Nẩy mầm trong Tự do
Chúng tôi cưới lúc HH đang học năm cuối bậc cử nhân tại viện Đại Học Đà Lạt. Cưới xong, sống với đồng lương lính Việt Nam Cộng Hòa. Với đồng lương đó mà phải mướn nhà để ở nữa thì dễ dàng hình dung được chúng tôi đã sống như thế nào. Nhưng rất hạnh phúc!
Chấp nhận như thế với hy vọng sau khi HH hoàn tất Đại học sẽ bắt tay vào gầy dựng tương lai. Chúng tôi không có giấc mơ của cô bé đang đội thúng trứng trên đầu mà mơ có một đàn gà, rồi bán đàn gà để mua con bò sữa… mừng đến nỗi nhảy cẫng lên làm thúng trứng rơi xuống đất. Không, không mộng mơ như thế. Nhưng lịch sử miền Nam bị sang trang đột ngột chúng tôi bỗng chốc trở thành cô bé đó. Và còn hơn thế nữa. Không những vỡ mấy cái trứng trên đầu mà còn vỡ nát cả trái tim! Giấc mơ bị gãy đổ. HH trở thành nạn nhân của học lực. Tôi trở thành nạn nhân của “ôm chân đế quốc, bán nước cầu vinh”.
Chế độ mới đẩy HH về vùng Kinh tế mới. Đẩy tôi vào trại Tập trung cải tạo! Đêm đêm phòng họp đốt đèn dầu. HH ôm đứa con mới sinh vào lòng để nghe xỉa xói “tội ác ngụy quân/ngụy quyền”, để biết như thế nào là “công điểm/hợp tác xã”. Như thế nào là cuốc đất, trồng khoai, làm cỏ… Biết “bình bầu tiên tiến”. Biết như thế nào là “lao động là quang vinh”! Tôi phải biết như thế nào là “ăn gan người, uống máu người”! Phải biết như thế nào là “khoan hồng nhân đạo của chế độ ưu việt Xã hội Chủ nghĩa”, là “đỉnh cao trí tuệ của loài người”…! Còn Thông cáo “Tập trung 10 ngày” trở thành thời gian lê lết từ trại giam nầy đến trại giam khác, từ Nam ra Bắc. Thân tàn ma dại từ giữa rừng thiêng đến hai vòng tường cao nghễu nghện có công an canh gác ngày đêm, với hai ba tầng cửa khóa, với tháng năm vô tận! Phải hiểu ra là “ngày XHCN” khác hẳn với ngày thường. Thời gian của XHCN là thứ thời gian khác, không phải tính bằng vòng quay trái đất, ngày/đêm có 24 giờ!
Điều lạ lùng nhất là cùng là người Việt Nam, cùng trên một đất nước mà họ gọi là “Thống Nhất”, nhưng đem lưu đày chúng tôi ra phía Bắc? Tại sao trước khi đưa chúng tôi đến một vùng nào thì đã tuyên truyền cho đồng bào sống quanh đó rằng chúng tôi là “bọn giết người”, “ăn thịt người” như trở bàn tay? Chế độ đã “giáo dục” người miền Bắc ghê tởm người miền Nam, rồi tin tưởng như thế, nên đưa chúng tôi ra đó để lưu đày!
Dày công “giáo dục” kỳ thị Bắc/Nam đến đỉnh điểm như vậy rồi bây giờ lại ra Nghị quyết 36, kêu gọi “Hòa hợp Hòa giải”!
Nếu “ngụy quân, ngụy quyền” là “ác ôn, là nợ máu” thì càng nên nhốt tù chúng tôi tại ngay nơi chúng tôi đã sống, đã gây ra “tội ác” để hàng ngày trực tiếp nhận “hậu quả” khinh bỉ của người miền Nam! Hẳng đây là cách cải tạo nhanh nhất và đúng nhất. Thế giới sẽ thấy được chế độ mới là “tốt lành”, “ngụy quân, ngụy quyền” cần phải “ăn năn, hối cải”!
Biến cố Mậu Thân 1968 làm sụp đổ không biết bao nhiêu giấc mơ của thanh niên miền Nam. Đang học, đang có công việc tốt bỗng bị Tổng động viên. Mà không bị Tổng động viên cũng nhập ngũ vì chiến tranh đã đến từng góc phố, từng gia đình. Xã hội miền Nam hỗn loạn. Bọn hoạt đầu chính trị, bọn giựt dây, bọn cán bộ nằm vùng xé nát từng gia đình, từng mảnh đời, từng ước mơ. Tại các thành phố thì đặc công gài bom, trường học bị pháo kích (chính xác là khủng bố nếu theo cách gọi bây giờ). Giao thông thì đường bị đắp mô, mìn nổ, xe lật, cầu sụp. Ở quê thì ngày Quốc gia/đêm Cộng sản. Bóng đêm là tội ác bao trùm.
Những người Quốc gia có uy tín thường là nạn nhân bị giết rồi vùi thây trước khi trời sáng. Kẻ thù bây giờ là chiến tranh nhiều mặt. Là du kích. Máu người miền Nam đổ càng nhiều thì người miền Nam không thể đứng khoanh tay. Sợ chết, sợ lắm nhưng phải cầm súng. Phải lên đường! Lên đường mà không biết đích thật chân tướng kẻ thù, vì họ cùng nhân dáng, cùng ngôn ngữ, nếu không muốn nói “cũng là chỗ quen biết”, chỉ khác nhau khối óc. Khối óc họ bị đầu độc bằng hai loại “thuốc mê” cực kỳ nguy hiểm. “Thuốc mê” Mù quáng và “thuốc mê” Căm thù! Hậu quả là mãi đến 40 năm sau trong số họ vẫn có người còn bị ngấm nặng!
Họ là cộng sản từ miền Bắc xâm nhập. Họ là Mặt trận Giải phóng miền Nam nối dáo!
Vì lệnh Tổng động viên nên các Quân trường Sĩ quan không đủ chỗ, chúng tôi bị đưa vào Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, chịu 2 tháng huấn nhục tại đó trước khi chuyển tiếp. Tôi còn nhớ trong Đêm Văn Nghệ ngoài trời, ngồi bệt trên cỏ nghe một nam ca sĩ hát “… người yêu tôi tôi mới quen mà thôi…” để xúc động. Nếu ở miền Bắc thì người viết và người hát bài nầy trong bối cảnh như thế sẽ bị tội nặng! Chỉ một điều nhỏ nầy thôi đã cho thấy sự khác biệt lớn giữa Cộng sản và Tự do.
Thời đó mà cầm được bàn tay người mình yêu là đã tuyệt vời, huống gì để nói chuyện lên đường! Mái tóc phủ gáy của bọn tôi vừa mới bị hớt “cua”, mới lớ ngớ tập cà phê/thuốc lá. Đêm trực ứng chiến ở giao thông hào mới biết cắt cử đứa lén đi mua bia. Vâng, bỏ lại người yêu sau lưng, bỏ lại thành phố, bỏ cả tương lai để đi vào vùng khói lửa nên tập tễnh…“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”!
Tôi đã ghi lại cảm xúc ngày đó trong một bài thơ mà cho đến bây giờ đọc lại vẫn còn “thấm”.
“… Tôi khôn lớn trong lời ru của mẹ
Nhịp võng ầu ơ trăng sáng lúa vàng
Tiếng hát câu ca điệu hò đôi lứa
Yêu quê hương qua lũy tre làng…”
Vì thế, thật đau khi phải cầm súng “bắn” lại chính trái tim mình:
“… mũi súng vô tình bắn lại trái tim
Trái tim có lũy tre, cây đa bóng mát,
có làng xóm thanh bình mùa rộn tiếng chim…”
Trong khói lửa, tôi cầm súng với tâm trạng lơ ngơ lớ ngớ như thế đó!
Khi bị đày ải trong các trại tù từ Nam ra Bắc tôi mới nhận ra “thua là phải rồi”! Một bên lơ ngơ lớ ngớ tự vệ (như tôi) còn bên kia thì hừng hực căm thù nổ súng. Chiến tranh không có thứ chiến lược tự vệ mà thắng, ngoại trừ chiến thuật tự vệ chờ đối phương kiệt sức! Việt Nam Cộng Hòa đã tự vệ mà hậu phương thì bị bọn nối dáo gây hỗn loạn, rồi mất cả hậu cần khi “Đồng Minh tháo chạy”, trong lúc phía bên kia vừa bất chấp máu xương, vừa được cả khối cộng sản hỗ trợ liên tục khi chữ ký trên Hiệp Định Ba Lê chưa kịp ráo mực. Và cho ghi sổ nợ! Sau nầy thư khố mới phanh phui ra được tài liệu tuyệt mật là văn bản Phạm Văn Đồng ký từ năm 1958 dâng biển đảo cho Trung cộng làm quà để vay súng đạn. Để tiêu diệt anh em nhân danh “cứu đói miền Nam” và “chống đế quốc Mỹ xâm lược”!
Kết cuộc bên thua bị nhốt tù. Bên thắng thì phải gửi thanh niên làm lao nô tại các nước cộng sản để trả nợ chiến tranh!
Đó là thân phận người Việt Nam do chế độ cộng sản mang lại!
Nợ máu xương với nhau là điều không thể chối cãi, đành thế! Nhưng còn nợ chia rẽ, hận thù thì dai dẳng những 40 năm mà vẫn còn như mới! Người miền Nam sau cú ngất 30 tháng Tư đang từ từ hồi tỉnh! Phe thắng thì đang cố che dấu sợ hãi bằng những lễ hội “hoành tráng”. Họ cho tổ chức rầm rộ ngày “Giải Phóng”. Năm nay sẽ có 6.000 quân với vũ khí hiện đại, diễu hành ngay tại trái tim của miền Nam, Sài Gòn! Họ muốn chứng tỏ sức mạnh nhưng chắc không phải với kẻ thù đang xâm lược (!) vì nếu như thế họ phải tổ chức ngay tại Hà Nội hoặc các tỉnh sát nách với kẻ thù! Còn tổ chức tại Sài Gòn thì đã hẳn là có mục đích khác. Là muốn phô trương công cụ đàn áp trước sự hồi sinh lòng yêu nước, chống độc tài đảng trị bóc lột đang trỗi dậy trên cả nước, đặc biệt là người miền Nam, để răn đe biến cố có thể xảy ra. Như 90 ngàn công nhân hãng Pou Yuen, Bình Dương, đình công chống chế độ về luật Bảo hiểm An sinh Xã hội mà quốc hội của họ mới thông qua. Như “gia đình Đoàn Văn Vươn miền Nam” Nguyễn Trung Can & Mai Thị Kim Hương bị cưỡng chiếm đất ở Thạnh Hóa, Long An phản ứng bằng acid, bình ga. Như đồng bào Vĩnh Tân, Ninh Thuận vừa nghèo, vừa ngộp thở vì bụi xỉ than do nhà máy Trung Quốc thải ra, dân kêu gào nhưng cứ bị làm ngơ, cùng đường đành liều mạng chận Quốc lộ-1A, dùng gạch đá, bom xăng để phản đối…!
Chế độ đang dùng súng đạn phô trương sức mạnh với người dân thay vì với kẻ thù! Như chính ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng quốc phòng, đã tuyên bố “vấn đề xung đột giữa Việt Nam với Trung Quốc chỉ là chuyện xích mích giữa anh em trong nhà”! Còn hệ thống pháp luật thì phiên xử về cái chết của nghi can Ngô Thanh Kiều ở Tuy Hòa, đã nói lên tất cả. 5 sĩ quan công an đánh chết nạn nhân ngay tại đồn mà nhận án treo nên dư luận phẫn nộ. Vì thế Chủ tịch nước phải trấn an, ra lệnh xử lại. Nhưng bản án xử lại, cho dù được chuẩn bị kỹ, cũng chẳng làm ai hài lòng. Biết rõ như thế nên chính quan tòa phải họp báo ngay sau phiên xử để thanh minh, ông nói nguyên văn là “Không phải án bỏ túi”!
Được tin tôi ra tù, HH bỏ vùng Kinh tế mới về lại Sài Gòn, mang về hơn nửa tạ khoai lang củ, 1 con gà trống thiến và 50 đồng! Có tiền tôi hí hửng cùng đứa bạn, ra tù trước tôi, và đứa em út ghé Phở Quỳnh đường Trương Minh Ký (cũ), thêm 2 cái cà phê “xây chừng”, đến lúc trả tiền mới bật ngửa! Trong đầu tôi vẫn nghĩ 1 đồng VC đổi những 500 VNCH nên có được 50 là lớn lắm. Hóa ra tiền HH cắc củm bao nhiêu năm ở Kinh tế mới chỉ còn dư lại mấy đồng lẻ! Sống với cha mẹ và nhà của chính mình nhưng không có “hộ khẩu” nên “bất hợp pháp”. Cuối cùng, công an khu vực đến nhà trao tôi lệnh trục xuất. Phải rời khỏi thành phố trong vòng 48 giờ! Đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu được thứ luật rất lạ lùng đó. Chúng tôi sống trong gia đình của chính mình mà “bất hợp pháp”! May mắn, ngay đêm đó bạn tôi đến nhà thông báo việc chiếc ghe vượt biên, chuẩn bị ra ngã Cửa Đại, Mỹ Tho bị “bể”[1] nên phải đi cấp tốc. “Bỏ của chạy lấy người”! Tôi rời gia đình trong đêm, chịu “nhốt gà”[2] ngoài bãi hai ngày đêm để chôn dầu vượt biển, bỏ lại vợ con sau lưng! Cuối năm 1991 chúng tôi được đoàn tụ tại vùng đất Tự do. Tính ra cưới nhau chưa tới 2 năm đã phải chia tay ròng rã 12 năm!
Tranh thủ thời gian còn có thể, HH và hai con chúng tôi đến trường ngay. Cuối cùng cả ba mẹ con đều thành công. Xin cám ơn nước Mỹ bao dung. Một đất nước bình đẵng cho mọi người, mọi cơ hội!
Nhìn lại, chúng tôi như những hạt giống bị giẫm đạp, “trầy vi trốc vảy” ngay trên chính quê hương nhưng may mắn chưa bị giập nát nửa chừng, nên khi đến được vùng đất tốt lại lặng lẽ nẩy mầm. Một vài cháu tại địa phương khi gặp chúng tôi thường đùa với HH: “Cô mà học được thì tụi cháu không có lý do gì để bào chữa tại sao không học nỗi”!
Chúng tôi là những hạt giống vừa cỗi, vừa bị thương tích trầm trọng nhưng may mắn gặp được đất tốt nên còn cơ hội để nẩy mầm, trong lúc đó, những hạt giống nguyên thủy Việt Nam, ngay trên đất mẹ, lại bị thứ “văn hóa Xã hội Chủ nghĩa” đầu độc tàn nhẫn. Xem những video-clips phát tán trên Net thấy các cháu nữ sinh còn quá bé bỏng, lẽ ra là biểu hiện của ngây thơ trong trắng, của dịu dàng, là nét độc đáo Văn hóa Việt Nam trong thơ văn, đã đánh nhau công khai trong lớp học, ngoài đường phố, lột áo quần nhau… trước nhiều người đứng xem và cổ vũ. Học đường mà như thế thì tương lai Việt Nam sẽ về đâu?
Thời gian đã đằng đẵng 40 năm chứ ít ỏi gì và dân số đang là 80 – 85 triệu liệu vẫn cam tâm cúi đầu? Khi người dân cúi đầu thì gông cùm kiềm kẹp tăng thêm. Nhưng khi ngẩng đầu, như 90.000 công nhân Pou Yuen vừa rồi, thì chế độ sợ hãi. Sợ hãi nên vội vàng chấp nhận yêu sách!
Một chế độ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù là dấu hiệu rõ nhất của sợ hãi cao độ! Vấn đề còn lại là người bị trị biết đoàn kết và ngẩng cao đầu!
(Apr 19th, 2015)
© Đàn Chim Việt
——————————————————-
Tiếng lóng: [1] là bị lộ [2] số người vượt biên được phân tán nhỏ, gửi ở từng nhà.
QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI
Quá khứ là những gì đã xảy ra, không còn có thể sửa chữa được.
Triều đại nhà Nguyễn để nước ta bị mất vào tay thực dân Pháp vào cuối thế kỷ 19, đó là quá khứ.
Cách mạng tháng 8 năm 1945, vừa mang ý nghĩa đánh Pháp, vì không có gì quý hơn độc lập tự do, mà cũng vừa mang ý nghĩa cuộc cách mạng xã hội theo hướng Mác xít, tức là cuộc cách mạng Cộng sản hay chủ nghĩa Cộng sản. Nhưng vào thời điểm 1975 thì những sự kiện của năm 1945 là quá khứ cũng như những sự kiện 1954 là quá khứ.
Dĩ nhiên nếu không có cách mạng 45 cũng không có chia cắt đất nước năm 54, và không có chia cắt đất nước 1954 cũng hẳn nhiên không có sự kiện mùa xuân 1975. Đấy quá khứ đã làm nên hiện tại là thế. Và dĩ nhiên không tương lai nào thoát khỏi hoàn toàn hiện tại hay một phần của quá khứ. Đó là tính liên tục của lịch sử một cách tất nhiên nơi mọi đất nước.
Sự kiện Điện Biên Phủ 1954 là một thắng lợi của phong trào CS, nhưng cuộc cải cách ruộng đất năm 1953 ở mien Bắc khi ấy là một thất bại về mặt tâm lý và ý thức xã hội. Và cũng tương tự như vậy, sự tiến lên xây dung XHCN ở miền Bắc sau 54 là một thất bại về kinh tế xã hội, mặc dầu không phải ai cũng nhận thấy ra được điều đó. Kết quả đó chỉ là kết quả của chủ nghĩa hình thức hóa mà thật sự chỉ khiến đời sống toàn dân miền Bắc đi xuống mà không phải đi lên.
Đến năm 1975, cũng cứ bổn cũ soạn lại, không hề rút kinh nghiệm quá khứ của năm 1954 trong sự hợp tác hóa và trong công thức cố hữu của chủ nghĩa Bôn sê vít. Kết quả làm kinh tế miền Nam phá sản, kinh tế cả nước kiệt quệ, nên cuối cùng mới bắt buộc đẫn tới đổi mới vào những thập niên 80 của thế kỷ trước sau khi khối XHCN Liên Xô hoàn toàn sụp đổ và tan rã.
Điều đó cho thấy cuộc cách mạng tại VN từ năm 1954 không hề là bài bản khách quan do chính người VN, mà nó chỉ được du nhập, được làm theo hoàn toàn kiếu lối mòn. công thức từ nước ngoài, từ cải cách ruộng đất 1953 cho tới cải tạo công thương nghiệp sau năm 1975 ở miền cũng hoàn toàn giống như thế.
Nói khác đi, nếu cuộc cách mạng 45 là hoàn toàn theo cách của người VN, hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa chống ngoại xâm giành độc lập, tất nhiên nó không thể có các quá khứ của năm 1953 và sau năm 1975 như mọi người đều biết.
Và nếu chỉ có tính chất hay mục đích duy nhất của người VN, thì sau khi đất nước thấng nhất 1975, hoàn toàn cũng không xảy ra những trả thù, cài tạo, sự triệt phá lẫn nhau giữa con người và con người như đã từng xảy ra các mặt. Có nghĩa nó sẽ giống như cuộc nội chiến ở nước Mỹ hay một số nước khác, không hề có sự thù hằn hay mọi sự trả thù mà chính người VN đã có.
Bài học quên đi quá khứ là bài học đã không từng được thực hiện ở VN sau khi hòa bình được lập lại. Bởi vì ai nhớ lại khi ấy đều biết rõ mọi sức mạnh của tuyên truyền, truyền thông khi đó là sự hằn mạnh vào tính căm thù quá khứ và căm thù giai cấp mà không hề khác. Như vậy ý nghĩa của ý thức hệ, ý nghĩa của quan điểm chủ nghĩa là chính mà không phải ý nghĩa của tình tự đất nước hay tình tự quốc gia dân tộc, và những người nào đã chủ trương xây dựng, thực hiện điều đó vào thời điểm đó hay cả mãi về sau đó rõ ràng không thể phủ nhận trách nhiệm lịch sử mà họ đã có.
Chỉ có sau khi phe XHCN Đông Âu và Liên Xô sụp đổ và Trung Quốc cũng đổi mới thì thật sự VN cũng đổi mới theo. Tức những người VN luôn chỉ đi theo bên ngoài mà không chủ động gì tích cực đối với chính đất nước, dân tộc hay lịch sử của mình.
Tất nhiên chiến tranh thì bao giờ cũng bạo lực, sắt máu, dã man, tàn bạo, nhưng chỉ nhìn tính cách đó về một phía, sao có lợi cho mình, để hằn đậm quá khứ, thổi phồng quá khứ, thổi bùng lòng căm giận và thù hận, không nhằm giải quyết gì tốt đẹp hơn mà chỉ làm cho sự kiện càng tệ hại hơn như trong quá khứ, thật rõ ràng đó không phải là mục đích cách mạng nhân văn có tính cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, cao cả gì mà chỉ như những chú học trò cố làm theo những bài bản gì mà chính mình đã được dạy hay đã học được.
Nên nói tóm lại, nếu quá khứ của nước ta là đáng tiếc, thì chính điều đó không phải không tác động và kéo dài mãi tới hiện tại, và dĩ nhiên tương lai cũng không hoàn toàn thoát ra khỏi mọi hậu quả hay ảnh hưởng đó. Như vậy điều đáng trách ở đây chính là lý thuyết cách mạng phi thực tế, kém nhân văn, hay tại nhước điểm của người VN vốn chỉ ích kỷ, thù dai và yếu đuối ? Câu hỏi này xin nhường lại cho tất cả mọi người lý giải, tất nhiên trong đó kể cả mọi người tự nhận mình là CS cho tới nay.
ĐẠI NGÀN
(21/4/15)
Khi người lính Miền Nam cầm súng đánh CS,có rất nhiều người “ăn cơm quốc gia thờ ma CS” nghĩ
rang Miền Bắc có “lý tưởng” hơn Miền Nam. Ngày 30/4/1975 lại càng “biện minh” cho ý nghĩa này.! Nhưng đến hôm nay thì mọi việc đả khác hẳn !! CNCS SỤP ĐỔ toàn diện, từ gốc cho đến ngọn. Khi
bức Màn sắc không còn nửa. Khi Thế giới đả thấy rỏ tội ác của CNCS,mà cụ thể là Nghị Quyết của Nghị viện Châu Âu lên án cái Chủ nghĩa vô nhân đó . Khi tượng đài ghi nhớ nạn nhân CS được dung lên khắp nơi trên Thế giới,mà cụ thể ở WA-DC. Khi báo chí quốc tế sắp hang nhựng tội đồ nhân loại,trong đó có HCM !! Thì đả đến lúc, phải trả lại SỰ THẬT cho người Lính VNCH (nói riêng) và toàn Dân-Quân- Cán chánh Miền Nam (nói chung) cái Danh Dự và Lý tưởng chính đáng Chiến đấu Chống CS của họ. Ngược lại ,chúng ta củng nói một cách khẳng đinh, cuộc chiến đấu của quân dân Miền Bắc vừa qua, dưới sự lảnh đạo của CS, là cuộc chiến đấu Phi nghĩa,tay sai cho CS quốc tế. Chính vì thế 30/4/1975 là ngày chiến thắng của CS,không phải là ngày chiến thắng của Dân tộc. Củng chính vì thế mà VN cho đến nay ,chưa hề có Sự Thống Nhất Đất nước theo nghĩa Đồng bào ,tình Dân Tộc. Trên 3 triệu người Việt sống tha hương và vẩn tiếp tục bỏ nước ra đi ,đả trả lời điều đó./Lẻ ra CS
phải biết ăn năn hối cải ,thay vì ăn mừng ! Tiếc thay điều đó đả không xẩy ra ! Đó củng là một điều Bất-hạnh cho Dân tộc !!