WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Phải chăng Marx và Engels đã “xét lại” vào lúc cuối đời?

Karl_Marx_001

Ở các nước Á Đông chịu ảnh hưởng của Nho giáo – đặc biệt là ở Trung Hoa và Việt Nam, từ hàng ngàn năm nay đã hình thành một thói quen của tầng lớp kẻ sĩ: để xét lại học thuyết của một nhà tư tưởng đã lỡ được “phong thánh”, thay vì phê phán trực tiếp, người ta thường tìm cách lục lọi trong những phát biểu của vị thánh đó một vài ý kiến để làm chỗ tựa và tìm cách diễn giải học thuyết đó theo một cách mới. Ví như dưới thời nhà Tống, các nhà nho đã diễn giải học thuyết của Khổng Tử theo hai cách khác nhau, làm phát sinh hai trường phái: Lý học của Chu Hi và Tâm học của Vương Thủ Nhân (tức Vương Dương Minh).

Cái thói quen ấy ngày nay được lặp lại trong những trí thức đã từng coi Marx như một nhà “minh triết” vĩ đại và chủ nghĩa Marx như con đường duy nhất đi đến chân lý. Thế nhưng, trong thời đại ngày nay, người ta có thể diễn giải các học thuyết một cách dễ dãi, tùy tiện như thế hay không? Nhất là trong trường hợp của chủ nghĩa Marx – một học thuyết gắn liền với thực tiễn xã hội và được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ gần với ngôn ngữ của khoa học xã hội hiện đại chứ không phải bằng những câu chữ ngắn gọn, mơ hồ, đa nghĩa theo kiểu Kinh Dịch hay Đạo Đức Kinh.

Bài viết này chỉ nhằm mổ xẻ một vấn đề được dấy lên trong vài năm gần đây trong giới trí thức nước ta: phải chăng vào lúc cuối đời, Marx và Engels đã “xét lại” chủ thuyết của chính mình?

*

Thật ra, quan niệm cho rằng “Marx và Engels vào lúc cuối đời đã chủ trương xét lại” không xuất phát từ một công trình nghiên cứu của người Việt, mà bắt nguồn từ một tác phẩm của Tân Tử Lăng – một đại tá quân đội hồi hưu ở Trung Hoa lục địa, được xuất bản lần đầu tại Hong Kong vào tháng 7 năm 2007. Vào năm 2009, Thông Tấn Xã Việt Nam đã cho dịch và xuất bản cuốn sách này, lấy nhan đề là Mao Trạch Đông ngàn năm công tội. Vì cuốn sách chưa được Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức công nhận, bản dịch này chỉ được phát hành dưới dạng “lưu hành nội bộ” – chủ yếu dành cho các cán bộ trung và cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam đọc để “tham khảo”. Vào tháng 5 năm 2010, một ấn bản điện tử của bản dịch này đã được đưa lên mạng Internet và từ đó đến nay, tác phẩm của Tân Tử Lăng đã có ảnh hưởng đáng kể đến một số độc giả người Việt – nhất là các đảng viên cộng sản và giới trí thức trong nước.[1]

Điều đáng nói là ngoài những tư liệu về tình hình Trung Quốc, cuốn sách còn chứa đựng một phần lý luận về chủ nghĩa Marx và trào lưu dân chủ-xã hội trên thế giới. Bên cạnh những kiến thức đúng đắn và có ý nghĩa tích cực, cuốn sách cũng chứa đựng nhiều kiến thức sai lệch, không bảo đảm tính khoa học, vì vậy đã gây ra nhiều ngộ nhận, nhất là trong những người không có điều kiện nghiên cứu trực tiếp các tài liệu của trào lưu dân chủ-xã hội châu Âu.

Theo tác giả Tân Tử Lăng trong Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, vào cuối đời, Engels đã từ bỏ mục tiêu “chủ nghĩa cộng sản”. Ông viết như sau: “Chẳng có mục tiêu cao đẹp của “chủ nghĩa cộng sản” nào hết, đây là một mệnh đề do người sáng lập Chủ nghĩa Mác nêu ra hồi trẻ và đã từ bỏ vào những năm cuối đời. Tháng 10-1847, Ăngghen viết tác phẩm “Nguyên lý chủ nghĩa cộng sản” phác hoạ ước mơ của chàng trai 27 tuổi về một xã hội lý tưởng trong tương lai. Ngày 11-5-1893 khi 73 tuổi, nói chuyện với phóng viên báo Pháp “Le Figaro”, Ăngghen đã phủ định mô hình xã hội tương lai do mình thiết kế hồi trẻ.” (TTL, tr. 10)

Sau khi đã trích dẫn Lời nói đầu của Engels (viết ngày 6-3-1895, nhân dịp xuất bản cuốn Đấu tranh giai cấp ở Pháp của Karl Marx), Tân Tử Lăng viết tiếp: “Ngày 5-8-1895, không đầy 5 tháng sau khi đưa ra những ý kiến trên, Ăngghen qua đời. Nếu như cái quan định luận, thì đây là những ý kiến cuối cùng của Ăngghen về sách lược cách mạng của các nước châu Âu. Ông hy vọng thông qua cuộc đấu tranh hợp pháp của giai cấp công nhân giành được chính quyền, bảo lưu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, quá độ hoà bình lên chủ nghĩa xã hội. Phải nói đây là di ngôn cuối cùng của Ăngghen đối với phong trào xã hội chủ nghĩa ở các nước châu Âu, là sự sửa đổi quan trọng đối với “sách lược cũ” trong “Tuyên ngôn Đảng cộng sản”. Như vậy, trong tác phẩm của Mác và Ăng-ghen có hai con đường xã hội chủ nghĩa: con đường chủ nghĩa xã hội bạo lực và con đường chủ nghĩa xã hội dân chủ. (…) Mác và Ăngghen những năm cuối đời càng ngả sang con đường quá độ hoà bình. Coi cách mạng bạo lực là con đường chính thống duy nhất để thực hiện chủ nghĩa xã hội là trái với bản ý của Mác và Ăngghen.” (TTL, tr. 274)

Ở đây có hai ý kiến cần làm rõ: (1) Marx và Engels có hoàn toàn từ bỏ con đường cách mạng bạo lực để ngả sang con đường quá độ hòa bình hay không? (2) Marx và Engels có từ bỏ mục tiêu cuối cùng (tức là chủ nghĩa cộng sản) hay không?

1) Phải chăng Marx và Engels từ bỏ con đường cách mạng bạo lực?

a) Marx và Engels có ủng hộ phái Lassalle hay không?

Tân Tử Lăng viết:

“Sau khi được công bố năm 1848, “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” tuy đã làm chấn động tầng lớp thống trị các nước châu Âu, nhưng không được quần chúng nhân dân tiếp nhận rộng rãi. Sau này ôn lại tình hình lúc ấy, Ăngghen nói: “Tuyên ngôn tuy được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng, nhưng nó không ảnh hưởng gì tới các dân tộc khác”. “Từ năm 1852 khi người cộng sản Koren bị kết án đã kết thúc giai đoạn đầu của phong trào công nhân độc lập Đức”. Từ đó đã đánh dấu chấm hết giai đoạn đầu của phong trào công nhân Đức dưới ngọn cờ chủ nghĩa cộng sản.

Sau thất bại của cách mạng Châu Âu năm 1849, Chủ nghĩa xã hội ở Đức chỉ có thể tồn tại bí mật. Đến năm 1862, học trò của Mác là Lassall mới nêu ngọn cờ xã hội chủ nghĩa. Như chúng ta đã thấy, Chủ nghĩa xã hội của Lassall rất ôn hoà. Nhưng sự xuất hiện của nó trên vũ đài lại đánh dấu khởi điểm phát triển chủ nghĩa xã hội Đức giai đoạn 2. (…)

Để thay đổi tình trạng lý luận cao siêu ít người theo kịp, ngày 17-11-1852, Mác và Ăngghen đã giải tán Đồng minh những người cộng sản, hai ông không thành lập Đảng Cộng sản, mà chuyển sang ủng hộ phong trào xã hội chủ nghĩa ôn hoà của Lassall. Đây là chuyển biến lớn của Mác và Ăngghen về chính trị, từ người cộng sản sang người dân chủ xã hội. Dưới sự chỉ đạo của hai ông, tháng 8-1869, Đảng Dân chủ Xã hội Đức – chính đảng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới – ra đời. Đây là giai đoạn 2 của phong trào công nhân Đức, giai đoạn chủ nghĩa xã hội dân chủ.” (TTL, tr. 264)

Trong đoạn văn trên đây, Tân Tử Lăng lập luận:

- Năm 1852 – thời điểm  giải tán “Đồng minh những người cộng sản”, đánh dấu chấm hết giai đoạn đầu của phong trào công nhân Đức dưới ngọn cờ chủ nghĩa cộng sản;

- Năm 1862, Ferdinand Lassalle nêu ngọn cờ xã hội chủ nghĩa, chủ trương đấu tranh ôn hòa. Marx và Engels sau khi giải tán “Đồng minh những người cộng sản” đã không thành lập Đảng Cộng sản mà “chuyển sang ủng hộ phong trào xã hội chủ nghĩa ôn hòa của Lassalle”. Đây là “giai đoạn hai của phong trào công nhân Đức – giai đoạn chủ nghĩa xã hội dân chủ”.

Cả hai điểm này đều không đúng với sự thật lịch sử, vì những lý do sau đây:

- Trước hết, “Đồng minh những người cộng sản”phải tự giải tán là do vụ án ở thành phố Cologne diễn ra từ ngày 4-10 đến ngày 12-10-1852 (Cologne trong tiếng Đức viết là Köln, nhưng không hiểu do đâu mà trong bản dịch, dịch giả lại phiên âm thành Koren). Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Anh của Tuyên ngôn Đảng cộng sản (viết năm 1888), Engels đã nói rõ: “Lập tức sau khi vụ án đã xử xong, Liên đoàn đã bị những hội viên không bị bắt chính thức tuyên bố giải tán.” (Tuyển tập, I, tr. 512)

Mục đích của hành động giải tán tổ chức này thật ra chỉ nhằm để bảo vệ phong trào cộng sản Đức, đối phó với sự đàn áp của nhà cầm quyền Đức lúc đó. Nhưng việc giải tán tổ chức mang danh nghĩa cộng sản đó không có nghĩa là Marx và Engels “không thành lập Đảng Cộng sản, mà chuyển sang ủng hộ phong trào xã hội chủ nghĩa ôn hoà của Lassalle” như suy luận của Tân Tử Lăng. Trong thực tế, thay vì thu gọn hoạt động trong phạm vi của nước Đức và những kiều dân Đức, hai ông đã tìm cách mở rộng phạm vi hoạt động, hình thành một tổ chức quốc tế. Sau những năm chuẩn bị, Hiệp hội Công nhân Quốc tế (International Workingmen’s Association, Association Internationale des Travailleurs), thường gọi là Quốc tế I, đã được thành lập vào ngày 29-9-1864 và đại hội đầu tiên diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) vào năm 1866. Quốc tế I hoạt động cho đến năm 1872 thì bị tê liệt và bốn năm sau (1876) phải tự tuyên bố giải tán vì sự chia rẽ giữa hai phe: phe theo Marx và phe vô chính phủ (anarchism) theo Bakunin.

Sở dĩ khi thành lập Quốc tế I, hai ông không gọi nó là cộng sản là do ý muốn mở rộng quy mô của phong trào nhằm lôi kéo nhiều xu hướng khác nhau, như Engels đã giải thích: “Nhưng hội này (Quốc tế I) – thành lập nhằm một mục đích rõ rệt là đoàn kết tất cả các lực lượng chiến đấu của giai cấp vô sản châu Âu và châu Mỹ thành một khối – lại không thể tuyên bố ngay tất cả những nguyên lý đề ra trong “Tuyên ngôn” được. Cương lĩnh của Quốc tế phải khá rộng rãi để cho cả những hội công liên ở Anh, những môn đồ của Proudhon ở Pháp, Bỉ, Ý và Tây Ban Nha lẫn phái Lassalle ở Đức đều có thể chấp nhận được.” (Tuyển tập, I, tr. 512-513). Nói cách khác, việc hạ thấp khẩu hiệu và các nguyên tắc nền tảng của Quốc tế I không thể hiện sự từ bỏ mục tiêu cộng sản mà chỉ là vấn đề chiến thuật (tactics, còn được dịch là sách lược). Nội dung của Tuyên ngôn vẫn là cốt lõi của tư tưởng Marx.

- Marx và Engels không hề ủng hộ Lassalle và những người thuộc phái Lassalle:

Vào năm 1863, nghĩa trước khi Quốc tế I được thành lập, Ferdinand Lassalle (1825-1864) đã sáng lập Tổng Hội Công nhân Đức (Allgemeiner Deutscher Arbeiterverein, General German Workers’ Union, Association générale allemande de travailleurs; viết tắt là ADAV). Mặc dù Lassalle mất sớm trong một trận đấu kiếm vào năm 1864, phái Lassalle (Lassalleans) vẫn tồn tại dai dẳng trong lòng phong trào công nhân Đức và là nhân tố gợi hứng cho việc xét lại chủ nghĩa Marx tại Đức cũng như tại các nước Bắc Âu.

Song song với sự phát triển của ADAV, một nhánh khác của phong trào xã hội chủ nghĩa cũng hình thành tại nước Đức và đến năm 1869, thành lập Đảng Công nhân Dân chủ – Xã hội (Sozialdemokratische Arbeiterpartei, Social Democratic Workers’ Party, Parti travailliste social-démocrate, viết tắt là SDAP). Đại hội thành lập Đảng được tiến hành tại thành phố Eisenach (miền Trung nước Đức); do đó phái này cũng được gọi là phái Eisenach, đảng Eisenach. Đây là phái chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa Marx.

Hai phái Lassalle và Eisenach (mác-xít) vẫn cạnh tranh nhau mãi cho đến năm 1875. Vào năm này, hai tổ chức chính trị – ADAV của phái Lassalle và Đảng Công nhân Dân chủ-xã hội (SDAP) của August Bebel và  Wilhelm Liebknecht, đồng ý hợp nhất với nhau để trở thành Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa (Sozialistische Arbeiterpartei, Socialist Workers’ Party, Parti ouvrier socialiste ; viết tắt là SAP). Đến năm 1890, đảng  này đổi tên thành Đảng Dân chủ – Xã hội Đức (Sozialdemokratische Partei Deutschlands, Social Democratic Party of Germany, Parti social-démocrate d’Allemagne ; viết tắt là SPD) – một danh xưng tồn tại mãi đến ngày nay.

Mặc dù đồng ý hợp nhất thành một tổ chức, hai phái này vẫn tranh chấp nhau – nhất là về lập trường chính trị. Sự tranh chấp này chính là mầm mống của cuộc tranh chấp giữa hai phái cải cách và cách mạng nổ ra trong lòng Đảng SPD vào lúc giao thời giữa hai thế kỷ 19 và 20, bắt đầu từ chủ nghĩa xét lại của Eduard Berstein. Một điều đáng lưu ý nữa là khi hai phái hợp nhất, cương lĩnh được thông qua thường gọi là Cương lĩnh Gotha (1875). Marx đã phê phán một số điểm trong cương lĩnh này, và cho rằng phái Eseinach đã thỏa hiệp một cách vô nguyên tắc với phái Lassalle về các điểm ấy.

Năm 1891, Engels đã công bố bản văn này của Marx, với nhan đề là Phê phán cương lĩnh Gotha. Trong Lời nói đầu giới thiệu tác phẩm này, Engels viết:

“Song bản thảo này còn có một ý nghĩa khác nữa, rộng lớn hơn nhiều. Trong bản thảo này, lần đầu tiên Mác đã trình bày rõ ràng và rành mạch thái độ của mình đối với đường lối mà Lassalle đã đi theo ngay từ khi ông ta mới tham gia công tác cổ động và hơn nữa, đối với cả những nguyên lý kinh tế lẫn sách lược của Lassalle.

Tính chất gay gắt không kiêng nể trong việc phân tích bản dự thảo cương lĩnh, tính cứng rắn trong việc nêu lên những kết luận đã rút ra, những chỗ yếu trong bản dự thảo bị bóc trần, – tất cả những cái đó, ngày nay, sau mười lăm năm, không có thể làm ai phật lòng nữa. Những môn đồ đặc biệt theo Lassalle chỉ còn tồn tại với tư cách là những đám tàn dư cá biệt ở nước ngoài, còn ở Halle thì Cương lĩnh Gotha cũng đã bị ngay cả những người thảo ra bỏ rơi, coi là hoàn toàn thiếu sót.” (Tuyển tập, IV, tr. 465-466)

Vì vậy, không thể kết luận như Tân Tử Lăng rằng “Marx và Engels chuyển sang ủng hộ chủ nghĩa xã hội ôn hòa của Lassalle” ngay từ đầu thập niên 1860. Ngược lại, cho đến cuối đời, hai ông đều coi quan điểm của phái Lassalle là biểu hiện lệch lạc của xu hướng tiểu tư sản trong phong trào công nhân.[2]

b) Marx và Engels có chủ trương từ bỏ hoàn toàn con đường dùng bạo lực để xây dựng chủ nghĩa xã hội hay không?

Công bằng mà nói, Marx – và nhất là Engels, đã đề cập đến phương thức đấu tranh ôn hòa. Vấn đề đặt ra là: hai ông có hoàn toàn từ bỏ phương thức dùng bạo lực và quan niệm chuyên chính vô sản hay không?

Ngay từ đầu thập niên 1870, Marx đã nêu ra khả năng quá độ hòa bình để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong bài diễn văn đọc tại Amsterdam – thủ đô của Hà Lan, nhân dịp bế mạc Đại hội của Quốc tế I năm 1872, thường gọi là Đại hội La Haye (Hague), Marx nói:

“Một ngày nào đó, người công nhân phải nắm quyền lực chính trị để xây dựng nên một tổ chức mới của lao động; họ phải lật đổ nền chính trị cũ là cái duy trì các thiết chế cũ, nếu họ không muốn đánh mất Thiên đường trên Trái đất giống như những người Ki-tô-giáo xưa kia đã bỏ bê và xem thường chính trị.

Nhưng chúng tôi không khẳng định rằng những con đường để đạt được mục đích đó ở nơi nào cũng giống nhau. Các bạn đều biết rằng cần phải lưu ý đến các thiết chế, tập tục và truyền thống của các nước khác nhau, và chúng tôi không phủ nhận rằng có những nước – như Mỹ, Anh và nếu tôi biết rõ hơn về các thiết chế của các bạn, có lẽ tôi sẽ tính thêm cả Hà Lan – là những nơi mà công nhân có thể đạt được mục đích của họ bằng các phương tiện hòa bình. Nhưng cho dù là như thế, chúng ta cũng phải thừa nhận sự thật rằng trong hầu hết các nước ở lục địa, cái đòn bẩy của cuộc cách mạng của chúng ta phải là sức mạnh; chính sức mạnh là cái mà vào một ngày nào đó chúng ta phải cần đến để dựng nên nền thống trị của lao động.”[3]

Điều đó có nghĩa là Marx thừa nhận có “một số quốc gia” mà ở đó, giai cấp công nhân có thể giành được thắng lợi bằng con đường ôn hòa, không sử dụng bạo lực. Nhưng như ông đã nhấn mạnh ngay trong câu kế tiếp: ở hầu hết các nước tư bản chủ nghĩa khác trên lục địa châu Âu, vẫn phải dùng đến bạo lực; và bạo lực vẫn là phương pháp chủ yếu, bởi vì “một ngày nào đó chúng ta (nghĩa là những người vô sản) phải cần đến sức mạnh (tức là bạo lực) để dựng nên nền thống trị của lao động”. Nói cách khác, con đường đấu tranh ôn hòa vẫn không phải là con đường phổ biến. Hơn thế nữa, cho đến cuối đời, Marx vẫn chưa từ bỏ quan niệm chuyên chính vô sản (độc tài vô sản) mà ông tưởng đã nhìn thấy hình dạng của nó trong Công xã Paris năm 1871: một nền dân chủ trực tiếp của số đông, không thực hiện tam quyền phân lập, hoàn toàn tước bỏ các quyền chính trị của giai cấp tư sản. Sở dĩ ông còn khư khư ôm lấy quan niệm chuyên chính vô sản là bởi vì trong thâm tâm, ông vẫn nuôi dưỡng niềm tin “ngây thơ” (nhưng hết sức ngớ ngẩn) rằng chế độ độc tài tạm thời này sẽ mở đường cho sự tự tiêu vong của Nhà nước. Đó là chưa kể đến tình cảm thù ghét bộ máy thư lại (bureaucracy) một cách cực đoan mà ông đã nuôi dưỡng trong lòng ngay từ thời còn trẻ – một thứ tình cảm mà ông chia sẻ với những người theo chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism).

Tôi đã phân tích khá đầy đủ quan niệm chuyên chính vô sản của Marx và hậu quả của nó trong cuốn Huyền thoại về một Nhà nước tự tiêu vong, công bố năm 2005. [4]

c) Về bài viết cuối cùng của F. Engels:

Tác phẩm Đấu tranh giai cấp ở Pháp của Marx nguyên là một loạt bài báo được đăng trên tạp chí kinh tế-chính trị Neue Rheinische Zeitung (Báo sông Rhin mới) vào năm 1850 với chủ đề Từ 1848 đến 1849. Năm 1895, theo yêu cầu của các nhà lãnh đạo đảng SPD ở Đức, Engels đã cho xuất bản toàn bộ các bài viết này dưới dạng một tập sách với nhan đề Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848-1850  và nhân dịp này, ông viết Lời nói đầu để giới thiệu tác phẩm của bạn mình. Lời nói đầu này (viết xong ngày 6-3-1895, 5 tháng trước khi Engels qua đời) được xem là bài viết cuối cùng của Engels, một tác phẩm quan trọng chứa đựng một số ý tưởng mới của ông về phương pháp đấu tranh ôn hòa, hợp pháp. Bài viết cũng là nguyên nhân gây tranh cãi giữa hai phái cải cách và cách mạng trong nội bộ phong trào công nhân châu Âu – nhất là giữa những người những người chủ trương xét lại và những người kiên quyết bảo vệ “chủ nghĩa Marx chính thống”.

Trong bản văn này, Engels đã công khai ca ngợi phương thức đấu tranh ôn hòa của Đảng SPD và những thành tựu mà đảng này đã đạt được trong thập niên cuối thế kỷ 20. Có thể trích một vài đoạn quan trọng:

“Nhưng, ngoài cống hiến thứ nhất là mang lại cho bản thân một sự tồn tại với tư cách là một đảng xã hội chủ nghĩa, đảng mạnh nhất, có kỷ luật nghiêm minh nhất và trưởng thành nhanh chóng nhất, thì giai cấp công nhân Đức còn có một cống hiến lớn thứ hai cho sự nghiệp của họ. Trong khi chỉ ra cho những người đồng chí của mình ở tất cả các nước thấy nên sử dụng quyền đầu phiếu phổ thông như thế nào, công nhân Đức đã cung cấp cho những người đồng chí ấy một vũ khí mới, một trong những vũ khí sắc bén nhất.” (Tuyển tập, VI, tr. 609)

“Ngay từ bây giờ, chúng ta đã có thể trông cậy vào 2 triệu 25 vạn cử tri. Nếu tình hình đó cứ tiếp diễn như vậy thì từ nay cho đến cuối thế kỷ, chúng ta sẽ tranh thủ được bộ phận lớn nhất trong các tầng lớp trung gian trong xã hội, tức là những người tiểu tư sản và những người tiểu nông, và chúng ta sẽ lớn lên cho đến khi trở thành lực lượng quyết định ở trong nước, trước nó tất cả những lực lượng khác, dù muốn hay không, cũng đều phải chịu khuất phục. Không ngừng duy trì sự tăng trưởng đó cho đến khi tự bản thân lực lượng đó vượt ra ngoài phạm vi chi phối của chế độ thống trị hiện nay (không được làm hao mòn lực lượng của đội xung kích đang ngày càng lớn mạnh đó trong những trận chiến đấu tiền tiêu mà phải giữ gìn nó nguyên vẹn cho đến ngày quyết định) – đó là nhiệm vụ chủ yếu của chúng ta. (…) Lịch sử thế giới trớ trêu đã làm đảo lộn tất cả. Chúng ta, những người “cách mạng”, những “người lật đổ”, chúng ta phát triển bằng những biện pháp hợp pháp thì tốt hơn rất nhiều là bằng những thủ đoạn bất hợp pháp và sự lật đổ.” (sđd, tr. 620)

Những đoạn văn trích dẫn trên đây làm cho người đọc tưởng chừng Engels mở đường cho phương thức xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng con đường đấu tranh ôn hòa. Thật ra, nếu đi sâu tìm hiểu bối cảnh ra đời của bài viết, chúng ta sẽ thấy vấn đề không hoàn toàn đơn giản như thế.

Tình hình thực tế là Đảng Dân chủ-Xã hội Đức đã gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn Luật chống-xã hội chủ nghĩa (Anti-socialist Laws) có hiệu lực, nghĩa là từ 1878 cho đến năm 1890. Tháng 9 năm 1890, khoảng 6 tháng sau khi Thủ tướng Otto von Bismarck qua đời, luật này mới bị hủy bỏ. Nhờ việc hủy bỏ luật này, uy tín của đảng SPD lên cao, thu được số phiếu bầu ngày càng lớn trong các cuộc bầu cử vào nghị viện.

Vào đầu năm 1895, khi những người lãnh đạo SPD nêu ý định xuất bản cuốn Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848-1850 và đề nghị Engels viết Lời nói đầu, ông đã tán dương phương pháp đấu tranh công khai hợp pháp bằng con đường nghị trường, bởi vì đó là con đường phù hợp với hoàn cảnh lúc đó. Mặc dù vậy, ông chỉ coi đó là chiến thuật (tactics) trong giai đoạn “chờ thời” – nhất là trong hoàn cảnh riêng của nước Đức. Mặt khác, ông vẫn luôn coi mục đích cuối cùng của phong trào công nhân là chiếm lấy chính quyền nhằm thực hiện mục tiêu công hữu hóa các tư liệu sản xuất. Trong khi chủ trương sử dụng phương pháp đấu tranh ôn hòa, hợp pháp, ông vẫn không từ bỏ chủ trương dùng bạo lực khi cần thiết.

Sau khi Engels viết xong bản thảo Lời nói đầu, Richard Fisher – đại diện cho SPD, đề nghị ông sửa lại một số đoạn cho nhẹ bớt, vì họ lo rằng phe bảo thủ đang chuẩn bị một dự luật “chống – phá hoại” nhằm vào những người xã hội chủ nghĩa. Engels đồng ý sửa một số đoạn. Thế nhưng trong khi cuốn sách đang ở giai đoạn chuẩn bị, chưa kịp xuất bản thì Karl Liebneck đã cho công bố Lời nói đầu trên tờ Vorwarts, trong đó cắt xén thêm nhiều đoạn khiến người đọc nghĩ rằng Engels đã hoàn toàn mở đường cho một phương thức mới, từ bỏ con đường bạo lực. Engels rất giận về điều này và đã than phiền trong một số lá thư gửi cho một số người thân cận. Như trong lá thư gửi cho Paul Lafargue (con rể của Marx) vào ngày 3-4-1895, ông viết:

 “… Liebknecht vừa mới lừa tôi một cú tài tình. Anh ta đã lấy từ Lời nói đầu của tôi (giới thiệu các bài báo của Marx viết về nước Pháp những năm 1848-1850) mọi thứ có thể phục vụ cho anh ta nhằm ủng hộ chiến thuật hòa bình với bất cứ giá nào và chống đối lại vũ lực và bạo lực – tức là những điều làm hài lòng anh ta để có thể rao giảng vào một lúc nào đó, đặc biệt là vào lúc này – khi mà các luật cưỡng chế đang được chuẩn bị tại Berlin. Nhưng tôi truyền bá những chiến thuật này chỉ nhằm dành cho nước Đức ngày nay, và thậm chí với một điều kiện quan trọng. Ở Pháp, Bỉ, Ý, và Áo, không thể tuân theo trọn vẹn các chiến thuật này và ở Đức, chúng có thể không áp dụng được vào ngày mai…”[5]

Về sau, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều đoạn cắt xén trong Lời nói đầu này, chứng tỏ cả ban lãnh đạo của SPD lúc đó đã tìm cách xuyên tạc ý kiến của Engels để tiến hành phương thức đấu tranh ôn hòa. Đặc biệt là Bernstein, cha đẻ của chủ nghĩa xét lại. Sau khi Engels qua đời, Bernstein đã coi Lời nói đầu như một di chúc chính trị của Engels, lấy đó làm cái cớ để phát triển tư tưởng xét lại của ông.

Trong khuôn khổ của bài viết, tôi không tiện đi sâu phân tích vấn đề  lý luận khá tế nhị này. Độc giả nào muốn tìm hiểu kỹ vấn đề, có thể đọc bài viết của Paul Hampton về “di chúc chính trị” của Engels [6] hoặc mục từ “Marxisme” trong Từ điển bách khoa Larousse – phần nói về “các bản văn cuối cùng của Engels” (Les derniers textes de Engels).[7]

2) Marx và Engels có từ bỏ lý tưởng cộng sản vào cuối đời hay không?

Để chứng minh rằng vào cuối đời, Engels đã nhìn thấy sai lầm của mình và từ bỏ mục tiêu xây dựng xã hội cộng sản của thời trẻ, Tân Tử Lăng viết: “Chẳng có mục tiêu cao đẹp của “chủ nghĩa cộng sản” nào hết, đây là một mệnh đề do người sáng lập Chủ nghĩa Mác nêu ra hồi trẻ và đã từ bỏ vào những năm cuối đời. Tháng 10-1847, Ăngghen viết tác phẩm “Nguyên lý chủ nghĩa cộng sản” phác hoạ ước mơ của chàng trai 27 tuổi về một xã hội lý tưởng trong tương lai. Ngày 11-5-1893 khi 73 tuổi, nói chuyện với phóng viên báo Pháp “Le Figaro”, Ăngghen đã phủ định mô hình xã hội tương lai do mình thiết kế hồi trẻ. Ông nói: “Chúng tôi không có mục tiêu cuối cùng. Chúng tôi là những người theo thuyết không ngừng phát triển. Không tính chuyện áp đặt cho loài người quy luật cuối cùng nào. Còn cách nhìn, dự định chi tiết trên phương diện tổ chức xã hội tương lai ư? Ngài không thể tìm thấy ở chỗ chúng tôi ngay cả hình bóng của chúng”. (TTL, tr. 10)

Độc giả có thể tìm đọc toàn văn bài trả lời phỏng vấn nói trên trên mạng Internet cả bản tiếng Pháp[8] lẫn bản dịch tiếng Anh[9]. Bài phỏng vấn này được thực hiện ngày 11-5 và được đăng trên tờ Le Figaro vào ngày 13-5-1893.

Nguyên văn của đoạn trích dẫn nói trên như sau: “Nhưng chúng tôi không có mục đích cuối cùng. Chúng tôi là những người theo thuyết tiến hóa (évolutionnistes), chúng tôi không có ý định áp đặt cho nhân loại các quy luật cuối cùng. Về những dự kiến đối với vấn đề tổ chức một cách chi tiết xã hội trong tương lai? Các ông sẽ không tìm thấy dấu vết nào nơi chúng tôi. Chúng tôi sẽ thỏa mãn khi chúng tôi đã đặt các phương tiện sản xuất trong tay của cộng đồng, và chúng tôi biết rõ rằng đối với chính quyền quân chủ và liên bang hiện tại, điều đó là không thể có.

Như vậy là Tân Tử Lăng đã cắt bỏ cả một đoạn sau (gạch dưới), qua đó chúng ta thấy Engels không hề từ bỏ mục đích “đặt các phương tiện sản xuất trong tay cộng đồng” (tức là công hữu hóa, xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất).

Hơn thế nữa, cần xem lại một đoạn trước đó của bài phỏng vấn:

 “[Lời của phóng viên] Tuyên bố vừa rồi của Engels không thuyết phục được tôi, tôi nhấn mạnh về tình huống có thể xảy ra một cuộc đảo chính từ bên trong.

- Ồ, ông (tức Engels) trả lời: tôi không nói rằng điều mà tôi gọi là cuộc cách mạng từ bên trên (la révolution d’en haut) lại không phải là một mối đe dọa trong tương lai. Bebel và nhiều người bạn của ông ấy đã nói rằng họ đã dự kiến một cuộc tấn công chống lại quyền phổ thông đầu phiếu.

- Trong trường hợp đó, các ông sẽ dùng bạo lực để đáp trả bạo lực?

- Chúng tôi không điên đến mức sa vào cái bẫy mà chính quyền đã giăng ra cho chúng tôi, bởi vì chính quyền Đức không mong gì hơn một cuộc nổi dậy để có thể đè bẹp chúng tôi. Chúng tôi quá biết tình trạng hiện nay về lực lượng chúng tôi cũng như về lực lượng của chính phủ để sẵn lòng liều mình làm điều đó. Vả lại, Guillaume II có dám hủy bỏ hoàn toàn quyền phổ thông đầu phiếu hay không? Tôi không tin điều đó. Có lẽ ông ta sẽ nâng cao giới hạn về tuổi và ban hành cho chúng tôi một thứ phổ thông đầu phiếu đã được xem xét và sửa chữa lại mà nước Bỉ sắp đem ra thí nghiệm (khi nói điều này, Engels bắt đầu cười).

Có thể nói nội dung trả lời của Engels mang tính chiến thuật nhiều hơn là chiến lược. Qua tờ Figaro (một tờ báo cánh hữu của Pháp), ông muốn “trấn an” nhà cầm quyền Đức rằng Đảng SPD sẽ đấu tranh một các hợp pháp bằng con đường hòa bình chứ không chủ trương dùng bạo lực, vì lúc này tương quan về lực lượng hai bên không cho phép phong trào công nhân ở Đức sử dụng bạo lực. Tuy nhiên, cách trả lời khôn khéo của ông không cho thấy ông thật sự có ý định từ bỏ con đường bạo lực. Việc tạm thời từ bỏ bạo lực chỉ nhằm đối phó với tình hình trước mắt, khi mà lực lượng của công nhân còn yếu so với chính quyền của giai cấp tư sản.

Những dẫn chứng trên đây cho thấy Engels chưa hoàn toàn từ bỏ con đường bạo lực, mặc dù tán đồng sử dụng phương pháp đấu tranh ôn hòa như một sách lược (chiến thuật) để thích ứng với hoàn cảnh. Vì vậy, không thể kết luận: Marx và Engels vào lúc cuối đời đã chuyển sang phương thức đấu tranh ôn hòa, càng không thể kết luận hai ông đã từ bỏ mục tiêu cộng sản mà hai ông đã đề ra lúc còn thanh niên.

Trong thực tế, việc xét lại chủ nghĩa Marx chỉ bắt đầu sau khi Engels qua đời, với việc Eduard Bernstein đã cho công bố một số bài viết gây tranh cãi trong lòng Đảng SPD trong thời gian từ 1896 đến 1898. Đặc biệt là vào năm 1899, với việc xuất bản công khai cuốn Die Voraussetzungen des Sozialismus und die Aufgaben der Sozialdemokratie (The Prerequisites for Socialism and the Tasks of Social Democracy, Những điều kiện tiên quyết của chủ nghĩa xã hội và nhiệm vụ của trào lưu dân chủ-xã hội), chủ nghĩa xét lại đã xuất hiện trong lòng phong trào công nhân thế giới như một xu hướng muốn sửa đổi chủ nghĩa Marx cho phù hợp với tình hình mới.

Cuộc đấu tranh giữa hai phái mác-xít (chính thống và xét lại) đã diễn ra trong lòng nhiều đảng công nhân, nhất là Đảng Dân chủ – xã hội Đức (SPD). Tuy trường phái chính thống thắng lợi trong giai đoạn trước mắt, nhưng ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại vẫn tiếp tục mở rộng trong lòng phong trào công nhân Đức cũng như trong lòng Quốc tế II. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự chia tách phong trào công nhân trên thế giới thành hai xu hướng: cách mạng và cải cách. Cách mạng tháng 10 Nga thành công vào năm 1917 đã dẫn đến sự hình thành và lớn mạnh của phong trào cộng sản (dựa vào bạo lực) tách ra khỏi trào lưu dân chủ-xã hội (dựa vào phương thức đấu tranh ôn hòa, chấp nhận nền dân chủ tự do và hệ thống đa đảng).

Kết luận:

Từ những phân tích trên đây, chúng ta có thể rút ra những kết luận sau đây:

- Marx và Engels cho đến cuối đời không hề từ bỏ mục tiêu lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản (mà giai đoạn đầu được gọi là chủ nghĩa xã hội). Để làm được điều này, hai ông chủ trương (1) phải xóa bỏ chế độ tư hữu, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và (2) phải hủy bỏ toàn bộ bộ máy Nhà nước cũ để xây dựng một Nhà nước mới – một Nhà nước chuyên chính vô sản mang tính tạm thời để tiến tới một xã hội không có giai cấp, không có Nhà nước.

- Việc Marx và nhất là Engels vào lúc cuối đời bật đèn xanh cho một phương thức đấu tranh ôn hòa thật ra chỉ là một sách lược (chiến thuật) dùng cho một giai đoạn hoặc trong một hoàn cảnh đặc thù nào đó. Hai ông không hề có ý định từ bỏ hoàn toàn con đường dùng bạo lực để lật đổ giai cấp tư sản, thiết lập nền chuyên chính vô sản.

Vì vậy, mặc dù trong tư tưởng của hai ông có những mầm mống của tư duy tích cực, xây dựng, nhưng những mầm mống phôi thai, yếu ớt đó vẫn không lấn át được những yếu tố tiêu cực của dòng tư duy mang tính “phủ định”, “phá hoại” đã ăn sâu vào toàn bộ các trước tác của hai ông. Đó chính là lý do khiến cho khiến cho việc “xét lại” chủ nghĩa Marx trở nên khó khăn. Trong thực tế, những yếu tố góp phần vào việc hình thành chủ nghĩa xét lại (revisionism) thường có nguồn gốc từ những trào lưu tư tưởng phi – mác-xít như: phái Lassalle ở Đức, học phái Fabian (Fabianism) ở Anh, v.v… chứ không đến từ bản thân Marx và Engels.

Đà Lạt ngày 17-4-2014

MAI THÁI LĨNH

(Tác giả gửi đăng. Bài đã đăng trên Bauxite)


Tài liệu tham khảo chính:

1) Mác-Ăng-ghen, Tuyển tập, 6 tập, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà nội và Nxb Dietz Verlag (Berlin, Đông Đức), 1980-1984.

2) F. Engels, Lời mở đầu cho tác phẩm lẻ của Các Mác “Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848-1850”: bản dịch tiếng Việt in trong Tuyển tập Mác – Ăng-ghen (sđd, tập 6, tt. 594-624). Có thể tham khảo bản dịch tiếng Anh: Friedrich Engels, Introduction to Karl Marx’s The Class Struggles in France 1848 to 1850:

 http://www.marxists.org/archive/marx/works/1895/03/06.htm

3) Tân Tử Lăng, Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, Thông Tấn Xã Việt Nam, 2009, 328 trang. Bản điện tử đầu tiên được đưa lên Việt Nam Thư quán ( http://vnthuquan.net ) vào ngày 1-5-2010, sau đó được đưa lên trang Viet-sudies của Gs Trần Hữu Dũng vào ngày 10-5-2010:

http://www.viet-studies.info/kinhte/MaoTrachDong_NganNamCongToi.htm



[1] Do bản điện tử có một số lỗi đánh máy, những dẫn chứng trong bài này dựa trên bản in của TXXVN.

[2] Có thể xem thêm: Mai Thái Lĩnh, “Dân chủ- xã hội là gì?” © 2007 talawas .

[3] Karl Marx, La Liberté Speech, delivered by Karl Marx on September 8, 1872, in Amsterdam, printed: September 15, 1872, in La Liberté. Source: K. Marx and F. Engels, On Britain, Foreign Languages Press, Moscow, 1962: http://www.marxists.org/archive/marx/works/1872/09/08.htm

[4] Mai Thái Lĩnh, Huyền thoại về một Nhà nước tự tiêu vong, © 2005 talawas.

[5] Engels to Paul Lafargue in Paris, 3 April 1895: http://www.marxists.org/archive/marx/works/1895/letters/95_04_03.htm

[6] Paul Hampton, “Engels’ political testament”, Workers’ Liberty 1 April, 2005:

http://www.workersliberty.org/node/3999

[7] “Marxisme”, Encyclopédie Larousse:

[8] http://www.larousse.fr/encyclopedie/divers/marxisme/68479

[9]Le Figaro Interviews Engels, Le Figaro May 13, 1893:

http://www.marxists.org/archive/marx/bio/media/engels/93_05_13.htm

 

4 Phản hồi cho “Phải chăng Marx và Engels đã “xét lại” vào lúc cuối đời?”

  1. BIỂN NGÀN says:

    VẤN ĐỀ GIAI CẤP CÔNG NÔNG

    Trong học thuyết của mình, Mác cho rằng giai cấp công nhân công nghiệp là giai cấp tiền phong của cách mạng vô sản, là đầu tàu của lịch sử trong đấu tranh và chuyên chính giai cấp vô sản để đi tới xã hội cộng sản không còn giai cấp. Nhưng ở những nước nông nghiệp, giai cấp công nhân công nghiệp không có nhiều, người ta thay vào đó giai cấp nông dân vô sản, và được gọi trong từ ngữ chung là giai cấp công nông, như trường hợp điển hình của Trung Quốc và Việt Nam chẳng hạn.
    Sở dĩ Mác cho giai cấp vô sản là giai cấp tiên phong của cách mạng, bởi vì đối với ông quy luật phủ định của phủ định chắc chắn sẽ dẫn tới điều đó. Tức xã hội tư sản hay tư bản là phủ định của cộng sản ban đầu (cộng sản nguyên thủy), vậy thì cộng sản khoa học hay xã hội vô sản là phủ định trong tương lai của xã hội hữu sản hiện tại tức tư sản hay tư bản chủ nghĩa. Đó là công thức biện chứng trừu tượng của Hegel : đề – phản đề – hợp đề, hay phủ định của phủ định mà Mác rất tâm đắc. Như vậy cái được Mác gọi là khoa học, thật sự chỉ là niềm tin trưu tượng, có phần mê tín, vì không mang tính cách gì khách quan, thực nghiệm hoặc chứng minh được cả.
    Mác cho rằng trong giai đoạn tư bản ban đầu, công nhân bị bóc lột thậm tệ nên chỉ có nhà tư bản là hữu sản (chủ tư liệu sản xuất), còn công nhân chỉ làm công ăn lương, tức vô sản, nên xã hội tương lai phải là vô sản vì đó là quy luật tất yếu của phát triển lịch sử.
    Mác đã hoàn toàn giản lược thực tế phức tạp trong kinh tế xã hội của con người thành ra quan niệm tài sản quá đơn giản và thành khái niệm đấu tranh giai cấp hoàn toàn trừu tượng, ức đoán, tưởng tượng.
    Thật ra sự phát triển kinh tế xã hội là dựa trên sự phát triển của khoa học kỹ thuật cùng là sự phát triển của đời sống nói chung. Giới doanh nhân dựa vào các phát minh khoa học kỹ thuật, dùng tư bản để đưa vào sản xuất ra các sản phẩm phục vụ chung cho toàn xã hội. Người công nhân thật sự chỉ đóng góp công sức lao động mà không là gì khác. Và mọi sản phẩm tạo ra cho xã hội trong đó có sức lao động của họ cũng như có cả sự hưởng dụng của họ. Chất xám đầu tiên là của giới trí thức, khoa học. Tài năng quản lý và vốn liếng là của giới doanh nhân. Tức mọi người trong xã hội đều bỏ vào phần của mình và đều được hưởng theo kết quả lao động nào đó của mình. Đồng tiền là phương tiện vận động mọi nguồn lực xã hội và phương tiện phân phối mọi nhu cầu hay thành quả xã hội. Mác cho rằng đồng tiền là phương tiện tạo ra thặng dư giá trị, do đó ông ta chủ trương xã hội cộng sản tương lai không còn dùng tiền mà chỉ phân phối sản phẩm thuần túy theo nhu cầu hưởng dụng trực tiếp. Xã hội vô sản thật sự hay xã hội cộng sản thực sự là xã hội không còn tư hữu, không còn tiền bạc nữa theo như kiểu quan niệm đó của Mác. Tức một loại xã hội chỉ lao động trực tiếp và phân phối trực tiếp không còn thông qua thị trường và thông qua tiền tệ. Đó quả nhiên là đầu óc phi kỹ thuật, phi thực tế, hoàn toàn hư ảo, và thậm chí phi khoa học và phản khoa học của Mác.
    Trường hợp thử nghiệm xã hội cộng sản kiểu ấy người ta đã từng thấy thời Công xã Paris, tức tổ chức điều hành trực tiếp nhau của những người công nhân trong mọi việc. Nó như một vở kịch, một màn trình diễn chỉ có thể xảy ra tạm thời, trong ngắn hạn, và cuối cùng đã thất bại, tan rã, không còn để lại dấu vết.
    Thực chất, ai cũng biết giai cấp công nhân là giai cấp lao động với máy móc, giai cấp nông dân là giai cấp lao động với đất đai. Nhưng đó chẳng qua là sự phân công lao động khách quan và tự nhiên trong xã hội loài người. Bởi xã hội con người không thể tồn tại và phát triển nếu không dựa vào chủ yếu máy móc và đất đai. Tuy nhiên chỉ có hai giai cấp đó vẫn không đủ, mà xã hội còn cần bao giai tầng trung gian khác, như giai tầng trí thức, giai cấp tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, doanh nhân, các nghề nghiệp chuyên môn v.v… Nói chung xã hội là một mạng canh cửi phức tạp, linh hoạt, không thể chỉ dựa vào giai cấp nào là bất di dịch hay quyết định duy nhất cả. Cái nông cạn về quan điểm kinh tế, về khoa học kỹ thuật, về xã hội đời sống mọi loại của Mác là như thế. Mác quả giống như anh học trò, chỉ suy nghĩ theo sách vở học được một cách tối thiểu nhất.
    Ngay như nhà nước hay chính quyền, luật pháp cũng chỉ là công cụ xã hội. Nó là công cụ quản lý, điều hòa chung cho toàn xã hội, cho mọi giai cấp. Nó chỉ là cơ quan quản lý hành chánh, không thể tham gia sản xuất kinh tế trực tiếp như mọi giai cấp khác. Nên cho nhà nước là nhà nước của giai cấp công nông, thực chất chỉ là hoàn toàn nhân danh và cường điệu, vì không có người công nhân nào vừa trực tiếp trong nhà máy vừa trực tiếp trong chính quyền cả. Cái hố hay cái giả tạo trong quan niệm nhà nước giai cấp của Mác chính là như thế.
    Bởi vậy Mác cho rằng trong xã hội cộng sản tương lai cũng không còn nhà nước, không còn chính quyền, không còn luật pháp, bởi vì đó chỉ là công cụ thống trị của giai cấp, nên khi giai cấp không còn nó cũng không còn nữa, vai trò và ý nghĩa của nó sẽ hoàn toàn biến mất. Đây quả là một quan điểm đầy tính cách bệnh tưởng của Mác.
    Cuối cùng, Mác cho rằng để bảo đảm tiến tới được mục đích đó thì trước hết phải độc tài, tức phải chuyên chính giai cấp, tức chuyên chính vô sản. Nhưng Mác quên rằng khi đã là bộ máy chuyên chính rồi thì rất khó mà tự từ bỏ nó cũng như rất khó mà phá bỏ nó. Vì hiện tượng bảo thủ quyền lợi là hiện tượng phổ biến và tất yếu nơi tất cả mọi người. Tức chỉ có dân chủ ngay từ đầu mới ngăn cản được độc tài về sau. Còn khi đã độc tài rồi thì rất khó khăn hay vô phương trở về lại dân chủ. Thật đúng là cái ngờ nghệch hay tính cách tự mâu thuẫn trong lý thuyết của Mác quả là như thế.
    Trong thực tế lịch sử xã hội, ai cũng thấy rằng người ra làm việc nước phải là người có tài năng, có đức tính, có trí thức, có chuyên môn quản lý thì mới có thể bảo đảm hiệu quả tốt được. Đó có thể là những người xuất thân từ bất kỳ giai cấp nào, và khi phục vụ bộ máy điều hành thì họ cũng đã hoàn toàn thoát ly các giai cấp khởi thủy của họ. Do đó việc bầu cử chức vụ lãnh đạo và tuyển trạch theo năng lực chuyên môn cho các cấp thừa hành là nguyên lý khách quan đúng đắn cho bất kỳ nhà nước tự do dân chủ thực sự nào.
    Nên nói tóm lại ý niệm giai cấp công nông như là giai cấp tiên phong lãnh đạo xã hội, lãnh đạo cách mạng, điều hành đất nước chỉ hoàn toàn là ý niệm hết sức giả tạo, vì trong thực tế không bao giờ thực chất xảy ra điều đó. Ấy chẳng qua chỉ là quan điểm giáo điều hay nhân danh, cốt nhằm chỉ dựa vào ảo tưởng của học thuyết để làm một điều hoàn toàn xa thực tế. Tất nhiên mọi điều gì không đúng thực tế thì chẳng bao giờ đạt kết quả cả. Đó cũng là lý do để giải thích tại sao mọi nhà nước bao cấp kiểu mác xít lêninít (tức tập thể hóa mọi cái) đã hoàn toàn thất bại và phải giải thể và mọi nhà nước kinh tế thị trường nhưng còn định hướng xã hội chủ nghĩa (tức vẫn mác xít lêninít), thì vẫn cứ mãi tiếp tục dậm chân tại chỗ, không mấy phát triển lên được như mọi nước khác chính là như thế.

    NON NGÀN
    (23/4/14)

  2. ĐỈNH NGÀN says:

    SỰ GIÀU NGHÈO TRONG XÃ HỘI

    Sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội vốn là điều từ cổ chí kim cũng như ở tất cả mọi nơi đều được nhiều người quan tâm nhất, đặc biệt là những người nghèo. Người ta thừa nhận sự giàu nghèo của mỗi người, mỗi gia đình đều do vô số các nguyên nhân khác nhau, và khi các nguyên nhân đó thay đổi, mọi sự giàu nghèo cũng thay đổi, đó là lý do ông bà ta khi xưa có nói giàu nghèo có số, hay không ai giàu ba họ hoặc khó ba đời, và người xưa cũng hay nêu câu chuyện Thạch Sùng ở bên Tàu như là một điển hình trong bao điển hình khác để nhằm đánh giá và kết luận.
    Khi Các Mác đưa ra học thuyết của mình, Mác quy sự giàu nghèo chính yếu là do quyền tư hữu và do đấu tranh giai cấp. Mác lý luận bởi quyền tư hữu nên có quyền tư hữu tư liệu sản xuất, từ đó có giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, giai cấp thống trị là giai cấp nắm quyền tư liệu sản xuất chung của toàn xã hội, từ đó có đấu tranh giai cấp triền miền, có hiện tượng bóc lột triền miên trong xã hội, và đó chính là nguồn gốc của sự giàu nghèo và mọi sự bất công trong xã hội.
    Do đó theo Mác muốn giải quyết tận gốc mọi vấn đề phải cần phá bỏ quyền tư hữu, tiêu diệt xã hội tư sản triệt để mọi mặt, để đi tới xã hội vô sản mọi mặt, xóa bỏ mọi giai cấp, đi đến xã hội không giai cấp, xã hội vô sản thuần túy, cũng không còn giàu nghèo, không còn người bóc lột người, ai cũng như nhau, xã hội hoàn toàn bình đẳng, cùng tự nguyện hợp tác sản xuất, của cải làm ra như nước chảy, mỗi người làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, cũng không còn nhà nước, không còn quốc gia, không còn chính quyền, chỉ là xã hội dân sự kiểu đó trên toàn thế giới, đó được gọi là thiên đường cộng sản mà mọi con người cộng sản đều háo hức, tin tưởng và nhất quyết phải đạt tới bằng tất cả mọi giá.
    Đó là lý do Lênin là người đầu tiên đã đưa học thuyết Mác vào để thực hiện cuộc cách mạng bôn sê vích ở Nga năm 1917, kể từ đó phong trào cộng sản đã lan tràn ra nhiều nơi trên toàn thế giới. Nhưng chỉ 70 năm sau nó tất yếu phải công nhận sự thất bại khi Liên Xô và khối Đông Âu hoàn toàn sụp đổ và tan rã, với kết quả là cả 100 triệu người đã phải chịu mất mạng với bao nhiêu đau buồn từng xảy ra ở khắp mọi nơi trên toàn cầu.
    Nhưng sở dĩ phong trào cộng sản quốc tế đã có một thời bốc lên cao trên toàn hành tinh vì Mác đưa ra chắc khừ quy luật gọi là khoa học khách quan, hay là đỉnh cao của trí tuệ loài người mà mọi người cộng sản đều hoàn toàn tin chắc, đó là quy luật biện chứng hay gọi là quy luật phủ định của phủ định. Tức đầu tiên xã hội là xã hội nguyên thủy không có giai cấp. Kế đến sự phủ định của nó là xã hội tư sản mà đỉnh cao là xã hôi tư bản chủ nghĩa và Lênin còn mệnh danh giai đoạn tột cùng đó là giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Như vậy sự phủ định của phủ định tất yếu phải là giai đoạn cộng sản cuối cùng không còn tư hữu, không còn giai cấp, không còn bóc lột như từ đầu đã nói.
    Nguyên lý và mục đích của đấu tranh giai cấp theo Mác hiểu chính là như thế. Rõ ràng đó là một sự suy lý kiểu hoàn toàn trừu tượng và tư biện. Nó chỉ như một sự tự phán quyết của Mác về lịch sử, không lấy gì chứng minh được mà thực chất quả thật chỉ là một sự giả định độc đoán, một sự tưởng tượng hoàn toàn tự phát. Song để bao che hay bảo vệ cho luận điểm suy lý một chiều và vô căn này của mình (vì Mác mê tín vào lý thuyết biện chứng luận của Hegel), Mác chủ trương độc tài vô sản hay chuyên chính vô sản để thực hiện điều đó. Thực chất đây chỉ là sự nhân danh giai cấp, và ở những nước không có giai cấp công nhân phát triển, người ta thay vào đó bằng liên minh công nông như là hình thức thực hành hợp tác xã nông nghiệp do Lênin tự nghĩ ra.
    Điều này thật sự hoàn toàn đi ngược lại các nguyên lý kinh tế xã hội khách quan, hoàn toàn không có tính thực tế trong phát triển khoa học kỹ thuật. Do vậy xã hội chỉ có thể đi vào con đường chuyên đoán, bao cấp, cuối cùng mọi quyền hành, quyền lực, quyền lợi chỉ lọt vào trong một thiểu số nhỏ, còn toàn xã hội phải chịu mọi sự cùng cực. Đó là lý do cuối cùng của mọi sự sụp đổ và tan rã mà mọi người đều đã thấy rõ cả.
    Ngày nay 4 nước cộng sản cuối cùng trên thế giới đều đã quay lại nền kinh tế thị trường và hợp tác toàn cầu. Đó không phải duy nhất là mọi sự can thiệp của “đế quốc Mỹ” từ trước đến sau như kiểu “sen dầm quốc tế”, mà thực chất chính là do sự không tưởng, sự nghịch lý, sự tự mâu thuẫn, sự áp đặt giả tạo hay ngụy biện ở trong lòng mọi lý luận hay trong lòng toàn hệ hệ thống học thuyết của Mác. Cái gì vốn không phải là chân lý khách quan, không phải là khoa học khách quan mà lại tự mệnh danh và tự tin chắc như thế thì cuối cùng cũng không đi đến kết quả nào hoặc hoàn toàn ngược lại là như thế.
    Nên nói tóm lại, có nhiều khái niệm, quan niệm, nhiều lý luận của Mác chỉ có một chiều hay không chính xác, giả tạo hay cường điệu, thổi phồng, áp đặt, hay chỉ hư cấu, như khái niệm giai cấp, khái niệm bóc lột, khái niệm thặng dư giá trị, khái niệm tư hữu, khái niệm tư bản, khái niệm đấu tranh giai cấp, khái niệm chuyên chính vô sản, khái niệm xã hội cộng sản khoa học không giai cấp chẳng hạn.
    Tuy nhiên, do thời kỳ học thuyết Mác ra đời, xã hội loài người chưa phát triển nhiều mặt, kinh tế tư bản còn phôi thai ở nhiều khía cạnh, khoa học kỹ thuật còn chưa có những bước tiến lớn, lại thêm nạn thực dân phong kiến ở nhiều xã hội kém phát triển, do vậy nhiều người dân ở đó như sa vào hỏa mù trước học thuyết Mác. Do trình độ nhận thức còn non yếu nhiều mặt, do tham vọng cá nhân một phần, do không đủ lý luận nên dễ bị khuất phục trước bao nhiêu sự ngụy biện, do kiểu tương kế tựu kế một cách nhầm lẫn và sai lạc để nhằm đối phó với các nước phát triển phương Tây một cách không thích hợp, nói chung chỉ do não trạng phần nhiều non nớt mà cuối cùng gậy ông đập lưng ông chính là như thế.
    Âu đó cũng là một bài học hết sức đắt giá cho nhiều nước kém phát triển trong quá khứ mà trong đó phải kể điển hình nhất là Việt Nam với hai cuộc chiến tàn phá nặng nề và kéo dài nhất trong lịch sử đất nước, mà không thể phủ nhận nguyên nhân chính yếu không gì khác hơn chính là chủ thuyết Mác. Điều này không phải nói ngoa vì chỉ xem kết quả mọi điều gì đã xảy ra sau năm 1954 ở miền Bắc, rồi sau năm 1975 ở miền Nam, cũng như ở toàn nước Việt Nam sau đó thì mọi người không ai có thể nói ngược lại được.
    Chỉ sau khi khối cộng sản cũ sụp đổ và tan rã, Việt Nam mới bước được vào thời kỳ gọi là đổi mới cho tới nay, tức là hội nhập lại vào nền kinh tế toàn cầu vốn đã có từ trước của nhân loại, nhưng học thuyết chủ nghĩa Mác thì hầu như vẫn hoàn toàn giữ nguyên đó, hầu như nó đã đi vào não trạng của những người cầm quyền không thay đổi do nhiều nguyên nhân, lý do hay nhiều mục đích khác nhau, nhưng nói chung tuy không còn khách quan trong thực tế nhưng nó vẫn không bị giải thể nhưng nó vẫn cứ còn tiếp tục trong mọi thông tin đại chúng nhất là trong nền giáo dục mọi cấp mà không ai trong nước được phép nói ngược lại. Nhưng mọi sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày nay trong nước thì ai cũng rõ, thậm chí như còn trở thành khốc liệt nhất, tức chủ thuyết Mác đã không hề giải quyết được gì, mà còn như thế góp phần làm nó gia tăng hơn chính là như vậy.
    Thực chất, sự giàu nghèo trong xã hội nếu nói một cách khoa học và thực tế, nó do hai yếu tố quyết định : yếu tố phát triển khoa học kỹ thuật, hoạt động của doanh nhân, và yếu tố lao động trực tiếp của người lao động. Cả hai yếu tố này đều quan trọng ngang nhau, không thể cho cái nào quyết định cái nào. Đó là nguồn gốc làm ra của cải chung cho toàn xã hội. Nhưng sự phân phối công bằng thế nào luôn chỉ mang tính cách tương đối cho mỗi người hay mỗi giới hay giai cấp khác nhau. Đó là ý nghĩa quản lý xã hội theo khoa học, văn hóa, đạo đức, và sự hiệu quả nói chung. Học thuyết Mác chỉ là học thuyết hoang tưởng đa phần nên thật sự nó thực chất chỉ làm rối loạn xã hội, làm tàn phá xã hội mà không ích lợi gì thiết thân cho xã hội cả.

    THƯỢNG NGÀN
    (23/4/14)

  3. Nguyễn Quang Duy says:

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/02/130203_nguyenquangduy_marxism.shtml
    ‘Tù mù về Chủ nghĩa Marx’
    Nguyễn Quang Duy
    Trong bài “Hai từ dùng nhiều, lại tù mù nhất”, nhà báo Bùi Tín cho biết trong một “giáo trình chính trị quốc tế” có nêu: “Chủ Nghĩa Xã Hội – Dân Chủ, do một số đảng Xã hội – Dân chủ như ở Bắc Âu thực hiện, vận dụng chủ nghĩa Marx để phân tích chủ nghĩa tư bản, nhưng dứt khoát bác bỏ chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao, nhấn mạnh dân chủ đa nguyên để luôn có cân bằng, ganh đua, thay thế, đặc biệt chú trọng nền pháp quyền dân chủ và Nhà nước phúc lợi, để toàn dân được hưởng thành quả phát triển, nhấn mạnh đến tính công khai minh bạch, chống lãng phí tham ô có hiệu quả. Đây còn gọi là nhà nước phúc lợi, chú trọng hạn chế người quá giàu, giảm nhanh số người nghèo, quan tâm thật sự người già yếu, neo đơn, thất nghiệp, tàn tật, chú trọng dạy nghề, công tác từ thiện, san sẻ giúp đỡ, tương trợ trong xã hội.”

    Không biết “giáo trình chính trị quốc tế” mà Bùi Tín dựa trên do ai soạn, ai ấn hành và vì mục đích gì, có điều đoạn văn trên chứa “ít hơn” một phần ba sự thật.
    Tự do và bình đẳng
    Sau khi đọc bài của Bùi Tín, tôi lại được đọc bài Diễn văn nhậm chức của của Tổng Thống Obama, ngay lời mở đầu ông đã nhắc lại lập trường lập quốc Hoa Kỳ như sau: “Khi một bé gái sinh ra trong cảnh bần cùng biết rằng em có cùng cơ hội thành công như bất cứ ai khác bởi vì em là một người Mỹ, em tự do, và em bình đẳng không chỉ trong mắt Thượng Đế mà còn trong mắt của chính chúng ta”

    “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền Sống, quyền được Tự do và mưu cầu Hạnh phúc.”

    Trong suy nghĩ của ông Bùi Tín nhà nước Bắc Âu là một nhà nước phúc lợi kiểu Xã Hội Chủ Nghĩa vận dụng chủ nghĩa Marx, còn nhà nước Hoa Kỳ là một nhà nước Tư bản.
    Thực ra cả hai đều là hai nhà nước Tự Do, có khác là mức độ khác biệt giữa Tự Do và Bình Đẳng tại mỗi quốc gia.
    Trong bài diễn văn ông Obama, người viết đặc biệt quan tâm đến đoạn văn: “Chúng ta trung thành với lập trường lập quốc của chúng ta khi một bé gái sinh ra trong cảnh bần cùng biết rằng em có cùng cơ hội thành công như bất cứ ai khác bởi vì em là một người Mỹ, em tự do, và em bình đẳng không chỉ trong mắt Thượng Đế mà còn trong mắt của chính chúng ta.”
    Đoạn văn bộc lộ sự khiếm diện và sai lầm chủ yếu của chủ nghĩa Marx, chỉ chú tâm đến giai cấp mà quên đi con người trong xã hội. Người lãnh đạo xã hội tự do như Tổng Thống Obama phải luôn quan tâm đến con người trong xã hội, bất luận họ thuộc tầng lớp giai cấp nào.
    Khi Marx viết “Tư Bản Luận”, Hoa Kỳ đã lập quốc, với một Hiến Pháp, một nhà nước tam quyền phân lập, một hệ thống chính trị lưỡng đảng, đang đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa nô lệ,… đưa Hoa Kỳ từ các thuộc địa trở thành một quốc gia phát triển.
    Tất cả những điều này gần như thiếu vắng trong suy nghĩ của Marx. Bởi thế các luận điểm về kinh tế chính trị của Marx, vừa phiến diện chỉ tập trung vào phân tích cách mạng kỹ nghệ đang xảy ra tại một số quốc gia Âu Châu, vừa sai lầm vì đấu tranh giai cấp theo kiểu Marx không phải là động lực tiến hóa của nhân loại, ngược lại nó đã gây chiến tranh, khủng bố, tàn phá nhân lọai.
    Đảng trong Nhà Nước Tự Do
    Mỗi quốc gia, trong mỗi lúc, có những hoàn cảnh khác nhau. Mỗi quốc gia lại được hình thành từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Các tầng lớp này lại luôn thay đổi theo hoàn cảnh của cá nhân và xã hội. Không ai giàu ba họ cũng chẳng ai khó ba đời.
    Quốc gia càng tân tiến, càng dân chủ thì mức độ bình đẳng càng trở nên cấp thiết. Tổng Thống Obama, một người gốc Phi Châu, xuất thân từ một gia đình trung lưu, ông Cao Quang Ánh, một người tị nạn cộng sản mà trở thành dân biển Liên bang Mỹ là tiêu biểu của sự bình đẳng về cơ hội gia nhập guồng máy chính trị tại Hoa Kỳ.
    Mặc dầu cùng dựa trên căn bản tự do và bình đẳng, quyền lợi và ý kiến chính trị mỗi cá nhân mỗi khác có khi lại trái ngược nhau. Người cổ vũ tự do, người cổ vũ bình đẳng.
    Các đảng chính trị sử dụng nghị trường Quốc Hội, truyền thông tự do và hệ thống chính trị để tranh luận và tìm sự ủng hộ cho chính sách đề ra. Khi các chính sách ưu việt được đa số chọn lựa và thực hiện, xã hội càng ngày càng trở nên tiến bộ, đời sống dân chúng được cải thiện và đất nước mỗi ngày trở nên tốt đẹp hơn.
    Đấu tranh nghị trường là cách đối thọai để tìm ra những phương cách quản lý đất nước tốt nhất trong mỗi tình thế. Trong khi đấu tranh giai cấp là cuộc đối đầu thắng thua dẫn đến dân tộc phân hóa, đất nước điêu tàn.
    Tiên đoán sai
    Marx chưa nhìn ra cơ cấu nhà nước tự do dân chủ và vì thế tiên đoán sai sự phát triển xã hội. Chủ nghĩa Marx lại được các phong trào cực tả cộng sản sử dụng, được thí nghiệm trên một số quốc gia trong đó có Việt Nam. Chủ nghĩa Marx là cái bào thai sinh ra chủ nghĩa cộng sản đầy tội ác đã và đang bị nhân loại đào thải.
    Ở Úc, đảng Lao Động (Labour Party), từ khi hình thành vào cuối thế kỷ thứ 19 đã được Công giáo nhiệt thành ủng hộ. Khi phong trào quốc tế cộng sản phát triển, để tránh trường hợp các đảng viên ảnh hưởng khuynh hướng bạo động vũ trang cướp chính quyền, Đảng cấm các đảng viên theo hay sinh hoạt với đảng khác, bao gồm Quốc Tế Cộng Sản.
    Đảng Lao Động Úc là một đảng thực tiễn, không theo bất kỳ chủ thuyết nào. Đảng này được chia thành năm cánh… Cánh cực tả trong đảng Lao Động Úc theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng họ không theo chủ nghĩa Marx, cánh này cổ vũ việc chính phủ trực tiếp can thiệp thị trường, chính phủ trực tiếp làm kinh tế nhằm san bằng các bất công trong xã hội.
    Vì chủ nghĩa Marx là một chủ nghĩa không tưởng, không theo kịp thời đại, không thể làm căn bản để đề ra các chính sách có thể thuyết phục được cử tri nên trên thực tế không ai sử dụng nó trong cuộc đấu tranh nghị trường.
    Chủ nghĩa Marx vừa phiến diện, vừa sai lầm, vừa cực đoan, vừa bạo động, vừa không tưởng. Chủ nghĩa Marx là cái bào thai sinh ra chủ nghĩa cộng sản đầy tội ác đã và đang bị nhân loại đào thải.
    Các quốc gia tự do khác trên thế giới có hệ thống chính trị đa đảng, trong đó có các đảng theo chủ nghĩa xã hội. Và như đã đề cập bên trên các đảng này theo chủ nghĩa xã hội nhưng không theo chủ nghĩa Marx.
    …Chủ nghĩa Marx quá sức đơn giản khi cho rằng người lao động bị bóc lột không đủ sống nên không có khả năng để dành, không có khả năng đầu tư để sinh lợi, không có thời gian để đầu tư học hỏi…

    Thực tế cho thấy Marx sai lầm. Trong xã hội dân chủ mọi người đều có thể có tư sản và đều có quyền quyết định về tư sản của mình. Tư sản không phải chỉ dưới hình thức vật chất mà còn qua kiến thức, bằng sáng chế, tác quyền… và tư sản chính là động năng thăng tiến và phát triển xã hội.

    Một xã hội phúc lợi ngày nay là một xã hội ở đó mọi người đều có được cơ hội bình đẳng về mọi mặt.

    Mỗi quốc gia lại có những điều kiện địa lý, lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị và nhân văn khác nhau. Các quốc gia Bắc Âu có các đảng Dân Chủ Xã Hội mà Bùi Tín nhắc đến gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, đều là các quốc gia giàu tài nguyên, ít bị ảnh hưởng hai cuộc Thế chiến, trung lập trong Chiến tranh Lạnh, văn hóa và xã hội ổn định, dân chúng đa số theo Giáo hội Tin Lành Luther, nền kinh tế đã phát triển, trình độ dân trí cao, vì thế đời sống vật chất từ lâu đã cao và ổn định.

    Tại các nước Bắc Âu sinh họat dân chủ nghị trường đã phát triển từ lâu. Thí dụ Đảng Dân chủ xã hội Đan Mạch đã được thành lập từ những năm 1871 hay hệ thống nhà nước an sinh phúc lợi của Thụy Điển đã hình từ những năm 1890.
    Bên cạnh sinh họat của nghị trường là họat động phúc lợi của Giáo hội Tin Lành Luther. Tín đồ tôn giáo này chấp nhận đóng góp một phần lợi tức họ thu được để Giáo Hội có thể cung cấp các dịch vụ phúc lợi đặc biệt về giáo dục.

    Tư tưởng bình đẳng hay công bằng vì vậy đã thấm nhuần trong suy nghĩ của các dân tộc Bắc Âu. Và là chỗ dựa của các đảng và tổ chức chính trị theo khuynh hướng Xã Hội, trong đó có đảng Dân Chủ Xã Hội.

    Tới đây hy vọng rằng bạn đọc đã thấy rõ không có nhà nước kiểu: “Chủ Nghĩa Xã Hội – Dân Chủ, do một số đảng Xã hội – Dân chủ như ở Bắc Âu thực hiện, vận dụng chủ nghĩa Marx để phân tích chủ nghĩa tư bản.”
    Đổi tên hay đổi bản chất?

    Thay đổi suy nghĩ con người thực khó. Ông Bùi Tín đã sống ở Tây Âu trên 20 năm, vẫn chưa hiểu được điều kiện và động năng phát triển của xứ người, vẫn cứ “tù mù” tin theo các “giáo trình chính trị quốc tế” và suy nghĩ vẫn chưa thóat khỏi “chủ nghĩa Marx”.

    Ở cuối bài viết “Hai từ dùng nhiều, lại tù mù nhất”, Bùi Tín nói rõ mục đích của bài viết là để vận động trưng cầu dân ý đổi tên đảng Cộng sản và đổi tên nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Vì tên đảng có chữ “cộng sản” và tên nước có chữ “Xã Hội Chủ Nghĩa” là hai từ dùng nhiều nhất, lại tù mù nhất.

    Tới đây mới thấy rõ hơn sự “tù mù” của Bùi Tín, nếu bản chất của nhà nước vẫn độc tài đảng trị thì việc đổi tên có khác gì kêu Bùi Tín là Thành Tín, còn bản chất con người vẫn không thay đổi, suy nghĩ vẫn tù mù với “chủ nghĩa Marx” bào thai của chủ nghĩa cộng sản. Cộng sản không thể thay đổi mà phải thay thế bằng một chính thể tự do dân chủ.
    Cờ cộng sản

    Tác giả cho rằng chỉ có thay đổi thể chế sang tự do dân chủ mới có thể mang lại bình đẳng cho toàn dân

    Thay đổi cách suy nghĩ là một điều cực kỳ khó. Không ít người cả cuộc đời đã gắn bó với chế độ cộng sản, có khi họ nhìn ra sự sai lầm của chế độ, nhưng vì lý do này hay lý do khác vẫn chưa thể dứt khoát để đứng về phía người dân giành lại chủ quyền đất nước.

    Trong thời bao cấp họ sợ mất sổ gạo, mất hộ khẩu… vì các thứ nói trên gắn liền với đời sống của họ và gia đình. Ngày nay nỗi lo sợ nói trên không còn, nhưng đứng trước sự cáo chung của chế độ, Đảng Cộng Sản lại mang sổ hưu trí ra để hù dọa và trói buộc những người trước đây đã làm việc trong guồng máy cộng sản.

    Gần đây có khá nhiều bàn cãi về việc này. Một suy nghĩ đúng đắn không phải là việc bảo vệ hưu trí, mà làm sao xây dựng một hệ thống an sinh cho những bậc cao niên.

    Thay đổi suy nghĩ con người thật khó, nhưng không phải vì thế không thể thay đổi được. Tóm lại chỉ có chế độ tự do dân chủ mới có thể mang lại bình đẳng cho toàn dân và mới là căn bản của phát triển quốc gia.

  4. THƯỢNG NGÀN says:

    NÓI THÊM MỘT LẦN CHO DỨT DẠT VỀ CHỦ THUYẾT MÁC

    Trung tâm ý nghĩa gây chú ý nhất của chủ thuyết Mác là Bản Tuyên Ngôn đảng CS ra đời năm 1848. Có nghĩa cách đây trên một thế kỷ rưởi. Với chừng ấy thời gian mà ngày nay mục đích cuối cùng của Mác đối với thế giới vẫn không thực hiện được, mà còn nói được là đang bị xóa dần ở khắp mọi nơi những gì về học thuyết của ông cũng cho thấy những quan điểm của ông về mặt khoa học và thực tế đều không đúng, hay chỉ huyền hoặc và giả tạo nên cũng đã hoàn toàn thất bại hay không thực hiện được cho dù nó đã gây nên bao tốn phí, khổ đau trong một thời gian dài đối với cả loài người trên toàn thế giới.
    Thật ra Mác viết bản TNCS chỉ trong một thời gian rất ngắn, chưa đầy một tuần lễ, giống như để nhằm phục vụ ngay, hay nhằm chữa cháy cho một hội nghị của đảng CS quốc tế đầu tiên vào thời đó. Chính sự đường đột này đã cho thấy còn nhiều luộm thuộm, nhiều hời hợt, nhiều điều không chính xác. Nhưng nó lại là kim chỉ nam mọi mặt được đưa vào thực hiện của hầu hết mọi đảng CS nói chung từ ngay lúc đó.
    Nhiều luận điểm quan trọng trong học thuyết ông do ông chủ trương thực sự đã bắt đầu khi ông mới 27 tuổi, và cũng nhiều điều cho thấy thật sự ông có giật mình và quan niệm lại một số điểm trước kia của mình khi ông đã 73 tuổi. Tuy nhiên điều đó cũng không còn cứu vãn được gì, vì tư tưởng của ông đã được phổ biến cả rồi,coi như nếp đã thành xôi, và những nép cũ đã không còn thể được đặt ngược hay đổi thay được nữa. Thật ra có nhiều bản thảo của ông về sau đã được Ănghen tập hợp, tu sửa thêm lại, nên tên gọi Mác-Ănghen vẫn thường được mệnh danh chung là học thuyết của Mác.
    Thực tế cuộc đời hoạt động chính yếu của Mác là người viết báo, nhà hoạt động và lý luận thực tiển, tính chất như một nhà tư tưởng triết học chuyên nghiệp, nhà khoa học nghiên cứu lý thuyết sâu xa thực sự và một cách bao quát thì quả thực do hoàn cảnh cuộc sống ông còn bị hạn chế rất nhiều.
    Chủ yếu Mác là người theo quan điểm học thuyết Hegel, nhưng Hegel duy tâm còn Mác duy vật, nên ông cho ông là người lật ngược Hegel lại. Chính bởi thế cái cốt lõi xương sống vẫn chính là lý thuyết biện chứng luận của Hegel mà Mác đã sử dụng lại và bám chắc vào đó mà không là gì khác.
    Khổ nổi biện chứng luận của Hegel chỉ tồn tại được trong ý nghĩa duy tâm, Mác lại chuyển qua duy vật trong niềm tin khẳng quyết của ông, đó là sự trái cựa, mang tính áp đặt, cường điệu, không có cơ sở khoa học khách quan, nhưng lại hoàn toàn là điều cốt lõi quyết định trong học thuyết Mác.
    Bởi vì chủ yếu lý thuyết đấu tranh giai cấp, niềm tin khẳng quyết về chủ nghĩa cộng sản trong tương lai nhân loại theo mô thức do ông tưởng tượng trước, sự lý giải lịch sử xã hội do ông định khuôn đều không thoát ra khỏi cái mô hình của thuyết biện chứng này là : đề – tiền đề – hợp đề, hay nói khác đi là quy luật phủ định của phủ định do chính Hegel từng đã chủ trương.
    Như vậy có thể nói nếu không có Hegel, tức không có biện chứng luận của Hegel cũng không thể có Mác. Thực chất Mác không sáng tạo được gì nhiều mà chỉ là sự sao chép, tổng hợp của nhiều người khác lại, điều này chính ông đã tự xác nhận. Lênin cũng ở trong trường hợp giống Mác, tức là người cốt yếu chỉ hoạt động thực tiển, và là người đầu tiên đưa vào thực hiện học thuyết Mác. Tức nếu không có Lênin cũng chưa chắc có ai thực hành học thuyết Mác trong thực tế.
    Điều mà Mác tự cho học thuyết mình là học thuyết khoa học, học thuyết duy nhất đúng, cọi nó là chân lý của lịch sử xã hội, của giai cấp vô sản, chỉ vì Mác cho nguyên lý biện chứng luận của Hegel là chân lý khoa học khách quan. Và chính bản thân Hegel cũng là người đầu tiên trong lịch sử triết học tự coi học thuyết của mình là học thuyết khoa học thật sự. Tính cách dây chuyền của niềm tin ở đây là vậy. Nó là sự tự xác quyết mà chưa có tiền đề thực tế hay nguyên lý tự thân nào trong nó chứng minh được cả. Nhưng chính ý nghĩa tự cho là khoa học này của lý thuyết Mác đã hấp dẫn nhiều người. Vì có sự nhầm lẫn khái niệm tự phong này với ý nghĩa và giá trị khách quan của mọi ngành khoa học thực nghiệm. Bé cái lầm quan trọng nhất chỉ là như thế. Và chính sự bé cái lầm cộng với cơ chế xã hội độc đoán do thực tế học thuyết Mác tạo ra trong chính trị khiến không có lấy một ai trong vòng chi phối của nó phản biện lại được cả. Đó chính là sức mạnh vô địch của nó, và đó cũng là nguyên nhân của mọi sự tàn phá về nhiều mặt trong hiện thực xã hội của nó.
    Cũng chính trên cơ sở tự khẳng quyết đó mà Mác chủ trương chuyên chính. Ngay từ đầu Mác đã quan niệm rằng bất kỳ ai chống lại ông đều là bọn tư sản, tức không phủ nhận chân lý khách quan nói chung. Và sự độc đoán trong tư tưởng này của bản thân Mác đã đi đến quan niệm độc đoán, độc đảng về phương diện chính trị cho toàn xã hội hay nói đúng là cho toàn lịch sử xã hội con người.
    Cái căn nguyên của một sự không tưởng, của mọi sự thất bại trong thực tế của học thuyết Mác thật sự đều bắt đầu như vậy. Cho nên quan điểm duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, ý niệm xã hội cộng sản khoa học trong tương lai của ông đều được lót chung trong cùng một dáy giỏ biện chứng luận của Hegel là như thế. Tính cách giả khoa học, tự mệnh danh khoa học của học thuyết Mác cũng chỉ là như thế. Mà ai cũng biết cái gì không khách quan, không tự nhiên, không chính xác thì nhất thiết không thể là khoa học được. Và đã không phải là khoa học thì nhất định không thể áp dụng vào thực tế như một ý nghĩa hay giá trị khoa học được.
    Vả chăng Mác tự bản thân không phải nhà kinh tế học thật sự, không phải nhà khoa học thực nghiệm thật sự. Tức Mác chỉ làm mỗi việc là triết lý hóa lịch sử, triết lý hóa kinh tế chính trị, triết lý hóa thực tế khách quan đúng theo ni tấc của biện chứng luận do Hegel đưa ra. Cho nên mọi cái nghịch lý, mâu thuẫn bao trùm ngay từ đầu trong hầu hết mọi lý luận của Mác đều chỉ như thế. Có nghĩa Mác giống như người làm cái việc gọt chân cho vừa giầy, khiến cho học thuyết của ông phần lớn xây dựng trên kiểu lý luận ngụy biện. Tức đặt giả định về kết luận trước rồi cố gắng ôm mọi tiền đề cho phù hợp theo một cách giả tạo. Đây chỉ là kiểu lập luận hay lý luận ngược, nên tính cách phi lô-gích, tính chất nghịch lý của nó chỉ là tự nhiên, bình thường. Nên Mác cũng giống như người chủ trương cả vú lấp miệng em. Tức nguyên lý chuyên chính của ông đã bẻ gãy hết mọi người có thể phê phán ông trong thực tế. Có nghĩa mọi tính cách giả tạo của Mác trong học thuyết của ông cũng là như vậy.
    Biện chứng từ duy tâm đem qua duy vật, đó là điều sai lầm, huyễn hoặc, không căn cơ thực chất đầu tiên của Mác.
    Dùng chuyên chính để nhằm xây dựng, thực hiện xã hội tự do dân chủ, xã hội giải phóng như kiểu Mác quan niệm, đó là cái không tưởng, cái nghịch lý căn bản thứ hai của Mác. Một điều hoàn toàn tự mâu thuẫn, hoặc trái khoáy, không thể có, không thể chấp nhận được trong lý luận. Như vậy khái niệm đấu tranh giai cấp như là quy luật cốt yếu của phát triển lịch sử nhân loại chỉ là sự tưởng tượng, sự phịa đặt, hay sự áp đặt hoàn toàn chủ quan của Mác. Bởi vì lấy nguyên lý biện chứng làm tiền đề rồi suy đoán giả tạo mà hoàn toàn không chứng minh được bằng cơ sở hay dữ kiện khách quan khoa học. Đó cũng là kiểu quy nạp hóa một cách hoàn toàn độc đoán, chủ quan, giả tạo và vô bằng.
    Điều cuối cùng nếu biện chứng lại kết thúc, tức dừng lại ở xã hội cộng sản trong tương lai không còn bị phủ định nữa, thật là sự phản lý luận hay sự ngây thơ của Mác. Dùng biện chứng để cuối cùng kết thúc biện chứng, đó là tính cách xuất sắc nhất của Mác nếu người ta cho Mác là một nhà tư tưởng vĩ đại.
    Cho nên trên đây là vài điều quyết định nhất mà tôi muốn nói thêm một lần nữa cho dứt dạt về học thuyết chủ nghĩa Mác. Nó thật là hoàn toàn đơn giản mà bất kỳ ai cũng có thể hiểu được. Trừ phi những người nào vì lý do nào đó mà không hiểu thật hay vẫn cố tình không chịu hiểu thì xin hãy cứ nếu ý kiến nhằm để phản biện một cách có giá trị và hữu ích lại.

    ĐẠI NGÀN
    (20/4/14)

Leave a Reply to ĐỈNH NGÀN