WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Alexander Solzhenitsyn: ‘Tôi Không Sợ Chết’

Nguyễn Khoa Thái Anh chuyển ngữ

LTS: Mới đây, trang mạng Evan (http://evan.vnexpress.net/News/chan-dung/2008/08/3B9ADFF4/) một trang báo điện tử của nhà nước Việt Nam đã cho “lược dịch” bài phỏng vấn ‘I Am Not Afraid of Death’ với nhà văn Solzhenitsyn do báo Independent đăng lại nhân cái chết của nhà văn này tuần qua. Tuy nhiên, nếu độc giả so sánh bản dịch của Evan với bản Anh ngữ đã đăng trên thì sẽ thấy họ chỉ “lược dịch” khoảng 1/3 bài này thôi.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin dịch lại nguyên văn bài phỏng vấn của báo Đức Spiegel online phỏng vấn Alexander Solzhenitsyn (do Christian Neef – Matthias Schepp thực hiện 23.7.2007)

Một kẻ làm giặc, tù nhân, nhà thơ văn vĩ đại, một anh hùng dân tộc, hơn 50 năm sau khi tác phẩm của ông được xuất bản, những câu chuyện như trái phá thiêu đốt của Solzhenitsyn về trại tù cải tạo của Stalin vẫn được xem là một trong những tác phẩm văn học hiện đại thâm sâu nhất. Hè năm ngoái, khi sức khoẻ của ông bắt đầu sa sút, ông nhìn lại cuộc đời siêu phàm của mình với hai nhà báo Christain Neef và Matthias Schepp. Dưới đây là cuộc phỏng vấn cuối cùng với tác giả “Quần Đảo Ngục Tù”.
 
Hỏi: Alexander Isayevich (tên thật của Solzhenitsyn) khi bước vào đây, chúng tôi thấy ông đang làm việc. Ở tuổi 88, khi sức khỏe thậm chí không cho phép ông tự đi lại quanh nhà mà ông vẫn tiếp tục viết. Điều gì mang đến cho ông sức mạnh này?

- Tôi luôn cảm thấy mình có sức mạnh nội tâm từ khi mới ra đời. Tôi hãnh diện được cống hiến hết mình cho công việc, cho tác phẩm và đấu tranh.

Hỏi: Trong quyển “My American Years”, ông kể rằng, ông từng viết ngay cả khi đang đi dạo trong rừng?

- Khi còn ở tù, nhiều lúc tôi còn viết lên các bức tường đá. Tôi cũng thường viết vào các mẩu giấy vụn, viết ra rồi, tôi lại phải nhớ nội dung rồi hủy bỏ giấy đi.

Hỏi: Nghĩa là ông không đánh mất sức mạnh của mình ngay trong những giây phút tuyệt vọng nhất?

- Vâng, tôi luôn nghĩ, dù hậu quả có thế nào đi nữa ta cũng chấp nhận. Mọi chuyện rồi đâu sẽ vào đó. Ngẫm lại đã có vài chuyện tốt lành đến từ cái xấu.

Hỏi: Tôi không hiểu ông có nghĩ như vậy không khi bị mật vụ quân đội Nga bắt ông ở miền Đông Đức Phổ (biên giới giữa Đức và Nga trước khi Thế chiến thứ 2 chấm dứt) vào tháng Hai năm 1945. Trong những lá thơ ông gởi về từ chiến tuyến, ông có những ý tưởng chẳng tốt đẹp gì với Stalin, kết quả là 8 năm tù cải tạo.

- Chuyện đó xảy ra ở phía Nam Wormditt. Chúng tôi vừa phá khỏi vòng vây của Đức và hành quân về phía Konisberg (hiện nay là Kaliningrad) là lúc tôi bị bắt. Tôi luôn lạc quan. Lúc nào cũng giữ niềm tin và được ý chí và quan điểm mình dẫn đường.

Hỏi: Quan điểm nào, thưa ông?

Dĩ nhiên quan điểm của bản thân được hun đúc theo thời gian. Nhưng mà lúc nào tôi cũng tin vào chuyện mình làm và không bao giờ làm trái với lương tâm mình.

Hỏi: Suốt đời ông luôn kêu gào nhà cầm quyền ăn năn hối cải cho hàng triệu nạn nhân của hệ thống tù đày và chuyện bạo tàn của Cộng sản. Kêu gọi này có bao giờ thật sự được nghe không?

- Nhiều năm nay tôi đã thấm nhuần chuyện sám hối trước quần chúng của các chính trị gia đời nay là chuyện bất khả thi.

Hỏi: Ông Putin khi còn làm tổng thống cho rằng chuyện xụp đổ của chế độ Liên Sô (Sô Viết) là một thảm họa chính trị địa dư lớn nhất của thế kỷ 20,  và đối với người Nga đã hơi quá đà (muộn) để ngưng lại chuyện tự hành hạ mình về quá khứ đau buồn này, nhất là khi có những toan tính của ‘bên ngoài’ (theo lời Putin) nhằm kích động những chuyện cắn rứt lương tâm người Nga không đúng chỗ. Có phải điều này sẽ giúp cho những người đích thị muốn quên đi tất cả những dữ kiện đã xảy ra trong lịch sử của Liên Sô?

- Có những quan ngại ở khắp nơi trên thế giới về chuyện Hoa Kỳ sẽ ứng xử ra sao với vai trò siêu cường thế giới độc nhất của mình, một hệ quả của những biến chuyển chính trị địa dư. Còn chuyện “đau lòng về quá khứ”, than ôi, hai cụm từ thổi phồng Sô Viết và Nga, mà tôi đã thường hay đả phá trong những năm 70′s, vẫn chưa vượt qua được ở Tây phương hay ở những nước cựu Cộng sản, những nền cộng hòa Sô Viết cũ. Những thế hệ chính trị lớn tuổi ở các nước Cộng sản vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận chuyện hối cải, trong khi các thế hệ mới đã quá sung sướng để khiếu kiện và tố khổ Moscow, một mục tiêu hiện đại và tiện lợi. Họ hành xử như họ đã anh dũng tự giải phóng lấy chính mình, như đang sống một cuộc sống mới, trong khi Moscow vẫn còn là Cộng Sản. Tuy nhiên, tôi mạn phép hy vọng rằng giai đoạn bệnh hoạn này sẽ sớm chấm dứt, và tất cả mọi người đang sống xuyên suốt chủ nghĩa Cộng sản sẽ hiểu rằng chính chủ thuyết Cộng sản là thủ phạm và nguồn gốc của những trang sử cay đắng nhất của lịch sử họ.

Hỏi: Kể cả những người Nga?

- Nếu chúng ta có thể tỉnh táo nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ không thấy thái độ hồi tưởng về quá khứ Sô Viết — mà hiện nay đang chiếm ưu thế — trong các bộ phận của xã hội rất ít bị ảnh hưởng. Cũng như các nước Đông Âu và các nền cộng hòa cũ của Liên Bang Sô Viết không cần nhìn nước Nga trong quá trình Cộng sản như là nguồn cội của bi thảm của nước họ. Người ta không nên gán những hành vi ác độc của những lãnh tụ cá nhân hay thể chế chính trị này thành những lỗi lầm nội tại của dân tộc Nga hay nước Nga. Người ta không nên quy đặt sự kiện này như là một ‘tâm lý bệnh hoạn của dân Nga, như Tây phương vẫn thường làm. Mọi chế độ tham tàn của Nga chỉ có thể tồn tại bằng cách áp đặt cuộc cai trị kinh hoàng bằng máu. Chúng ta nên am hiểu một cách rạch ròi rằng chỉ có sự nhận tội bằng lương tri và tự nguyện của một dân tộc mới có thể bảo đảm được sự cứu rỗi của quốc gia đó. Oán trách liên tục từ bên ngoài sẽ bị phản tác dụng.

Hỏi: Để nhìn nhận tội người ta phải hiểu rằng mình phải có đủ dữ kiện về quá khứ của mình. Tuy nhiên, nhiều sử gia đang trách cứ là sử liệu ở văn khố Moscow không được mở rộng như vào thập niên 1990.

- Đây là một chuyện phức tạp. Nói chung, phải nói là trong vòng 20 năm gần đây đã có một cuộc đổi mới trong văn khố Nga. Cả ngàn hồ sơ đã được mở; các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận với cả ngàn tài liệu mà trước đây vẫn là mật. Hàng trăm tư liệu chuyên khảo đã được công bố và hiện đang được xuất bản hay chuẩn bị cho xuất bản. Bên cạnh những tài liệu mật của những năm 90′s, đã có nhiều cái khác được ấn hành mà không phải đi qua giai đoạn giải mật. Dmitri Volkogonov, nhà sử quân đội và Alexander Yakovlev, cựu ủy viên của Bộ Chính Trị – những nhân vật này có đủ ảnh hưởng và quyền hành để truy cập bất cứ một hồ sơ nào, và xã hội rất biết ơn họ qua những ấn bản quý giá đã được phát hành.
Còn trong vòng mấy năm gần đây, không ai có thể vượt qua thủ tục giải mật. Rất tiếc, thủ tục này tốn nhiều thì giờ hơn người ta muốn. Tuy vậy hồ sơ quan trọng nhất trong văn khố quốc gia, Văn khố Quốc gia của  Liên bang Nga [GARF], ngày nay đã được tiếp cận cũng như thời 90′s. Sở Tình báo (FSB)  gởi cho GARF 100,000 hồ sơ tài liệu điều tra tội phạm vào cuối thập niên 1990. Những tài liệu này công dân và nghiên cứu gia vẫn còn tiếp cận được. Năm 2004-2005, GARF xuất bản một bộ lịch sử 7 tập về Hệ thống Tù của Stalin. Tôi có hợp tác  với ấn bản này và tôi có thể cam đoan với anh là những bộ này thật đầy đủ và khả tín tối đa. Các nhà điều nghiên trên thế giới đều đặt tin cậy vào ấn bản này.

Hỏi: Khoảng 90 năm về trước, Nước Nga bị lung lay vì cuộc Cách mạng tháng Hai rồi đến cuộc Cách mạng tháng Mười. Những biến cố này được tái hiện nhiều lần như một chủ đề xuyên suốt các tác phẩm của ông. Một vài tháng trước đây ông đã tái xác định luận đề này: Chủ nghĩa Cộng sản không phải là hệ quả của các cơ chế chính trị của Nga; Cách mạng Bolshevik chỉ được thành tựu nhờ sự cai trị tồi dở của chính quyền Kerensky vào năm 1917. Nếu như ta tin vào suy luận này thì Lenin chỉ là một nhân vật tình cờ, một người chỉ có thể vào nước Nga và chiếm giữ được quyền lực nhờ sự hậu thuẩn của Đức quốc. Chúng tôi có hiểu đúng ý ông không?

- Không. Chỉ có một người phi thường có thể chuyển cơ hội thành hiện thực. Lenin và Trotsky là hai chính trị gia hết sức nhặm lẹ và tích cực, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đã trục lợi nhược điểm của chính quyền Kerensky. Nhưng cho phép tôi cải chính ông: cuộc Cách mạng tháng Mười chỉ là một huyền thoại do phe chiến thắng, Bolsheviks, dựng lên và được nhiều nhóm Tây phương tiến bộ tin và nuốt chửng. Vào 25 tây tháng Mười năm 1917, một cuộc đảo chánh thô bạo đã diễn ra trong vòng 24 tiếng ở Petrograd. Cuộc đảo chánh này do Leon Trotsky chủ động – Lenin đang lẩn trốn vì sợ bị đưa ra trước pháp luật về tội phản quốc. Cuộc cách mạng mà chúng ta gọi là “Cách mạng tháng Mười 1917″ thật ra là cuộc Cách Mạng tháng Hai.
Những nguyên do lèo lái của cách mạng này đích xác bắt nguồn từ những điều kiện đang sôi sục ở Nga trước khi cuộc cách mạng bùng nổ – tôi chẳng bao giờ nói điều gì khác hơn. Cách mạng tháng Hai có những lý do sâu đậm – tôi đã minh chứng điều này trong quyển The Red Wheel/Bánh Xe Đỏ. Chuyện tiên quyết trong những lý do này là sự bất tín lâu năm giữa thành phần cai trị và một xã hội khai trí, một sự nghi kỵ và ghét bỏ sâu xa đã làm chuyện tìm giải pháp xây dựng cho quốc gia bất thành. Và trách nhiệm lớn nhất đã quy vào phe chính quyền: lỗi của ai khi tàu bị đắm nếu không phải là thuyền trưởng? Cho nên bạn có thể nói rằng là nguyên do của cuộc Cách mạng tháng Hai là do “kết quả của chính thể của nhà cầm quyền trước đó.”
Nhưng điều này không có nghĩa là Lenin là một nhân vật lịch sử tình cờ theo như bất cứ hình thức nào; hoặc giả sự đóng góp tài chánh của hoàng đế Wilhelm là chuyện không đáng kể. Chẳng có một điều gì là diễn biến tự nhiên ở nước Nga trong cuộc cách mạng tháng Mười cả. Đúng hơn, cuộc cách mạng tháng Mười đã bẻ gảy nước Nga, làm nước Nga què quặt, kiệt quệ. Nỗi kinh hoàng đỏ mà lãnh tụ nó gieo rắc, sẵn sàng chấp nhận làm chìm đắm cả nước Nga trong biển máu, là bằng chứng tiên quyết và đích thực nhất.

Hỏi: Để lặp lại lời ông nói trước đây một cách khác: lịch sử đen tối của thế kỷ 20 phải được nước Nga gánh chịu cho cả nhân loại. Người Nga đã học được bài học lịch sử của hai cuộc cách mạng và hậu quả của chúng chưa?

- Họ đã bắt đầu học. Một số lớn những ấn bản và phim ảnh về thế kỷ 20 là bằng chứng của một nhu cầu đang bành trướng muốn tìm hiểu căn do. Gần đây, một đài truyền hình quốc gia Nga đã phát hình một loạt tác phẩm của Varlam Shalamov, cho thấy sự thật phủ phàng và đau thương và kinh hoàng của trại tù Stalin. Cường độ của cốt chuyện thật này không bị giảm đi chút nào.
Và kể từ tháng Hai [2007] tôi cũng ngạc nhiên vì cuộc tranh luận sôi nổi trong nước về một bài viết cũ của tôi được tái bản về cuộc Cách mạng tháng Hai. Tôi hài lòng được nghe rất nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau vì điều này chứng tỏ lòng ham muốn tìm về lịch sử, bởi vì thiếu vắng điều này chúng ta sẽ không có một tương lai có ý nghĩa.

Hỏi: Ông đánh giá thế nào về thời kỳ lãnh đạo của Putin so với thời Yeltsin và Gorbachev?

- Chính phủ Gorbachev rất non nớt về chính trị, thiếu kinh nghiệm hành chánh, thiếu trách nhiệm đối với đất nước. Đó không phải là một chính quyền biết cai trị mà đúng hơn là chuyện khước từ quyền lực một cách bất cẩn. Thái độ sùng kính của phương Tây chỉ củng cố thêm niềm tin của Gorbachev rằng đường lối của mình là đúng đắn. Nhưng chúng ta phải nhận thức rõ ràng rằng, chính Gorbachev, chứ không phải Yeltsin – như người ta nói hiện giờ – mới là nhà lãnh đạo đầu tiên mang đến quyền tự do ngôn luận và chiều hướng tự do cho công dân.
Thời đại Yeltsin cũng thể hiện một sự vô trách nhiệm không kém đối với đời sống của dân chúng, nhưng theo một đường hướng khác. Trong sự vội vã đẩy mạnh công cuộc tư hữu hóa càng sớm càng tốt thay vì quốc doanh, Yeltsin đã bán tháo bán đổ những tài sản trị giá hàng tỷ đôla của nước Nga. Để có được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo trong các vùng, Yeltsin kêu gọi chế độ phân quyền và ban bố những đạo luật góp phần đẩy nhanh sự tan rã của thể chế Sô Viết. Điều này tước nước Nga khỏi vai trò lịch sử mà họ đã tranh đấu trong bao nhiêu năm, làm thấp đi thế đứng của nước Nga dưới mắt cộng đồng thế giới. Điều này càng mang lại thêm sự tán thưởng nồng nhiệt của Tây phương.
Putin thừa hưởng từ Yeltsin một đất nước kiệt quệ vì bị cướp trắng trong khi dân tình vẫn còn ngơ ngác chưa hoàn hồn. Và ông bắt đầu làm tất cả những gì có thể – một sự khôi phục từ từ, từng bước một. Những nỗ lực của Putin đã không được nhìn nhận, không được trân trọng ngay lập tức. Dù sao đi nữa, người ta khó có thể tìm trong lịch sử những bước gầy dựng lại sức mạnh cho quốc gia mình lại được những chính quyền khác đón nhận một cách khả quan.

Hỏi: Một điều đã trở nên rạch ròi: sự ổn vững của nước Nga là lợi điểm cho Tây phương. Nhưng một chuyện đặc biệt làm chúng tôi khá ngạc nhiên: khi nói về một chính thể thích hợp với nước Nga, lúc nào ông cũng ưa chuộng một chính quyền công dân tự trị, và ông so sánh điều này ngang hàng với mô hình dân chủ của Tây phương. Sau 7 năm cai trị của Putin, chúng tôi quan sát một hiện tượng hoàn toàn trái ngược: quyền lực được tập trung trong tay của tổng thống, mọi chuyện đều hướng về phía ông ta.

- Vâng, lúc nào tôi cũng đòi hỏi một chính quyền địa phương tự trị cho nước Nga, nhưng tôi chưa bao giờ chống lại mô hình này với mô hình dân chủ Tây phương. Trái lại, tôi đã cố thuyết phục đồng bào tôi bằng cách đưa ra những thí dụ của các hình thức tự trị của các hệ thống chính quyền địa phương như ở Thụy sĩ hay New England (miền Đông Hoa Kỳ)

Trong câu hỏi của anh, anh nhầm lẫn chính quyền tự trị địa phương, nghĩa là chỉ có thể thực hiện được ở cấp thấp nhất ở làng xã, nơi mà người ta biết được những người dân cử, với một số ít các thống đốc nhiều quyền hành hơn của các vùng, mà trong thời Yeltsin đã quá sẵn sàng gia nhập chính quyền liên bang để đè nén chính quyền địa phương tự trị.

Tôi vẫn rất lo ngại về chuyện phát triển quá chậm chạp của chính quyền địa phương tự trị. Nhưng nó đã bắt đầu rồi. Vào thời Yeltsin, chính quyền địa phương tự trị đã bị cấm, trong khi “quyền lực hàng dọc” (thí dụ như cai trị  từ trên xuống của Putin) đang chuyển quyết định tản quyền cho các dân số địa phương. Rất tiếc, hình thức này vẫn không theo hệ thống trong khi chấp hành.

Hỏi: Nhưng hầu như không có ai chống đối chuyện này.

- Chuyện chống đối là một điều cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của bất cứ một quốc gia nào. Dường như không có ai chống đối, ngoại trừ những người Cộng sản. Tuy nhiên khi anh nói “không có ai chống đối,”  có lẽ anh muốn nói đến những đảng dân chủ của thời 1990. Nhưng nếu anh nhìn tình trạng này với một cặp mắt khách quan, trong thời 1990 đã có nhiều sa sút trong mức sống, đã chi phối ba phần tư các gia đình Nga, và tất cả dưới một “phướn dân chủ”. Hèn gì bây giờ chẳng có dân số nào chịu đứng dưới trướng này nữa. Bây giờ những lãnh tụ của những đảng này vẫn không biết thỏa thuận cách chia sẻ quyền lợi trong một chính quyền ảo. Rất tiếc ở Nga vẫn không có một cuộc chống đối nào có tầm vóc lớn. Sự trưởng thành và phát triển của một lực lượng đối kháng cần thời gian và kinh nghiệm.

Hỏi: Trong cuộc phỏng vấn cuối của chúng tôi, ông đã lên án luật lệ bầu cử chọn các những người phó trong quốc hội Duma, bởi vì chỉ có một nửa số người trong bọn họ được bầu ra bởi cử tri của họ, trong khi đó nửa còn lại, là đại diện của những chính đảng đã có con số quyết định. Sau cuộc cải cách bầu cử của Putin, đã không có một cử tri trực thuộc. Đây có phải là một bước lùi không?

- Đúng đây là một sai lầm. Tôi là người chống đối dai dẳng “chế độ nghị viên đảng” Tôi chuộng các cuộc bầu cử không đảng phái chọn người đại diện thực sự, những người chịu trách nhiệm với những cử tri trong quận của mình, những người trong trường hợp làm việc không thỏa đáng sẽ bị truất phế. Tôi hiểu và tôn trọng sự thành lập các nhóm kinh tế, hợp tác, lãnh thổ, giáo dục, chuyên môn và kỹ nghệ nhưng tôi không thấy điều gì bình thường trong chuyện lập đảng. Những ràng buộc vì chính trị có thể không bền vững và thường xuyên họ có những động cơ và hậu ý cá nhân ích kỷ. Leon Trotsky phát biểu một cách thật chính xác trong cuộc cách mạng tháng Mười: “Một đảng mà không cố tìm cách chiếm đoạt quyền lực thì chẳng đáng giá gì.” Chúng ta đang nói đến chuyện tìm kiếm lợi lộc cho đảng trên sự mất mát của những dân tình còn lại. Điều này có thể xảy ra cho dù cuộc chiếm đoạt có ôn hòa hay không. Bầu cho một trong những đảng không mật thiết với cá nhân và những chương trình của họ là một thay thế sai lầm bởi vì chỉ có một cách để chọn một người đại diện cho nhân dân: bầu cho một người bằng xương bằng thịt cho một ứng cử viên thật sự. Đây là ý nghĩa đằng sau cuộc phổ thông đầu phiếu.

Hỏi: Mặc dù thu nhập cao từ dầu khí, và chuyện thành lập một giai cấp trung lưu, vẫn còn một hố sâu cách biệt giữa người nghèo và người giàu ở Nga. Có thể làm chuyện gì để cải tiến việc này?

- Tôi nghĩ rằng khoảng cách giữa giàu nghèo là một hiện trạng nguy hiểm và cần sự quan tâm tức thì của nhà nước. Dù có nhiều gia tài được thâu lượm trong thời Yeltsin bằng cách bóc lột, một giải pháp hữu lý để giải quyết tình trạng này, không phải tìm bắt các doanh thương lớn, nhưng phải nới lỏng cho các doanh nghiệp từ nhỏ đến trung. Có nghĩa là bảo vệ công dân và những doanh nhân nhỏ giúp họ tránh hỏi các luật tự tiện và tham nhũng.

Hỏi: Gần đây, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ngày càng nguội lạnh. Nguyên nhân do đâu? Những khó khăn nào đã ngăn chận phương Tây tìm hiểu nước Nga hơn?

- Điều thú vị là thực tế đến từ yếu tố tâm lý, từ sự xung đột giữa hy vọng viễn vông và thực tế. Thực trạng này thể hiện cả với người Nga và người phương Tây. Năm 1994, khi tôi trở về Nga thì phương Tây với mọi mô hình của nó đều được người Nga tôn thờ. Sự sùng kính này không xuất phát từ hiểu biết hoặc một lựa chọn có ý thức mà nó bắt nguồn từ sự thù ghét với chế độ Bolshevik – một cách người ta phản ứng lại đường lối tuyên truyền bài tư bản của chính thể này.
Nhưng tâm trạng đó bắt đầu thay đổi khi Nato ném bom thô bạo xuống Serbia. Mọi tầng lớp xã hội Nga đều bị sốc tận gốc rể. Tình hình càng xấu hơn khi Nato ngày càng bành trướng sức mạnh và bắt đầu kéo các quốc gia thuộc khối Sô viết vào tổ chức của mình. Đau đớn nhất với người Nga là trường hợp của Ukraine – một quốc gia mà sự gần gũi với nước Nga được thể hiện bằng những mối quan hệ của hàng triệu gia đình dân tộc hai nước chúng tôi, họ hàng sống hai bên biên giới quốc gia. Chỉ một nét bút xa thay đổi chính trị, những gia đình bỗng nhiên bị chia cách bởi một ranh giới quốc gia, bởi những phân chia của khối quân sự.
Vì thế, phương Tây với hình ảnh một “hiệp sĩ của nền dân chủ” đã bị thay thế dần bởi tâm trạng thất vọng rằng chủ nghĩa thực dụng, chua cay và ích kỷ nằm trong cội rễ của chính sách Tây phương. Nhiều người dân Nga đã vỡ mộng. Đồng thời, phương Tây lại đang ngây ngất tận hưởng chiến thắng của mình sau chiến tranh lạnh, quan sát một thời gian 15 năm một nước Nga hỗn loạn dưới thời Gorbachev và Yeltsin. Nên phương Tây dễ dàng liệt Nga thành một quốc gia nằm trong khối các nước thứ ba. Nhưng khi Nga bắt đầu lấy lại một ít phong độ của mình, người phương Tây lại hoảng sợ – tiềm thức về một nước Nga kinh hoàng ngày xưa lại trở về.

Hỏi: Tây phương lại liên tưởng đến một siêu cường cũ – Liên bang Sô Viết.

- Thật đáng tiếc. Nhưng trước khi đó, Tây phương đang tự phỉnh mình – hoặc là tiện lợi quên đi thực tế – cho rằng nước Nga là một nền dân chủ mới trẻ, trong khi nước Nga không có dân chủ. Nước Nga chưa phải là một nước dân chủ; họ đang xây dựng dân chủ. Thật quá dễ để bắt đầu lên án Nga với một tội danh dài, liệt ra những điều thiếu sót, vi phạm và sai lầm.
Nhưng có phải rõ ràng nước Nga không đắn đo đã dang tay ra cho Tây phương sau vụ 9/11? Chỉ có một khiếm khuyết lớn về tâm lý, hay là một sự thiển cận tai hại có thể cắt nghĩa được sự thiếu sót vô lý không chấp nhận bàn tay giúp đỡ này. Vừa mới nhận sự tiếp viện của Nga ở Afghanistan là Hoa Kỳ lại bắt đầu  ngày càng đòi hỏi những điều kiện mới và mới hơn nữa. Trong khi Âu châu, qua những thiếu sót về năng lượng quá rõ rệt lại hô hoán những lo sợ về nhiên liệu, những lo sợ không đúng chỗ.

Có phải là một điều phung phí khi phương Tây cố đẩy Nga sang một bên, nhất là trước những đe dọa mới? Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng với phương Tây trước khi tôi trở về Nga [với tạp chí Forbes, tháng Tư 1994] tôi nói: “Người ta có thể nhìn thấy trong thế kỷ 21 tới này khi cả Âu châu lẫn Hoa Kỳ đều cần đến sự tiếp viện rất cấp bách của một đồng minh Nga.”

Hỏi: Theo ông, tình trạng văn chương ở Nga ngày nay ra sao?

- Thời buổi thay đổi nhanh chóng và sâu đậm chưa bao giờ là thời gian thuận lợi cho văn chương. Những tác phẩm đáng kể, luôn luôn và ở khắp mọi nơi nở rộ vào thời ổn định, xấu hay tốt. Văn chương hiện đại của Nga cũng không khác gì. Những độc giả có học ngày nay thường  thích đọc sách không phải là truyện. Tuy vậy, tôi tin rằng công lý và lương tâm sẽ không bị quẳng ra cho gió bốn phương, nhưng sẽ mãi là nền tảng của văn chương Nga, để nó có thể trở nên hữu ích làm rạng sáng tinh thần và sự hiểu biết của chúng ta.

Hỏi: Năm 1987, ông từng nói, ông cảm thấy rất khó khăn khi phát biểu trước công chúng về tôn giáo. Vậy với ông, tín ngưỡng có ý nghĩa thế nào?

- Với tôi, tín ngưỡng là nền tảng mang tính hỗ trợ cho đời sống con người.

Hỏi: Ông có sợ chết không?
 
- Không. Khi còn trẻ, sự ra đi sớm của bố tôi đã phủ một bóng tối lên đời tôi – nên tôi rất sợ chết khi các dự tính văn chương của mình chưa thành hiện thực. Nhưng ở giữa tuổi 30 – 40, thái độ của tôi với cái chết đã trở nên bình thản và cân bằng hơn. Tôi thấy chết là điều tự nhiên, nhưng nó không phải là chuyện kết liễu, không nên được coi là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi con người.

Hỏi: Dẫu vậy, xin chúc ông  thật nhiều năm nữa để sáng tác.

- Ồ không, không. Đừng. Như vậy là đủ rồi.

© 2008 www.danchimviet.com

Phản hồi