WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hữu Loan: …Tím chiều hoang biền biệt…

(Kỉ niệm ngày giỗ lần thứ 2 của thi sĩ Hữu Loan (18.3.2010 – 18.3.2012) , 96 năm ngày sinh (2.4.1916 – 2.4.2012)

Trong lịch sử thi ca Việt Nam, có thể nói bài thơ Mầu Tím Hoa Sim của Thi Sĩ Hữu Loan gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với người đọc mọi thời đại. Mô típ của thơ Tình yêu – Chia li thường là: Đôi trai gái – Người Tình – Vợ chồng yêu nhau, lấy nhau rồi vì một lý do nào đó phải chia lìa, ly biệt…

Đại thi hào Nguyễn Du – viết Truyện Kiều – cho đôi nhân vật Thúy Kiều – Kim Trọng yêu nhau nhưng phải qua thử thách 15 năm sau, họ mới gặp lại, đoàn viên trong xót xa, mất mát…

Hồng Hà Nữ Sỹ – Đoàn Thị Điểm lấy chồng, yêu chồng nhưng phải xa nhau 3 năm vì chồng bà được nhà vua phái đi Sứ bên Trung Hoa. Một mình vò võ, khắc khoải đợi chờ… bà trút tâm tư tình cảm vào bản dịch Chinh Phụ Ngâm – (từ chữ Hán sang chữ Nôm – nguyên tác của Đặng Trần Côn) . Bản dịch của nữ sĩ họ Đoàn đã trở thành áng thơ tuyệt diệu trong kho tàng văn học Việt Nam.

Đầu thế kỉ 20, đề tài Tình yêu được Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu tiếp tục khai thác, nâng lên, đượm mầu sắc cách tân, theo xu hường thời đại. Thề Non Nước củu Tản Đà, là một thí dụ điển hình về thể loại ’’thơ tình’’ mới, tuy nhiên vẫn không khác những cuộc tình của ngưòi xưa: Tình yêu – chia li chỉ mới ở mức độ tạm xa nhau, cả hai đối tượng vẫn nuôi hi vọng ngày gặp lại…

Bước vào những năm ba mươi của Thế kỷ 20, trong phong trào Thơ Mới, xuất hiện những áng thơ li biệt, mà mức độ ’’nước mắt’’ đã gia tăng, điển hình bài thơ Hai Sắc Hoa Tigôn của TTKH, bài đáp lời TTKH, Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, cùng thơ tình của những nhà thơ tiêu biểu: Thế Lữ (Bên sông đưa khách), Thanh Tịnh (Mòn mỏi), Xuân Diệu (Lời kỹ nữ…), Huy Cận (Ngậm ngùi), Nguyễn Bính (Cô hàng xóm…)… Thơ Tình yêu đã manh nha một thể loại mới: Thơ vĩnh biệt người tình!

Phải đợi đến gần nửa sau của thế kỉ 20 – giữa cuộc kháng chiến chống Pháp 1949 – Thi Sĩ Hữu Loan mới đẩy đề tài tình yêu trong chia li lên tới mức độ mới: Chia lìa – Vĩnh biệt, thể hiện rõ trong Mầu Tím Hoa Sim. Tác gỉa diễn tả nỗi lòng khi biết người vơ mới cưới ở quê nhà đã chết trong một tai nạn rất đáng tiếc (chết đuối). Nhà thơ đau đớn thốt lên như chất vấn trời xanh: (sao) ’’Không chết người trai khói lửa, mà chết người em gái nhỏ hậu phương’’? Xuyên suốt, bao trùm cả bài thơ là sự đau thương tang tóc đối với người trai ở chiến trường xa, giờ trở về, chỉ còn biết đến nấm mồ viếng người ’’em gái nhỏ – người vợ trẻ’’ đang nằm trong lòng đất lạnh!

Những câu thơ như máu thịt, rứt ra từ cơ thể mình, thi sĩ làm người đọc dù không ở trong hoàn cảnh, tự nhiên cũng xót thương, đồng điệu. Tác giả khóc vợ nhưng người đọc cũng bi lụy’’khóc’’ theo như cảnh ’’Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa’’ của nàng Kiều khi viếng mộ Đạm Tiên…

Trước MTHS của Hữu Loan, chưa có bài thơ nào có chủ đề về Tình yêu – Chia Li – Vĩnh biệt sâu sắc đến dữ dội như vậy. MTHS như một chất xúc tác, kích thích tình cảm của người thưởng thức (đọc và nghe người khác ngâm thơ), đẩy lên tới cao trào… Sự đồng cảm của độc gỉa còn bởi câu chuyện đời thực của tác giả – như một câu chuyện đặc trưng – xẩy ra nơi này, nơi khác, đây đó… xuất hiện trong lòng người Việt. Với bi kịch của chính mình, Hữu Loan chỉ việc ghi lại những rung động (dữ dội) của trái tim rồi bằng tài năng diễn đạt, dùng ngôn từ chắt lọc, dân dã, dung dị khiến mọi lứa tuổi biết yêu, mọi trình độ, tầng lớp trong xã hội đều cảm nhận, rung động.

Thi phẩm đến với người đọc ở hoàn cảnh đất nước đang trong thời tao loạn, đôi lứa rực lửa thanh xuân – phải xa nhau… xa nhau trìên miên trong tâm thức: ’’Cố lai chinh chiến kỉ nhân hồi’’ , ’’Nhât tướng công thành, vạn cốt khô’’ – càng có ý nghĩa nhân văn!

Sự thuyết phục tự nhiên của MTHS, khiến những nhà lãnh đạo tư tưởng (tuyên huấn) đương thời – kháng chiến chống Pháp) – e ngại. Rồi, khi vào cuộc chiến tranh tiếp theo – (chống Mĩ) – sợ ’’tác động ngược’’, nghĩa là – sợ khi đối tượng trẻ tuổi đọc bài thơ sẽ không tránh khỏi trạng thái tâm lý bi lụy, làm giảm ’’khí tiết anh dũng’’ cần phải có trong mổi người tham gia cuộc chiến, mà tầng lớp trẻ vốn dĩ rất mẫn cảm – đang là số đông, đóng vai trò chủ chốt. Chính vì vậy, trong suốt thời gian dài, MTHS không được phổ biến. Sau 1954, một phần, có thể do dư âm của sự kiện tác giả ’’liên can’’ đến phong trào Nhân văn giai phẩm. Nhưng cái chính, phần khác – Theo những người lãnh đạo tư tưởng quan niệm: Cái tôi (cá nhân – cái riêng) của bài thơ bao trùm lừng lững. Mà thời đó, chủ trương phải cổ võ hết sức cho ý thức tập thể (cái chung). phải ’’Chống chủ nghĩa cá nhân’’ (cái riêng). Sau này, còn được nâng quan điểm lên, đối diện với ’’Chủ nghĩa cá nhân’’ và chủ nghĩa ’’Anh hùng tập thể’’. Bài thơ lại thêm một lí do cấm phổ biến mặc dù không hề có văn bản chính thức cấm – nào.

Cùng chủ đề, cùng cấu trúc như MTHS, Núi Đôi của Vũ Cao, Quê Hương Của Giang Nam được những người lãnh đạo tư tưởng của chế độ trân trọng, cho quảng bá bằng xuất bản, đưa vào sách giáo khoa giảng dậy ở trường học, còn Mầu Tím Hoa Sim trong suốt nhiều năm bị’’cấm phổ biến, bị giam, nhốt , bỏ trong hòm ’’khóa chặt’’.

Nhưng khi được ’’cởi trói’’ MTHS không thua kém sự ngưỡng mộ của độc gia so với Núi Đôi và Quê Hương. Thậm chí – ngay cả khi vẫn còng đang bị’’giam’’, khi có dịp may mắn được phổ biến’’chui’’, MTHS đã vượt trội sức thuyết phục… Để chứng minh cho nhận định này, tôi kể lại tình tiết một buổi biểu diễn bài thơ Mầu Tím Hoa Sim rất ngẫu nhiên, trong một hoàn cảnh đặc biệt – cách đây gần 50 năm:

Hữu Loan và người vợ sau này của ông

Vào khoảng 1966 – 1967, khi cuộc không tập của Mỹ vào miền Bắc leo từng nấc thang, cao dần mà đỉnh cuối cùng của nó chính sự kiện 12 ngày đêm của chiến dịch’’Điện biên phủ trên không’’, từ 18 – đến 30 tháng 12 năm 1972 tại không phận Hà Nội – bằng máy bay chiến lược B.52.

Theo chủ trương của bộ máy tuyên truyền, để động viên cả xã hội bình tĩnh, tránh gây xáo trộn, hoang mang, tổ chức Đoàn Thanh Niên Lao động ở mọi cấp, ngoài việc động viên thanh niên hăng say sản xuất, tham gia tòng quân trực tiếp chiến đấu trên miền Bắc, còn đi vào chiến trường miền Nam, các đoàn cơ sở chẳng những duy trì nếp sinh hoạt thời chiến, mà còn đẩy mạnh các hoạt động văn hóa bằng cách tổ chức các buổi Hội diễn Văn nghệ.

Ở vào khoảng đầu năm 1966, máy bay Mỹ chưa đánh phá cả ban đêm. Đòan TNLĐ mỏ Cọc 6 tiến hành Hội diễn toàn đoàn. Trình tự tuyển chọn từ chi đoàn, liên chi đoàn, chọn ra 1, hoặc 2 tiết mục đặc sắc nhất về dư đêm chung kết tại hội trường Mỏ.

Buổi chung kết có 2 vở kịch ngắn của kịch tác gia Ngô Y Linh: Diễn Viên Không Chuyên Nghiệp và Đâu có giặc là ta cứ đi, cùng hơn 30 tiết mục: Độc tấu, hoạt cảnh , đơn ca, tốp ca và ngâm thơ. Một cán bộ đoàn có giọng ngâm khá hay, trình diễn bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao (ngâm theo cách miền Bắc). Để Ban giám khảo dễ so sánh khi chấm điểm, chương trình bố trí luôn tiết mục ngâm bài thơ thứ 2 – Quê Hương của Giang Nam – do một nữ diễn viên không chuyên ngâm theo giọng miền Nam. Cả 2 tiết mục đều được người xem tán thưởng. Tiếng vỗ tay chưa dứt, trên sân khấu xuất hiện ông gìa tóc trắng như cước. Mọi người nhận ra đó là ông Vũ Hồng Hải thư kí công đoàn Mỏ – (cán bộ và công nhân Mỏ thường gọi ông ’’Hải Bạc’’ để phân biệt với 3 cán bộ, kĩ sư có tên Hải cùng làm việc ở khối văn phòng).

Ông Hải từ cánh gà tiến ra đón lấy chiếc Micro, đứng vào vị trí trình diễn.

Hội trường xì xào bàn tán…

Người điều khiển chương trình thoáng bỡ ngỡ vì tình huống này không có trong dự kiến…. hội trường đang ồn ào bỗng im lặng trở lại. Mọi người chưa hiểu vị ’’bộ tứ lãnh đạo’’ sẽ làm gi? Sau ít giây ngần ngừ, ông Hải nói chậm: Các đồng chí vừa nghe 2 bạn trẻ trình bầy 2 bài thơ nói về cuộc tình của đôi trai gái ly biệt trong chiến tranh… Tôi xin góp vui với các bạn một bài thơ khác, cũng có chủ đề tương tự như Núi Đôi và Quê Hương. Bài này tựa đề là Mầu Tím Hoa Sim (ông không nói tên tác giả bài thơ).

Cả hội trường lao xao…

Ông Hải ngần ngừ giây lát rồi cất tiếng đọc (mà không ngâm như 2 diễn viên vừa trình bầy trước đó). Giọng ông dàn trải, lúc chậm rãi, lúc gấp nhanh… âm vang, như tiếng của ông gìa trong đêm khuya, bên bếp lửa hồng bập bùng, kể cho mọi người nghe về một mối tình bi thảm… Trước mắt người nghe hiện ra khung cảnh làng quê với con sông nước ngầu đỏ phù sa, cuồn cuộn chảy… bãi tha ma và nấm mồ đất chưa kịp khô… Đặc biệt, người nghe mường tượng ra – mỗi người một hình ảnh – về người ’’em gái nhỏ hậu phương’’:

Nàng có 3 người anh đi bộ đội
Nhưng em nàng có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi
Người Vệ quốc quân
Yêu nàng như tình yêu em gái…

Cứ từng đoạn… từng đoạn, ông Hải thay tác giả Hữu Loan diễn đạt nỗi lòng mình…

Gần 1000 người đứng, ngồi chật ních hội trường im lặng lắng nghe. Ho đang theo bước chân của anh Vệ quốc quân với ’’đôi giầy đinh bê bết bùn hành quân’’…từ chiến trường về… bước vào căn nhà… hoang vắng, khói lạnh… chiếc bình cắm hoa ngày cưới giờ dùng làm bình cắm hương, tàn hương lạnh vây quanh…
Khi đến đoạn kết thúc, giọng người lính gìa bỗng cao hơn, chuyển thành giọng ngâm:

’Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm
Mẹ gìa chưa khâu’’!

Tôi đứng bên cánh gà nhìn thấy trong mắt của ông gìa long lanh ngấn nước. Cả hội trường không một tiếng động dù bài thơ đã hết… Ông Hải cúi chào khán gia rồi châm chạp đi vào, chưa khuất, mọi người như nhận ra sự vô tâm – đột nhiên vỡ òa giữa âm thanh reo hò, vỗ tay, thổi ’’còi môi’’… Ông Hải lại quay người đi ra, cúi chào… Khi bóng ông đã khuất, hội trường vẫn rung lên bởi tiếng vỗ tay…

***

Sáng hôm sau, thứ 2, đầu tuần, Gíam đốc Mỏ họp giao ban, phổ biến công tác trong tuần. Thành phần họp gồm bộ Tứ lãnh đạo: Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn. Bí thư Đoàn Thanh Niên và Chủ tịch Nữ công (Hội phụ nữ công nhân) cùng các phòng ban khối văn phòng. Cuộc họp thời chiến diễn ra ngăn gọn… Gíam độc tuyên bố kết thúc. Mọi người lục tục đứng dậy nhưng chưa ai ra khỏi cửa, Đột nhiên ông Phó giám đốc phụ trách hành chính, học ở Liên Xô về – mới đưọc bổ nhiệm – tiến đến bắt tay ông Hải, nói: Hôm qua bác trình bầy tiết mục đọc thơ qúa hay. Hình thức trình bầy thơ kiểu này ở châu Âu người ta hay dùng. Bài thơ bác lấy ở báo nào thế? Có thể cho tôi chép lại được không?
Ông Hải chưa kịp lên tiếng, Trưởng phòng Tổ chưc cán bộ, trả lời thay: Hay thì rât hay nhưng đó là bài thơ bị cấm…

- Sao, sao… có gì đâu mà phải cấm – Phó giám đốc Hành chính phản ứng.

Ông Hải quay sang Trưởng phòng tổ chức vẻ nghiêm nghị: Ở lứa tuổi ông và tôi, trong kháng chiến chống Pháp, ai mà chẳng biết dăm ba câu, nhiều người thuộc cả bài MTHS… Có văn bản nào cấm đâu. Ngừng lại một chút, như ngẫm nghĩ, mọi người im lặng chờ – ông Hải, tiếp: Mà có gì phải cấm. Anh Vệ quốc quân thương vợ bỏ mình trong một tai nạn khi đang ở chiến trường xa. Trở về, đau buồn trước mất mát, có tâm trạng bi lụy… đó là hành động rất tình, rất người. Điều quan trọng: Anh không phản chiến ‘’B- quay’’ – tiếp tục lên đường chiến đấu – có sao?

Mọi người xung quanh cười phá lên với vẻ, tán thưởng
Ông Trưởng phòng tổ chức cũng miễn cưỡng… cười theo.

Thời bấy giờ, dám ’’ngang nhiên’’ đọc bài MTHS trước một hội diễn văn nghệ có nghìn người dự, lại đa số là thanh niên trẻ – là chuyện’’động trời’’. Những người yêu thích văn thơ Tiền chiến, tập tễnh viết lách, láng máng biết lai lịch của bài thơ MTHS và tác giả – phải ‘’sởn gai ốc, lạnh sống lưng’’.

Khi ra khỏi phòng họp, ông trưởng phòng Lao động tiền lương – cùng giới đầu bạc, cùng hàm Đại úy chuyển ngành – tủm tỉm cười, hỏi ’’kháy’’, ’’trêu’’ ông Hải: Sao ông biết, anh chiến sĩ kia không ’’B – quay’’?
Đây là danh từ hồi đó trở thành phổ biến, chỉ thành phần thanh niên ‘’cầu an, sợ chết’’ – trốn lính. Sau khi nhập ngũ, số thanh niên này trên đường hành quân vào Nam, trước khi vượt giới tuyến, họ đào thoát (quay) trở ra, về quê. ’’B… quay’’ là cách nói gọn (4).
Ông Hải hiểu ý bạn, cười xoà: Biết chứ! Vì cậu ấy là bạn cùng đơn vị chiến đấu với mình!
Mọi người vui vẻ chia tay nhau.

Có thể lớp cán bộ quân đội cùng trang lứa, chuyển ngành về nắm giữ các chức vụ chủ chốt của Mỏ nên nể, trọng nhau, không ai nghi ngờ ‘’Tư tưởng biến chất’’ của ngưòi cán bộ quân đội đang đứng ở vị trí lãnh đạo có thứ hạng…
Cũng có thể: Đây là khu mỏ, cơ sở sản xuất nằm cách xa Hà Nội – nơi , khu vực ’’Trường Văn – trận Bút’’ – nên sau đó… sau đó… không có vấn đề gì xẩy ra tiếp theo

——————————————

 Ghi chú:

(3). Câu khẩu hiệu hàng đầu của thời đó, được kẻ trên những bức tường, treo khắp nơi trên đất Mỏ nhằm động viên công nhân hăng hái thi đua lao động làm ra nhiều than cho tổ quốc:’’Tổ quốc cần than như con thơ cần sữa mẹ’’

(4) – Việt Nam lúc đó chia làm 3 vùng cơ bản, kí hiệu: A – Miền Bắc. B – Chiến trường miền Trung (có B1 và B2…). C – Chiến trường Nam Bộ. Dân Bắc gọi chung: Đi B là vào Nam). B… Quay là hình dung từ dành cho ’’thanh niên chậm tiến’’, thối chí – thời chống Mĩ. Chàng thanh niên nào rơi vào hành động này coi như ‘’xong đời’’. Khi về đến địa phương cư trú, bị chính quyền tập trung vào cácTrại cải tạo lao động (một loại tù), bị khinh bỉ,.. mãi sau khi kết thúc chiến tranh, Tội B. Quay mới tự nhiên được xóa. Cánh lính trẻ đã đặt vè vui về hiện tượng ’’B. quay’’ – này như sau:

Qủang Bình, Hà (tĩnh), Nghệ (an) – Lên Đường ngay!
Thanh (hóa), Bắc (thái), Hà (nam) Ninh (Bình) – ‘’Vút’’ ban ngày
Hà Nội, Hải Phòng – Tối mới ’’lủi’’
Thái (bình), Nam (định), Hải (hưng) Qủang (ninh) – Hở là ‘’Bay’’!
Cứ nghe đoạn vè này, đủ hiểu’’tinh thần phản chiến’’ của thanh niên miền Bắc khá phổ biến, hầu như ở các tỉnh, trừ 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

15.3.2012

©  Lê Xuân Quang
© Đàn Chim Việt

——————————————

MẦU TÍM HOA SIM
Hữu Loan

Đây là Bài thơ Mầu Tím Hoa SIM (Bản Hoàn Chỉnh)

Lúc sinh thời, nhân một lần vào nam theo lời mời của những người hâm mộ. Ông được mời đến nói chuyện với sinh viên trường Đại học Cần Thơ, Thi sĩ Hữu Loan đã đọc bổ xung đoạn thơ mà các bản in phổ biến từ trước đến nay trên miền Bắc và ngay cả đến hôm naym trên Blog Huỳnh Ngọc Chênh vẫn đang đi trên mạng bản MTHS – thiếu này :

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng, có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh.
Tôi
Người vệ quốc quân xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn nàng
không đòi may áo cưới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giầy đinh, vết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới xong là đi
Từ chiến khu xa nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ,
bé bỏng chiều quê
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người em gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Mẹ tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh 
ngắm chưa đầy bụi
Em ơi giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được nhìn nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa Sim tím
Áo nàng mầu tím hoa Sim
Ngày xưa một mình
đèn khuya bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
Ngày xưa…
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên
chiến trường đông Bắc
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng…
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
Cỏ vàng trên mộ chí.
Chiều hành quân qua những đồi Sim
Những đồi Sim
dài trong chiều không hết
Màu tím hoa Sim
tím chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai,
tôi hát trong màu hoa:
”Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm,
mẹ già chưa khâu”(**)

H.L 1949
(Từ đây trở xuống – đoạn thơ này mới được tác giả bổ sung, công bố … Tôi chép đùa vào để bạn đọc tham khảo)

‘‘Có ai ví như từ chiều ca dao nào xa xưa
”Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có
Mẹ gìa chưa khâu ”
 Ai hát vô tình
hay ác ý với nhau
chiều hoang tím
có chiều hoang biết.
Chiều hoang tím
Tím thêm mầu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong mầu hoa 
”Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm…”
Màu tím hoa Sim
tím tình tang
lệ rớm
Ráng vàng mạ
Và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn
Theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh
Vào thăm thẳm chiều hoang
Mầu tím.
Tôi ví vọng về đâu?
Tôi với vọng về đâu?
Áo anh nát chỉ dù lâu‘‘.

H.L. Nghệ An 1949

11 Phản hồi cho “Hữu Loan: …Tím chiều hoang biền biệt…”

  1. thùy says:

    Về chuyên tình người chiến binh và cô vợ nhỏ hay người tình bé bỏng không chỉ có bài mths của HL. Trước dó có bài “NúiĐôi” củng rất”tình’ và thời gian sau này có bài “yêu quê hương ‘của GiangNam đều cùng một đề tài và củng rất …ủy mị.Nhưng tại sao bài MTHS của HLoan bị cấm .Lý do là Ông thuộc thành phần tư sản ,cứu và lấý con địa chủ,chống (dù tiêu cực) chỉ thị của đảng ,tức guồng máy,nên bi hất ra,bi “đì” bầm dập mà thôi. Ngoài ra ,bài thơ đả vào Nam và đả phổ biến rộng rải (ít nhất có 2 hoặ 3 bài hát phổ thơ của VC HửuLoan.). Và chúng ta thấy là dù là thơ của kẻ thù,nhưng đọc lên nghe rất hay ,rất cảm động ,nên các nhạc sỉ QG phổvà hát,và chính quyền không cấm. Đó là cái tự do của chính quyền miền Nam.chớ không cấm đoán bằng soi mói ,chẻ sợi tóc làm tư,giấu diếm tình cảm ,ngăn cản niềm cảm xúc rất người,rất cá nhân như ở miền Bắc độc tài,đảng trị. Vì một tác phẩm hay,một bài thơ dầy tình cảm chỉ có vào miền Namới sống ,mới chào vui buốn rông rải với quảng đại quần chúng.mới phát triểnhết mình …và tác giả của nó mới nổi tiếng.
    Năm 75 bài YQH cuả GNcủng được bạn yêu thơ đón chào nồng nhiệt,và cả bài Núi Đôi .
    Tuy nhiên bài MTHS vẩn là bài hát mà người VN QG yêu chuông ngoài thơ hay còn là một kỷ niệm một thời,một đời đả qua,Là một kỷ niêm trong muôn vàn kỷ niệm của thời sống tại miền Nam.TỰ DO..

  2. McKeno says:

    So sánh:
    - Ráng vàng ma
    Và tiếng sừng rúc điệu quân hành
    Vang vọng chập chờn
    Theo bóng những binh đoàn
    Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang mầu tím.

    Với quốc ca:
    - Đoàn quân Việt Nam đi
    Sao vàng phất phới
    Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…

    Người ta thấy cái gì ta?

  3. Tân Mão says:

    Ngoài Bắc người ta cũng có biết bài Thơ này, và còn phổ lên nhạc bài hát “Bông hồng gài áo” thì phải. Nhưng kì lạ là họ không cho biết ai là tác giả, cứ như ngẫu nhiên mà họ lôi bài Thơ của ông Hữu Loan lên rồi ném sang bài nhạc kia thành bài hát cổ động cho Chế độ của họ.
    Ví dụ đoạn trong bài phổ nhạc Bông hồng gài áo “… Áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh CHƯA CÓ, Mẹ già chưa khâu…”
    Vừa mấy hôm trước ngồi tán phét với mấy ông, tự dưng lôi bài Màu tím hoa Sim này ra nói chuyện, tôi có hỏi mấy ông kia là có biết tác giả của nó là ai không? Tất cả lắc đầu…
    Rồi có ông nghêu ngao hát ” áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu”. Tôi nói đây là bài hát bị chỉnh sửa có ý đồ, vì nguyên bản của nó là “… Áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh mất sớm…” mấy ông kia bảo mình hâm???

    • áilê says:

      Bài thơ lấy trong balô của một sỉquan Bắc Cộng chết trong trân đánh lớn (quên tên),có trưng bày chiến lợi phẩm ở SG vàTT/ NCK ngâm bài thơ này, thì sao người Bắc không biết ?”Bông Hồng Cài Áo” dinh gì tới” MàuTímHoaSim”. BHCA là tập đoản văn của sưNhất Hạnhnói về tục lệ của Nhật trong ngày nhớ Mẹ ,cài bông hồng cho các người con còn hay mất mẹ ( hồng hay trắng) và PTM theo ý đó mà phổ nhạc.
      (cuốn sách và bài hát cấm phổ biến ,có lẻ sợ chiến sỉ VNCH nhớ Mẹ). Bài thơ như vậy mà không ai biêt tên tác giả củng kỳ,Nhưng củng có thể ít người Bắc biết ,vì bài thơ ủy mị,nghe nói bi CS phê bình và cấm phổ biến (bản lấy của lính VC là bản chéptay.có ghi tên tác giả)
      Câu”Áo anh sứt chỉ đường tà.vợ anh chưa có,mẹ già không khâu ” là ca dao. HL,chỉ đổi chử “chưa có’ thành “chết sớm ” mà thôi….
      Có lẻ ” mấy ông kia bảo mình hâm???”e củng KHÔNG SAI mấy !

  4. ĐẠI NGÀN says:

    TÍNH HIỆN ĐẠI VÀ HÌNH ẢNH TRONG THƠ

    Ở đây tôi muốn nói bài thơ MÀU TÍM HOA SIM của nhà thơ Hữu Loan làm năm 1949. Có nghĩa bài thơ dược sáng tác cách đây đã già nửa thế kỷ nhưng tính hiện đại và hình ảnh của nó rất mới mẽ. Tính hiện đại bởi vì âm điệu và thi từ của nó rất giản dị, dứt khoát, gãy gọn, không lê thê, lượt mượt, hay nhiêu khê, phức tạp như một số bài thơ tương tự khác. Ý nghĩa hành quân và màu tím của hoa sim được gắn kết vào nhau một cách tự nhiên mà cũng mang đầy tính ước lệ. Câu chuyện nói đến tính khốc liệt của chiến tranh. Người con gái có đến ba người anh trai đi bộ đội. Vậy mà nàng rất còn trẻ, có cả đứa em chưa biết nói. Tính cách khốc liệt, đáng thương của chiến tranh nó hiện lên như thế. Tất nhiên trong bối cảnh như thế thì tóc nàng hãy còn xanh xanh. Đây là hình ảnh rất nên thơ mà cũng hoàn toàn cụ thể, hoàn toàn hiện thực. “Tôi, người vệ quốc quân, xa gia đình”. Đây là tiếng nói từ con tim của người chiến sĩ. Rồi chuyện yêu nàng như tình yêu em gái, thật hoàn toàn tự nhiên. Vì đây là thời chiến, tình yêu như thế là rất chân thành, khách quan, không có gì giả tạo hay dung tục cả. Nhưng trong ý nghĩa đó, thì mọi thực tế cuộc sống vẫn cứ diễn ra :

    “Ngày hợp hôn nàng
    không đòi may áo cưới
    Tôi mặc đồ quân nhân
    Đôi giầy đinh, vết bùn đất hành quân
    Nàng cười xinh xinh
    Bên anh chồng độc đáo
    Tôi ở đơn vị về
    Cưới xong là đi”

    Quả là một đoạn thơ hoàn toàn giản dị, hiện đại, hiện thực, giống như lời nói của đời thường, nhưng vẫn không kém phần lãng mạn và rất giàu hay rắt phong phú về hình ảnh, âm điệu hết sức phóng túng, tự do,
    rất thoát mà cũng rất đạt. Thơ của Hữu Loan đã đến mức hóa thân như lời nói tự nhiên mà vẫn giữ được chất thơ đúng ý nghĩa là như thế. Tất nhiên người vệ quốc đoàn lúc đó phần lớn là dép râu, nhưng Hữu Loan đã nâng thành “giày đinh” cũng là hình ảnh đáng được cảm thông trong thơ, bởi vì nó chỉ là một tính cách thi vị hóa đáng yêu, đáng thông cảm trong ý nghĩa lãng mạn của nhà thơ.

    Rồi mấy câu tiếp theo :

    “Từ chiến khu xa nhớ về ái ngại
    Lấy chồng thời chiến chinh
    Mấy người đi trở lại
    Nhỡ khi mình không về
    Thì thương người vợ chờ,
    bé bỏng chiều quê”

    Đây là tâm tình rất nhân văn, sống động, sâu lắng, kín đáo và cũng hoàn toàn công khai, minh bạch, giản dị của người chồng mà cũng là người chiến sĩ. Tính nhân văn và tính lãng mạn, nhưng đồng thời cũng không kém phần hiện thực, thi pháp của Hữu Loan đã đạt đến trình độ kỹ thuật và nghệ thuật cao chính là ở đây.

    Nhưng tiếp theo, lại là tình huống đầy kịch tính mà cũng lại khá bất ngờ :

    “Nhưng không chết người trai khói lửa
    Mà chết người em gái nhỏ hậu phương
    Tôi về không gặp nàng
    Mẹ tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
    Chiếc bình hoa ngày cưới
    Thành bình hương tàn lạnh vây quanh”

    Đây thật là ý nghĩa của tính cách tố giác chiến tranh, đây là tinh thần nhân văn và ý thức nhân bản đạt đến mức tinh luyện trong thơ Hữu Loan. Nhưng trong đó, chính những hình ảnh trái ngược, sâu lắng mà cũng hoàn toàn tấm tức, da diết nơi các câu thơ, khiến cho người đọc vừa thỏa mãn được cảm thức thi ca mà cũng hết sức bồi hồi, xúc động một cách thật sự chân thành mà mãnh liệt.

    Nhưng đặc biệt nhất là đoạn :

    “Em ơi giây phút cuối
    Không được nghe nhau nói
    Không được nhìn nhau một lần”

    Ở đây ý nghĩa kịch tính đã lên cao trào nhất. Hình ảnh gãy đổ, đoạn tuyệt trong chiến tranh nó là thế đó. Nó như một dấu chấm hết cho tất cả. Một dấu chấm hết cho mọi cái gì quý giá, hạnh phúc nhất và cảm động, cần thiết nhất trong đời.

    Những cái đó như gắn liền với những kỷ niệm ngày xưa về người con gái mà cũng là người vợ trong thời chiến tranh bi đát đó :

    “Ngày xưa nàng yêu hoa Sim tím
    Áo nàng mầu tím hoa Sim
    Ngày xưa một mình
    đèn khuya bóng nhỏ
    Nàng vá cho chồng tấm áo
    Ngày xưa…”

    Thật là trần trụi mà cũng thật là oái ăm. Đó chính là cái thân phận con người trong thời chiến, nhất là thân phận của một người con gái bé nhỏ, đơn chiếc và cô đơn ở tại quê nhà, ở nơi hậu phương xa xôi đó. Nó hiện lên như một kỷ niệm không bao giờ quên, một kỷ niệm như vẫn cứ còn hoài trong hiện tại, vẫn luôn hiện ra trước mắt một cách chua chát mà cũng rất đời thường.

    Và cái lý do cũng như mọi ý nghĩa của sự chua chát, đáng thương xót cho số phận đó của người con gái trong chiến tranh chính là :

    “Một chiều rừng mưa
    Ba người anh trên
    chiến trường đông Bắc
    Biết tin em gái mất
    Trước tin em lấy chồng…”

    Đây quả là nỗi lòng thống thiết nhất, tình cảm u uất nhất mà nhà thơ đã gửi vào trong tâm sự với tất cả mọi người. Đây là một bức tranh xã hội rất hiện thực, mà nó cũng tố cáo chiến tranh rất kín đáo, thật tình mà cũng rất mạnh liệt, cương quyết.

    Nhưng rồi cuối cùng, tâm hồn nhà thơ hay tác giả Hữu Loan cũng trở nên trầm tĩnh lại trong đoạn thơ vừa lãng mạn, vừa chân thành mà cũng vô cùng tha thiết và lạc quan đối với cuộc đời :

    “Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
    Đứa em nhỏ lớn lên
    Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
    Khi gió sớm thu về
    Cỏ vàng trên mộ chí.
    Chiều hành quân qua những đồi Sim
    Những đồi Sim
    dài trong chiều không hết
    Màu tím hoa Sim
    tím chiều hoang biền biệt
    Nhìn áo rách vai,
    tôi hát trong màu hoa:
    ”Áo anh sứt chỉ đường tà
    Vợ anh mất sớm,
    mẹ già chưa khâu”(**)

    Trong đoạn thơ kết này, có những hình ảnh rất phong phú như :

    “Gió sớm thu về rờn rợn nước sông”

    “Đứa em nhỏ lớn lên
    Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị”

    “Khi gió sớm thu về
    Cỏ vàng trên mộ chí”

    Đây là những hình ảnh rắt nên thơ, răt nhân văn mà cũng vô cùng tự nhiên và sống thực.

    Nhất là câu :

    “Những đồi Sim
    dài trong chiều không hết”

    Nó thể hiện thi pháp của Hữu Loan đã đến chố tuyệt diệu. Một hình ảnh giản dị như thế nhưng ý nghĩa và nội hàm cũng như chất thơ của nó nói lên rất nhiều.

    Đặc biệt, “Màu tím hoa Sim” lại được ví với màu tím của “chiều hoang biền biệt”. Chất thơ và chất trữ tình ở đây rất thoát. Nó gần như một bức tranh biểu tượng đầy chất lãng mạn, mà cũng đầy chất tượng trưng, giống như bức họa của trường phái ấn tượng.

    Nói tóm. bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan là một bài thơ rất đặc sắc. Tính hiện thực và tính lãng mạn trong đó đan xen và chan hòa cùng nhau. Tính trữ tình và tính gợi tả về hình ảnh cũng giống như thế. Nó vừa là một tâm trạng chiến đấu mà cũng vừa làm một ý nghĩa phản kháng chiến tranh. Hay nói chung lại, tính hiện đại và tính gợi tả từ ngôn từ, ý thơ, bút pháp, tức nghệ thuật thi pháp và nghệ thuật tư tưởng, hình ảnh trong thơ nơi thi phẩm này của nhà thơ Hữu Loan, vẫn là những điều gì đáng được nói đến nhất.

    NON NGÀN
    (24/3/12)

    • VOVY says:

      Tôi xin mách nước cho quý vị CHUYÊN TU , TAỊ CHỨC cùng quý em, quý cháu PTCS , kể luôn cả quý anh chị đang chẩn bị luận án ‘TIẾN SUA” …nện tìm cách copy caí COM cuả DAI NGÀN, NON NGAN để dành LÀM PHAO !!!

      Tôị quá !!
      “…Ý nghĩa hành quân và màu tím của hoa sim được gắn kết vào nhau một cách tự nhiên mà cũng mang đầy tính ước lệ. Câu chuyện nói đến tính khốc liệt của chiến tranh ….” ??? Kha kha kha

      • ĐẠI NGÀN says:

        VÔ VY

        Vô Vi, vô vị ở đời
        Văn chương, nghệ thuật hiểu hơi cạn dầu
        Tự nhiên, đại thể hiểu đâu
        Những gì ước lệ, còn lâu mới rành
        Rung đùi, ngụy tín tranh vanh
        Non ngàn trước mặt, tưởng rành hơn sao ?

        NGÀN KHƠI

  5. Trùng Dương says:

    Là người ở miền Nam, ngay từ lúc nhỏ tôi đã có may mắn đọc bài này và hát bài này do những Nhạc sĩ nối tiếng phổ nhạc, là bài thơ “gối đầu giường” của 1 thời trai trẻ tại miền Nam cùng với những bài của TTKh, Hoa trắng thôi cài trên áo tím (Kiên Giang Hà Huy Hà) … những bài thơ đã để lại những ấn tượng không hề phai cho đến khi đầu đã bạc.
    Sau này có dịp đi chơi ngoài Bắc, tôi có hỏi những người cùng trang lứa có biết mấy bài thơ này không? và những tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, họ đều trả lời: Làm gì biết được!
    Cả một thế hệ bị đẩy vào chiến tranh vì những cái đầu điên cuồng và cuồng tín cs.
    Nhân văn – Giai phẩm, một vụ án dã man đã đập chết những tài năng văn chương, âm nhạc, thi ca. Văn Cao chỉ biết vẽ bìa minh hoạ và ôm cái hận tận xương tuỷ, Hữu Loan đã quay về quê trần lưng đập đá như trút sự giận dữ của mình vào viên đá vô tri nhưng đã nuôi sống mình, Phùng Quán, Trần Dần cũng ngậm ngùi ôm hận. Và còn biết bao người trong cái vụ án ấy có khi chết nhưng không được nhắc đến.
    Tội ác!

  6. Chien Nguyen says:

    Đại thi hào Hữu Loan bị cái chế độ mà ông bảo vệ trù dập chỉ vì ông cứ muốn làm con người nguyên thủy, Ông không giống những kẻ lảnh đạo của mình nên khó ăn, khó ở. Chúng nó trù dập Ông là phải, vì Ông quá “ủy mỵ”. Đọc bài thơ MÀU TÍM HOA SIM của Ông người ta thấy nước mắt lênh láng trên khuôn mặt một “bộ đội” cụ Hồ chỉ vì lý do mất….vợ. Ông yếu đuối như thế làm sao dám xả súng bắn vào nhân dân khi đảng yêu cầu. Thế hệ đảng viên CS bây giờ nếu ai cũng như Hữu Loan ngày xưa thì lấy ai bẻ cổ, treo cổ, bóp cổ nhân dân hằng ngày trong các đồn công an.
    Chính quyền và đồng bào miền Nam thì rất Người, họ luôn luôn trân trọng những tác phẩm văn học giá trị cho dù tác giả của nó có đang cầm súng đứng ở phía bên kia. Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Lưu Hữu Phước……….và Hữu Loan.
    Nếu không có một nửa đất nước tự do trên 20 năm thì mấy ai biết bài thơ Màu Tím Hoa Sim và Hửu Loan. Thành tâm gửi đến ông nén hương lòng trong lần giỗ thứ nhì
    CN

  7. Trương Tam says:

    Tuởng Nhớ Nhà Thơ Hữu Loan.

    Chiều hoang sim tím
    Chiến trường đông bắc
    Tin em gái mất từ xa về
    Lặng ngắt màu tang
    Gió thu buồn rờn rợn đồi hoang
    Anh đứng lặng bên đàng ngẩn ngơ
    Tím cả đồi sim
    Tím đợi chờ
    Người em bé bỏng, ai ngờ bỏ đi !
    oOo
    Nhớ ngày hợp hôn nàng chửa biết gì
    Không đòi áo cưới
    Lễ nghi phiền hà
    Tôi anh quân nhân từ xa
    Giày đinh áo trận về nhà cưới em
    Chia tay nhau trước bậc thềm
    Cài cành sim tím trên mái tóc huyền em yêu !
    oOo
    Trở về chiến khu
    Thấy ái ngại nhiều
    Từ xưa nay
    Mấy người chinh chiến
    Ước mong ngày trở lại
    Sợ có ngày
    Bỏ lại em yêu !
    oOo
    Dừng quân bên đồi sim một chiều
    Cơn mưa lất phất
    Nhớ dáng yêu kiều phương xa
    Tím cả ngàn hoa
    Ôi! tím cả ngàn hoa
    Anh cất tiếng ca:
    “Áo anh sút chỉ đường tà
    Vợ anh mất sớm
    Mẹ già chưa khâu …” !

    Trương Tam (VN 24-3-2012)

    • motnguoidanviet says:

      Cùng bạn Trương Tam : Qua những vần tiếp nối trong “Tưởng nhớ nhà thơ Hữu Loan” của bạn đã gây xúc cảm cho tôi, tôi nghĩ trong bạn cũng có “hồn thơ” và cũng có thể bạn sẽ là một Hữu Loan một Thế Lữ … sẽ góp công trong việc xây dựng vườn hoa Thi Ca Việt Nam. Mong đợi nhiều sáng tác mới của bạn.

Leave a Reply to VOVY