Một buổi sáng giàu kịch tính tại vườn hoa Lý Thái Tổ
Đọc những lời “có cánh” của ông Dương Danh Dy trên BBC người ta cảm thấy có quyền hy vọng rằng năm nay buổi lễ tưởng niệm chẵn 40 năm Hoàng Sa mất về tay cướp biển Trung Cộng chắc phải có cái gì khác. Sao lại không nhỉ, dầu không nói ra thì như thông lệ, ai mà chẳng biết Nhà nước đã bật “đèn xanh” cho các báo được đề cập đến câu chuyện Hoàng Sa.
Mà gì chứ động đến những điều đã từng ứa máu trong trái tim mỗi người về quyền bảo vệ độc lập thiêng liêng của Tổ quốc thì phải biết, nói bao nhiêu và trong bao nhiêu ngày cho vơi cạn được! Bài vở phong phú mấy đi nữa cũng không thể nào gọi là vừa. Vì thế mới có hiện tượng các tờ báo đã rộ lên đưa tin, viết bài, khiến một người từng trải như ông Dương Danh Dy không khỏi khấp khởi trong bụng. Chúng tôi đều trong tâm trạng đó. Rồi lại có lá thư tha thiết của ông Nguyễn Khắc Mai gửi đến các vị lãnh đạo đất nước, mong một lễ tưởng niệm được diễn ra suôn sẻ và đầy xúc động trong sự “đồng thuận” giữa hai bên, dân chúng và nhà cầm quyền. Ai có lòng với dân với nước mà không mong như thế, không tưởng tượng trước trong đầu mình một hình ảnh “mỹ mãn” như thế. Một lễ tưởng niệm thật trang nghiêm, lại có sự góp mặt của ít ra cũng một vị lãnh đạo ở cấp nào đó, thôi thì không phải tối cao đi nữa ít ra cũng là đại biểu cho Hà Nội chẳng hạn, sẽ giải tỏa đi biết bao điều gây nên hố ngăn cách ngày càng sâu từ mấy chục năm qua, và là cơ hội ngàn vàng để thực hiện cái điều mà Hà Nội từng tuyên ngôn cao giọng cũng đã suốt mấy chục năm, kể từ đầu thập niên cuối thế kỷ XX cho đến tận hôm nay, nhưng vẫn chỉ là chuyện “bọt mép”: chuyện hòa giải hòa hợp giữa những lực lượng khác chính kiến với nhau do cuộc chiến bi thảm gây nên song chưa có cơ hội hàn gắn, trái lại càng thêm nứt rạn bởi những chính sách tệ hại mà “bên thắng cuộc” đã độc đoán thi hành.
Cố nhiên việc các báo đột nhiên im re từ hai ngày trước lễ kỷ niệm cũng đã cho ta ngửi thấy một cái gì đó có vẻ là bất thường. Dù sao, đã là hy vọng ấp ủ trong ngần ấy năm trời ai mà chịu để nguội tắt. Đó chính là những gì ám ảnh trí óc tôi trong buổi sáng mát lạnh ngày Chủ nhật 20-1 tôi ngồi trên xe ôm đi ra bờ Hồ Gươm. Dúng 8 giờ rưỡi tôi xuống xe sát mép vườn hoa Chí Linh. Nhìn về phía tượng đài Lý Thái Tổ thấy người đã tập hợp rất đông, dàn thành một hàng về phía trái bức tượng, còn khắp công viên thì người đứng lố nhố và khuôn mặt nào như cũng có vẻ tươi tỉnh, trong lòng đột nhiên thấy bừng lên một niềm vui rạng rỡ. Lại thêm có cái gì như khói trắng từ dưới tượng đài bốc lên che mờ cả pho tượng. Ô, thế ra người ta đốt nhang nhiều đến thế kia ư? Hay đây là một thứ pháo xịt mua của các cửa hàng Tàu, đốt lên cho thêm long trọng? Nghĩ thế, tôi náo nức bước nhanh lên các bậc cấp và đi về phía tượng đài.
Và tôi đã… hoàn toàn vỡ mộng. Người biểu tình quả đến rất đông, mới 8 giờ rưỡi mà đã có trên một trăm, đủ cả mặt quen và lạ. Nào Nhóm Cánh Buồm với nhà giáo Phạm Toàn dẫn đầu, có các đệ tử đi sát theo sau. Nào nguyên Viện trưởng IDS Nguyễn Quang A với chiếc blouson nhung nâu vàng cũ quen thuộc và khuôn mặt quắc thước bởi một vết sẹo ở dưới gò má trái rất đặc trưng cho tính cách của anh. Nào nhà văn Dương Tường đôi mắt long lanh và lớp râu cằm trắng lởm chởm sáng nay chưa kịp cạo. Nào Ba Sàm cầm một cây sào inox trên là chiếc camera treo lủng lẳng nhằm thâu tóm tất cả quang cảnh đang sôi động trước mắt. Nào Thượng tá Nguyễn Văn Cung hai tay hai máy, không nói chỉ cười vì bận bịu tác nghiệp. Nào Nguyễn Xuân Diện chạy hết phía này sang phía nọ, mắt nhìn như muốn điểm xem có thiếu ai không. Rồi Nguyễn Lân Thắng, Đào Tiến Thi, Lê Anh Hùng, Bích Phượng, Hà Thị Xuân, Lã Việt Dũng…, đặc biệt Phan Châu Thành, người bạn cao lớn khỏe mạnh hôm trước còn tặng tôi cuốn cẩm nang Hoàng Sa Trường Sa hôm nay đã phải chống gậy đi rất khó khăn nhưng dáng bộ vẫn mạnh mẽ. Hai anh em ôm lấy nhau, cái ôm nồng nhiệt như đang ôm Hoàng Sa trong tay mình. Còn anh chị em đội bóng NoU thì đứng khắp nơi, đâu cũng nhìn thấy. Lại có cả rất nhiều dân oan với ảnh cụ Hồ đen trắng thời kháng chiến chống Pháp vừa đi vừa giơ lên ngang ngực như cho người ta biết mình không bao giờ quên câu khẩu hiệu “Người cày có ruộng” ông cụ nói thuở nào – có bà ở tận Bình Dương xa xôi cũng ở trong đoàn người này – mà điểm phân biệt họ với dân Hà Nội là cái dáng lam lũ, lếch thếch, nước da đen xạm vì dầu mưa dãi nắng. Đoàn người còn tiếp tục lũ lượt kéo tới, lát sau đã thấy vợ chồng GS toán học Nguyễn Đông Yên, anh chị ấy bị chậm chân một chút vì cứ tưởng buổi lễ sẽ cử hành trước tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” nên quanh quẩn đàng ấy khá lâu.
Nhưng tất cả cái khối người đông đảo ùn ùn kéo đến và hăm hở từ xa đều đột nhiên vỡ mộng như tôi, vì ai cũng như ai, bị ách cả lại chừng 20 mét trước tượng đài Lý Thái Tổ. Một tốp thợ đá đang chia nhau ngồi lầm lỳ cưa xẻ những phiến đá lớn nhỏ xung quanh tượng đài (mà chốc sau, khi đã vãn cuộc tôi đi quanh nhìn ngó mới biết các phiến đá họ cưa chỉ là cưa để lấy bụi nên ném vương vãi khắp nơi, hằn sâu lằn ngang lằn dọc như những chú chó đá há miệng cười trong truyện cổ tích, đến là khôi hài). Thì ra đám bụi bốc lên rất cao che mờ cả bức tượng mà vừa đến đầu đường tôi cứ tưởng là khói hương nghi ngút, chính là đám bụi đá do những người thợ đá “hành nghề không đúng lúc” này đây. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau: một mưu kế đáng gọi là “kịp thời” nhưng cũng đáng gọi là “cùng kế” của đám bộ máy chức năng, cốt để cản trở buổi lễ mà họ cầm chắc là sẽ rất xúc động – mà sự xúc động của lòng dân thì chính là điều bất lợi với nhà cầm quyền nếu nó được tổ chức trọng thể. Dĩ nhiên, với người đã đến đây tưởng niệm thì bụi đá đâu có thấm gì. Người nào cũng hăng hái bước tới, sẵn sàng xông qua đám bụi không ngại lấm lem quần áo để áp sát tượng đài. Thì đã có đây rồi: một đám người mặc thường phục chờ sẵn làm thành hàng rào đẩy họ bật trở lại. Tôi nhìn lướt đám người lặng thinh mà bặm trợn: áo xanh cứt ngựa, áo xanh lá cây năm nay không có nhiều, có thể nói so với mọi năm là một con số không đáng kể, ngay trên khu vực tượng đài chỉ độ mươi lăm cậu là cùng. Nhưng kẻ khoác áo thường phục thì đông vô kể, đông hơn hẳn người biểu tình. Mới vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc có khác, bộ mặt của đội quân chức năng đã được cố tình “trang trí” lại cho hợp với tình thế mới, tuy rằng các xe cảnh sát vẫn đậu nhan nhản ở các ngả đường và vẫn phát oang oang những lời không có gì khác trước: “Đồng bào hãy giải tán ngay, không tụ tập đông người ở vườn hoa… lợi dụng vấn đề nhân quyền làm cho tình hình phức tạp…”.
“Chúng cho thợ mang máy cưa xẻ đá ngồi ngay trước tượng đài,gây tiếng ồn và bụi bay mù mịt, bảo là khu vực đang thi công… mặc dù chả có cái gì cần xây sửa ở chỗ này!”.
“Đây là một khối đá mà chính quyền Hà Nội cho mang vào ngay dưới chân tượng đài vua Lý, rồi dùng máy xẻ đá cắt ngang cắt dọc để gây tiếng ồn và bụi khói bay mù mịt, hòng ngăn cản lễ tưởng niệm được diễn ra trong sự trang nghiêm, thành kính”.
Cuộc xô lấn đã diễn ra liền ngay đó, kèm theo một “sự cố” có thể nói là mới mẻ: có những kẻ cầm sẵn nơi tay một chiếc loa to với âm lượng phát hết cỡ, đứng lẫn vào đám đông chĩa thẳng tận tai bà con và nói một câu lặp đi lặp lại: “Mời đồng bào giải tán ngay không tụ tập ở đây để thợ đá còn thi công cho kịp tổ chức lễ Tết nguyên đán”. Người nói không thay đổi âm lượng và khuôn mặt lạnh tanh không biểu cảm, nói liên miên lặp đi lặp lại có mỗi một câu, nhưng âm thanh phát ra thì xói vào tai với một cảm giác rởn người, nghe không ai chịu nổi. Chính tôi cũng đã bị chiếc loa ấy đẩy bật mình đi mặc dù không có ai đẩy cả. Chắc đây là một mưu kế mới học được của “ông anh” rồi, ngay cả chiếc loa cũng rất đáng ngờ là họ mới thửa được của Tàu và đề thêm chữ CAND vào đấy. Nhưng điều mà kẻ sinh sự không ngờ tới lại chính là chiếc loa tội nợ đó, bởi nó là nguyên cớ làm bùng lên một cơn giận dữ đột nhiên không ai có thể lường. Lập tức những tiếng hô: “Đả đảo bọn tay sai bán nước”, “Đả đảo bọn tay sai của Tàu Cộng” vang dội lên, muôn người như một chĩa miệng trở lại sát vào mặt kẻ cầm loa hô tiếp theo nhau, và dồn dập không ngớt, khiến tôi quan sát thấy rõ kẻ này có lúc đã phải chùn. Sự nhục nhã hình như đã bắt anh ta dao động trong giây lát. Anh Dương Tường ghé tai tôi nói: “Tôi thấy thương cho anh ta quá anh ạ, anh ta phải muối mặt làm một việc mà chắc trong thâm tâm cũng tự thấy tởm cho chính mình, nhưng lại không thể không làm”. Tôi gật đầu với anh, nhưng chưa kịp nói câu gì đã phải quay mặt lại ngay vì sau một lúc có vẻ như bị ứ nghẹn, tiếng loa lại tiếp tục cất lên với cái giọng đều đều rởn người như trước. Người đọc loa vẫn không có động thái nào tỏ ra giận dữ song loa thỉ vẫn chĩa sát vào tai đám người đối diện một cách thách thức, buộc họ phải né người hoặc lui một bước. Giữa tình thế “giáp mặt” đang căng như vậy, kịch tính bỗng nhiên đã nảy sinh. Khi chiếc loa chĩa vào J.B. Nguyễn Hữu Vinh thì anh đứng thẳng ngay người lại, nghiêm trang lật chiếc mũ phớt xuống, vểnh tai lên và nói: “Nào cứ phát lên, phát to lên, tôi sẵn sàng nghe đây”. Chiếc loa lần này đã không làm lay đảo được anh và mọi người nhìn anh hân hoan, cứ như một Lệnh Hồ Xung đang hiên ngang lâm trận và chiến thắng, đến nỗi một kẻ trẻ tuổi đi sát bên kẻ phát loa đã phải sấn đến cố dùng sức để ẩy con người gang thép đứng trước mình làm cho anh ta xốn mắt, và đành giải quyết bằng sức mạnh cái điều mà anh phát loa bất lực hoàn toàn.
Nguồn: http://www.tintuchangngayonline.com/2014/01/video-va-hinh-anh-tuong-niem-40-nam.html
Cuộc mít tinh trước tượng đài thế là không tổ chức được. Anh Toàn rút ra một tờ giấy bảo: “Có mấy câu tưởng niệm liệt sĩ đây định để anh đọc, nhưng còn làm thế nào mà đọc bây giờ”. Tôi cười bảo: “Cứ cất vào túi làm kỷ niệm cái ngày lịch sử hôm nay. Biết đâu đấy, sách giáo khoa Cánh Buồm sẽ in nó”. Vậy mà, người Việt thật là dẻo dai và ứng biến thật linh động. Trong khi nhiều người “tai mắt” đang bận ứng phó với những kẻ phát loa cùng một đám lầm lầm đi theo với khí thế của vai và cơ bắp ở phía gần bức tượng thì ở một phía xa hơn, bà con đã nhân cơ hội tụ tập lại rất đông trước những bậc thềm đi xuống khoảng sân rộng nhìn ra mặt Hồ Gươm. Và thế là khẩu hiệu ở đâu rút ra liền, đủ loại đủ cỡ, trắng đỏ như bươm bướm: “Tẩy chay 16 chữ vàng và 4 tốt”, “Sang năm tới Hoàng Sa”, “Tổ quốc ghi công các anh hùng liệt sĩ”, có cả một băng rôn dài in hình liệt sĩ Ngụy Văn Thà trẻ trung với những lời trân trọng: “Đời đời nhớ ơn anh hùng Ngụy Văn Thà và đồng đội”… Phan Châu Thành đặt gậy sang một bên tay, rút từ trong xắc một tấm băng rất to màu xanh: “Đả đảo Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam – Quyết giành lại biển đảo của Tổ quốc” và mọi người cầm lấy giương cao lên. Không khí trang nghiêm của cuộc mít tinh bắt đầu. Mỗi tiếng hô dõng dạc “Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam”; “Các liệt sĩ Hoàng Sa đời đời bất diệt” thì tiếng hô đế theo rền vang làm chấn động cả quảng trường kèm theo mỗi người một cành hoa trắng bọc nilon từ đâu giơ cao lên đều tăm tắp. Cứ như thế có đến 15 phút và sự phấn khích lan tỏa trên nét mặt của hầu như tất cả những ai đang hiện diện. Có lẽ đây chính là cao trào của buổi sáng hôm nay và chắc chắn cái thông điệp nén trong lòng người dân Việt giờ đây đã có dịp phụt ra, bay đến tận tai Bắc Kinh.
Không ngờ phía những người biểu tình lại có được một thành công ngoài ý muốn, đám người cầm loa và những kẻ hộ vệ lật đật bỏ ngay việc đứng chắn trước tượng Lý Thái Tổ để phát loa, chia nhau chạy tới dẹp những người đang tụ tập và hô khẩu hiệu. Nhưng họ chỉ phí công. Mọi sự đã xong rồi. Người ta tản ra, người thì quay trở lại phía tượng Lý Thái Tổ để dâng hoa, bấy giờ đám thợ cưa đá cũng đã biến đâu mất tăm không còn một bóng nào nữa, tha hồ cho đồng bào tự do đặt hoa và khấn vái; người thì kéo ra phía con đường bao quanh Hồ Gươm chuẩn bị một cuộc biểu dương lực lượng như mọi lần. Đi đầu là các bà dân oan tay cầm ảnh cụ Hồ, dấn bước với gói bị lếch thếch. Chàng Ba Sàm cầm chiếc gậy inox lêu đêu đã kịp đi trước để quay cuộc diễu hành của bà con. Nhưng thế này thì gay go to cho các chú chức năng. Đã thua trong cuộc đọ sức vừa qua, vì sơ hở để cho đám đông vẫn cứ tập hợp để hô vang khẩu hiệu được, bây giờ mà lại để cho cuộc diễu hành thực hiện nữa thì rõ là hai bàn thua trông thấy. Thế là kẻ cầm loa cùng đội ngũ bỏ luôn loa, kêu gọi nhau tất lực chạy theo đám diễu hành. Họ chạy băng giữa đường Đinh Tiên Hoàng, hùng hổ xông lên trước đoàn, đẩy bật đoàn trở lại. Sức mạnh cơ bắp vốn được dùng quen thuộc mọi lần nay mới có dịp phô ra không còn giấu giếm. Đối tượng bị co kéo trước tiên và có lẽ cũng là chủ yếu chính là đám các dân oan. Người nào cũng bị những bàn tay to lớn lôi giật, làm cho dúi dụi, cướp phá cả đồ đạc trên tay, phải hai ba người hè nhau co kéo với họ kể từ chiếc dép mới thoát.
Một đám côn đồ với trật tự xúm vào đánh mấy phụ nữ.
Nhìn những người thấp bé mặt đen đủi, nhễ nhại mồ hôi, tôi cứ thầm hỏi: “Vì sao họ lại là đối tượng hàng đầu của an ninh trong một cuộc biểu dương lực lượng nhẳm bày tỏ lòng yêu nước và mối thù không đội trời chung đối với lũ Tàu Cộng tàn bạo và vô cùng thâm hiểm thế nhỉ?”, “Họ là mối đe dọa thực sự của Đảng và Nhà nước đấy sao?”. Vừa đi vừa bần thần suy nghĩ mà thú thực tôi vẫn không sao tìm được lời giải cho mình. Chốc sau, khi cuộc diễu hành đã bị giải tán, một thanh niên đã bị hai kẻ thường phục ép sát giải đi ngược trở lại phía vườn hoa Lý Thái Tổ, các bà dân oan mệt nhọc lê gót trở về, đi qua chỗ tôi và các anh Phạm Toàn, Dương Tường đang ngồi nghỉ trên một chiếc ghế đá quay mặt ra Hồ Gươm, một bà dừng lại than thở với chúng tôi: “Các anh ơi, mẹ còn gì nữa đâu. Con mẹ chết trận, nhà mẹ chúng cướp rồi. Bây giờ mẹ lấy đường làm nhà đi khắp từ Nam ra Bắc. Tiện gặp biểu tình đây thì mẹ tham gia thôi”. Các anh Toàn và Tường an ủi mẹ, riêng tôi không hiểu sao chợt liên tưởng tới những cái chợ tại trung tâm Thủ đô Hà Nội, chúng cũng bị cướp đi một cách trắng trợn và thương tâm như cuộc đời của mẹ vậy. Chúng bị bán sạch, để cho những tay doanh nhân hám lời chiếm lấy làm của riêng xây trung tâm thương mại, không chừa một cái nào; còn dân thì tất tật phải ra náu tạm tại các đường phố Phùng Hưng, hai bên bờ sông đường Láng, một vườn hoa gần đường Linh Lang, v.v. Nói chung cứ nơi nào náu được thì náu với lời hứa rất ngon lành của những kẻ đứng đầu thành phố, rằng đấy chỉ là trú tạm, ít lâu nữa sẽ trở về khi khu chợ đã “đàng hoàng to đẹp hơn”. Nhưng rồi có bao giờ người buôn bán lại được trở về chốn cũ nữa đâu vỉ chợ đã biến thành của riêng, còn đường phố Hà Nội thì vốn đã nhếch nhác lại nhếch nhác thêm một tầng nấc nữa. “Của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng…”, sau này chắc khi viết lịch sử Thủ đô các ông Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc… sẽ phải tính điểm cho mấy ngài Phạm Quang Nghị, Nguyễn Thế Thảo, nhất định là thế. Họ đã có công giảm bớt đi được những đường phố vốn trước rất đàng hoàng mà nay thì không bao giờ tìm thấy lại, trừ phi đẩy đám người buôn bán gọi là “tiểu thương” đang náu tạm ở những mái nhà lụp xụp kia gia nhập vào đám dân oan. Dám thế lắm. “Đất nước ngày nay có những người cứ phải đi phiêu lưu cùng trời cuối đất mà không biết đi đâu”, câu nói ấy của anh Hoàng Ngọc Hiến trong hội thảo kỷ niệm 35 năm văn học cách mạng ở đâu bỗng hiện ra ám ảnh tâm trí tôi.
Sau khi đám dân oan ghé lại tâm sự vài câu rồi đi được một chốc, bỗng chúng tôi lại nghe tiếp một giọng nói quen thuộc phát ra từ phía sau lưng: “Mấy người đứng dậy đi ngay đi, đừng ngồi ở nơi này mà mất trật tự. Và nhớ là đừng có nghe Nguyễn Quang A. Trong khi tôi đây đi bộ đội thì anh ta đi học nước ngoài”. Cái giọng không có loa mà không lẫn vào đâu được, đúng là anh cầm loa đối diện với bà con lúc nãy trước tượng đài. Bây giờ anh ta mới bộc lộ cá tính thật. Anh Dương Tường cười bảo: “Cậu ta cứ tưởng mấy bố này không đi bộ đội mà chỉ có mình cậu ta chắc. Thế mà lúc nãy cứ thương cho cậu ta bị dân hành”. Các cô gái trẻ đệ tử anh Toàn vẫn giọng nhỏ nhẹ nói: “Đây là vườn hoa mà anh ta ăn nói cứ như ông tướng”. Còn Anh Toàn đưa mắt nhìn theo bóng cậu ta: “Cậu ta đi nhanh quá chứ không thì bảo ngồi ghé xuống đây chơi với bọn mình ta đối thoại một lúc. Biết đâu có một mẫu người hay cho cuốn giáo khoa Cánh Buồm lấy làm đề tài được đấy”.
Nhân anh Nguyễn Đông Yên và vợ đi qua chào, tôi cũng đứng lên gọi xe taxi, kết thúc một buổi sáng được chứng kiến những vở chính kịch và hài kịch xen lẫn nhau trong cái ngày cách đây đúng 40 năm 74 người con chân chính của đất nước Việt Nam đã ngã xuống giữa biển khơi vì Tổ quốc. Chắc ngày ấy họ không thể đoán được 40 năm sau cái chết của họ lại có lắm chuyện đến là trớ trêu: kẻ hô hào rất nhiều về độc lập tự do – “không có gì quý hơn độc lập tự do” – thì có hay đâu từ mình lại nảy nòi ra một “đàn hậu sinh” trở thành phường quyết liệt chống phá người yêu nước đến là trơ trẽn, còn người dân bên phía chiến tuyến đối lập với họ – những “ngụy quân” trong cách nói đầu cửa miệng một thời của các ông lãnh đạo –, thì cũng có hay đâu nay lại tìm thấy ở họ một niềm an ủi làm cho mình thấy ấm lòng.
N.H.C. (BXV)
Chú thích: Ảnh không ghi nguồn là lấy từ FB của Nghiêm Việt Anh
THẢO LUẬN RIÊNG
Dear Vybui,
Tôi không phải là con chiên Kitô giáo (nhánh Roman Catholic), nhưng vẫn hằng quan tâm đến giáo hội mẹ Vatican và các giáo hội con của giáo phái này.
Có một số chuyện tôi chưa rõ lắm, nên mong qua ông (một người có vẻ rất thấu hiểu nội bộ), cho biết ý kiến riêng về một số việc sau:
1/
Ông nghĩ sao về các vi chủ chăn ở các tổng giáo phận thời trước và sau 1975 ?
Cụ thể hai vi hồng y họ Trịnh ở Hà Nội; đức tổng Bình ở SG và tổng Điền ?
Rồi thêm chuyện tổng phó quyền kế vị Nguyễn Như Thể lại làm đơn xin từ chức, do bất đồng chính kiến với tổng Điền (hay vì lý do nào khác ?), nhưng rồi sau Vatican lại cử về Huế với sự OK của CS.
2/
Tổng Kiệt cuối cùng văng khỏi Tổng giáo phận Hà Nội, nên giải thích thế nào cho ổn thoả ?
3/
Tôi rất ngạc nhiên khi Vatican thu xếp ổn thỏa với HN, để cho ông đại diện là hồng y (quên tên) sang Hà Nội chủ lễ cho việc tấn phong một loat mấy chục ông linh mục ngay tại nhà thờ chính toà HN.
Rồi việc tách ra lập một giáo phận mới ở Long Khánh, một nơi đa phần là dân Bắc Di cư.
4/
Qua câu phán rất “iêng hùng” trong góp ý trước * Riêng những lẩn thẩn về chính trị thì còn phải được …khai sáng nhiều!” (sic), nhân đây tôi cũng xin con chiến nhà Chúa (ông) nói rõ luôn dùm, hehehehe :-) !
Cám ơn nhiều và chúc cuối tuần thân tâm an lạc nhớ :-) !
Lão Ngoan Đồng
Chào ông LMC,
Rất tiếc đây là chỗ mà chúng ta không nên ‘thảo luận riêng”!
Để trả lời cho đủ những thắc mắc của ông, cần vài chục ngàn chữ!
Nó hoàn toàn đi ngoài chủ đề(bài viết) mà độc giả đang thảo luận.
Nên tránh những kẻ thiếu thiện chí xen ngang khi bàn về một v/đ “nhạy cảm’ là tôn giáo.
Riêng với mục số 4, dù không đồng ý với ông về nhiều chuyện, nhưng vẫn tôn trọng ý kiến ông. Với cái cười vui…”hehehe.”..mà tôi biểu lộ thì câu nói này chỉ có ý…đùa vui!. Còn nếu vô tình làm phật lòng ông, tôi xin rút lại. Hẹn ông trong một chủ đề khác.
Thương tiếc Ngụy văn Thà và đồng đội: nên.
Vinh danh Hải quân VNCH: cần suy nghĩ lại. Đánh nhau có 30 phút mà bõ chạy, thì sự việc rất nên nghĩ lại.
Có những việc khác cũng rất đáng đau lòng: Những đảo ở Trường sa bị Phi và Đài loan chiếm đóng phải chăng bị mất vào thời VNCH? và lý do mất như thế nào các bác học giả trí thức … có đặt câu hỏi không và có thiệt tâm muốn có câu trả lời hay không?
Đúng, có 30 phút thôi mà đã lên giọng, sao chúng chả chịu quì lạy từ Sai Gòn qua đến Bắc Kinh nhể, có lẽ sẽ khỏi phải cần đánh đấm gì cả, cứ việc giao mấy hòn đảo ấy, cần thiết thì luôn cả giải đất hình chữ S cho khựa giữ dùm, khi nào cần thì lấy lại thôi, làm chi to chuyện.
Trong trận Hoàng Sa, ngoài chiếc Nhật Tảo bị đắm, những chiếc còn lại đủ khả năng để chống trả trận thứ nhì mà chắc chắn sẽ nặng nề hơn trận trước ? Chắc chắn là không . Thế thì, tại sao cứ nằng nặc buộc họ phải làm bia thịt như vụ Gạc ma 1988 nhỉ ?
Còn mấy cái đảo ở Trường Sa, VNCH có đủ sức đương đầu một lúc nhiều kẻ thù trong khi còn phải bảo vệ lãnh thổ trước sự xâm lăng thô bỉ của người anh em miền Bắc ? Chưa tái chiếm không đồng nghĩa mặc nhiên công nhận chủ quyền của những kẻ chiếm đóng trái phép .
Đánh thua thì chạy . Nhưng không bao giờ “Thưa đồng chí Tổng Lý …” tán thành việc người thầy, người đồng chí vĩ đại cướp nước mình .
Nghe giọng điệu bỉ ổi của “Biển Đông”, tôi chợt nhớ đến bài hát của nhạc sĩ Việt Khang :”Anh Là Ai” mà cứ bới lông tìm vết, mai mỉa chiến công của những người đổ máu xương bảo vệ biển đảo quốc gia .
Dư lợn viên nếu không mù không điếc thì cũng bị bệnh chậm trí khôn . Ngay cả báo chí trong nước cũng đã thuật lại cuộc chiến đấu anh dũng của hải quân Việt Nam Cộng Hòa từ lúc đầu cho đến phút cuối .
Vào ngày 11-3-1945 khi Hoàng Đế Bảo Đại đọc bản Tuyên Ngôn Độc lập, tuyên bố xé bỏ các bản hoà ước bất bình đẳng đã ký với thực dân Pháp từ thế kỷ trước, tuyên bố Việt nam Độc Lập, đặt quốc hiệu là “Đế Quốc VIệt nam, thì lãnh thổ VN vẫn toàn vẹn bao gồm TS & HS.
Chỉ sau khi bọn cộng sản Hồ chí Minh tiến hành cuộc phản bội tháng 8-1945 cướp chính quyền VN, đặt chính quyền VN vào tay bọn cộng sản, đưa cs Hồ chí Minh lên làm chủ tịch nước, với ý đồ dựng nên tại VN một nhà cầm quyền cộng sản theo con đường Mác Lê tội ác, thì vào năm 1946 Đài loan mới tiến vào chiếm lấy Ba bình.
Trước tình hình ấy, thay vì làm nhiệm vụ của một “chính quyền” đúng nghĩa, lên tiếng phản đối Đài loan, bảo vệ lãnh thổ VN, thì bọn cộng sản VNDCCH, “chính phủ Hồ chí Minh”, cs Hồ chí Minh, cs Võ Nguyên Giáp, tên đồ tể Hà nội 1946, lại chỉ lo ám sát & giết hại người bất đồng chính kiến, thực thi lời dạy dỗ & huấn luyện của cs Hồ chí Minh: “muốn cho cái xác chìm xuống, các chú phải mổ bụng, bổ đôi cái bao tử ra, thì cái xác mới chìm xuống”
Để mất Ba bình vào tay Đài Loan từ 1946 là do trách nhiệm & tội ác của bọn cs VNDCCH & cs Hồ chí Minh & cs Võ NGuyên Giáp & cs Phạm Văn Đồng.
Đây là thành tích của hai thằng cướp Nguyễn Thế Thảo và phạm Quang Nghị.
LỢI DỤNG VẤN ĐỀ HOÀNG SA ĐỂ KÍCH ĐỘNG BIỂU TÌNH – ĐÚNG LÀ LŨ PHÁ HOẠI —————— Biển Đông đang được coi như miếng mồi béo bở mà bất cứ nước nào cũn…g phải thèm muốn. Các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra trên biển Đông ngày càng gia tăng, bất chấp các quy định của luật pháp quốc tế (cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển). Đây cũng được coi là vấn đề dễ lợi dụng nhất của các đối tượng phản động nhằm chống phá Việt Nam. Ngày 19/1 hàng năm được coi là ngày kỷ niệm trận hải chiến trên quần đảo Hoàng Sa giữa hải quân Việt Nam Cộng hòa và hải quân Trung Quốc. Tính đến nay đã được 40 năm, cả đất nước Việt Nam luôn biết ơn 74 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, nhiều trang mạng đã đăng những bài viết kêu gọi xuống đường dưới hình thức biểu tình để phản đối những hành động gây hấn của Trung Quốc. Liệu đó có phải hành động đúng đắn trong bối cảnh hiện nay hay không? Những năm trước, cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra tại Hà Nội chủ yếu là học sinh, sinh viên, là đội ngũ trí thức của đất nước. Tuy nhiên, nhiều người lại không hiểu và không biết những kẻ đứng đằng sau dật dây, gây dựng cuộc biểu tình là nhằm mục đích gì. Họ đâu phải đòi quyền lợi cho Việt Nam, cũng chẳng muốn chống lại Trung Quốc. Mục đích chính của nhứng kẻ chỉ dám đứng đằng sau hô hào là phá tan khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chia rẽ Việt Nam với các nước trên thế giới. Là người có trình độ, có học thức, mọi người cần phải hiểu rõ ảnh hưởng của những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc có tác động như nào đến đất nước ta: Thứ nhất, hoạt động biểu tình không theo quy định pháp luật sẽ gây mất an ninh trật tự tại nơi đó, ảnh hưởng đến hoạt động sống, kinh doanh, buôn bán, đi lại của mọi người xung quanh khu vực đó. Tiêu biểu là hoạt động biểu tình chống chính phủ đang diễn ra tại Thái Lan khiến nền kinh tế của nước này ảnh hưởng nặng nề, cuộc sống người dân tại thủ đô Bangkok gặp nhiều khó khăn, các hàng quán phải đóng cửa trong thời gian dài. Thứ hai, hoạt động biểu tình ít nhiều sẽ gây phương hại đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc nói riêng, giữa Việt Nam với các nước trên thế giới nói chung. Uy tín về sự ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của Việt Nam trên trường quốc tế bị giảm sút. Đây là cơ hội để các nước đế quốc có cớ can thiệp vào hoạt động nội bộ của Việt Nam. Ai cũng biết đến cuộc biểu tình, nội chiến tại các nước Trung Đông và sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Irắc, Syria, Libya,…Chắc hẳn không ai trong chúng ta muốn Việt Nam cũng như các nước đó. Thứ ba, việc học hành, công việc của chính những người đó cũng bị ngưng trệ vì phải tham gia vào hoạt động biểu tình. Khác hẳn với suy nghĩ của nhiều người, những hoạt động biểu tình, tụ tập đông người tại nơi công cộng như thế là trái pháp luật và đương nhiên sẽ bị xử lý đích đáng. Đảng và Nhà nước ta không bao giờ đừng ngoài cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong thời hòa bình và luôn phải tuân thủ pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế. Việt Nam đã và đang sử dụng có hiệu quả các biện pháp đấu tranh ngoại giao để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, mọi người dân Việt Nam cần có ý thức trong các vấn đề liên quan đến biển đảo, thực hiện đúng theo chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, không để các đối tượng phản động lợi dụng, kích động biểu tình như các năm vừa qua.
” Lại Mạnh Cường says: 22/01/2014 at 14:18
Thưa bà con, Tôi xem kỹ các hình ảnh những blog khác và nhận thấy rõ rằng, TUỴỆT NHIÊN KHÔNG CÓ CỜ QUẠT LẪN HÌNH ÔNG HỒ trong lần này.
Thay vào đó là HÌNH CHIẾN HẠM HQ-10 NHẬT TẢO VÀ HẠM TRƯỞNG NGỤY VĂN THÀ !”
Thanh niên & sinh viên & học sinh , người biểu tình ở Hà nội trong ngày 19-1-2014 hiểu rõ người lính VNCH hy sinh trong trận Hoàng Sa 40 năm trước là vì chiến đấu, dưới lá cờ vàng, chống lại quân xâm lăng Trung cộng,
trong khi ấy thì dưới lá cờ đỏ cộng sản, cs Hồ chí Minh, cs Lê Duẩn, đảng cộng sản VNDCCH cờ đỏ, nhà cầm quyền cộng sản VNDCCH…, lại đã cắt HS dâng cho chủ nô Trung cộng của chúng,
nhờ sự chống lưng của Trung quốc, nhiwf súng đạn Trung quốc mà cs VNDCCH & cs Hồ chí Minh, & cs VNG & cs PVD đã chia cắt VN, khủng bố người dân miền bắc, dựng nên chế độ cộng sản VNDCCH đê tiện gian ác, phi nhân phản dân tộc, vong bảnnngoaji lai tay sai giặc tàu tại miền bắc VN.
trong khi ấy thì “ngoại giao” & “trí thức” & “sử gia” cờ đỏ cộng sản không ngừng nịnh bợ chủ nô Trung cộng, xác nhận HS là của Trung cộng.
***** tháng 1-1974, khi HS bị Trung cộng tấn công & xâm lăng, QLVNCH đánh trả quân Trung cộng
thì dưới lá cờ đỏ cộng sản, cs Lê Duẩn đã cho quân cộng sản bắc Việt xâm nhập vào VNCH đâm sau lưng người lính VNCH cờ vàng, ngăn cản người lính VNCH tập trung nỗ lực bảo vệ HS chống lại quân Trung cộng xâm luọc,
trong khi chính quyền VNCH, tại các diễn đàn quốc tế, quốc nội, lên tiếng với quốc dân & đồng bào, lên tiếng với quốc tế, phản đối, lên án Trung cộng xâm lăng
thì cộng sản cờ đỏ, cs Lê Duẩn, cộng sản VNDCCH đã im lặng, đồng lõa với TRung cộng xâm lăng HS,
trong khi người dân VNCH, tại VNCH, tai khắp nơi trên thế giới, biểu tình lên tiếng phản đối & kết án Trung cộng xâm lăng
thì dưới lá cờ đỏ cộng sản, cs Lê Duẩn, bọn trí thức cộng sản chân chính tim đỏ thẻ đỏ, trí thức kiki, trí thức “đảng lãnh đạo”, trí thức 19-5,
lại, hòng mong hóa giải & trấn áp sự phản đối của người dân miền bắc, lừa gạt người dân miền bắc với luận điệu bịp bợm & trơ trẽn mà chỉ có bọn phản quốc & nô lệ ngoại bang thâm căn như cộng sản VN HCM mới có thể nói như vậy , rằng, “đồng chí Trung quốc giữ HS dùm ta”, !
***** Cho nên thật là sai lầm, nhố nhăng, chỉ là phản bội tử sĩ HS, chỉ là nhục mạ tử sĩ HS, chỉ là đồng lõa với cs Hồ chí Minh bán nước, chỉ là phản quốc khi mang theo Hồ chí Minh& cờ đỏ cs đi biểu tình.
Đi biểu tình chống quân TC xâm luọc mà mang theo cs Hồ chí Minh & cờ đỏ cộng sản, còn có nghĩa là mang theo người chứng ủng hộ Trung cộng, xác nhận luận điệu kẻ cướp của Trung cộng [đòi làm chủ HS] là “đúng”, tức là phản bội ý nghĩa cuộc biểu tình, tức là phá hoại cuộc biểu tinh.
Vì thế người biểu tình đã không mang theo Hồ chí Minh, không mang theo cờ đỏ cộng sản.
***** Chỉ riêng “trí thức Hà nội & sĩ phu bắc hà” NGuyễn Huệ Chi mang theo Hồ chí Minh đi biểu tình(*)hòng làm chứng gian xưng tụng Hồ chí Minh, hòng làm chứng gian che dấu tội ác Hồ chí Minh, che dấu tội phản quốc cho Hồ chí Minh, làm chứng gian cho Trung cộng làm chủ HS, phản bội cuộc biểu tình, nhục mạ tử sĩ HS .
Trích dẫn tùy tiện,
có đầu không đuôi !!!
NỬA CHIẾC BÁNH MÌ VẪN LÀ CHIẾC BÁNH MÌ
NHƯNG NỬA SỰ THẬT KHÔNG CÒN LÀ SỰ THẬT !
LỜI DỐI TRÁ BẨN THỈUI NHÂT LÀ
LỜI DỐI TRÁ CÓ KÈM CHÚT SỰ THẬT !
Lão Ngoan Đồng
Sao hòn đá lài nằm trên bãi cỏ, phải chăng đây là sự sắp đặt vu cáo vì xung quanh tượng đài là sân chứ làm gì có cỏ
XIN PHÉP BAN BIÊN TẬP CHO ĐĂNG BÀI TƯỜNG THUẬT RẤT HAY NÀY CỦA RFI
VỀ LỄ TƯỞNG NIỆM HOÀNG SA TẠI CÂU LẠC BỘ NGUYỄN VĂN BÌNH, THÀNH HỒ
=====
RFI Chủ nhật 19 Tháng Giêng 2014
Saigon phải tưởng niệm Hoàng Sa trong lặng lẽ :
Chính quyền lúng túng trước Trung Quốc ?
Thụy My
Tại Saigon, không có hoạt động nào hôm nay 19/01/2013 để kỷ niệm 40 năm trận hải chiến bi tráng, sau buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, tổ chức tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình ở số 43 Nguyễn Thông chiều qua.
Tham dự buổi lễ có khoảng 100 người trong đó có giáo sư Tương Lai, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng, tiến sĩ Phạm Chí Dũng…Đặc biệt còn có sự hiện diện của hai bà quả phụ Huỳnh Thị Sinh và Ngô Thị Kim Thanh, vợ góa của các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa là Ngụy Văn Thà và Nguyễn Thành Trí.
Theo những hình ảnh trên mạng, gian phòng diễn ra buổi lễ không có một băng-rôn nào về Hoàng Sa – Trường Sa, mà chỉ có những dòng chữ viết mờ nhạt, rất khó đọc trên tường « Tưởng niệm, tri ân & cầu nguyện cho các đồng bào & chiến sĩ đã bảo vệ biển đảo », và chữ « Hoàng Sa – Trường Sa » ở phía dưới gần như không đọc nổi.
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng dạy tại trường đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhận định chung:
RFI : Nhưng dù sao cũng còn hơn là ở Saigon, vì không thấy có hoạt động nào, trừ buổi lễ tưởng niệm hôm qua mà những dòng chữ viết trên tường cũng rất mờ nhạt ?
PGSTS Hoàng Dũng : Tôi là người có tham dự buổi đấy, phải nói là rất bất ngờ khi chỉ có một tấm bảng, trên đó viết bằng bút mấy dòng chữ để tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ ở Hoàng Sa, rất là nhạt. Chính tôi chụp ảnh mà cũng không thấy rõ được.
Tại sao như vậy ? Thì tôi có đi hỏi một người có trách nhiệm. Họ cho tôi biết, tất nhiên là với tất cả sự dè dặt, rằng rất có thể là do an ninh – do những người phụ trách về chính trị, an ninh gây áp lực cho Dòng Đa Minh, là đơn vị tổ chức, chủ sở hữu địa điểm 43 Nguyễn Thông. Đến mức những người tổ chức không biết là có thể được tổ chức hay không.
Cuối cùng khi đã được tổ chức, họ có ra một điều kiện là không được có băng-rôn, biểu ngữ gì cả, đẩy phía tổ chức vào thế bị động. Vì trước đây theo tôi biết là họ đã có chuẩn bị băng-rôn rồi, chứ không phải đến nỗi là không có gì cả. Nhưng đến khi bị ra lệnh như thế, mà bên này thì muốn tổ chức, nên không kịp chuẩn bị một cái gì đó đẹp hơn, để ít ra người ta cũng thấy là chu đáo, thì không làm kịp.
Cũng theo tôi biết, người ta đòi phải bảo đảm không được biểu tình. Tôi nhớ là anh bạn kể cho tôi chuyện này đã nói rằng ở trong khuôn viên của 43 Nguyễn Thông thì chúng tôi bảo đảm, nhưng mà ra ngoài thì đó là chuyện của các anh, tôi không biết được.
Có thể nói với chị sơ qua cái không khí như thế. Tôi xin nói lại, nếu cho đó là thông tin chính thức thì không phải, vì chả ai nhân danh người tổ chức để trả lời chính thức như vậy. Nhưng đó là những tin do bạn bè cho biết, và ở Việt Nam thì những cái tin như thế này không xa sự thật bao nhiêu đâu.
RFI : Cám ơn ông đã cho biết những chi tiết trên. Nhưng ông nghĩ gì, khi sau đúng bốn mươi năm, những người đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa lại một lần nữa bị lãng quên ?
Tôi thấy khó nói rằng một lần nữa bị lãng quên, mà trong lòng của từng người dân – những người nào biết nghĩ về đất nước thì họ không thể quên được. Và ngay cả báo chí « lề phải », tuy dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Ban tuyên giáo, của cấp trên, nhưng vừa rồi họ cũng có làm được nhiều chuyện về Hoàng Sa.
Họ công khai nói về cái chết của những người đã ngã xuống ở Hoàng Sa năm 1974. Họ đi vào chi tiết nữa cơ, chứ không phải chỉ nhắc qua đâu. Tờ Tuổi Trẻ chạy một loạt đến năm bài liền, tờ Thanh Niên cũng như vậy. Sự lặng đi của báo chí « lề phải » chỉ mới xảy ra một, hai ngày nay thôi. Tức là sự thay đổi chính sách nó nhanh lắm, và cũng mới đây thôi.
Có thể nói rằng quên thì không phải quên, nhưng tất cả những chuyện khi cho phép, khi thì không cho phép – tôi xin mở ngoặc, ngay cả khi không cho phép cũng không có nghĩa là quên – phản ánh một chính sách ở trên họ lúng túng không biết đối xử với Trung Quốc ra làm sao. Hoặc thậm chí đối xử với nhau như thế nào. Họ chưa kịp nghĩ, hay là nghĩ rồi mà không có cách giải quyết !
Tôi nghĩ việc chỉ đạo báo chí khi thế này, khi thế kia phản ánh tình hình đó. Chứ không phải lúc họ chợt nhớ, lúc lại quên bẵng.
RFI : Ông có nghĩ là do bị áp lực từ phía “bên kia” ?
Bên kia là bên nào hả chị ?
RFI : Dạ, từ Trung Quốc chẳng hạn…
À, cái đó tôi không rõ. Mà người ta đoán là như thế. Nhưng thực ra chuyện chính trị ở Việt Nam là một thứ chính trị hũ nút, không ai cho ai biết đâu. Chúng ta có thể biết được rất nhiều tin ở nước ngoài, thậm chí tôi có thể biết kỹ lưỡng cái tin Tổng thống Pháp đi vào thăm cô vợ đang bị sốc nằm ở bệnh viện. Thế nhưng khó thể đọc cái tin như thế ở Việt Nam, về những ông lãnh đạo Việt Nam.
Người dân Việt Nam hoàn toàn có quyền tự do tìm hiểu tin tức của toàn thế giới, chứ còn ở Việt Nam thì không. Thành thử tôi không có đủ thông tin để nói như vậy.
Nhưng mà vấn đề ở chỗ này : Nếu người ta cứ làm như thế, thì tránh sao được người dân nghĩ rằng lãnh đạo Việt Nam đã bị phương Bắc làm áp lực rồi, và phải chịu thua cái áp lực đó.
RFI : Xin rất cảm ơn Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước hết, cần phải có một đính chánh trước khi “vào việc”.
Dòng Đa Minh không phải là “đơn vị” tổ chức. Việc này do cái gọi là Câu Lạc Bộ Phao Lô Nguyễn Văn Bình (tên cuả cố Tổng Giám Mục GP Sài Gòn, mà ngày nay thường được gọi là Giáo Phận TP HCM) có trụ sở tại số 43 Nguyễn Thông, TP HCM. Đây nguyên là Cư Xá Phục Hưng dành cho SV CG cư ngụ trước 1975, do Dòng Đa Minh chi Lyon( Pháp) quản lý, đã bị CS “mượn” để làm trụ sở Hội Trí Thức Yêu Nước thành Hồ. Năm 2003 được trả lại cho GHCG và năm 2006 thì là trụ sở cuả CLB Phao Lô Nguyễn Văn Bình theo sự “chỉ đạo” hay gợi ý cuả chính quyền. Theo chủ trương của những người lập ra nó thì đây là” NƠI GẶP GỠ, TRAO ĐỔI, THẢO LUẬN VÀ HỌC HỎI GIỮA NHỮNG NGƯỜI CÔNG GIÁO DẤN THÂN PHỤC VỤ GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI VN HÔM NAY THEO TINH THẦN PHÚC ÂM”. Nó được mang danh cuả vị cố TGM cuả Giáo Phận Sài Gòn vì những người sáng lập CLB “muốn tiếp nối tinh thần ĐỐI THOẠI (với CS) và SỐNG PHÚC ÂM GIỮA LÒNG DÂN TỘC cuả vị này. Vị TGM tuy không “thân Cộng” nhưng SỢ Cộng Sản cho đến chết, đã để lại biết bao hệ luỵ cho GHCGVN, cách hành xử của Ông với CS đã như một cái “dớp” mà những người kế vị dù muốn dù không vẫn phải(bị) bước theo!
Nói gọn lại đây là một tổ chức cuả MỘT SỐ người CG “cấp tiến”, giáo sĩ có, giáo dân có, nó đóng vai trò CẦU NỐI giữa chính quyền và giáo quyền tp hcm. Chủ tịch là LM, nay là GM Phao Lô Nguyễn Thái Hợp, chủ chăn cuả Giáo Phận Vinh, một người lập trường khá mù mờ. Phó là Nguyễn Đình Đầu, một tay thân cộng từ khi còn ở Pháp và vài nhân sự trong cái gọi là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo, một tổ chức c/q lập nên để sai khiến, bị tuyệt đại đa số giáo dân khinh bỉ, tẩy chay.
Trong quá khứ CLB này đã định tổ chức một cuộc hội thảo có tên là ” Công Lý và Hoà Bình cho Biển Đông”, đã gửi thư mời đến một số cá nhân, cơ quan truyền thông, nhưng sau đó đã bị CS “bịt miệng” nên phải gửi thư đi xin đình hoãn…”cho đến tết Công- Gô’!
Trở lại điểm chính là việc tổ chức cầu nguyện, tưởng niệm ĐỒNG BÀO, CHIẾN SĨ tử trận ở Hoàng Sa, Trường Sa cuả CLB thì đối với nhà cầm quyền CS dù ở bất cứ điạ phương nào chúng ta cũng không đủ ngôn từ để thoá mạ chúng, sự khốn nạn đã vượt mức chịu đựng. Ở đây chỉ nói riêng với nhóm tổ chức, CLB Phao Lô NVB là nếu không làm được cho ra hồn, đến nơi đến chốn, thì tốt nhất nên thông báo và nói rõ lý do cho đồng bào cả trong lẫn ngoài nước cũng như dư luận quốc tế, như là một hình thức tố cáo dã tâm cuả CS, nó sẽ có hiệu quả hơn là phải làm “lén lút”, đầu voi, đuôi chuột, rất bất xứng với cả người đã chết và đặc biệt với hai bà quả phụ cuả các ông Nguỵ Văn Thà, Nguyễn Thành Trí hiện diện hôm đó.
Để thấy sự thực như thế nào, mời quý độc giả vào trang Huỳnh Ngọc Chênh có đầy đủ hình ảnh: huynhngocchenh.blogspot.com/2014/clb-phaolo-nguyen-van-binh-tochuc.html
Xin dẫn lời một độc giả phê phán Ban Tổ Chức:
” Các anh tưởng niệm kiểu gì mà vài chữ viết trên bảng cũng không xong!”
Có lẽ, phải mượn tựa đề bài viết cuà ông Lê Diễn Đức để nói lên tâm tình cuả rất nhiều người trong chúng ta: ” HÃY CỨ ĐỂ CÁC ANH LÀ ‘NGUỴ’ “!!!
Xin chào Vybui và xin thưa qúi đồng hương,
1/
Trước tiên xin cám ơn đã thông tin rất chính xác và đầy đủ về lịch sử của Ban Tổ chức, lẫn địa điểm tổ chức Lễ Tưởng niệm Hoàng Sa sau 40 năm, ở trên đường Nguyễn Thông.
2/
Xin hỏi thêm Vybui, còn một cơ sở của Kitô giáo, nhánh giáo hội Vatican La Mã (Roman Catholic), ở cuối đường Hiền Vương, nằm kề sát công trường Dân Chủ gọi là gì?
Đó là nơi có một thư viện nhỏ bao quanh bởi sân lớn, mà vào mùa hè 1970, tôi đã ngồi học bài thi khi đang là sinh viên năm thứ hai (bình thường tôi ngồi học hàng ngày ở thư viện Trung tâm Đắc Lộ, nhưng nơi này đóng cửa tạm thòi vì lý do gì không rõ, hình như nghỉ hè, nên tôi phải “di cư” qua nơi mới.Năm đó do biểu tình lộn xộn trong trường y nên tổ chức thi cuối năm muộn hơn các phân khoa khác). Nghe nói nơi đây cũng thuộc Trung tâm Phục Hưng ???
Hồi ấy tôi buồn cười mãi, bởi thấy bố cáo các ông linh mục tại đó mở khoá giảng cái gọi là “nam nữ trước ngưỡng cửa hôn nhân” !
Rồi mình lẩn thẩn tự hỏi, chẳng rõ các ngài dậy những gì cho học viên, một khi chính các ngài đa phần còn là giai tân khi khấn mình hầu Chúa !? Hổng lẽ mấy ổng cầm cẩm nang “Nam nữ y học bửu giảm” làm bửu bối gối đầu giường chăng !?
Có một sáng sớm ngồi một mình trong thư viện, tình cờ tôi nhìn qua cửa sổ thư viện, thấy nắng mới lên chiếu “xiên khoai”, làm vàng rực ngọn cây của hàng me (?) dọc theo đại lộ Hiền Vương thật tuyệt đẹp, làm mình liên tưởng đến câu hát “ngàn cây thắp nến lên hai hàng” trong bài Nắng thủy tinh của Trịnh Công Sơn. Rồi thầm phục tay nhạc sĩ họ Trịnh có tài viết lời đặt nhạc đẹp như một bài thơ.
3/
Tôi không ưa cái gọi là “Câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình”, bởi thấy tụ tập dân trong Nam (có cả dân Bắc 75, như nhà thơ Nguyễn Duy mà tôi rất thích), thuộc loại “sớm đầu tối đánh”, “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, kiểu như Nguyễn Đình Đầu, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng … ngồi tùm lum trong đó.
Tuy nhiên với đức Tổng Nguyễn Văn Bình của tổng giáo phận Sài Gòn, nay tôi có cái nhìn khác hơn về ông. Xưa tôi nghe đồn và nhất là đọc Nhật ký của lính mục cởi áo dòng Nguyễn Ngọc Lan, do đám Tin Nhà ở Paris xuất bản, tôi ghét cực kỳ đức Tổng Bình, nhưng lần hồi lại thông cảm cho ông ở trong thế “trên đe dưới búa”, muốn bảo vệ giáo hội nên đành muối mặt “giả dại qua ải” !
Tương tự khi bàn về giáo hội Kitô ngoài Bắc, dẫn dắt bởi hai vị hồng y cùng mang tên thánh Giuse Maria Trịnh Như Khuê (1898-1978) và Trịnh Văn Căn (1921-1990). Hai vị chủ chăn đã suốt đời “đội mũ gai đi chân trần” trên đoạn đường núi Sọ, với mục đích duy nhất cố bảo toàn giáo hội sống còn trong thời mạt pháp !
Tình cờ tôi đọc đâu đó một giai thoại là, trên sân thượng (?) nhà thờ chính toà Hà Nội, có một vòng tròn hiện diện. Đó là dấu chân của hồng y Khuê (Căn ?) đã đi lòng vòng trên sân, mỗi khi đức tổng giáo phận Hà Nội gặp phải vấn đề nan giải với nhà nước CS, thế là ngài cứ cuốc bộ vòng vòng trên đó suốt đêm, để tìm phương chữa cháy ! Chuyện này rất thường xuyên, nên ngài đã để dấu ấn lại đời sau thật rõ ràng như đã tả ở trên.
Hồi tưởng lại lịch sử giáo hội Kitô thời CS, ở ba miền đất nước, mỗi vị chủ chăn ở mỗi tổng giáo phận (Hà Nội, Huế và Sài Gòn) có những hành xử khác nhau, do tình thế, do tính nết … nhưng tựu chung tất cả đều hy sinh cho đại cuộc, và chịu phần thiệt về mình.
Thú thật trong các vị thánh ấy, tôi thương cảm và qúi mến nhất đức tổng Nguyễn Kim Điền (1921-1988) ở Huế, vốn thuộc ngành Tiểu Đệ !
Cái chết mờ ám của Ngài làm tôi càng căm thù CS, cho dù tôi không phải là con chiên của ông Kitô, cũng như chỉ biết đến Ngài khi đã ở hải ngoại mà thôi.
3/
Với tôi dù sao đám Câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình cũng làm được một việc gọi là “góp gió thành bão” trong lúc khốn khó này.
Nếu đọc lời binh đã dẫn của Vy bui trich từ bài viết đăng trong blog của Huỳnh Ngọc Chênh (một ông vốn “xanh vỏ đỏ lòng”, nhưng đã “hồi chánh”), cũng nên đọc bài tường thuật khá hay bên trên đó, (đáng tiếc là tôi đã cân nhắc rồi bỏ qua, bởi kô thể mượn đất quá nhiều của Đàn Chim Việt, e rằng Ban Biên tập “nổi sùng”, sẽ ko cho đăng do thấy dài dòng quá)
[trích]
Nhân kỷ niệm 40 năm cuộc hải chiến bảo vệ Hoàng Sa (1.1974 – 1.2014), chiều nay 18.1.2014, vào lúc 16h CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức thánh lễ tưởng niệm, tri ân và cầu nguyện cho tất cả đồng bào và chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) tại Phòng họp Phạm Tiên Long, 43 Nguyễn Thông, Quận 3 TP.HCM, dưới sự Chủ tế của Linh mục Nguyễn Trọng Viễn, PCN CLB Phaolo Nguyễn Văn Bình.
Đến tham dự thánh lễ khoảng 100 người, chúng tôi thấy sự hiện diện của NNC Nguyễn Đình Đầu, Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, GS Tương Lai, PGS.TS Hoàng Dũng, TS Nguyễn Thị Phương Anh, TS Phạm Chí Dũng, TS Nguyễn Xuân Nghĩa, Nhà báo Lê Phú Khải, Nhà văn Hoàng Hưng, ông Huỳnh Kim Báu, Nhà báo Thế Thanh… Đặc biệt với sự có mặt của Bà Quả phụ Ngụy Văn Thà (Nhũ danh Huỳnh Thị Sinh), Bà Quả phụ Nguyễn Thành Trí (Nhũ danh Ngô Thị Kim Thanh).
Mở đầu, NNC Nguyễn Đình Đầu đã ôn lại quá trình bảo vệ tổ quốc trên Biển Đông bằng bài tham luận “Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam”.
“Hòa bình không thể tách rời khỏi những đòi hỏi của công lý, được hổ trợ bằng sự hy sinh, lòng khoan dung nhân từ và tình yêu thương của con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các quốc gia, nhất là các nước lớn mạnh biết tôn trọng các công ước quốc tế được ký kết, biết đối xử bình đẳng, tôn trọng giữa các quốc gia và biết đối thoại trong sự thật để xây dựng hòa bình trên thế giới và khu vực”, đó là một trong những lời nguyện trong thánh lễ.
Đáp từ, GS Tương Lai bằng bài phát biểu rất nóng, “Nếu tôi không cháy lên, nếu anh không cháy lên, nếu chúng ta không cháy lên, thì làm sao bóng tối có thể trở thành ánh sáng” vì sự tồn vong của quốc gia dân tộc.
[hết trích]
Cũng trên blog Huỳnh Ngọc Chênh, bài khác với đoạn tường thuật thật cảm động đáng chú ý
[trích]
Mở đầu buổi lễ, Linh mục Chủ tế nêu rõ: “Chúng ta nhớ lại lịch sử Hoàng Sa không để oán thù mà để khơi dậy lòng yêu nước, yêu hoà bình và công lý”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã đọc bài luận văn quan trọng “Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam”, trong đó ông lược thuật diễn biến lịch sử của việc quản lý liên tục Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam từ các chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1945), Bảo Đại (1949), Việt Nam Cộng hoà (1955) cũng như quá trình Trung Quốc (Cộng sản) xâm chiếm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Kết thúc bài nói, ông chân thành bộc lộ tâm sự của một trí thức công giáo Sài Gòn đã từng ủng hộ miền Bắc trong cuộc “kiến tạo độc lập – thống nhất”: “Sau tháng 4/1975, dần dần tôi mới thấy ý đồ của TQ đã từ lâu vẫn giữ não trạng “đại Hán” xâm chiếm từng mảng lãnh thổ hay lãnh hải của nước ta mỗi khi có nguy cơ ngoại xâm hay nội chiến. Nói ra quá đau lòng, nhưng đó là sự thật”.
Linh mục Lê Quốc Thăng, người con của một sĩ quan hải quân Sài Gòn (tàu HQ 5) bảo vệ Trường Sa và cháu của hai sĩ quan tham gia chiến đấu trên HQ 10 trong trận chiến bi hùng 17-19/1/1974, đã kết thúc phần giảng lễ với lời nguyện: “Hòa bình không thể tách rời khỏi những đòi hỏi của công lý, được hỗ trợ bằng sự hy sinh, lòng khoan dung nhân từ và tình yêu thương của con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các quốc gia, nhất là các nước lớn mạnh biết tôn trọng các công ước quốc tế được ký kết, biết đối xử bình đẳng, tôn trọng giữa các quốc gia và biết đối thoại trong sự thật để xây dựng hòa bình trên thế giới và khu vực”.hi có nguy cơ ngoại xâm hay nội chiến. Nói ra quá đau lòng, nhưng đó là sự thật”.
(…)
Sau buổi lễ, một số anh em đến nhà của bà Ngô Thị Kim Thanh, một căn hộ ở chung cư Trần Quốc Toản, để thắp nhang cho liệt sĩ Nguyễn Thành Trí. Vừa đến cầu thang chung cư, thì gặp hai nhà báo Huy Đức và Mạnh Quân đang ôm một giỏ hoa quả đi lên.
Sau khi thắp nhang, kỹ sư Đỗ Thái Bình và nhà báo Huy Đức thông báo cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Thành Trí và cả bà quả phụ Ngụy Văn Thà về kết quả cho đến nay của chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa. Hai anh nhấn mạnh chương trình sẽ là một điểm nối kết Nam Bắc, thúc đẩy tình cảm hòa giải hòa hợp dân tộc. Hoàng Sa – đó là nơi chúng ta thấy rõ kẻ xâm lược. Mà xâm lược thì thời nào cũng vậy, là kẻ thù chung của con dân nước Việt, bất kể Nam hay Bắc.
[hết trích]
Kết, nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng nửa sự thật … không còn là sự thật nữa !
Tôi rất trân qúi mọi đóng góp cho đại cuộc, không phí phạm nhân vật lực như bọn CS trong lúc đất nước khốn khó, thiếu trước hụt sau như hiện nay.
Kính cáo,
Lại Mạnh Cường
Ông Lại Mạnh Cường,
1) Đó là trụ sở cuả Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo (Viện) Đại Học Sài Gòn ( số 229 đường Hiền Vương Sài Gòn). Là một trong 3 cơ sở thuộc Dòng Đa Minh. Hai cơ sở kia, một là Tu Viện Mai Khôi số 44 Tú Xương, hai là Cư Xá Phục Hưng số 43 Nguyễn Thông, nơi dành cho NAM sinh viên, bất kể tôn giáo.
2) Cũng may là chỉ lẩn thẩn tự hỏi, chứ nếu mà ông Đốc tương lai “khoe dốt” lúc bấy giờ chắc chắn sẽ được it nhất một cái… xoắn tai rồi mới được nghe giảng :
*Những người tổ chức không nhất thiết là phải biết hết mọi chuyện. Cộng tác với họ là những chuyên gia như các bác sĩ, các nhà tâm lý, các nhà giáo dục và trên hết là phần trình bày cuả những người chủ xướng, họ đứng trên quan điểm Giáo Lý, Luân Lý( về hôn nhân) cuả GHCG để giúp các người tham dự có cái nhìn đúng đắn về hôn nhân.
* Hôn nhân KHÔNG CHỈ LÀ những hoạt động tính dục, còn nhiều lãnh vực khác cần được học hỏi như cần sửa soạn tâm lý cho những bạn trẻ hiểu biết nhau, chịu đựng và khích lệ nhau trong đời sống hôn nhân. Cung cấp những hiểu biết về những loại bệnh tật do các giao tiếp tính dục phát sinh, cách phòng ngừa… Những bậc cha mẹ tương lai cũng cần biết tối thiểu về dinh dưỡng để nuôi con, biết tâm lý trẻ để giáo dục chúng và đặc biệt đối với những cặp sắp kết hôn là những người theo CG cần phải biết mục đích cuả hôn nhân, giáo lý hôn nhân( tại sao hôn nhân được nậng lên tầm ‘Bí Tích”, tại sao lại có tính cách vĩnh viễn…) luân lý hôn nhân( ngừa thai theo phương pháp nào và tuyệt đối không được phá thai v.v…chẳng hạn.). Như thế dù là những anh “giai tân” chưa đọc qua hay chưa thực hành … “Ái Tình Bửu Giám” thì cũng có …việc để làm chứ?
* Riêng những lẩn thẩn về chính trị thì còn phải được …khai sáng nhiều!
Hẹn dịp khác. Hehehe!!!
Dear Vybui,
Thảo luận riêng thêm một chút về chính chị chính em nhớ ?
Tôi mang còm lên bên trên cho rộng rãi, OK ?
LMC