Gã Ba Chuột
(Giải trí cuối tuần chứ không phải tiếp tay anh Tư đánh anh Ba nhân kỳ “tụ nghĩa Luơng Sơn Bạc” lần thứ 12 đang diễn ra)
Thế kỷ trước cụ Phan Khôi có chuyện “Ông Năm Chuột”, kể về một anh thợ bạc rất khéo tay, lại có tài tráo đồ giả lấy đồ thật rất tài tình. Không những thế, anh ta lại là người hay chữ (Nho), biết đến vài cuốn sách mà ngay cả cụ Phan cũng chưa từng đọc! Vốn mang tính khí khái của loại “anh hùng Lương Sơn Bạc”, tuy là quân thảo khấu nhưng trượng nghĩa khinh tài, chỉ ăn cướp của quan lại tham ô mà không lấy của dân đen, Năm Chuột chỉ ăn gian, tráo đồ của nhà giàu. Ngoài ra Năm Chuột cũng có tinh thần yêu nước, rất ghét kẻ làm tay sai cho Tây. Chính vì thế, tuy thân phận hèn mọn, Năm Chuột được cụ Phan Khôi nể trọng gọi bằng ông – Ông Năm Chuột!
Đầu thế kỷ hăm mốt này, Caubay có chuyện Gã Ba Chuột, gã mà không phải ông. Tuy là người đồng hương của cụ Phan, Caubay chẳng dám sánh văn tài cùng cụ, chẳng qua là một sự trùng hợp của người và việc mà thôi. Năm Chuột có tài tráo đồ, theo hơi văn của cụ Phan, có lẽ là nhân vật có thật; Ba Chuột là người rất ma lanh, cũng là người thật.
***********
Chiều nay là một buổi chiều cuối tháng Tư, nhà Ba Chuột có làm đám giỗ cha. Thật ra gã cũng không biết chắc cha mình là ai thì làm sao biết ngày nào để làm đám giỗ; nhưng từ khi đường hoạn lộ hanh thông, Ba Chuột bỗng đâm ra là người hiếu nghĩa, hầu như tháng nào cũng có giỗ kỵ linh đình. Giỗ cha giỗ mẹ đã đành, thỉnh thoảng hơi quỡn qưỡn một chút là gã tổ chức đám giỗ cho ông bà nội ngoại, cao tằng cố tổ, không phải chỉ cho bên mình mà cả phía vợ cho được vẹn toàn. Hễ lên chức càng cao thì tiệc tùng càng nhiều, riết rồi nó thành cái lệ. Bọn đàn em hình như cũng ghi sổ cái lịch ấy, nhiều khi gần đến ngày mà gã chưa kịp mời thì bọn chúng đã nhắc. Có thế tụi nó mới có cơ hội biểu lộ mối thâm tình.
Giỗ cha? Nghĩ đến hai chữ này Ba Chuột thoáng chút ngậm ngùi, bởi mỗi lần như thế lại gợi cho gã nhớ về lai lịch của mình. Dòng hồi tưởng như cuộn phim chậm đưa gã về quá khứ, một quá khứ tù mù như đêm rừng U minh…
**********
Ở miệt Cà Mau vào cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, có anh nông dân nghèo rớt mồng tơi tên Nguyễn Tấn Thử đi theo “cách mạng”. Cách mạng là cái đách gì thực ra anh ta cũng không biết, chỉ nghe nói cách mạng do cụ Hồ lãnh đạo nhằm đánh Tây đuổi Nhựt, lấy đất của nhà giàu đem chia cho dân nghèo. Chỉ chừng nấy nghe đã sướng rồi! Lại nghe cán bộ rỉ tai cụ Hồ bôn ba mấy mươi năm ròng đi tìm đường hay cứu nước, cuối cùng qua tận bên Nga La Tư mang về cái chủ thuyết hay lắm. Nước Nga ở đâu anh nông dân cũng không rõ; chủ nghĩa mắc xít, mắc xịt gì đó anh cũng mù tịt, nhưng sau này nếu xây dựng được thì khỏi làm cũng có ăn. Khi mình đã làm chủ lấy mình thì cứ làm theo lao động mà hưởng theo nhu cầu… Anh ta cũng nghe nói tới cụ Mác, cụ Lê-nin, cụ Xít ta lin, cụ Mao…là những lãnh tụ vĩ đại, anh minh vô cùng, thương dân nghèo lắm! Nghe riết rồi anh đâm sướng, lâng lâng như người cỡi trên mây! Ngồi tận trong rừng Cà Mau, không nghe gì ngoài tiếng muỗi vo ve mà nay nghe chuyện thần tiên bên Nga, bên Tàu thì hổng sướng sao được! Mà nói chi cho xa, nội cái chuyện khi cách mạng thành công, vợ chồng anh được chia miếng đất cắm dùi cũng là quí rồi, huống hồ làm chủ cả đất nước! Cán bộ nghe anh ước ao bèn trề môi, nói đó là chuyện nhỏ, cách mạng thành công thì anh thành ông chủ, chủ cả đất nước chớ nhằm nhò gì ba mảnh ruộng phèn nơi khỉ ho cò gáy này. Vợ chồng anh nông dân sướng tê nguời, thề một lòng theo cụ Hồ…
Nhưng sướng đâu chưa thấy, những ngày ấy vợ chồng anh lại càng phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa để kiếm cái ăn cho thêm mấy cái miệng “cách mạng” nữa. Mấy cái miệng ấy rộng tới mang tai, giọng nói trọ trẹ khó nghe thấy bà nội luôn, lại ba hoa liên tu không ngớt những chuyện trên trời và ăn mạnh như heo đói. Ấy là mấy đồng chí ở trên về. Bát cơm bình thường đã hẻo, nay lại chia làm hai. Một nửa vợ chồng anh ăn, một nửa gói cho các anh lớn đêm đêm về lấy. Thôi kệ, ráng! Có mất đi đâu mà lo, “cách mạng” ghi công cả!
Rồi nghe lời cán bộ, anh nông dân đào cái hầm bí mật trong vườn phòng khi bọn địch nó càn! Thỉnh thoảng các anh lớn về thì chui vào đó, ít thì năm ba ngày, lâu có khi đến cả tháng. Những khi ấy, ban ngày anh nông dân ra ruộng mò tôm bắt cá, vừa theo dõi tình hình, chị vợ ở nhà cơm nước phục vụ “cách mạng”. Lắm khi cán bộ ốm đau, chị xuống dưới hầm chăm sóc, cạo gió, giác hơi. Thời gian này cậu Ba Chuột ra đời.
Thì cậu Ba là con vợ chồng anh nông dân Cà Mau tên Thử chớ con ai? Giấy tờ khai sinh sổ bộ của bọn Tây còn sờ sờ ra đó. Có điều miệng đời lắm kẻ ở không, thấy gã lớn lên cao to trắng trẻo, chẳng giống cha vốn lùn lùn đen đen, mà đồn rần lên rằng gã là con rơi của một ông tướng rất thân với cụ Hồ. Chúng nói cha gã vốn người Bắc, được “bác Hồ” cưng lắm, cho vào giải phóng miền Nam. Trong một một đêm Tây càn, có anh du kích địa phương miệt Cà Mau được phân công bảo vệ ông tướng, cho rúc dưới hầm trú ẩn với vợ, còn mình thì đóng vai Điển Vi ngăn giặc. Kết quả là anh du kích hy sinh, chị vợ thành vợ liệt sĩ và sau đó chín tháng mười ngày thằng bé ra đời. Nghĩ chồng mình tên Thử, nghĩa là chuột, chị đặt tên lóng cho con là Chuột, thằng Ba Chuột.
Ông tướng, mà Ba Chuột thầm hãnh diện nhận là cha, sau mối tình dăm ba đêm bèn quất ngựa truy phong, rồi sau này cũng chết do bom Mỹ. Có đứa nói ổng bị mấy thằng đồng chí thanh toán, nhưng thông tin chính thức của Đảng thì va chết vì bịnh tim. Ba Chuột cũng chẳng biết đâu mà mò! Đối với người cộng sản thì chết vẫn còn được giao nhiệm vụ tuyên truyền thì nguyên nhân cái chết của cha gã mập mờ cũng chẳng có gì khó hiểu. Như “bác” đó, nằm chết ngay giò giữa Hà Nội mà tụi nó còn thay đổi ngày giờ, di chúc được thì huống hồ cha gã chết giữa rừng U Minh? Với lại cũng có thể tụi nó xuyên tạc, ở đời tình ngay mà lý gian, người giống người là chuyện thường, chớ cán bộ cách mạng thấm nhuần đạo đức bác Hồ thì ai lại đi làm bậy vợ đồng chí bao giờ? Gì chớ chuyện ấy “Bác” nghiêm khắc lắm, đàng hoàng lắm!
Nói nào ngay thì hồi bà già còn sống, Ba Chuột có đôi lần hỏi về cha mình, nhưng bả không trả lời, chỉ tủm tỉm cười, ánh mắt sáng lên như nhớ về một kỷ niệm thú vị thuở xa xôi nào đó. Khi được 12 tuổi Ba Chuột thoát ly vào du kích làm giao liên, sau đó do biết đọc biết viết chút đỉnh nên được đề bạt học khóa chích thuốc, làm y tá. Bà mẹ ở lại vùng địch chẳng may qua đời trước khi gã ra khỏi bưng; vì vậy cái bí mật đó cũng theo người mà về âm phủ.
Thế mà vẫn chưa hết, sau này khi gã làm lớn, thiên hạ lại tô vẻ thêm vài tin đồn nữa. Chúng nói cha ruột gã vẫn chưa chết, còn sống nhăn, chỉ bị chột một mắt; hồi trẻ làm phu cạo mủ cho Tây, về già làm đến chủ tịch nước! Thiên hạ còn nguyền rủa đó là thằng đã bán đứng đảo Trường Sa cho Tàu. Thôi thì kệ bà nó, con ai thì con! Lúc ấy nấp dưới hầm tối mịt, chui trong gấu quần của mẹ gã đâu phải chỉ có một mình ông tướng? Thằng chột và mấy thằng “đồng chí” kia nữa chi, mà thằng nào thằng nấy thấy mẹ gã, dù là một người đàn bà quê mùa đen đúa, vẫn lấm la lấm lét như mèo thấy mỡ? Nhưng những tin vỉa hè ấy lại hóa ra hay, khi đường hoạn lộ của Ba Chuột rộng mở thì không những gã không cãi mà lại cố tình ỡm ờ. Tự thâm tâm gã ngầm hãnh diện về cái lý lịch bất minh ấy!
Bởi vậy về sau hễ có ai hỏi về gốc gác của mình, Ba Chuột bèn theo gương người đàn anh trong đảng là Cả Mạnh, trả lời kiểu “người Việt Nam ai cũng là con của bác Hồ, ai cũng có giòng máu cách mạng cả!” Đó là cách tạo huyền thoại vốn là sở trường của giới lãnh đạo cộng sản từ Âu sang Á, có thế thiên hạ mới nể. Đến như “anh hùng nặn” Lê Văn Tám mà cũng lắm đứa có ăn có học tin tưởng ngưỡng mộ thì cha con gã là người bằng xương bằng thịt lại chả hơn sao!
Đó là tóm tắt về thân thế của Ba Chuột, nay xin trở lại câu chuyện chiều hôm nay.
***********
Bữa giỗ năm nay có phần đặc biệt hơn bởi Ba Chuột còn mừng một loạt “thắng lợi rực rỡ” mới đạt được trong thời gian qua. Dẫu trong tháng Tư, không phải chuyện rực rỡ giải phóng miền Nam; cái đó xưa rồi và bây giờ cũng chẳng ai còn cho là thắng lợi thắng liếc gì nữa. Năm nay Ba Chuột ăn mừng khi củng cố vững chắc cái ghế mà mấy thằng “đồng chí lưu manh”, mấy con trâu cột luôn luôn rình rập hất cẳng gã đi để giành lấy.
Ngồi nơi phòng khách sang trọng, Ba Chuột đưa tay lật chồng báo cũ trên bàn. Bỗng mắt gã lóe lên khi thấy tờ báo có in tấm hình “thằng mất dạy” hai tay trong còng trên trang nhất mà bọn đàn em cẩn thận gởi cho gã để lập công. Thằng này coi bộ cứng đầu nghen, thân phận tù đày mà cái mặt vẫn kênh kênh trông dễ ghét làm sao! Mới đó mà đã hơn sáu năm từ ngày gã nhổ được cái đinh trong mắt. Gã đã thành công khi cho thằng khốn đó đi tù 7 năm, thêm 3 năm quản chế! Chưa hết án thì tống cổ nó ra khỏi xứ, một công hai chuyện, đã khuất mắt mà lại được lòng bọn…đế quốc Mỹ. Ba Chuột lim dim đôi mắt, tủm tỉm cười một mình, đắc ý với cái diệu kế “hai bao cao su” năm xưa. Rồi như một phản ứng tự nhiên, gã đưa tay kiểm lại túi áo và cảm thấy an tâm, “kỷ vật” mà gã vẫn thủ sẵn trong mình từ ngày ấy như dấu ấn của chiến tích huy hoàng vẫn còn đó. Thở ra khoan khoái, lại quen thói của giới bình dân Nam bộ, gã bật tiếng chửi thề nho nhỏ: “Đ.M., mầy muốn chơi tao, muốn kiện tao, tao cho mầy ‘ngậm ngùi’ luôn!” Buông ra được hai chữ “ngậm ngùi”, gã càng khoái trá, cảm thấy mình văn vẻ hơn vì đó là tên một bài thơ nổi tiếng của ông già thằng khốn nạn!
Lật thêm vài trang báo nữa, Ba Chuột càng hài lòng về các bài về vụ Tiên Lãng, Văn Giang với những tiêu đề nghe rất kêu như: “Anh Ba đã đem lại niềm tin”, “Anh Ba tuyên bố vụ Đoàn Văn Vươn là trái đạo, phạm luật!”, “Thủ tướng chỉ đạo phòng chống tham nhũng”… Riêng với bài viết ca tụng là “Thủ tướng xuất sắc nhất châu Á” thì gã hơi chựng lại. Vụ này hơi bị lố, nhưng rồi gã cũng hả hê thầm nhủ: “Mấy thằng ký giả ăn lương đảng mẹ rượt này nịnh vượt chỉ tiêu luôn!”
Khách khứa bắt đầu tới, mỗi lúc mỗi đông. Ngoài những đàn em và giới làm ăn quen thuộc, năm nay gã mời cả ông bà sui vốn là “bọn phản động bám đít Mỹ” rất sớm và một số Việt kiều trong “Hội Doanh gia” mới thành lập ở nước ngoài. Đám này là tay sai đắc lực cho các thương vụ làm ăn bạc triệu của gã. Tiệc được dọn ra từ trong nhà tới ngoài sân. Trên các dãy bàn dài nem công chả phượng, rượu tây rượu tàu đủ cả. Tiếng chào mời tâng bốc lẫn nhau nghe rộn ràng như trẩy hội.
Bàn của Ba Chuột ngoài con cháu trong gia đình con có các “vị khách quí” . Đang ăn nhậu chuyện trò thì thằng cu Gật chạy tới. Cu Gật mới 5 tuổi, là con của thằng Nghị, cháu nội cưng của Ba Chuột. Gã đặt tên đó cho hợp vần với thằng Nghị và cũng để kỷ niệm nó sinh nhằm vào ngày mấy tên “đại biểu quốc hội” nhất trí cao bỏ phiếu tín nhiệm gã vào chức thủ tuớng. Ba Chuột vui sướng bế nó vào lòng nựng:
- Thằng cu của ông! Con chào các ông bà cô chú đi.
Thằng bé có gương mặt trông thật bụ bẩm, núng na núng nần, giống hệt cha nó. Cả bàn tiệc trầm trồ khen thằng bé kháu khỉnh làm Ba Chuột vui lắm. Câu chuyện lại tiếp tục, những lời khen tặng phúc đức của gia đình gã cứ tuôn ra hầu như không dứt. Buổi tiệc mỗi lúc một thêm rôm rả, ngồi đối diện bên kia bàn vợ Ba Chuột đang tâm sự với bà sui, bỗng vụt chỉ tay hướng về phía thằng cu Gật la lên:
- Anh Ba! Thằng Gật đang ngậm cái gì đó!
Cả bàn tiệc bị một phen hốt hoảng, quay lại thì thấy cu Gật đang ngậm vật gì trong miệng, đang cố nuốt mà không trôi, khóe miệng nước dãi trào ra. Vốn có chút kiến thức về cứu thương, Ba Chuột đứng vụt dậy chốc ngược đầu thằng bé xuống đất, thò ngón tay móc họng thằng bé. Cu Gật khóc thét lên rồi nôn ra một vật mềm mềm bằng cao su màu vàng, nhơn nhớt. Vợ Ba Chuột mừng quá, ôm thằng cháu nội vào lòng, dỗ dành và đồng thời cầm vật lạ giơ lên khoe, rồi trách nhẹ gã:
- Ông thiệt vô ý. Cất đồ trong túi mà chẳng cẩn thận để thằng bé nó ngậm, cũng may kéo ra được chứ không thì nguy rồi.
Nói xong chị ta nhìn kỹ lại vật đó lần nữa và bỗng tái mặt, Ba Chuột cũng sửng sốt không kém! Đó là cái “bao cao su đã qua xử dụng”! Cả bàn tiệc đồng ồ lên, nhưng vội im lặng khi thấy bản mặt chết trân của vợ chồng gã. Vợ Ba Chuột, sau một thoáng ngạc nhiên, như chợt nhận ra điều gì và cái máu hoạn tư trong người nổi dậy. Thì ra thế! Lâu nay thằng chả lạnh nhạt với mình, cứ hẹn lần hẹn lửa, bảo vì bận việc nước việc đảng! Tuy cơn nóng giận đã phừng phưng lên tới óc, chị ta chợt nhớ câu “ném chuột thì sợ vỡ bình” nên dằn lòng, bồng thằng cu giao cho cha nó rồi nói xả lả với cả bàn:
-Ông nhà tôi từ hồi làm thủ tướng đến nay vì nhiều việc quá mà mắc chứng hay quên. Nói trước quên sau, hứa đâu quên đấy…
Tối hôm ấy khi về đến phòng riêng, vợ Ba Chuột nghiến răng hỏi chồng:
-Sao ông lại giữ những thứ mắc dịch đó trong túi? Lâu nay tui có cần nó đâu? Hay là ông mới đi ăn vụng ở đâu đó?
-Bà đừng nghi oan cho tui. Thứ bửu bối này đã qua sử dụng …Tui dùng nó làm gì thì chả riêng bà mà cả thế giới đã biết rồi.
Vợ Ba Chuột vẫn còn nhớ như in “thành tích vẻ vang” ấy của chồng nhưng vẫn còn chưa tin:
-Nhưng thằng khốn đó nay đang ở bên Mỹ mà..?
-Tui đâu phải chỉ có nó là kẻ thù…
-Vậy chớ “đối tượng” tới là đứa nào?
- Làm sao kể hết, kẻ thù của tui nay nhiều còn hơn muỗi rừng U Minh. Bộ bà không nhớ vụ Vinashin với thằng Dương Chí Dũng hay sao? Nói mới khai sơ sơ thằng Phạm Quí Ngọ thì tui liền cho thằng công an khốn nạn đó đau tim liền. Còn thằng nẫu “đòi hốt liền, không nói nhiều” mới sớn sát ra Hà Nội mà đòi chơi tui thì tui cũng cho nó đi gặp bác sớm…Nhưng đó là bọn tép riu, tui còn nhiều mối lo tâm phúc, phải trừ được thì ngủ mới ngon. Hừm! Bà nhớ thằng Tư móm chớ? Nó đòi bắt sâu, nó là con sâu bự chớ ai mà đòi bắt! Lại còn thằng bạc đầu nữa, nó mới nói câu “Ném chuột thì sợ vỡ bình” mà thiên hạ đang rần rần bình phẩm đó. Mụ nội nó, nó bảo ném chuột thì không ám chỉ tui chớ ám chỉ ai?
Vợ Ba Chuột nghe chồng phân trần cũng hả hê, bèn khen:
-Ông thật là đa mưu túc kế, cái gì cũng chuẩn bị chu đáo. Nhưng gã Lú đó mà còn cơm cháo gì, ông chớ nên dùng diệu chước “bao cao su” mà thiên hạ chẳng tin!
- Ủa! Chớ xưa nay tui cần thiên hạ tin hồi nào? Cái gì xài được thì tui xài, chỉ cần cái cớ thôi mà… Bà không thấy da mặt tui nó sần hơn cái đít trâu hay sao?
Nghe chồng “tự thú”, vợ Ba Chuột cảm thấy thương hại, kéo gã vào lòng âu yếm:
- Ừ nhỉ! Ông đúng là lì như trâu mà cũng ranh như chuột! Mà là chuột cống Hà Nội ấy chớ chuột đồng Nam bộ cũng không khôn bằng. Bà già ông khi xưa quả khéo đặt tên!
Ba Chuột cũng nựng vợ, ỡm ờ:
- Thì nghe nói tui cũng có chút máu “cách mạng” của Bác Hồ mà mụ hổng biết sao!
San Diego, Tháng Tư 2015.
(Bài viết cho Đặc San Mũ Đỏ – 2015)
(Tác giả gửi đăng)