành viên, nhưng liên doanh với nhau để cùng thực hiện hợp đồng lớn hoặc nhằm thống nhất giá chi phối thị trường, hay thống nhất các tiêu chuẩn trong sản xuất, hay để bảo vệ thương hiệu, hoặc cùng xuất nhập khẩu…, hai, liên kết với nhau trong một chỉnh thể được điều hành thống nhất bằng cách biến các doanh nghiệp tham gia thành thành viên, hoặc doanh nghiệp này đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác hoặc cùng thành lập doanh nghiệp chung, nhằm tăng tiềm lực kinh tế.
Phát triển bao giờ cũng kèm đào thải, nhiều doanh nghiệp không thể cạnh tranh, phải thu nhỏ, chia tách, đóng cửa, phá sản, phải được bảo đảm bằng hành lang pháp lý, nếu không nó sẽ vướng víu, cản trở nền kinh tế phát triển. Điều này giải thích tại sao như ở Đức, Luật phá sản quy định chi tiết đến từng hành vi, tới 359 điều, dài chừng 35.000 chữ, buộc bất cứ doanh nghiệp nào, của nhà nước hay cá nhân, phá sản đều phải khai báo, nhằm bảo đảm lợi ích cho chủ nợ, đồng thời giải phóng nợ quá khả năng trả cho chủ doanh nghiệp.
Quy trình phá sản ở các nước, trên ý nghĩa đó, được toà án thực hiện cực kỳ chặt chẽ, hoàn toàn không như đại biểu Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên phân biệt, hình dung dễ dãi, tự do: “mô hình phá sản của Mỹ là doanh nghiệp đó vẫn hoạt động nhưng thay đổi chủ doanh nghiệp; mô hình phá sản kiểu châu Âu thì đóng cửa, bán doanh nghiệp, ông nào đó vào mua giá rất rẻ, xong rồi các chủ nợ cơ cấu lại cái nợ đó!?”, hoặc thiếu thông tin: “có lẽ chỉ duy nhất Việt Nam áp dụng xử lý hình sự những người quản lý doanh nghiệp nhà nước. Ở Mỹ, tập đoàn Enron bị phá sản cũng không có người quản lý nào đi tù cả”.
Thực tế hoàn toàn khác: Jeffrey Skilling Tổng Giám đốc Enron từ tháng 2 – 8/2001 bị khép tội báo cáo tổng kết tài chính cố tình lập sai dẫn đến thiệt hại cổ đông nhiều tỷ đô la, tập đoàn mất tới 21.000 chỗ làm việc, ngày 23/10/2006 bị tuyên phạt 24 năm 4 tháng tù giam, bồi thường 45 triệu đô la.
Còn Kenneth Lay tiền nhiệm Jeffrey Skilling lâu năm trước đó bị truy tố cùng tội danh tương tự với hình phạt tới 45 năm tù giam, bị đột tử trước lúc tuyên án.
Doanh nghiệp dù của ai một khi bị phá sản đều tác động đến nền kinh tế quốc dân, nếu gây hậu quả trầm trọng, nhà nước buộc phải giải cứu, để tránh tác động dây chuyền đến nền kinh tế, chứ không phải vì trực tiếp bản thân doanh nghiệp đó.
Tuy nhiên ngân sách nhà nước chính là tiền thuế của dân, giải cứu ai, có đáng đánh đổi hay không, phải được quốc hội đại diện cho dân chuẩn thuận, không thể phó mặc cho chính phủ, buộc chính phủ phải cân nhắc và chịu trách nhiệm với đệ trình của mình khi thất bại.
Hơn chục tập đoàn kinh tế ở ta có thể coi là 1 hình thức liên kết các doanh nghiệp ngang và dọc quy mô tối đa tới hơn 400 công ty lớn nhỏ, trong một chỉnh thể được điều hành thống nhất bởi Ban giám đốc tập đoàn như ở các nước. Tuy nhiên tập đoàn ta khác hẳn họ cả về nguồn gốc lẫn bản chất. Ở họ là kết quả phát triển tự thân đến độ chín muồi của các doanh nghiệp thành viên, nhằm cạnh tranh, hướng tới lợi nhuận lớn hơn khi nó đơn độc – sản phẩm của giới kinh doanh giải bài toán tối ưu.
Còn ở ta được thực hiện bằng quyết định hành chính, tức sử dụng quyền lực nhà nước để thành lập tập đoàn, từ các công ty thành viên không mang động cơ tự thân, kỳ vọng tạo đột biến quy mô để đạt sức mạnh kinh tế, có thể sử dụng hình ảnh so sánh, muốn lúa chóng trổ bông, bằng cách kéo dài thân cây vậy.
Các doanh nghiệp hình thành nên tập đoàn vốn là con đẻ của nền kinh tế tập trung, sinh ra không nhằm mục đích lợi nhuận, mà để thực hiện kế hoạch nhà nước, được điều hành trực tiếp bởi cấp hành chính thành lập ra nó, có cấp ủy lãnh đạo, tổ chức quần chúng tham gia đến tận cơ sở, nay chuyển sang cho tập đoàn. Nhân sự lãnh đạo tập đoàn, cấp trên của doanh nghiệp thành viên, được cơ cấu từ cấp chính phủ, đặt dưới quyền Thủ tướng bổ nhiệm nhân sự, phê duyệt kế hoạch, như chức năng của Tổng giám đốc tập đoàn ở các nước hiện đại, cùng với sự hỗ trợ của các bộ liên quan, tưởng sẽ thích ứng với quy mô đột biến.
Hệ quả, nếu ở các nước hiện đại, trách nhiệm đối với mọi thăng trầm của tập đoàn nhà nước đều thuộc về Tổng giám đốc, gắn liền với lương, thưởng, bị hủy hợp đồng làm việc nếu thất bát, phá sản, bị truy tố nếu để doanh nghiệp phạm pháp; diễn dịch sang ở ta trách nhiệm đó rốt cuộc thuộc về Thủ tướng cấp trên của Tổng giám đốc, nhưng lại không thể áp dụng chế độ trách nhiệm đó, bởi Thủ tướng còn gánh chức năng hành pháp, vai trò đối với cả quốc gia.
Không phải ngẫu nhiên, Đức phải đưa vào Hiến pháp cấm thủ tướng cùng thành viên chính phủ tham gia Hội đồng quản trị, khi không có chuẩn thuận của Quốc hội, cấm tuyệt đối làm giám đốc mọi doanh nghiệp.
Cũng vì cách tổ chức như vậy, nên tập đoàn không còn tính độc lập mà phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước, nghĩa là nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm vô hạn, tương tự dạng thức doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường, chỉ khác chủ doanh nghiệp là nhà nước, có thể tạm gọi là “doanh nghiệp tư nhân của nhà nước”. Hệ quả, nếu tập đoàn gây thiệt hại như BP làm tràn dầu ở vịnh Mexico tốn kém tới 32,2 tỷ đô la, thì nhà nước phải gánh chịu hoàn toàn chứ không phải tập đoàn chỉ gánh chịu trong phạm vi tài sản của nó, để có thể khai phá sản xoá nợ.
Tiếp theo, do chịu trách nhiệm vô hạn, nên tập đoàn càng yếu kém, nhà nước càng phải đầu tư, không chỉ bằng ngân sách, mà bằng cả vay nợ, bảo lãnh tín dụng quốc gia; càng phải tập trung sức lực của cả bộ máy hành chính, như TS Nguyễn Đức Kiên đề nghị trên diễn đàn Quốc hội “trong nhiệm kỳ tới Chính phủ nên thành lập một cơ quan quản lý phần vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”, nghĩa là chính phủ ngày càng dấn sâu vào kinh doanh vốn gắn liền với rủi ro, bằng bộ máy hành chính, tài chính, ngân sách cả nước, như dưới thời kinh tế quản lý tập trung không vì động cơ lợi nhuận.
Doanh nghiệp ở các nước được điều chỉnh bởi văn bản lập pháp, bằng những chuẩn mực thước đo, quy tắc xử sự, nhằm giới hạn phạm vi quyền lực nhà nước đối với nó, có giá trị thi hành trực tiếp; văn bản pháp quy chỉ có giá trị trong nội bộ cơ quan hành pháp nếu không được văn bản lập pháp ủy quyền.
Ở ta ngược lại, các văn bản lập pháp lại xác lập quyền lực cho cơ quan hành pháp, như Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định “Chính phủ quy định hướng dẫn tiêu chí, tổ chức quản lý và hoạt động của tâp đoàn kinh tế”, và phó mặc cho văn bản lập quy định đoạt, như Điều 26 Nghị định 139/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “TĐKT không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp”.
Luật Phá sản số 21/2004/QH11 cùng chung số phận, có tới 95 điều, nhưng rốt cuộc áp dụng hay không tuỳ thuộc cơ quan hành pháp, khi Điều 2 ghi: “Chính phủ quy định cụ thể danh mục và việc áp dụng Luật này…”. Giải thích tại sao khi có tập đoàn nợ tới gấp 16 lần vốn tự có, không thể trả được lương, bảo hiểm lao động, vẫn không bị luật pháp chế tài phá sản như các nước.
Trên thế giới không thiếu những tập đoàn nhà nước đúng là qủa đấm thép của nền kinh tế, như tập đoàn nhà nước kinh doanh đường sắt Đức DB chẳng hạn, đứng đầu châu Âu, bành trướng ra nhiều quốc gia. Tập đoàn ta, ngược lại, chưa trở thành quả đấm thép đã phải đánh đổi bằng rủi ro cho cả nền kinh tế, lỗi không nằm ở chính bản thân nó, mà ở tư duy của nền kinh tế quản lý tập trung áp đặt cho nó, chừng nào chưa đoạn tuyệt, chừng đó không thể khác được!
Nguồn: TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức, tuanvn