Tháng 6 tại Cali
Tháng 6 trời không mưa tại San Jose nhưng chuyện buồn thì không phải đợi trời mưa. Mỗi tuần tôi muốn nói với thính giả, viết cho độc giả về một câu chuyện. Nhưng lâu lâu đề tài dồn dập, đành phải viết ra và kể ra nhiều chuyện cùng một lượt.
Tôi có một danh sách các chiến hữu trong gia đình tiếp vận, bộ tổng tham mưu ngày xưa, trong trại Trần Hưng Đạo. Danh sách cứ rơi rụng dần. Kẻ đi luôn, người mất liên lạc. Mới đây một ông bạn gọi về hỏi tình hình các bác quân vận. Bèn thưa rằng ở San Jose trung tá quân vận Dương Văn Lạng đi xa rồi. Trong anh em thuộc thông vận binh đầu thập niên 50 đeo lon trắng như thiết giáp, ai cũng biết anh Lạng là tay xông xáo không phải chỉ riêng trong giới tài xế xe 10 bánh mà cả trong làng thể thao quân đội. Đúng như vậy, bác Lạng đi luôn rồi.
Chúng tôi lại vừa tiễn đưa thiếu tá Bùi Xuân Dược là thân phụ của ca sĩ Thái Hà.
Đám tang tình nghĩa
Gia đình bác Dược có con cái khắp mọi nơi. Từ Canada qua đến Hoa Kỳ. Bác tốt nghiệp khóa 5 Thủ Đức và đã cư ngụ tại San Jose một thời gian dài. Chưa có dịp biết nhiều về người quá cố nhưng qua một lần tiễn đưa thì thấy được cả thân thế với năm tháng dài tình nghĩa gia đình.
Con cái của ông, con trai và con gái đều hoạt động tình nguyện về xã hội và văn hóa cho cộng đồng Việt tại Bắc Mỹ. Bác ra đi để lại cho thế hệ nối tiếp nhiều thương tiếc.
Các anh em của hội hải quân Bạch Đằng mặc đồ đại lễ mầu đen. Anh em Thủ Đức với quân phục vàng mang Alpha trên cầu vai. Bộ quần áo này bác Dược đã mặc hơn 50 năm về trước. Lễ phủ cờ rồi lễ gấp cờ. Trang nghiêm, đơn giản và thân tình. Tôi phải cảm phục các bạn cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa bày tỏ tình chiến hữu cho người ra đi.
Dù không quen biết nhưng vẫn phải thức giấc sáng sớm cuối tuần. Mặc bộ quân phục để tiễn đưa người đi bằng nghi lễ cuối cùng.
Ở nơi đất khách quê người, chẳng ai mỗi tuần đi làm công việc tình nguyện như vậy.
Tang gia bác Dược rất đông đảo. Anh em, con cháu lần lượt đọc lời thương tiếc gửi người đi và dường như giãi bầy cho anh em cựu chiến binh chúng tôi là quan khách của gia đình. Những người con nói bằng tiếng Việt, các cháu đọc bằng Anh ngữ. Chúng tôi hết sức xúc động nghe lời các cháu kể lể về ông nội, ông ngoại. Hết đứa này đến đứa khác, thứ tự đã ấn định. Anh ngữ trẻ thơ ngập ngừng lẫn trong tiếng khóc.
Rất hiếm khi thấy được con cháu kể lể tiễn ông tiễn cha về nơi vĩnh cửu. Một đám tang đầy tình nghĩa huyết tộc.
Rồi đây con cháu anh em lại mỗi người một ngả. Dù là anh em, dù là thân quyến nhưng cánh chim di tản lại bay đi bốn phương trời. Biết ngày nào đại gia đình lại sum họp.
Đó chính là hình ảnh của các gia đình Việt Nam tha hương và cũng là hình ảnh của cả cộng đồng chúng ta.
Bác Phú Toàn Cương
Nhưng chưa hết, chúng tôi còn tiễn đưa một người bạn thâm niên của cuộc đời di tản. Bác Phú Toàn Cương vừa nằm xuống. Sau nhiều năm tháng lọc máu mỗi tuần ba bốn lần. Ông MC nổi danh một thời của chúng tôi đã đi luôn. Ngày xưa anh Cường làm cho Usaid tại Việt Nam. Thông thạo Anh ngữ. Qua Mỹ làm sở xã hội Alameda County và làm MC cho Liên hội Bắc Cali. Hội thảo xã hội, biểu tình đấu tranh hay sinh hoạt văn nghệ, Cường Phu làm MC là vững như bàn thạch. Vừa Anh vừa Việt ngữ. Tiếng nói sang sảng, chững chạc và nghiêm túc. Anh em hết sức tin tưởng. Bác lại là huynh trưởng của gia đình Phật tử và sinh hoạt Phật sự rất nhiệt thành. Quý vị đã có dịp xem phim Rồng Xanh do đạo diễn Việt Nam họ Bùi thực hiện? Đây là phim về thời kỳ di tản 1975 tại trại Pendleton California. Bác Cường đóng vai ông tướng bị anh sĩ quan trẻ sỉ nhục và đã tự vẫn chết. Bác vào vai hết sức tự nhiên và được coi là vai phụ xuất sắc.
Mấy năm trước, nhân dịp nhắc lại cuốn phim Việt Nam tiêu biểu của các thời đại, chúng tôi có dịp mời mọi người lên sân khấu CPA tại San Jose. Cô ca sĩ Ý Lan đại diện cho cha là tài tử Lê Quỳnh đã qua đời. Lê Quỳnh vai chính trong Chúng tôi muốn sống. Bác Perter Trần Văn Nhơn là vai phụ xuất sắc trong phim này cũng đã lên sân khấu lần cuối. Sau đó bác đã ra đi năm trước, sau một lần vẫy tay chào.
Bác Phú Toàn Cường, cô Kiều Chinh là các tài tử của phim Rồng Xanh. Bây giờ ông đã vĩnh biệt cả micro, cả phim trường và cả sân khấu. Cô Kiều Chinh mới gởi lời chia buồn hết sức thương cảm. Chúng tôi chia buồn và thông cảm với cô Dung qua những năm tháng rất dài nuôi chồng đi lọc máu thường xuyên.
Ông tướng di tản chết trên màn ảnh năm 75 bây giờ đã thực sự ra đi về miền vĩnh cửu. Buồn vì bạn ra đi, bác Đông Anh, Nguyễn Đình Tạo khóc bằng một bài ai điếu:
Khóc Phú Toàn Cương
Tôi hỏi ông? Cây ớt ông trồng trong trại Pendleton đã có trái hay không? Tôi nhớ hình bóng ông ngày ngày bên cây ớt nhỏ. Ông gửi cả tấm lòng, cả tâm sự và cả niềm cay đắng vào cây ớt còn non.Tôi nhớ hình bóng ông chắp tay bên bàn thờ Phật sớm chiều tụng nhật. Ông gửi cả oán hờn vào tiếng mõ oan khiên. Tôi nhớ dáng ông kiên nhẫn cúi đầu khi những đàn em buộc tội làm mất quê hương. Quê hương ta, đâu có phải mình ông đánh mất. Đó là kịch trong phim Ông đóng xuất thần. Ông đóng như thật, làm người người luôn nhớ đến ông khi Rồng Xanh xuất hiện
Xa rồi ôi! Phú Toàn Cương. Có những ngày Xuân. Nắng đẹp, gió hanh Ông đứng giữa hàng cờ bay lồng lộng. Khán đài chót vót trên cao. Ông nói tiếng Anh lưu loát. Ông đưa tiếng Việt ngọt ngào. Nhìn bóng ông thanh thoát, giữa rừng người cất tiếng hô vang. Hình ảnh oai hùng hàng năm vào ngày Hội Tết.
Trọn đời nhớ Phú Toàn Cương.
Có lúc gặp ông trong áo xanh lam. Ông lo Phật sự. Ông là huynh trưởng. Tiếng nói nhẹ nhàng như hơi thở. Ân cần như vị chân tu đắc đạo đang cứu đời trên khắp thế gian. Nay nghe ông về trời, San Jose đang là cuối Xuân đầu Hạ mà trời ảm đạm thê lương. Anh em bè bạn tha phương, cùng nhau trên một đoạn đường, nay bỗng xa lìa tan tác. Tôi thấy mất mát trong tim. Mất mát ngoài đời. Mất hẳn rồi!. Ôi Phú Toàn Cương…
Đông Anh
Những người còn ở lại
Như vậy xem ra tháng 6 của chúng tôi đã có nhiều chuyện buồn. Đành phải dựng lại niềm vui trong buổi hoàng hôn. Nhân dịp ngày quân lực lần thứ 45 tại San Jose, chúng tôi mời quý bà quả phụ, quý anh em thương binh Việt Nam Cộng Hòa gặp mặt trong một bữa cơm gia đình. Để các bạn yên tâm, chúng tôi đã thông báo là cơm gia đình thực sự không có VIP, không có quyên góp, không có trao tưởng lục, không có văn nghệ, không có âm thanh ánh sáng, không có diễn văn, và cũng không có lễ nghi quân cách.
Sau cùng dự trù 4 bàn nhưng anh chị em đến với nhau lên đến 7 bàn tức là 70 người. Bàn của các bà quả phụ chiến binh được gọi là bàn Hoa hậu. Các anh em thương binh và người tình một thuở đến dự đầy đủ và vui vẻ. Từ thủy quân lục chiến, nhẩy dù, đến pháo binh và bộ binh. Hình ảnh bạn Hội dù và bạn Lương mũ xanh nép mình bên phu nhân là hình ảnh đẹp đẽ nhất. Dù cả 2 anh chân cẳng đều bỏ lại quê hương trong chiến tranh Việt Nam.
Có nhiều bạn trông vẫn khỏe mạnh nhưng mảnh đạn vẫn còn đầy người và có nhiều anh đã mù cả 2 mắt hay chỉ một con còn lại nhìn đời với nửa mùa Xuân.
Trong nhiều năm qua, nhân danh một cơ quan xã hội chúng tôi tổ chức sum họp nhiều lần, nhưng lần họp mặt gia đình quả phụ và thương binh đầu tiên tuy đơn giản nhưng có nhiều ý nghĩa. Anh Loan, một thương binh TQLC bị thương 5 lần nói rằng ở bên này ai cũng cho rằng anh em đã được chính phủ cấp dưỡng đầy đủ nên không cần phải lưu tâm. Thực ra , thương binh VNCH cũng chỉ được tiền xã hội như bất cứ một người bệnh thông thường. Hoặc khi đến tuổi cao niên thì cũng lãnh tiền già như mọi người. Tuyệt đối không có quyền lợi nào khác. Tuy nhiên, các anh em cần là chút tình chiến hữu. Từ lâu nay anh Hội là người mang danh hội trưởng vẫn kiên trì hoạt động, nhưng đã đến lúc mọi người nên tiếp tay với ông thượng sĩ nhảy dù đã bao phen vào sinh ra tử. Đó là ý nghĩa của buổi xum họp gia đình thương binh Việt Nam Cộng Hòa vào mùa quân lực 19 tháng 6-2011.
Chống Tàu cộng tại San Fran
Báo cáo sau cùng gởi đến quý vị là cuộc biểu tình chống Trung cộng và Việt cộng tại San Francisco.
Bác Đỗ Hữu Nhơn lực lượng đặc biệt cho tôi biết là anh em liên hội cựu quân nhân nghĩ rằng ngày quân lực tổ chức như mọi năm cũng là chuyện thường tình. Nhưng hoàn cảnh này, tin tức thời sự như vậy mà anh em không biểu dương tại San Fran thì không giống ai.
Khắp thế giới, cộng đồng Việt đã lên tiếng cả rồi.
Lên đường
Các anh em chọn ngày thứ sáu vì các tòa lãnh sự còn mở cửa làm việc. Hai chiếc xe bus khổng lồ tập trung để bà con lên đường từ San Jose. Anh Phúc hải quân lái xe van của IRCC với chuyên viên quay phim của Dân Sinh là anh Thành. Cô Trương Gia Vy chủ nhiệm Viettribune đi cùng với chúng tôi. Đã lâu lắm, bây giờ tôi có mới có dịp đi dự biểu tình tại San Francisco.
Suốt từ năm 1977 đến 1997 không năm nào là không tổ chức đi SF hay Berkley biểu tình chống cộng. Mỗi năm hai ba lần. Suốt 2 thập niên đầu tiên của cuộc đời di tản.
Các cuộc biểu dương đi 2 bên đường trên hè phố Berkley, trên đường dốc San Francisco. Kỳ đi chống Hà Văn Lâu được coi là chờ đợi lâu nhất. Suốt một ngày dài từ sáng cho đến tối mịt. Sau này từ cuối thập niên 90, công việc thường xuyên cầm chân nên không có dịp đi biểu tình. Nay trở lại viếng thăm tòa lãnh sự Trung cộng. Đoàn biểu tình với lực lượng chính là anh em San Jose do liên hội cựu quân nhân điều động. Tại chỗ có các anh em địa phương cùng với Nguyễn Phú, được mệnh danh là người giữ cầu Golden Gate. Thêm anh em thanh niên cờ vàng từ Nam Cali đến dự. Cuộc biểu dương gồm có phần chào cờ, phát truyền đơn AnhViệt, hô hào các khẩu hiệu, đốt cờ cộng sản, đọc kháng thư và gởi kháng thư. Xong tại tòa lãnh sự Trung cộng rồi đi bộ đến tòa lãnh sự Việt cộng.
Ngày biểu tình gặp lúc cảnh sát và cứu hỏa làm đám tang cho 2 nhân viên mới hy sinh. Đường phố kẹt xe, nhưng hình ảnh xe cứu hỏa, xe cảnh sát đã làm cho cuộc biểu tình thêm nhộn nhịp.
Đã lâu lắm, tôi lại có dịp nhìn lại các khuôn mặt cũ của thời kỳ biểu tình hơn 20 hay 30 năm về trước. Tôi nhớ tới các bạn trẻ xuất sắc trong vai trò hô hào xuống đường như anh Quang Đăng Trường, anh Đỗ Hùng. Đặc biệt là anh Đỗ Hùng. Trận biểu tình chống nhà sách cộng sản tại San Jose với kỹ thuật xách động xuống đường của Đỗ Hùng được coi là kiểu mẫu.
Bây giờ, tôi gặp anh Bùi Đức Lạc, anh Nguyễn hữu Lục. Anh em vẫn chưa mỏi mệt với chuyện cộng đồng. Anh Lạc biểu tình bao năm qua, tóc xanh thành tóc bạc. Anh Lục tuổi trẻ ngày nào tham dự bao kỳ tranh đấu nay đã trở thành hội trưởng hội cao niên.
Thấm thoát đã hơn 1 phần 3 thế kỷ, ai ngờ bỏ nước ra đi ngày nay thấy chuyện đánh Tàu đã thành tin thời sự.
Ông cha ta giữ nước chống Tàu đã 4.000 năm. Người Việt sẽ còn phải chống Tàu giữ nước thêm cả ngàn năm về sau. Nhưng từ nay lại có thêm những cánh tay giơ lên từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả những cánh tay của người Việt biểu tình ở San Francisco vào ngày thứ sáu vừa qua. Kháng thư của ban tổ chức tiếng Anh tiếng Việt chống Việt cộng khiếp nhược lùi bước. Chống Trung cộng bá quyền lấn bước. Kháng thư bây giờ đưa cho ai. Cô Trương Gia Vy bước thấp bước cao bỏ vào hộp thư các tòa lãnh sự sau khi đọc cho TV quay phim. Bác Đỗ Hữu Nhơn lên tiếng dõng dạc để đưa tiếng nói đến bốn phương trời.
Có 2 anh công chức Hoa Kỳ cho biết là người của bộ ngoại giao, được tòa lãnh sự báo tin biểu tình nên đến quan sát trước cửa. Tôi nói rằng phái đoàn muốn trao kháng thư. Anh bèn liên lạc vào trong tòa lãnh sự và được yêu cầu để chính anh nhận hộ. Cô Vy đưa cho anh các bản kháng thư dành cho cả Tàu cộng lẫn Việt cộng. Anh công chức Mỹ nói đi nói lại anh là công chức của bộ ngoại giao, anh có liên lạc với cảnh sát, với FBI và CIA khi cần thiết nhưng hôm nay anh hoàn toàn đến để quan sát. Anh bảo đảm kháng thư sẽ đến tay các nơi nhận và đó là những gì người Việt có thể làm được trong 1 ngày của tháng 6 tại Bắc California. Bộ phim của Dân Sinh do anh Thành quay đã được chiếu khắp mọi nơi. Cameraman của chúng tôi nói rằng: Cháu là người Việt gốc Hoa, ngày nay là người Mỹ gốc Việt Hoa, chống cộng sản là không có gì trở ngại. Quay luôn…
© Giao Chỉ
© Đàn Chim Việt