WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Học giả Nguyễn Kiên Giang

 

Cũng như Nguyễn Kién Giang, không là tín đồ nhưng tôi thờ phụng ( chỉ bằng tâm tưởng ) cả Phật, cả Chúa. Tôi quý mến những tín đồ chân chính. Tôi cho rằng không thể để tôn giáo thiếu vắng trong đời sống xã hội. 

Vậy mà, trên cơ sở coi tôn giáo hình thành từ sự bất lực của con người trước thiên nhiên và xã hội mà dốt nát và nghèo khổ vừa là nguyên nhân vừa là kết quả, Engels cho tôn giáo là “ sự phản ảnh hoang đường những hoàn cảnh bên ngoài thống trị con người, dưới hình thức những sức mạnh siêu nhiên ”. Từ điển triết học Liên Xô ( 1983 ) định nghĩa tôn giáo là “ một hiện tượng bị qui định về mặt xã hội và, do đó là một hiện tượng lịch sử nhất thời ”. Theo cách nhìn này, trong một thời kỳ lịch sử rất dài, con người chưa biết tới tôn giáo, vì tôn giáo chỉ xuất hiện ở một trình độ phát triển nhất định của xã hội nguyên thủy. Đến xã hội có giai cấp, sự tồn tại của tôn giáo còn gắn thêm với sự bất lực của con người trước những quá trình phát triển tự phát của xã hội trong sự bóc lột lẫn nhau và trong tình cảnh thiếu thốn. Tôn giáo, do đó, là phương tiện giải thoát bằng ảo ảnh của người nghèo khổ. Mác nói tôn giáo là “ tiếng thở dài của người bị áp bức ”. Chủ nghĩa cộng sản cho rằng xóa bỏ chế độ người bóc lột người sẽ chấm dứt nạn nghèo khổ của quần chúng nhân dân, từ đấy cũng đồng thời là sự kết thúc của tôn giáo. 

Với những người theo chủ nghĩa duy vật, dù xem xét về mặt nhận thức luận hay về mặt xã hội học, tôn giáo chỉ là một hiện tượng nhất thời, tạm thời và nằm ở bên ngoài con người. Nó thuộc về quá khứ mà không thuộc về tương lai của con người. Nó kìm hãm sự phát triển của xã hội, mà không phải là một nhu cầu của con người. Nó đáng bị lên án, bài xích và phải bị xóa bỏ càng sớm càng tốt. Lênin từng nói: “ Chúng ta phải đấu tranh chống tôn giáo. Đó là toàn bộ chủ nghĩa duy vật và, do đó, của chủ nghĩa Mác. Nhưng chủ nghĩa Mác không phải là chủ nghĩa duy vật dừng lại ở a b c. Chủ nghĩa Mác đi xa hơn. Nó nói rằng: cần phải biết đấu tranh chống tôn giáo, và để làm điều đó, cần phải giải thích một cách duy vật về nguồn gốc của lòng tin và của tôn giáo ở quần chúng ”. 

Nguyễn Kiến Giang nghiêng về mặt bản thể luận khi xem xét vấn đề tôn giáo, và, như một số nhà nghiên cứu, ông coi cái cốt lõi của tôn giáo là lòng tin vào một cái gì siêu nhiên. Ông cho rằng: “ trong đời sống con người, không phải cái gì lý trí cũng có thể nhận biết. Cái thiêng liêng là một trong những cái không thể nhận biết bằng lý trí. Vì một khi đã nhận biết được một đối tượng thiêng liêng bằng lý trí ( bằng khám phá và kiểm nghiệm khoa học ), thì nó không còn là thiêng liêng nữa. Cũng có thể nói như vậy về chân, mỹ, thiện. Người ta bao giờ cũng hướng tới những cái đó, nhưng không bao giờ có thể đạt tới ở mức cuối cùng. Tất cả những gì là thiêng liêng, là cao cả bao giờ cũng vẫy gọi con người, làm cho nó luôn luôn tự vượt mình, hướng tới cái cao hơn ( hướng thượng ), hướng tới cái siêu việt, tới trạng thái chân hơn, mỹ hơn, thiện hơn. Xu hướng ấy của con người tạo ra một mặt cơ bản của đời sống con người: đời sống tâm linh ”  ( 4 ); “ Cái thiêng liêng gắn với sự thăng hoa, với sự tự vươn lên của con người tới cái tuyệt đối, cái vô cùng, cái toàn năng, cái hoàn thiện. Những cái đó là có thể nhận thức được, tất nhiên không phải bằng lý trí, bằng khoa học, mà bằng sự cảm nhận tính toàn bộ (holisme) của vũ trụ. Chẳng hạn trong Phật giáo, con người bằng trực giác có thể “ ngộ ” cái “ chân như ”, cái “ chân tâm ” với tư cách bản thể của sự vật, mặc dầu không coi đó là cái thần bí. Trong Phật giáo, có cái thiêng liêng nhưng không có cái thần bí ” ( 4 ). 

Không phải chỉ những kẻ nghèo khổ, dốt nát mới tìm đến tôn giáo, nhiều nhà khoa học vĩ đại từng là những tín đồ ngoan đạo. Mọi khám phá khoa học chỉ được thực hiện trong một phạm vi nhất định mà sự chiếm lĩnh tôn giáo là không hạn chế, nó đem lại cho con người khả năng cảm nhận vũ trụ nói chung, cùng với nguyên ủy và cứu cánh của vũ trụ ( dù với sự sáng thế và tận thế của Kitô giáo hay với trạng thái “vô thủy vô chung” của Phật giáo…). 

Đức Phật nói rằng thế giới là “ sắc sắc không không ”, có mà không, không mà có. Cái triết thuyết “ vô minh ” ấy chỉ có thể hiểu được khi vật lý lượng tử ra đời. Vật lý lượng tử chỉ ra rằng những hạt – sóng ánh sáng có “ ý thức ”. Những hạt tưởng là vật chất ấy chỉ là kết quả của sự vận động giữa các trường, mà trường lại là một phạm trù phi vật chất. 

Cho nên tôi rất nể phục Nguyễn Kiến Giang khi ông đưa ra được định nghĩa này: “ tôn giáo là sự chiếm lĩnh thế giới chung quanh một cách vô hạn, toàn bộ, thông qua cái thiêng liêng được đối tượng hóa hay một đối tượng được thiêng liêng hóa làm môi giới ”. Đó là một sự chiếm lĩnh đặc biệt, khác với mọi sự chiếm lĩnh khác. 

Bàn về sự điều tiết giữa công bằng xã hội và phát triển kinh tế là rơi vào một lĩnh vực hắc búa. Đòi hỏi kinh tế phát triển nhanh nhưng vẫn phải bảo đảm công bằng xã hội tuyệt đối là một bài toán không giải được, vì cho đến nay, hai mặt này dường như mâu thuẫn nhau đến mức khó điều hòa. Đặt công bằng xã hội lên trên hết và coi đó là mục tiêu trực tiếp phải được thực hiện dưới dạng gần như tuyệt đối, thì khó có thể bảo đảm hiệu quả kinh tế ( như “chủ nghĩa xã hội hiện thực” cho thấy ). Ngược lại, đặt hiệu quả kinh tế lên cao, coi đó là thước đo duy nhất của sự phát triển kinh tế, thì lại không tránh khỏi những bất công xã hội ( như “chủ nghĩa tư bản tự do” cho thấy ). Có điều là giữa hai cách giải quyết, cách giải quyết thứ hai thực tế đã đem lại những kết quả khách quan có lợi hơn cho xã hội nói chung và cả cho những người lao động. Nguyễn Kiến Giang đưa ra hình ảnh “ Một bên chúng ta có một chiếc bánh đem chia thành những phần gần đều nhau cho mọi người, dần dà chiếc bánh ấy cứ nhỏ dần, nhỏ dần. Cho tới lúc gần như không còn gì để chia nữa, và nếu trong hoàn cảnh đó lại có những kẻ đòi phần hơn thì những người khác mất phần. Một bên khác, chúng ta có một chiếc bánh chia không đều nhau, kẻ được miếng to, người được miếng bé, nhưng do chiếc bánh to dần lên nên kẻ được miếng bánh bé chẳng những không mất phần mà còn có thể được khá hơn một chút. Rốt cuộc, chẳng có công bằng xã hội, chỉ có các cách chia khác nhau và mỗi bên bất công gần giống nhau ” ( 5 ) 

Chủ nghĩa Mác do quan niệm duy vật của mình, coi sản xuất vật chất là nền tảng của tất cả các mặt đời sống xã hội, coi kinh tế là cơ sở hạ tằng của xã hội, vì thế, khi bàn tới công bằng xã hội, trước hết và gần như, chỉ bàn về công bằng xã hội trong lĩnh vực kinh tế. Từ đây, coi việc xóa bỏ chế độ tư hữu làm điều kiện tiên quyết để giải quyết công bằng xã hội. 

Để gỡ nút một phần cho kinh tế phát triển, đồng thời cho công bằng xã hội, chủ nghĩa xã hội-dân chủ chủ trương: Việc xóa bỏ chế độ tư hữu không thể làm ngay một lúc, đó phải là một quá trình lâu dài, tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế, nhất là sự phát triển của lực lượng sản xuất. Đi xa hơn, Nguyễn Kiến Giang cho rằng: “ Không thể đạt tới công bằng xã hội bằng sự triệt tiêu cá nhân và những lợi ích cá nhân ” ( 5 ). Ông ủng hộ quan điểm của John Rawls – tác giả cuốn       “ Một lý luận về sự công bằng ”- chủ trương: một xã hội công bằng là một xã hội xác định được những giới hạn và những bối cảnh cho các cá nhân nỗ lực hoạt động, đồng thời đem lại cho họ một nền tảng quyền hạn, một cơ hội có hiệu quả nhất. 

Cho rằng nếu chỉ dừng lại ở văn minh công nghiệp thì xã hội loài người sẽ còn bế tắc khi muốn giải quyết vấn đề công bằng xã hội, Nguyễn Kiến Giang kỳ vọng vào nền văn minh hậu công nghiệp mà ở đây nền sản xuất dựa chủ yếu vào tri thúc, vào trí tuệ cá nhân chứ không phải vào sức mạnh của những phương tiện vật chất nằm trong tay các lực lượng xã hội. Ông giải thích:    “ Xét về mặt công bằng xã hội, ít ra tri thức có hai thuộc tính phù hợp với việc giải quyết vấn đề này. Thứ nhất, tri thức bao giờ cũng nằm ở cá nhân ( dù đó là “ trí tuệ tập thể ” đi nữa, thì cũng do các cá nhân mang nó ), cá nhân và năng lực của cá nhân là điểm xuất phát để tính những giải pháp kinh tế tối ưu. Thứ hai, tri thức mang bản chất dân chủ, không phải và không thể là độc quyền của bất cứ ai, và như A. Toffler, nó “ mang thuộc tính thật sự cách mạng ở chỗ là những người yếu kém nhất và những người nghèo khổ nhất cũng có thể chiếm lĩnh nó ” ” ( 5 ). 

Dẫu sao, như một tiếng thở dài nhân ái, Nguyễn Kiến Giang vẫn phải thừa nhận: “Nói cho cùng, công bằng xã hội là một cái đích không bao giờ đạt tới một cách tuyệt đối cả. Cả trong tương lai xa vời, sẽ không bao giờ loài người có thể xoa tay và dõng dạc tuyên bố: “ Đã có công bằng xã hội rồi! ”. Nhưng cũng giống như sự vận động của tri thức và nhận thức trên đường đi tới nhưng chân lý không bao giờ đạt tới, công bằng xã hội chỉ có thể vận động theo hướng ngày càng ít bất công hơn mà thôi. Nghĩa là, công bằng xã hội, với tư cách một lý tưởng xã hội, vẫn cứ là một ảo tưởng, nhưng là một ảo tưởng cần thiết ” ( 5 ) 

Khi bàn về quá trình tìm đường đánh đuổi ngoại xâm tạo cơ hội chấn hưng đất nước Nguyễn Kiến Giang đã từng đánh giá rất cao các chí sỹ Duy Tân: “Tôi xin nói thật rằng: nếu ngày nay, giới trí thức chúng ta ( lớp “kẻ sĩ” hiện đại ) có được tầm trí tuệ và khí phách ngang với những sĩ phu Duy Tân, thì đã là điều đáng mừng lắm rồi ” ( 6 ). Ông viết: “ Ngày nay chúng ta đã có tiền đề độc lập dân tộc và đang nói tới “ văn minh ” trong bối cảnh một nền văn minh khác, nhưng hệ vấn đề “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh ” là sự phục hồi và sự tiếp tục của hệ vấn đề đã đặt ra đầu thế kỷ, từ thời Duy Tân. Một sự trùng lập đáng ngạc nhiên: Ngày nay từ “ đổi mới ” được dùng như tên gọi một sự nghiệp lịch sử của toàn thể dân tộc nhằm         “ hiện đại hóa ” đất nước cũng là từ “ duy tân ” ở đầu thế kỷ, chỉ khác nhau ở một từ là thuần Việt còn từ kia là Hán Việt ” ( 6 ). 

Tiếp nối Duy Tân, ngoài những người lúc đầu chống Cộng sản quyết liệt như Huỳnh Thúc Kháng, một số thanh niên yêu nước cấp tiến ngả sang sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản ở những mức độ khác nhau, đồng thời, vẫn truyền bá những tư tưởng của cách mạng Pháp 1789 ( tiêu biểu là Nguyễn An Ninh ). Một số khác lựa chọn con đường trung gian không chống cộng cũng không theo cộng sản, đặt cách mạng quốc gia lên trên “ cách mạng thế giới ” ( tức cách mạng giai cấp ) như Việt Nam Quốc Dân Đảng. Số còn lại từng bước hướng vào chủ nghĩa cộng sản như Hồ Tùng Mậu, Trần Hữu Độ, Trần Huy Liệu …. 

Trả lời câu hỏi “ Ai du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam ? ”, Nguyễn Kiến Giang viết:  “ Đúng là Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam ( không có ai trở thành đảng viên Đảng cộng sản từ 1920 như Nguyễn Ái Quốc cả, nếu tính tuổi đảng thì Nguyễn Ái Quốc hơn tuổi đảng của lớp cộng sản đầu tiên khoảng trên dưới 10 năm ), và cũng đúng là Nguyễn Ái Quốc là người viết về chủ nghĩa cộng sản sớm nhất trên sách báo cách mạng Việt Nam ( lúc đầu là trên Le Paria, trong cuốn Le procès de la colonisation francaise, sau đó là trên tờ Thanh niên và trong cuốn Đường Cách Mệnh ). Nhưng không phải chỉ có Nguyễn Ái Quốc làm công việc giới thiệu chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam trong những năm 20. Xin nêu lên vài tên tuổi đã đóng góp vào công việc này: Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Đào Duy Anh… Chúng ta biết Phan văn Trường là người từng cộng tác với Nguyễn Ái Quốc và Phan Chu Trinh để khởi thảo ra Bản yêu sách Tám điều do Nguyễn Ái Quốc mang tới Hội nghị Versailles năm 1919 ” ( 6 ). 

Nguyễn Kiến Giang còn quả quyết: “ Một số người cộng sản ngày nay nói một cách khẳng định rằng: “chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam ”. Đúng thế chăng? Tôi xin phép được nghi ngờ. Có lẽ không có gì rõ hơn sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ cách mạng Tháng Tám. Hồi đó, nhân dân lựa chọn cái gì? Lựa chọn độc lập, tự do, hạnh phúc, lựa chọn Nhà nước cộng hòa dân chủ, lựa chọn Việt Minh như một mặt trận thống nhất dân tộc thật sự với những thành viên khác nhau của nó, lựa chọn những người có đức có tài lãnh đạo quốc dân. Lựa chọn bằng những cuộc khởi nghĩa tháng tám đầy khí thế. Lựa chọn bằng tham gia Giải phóng quân, Vệ quốc đoàn, Nam tiến… Lựa chọn bằng Tổng tuyển cử (6-1-1946) một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do, có sự tham gia của nhiều tổ chức và cá nhân thuộc những xu hướng chính trị khác nhau. Lựa chọn bằng Hiến pháp thật sự dân chủ tháng 11-1946 do Quốc hội đầu tiên thông qua. Sự lựa chọn của người dân là như vậy. Còn sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là sự lựa chọn của những người cộng sản, một bộ phận ( dù là cách mạng nhất đi nữa thì cũng là một bộ phận ) mà không phải của nhân dân nói chung, của toàn dân ” ( 6 ). 

Ông thừa nhận: “Tất cả những người lựa chọn chủ nghĩa cộng sản đều nung nấu tinh thần yêu nước mạnh mẽ. Việc lựa chọn chủ nghĩa này trong phần lớn các trường hợp là do nhìn thấy nó đem lại những sức mạnh mới từ trong nước và trên thế giới có thể giúp giải phóng dân tộc một cách có hiệu quả hơn. Nói cách mạng vô sản nhưng chủ nghĩa yêu nước vẫn là một nền tảng tư tưởng của tất cả những người cộng sản ”. ( 6 ) 

Nhưng đến nay, ông cho rằng: “ Cuộc sống đã chứng minh khá đầy đủ rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã thuộc về quá khứ ( một quá khứ thật oanh liệt, đầy những hào hùng và những bi kịch ), mà không thuộc về hiện tại, lại càng không thuộc về tương lai. Ở một mức độ nào đó, “ số phận ” của nó cũng giống như “số phận” của Nho giáo ngày xưa ”. ( 6 ). 

Nguyễn Kiến Giang không phủ định sạch trơn, không phỉ báng chủ nghĩa Mác. Ông tâm sự trong bài trả lời phỏng vấn BBC ngày 1 tháng 2 năm 2004: “ Trước đây tôi để chủ nghĩa Mác Lênin lên đầu và coi là giá trị lớn nhất, giá trị cao nhất của tư tưởng loài người và tôi bị cái vòng kim cô của chủ nghĩa Mác Lênin xiết chặt đầu tôi lại. Bây giờ tôi làm một việc khác, tức là tôi đặt bàn thờ chủ nghĩa Mác Lênin sang một bên, chứ không đặt lên đầu tôi nữa, tức là ngang với những nhà tư tưởng lớn của loài người như Rousseau, Robespierre, Montesquieu v.v. Tôi coi mỗi nhà tư tưởng đều có đóng góp của mình vào trong tiến triển của tư tưởng loài người cả ”. 

Trở thành đảng viên Cộng sản ở tuổi 15, từng đảm lãnh trách nhiệm phó giám đốc một cơ quan chuyên xuất bản sách Mác- Lênin, Nguyễn Kiến Giang đã từng vật vã quằn quại: “ khi tôi viết xong để mình từ giã chủ nghĩa xã hội khoa học thì gần như không ăn. Uống thì có nhưng gần như không ăn, vì nó mệt quá… Bởi vì đây là một niềm tin, một cái gì đó rất thiêng liêng, mà tự mình phải lột bỏ đi. Cái đó là một sự đau đớn ghê gớm ” . 

Viết xong bài này, tôi gọi điện thoại định đến xin ý kiến Nguyễn Kiến Giang nhưng người nhà bảo ông đã vào Sài Gòn tránh rét và dưỡng bệnh. 

Cách đây hơn một năm, tiễn tôi ra cửa, ông nắm tay rất lâu và như nén xúc động, dặn dò:           “ Thanh Giang ơi, còn sống thì hãy còn gặp nhau nhé ! ”. Thế mà, bẵng đi cho đến hôm nay. 

Ôi cái tuổi già ! ( Ông đã bát tuần, còn tôi, không chỉ ngoại thất thập mà đến nỗi đã ở giữa thất -bát thập ). Dẫu có là Bá Nha – Tử Kỳ chúng tôi cũng không thể năng đến với nhau để cùng tấu khúc tương cầu. Nhưng sao, tuồng như cả hai vẫn cứ còn vấn vít mãi cái “ Thế sự du du nại lão hà ” này ? Chỉ mong sao, rồi tất cả sẽ không còn phải “ ẩm hận đa ”. 

Hà Nội, năm Canh Dần 

© Nguyễn Thanh Giang 

Số nàh 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay 

Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội 

Điện thoại: ( 04 ) 35 534 370 

Ghi chú : 

( 1 ) – Đi tìm cách tiếp cận bản tính gốc người Việt ( viết tháng 4 năm 2000 ). 

( 2 ) Một cuộc chiến chống lại “ phi lý tính ” ( 18 tháng 9 năm 2001 ) 

( 3 ) Nên đặt vấn đề Nho giáo như thế nảo ? ( 1993 ) 

( 4 ) Dời sống tâm linh và ý thức tôn giáo ( tháng 5 năm 1993 ) 

( 5 ) Công bằng xã hội và kinh tế ( tháng 12 năm 1992 ) 

( 6 ) Nhìn lại quá trình du nhập chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam ( tháng 1 năm 1995 ) 

Pages: 1 2

2 Phản hồi cho “Học giả Nguyễn Kiên Giang”

  1. Hennry says:

    Học giả hay học thật ? Nguyễn Kiên Gian vào đảng CS VN từ năm 15 tuổi thì …” Lè thè lưỡi trai, chẳng ai thì nó”
    Tam cương ngũ thường là cái đinh gi mà mang ra quảng cáo. Muốn lập thêm vài chi nhánh Khổng học ở VN để lần này khai hoá văn minh Tàu đến tận thứ dân sao ?
    Xưa, Khổng Khâu nói ” Lễ bất hạ thứ dân” Chừ, Hồ Cẩm Đào phát huy đạo khổng tới thứ dân các nước phên dậu để chiếm cả hồn lẫn xác. Chiến tranh mềm lần này Việt sẽ nhập Tàu muôn năm, muôn muôn năm.
    Học thật cũng chẳng non nước gì, huống chi học giả cái kiểu Kiên Gian ?

  2. Bùi Mê Đô says:

    Đọc gỉa “DỊ ỨNG” khi thấy quảng cáo của Law firm NGUYỄN HỮU LIÊM trên trang web nầy.
    Xin Đàn Chim Việt hãy gở nó xuống, vất nó đi … nếu không vì “sự hậu hỉ” của thân chủ.

Phản hồi