Bát phở bạc triệu khi 5 vạn gia đình đứt bữa
Đất nước Việt Nam đang ở thời kỳ phát triển. Bộ mặt thủ đô Hà Nội thay đổi rõ. Đường phố mở rộng, nhà cao tầng mọc lên san sát, khách sạn và nhà hàng cao sang đua nhau khai trương, Các siêu thị đầy hàng hóa đủ loại, phô trương đủ thứ nhãn hiệu và kiểu cách. Đã qua thời kỳ xa xưa, mua hàng phải có tem phiếu, một thứ gạo hẩm, một thứ xà phòng chảy nước, một thứ vải đen, một thứ thịt bạc nhạc của cửa hàng mậu dịch không muốn cũng phải mua. Quả thật đất nước phát triển, và phát triển khá nhanh. Theo thống kê nhà nước, thu nhập tính theo đầu người 20 năm nay từ 200 đôla/năm đã lên 1200 đôla/năm, nghĩa là gấp 6 lần.
Nhưng xin chớ ai nghĩ rằng cuộc sống của hơn 86 triệu dân Việt Nam đã được nâng lên gấp 6 lần 20 năm trước. Nếu được như vậy thì tốt quá, còn gì vui hơn.
Nhưng thực tế không phải vậy. Trong thời gian chiến tranh, ở miền Bắc, sự chênh lệch giàu nghèo không lớn, tiền lương cao nhất so với lương tối thiểu của viên chức là 7/1.
Còn hiện nay? Không có con số thống kê nào chính thức. Nhà nước quy định các viên chức từ cấp cao nhất phải kê khai tài sản cá nhân và gia đình, nhưng không có ai chấp hành cả. Thảng hoặc có người thực hiện thì toàn là con số ma. Trong một chế độ mà sự minh bạch giống như giữa đêm ba mươi Tết, thu nhập bằng bổng lộc, bằng quyền lực nhiều gấp hàng chục, hàng trăm hay hàng ngàn lần tiền lương thì không ai biết thu nhập thật sự của người khác.
Thế nhưng người ta vẫn có thể biết bằng cách nhìn vào cung cách ăn chơi, tiêu pha của các “con cháu các Cụ” trong thời “mở cửa” và “đổi mới”, nhình vào nhà cửa, đất đai, xe cộ của các công thần hiện tại, của các “mệnh phụ mới”, của các “cậu Ấm cô Chiêu” cộng sản tân thời.
Chỉ cần một cuộc ghé thăm nhà hàng Long Đình, tại số nhà 64 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội. Những ai ra vào tấp nập nơi đây? Họ dùng những món ăn gì? giá cả ra sao? Xin vào Google để đọc quảng cáo. Trên báo Hà Nội mới, VN Express, báo Pháp Luật … đều có bài phóng sự khá sinh động về nhà hàng Long Đình với những bữa “Tiệc Vàng” ở đây.
Tại đây có những “bát phở bạc triệu”, có bát súp khai vị bằng tổ yến 46 đôla, có món súp vây cá – cua gạch 70 đôla (1 triệu 500 ngàn đồng), món bào ngư Nam Phi sốt dầu hào 96 đôla (2 triệu 100 ngàn đồng). Lại có bát phở bò Kobé Nhật Bản giá bằng 2 tấn thóc của nông dân.
Trong nhà hàng Long Đình, có riêng một “Phòng Vàng” lớn mang tên tiếng Anh là Golden Room, luôn có khách đặt chỗ trước. Tại đây, dụng cụ ăn trên bàn tiệc là đĩa sứ cổ Giang Tây ( Trung Quốc), thìa và nĩa mạ vàng 24 carat, 1 chai rượu vang ngoại 20 triệu (1.000 đôla).
Thường 6 thực khách ăn một buổi tiệc ở đây chi ra 1500 đôla (30 triệu đồng, chưa kể tiền rượu và tiền “boa”).
Ai thường ra vào nơi đây? Hầu hết là các quan chức cấp cao và gia đình họ, là các vị có vai vế trong các công ty quốc doanh lớn cùng các đối tác quốc tế – các nhà kinh doanh Đông Nam Á, như Malaysia, Singapore, Thái Lan, và đông nhất là các ông chủ bự của Nam Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, khi bắt đầu và khi kết thúc các thương vụ lớn.
Trong khi đó đầu tháng 6 này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông báo hiện trong cả nước có hơn 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo. Mỗi hộ có trung bình 4 hoặc 5 người. Như vậy là có đến hơn 20 triệu dân nghèo trong nước ta, nghĩa là xấp xỉ 1 phần tư dân số.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, ở Thanh Hóa hiện nay đã có đến 20 vạn người của 5 vạn hộ bị đứt bữa, cần khẩn cấp 4 ngàn tấn gạo để cứu đói cho cả tỉnh. Thanh Hóa vốn là tỉnh nông nghiệp rộng lớn, nông sản, lâm sản, khoáng sản, hải sản đều có tiềm năng, dự trữ dồi dào, sao lại có thể lâm vào tình thế bi đát đến vậy? Kết quả của 20 năm đổi mới, phát triển theo tỷ lệ cao, thu nhập đầu người gấp 6 lần là như thế sao?
Các nhà xã hội học, thống kê, nghiên cứu về mức sống xã hội có những ý kiến khác nhau về công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Rõ ràng là trong quá trình phát triển, sự chênh lệch giàu nghèo đang mở rộng ra toang hoác, một cách quá đáng, thách thức lương tri của toàn xã hội.
Trách nhiệm của lãnh đạo ở bất cứ quốc gia phát triển nào là điều hành đất nước một cách tối ưu để thành quả phát triển được phân phối tương đối đồng đều cho mọi thành viên trong xã hội. Theo lẽ công bằng, những người lao động chân tay và trí óc tài giỏi, có năng xuất, cống hiến cao phải được hưởng phần xứng đáng nhất của thành quả phát triển, nhưng thật đáng tiếc ở nước ta thực tế không được như vậy.
Hai chục năm nay, một nghịch lý lớn nhất đã xảy ra, đó là sự phân phối cực kỳ bất công thành quả của phát triển. Đây là sự bất công khổng lồ, phi lý và phi pháp, đi ngược lại mọi lời hứa hẹn của những người lãnh đạo.
Các quan chức cộng sản quyền cao chức trọng và tay chân, gia quyến họ đã trở thành những đại tư bản, những tỷ phú đỏ, những chủ nhân bất động sản lớn, nắm trong tay những số lượng chứng khoán khổng lồ. So với họ, những nhà mại bản thời Pháp thuộc, những nhà đại điền chủ Nam Bộ xưa ruộng đồng thẳng cánh cò bay chỉ là kẻ «ba cọc ba đồng». Họ là những kẻ lợi dụng quyền lực để biển thủ, tước đoạt của cải của xã hội, của nhân dân làm của riêng, rồi đua đòi hưởng thụ một cách lạnh lùng, độc ác trên sự nghèo đói của nông dân, lao động và trí thức lương thiện.
Suy cho cùng, chính tầng lớp quan chức cộng sản chóp bu đương quyền là nguyên nhân trực tiếp của 20 vạn nhân dân Thanh Hóa đang lâm vào cảnh đứt bữa, có người phải vào rừng đào củ mài để sống. Chính họ chứ không phải là ai khác là nguyên nhân của 20 triệu dân nghèo hiện nay, một hiện tượng cực kỳ phi lý khi tính theo đầu người thu nhập hàng năm đã đạt 1.200 đôla, gấp 6 lần 20 năm trước.
Giới cầm quyền cực kỳ bất công và tham nhũng đã thất hứa với toàn dân về chủ trương xóa đói giảm nghèo, về công bằng xã hội, về làm cho toàn xã hội được hưởng thành quả của phát triển. Họ làm giàu với tốc độ tên lửa bằng mọi giá, bất chấp cả pháp luật và đạo lý. Cũng chính họ đã tự đánh rơi tính chính đáng của kẻ cầm quyền.
Trong kỳ đại hội đảng đầu năm nay, nhà hàng Long Đình phất to. Nhân viên nhà hàng cho biết họ chuyên cung cấp cho các vị trong Bộ Chính trị những món ăn đặc sản quý và bổ nhất.. Cửa hàng có quan hệ chắt chẽ với các cao lâu thượng hạng ở Quảng Tây và Quảng Đông (Trung Quốc). Đầu bếp nổi tiếng nhất của Long Đình là bếp trưởng Chang Kam Lun, nói tiếng Việt chưa sõi.
Giới chóp bu cộng sản và con cháu họ là khách hàng hầu như duy nhất của những nhà hàng cấp cao như Long Đình. Có ai khi ăn một bát phở bạc triệu, một bát súp 2 tấn thóc còn nghĩ đến 20 vạn đồng bào mình đang đứt bữa ở Thanh Hóa?
Hiện tình đất nước là như thế, khi kẻ thù bành trướng đang hoành hành ngang ngược ngay trong lãnh hải của ta.
Nguồn: Blog Bùi Tín (VOA). Đàn Chim Việt minh họa
Ở Da Lat co siêu biet thự con ong Nguyễn Tấn DŨng mà chỉ tường rào thôi nghe thiên hạ đồn cả chục tỷ đong viet nam, tường cao lắm, cỡ cái….. nhà lầu . Ở day có ai biết nhà của mấy ông lớn này thì chia sẻ cho anh em biết nha!!!
hay dung len diet het bọn ăn no đẵm chuồng này đi.