WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chủ nghĩa thực tiễn và trường hợp Obama

Không cần phải là người Mỹ để quan tâm đến các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tôi đã là một trong hàng tỷ người trên thế giới theo dõi cuộc tranh cử năm 2008. Tôi lưỡng lự giữa Obama mà tôi tự nhiên thấy có cảm tình và McCaine mà tôi quý trọng từ lâu về nhân cách. Chọn lựa của tôi lệch về Obama sau khi bà Sarah Pallin được chọn làm ứng cử viên phó tổng thống cho McCain và tôi đã là một trong hàng tỷ người hân hoan theo dõi lễ nhậm chức của Obama trên truyền hình. Trong lịch sử nước Mỹ có lẽ ngoại trừ George Washington chưa có vị tổng thống Mỹ nào được hoan nghênh khi đắc cử bằng Obama. Nhưng rồi Obama trở thành một trong những tổng thống Mỹ ít được tín nhiệm nhất sau một năm cầm quyền.

Ronald Reagan trước đây cũng đã từng xuống thấp trong tỷ lệ tín nhiệm sau một năm tại chức như Obama, nhưng sau đó đã lên dốc được và trở thành một trong những tổng thống Mỹ được ái mộ nhất vì ông quả quyết theo đuổi một chính sách và chính sách đó -quyết tâm đánh gục lạm phát và chủ nghĩa cộng sản- dần dần chứng tỏ là đúng và đã thành công. Obama thì khác, ông khó có thể đảo ngược được tình thế bởi vì không thể chờ đợi kết quả của một hò hẹn nào với tương lai cả, ông là một con người thực tiễn.

Thất vọng đầu tiên của tôi đối với Obama đến ngay trong khi nghe ông đọc bài diễn văn nhậm chức. Obama nói đại khái: “Với những chế độ độc tài bám lấy quyền lực bằng mọi giá và bịt miệng đối lập chúng tôi nói quí vị đi sai chiều lịch sử, nhưng nếu quí vị chìa bàn tay ra chúng tôi cũng sẽ nắm lấy“. Diễn nghĩa: quí vị cứ tiếp tục vi phạm nhân quyền cũng không sao miễn là đừng thù địch với chúng tôi. Câu nói ngắn ngủi này diễn tả một cách bóng bẩy chủ thuyết đối ngoại thực tiễn của Obama. Ông đã trình bày một cách tỉ mỉ hơn trong bài diễn văn tại Cairo ngày 4-6-2009. Hôm đó đúng là ngày kỷ niệm 20 năm cuộc thảm sát Thiên An Môn nhưng Obama đã không có một lời nào cho biến cố này, hơn thế nữa trong phần nói về dân chủ Obama đã làm một triệt thoái lớn trong khái niệm dân chủ: ông định nghĩa dân chủ một cách mơ hồ là chính quyền phải phản ánh nguyện vọng của người dân. Nhưng đây chỉ là định nghĩa của dân chủ sơ đẳng nhất, không hề làm phiền các chế độ độc tài vì chúng đều tự xưng là thể hiện trung thành ý chí của nhân dân. Đây là dân chủ ở mức độ zero. Hình như nghĩ rằng nói như thế vẫn chưa đủ để làm vừa lòng các chế độ độc tài, Obama còn nói thêm rằng không một dân tộc nào có quyền quyết định chế độ nào là phù hợp nhất cho một dân tộc khác. So much for democracy. Quý vị nào muốn có thể đọc bài nhận định của tôi về ông Obama sau bài diễn văn này.

Chủ nghĩa thực tiễn của Obama có thể tóm tắt như sau: thôi nhấn mạnh về dân chủ và nhân quyền trong quan hệ đối ngoại, thoả hiệp thay vì đương đầu với các chế độ hung bạo, tương đối hoá các giá trị và các văn hoá, tránh can thiệp khi quyền lợi của Hoa Kỳ không trực tiếp bị đe doạ. Trong chuyến công du châu Á vừa qua, gồm cả Trung Quốc, Obama đã hầu như không đề cập đến vấn đề dân chủ và nhân quyền.

Obama mất dần uy tín bởi vì chính sách thực tiễn của ông đã thất bại. Iran đã bạo tay hơn trong việc đàn áp các cuộc biểu tình chống bầu cử gian lận và cũng mạnh dạn hơn trong việc chuẩn bị chế tạo bom nguyên tử, tương tự như Bắc Triều Tiên. Các chế độ độc tài tại Venezuella, Cuba, Sudan còn hung hăng hơn. Tình hình Trung Đông bế tắc vì cả Do Thái lẫn các lực lượng khủng bố Hồi Giáo Hizbollah và Hamas đều leo thang trong sự quá khích. Trung Quốc, Việt Nam và Miến Điện gia tăng đàn áp một cách thô bạo đối với những người dân chủ. Trung Quốc và Việt Nam còn công khai hành xử như bọn tin tặc, đánh phá các website của đối lập, bất chấp luật pháp quốc tế, thách thức cả thế giới. Chắc chắn họ không làm như vậy với một tổng thống Mỹ khác. Thái độ của Trung Quốc đặc biệt đáng lưu ý. Trung Quốc làm ngơ trước đòi hỏi tăng hối suất đồng Nhân Dân Tệ, phá đám và làm thất bại hội nghị quốc tế về khí hậu tại Copenhagen, có lúc một thành viên phái đoàn Trung Quốc còn la ó phản đối trong khi Obama đọc diễn văn. Các chế độ bạo ngược đều muốn gia tăng sự bạo ngược vì đó là bản chất của họ; với Obama họ tha hồ làm tới vì được bảo đảm là sẽ không gặp khó khăn. Trong chính sách đối ngoại chủ nghĩa thực tiễn là điều mà ngay cả nếu bất đắc dĩ phải áp dụng cũng không nên nói ra như Obama.

Obama cũng áp dụng chủ nghĩa thực tiễn trong chính sách đối nội. Dự luật cải tổ y tế của ông sau quá nhiều nhượng bộ và thoả hiệp đã mất dần ý nghĩa; nó hầu như không đả động đến vấn đề cốt lõi của nền y tế Mỹ là giá điều trị quá đắt để chỉ tập trung vào một vấn đề ít quan trọng hơn là mở rộng bảo đảm chăm sóc.

Trước sự suy sụp của cảm tình và uy tín dành cho ông, Obama đã bắt đầu thay đổi thái độ. Ông đã tỏ ra cứng rắn hơn đối với Iran và Trung Quốc, các quan chức Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng tố giác các chính quyền độc tài. Obama có nhiều lợi thế hơn để bênh vực nhân quyền, so với Bush 43 chẳng hạn, vì con người truyền thông của ông và vì mọi người đều tin ông là một con người ôn hoà chừng mực, nhưng ông có một trở ngại lớn: chính ông. Obama là con người thực tiễn, và chủ nghĩa thực tiễn chỉ có thể thất bại.
*
Nhưng chủ nghĩa thực tiễn là gì?

Trước hết không nên lẫn lộn chủ nghĩa thực tiễn (realism) với hai triết lý về đạo đức: chủ nghĩa phúc lợi (utilitarianism) và chủ nghĩa thực dụng (pragmatism). Chủ nghĩa phúc lợi là một phương pháp đánh giá hành động, đặc biệt là hành động chính trị, theo tiêu chuẩn hành động đúng là hành động đem lại phúc lợi tối đa cho thật nhiều người; chính vì thế mà chủ nghĩa phúc lợi được coi là một nền tảng của dân chủ; những người khai sáng ra chủ nghĩa này (Bentham và Stuart Mill) cũng là những người đấu tranh nhiệt tình cho dân chủ và nhân quyền. Chủ nghĩa thực dụng là một phương pháp đánh giá các lý thuyết, theo đó một lý thuyết chỉ đáng để ta quan tâm và học hỏi nếu sự kiện nó đúng hay sai có ảnh hưởng cụ thể trong đời sống, còn nếu không nó chỉ là một lý thuyết suông không đáng để ta mất thì giờ.

Chủ nghĩa thực tiễn không phải là một triết lý, dù là triết lý tri thức hay là triết lý hành động, nó là một thái độ hướng dẫn chọn lựa, theo đó mỗi khi có mâu thuẫn giữa quyền lợi và nguyên tắc thì quyền lợi phải được dành ưu tiên, trái tim phải phục tùng cái đầu, tình cảm phải nhường chỗ cho lý trí. Obama thực tiễn cho nên dù ông có cho rằng các chế độc độc tài là sai ông cũng sẵn sàng bắt tay như ông đã nói trong bài diễn văn nhậm chức của ông, hay như khi ông định nghĩa dân chủ một cách chung chung và khẳng định rằng không một quốc gia nào có quyền quyết định thế nào là một chế độ đúng cho một nước khác để khỏi bị sự chống đối của các chế độ độc tài. Đặng Tiểu Bình cũng phát biểu chủ nghĩa thực tiễn khi ông nói “mèo trắng mèo đen mèo nào cũng được miễn là bắt chuột”. Bản chất của một chế độ không có tầm quan trọng nào trong chính sách đối ngoại của một chính quyền thực tiễn, điều quan trọng là lợi và hại.

*
Các chính trị gia thực tiễn không bao giờ nhìn nhận là chủ nghĩa thực tiễn đồng nghĩa với sự mềm yếu. Họ có thể viện dẫn trường hợp nhiều nhân vật rất quả quyết từng được coi, có khi tự coi, là thực tiễn. Barry Goldwater, Richard Nixon và Ronald Reagan đã được coi là những chính trị gia Mỹ thực tiễn. Với một bản chất khác hẳn, Lenin, Stalin và Đặng Tiểu Bình cũng là những con người rất thực tiễn. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì sự thực có thể khác.

Năm 1964 nghị sĩ Barry Goldwater tranh cử với tổng thống Johnson trên một lập trường mà ông cho là thực tiễn và có thể tóm tắt như sau: hy vọng thoả hiệp với cộng sản chỉ là hão huyền, cộng sản chỉ hiểu ngôn ngữ của sức mạnh vì thế thái độ thực tiễn nhất đối với họ là phải tỏ ra sẵn sàng dùng sức mạnh, phải sẵn sàng tăng cường quân lực tại Việt Nam, sẵn sàng đánh Cuba, Trung Quốc và cả Liên Xô nếu cần. Thực ra Goldwater không phải là một người thực tiễn. Ở vào giữa thập niên 1960, cao điểm của phong trào phản chiến và chủ nghĩa Mác – Lênin, lấy một lập trường như thế là chuốc lấy thảm bại, và quả nhiên Goldwater đã thua rất xa Johnson trong cuộc tranh cử tổng thống. Goldwater đã lấy thái độ diều hâu như thế, dù biết sẽ thất cử, chỉ để chặn đứng khuynh hướng chủ bại. Ông là một người lý tưởng. Reagan có lúc cũng đã bị đánh giá là thực tiễn một cách sơ đẳng như Goldwater nhưng đã chứng tỏ là một tổng thống lỗi lạc, có lý tưởng, bản lãnh và tầm nhìn. Chỉ có Nixon quả thực là con người thực tiễn. Người Mỹ không còn chấp nhận những hy sinh tại Việt Nam? Vậy thì phải Việt Nam hoá chiến tranh và chuẩn bị triệt thoái. Khối cộng sản có dấu hiệu chia rẽ? Vậy hãy bắt tay với Mao để tách hẳn Trung Quốc và Liên Xô mà không cần thắc mắc về bản chất tội ác của chế độ Trung Cộng. Đặc tính thực sự của chủ nghĩa thực tiễn là sự mưu tìm hiệu quả một cách giản dị trong lý luận và hành động ngay cả nếu phải hy sinh hoặc gác lại các nguyên tắc nền tảng. Hitler, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đều đã hành động giản dị như thế, và vì họ không bị ràng buộc bởi một luật pháp nào nên họ đã không dừng tay trước tội ác.

Trong trường hợp các nước dân chủ, mà bản chất là muốn giải quyết mọi vấn đề trước hết bằng đường lối hoà bình, chính do sự giản dị của nó mà chủ nghĩa thực tiễn dẫn đến sự nhu nhược một cách khá tự nhiên. Lý do là vì đối đầu luôn luôn là một chọn lựa khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm mà những người thực tiễn thường không có. Hơn nữa đối đầu bao giờ cũng bao hàm một thiệt hại nào đó lúc ban đầu cho nên không được coi là khôn ngoan, nhất là khi quyền lợi quốc gia không bị trực tiếp đe doạ, vì thế những người lãnh đạo thực tiễn thường hay chọn giải pháp nhân nhượng và thoả hiệp, ngay cả khi những giá trị nền tảng bị vi phạm.

Chủ nghĩa thực tiễn thường được hưởng một lợi thế về ngôn ngữ. Người ta thường có khuynh hướng coi thực tiễn là thái độ đúng và có lợi, ngược lại với thực tiễn là viển vông và vô ích. Nhưng đây chỉ là một sự hiểu lầm. Không cần phải là một người thực tiễn, bất cứ ai cũng đều hành động nhắm lợi ích. Ngay cả những nhà tu hành cũng chỉ chọn cuộc sống tu hành vì nghĩ đó là cách sống có lợi nhất, hoặc vì nó mở cửa thiên đường cho cuộc sống vĩnh cửu sau này, hoặc vì cho rằng đó mới là hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc đời này. Tất cả vấn đề chỉ là quan niệm thế nào là quyền lợi, quyền lợi thực sự hay quyền lợi biểu kiến, quyền lợi lâu dài hay quyền lợi ngắn hạn. Chủ nghĩa thực tiễn dựa trên thực tại trước mắt và coi nhẹ các nguyên tắc và giá trị nền tảng nên thường chỉ là quyền lợi ngắn hạn. Các nguyên tắc và các giá trị nền tảng là gì nếu không phải là những điều mà trí tuệ và kinh nghiệm cho thấy là nên tuân thủ vì phúc lợi lâu dài?

*

Một đặc tính của chủ nghĩa thực tiễn là nó không phù hợp với thực tế. Nó luôn luôn nhắm tiến thẳng tới mục tiêu bằng giải pháp trực tiếp nhất và vì thế luôn luôn bị hụt hẫng. Thực tại không ngừng thay đổi cho nên những người thực tiễn phải vất vả chạy theo nó và có mọi triển vọng là sau khi đã tốn nhiều thì giờ và cố gắng người ta nhận ra rằng thực tại đã thay đổi đến độ mà mục tiêu theo đuổi đã mất ý nghĩa. Làm chính trị là hò hẹn với tương lai cho nên khả năng quan trọng nhất là tiên liệu cái gì sẽ xảy ra, các vấn đề hiện nay sẽ đặt ra như thế nào trong tương lai, các vấn đề nào sẽ không còn đặt ra nữa và các vấn đề mới nào sẽ xuất hiện. Người làm chính trị phải có viễn kiến. Chủ nghĩa thực tiễn thực ra chỉ tố giác sự thiếu viễn kiến. Các trường đại học, và các cố gắng trau dồi văn hoá nói chung, không nhắm mục đích nào khác ngoài việc cho chúng ta khả năng nhìn xa trông rộng, nói cách khác là giải phóng chúng ta khỏi phản xạ thực tiễn.

Một đặc tính khác cần được lưu ý của chủ nghĩa thực tiễn mà có lẽ Obama không thấy là nó luôn luôn sai trong chính sách đối ngoại. Nó bỏ qua quan tâm ý thức hệ để chỉ đặt chính sách đối ngoại trên nền tảng quyền lợi mà không biết rằng ý thức hệ, nghĩa là bản chất của chế độ, bao giờ cũng quyết định chính sách ngoại giao và các đồng minh của một quốc gia. Ngưu tầm ngưu mã tầm mã. Dù Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây có ve vãn đến đâu đi nữa thì các chế độ độc tài Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Sudan, Miến Điện, Iran… vẫn coi họ là thù địch, và dù trong thâm tâm các chế độ độc tài có khinh bỉ nhau thế nào đi nữa chúng vẫn là đồng minh. Câu nói “buột miệng” của ông Nguyễn Minh Triết (theo đó ông tìm cách “phân hoá” nước Mỹ) là một bằng cớ.

Mỹ và các nước dân chủ nói chung cần rút kinh nghiệm trên hai trường hợp mà chủ nghĩa thực tiễn đã được thể hiện. Trong hơn ba thập qua họ đã hợp tác với Trung Quốc mà không đặt vấn đề bản chất của chế độ, ngay cả sau cuộc thảm sát Thiên An Môn, có lẽ với hy vọng là tăng trưởng kinh tế tự nó sẽ dần dần đem đến dân chủ (cứ như là độc tài là hậu quả chứ không phải là nguyên nhân của sự nghèo khổ). Thực tế đã không như vậy, nhờ giao thương với các nước dân chủ, đặc biệt là Hoa Kỳ, Trung Quốc đã mạnh hơn nhiều nhưng vẫn là một chế độ bạo ngược và còn yểm trợ cho nhiều chế độ hung bạo khác. Đôi khi Trung Quốc còn được viện dẫn như là một bằng cớ về sự đúng đắn của chủ thuyết tăng trưởng kinh tế bất chấp nhân quyền. Sức mạnh kinh tế đã chỉ khiến Trung Quốc tự tin hơn trong thái độ thách thức và đang trở thành một lo âu cho thế giới. Một bài học khác là Pakistan. Tại đây, một cách thực tiễn, Hoa Kỳ đã ủng hộ chế độ quân phiệt của tướng Pervez Musharraf sau khi ông này đảo chính lật đổ chính quyền dân cử cuối năm 1999 và coi ông này như một đồng minh đắc lực trong cuộc chiến tranh chống khủng bố. Thực tế đã ngược hẳn với sự mong đợi, chính Musharraf đã giúp quân khủng bố Taliban hồi sinh; Hoa Kỳ đã chỉ tỉnh mộng một cách muộn màng. Bản chất của những tập đoàn độc tài là gian trá. Phải nói rõ để tránh mọi hiểu lầm: ngày nay ít ai còn đòi hỏi cô lập và trừng phạt các chế độ độc tài, các biện pháp này chỉ đánh vào nạn nhân thay vì thủ phạm. Nhưng ít nhất cũng phải gây áp lực và gắn bó hợp tác với những tiến bộ về nhân quyền bởi vì đó vừa là đạo đức quốc tế được qui định trong hiến chương Liên Hiệp Quốc vừa là điều kiện để có những đối tác đáng tin cậy.

Coi nhẹ các giá trị dân chủ và nhân quyền còn là một sai lầm lớn nếu hoà bình là điều cần được trân quý nhất. Trong lịch sử thế giới các cuộc chiến đã chỉ xảy ra hoặc giữa các nước độc tài với nhau hoặc giữa một nước độc tài và một nước dân chủ. Chưa có trường hợp hai nước dân chủ chiến tranh với nhau. Dân chủ và nhân quyền là nền tảng của hoà bình.

Chủ nghĩa thực tiễn chỉ có thể đem lại thất vọng bởi vì trong chiều sâu nó là một sự từ nhiệm. Dân chúng chờ đợi ở những người lãnh đạo khả năng, viễn kiến và đởm lược để lấy những quyết định khó khăn có thể khó hiểu và nhức nhối lúc ban đầu chứ không phải để lấy những quyết định hiển nhiên, dễ dãi. Người dân đòi hỏi người lãnh đạo phải đi trước họ, họ bầu ra người lãnh đạo để nếu cần áp đặt những cố gắng và hy sinh cần thiết chứ không phải để chạy theo họ. Vả lại nếu không có viễn kiến và lý tưởng thì bước vào trường chính trị để làm gì? Các chính trị gia thực tiễn có thể được lòng dân lúc mới xuất hiện nhưng chắc chắn sẽ gây thất vọng sau đó. Trong trường hợp Obama sự thất vọng còn lớn hơn bởi vì rất nhiều người đã bỏ phiếu cho ông vì những giá trị dân chủ và nhân quyền để rồi khám phá ra rằng chính ông không tha thiết gì lắm với những giá trị này.

Có một bài toán động học và hình học giải tích trình bày một cách khá chính xác chủ nghỉa thực tiễn. Bài toán, với cái tên dí dỏm là “quỹ đạo của chó”, mô tả một con chó đuổi bắt một đối tượng đang di chuyển. Chó có bản năng rất thực tiễn nên nhắm thẳng đối tượng mà chạy tới nhưng vì đối tượng di chuyển không ngừng nên chính tính thực tiễn của nó khiến chó phải chạy trên một quỹ đạo rất cầu kỳ, ngay cả nếu đối tượng di chuyển một các giản dị trên một đường thẳng với một vận tốc cố định. Trong trường hợp đối tượng di chuyển một cách phức tạp hơn thì bài toán không có giải đáp. Chủ nghĩa thực tiễn được chứng minh là sai bằng toán học.

*
Một lời sau cùng: tại sao người Việt Nam cần hiểu rằng chủ nghĩa thực tiễn là sai? Đó là vì cuộc đấu tranh cho dân chủ đang rất vất vả với chủ nghĩa thực tiễn. Có quá nhiều người mong muốn một tương lai dân chủ cho Việt Nam nhưng lại suy nghĩ và hành động một cách thực tiễn. Trong nội bộ đảng và nhà nước cộng sản thái độ thực tiễn là không bộc lộ lập trường dân chủ để khỏi bị trù dập và vô hiệu hoá. Ngoài xã hội thái độ thực tiễn là kiếm tiền, và làm giàu nếu có thể được, thay vì đối đầu với một chính quyền đồ sộ và hung bạo. Chủ nghĩa thực tiễn có một tên gọi khác: chủ nghĩa luồn lách. Người ta chán ghét chế độ nhưng thấy phải thoả hiệp với thực tại để sống, và vì thế vô tình củng cố chế độ. Cuộc chuyển hoá về dân chủ là một cuộc cách mạng rất lớn, như chưa từng có trong lịch sử nước ta. Nó đòi hỏi những trí tuệ và những tấm lòng rất lớn. Những người thực tiễn chẳng bao giờ làm được những thay đổi lớn và thực sự đáng mong ước.

Nguồn: Thông Luận.

5 Phản hồi cho “Chủ nghĩa thực tiễn và trường hợp Obama”

  1. Nguyễn Hữu Tâm says:

    Tôi nghĩ 1 cuộc chiến với TQ là cần thiết vì loài người cần điều chỉnh lại tỷ lệ dân số cho phù hợp với sức chịu của trái đất vì nếu không con người cũng sẽ bị diệt vong

  2. Gỉa dụ không có Nước Mỹ trên hành tinh này, các bạn nghĩ sao? Chắc cả thế giới bị tan hoang, băng hoại dưới chế độ Độc tài & Cộng-sản. Muốn hay không chúng ta phải thừa nhận Nước Mỹ là một Quốc gia có Phẩm Chất Đạo Đức Rất Cao, hiện giờ chưa có Công dân hoặc Quốc gia nào trên Hành tinh sánh được tầm vóc với Công dân và Quốc gia Mỹ đã hy sinh và góp biết bao phát minh cho thế giới được hưởng nhiều Phúc lợi gía trị như hiện nay.
    Tôi tin rằng Nước Mỹ, dù Đảng CH hoặc DC, nhưng tính hiệp một/đoàn kết rất cao, những người lãnh đạo họ rất thương nhau, có sự phục tùng và sự phục thiện lẫn nhau. Dù hai Đảng khác nhau về cách điều hành nhưng Họ đã có sẵn, cùng một chiến lược để hạ gục Cộng sản rồi. Các bạn hãy tin tôi đi, điều này là chắc chắn như đinh đóng cột, và không còn bao lâu nữa đâu.
    Đối với tôi, trách nhiệm của mình là chuẩn bị…làm một việc gì có ý nghĩa cho đồng bào Việt ta thời hậu Cộng sản VN tan gĩa.
    Thật đáng tiếc cho những người sau thời hậu CS VN tan gĩa, họ lại tiếp tục ngồi Viết…Bới Bèo Ra Bọ giống như những Quan án quen thói gép tội, trong khi biết bao nhiêu người khác đổ tiền của, mồi hôi và xương máu để gục hạ Chế Độ Độc Tài & Cộng Sản.

  3. Hwy Tse says:

    OBAMA, “The way to Hell ! ”

    ** Ông ta, một là “CON CHỐT ” trong ván cờ của Quốc hội Mỹ (vì cần những lời mạnh dạn hứa hẹn hảo huyền của Obama để làm dịu cơn bức xúc của quần chúng Mỹ trong tình trạng đất nước đã và đang suy sụp toàn diện,…Có lẽ sắp tới thời điểm thí chốt rồi,…)
    ** Đồng thời cũng là “CON CỜ” trong chiến lược toàn cầu của Trung quốc (bỏ ra hàng trăm triệu $$ vào quỹ vận động tranh cử để đưa “Con nai vàng ngơ ngác” lên làm chủ Tòa Bạch Ốc hầu TQ vượt lên trên vị trí của HK,…)

    Hwy Tse, S&FR, Boston, MA.

  4. Người Việt says:

    Người Mỹ là như thế,muôn đời vẫn vậy:Thực tiển,thực dụng. Ông NGK xứng đáng với tầm vóc lãnh đạo nước Mỹ,nhưng chỉ vì ông là người Việt nam lưu vong nên họ coi ông chỉ là công dân hạng 2.Mỹ đã sai lầm quá nhiều chính họ và cả thế giới phải trả giá cho điều đó.Nhưng người Mỹ lúc nào cũng cho mình là “ưu việt”,không ai giỏi hơn họ!.Với sự trổi dậy của Trung cộng và kiểu cách hành xử của Mỹ hiện nay một ngày rất gần thế giới sẽ bị người Hoa thống trị.Chủ nghĩa thực tiển là một tai họa,chỉ có hạng người ngu ngốc ,ấu trỉ mới hành xử theo chủ nghĩa ấy,nhưng căn bệnh này đã lan ra toàn thế giới,nó hợp lưu với chủ nghĩa CS và trở thành một thứ vi trùng kháng thuốc.Không phải chỉ có ở VN người dân mới sống “thực tiển”,căn bệnh này còn nặng hơn ở những người Việt hải ngoại,đến nổi nếu chế độ CS sụp đổ thì trong con mắt của người dân Việt đang sống trong nước Việu kiều là một quái thai:Thực tiển ,kiêu ngạo và trịch thượng,tôi thực sự lo ngại về điều này

  5. Lâm Vũ says:

    Vài nhận xét về bài chủ của tác giả Nguyễn Gia Kiểng (NGK):
    - NGK vẫn là NGK! Vẫn lối nói “phủ đầu”, chắc như đinh đóng cột, nếu ai “yếu bóng vía” chắc chắn sẽ phục lăn (không đứng dậy được!). Đã đọc khá nhiều bài của ông NGK, tôi cho rằng lối viết này có “lợi” ngắn hạn nhưng tác hại dài hạn và rất lớn, nếu tác giả dùng nó trong mọi haòn cảnh.
    - Cái hại chính: các bài viết của NGK có ảnh hưởng mạnh đối với người đọc, nhưng đó là tác động “tiêu cực”. Sự quả quyết của nó làm một người đọc chưa kinh nghiệm suy tư chính trị nhiều sẽ chỉ có một trong hai phản ứng: chống lại hay hoàn toàn cảm phục. Nói cách khác, hậu quả của những bài viết của NGK không có lợi lắm cho việc phát triển suy tư của giới độc giả nói chung.
    - Về thuyết “chủ nghĩa thực tiễn Obama”, tôi nghĩ NGK đúng một phần, nhưng đó lại là phần hời hợt, “hiện tượng”. Chưa chắc đó là “bản chất” của TT Obama.
    Chẳng hạn, NGK đổ tội cho sự “lên chân” của “chủ nghĩa” cực đoan, mà hoàn toàn không nhắc tới việc chính G.W.Bush là người đã (cố tình) tạo nên “chủ nghĩa cực đoan” khi khai sinh ra cái gọi là Axe of Evil (4 nước “quỷ”).
    Ta không thể nào khiến đối thủ trở nên “dễ chịu” khi gọi nó là “quỷ dữ”. Ngược lại, một hậu quả chắc chắn của câu tuyên bố của Bush là chính những chế độ này phải chứng minh là mình là quỷ thiệt sự. Như đã xảy ra Iran và Bắc hàn… là Taliban và cả Syria…
    - TT Obama phải làm gì? Điều Obama muốn và làm khá rõ ràng… tìm cách “engage” (tạm dịch: đối thoại) lại nhưng nước Quỷ đó, do đó mói có cái câu trong diễn văn nhiệm chức: “Với những chế độ độc tài bám lấy quyền lực bằng mọi giá và bịt miệng đối lập chúng tôi nói quí vị đi sai chiều lịch sử, nhưng nếu quí vị chìa bàn tay ra chúng tôi cũng sẽ nắm lấy“.
    Theo tôi, NGK đã đánh giá sai hoàn toàn khi cho đó là biểu lộ của “chủ nghĩa thực tiễn” (“xìu xìu ển ển”!), trong khi, đa số những nhà bình luận chính trị lúc đó cũng đánh giá đó là một trong nhưng câu hay nhất có thể nói được vào lúc đó. Nó cho thấy sự quan tâm “sau sắc” đối với những chế độ “quỷ” nhưng không đặt họ ngay từ đầu vào thế đối địch…
    - Đã đành sau một năm Obama chưa đạt được gì nhiều về mặt nhân quyền trên thế giới, nhưng TT Clinton cũng không đạt được điều gì về nhân quyền sau 4 năm của nhiệm kỳ đầu, hay cả sau 8 năm!
    Thế nhưng ít nhất, Obama cũng không làm cho tình trạng nhân quyền ở những quốc gia đáng quan tâm tệ hơn. Ngược lại ở vaì nới có những tiến bộ đáng kể, như ở Iraq, Miến Điện v.v. Thực tế, không ai kể cả TT Reagan có thể đạt được nhiều hơn trong vòng một năm…
    - Trở về với liên hệ HK và TQ, mà người Việt ai cũng quan tâm. TQ là một vấn đề toàn cầu, sâu sắc không giản dị..
    Ai cũng biết, là Bắc Kinh không những là một chế độ độc tài tàn bạo nhất, nhưng cũng là chế độ nguy hiểm nhất vì họ nắm cả tỉ người trong tay, có khả năng và dám “hy sinh” cả tỉ người đó cho mục đích của chế độ… Chẳng riêng Obama, mà các lãnh tụ Âu Châu kể cả Nga cũng phải gườm.
    Chưa kể thái độ hung hăng của TQ ở Copenhagen kỳ vừa qua là một thái độ có tính toán, họ cho rằng thái độ đó đồng nghĩa với sự “hiên ngang”, chẳng ngán ai, sẽ được đa số ngươi Tàu “chịu” hơn là sự mềm dẻo, lịch sự kiểu.. Tây!
    - Sau cùng, xin đừng quên là chính HK vẫn còn nằm trong trung tâm của cơn bão ‘khủng hoảng kinh tế’ hiện nay với hàng chục triệu người thất nghiệp.
    Là Tổng Thống Hoa Kỳ, Obama có bổn phận chú tâm vào việc giải quyết vấn đề của Hoa Kỳ hơn là tranh chấp ở Afganistan hay ở Jerusalem, vốn đã kéo dài vài chục năm rồi…

    Vài ý nghĩ viết vội – mong được nghe thêm những ý kiến khác biệt.

Leave a Reply to Khổng Đức Thiên Tâm