Herte Müller – Văn thơ và cuộc đời
Lời giới thiệu
Kể từ năm 1901, khi giải Nobel Văn chương đầu tiên được trao cho văn sỹ, đến nay đã có 12 nhà văn nữ trong khi đã có 93 nhà văn nam được nhận được nhận giải thưởng cao quý này. Giải Nobel Văn chương năm 2009 được trao cho Herta Müller, nhà văn Đức sinh tại Rumania. Thông tin về tiểu sử và việc nhận giải của bà đã được đăng tải trên hầu hết các trang mạng lớn. Chúng tôi chọn dịch hai tác phẩm ngắn của bà và hy vọng đưa đến quý bạn đọc chút ít thông tin trong thời gian thư giãn.
Bài thơ Đôi bàn ủi lạnh (Kalte Bügeleisen)
Bài thơ ngắn nhưng đã mô tả sống động hình ảnh đặc thù của một nhân viên an ninh trong chế độ toàn trị. Đọc, ta có thể liên tưởng đến hình ảnh thanh tra mẫn cán Javert trong Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo; tuy nhiên ngay tại đây, ta phải xác nhận rằng nhân vật của Victor Hugo là những con người có tính cách và nhân cách. Xin được nhắc lại những dòng này: „Chuông nhà thờ Đức Bà vừa gõ một giờ. Chống khuỷu tay lên lan can cầu, Javert nhìn đăm đăm xuống dòng nước sông Seine âm u. Người tù khổ sai đó đã cứu ông ta, Javert! Và điều còn khó tin hơn là ông ta, Javert, đã cứu người tù khổ sai đó! Đó là điều có thể chịu đựng được không? Không. Và Javert bước qua lan can cầu.“ (Chương 10).
Văn chương cần tài năng mô tả và phục dựng; nhưng văn chương cũng là kiến tạo, mà là sự kiến tạo vĩ đại nhất: Nhân cách làm người.
Gối đầu I. Chuyện trở về
Tiểu đoạn này được giới thiệu như một phần trong đề cương cuốn sách làm nên giải thưởng của nhà văn: Đung Đưa Nhịp Thở (Atemschaukel) mới ra mắt mùa Hạ năm 2009. Bản thân cuốn tiểu thuyết là kết quả cộng tác tuyệt vời của hai văn sỹ thuộc 2 thế hệ khác nhau với những tính cách và phương pháp khá khác biệt: Oskar Pastior (20. 10. 1927 – 4. 10. 2006) hơn Herta Müller trên 20 tuổi. „Mặc dù khác biệt về tuổi tác và phương thức tiếp cận (cuộc sống) – ‚ông làm thơ, tôi viết tản văn’ – và tính cách (‚ông dồn nén, tôi bột khởi’); hai nhà văn đã có được sự cộng tác đầy hiệu quả cùng với lòng say mê khám phá“.
Dù việc tiếp cận với tác phẩm chính đang ở những bước ban đầu, đọc phác thảo đề cương của nó ta cũng hình dung được phần nào phong cách và nội dung các tác giả muốn thể hiện. Đề cương giới thiệu cho ta biết một con người vừa được phóng thích ra khỏi trại cải tạo để về với cuộc sống đời thường; nhưng những năm tù lao đã để lại trong tâm khảm người tù gánh nặng không thể nào thoái bỏ trong một sớm một chiều, nếu không nói là sẽ phải đeo nó suốt một đời người. Khi lần mò làm việc với từng câu chữ, đoạn văn, tôi không thể nào không nghĩ đến một tác phẩm khác – hoàn chỉnh, đau đớn và gần gũi hơn của Việt Nam: Chuyện Kể Năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Cũng những ngây ngây dại dại của một kẻ mới ra tù; Nhìn ai cũng thấy „quen quen, nhang nhác như đã gặp ở đâu“…
Quả thật nỗi đau nhân loại là nỗi đau chung (Kein fremdes Leid)! Các nhà văn viết nên tác phẩm là bởi tài năng; nhưng nhà văn viết nên tác phẩm cũng là do biết chắt lọc (và phải trải nghiệm?) tất cả những ngọt, bùi, chua, cay, mặn, đắng của cuộc đời. Nếu người đọc chúng ta không biết trân trọng những điều đó, chẳng phải là ta quá vô tình và bạc bẽo lắm sao? Để rồi không thể chia sẻ với những người thanh xuân phơi phới đang phải vùi chôn cuộc đời trong chốn lao tù như Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định?… Để không thể hiểu tại sao sau 9 ngày tù giam, người mẹ trẻ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) đã rơi lệ từ bỏ để về với con thơ chưa tròn 3 tuổi?
Văn học là Nhân học – Nhắc lại thêm một lần có lẽ cũng không dư.
Đôi bàn ủi lạnh
Herta Muller
Nhỏ bé và xám ngoét – gã lượn quanh công viên. Vượt lên trong cây.
Nhỏ bé và xám ngoét – gã mang thiết hài như bàn ủi lạnh.
Nhỏ bé và xám ngoét – gã đi dạo với áo khoác nhàu bẩn, một con chó đói và hai chai sữa.
Nhỏ bé và xám ngoét – gã đứng lẫn dưới cây. Lắng nghe.
Gió lật tóc lên.
Gió đè tóc xuống.
Gió lật lên, đè xuống cái thứ trùm phủ sọ não gã đàn ông.
Gối đầu I. Chuyện trở về
Trích từ đề cương tiểu thuyết, tiêu đề “Đung đưa nhịp thở”
Herta Muller và Oskar Pastior
Bảy năm sau khi rời trại giam trở về cố quán, tôi bắt đầu giở những cuốn vở của mình ra và viết. Người ta nói rằng cứ sau bảy năm thì mọi tế bào trong một con người đều được tân sinh; thân xác đổi thay, giống như quần áo. Có cả một bài hát với những âm giai: Đã mang thân xác bảy năm trời, / Ta chẳng dung mình lâu thêm nữa. Có thể ca những lời này; chỉ không thể kham nổi cái ý nghĩ rằng bây giờ ta là con người mới lạ. Mà ngay cả khi tin có điều như vậy, ta vẫn già đi thêm bảy năm trường. Thi nhân A-pô-lin-nơ nói:
Cô hàng đổi thịt thay da,
Bảy năm trái thị -
Thật là khó tin.
Con chữ mới thích hợp làm sao; cả cái chuyến trở về cố quán của tôi cũng là một sự đổi thịt thay da. Tất nhiên là bảy năm trời sau tôi cũng ngộ ra cái chuyến hồi hương ấy là một lần buông thả tự do, vì tôi hiểu ngôn từ và ngôn từ cũng vận được vào tôi. Và khi ngôn ngữ đáo môn, nó liền cất tiếng: „trắng nợ hồi gia“; cũng lại có lời: “vô ưu nhập xứ“ và „bằng tiện phỉ nguyền“. Người ta vẫn ngờ ý nghĩa của những câu “vô ưu nhập xứ“ và “bằng tiện phỉ nguyền“. Có những câu chữ vận vào tôi với nghĩa nào cũng được. Đôi lúc có thể đặt thành vần điệu để cái điều bất nhẫn có thể rung ngân một cách khôi hài:
Qua đi
khoảng độ
ba năm lính,
dài như
bảy hạ
túm râu ngô.
Bảy năm sau chuyến trở về của tôi, nghĩa là các tế bào đã hoàn toàn được tráo đổi sau cuộc tân sinh, tôi đã đi trên đôi chân tự do qua hết bảy niên đời. Trong dòng thời gian xuôi, mỗi ngày có thể được dùng để làm việc hay ôm gối suy tư; nghĩa là giống y như thời nằm trong trại. Tôi đánh vần tửng chữ: Ngày chủ nhật – thứ hai – ba – tư – năm – sáu – bảy. Sau lần thoát trại, mỗi ngày đối với tôi là một ngày tự do ngoài chốn đọa đầy. Dù đi làm hay ngơi nghỉ, bình minh đối với tôi là bắt đầu „một ngày chắc hẳn tự do“ – làm việc hay nằm dài cũng rặt như nhau cả.
Tôi là thợ đổ bê-tông công trường cầu đường nơi giòng Út-tra bên hoành sơn Các-pát. Tôi đổ móng những cây cầu và khi đợi cho bê-tông đông cứng, tôi vẫn còn cứ thấy ngỡ ngàng trước cái sự tự do chưa thể nào quen. Trong não bộ tôi vẫn còn ngự chiếm các khổ luật trại giam; tôi quen nếp với chúng một cách vô thức bởi 5 năm cưỡng chế đến mức không còn sống được hẳn hòi như một kẻ tự do! Tôi đã quen cách thức làm mình nhỏ lại trong đời sống tù giam; tôi đã uốn mình vào những bó siết của ngục thất. Đôi khi tôi đã sống lại cái nhỏ bé và bó siết đó và vì thế mà nhớ chúng như một thói quen. Tôi đã chịu đựng được cái đời tù của mình và còn có cảm giác an ổn trong đó. Tôi đã phó mặc cho trại tù quản chiếm để nó lo cho thân xác của mình. Tù lao gặm nuốt cuộc đời thật đã là điều cay đắng; nhưng chung hậu tôi cũng không thấy thiếu những cái nó không đem đến cho tôi. Ngay cả khi tôi có chết nhăn răng vì đói cũng chỉ đơn giản là tôi đã thiếu ăn và nguyên cớ cũng giản đơn bởi tôi chỉ gắn mình vào chuyện ăn với uống! Ngoài ra thì chẳng có gì; ngoài ra tất cả đều biến thoát khỏi nơi tâm tưởng. Ấy là bởi trại tù đã làm mọi thứ cho tôi; mọi thứ để giữ cân bằng giữa sống lay lắt và chết đói khát, giữa nóng nung và rét cực. Từ buổi hồi cố quán, tất cả đã không còn; tất cả vẫn lưu lại trong đầu và tôi thấy như thiếu mất. Cái sự ở trong nhà mình là cái không xác thực; tôi không thuộc chủng loại đó. Ngóc nghách nào trong thành phố này cũng nhơ nhởn toàn người lạ; tất cả lữ hành trông cứ như đóng gói trong thời khắc dừng phim. Cái nhìn vô thức, cặp má bóng hồng, cổ ngà núc ních. Đầu tôi hoang loạn, coi ngó chúng nhân như nhét họ vào trong óc; ngu đần đi vì cứ ở nhà mình. Họ đã nghĩ cái gì? Khác họ, tôi thử xem mình chịu đựng được bao lăm; Và tôi đã may mắn sống sót qua lần ấy. Tôi đã thành tựu: đã là chính nhân trong tâm khảm của mình – là kẻ chịu đựng không cần ai biết đến. Từ trên cao nhìn xuống, tôi quan sát cư dân của thành Héc-man này, những cựu cư lầm lũi nơi phố thị; tôi quan sát cái đời thường khiếp hãi, cái thân xác được đất đai vỗ cho phì nộn của họ. Được phóng thích vào chốn tự do, tôi biến thành cao ngạo do không kiềm chế được mình. Tôi nghĩ điều đó có ích; nhưng nó đã chẳng giúp được gì. Tôi bắt đầu những dòng viết của mình trong tình trạng oái oăm như thế.
Chương thứ nhất trong vở có tựa đề: “Lời nói đầu“. Sau một khoảng trống nhỏ là câu: „Liệu bạn có hiểu tôi không, dấu hỏi chấm“. Sau đó là cái tên Bea khác lạ mà tôi đã có thời yêu mến nhưng chăng có gì gắn bó; và tiếp theo là tên của một người đàn ông – Tur, rồi đến tên ga than Jasinowataja. Bảy trang kế tiếp được kết thúc bằng câu: „Buổi sớm mới rồi, sau khi rửa mặt gội đầu, một giọt nước từ trên tóc tôi chảy xuống, lăn dọc cánh mũi tới khóe miệng. Tuyết bay cả trong nhà tắm. Đầu tầu huýt còi. Trong gương soi hiện lên hình nhà ga chìm trong tuyết và tôi thì trượt lướt qua.“
Sau đó tôi viết thêm lời nói đầu dài hết ba cuốn vở; rồi gạch bỏ “lời nói đầu“ đi để thay bằng „lời nói cuối“. Trở về sống ở cái nhà của mình bây giờ, đối với tôi thật là một sự ê trề đổ bể nội tâm. Tại tư gia mà vẫn không thoát ra ngoài thói quen tù ngục; nơi có tuyết rơi trong nhà tắm và thân xác tôi trượt dài qua sự tân tạo tế bào.
Tôi dập lấp điều an ủi trong chuyến trở về sau lần đi trong toa chở hàng đến trại tiếp nhận ở Sighet là địa danh đầu tiên. Thâm tâm tôi hoảng loạn vì nỗi sợ hãi trước những thứ mà từ nay cuộc đời ngoài tù ngục đòi hỏi nơi tôi. Hoảng sợ vì phải tự lo tính chuyện đời ta sẽ sống ra sao. Oái oăm là làm sao người ta biết được cuộc đời khi chưa hề sống? Tôi đã chờ đợi suôt 5 năm cái sự thoát ra khỏi trại giam. Nhưng khi mà cái người ta đợi chờ năm năm dòng chợt đến, thì sự chia tay với chăn gối nhà tù lại là niềm sung sướng kinh hoàng.
Trở về: Đó là vào tháng Chạp 1949; tôi ngồi nơi cái góc của mình trong toa chở súc vật bên cạnh hộp máy hát và cái valy gỗ mới của mình – như nằm trong một cái túi lưới. Cửa toa không bị kẹp chì mà mở ra thông thống; rồi tàu lăn dần vào ga Sighet. Tuyết phủ một lớp mỏng làm tôi chợt nghĩ đến đường và muối; các vũng nước đã đóng băng như những miếng gương lấm bẩn. Và trong khi cố nuốt trôi điều an ủi của mình, tôi tưởng tượng ngay ra hình ảnh Tur trong gương lúc đang cạo râu; nhưng liền đó, tôi nghe được âm thanh kỳ lạ không phải do người đang cạo râu kia nói, mà là của Bea chẳng hề có mặt nơi đây, rằng: “Hắn hổn hển, thằng ngu; hình như mình thấy hắn không kìm giữ được cái gì đang chan chứa.“
Bài do tác giả gửi đăng
(1) Các nhà văn nữ nhận giải Nobel Văn chương là:
2009 Herta Müller (Đức, sinh ra tại Ru-ma-ni)
2007 Doris Lessing (Anh)
2004 Elfriede Jelinek (Áo)
1996 Wislawa Szymborska (Ba-lan)
1993 Toni Morrison (Mỹ)
1991 Nadine Gordimer (Nam Phi)
1966 Nelly Sachs (Thụy-điển, sinh ra tại Đức)
1945 Gabriela Mistral (Chile)
1938 Pearl S. Buck (Mỹ)
1928 Sigrid Undset (Na-uy)
1926 Grazia Deledda (Ý)
1909 Selma Lagerlöf (Thụy-điển)
(2) Cám ơn talawas blog và tác giả Đông A; nhờ đường dẫn của quý vị mà tôi có nguyên bản tiếng Đức:
Ein kleiner grauer Mann geht am Parkrand. Oben in den Bäumen.
Der kleine graue Mann hat zwei harte Schuhe wie zwei kalte Bügeleisen an
Der kleine graue Mann führt einen faulen Rock, einen leeren Hund und zwei Flaschen Milch spazieren.
Der kleine graue Mann bleibt stehn zwischen den hohen Bäumen. Er horcht.
Der Wind treibt seine Schädeldecke auf.
Der Wind treibt seine Schädeldecke zu.
Der Wind treibt seine Schädeldecke auf und zu.