Trước giờ phòng phiếu ở cửa 5 tiểu bang vùng Đông Bắc: Đường vẫn còn xa
Ngày này tuần trước, cả hai ứng cử viên dẫn đầu của đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa đã làm được điều cần phải làm: cùng thắng lớn ở tiểu bang New York để bước vào giai đoạn cuối cùng của cuộc đưa vòng sơ bộ.
Với ông tỷ phú Donald Trump, New York là tiểu bang nhà, cũng là nơi ông xây dựng tên tuổi trên thương trường trước khi bước vào chính trường, với bà Hillary Clinton, New York là tiểu bang bà khởi đầu sự nghiệp chính trị với 8 năm giữ vai trò thượng nghị sĩ ở tòa nhà Quốc Hội Liên Bang, trước khi bà loan báo tranh cử tổng thống hồi 2008. Thất bại ở cuộc vận động lần đó hầu như không cản trở đường tiến thân của bà: 4 năm giữ chức ngoại trưởng (2009-2012), sau đó có 2 năm để sửa soạn cho cuộc đua 2016.
Điều đáng tiếc: chiến thắng lẫy lừng của ông Trump cũng như của bà Clinton vẫn không xóa tan được mối lo âu của cử tri cùng đảng. Với ông Trump, họ lo ngại sự hiện diện của ông sẽ khiến đảng Cộng Hòa mất cơ hội nắm hành pháp, những lời phát biểu mang tính kỳ thị ông thường đưa ra sẽ đẩy đảng tới chỗ đầy khó khăn khi muốn giữ khối đa số ở Thượng và Hạ Viện Liên Bang; với bà Clinton, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày cử tri Dân Chủ thấy cảm tình người dân Hoa Kỳ dành cho bà xuống thấp hơn, hình ảnh một Hillary “chắc chắn trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ” gần như không còn nữa.
Bên cạnh những lo âu của đảng là nỗi lo của chính ông Trump và bà Clinton: tất cả đối thủ chính trị của họ đều không bỏ cuộc. Bên Dân Chủ ông Bernie Sanders nhất quyết đi đến cùng, bên Cộng Hòa 2 ông Ted Cruz và John Kasich lập liên minh chính trị, kết hợp chung với “phong trào bài Trump” để ông tỷ phú nổi tiếng khắp thế giới không có cơ hội trở thành người đại diện cho đảng ra tranh chức tổng thống. Nói cách khác: cả ông Trump lẫn bà Clinton đều hiểu con đường dẫn họ đi tới chiến thắng vẫn còn xa và nhiều khó khăn, cho dù bà Clinton từng dòng dõng dạc bảo “chiến thắng đã gần kề” hoặc ông Trump nói với người ủng hộ “không ai có thể qua mặt được chúng ta”.
Trở ngại đó đến từ đâu? Câu trả lời: đến ngay từ những cuộc thăm dò cử tri khi họ vừa rời phòng phiếu ở những tiểu bang đã bầu sơ bộ. Nhìn chung, cứ 5 người bỏ phiếu ủng hộ ông Sanders thì 4 người cho hay sẽ không bỏ phiếu chọn bà Clinton làm tổng thống, cứ 10 cử tri Cộng Hòa thì tới 6 người nói họ “lo âu” hoặc “sợ hãi” khi nghĩ đến hình ảnh ông Trump ngồi làm việc trong Phòng Bầu Dục, đồng thời gần 60% cử tri Cộng Hòa cũng nói chuyện “đánh đấm, chỉ trích nhau bằng những lời lẽ thiếu đứng đắn” là nguyên nhân khiến đảng bị chia rẽ, cuộc tranh cử 2016 không có “khí thế chính trị”: như những cuộc tranh cử trước đây.
Khó khăn thì có, nhưng thành công ở New York hồi tuần trước vẫn là chiến thắng chính trị lẫy lừng, giúp ông Trump và bà Clinton vượt qua tất cả những trở ngại kể từ khi cả hai cùng thất bại ở vòng bầu sơ bộ tại tiểu bang Wisconsin. Hơn thế nữa, thành công tại New York còn tạo khí thế để cả hai bước vào cuộc đua sẽ diễn ra ngày hôm nay ở 5 tiểu bang vùng Đông Bắc, bao gồm Pennsylvania, Maryland, Connecticut, Delaware và Rhodes Island.
Trước khi phòng phiếu mở cửa ở những tiểu bang có tên nêu trên, phần đông các quan sát viên bầu cử Hoa Kỳ cho hay có thể ông Trump vẫn không kiếm được 1,237 phiếu đại biểu để đại diện đảng, bà Clinton dù đang trên đường thành công nhưng chắc cũng phải đợi đến ngày mùng 7 tháng Sáu -là ngày cuộc bầu cử sơ bộ cuối cùng diễn ra- mới có đủ 2,383 phiếu ủng hộ. Nếu dự đoán đó đúng thì từ cuộc tranh cử tổng thống 1976 đến giờ, đây là lần đầu tiên cử tri Dân Chủ lẫn Cộng Hòa phải đợi cho đến giờ chót -hoặc gần chót- mới biết ai là hai ứng cử viên sẽ tranh nhau chức tổng thống cho nhiệm kỳ tới.
Vì thế, những cuộc bầu cử sơ bộ ngày hôm nay trở thành quan trọng, đặc biệt tại Pennsylvani và Maryland với tổng số đại biểu chẳng kém gì số đại biểu của New York. Các cuộc thăm dò mới nhất đều nói ông Trump và bà Clinton dẫn trước ở 2 tiểu bang này -bỏ xa các đối thủ-, nhưng ở ba tiểu bang Connecticut, Delaware và Rhode Island, tình hình cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ, phần thắng có thể thuộc về bất kỳ ai. Điều đó cho thấy cuộc đua vẫn chưa thể kết thúc, cử tri hai đảng vẫn tiếp tục phải chờ thêm vài tháng nữa mới biết ứng cử viên nào sẽ đại diện cho họ.
Trong thời gian chờ đợi, cảnh đấu đá vẫn tiếp tục diễn ra -đặc biệt, ở phía đảng Cộng Hòa. Với liên minh mới thành lập, hai ông Ted Cruz và John Kasich chia nhau “giữ đất” để cản đường tiến của ông Trump: ông Cruz cố thủ ở Indiana, ông Kasich lãnh trách nhiệm dựng tuyến phòng thủ tại Oregon và Mexico. Chiến thuật mới này không khiến ông Trump nao núng, cho rằng “cả Cruz lẫn Kasich đều rối trí, chẳng biết phải làm gì”, tiếp tục gọi ông Cruz là “tên ba xạo” và chê bai ông Kasich là “kẻ ăn uống nhồm nhoàm, không có tư cách của người lãnh đạo”.
Bên Dân Chủ cũng đấu đá, nhưng trong có vẻ nhẹ nhàng hơn. Trong các cuộc vận động, bà Clinton chê bai đối thủ Bernie Sanders là người “thiếu thực tế”, chỉ biết nói để kiếm phiếu “dù biết những điều ông ta nói không thể thực hiện được”. Ông Sanders vẫn tiếp tục thu hút cả chục ngàn người, tiếp tục chỉ trích bà Clinton là người của “nhóm tài phiệt bề thế” chứ không phải là người cử tri trông chờ, hứa hẹn “sẽ đi tới cùng”, cho tới ngày “chiến thắng thuộc về chúng ta”.
© Nguyễn Văn Khanh
© Đàn Chim Việt