WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Làm thế nào gióng tiếng chuông chính nghĩa Việt Nam đi khắp nơi?

Hôm thứ Ba (20 tháng Ba, 2012), trên đường lái xe đến một phiên họp ở Walnut Creek, tôi tình cờ nghe chương trình Diễn Đàn/Forum trên đài phát thanh KQED 88.5 (San Francisco) do ông Michael Krasny phỏng vấn nhà văn, kiêm  giáo sư Adam Johnson (hiện dạy các lớp Luận văn cao học tại Stanford University) về quyển tiểu thuyết The Orphan Master’s Son/Người Con trai Mồ côi của Lãnh tụ mới xuất bản ở Mỹ. Đây là một trường thiên tiểu thuyết dày 443 trang nói về một nhân vật lớn lên từ một trại mồ côi, được huấn luyện để trở thành một chỉ huy trưởng trong guồng máy quân phiệt cao cấp của Cộng Sản Bắc Hàn, một xã hội có thể nói đen tối nhất địa cầu.

Bắc Hàn là một nước bí hiểm, hoàn toàn cách biệt và che chắn với thế giới bên ngoài. Động cơ nào đã thúc đẩy ông Adam Johnson, một người Mỹ da trắng, miệt mài tâm huyết hơn 5 năm trời để tìm hiểu, tra cứu, xin du lịch đến Bắc Hàn nhằm thu thập đủ tài liệu để phóng tác một quyển tiểu thuyết vĩ đại trong sự nghiệp văn chương của mình? Ông Johnson cho biết trong cuộc sống ông đã nghe qua nhiều mẩu tin tức, những giai thoại về: các vụ biệt kích quân Bắc Hàn đi tàu qua Nam Hàn, qua Nhật bắt cóc những công dân hai nước này đem về phục vụ hay mua vui cho lãnh tụ (sách có kể những tật thói quái đản của Kim Il Sung, Kim Yong Il, lãnh tụ cha truyền con nối Bắc Hàn), kể cả nghe các người dân trốn khỏi chế độ tiết lộ về xã hội u tối, đói khát và khắc nghiệt này; và từ những sự kiện đó đã tạo dựng, hư cấu nên một quyển tiểu thuyết với  một bộ mặt người như vậy.

Là người Việt, tôi không khỏi bị kích thích và mê mải khi nghe hai người đàn ông hiểu biết nói chuyện về một xã hội Cộng Sản bưng bít, mà hiện nay Bắc Hàn phải chính thức được gọi là Bức Màn Sắt trong các nước Cộng Sản còn sót và tồn tại trên thế giới.  (Trong một bài diễn văn khai mào giai đoạn Chiến tranh Lạnh, thủ tướng Anh Winston Churchill mệnh danh thế giới Cộng Sản do Nga sô kiểm soát là Bức Màn Sắt (1), sau đó không hiểu ai là người đầu tiên đã gọi Trung quốc, VIệt Nam, Bắc Hàn, Lào là Bức Màn Tre). Hôm đó, nghe chương trình phỏng vấn gần 30 phút tôi định bụng khi diễn đàn mở ra cho thính giả đặt câu hỏi và góp ý, tôi sẽ hỏi ý kiến tác giả Adam Johnson về những điểm chung và khác biệt như sự cởi mở và đóng kín giữa hai nước ngày nay.

Bắc Việt trước 75, và Việt Nam trước 86, mở màn cho những năm Đổi mới về sau – có lẽ cũng có một xã hội bế quan tỏa cảng không khác gì mấy với Bắc Hàn. Cho nên khi đến nơi, an tọa ở bãi đậu xe, còn hơn 15 phút mới đến buổi họp chờ đến phiên mình vào dịch, tôi gọi điện và ngồi nán ở xe chờ đến lượt mình đặt câu hỏi, góp ý. Những giây phút dài trôi qua, tôi được dặn theo dõi nghe radio và chờ phone. Chỉ còn 4 phút nữa tôi phải vào bên trong phiên dịch cho một buổi deposition/Luật sư và thân chủ lấy cung. Tôi đã thấy bên bị cáo bước vào tòa nhà, mà tổng đài KQED cũng chưa gọi, nên chờ hay vào làm việc? Còn hồi hộp tiến thoái lưỡng nan, thì tiếng nói ở bên kia cell báo hiệu:  “Thai, you’re on.”

“Good morning Thái,” giọng ông Michael Krasny trổi lên chờ đợi. Tôi hồi hộp cất tiếng: “Good morning,…”

Đại ý tôi hỏi giáo sư Adam Johnson có thể so sánh cho biết mối tương quan (sự song hành) giữa hai xã hội Việt Nam và Bắc Hàn, nhất là trước 75, tuy rằng có thể Bắc Việt không như Bắc Hàn, đa dạng hơn sau ‘đổi mới’, và tôi cũng mong rằng những nhà văn Tây phương sẽ viết thêm về VN vì những cây bút Việt Nam không được bình tĩnh khi họ viết về Cộng Sản Việt Nam… Sau khi đặt câu hỏi thì chỉ còn nửa phút đến giờ làm việc, tôi chỉ kịp nán lại để loáng thoáng nghe ông Johnson trả lời ‘đã có nhiều nhà văn Việt-Mỹ viết về Việt Nam’ trước khi rời xe vào phiên họp.

Sau hôm đó khi về nhà lên mạng tôi tìm ra địa chỉ e-mail giáo sư Adam Johnson và viết lại mạch lạch hơn ý nghĩ của mình, đại ý cho ông biết tại sao người Việt lại khó viết cho thông suốt được câu chuyện Việt-Nam của họ. Của đáng tội, cái khó (và éo le) của người Việt khi viết về vấn đề Việt-Nam cho người ngoại quốc/ngoại cuộc thường nằm ở hai vế đối chọi:

1) Những người sống qua những cuộc đổi đời, có đủ thẩm quyền để viết về Việt Nam thì lại không hội đủ chữ nghĩa Anh văn lưu loát để viết tiểu luận, nói gì đến tiểu thuyết, hoặc giả nếu hội đủ điều kiện thì họ đã quá gần gũi với chuyện tang thương của mình để có thể trình bày hay lập chuyện một cách hấp dẫn, ôn tồn và minh bạch. Đó là chưa kể những tư duy và góc nhìn thấm nhuần chính trị xã hội của 2 miền Nam Bắc. Vì khác với ông Adam Johnson trong quyển tiểu thuyết này, người Việt không cần bổ sung những sự kiện thật nhưng thiếu sót bằng óc tưởng tượng.

2) Những người có đủ thời gian học vấn và văn chương Anh văn, phần đông thuộc lứa tuổi trẻ, sống xa rời quê hương, không rành tiếng Việt và lịch sử gần đây của nước nhà hầu có thể thống hiểu câu chuyện Việt-Nam để viết một cách tường tận và thuyết phục, thế cho trải nghiệm bản thân(2). Chưa kể một số những người trẻ ở hải ngoại do bị thế hệ cha anh chụp mũ và cho là mất gốc nên đã xa lánh cộng đồng và câu chuyện Việt Nam. Nếu có viết về Việt Nam hì cũng là những câu chuyện vô thưởng vô phạt, thiếu tầm vóc lịch sử và chiều sâu.

Thú thật, nhiều lúc tự tin vào khả năng Anh ngữ và tính trung chính của mình trong ứng xử, nhưng hôm thứ Ba đó không hiểu vì vấn đề Bắc Hàn gần gũi với chuyện quê hương thế nào, hay vì bị chia trí, nao núng vì sắp đến giờ họp quan trọng, tôi đã không đủ bình thản và trầm tĩnh để hỏi và nói hết ý dữ kiện hỗ tương cũng như khác biệt giữa Việt-Nam và Bắc Hàn. Rõ ràng tôi đã lâm vào hội chứng Việt Nam như nhiều người Việt hải ngoại khác. Đây là hội chứng Việt-Nam nói trên.

Làm thế nào để nói lên tiếng nói lương tri của người Việt trong vòng 15, 20 giây mà không tiểu-tiết-hóa, làm rẻ rúng vấn đề? Không được may mắn như trường hợp kiến nghị We The People ở Nhà Trắng vì không hân hạnh có mặt hay có tên trong số những người được mời phát biểu hôm 5 tháng Ba trước các viên chức Hoa-Kỳ, trường hợp cá nhân tôi đã phản ảnh những cơ hội hiếm có bị đánh mất của người Việt trước những vận hành hay biến cố mấu chốt lịch sử để gióng lên tiếng nói chân thành và nhược tiểu của mình.

Bất kể những sơ suất kỹ thuật, thiếu dự bị tổ chức trong chuyến Thình Nguyện Thư vừa qua, người Việt hôm nay, nhất là cộng đồng hải ngoại, đã tạo được cho mình tiếng vang với 150 ngàn chữ ký, sắp sửa có tiếng nói. Như vậy có khác với chuyện bác Hồ ngày xưa phải chật vật đi mướn áo vét đuôi tôm, mượn văn bút của nhóm Ngũ Long, Le Patriot:  Phan chu Trinh, Phan văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, (Nguyến Tất Thành), đặt yêu sách của dân Việt “Revendications du Peuple Annamite” và tìm cách yết kiến với Tổng thống Woodrow Wilson năm 1919 không?

Xin để cho những học giả nặng ký trả lời. Hôm nay tôi không dám lạm bàn đến công cán của người chắp bút thỉnh nguyện thư ở Hội nghị Hoà Bình Versailles 93 năm trước đây, cũng như tính chính danh của Nhóm Ngũ Long Le Patriot (Nguyễn Ái Quốc) hay của bác Hồ vào thời đó mà chỉ nhắc lại sự vận động của người Việt-Nam xưa và nay, hy vọng sẽ gióng lên được tiếng chuông suy tư và lẽ phải (chưa dám nói đến yêu nước) để luận bàn một cách bình thản, không nóng máu về cách vận động và tranh đấu của người Việt hải ngoại cho người oan khuất trong vòng gần 40 năm trở lại đây.

Có phải ở Mỹ, đại đa số người Việt tranh đấu cho Việt-Nam lâu nay đã không có cơ hội, không đủ mức (đủ sức) vận động, hoặc không màng tranh thủ bằng tiếng Anh với chính giới Hoa Kỳ vì không quen hoạt động với người Mỹ?

Ngược lại hàng ngày chúng ta bị tràn ngập bởi những thông tin xấu ở Việt Nam, nhiều lúc làm cho mình hầu như quên sống cho bản thân, cho gia đình, cho công việc hàng ngày, để trở nên bất bình thường, mất cân bằng trong cuộc sống vì bị ám ảnh bởi những tin tức bất cập khiến mình nửa điên nửa ngộ, vừa điên tiết vừa lộn ruột. Cho tôi sống với! Cá nhân mỗi người phải tự hỏi mình làm điều gì thiết thực nhất trong phạm vi hữu hạn của mình. Nhiều khi chuyện quan trọng của cộng đồng chưa chắc đã là mối quan tâm của người Mỹ.

Chả trách khi nộp bài cho một nhật báo lớn của Mỹ, bà phó tổng biên tập mà tôi quen đã thoái thác khuyên: “I don’t know Thai, how many people in the mainstream know or care about the Vietnamese petition’s We The People? Why don’t you write something about how your community  think about the Republican primary election! (Tôi cũng không biết nữa (về bài TNT tôi nộp) có bao người trong dòng chính để ý đến chiến dịch chữ ký We The People của cộng đồng Việt? Sao anh không viết về cuộc tuyển chọn ứng cử viên Cộng hòa trong cộng đồng Việt? (Hơn 90% các bài bình luận của tôi trên báo Mỹ đều nói đến vấn đề Việt Nam (3)

Đó là chưa nói đến một thiểu số ồn ào, thích khoác cho mình sắc áo và màu cờ Vàng, giành chính nghĩa cho mình? Một số khác túc trực hàng ngày trên các trang mạng Việt ngữ, truy cập, nghe ngóng tin tức và viết những lời thóa mạ, chửi bới, báng bổ, khích bác ngập  tràn. Trong khi tiếng nói trung thực cho cộng đồng, cho Việt Nam hầu như chưa bao giờ được chính khách và dòng chính Hoa Kỳ nghe cho tường. Trái lại như tại San José qua các cuộc bầu cử địa phương vừa qua, chuyện quốc gia-cộng sản – một mặt của thực tế cộng đồng – đã làm át đi tiếng nói thiết thực hơn của địa phương, khiến cho nhiều người dân và chính giới Hoa kỳ phải ngán ngẩm chuyện Việt-Nam.

Có lẽ nhiều lúc hình như (một số) người Việt hải ngoại quên rằng họ đang tranh đấu với ai, và cho ai?

Trong khi tranh đấu ở nước nhà bị cấm đoán, ở Mỹ, luật pháp và hiến chương ủng hộ các cuộc biểu tình, chống đối chính phủ rộng lớn (không ai lạ gì các tổ chức như Tea Party, Chiếm đóng/Occupy Wall Street, v.v.).  thì phần lớn những chuyện tranh đấu dữ dội của người Việt ở hải ngoại chỉ giới hạn giữa người Việt với nhau, người Mỹ gọi là “Tempest in a Teacup”/”Bảo táp trong một tách trà” (để nói lên những sự việc hung hăng nhưng bị giới hạn/gói gọn trong một môi trường nhỏ bé, không gây ảnh hưởng) lại xảy ra, xâu xé nhau trong cộng đồng Việt (nhiều người gọi là vũng lầy của chúng ta) thay vì  tranh đấu, thu phục cảm tình của dân Mỹ và các dòng chính, họ lại đánh phá chính mình: Ngay trong cộng đồng Việt, ngay trên báo chí Việt.

Người Mỹ thường không biết người Việt tranh đấu cho ai, vì ai!

Xin lặp lại câu hỏi: người Việt hải ngoại đang tranh đấu với ai, và cho ai?

- Với người Việt trong cộng đồng Việt (trừ giới trẻ) Đúng! Với Mỹ, với thế giới? Không đúng, chưa đủ!

Tranh đấu cho ai! Cho họ ư?

- Không đúng, mấy ai ở Mỹ tranh đấu cho chuyện nhà cửa ấm êm, cho xã hội cờ Hoa của mình được an sinh lại mang cờ Vàng xuống đường đả đảo Cộng sản thiếu nhân quyền? Xa xôi quá!

Tranh đấu cho Việt Nam ư? Để cho ai hay cho chính mình?

- Nếu cho chính mình thì cũng không chính xác lắm, chúng ta là dân Mỹ, mấy ai lại từ bỏ thiên đường tư bản để về Việt Nam sống?

Trong bài “Nỗi Đau Hoàng Sa” tới Ba-Lan có một đọc giả thường xuyên của Đàn Chim Việt lên án những người theo Cộng sản vẫn không biết phục thiện. Cụ thể anh lên án, phản bác và lý giải rằng André Menras, một người Pháp mang quốc tịch Việt vẫn còn mặn mòi với Việt Cộng, dị ứng với tên Hồ Cương Quyết của ông này và xác quyết không chấp nhận chuyện ông André Menras tranh đấu cho đồng bào dân chài của anh ta. Tôi cũng thông cảm cho luận cứ của anh về chuyện quá khứ, nhưng hiện tại ai là người gần gũi, lặn lội sáng chiều với ngư dân Lý Sơn, ai là người đang tranh đấu cho họ? Chắc hẳn ngư dân Lý Sơn chấp nhận ông Tây mũi lõ này nhiều hơn những người đang yên sống ở Mỹ như chúng ta nhưng lại thích nhân danh đồng bào tranh đấu cho họ, cho ai? (ngư dân?) hô hào và phán xét người khác.

Tranh đấu cho dân Việt Nam ư?

- Tôi cũng không chắc, có phải vì chúng ta quá khắng khít với màu cờ Vàng xa xưa mà quên đi rằng hơn 70% dân số Việt Nam hiện nay dưới tuổi 30 và chưa hề sống dưới lá cờ Vàng nên không mấy ai thắm thiết với lá cờ xa lạ này? trong nước nhìn ra có phải là đa số sẽ cảm thấy xa lại và chưa chắc muốn ủng hộ hình ảnh cờ Vàng này. Thật ra, cho đến nay, chưa có một thống kê hay trưng cầu dân ý quy mô nào trong nước cho thấy đại đa số chấp nhận lá cờ Vàng thay cho lá cờ Máu, đương nhiên dưới chế độ hiện nay đó là một chuyện bất khả thi. Tuy nhiên một số người đối kháng trong nước tâm sự cho biết họ cảm thấy ‘ngỡ ngàng’ dưới lá cờ Vàng. Đối với họ:

Khi chúng ta trương cờ Vàng xuống đường có phải là chúng ta muốn khôi phục lại chế độ Việt Nam Cộng hòa? Tôi không biết trả lời họ sao cho ổn. Dù sao nếu thật sự đúng như vậy thì cũng không hợp tình, hợp lý lắm! Vì chỉ cần hình dung ra viễn tượng ai xung phong về nước, ai khởi nghĩa, ai ủng hộ, ai lãnh đạo ai, cũng đã thấy phức tạp lắm rồi. .. khó có thể thực hiện, nếu không nói là hoang tưởng.

Như vậy khi tranh đấu cho nhân quyền, tự do, (dân chủ) và công bằng bác ái thì người ta dùng lá cờ nào? Khó ạ, đúng là nan giải. Một ngày kia nếu Việt Nam có bầu cử dân chủ, phải để cho người dân quyết định chọn cho mình một lá cờ mới.  Gần đây, tôi có nghe được một cao kiến: Hãy dùng lá cờ Máu chung với lá cờ Vàng, và tất nhiên có nhiều người không cần đến cờ quạt khi tranh đấu cho Việt Nam và những lý tưởng cao xa đó! Chuyện đa nguyên này sẽ cho thấy sự kết hợp trong và ngoài nước, khoan nói đến chuyện chính danh hay chính nghĩa của là cờ Việt Nam hiện nay!

Rốt cuộc, điều còn lại thiết tưởng người Việt cần thực hành là chăm chú nói lên tiếng nói của mình một cách từ tốn và minh bạch cho thế giới biết. Câu chuyện Việt Nam do đó vẫn chưa được kể hết và nó cần được thuật lại sau cùng bằng Anh ngữ, một cách trung thực,  và thuyết phục. Nếu chúng ta, nhất là những ai là chứng nhân của lịch sử hãy để cho tâm tư lắng xuống vì “nước khuấy thì bùn vấy”, bớt đi sự hô hào, sôi động và hàm hồ của bầu máu nóng, sự thật sẽ tự nó lộ diện, trong sáng như một viên ngọc trong một áng văn chương, một tác phẩm quốc tế tuyệt tác nào đó.

© Nguyễn Khoa Thái Anh

© Đàn Chim Việt

____________________________

(1) Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ của tôi, mong trình bày với quý vị một số sự kiện nhất định về tình thế hiện tại ở châu Âu. Từ Stettin trong các vùng biển Baltic đến Trieste ở Adriatic một bức màn sắt đã hạ xuống trên khắp Lục địa Âu châu. Phía sau bức màn sắt đó tất cả các thủ đô của các quốc gia cổ đại của miền Trung và Đông Âu tọa lạc. Warsaw, Berlin, Prague, Vienna, Budapest, Belgrade, Bucharest và Sofia, tất cả các thành phố nổi tiếng và dân số xung quanh họ nằm trong những gì tôi phải gọi lĩnh vực Liên Xô, và tất cả khách thể bị trị, ở dạng này hay dạng khác, không chỉ nằm dưới ảnh hưởng của Liên Xô nhưng một mức độ rất cao và trong một số trường hợp chịu kiểm soát của Moscow. (Trích diễn văn của WInston Churchill tại Westminster College ở thành phố Fulton, bang Missouri, Hoa Kỳ, 5 tháng Ba, 1946)

It is my duty, however, to place before you certain facts about the present position in Europe. From Stettin in the Baltic to Trieste in the Adriatic an iron curtain has descended across the Continent. Behind that line lie all the capitals of the ancient states of Central and Eastern Europe. Warsaw, Berlin, Prague, Vienna, Budapest, Belgrade, Bucharest and Sofia; all these famous cities and the populations around them lie in what I must call the Soviet sphere, and all are subject, in one form or another, not only to Soviet influence but to a very high and in some cases increasing measure of control from Moscow.

(2) Cô Yung Krall’s A Thousand Tears Falling và anh Andrew Phan là 2 ngoại lệ, (chuyện Ngàn Giọt Lệ Rơi đã phát hành bằng tiếng Việt nên xin không nói thêm). Andrew Phan, tác giả hai quyển Catfish and Mandala và The Eaves of Heaven: A Life in Three Wars, và người dịch quyển: Last Night I Dreamed of Peace của Đặng Thùy Trâm. Trong quyển Mái Hiên của Thiên Đàng/The Eaves of Heaven anh đã kể lại gốc gác 3 đời của gia đình và cuộc chiến đã tạo nên lịch sử hiện đại của Việt-Nam.

(3) Tuy nhiên bài bình luận Anh văn đã được rút ngắn và đăng lại trên ấn bản Anh ngữ của NV 2:

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=145944

 

35 Phản hồi cho “Làm thế nào gióng tiếng chuông chính nghĩa Việt Nam đi khắp nơi?”

  1. CôngĐài says:

    Bài viết trên của NKTA đã bị lên án vì có ý-đồ không tốt cho CĐVNHN (qua những phản-hồi), lẽ ra nên xép-xó từ lâu, nhưng vì có đề-cập đến ‘ chính-nghĩa VN ‘ và ‘ màu cờ ‘ nên VHT hay Đại Ngàn mổ-xẻ và tôi – nhận thấy sự phân-tích của ĐNg. hợp-lý và rõ nét – đóng góp thêm ý-kiến với ĐNg ( tôi viết ĐNg. để phân-biệt với ĐN – tức Đào Nương -) ; tuyệt-nhuiên không để tâm gì đến bài viết của NKTA.
    ĐNg. viết ‘ Các lý-tưởng đó dần dần …thực-chất trở về nguồn-cội ‘. Câu này không rõ nghĩa lắm, ngoài ra tôi không thỏa-mãn lắm với ‘ trở về nguồn-cội ‘. Theo tôi, chính-nghĩa thực-sự không chỉ bao gồm ‘ trở về nguồn-cội ‘ – và cũng theo tôi, ‘ trở về nguồn-cội ‘ có nghĩa là trở lại với dân-tộc-tính, là, lòng yêu-thương và bảo-vệ đất nước, đồng-bào, là giữ lấy những thuần-phong mỹ-tục, những giá-trị đạo-đức truyền-thống v.v.. – mà còn phải hội-nhập với chính-nghĩa thế-giới như tự-do, dân-chủ, dân-quyền, nhân-quyền, v.v.. Chính-nghĩa đúng nghĩa không phụ-thuộc vào lý-tưởng cục-bộ của những kẻ, đảng-phái, tập-đoàn nắm-quyền lãnh-đạo đất nước, và cũng không tùy-thuộc vào màu cờ. Màu cờ chỉ là dấu-hiệu tiêu-biểu có tính-cách giai-đoạn cho một quốc-gia, cộng-đồng. Màu cờ nước VN thay-đổi qua nhiều thế-hệ. Tôi không đề-cập đến những màu cờ khác nhau trong những triều-đại từ khi VN dựng nước đến thời trước 1948. Màu cờ vàng ba sọc đỏ có từ 1948 ( nếu tôi không nhầm) đến 1954 cho cả nước VN, và từ 1955-1975 tại miền Nam VN ; trong khi đó, màu cờ đỏ sao vàng – vốn là đảng-kỳ của đảng CSVN, được đảng này dùng làm màu cờ cho miền Bắc VN trong giai-đoạn 1955-1975, và cho cả VN từ 1975 cho đến nay khi đảng này nắm chính-quyền. Riêng màu cờ vàng ba sọc đỏ nay chính-thức là màu cờ của CĐVNHN trong giai-đoạn đấu-tranh chống CSVN hiện nay. Theo tôi nghĩ, nếu CSVN với quyền lãnh-đạo VN hiện nay sụp-đổ, hẳn rằng màu cờ của chúng cũng theo chúng mà đi chỗ khác chơi, như đã xảy ra tại một số nước Đông-Âu và chính thành-trì của CS là nước Nga. Vậy bấy giờ, nếu sau khi CSVN và màu cờ của đảng này và tập-đoàn trung-thành với chúng bị nhân-dân VN quốc-nội lật-đổ – với sự đồng-tình, hổ-trợ của thế-giới nói chung và CĐVNHN nói riêng – , thì ‘ chính-nghĩa ‘ sẽ là chính-nghĩa như tôi trình-bày ở trên, và ‘ màu cờ ‘ thì sẽ do quyết-định của toàn dân quốc-nội bấy giờ – cho dù là màu cờ máu đó, hay là cờ vàng ba sọc đỏ ( nếu dân-chúng thích ) hay là một màu cờ khác với hai màu cờ trên – làm biểu-tượng cho đất-nước VN. Chắc-chắn rằng ý-nghĩa của màu cờ sẽ rất khác, vì nếu giống như lá cờ máu thì đâu còn có ý-nghĩa của sự lật-đổ. Vậy, sự lật-đổ đúng nghĩa phải là sự lật-đổ triệt-để, toàn-bộ đối với chính-quyền CSVN. Vậy, lý-tưởng người Việt HN thế nào, hiểu chính-nghĩa VN như thế nào ?

  2. Võ Hưng Thanh says:

    CHÍNH NGHĨA CỦA VIỆT NAM HIỆN GIỜ Ở ĐÂU ?

    Thời Lê Duẫn,Trường Chinh, cho CNCS là chính nghĩa của VN nên bằng mọi cách, kể cả chiến tranh khốc liệt, kể cả việc quốc tế hóa chính trị, để nhằm thống nhất VN dưới CNCS. Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, phe phái tự mệnh danh là thành phần thứ ba ở miền Nam lúc đó, thực chất cũng chỉ là các hệ lụy do từ LD, TC, nên cũng không có gì đáng nói. Thời đó ông Ngô Đình Diệm và những người thuộc chế độ của ông ta cho chính nghĩa của VN là chống CS, nên mọi sách lược nói chung cũng không đi ra ngoài các ý nghĩa và mục tiêu đó. Đến khi chế độ NĐD sụp đổ, từ Nguyễn Văn Thiệu cho đến Trần Văn Hương, các ông này cũng chỉ là mục đích chống cộng của ông NĐD kéo dài, tức cũng là hệ luy từ nền tảng của ông Diệm, nhưng rồi đến năm 1975 mọi chuyện cũng phải kết thúc. Sau năm 1975, ông Lê Duẫn thiết lập một bản hiến pháp toàn quốc hoàn toàn đỏ, khẩu hiệu của ông là tiến nhạnh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH. Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người. Thế nhưng qua các lần cải tạo tư sản, các lần tập trung cải tạo sĩ quan chế độ cụ, qua nguyên tắc lựa chọn và kỳ thị lý lịch, dân dần hình thành thực tế con ông cháu cha, thế là ý nghĩa mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người thực chất chỉ là khẩu khẩu hiệu mị dân, bánh vẽ, cả đất nước đi vào tập thể hóa kinh tế cũng như mọi mặt, theo đúng sách lược cách mạng của Lênin, mà Lê Duẫn chỉ là bản chép không hơn không kém. Rồi Liên Xô sụp đổ, rồi đến thời kỳ đổi mới, tuy rằng ruột vẫn đỏ, nhưng hình thức bề ngoài đã bắt đầu trắng dần ra. Kết cục các lệnh cấm vận của Mỹ dần được giải tỏa, ban giao Việt Mỹ trở lại bình thường, ba triệu Việt kiều bỏ nước ra đi sau năm 75 lần lượt mang vốn liếng trở về đầu tư lại trong nước. Việt Nam đi vào kinh tế thị trường và hội nhập, kinh tế có phát triển đi lên nhiều hơn suốt trong thời kỳ trên ba thập niên bao cấp máy móc, lạc hậu, ấu trĩ, thấp kém. Khi ông Hồ Chí Minh lên lãnh đạo đất nước năm 1945, mặc dầu là chính phủ liên hiệp, nhưng thực chất ông Hồ Chí Minh là con người cộng sản quốc tế đúng nghĩa kiên cường. Ông Hồ từng nói đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải làm để giải phóng đất nước. Và khẩu hiệu nền tảng hay then chốt của ông là không có gì quý hơn độc lập tự do. Song ý nghĩa của việc dầu phải đốt hết dãy Trường Sơn và ý nghĩa của không có gì quý hơn độc lập tự do cũng chỉ là tiền đề hay vế đầu của kết luận hay kết quả cho vế sau là nhằm thực hiện cho được lý tưởng chủ nghĩa Mác tức là CNCS. Điều đó cho thấy có hai quan niệm về chính nghĩa của VN trước đây. Chính nghĩa cờ đỏ, là chính nghĩa của HCM. Và chính nghĩa cờ vàng, là chính nghĩa của NĐD. Chính vì đã có “chính nghĩa” này, nên mới có “chính nghĩa” kia, cũng như ngược lại. Vậy thì, chính nghĩa ở VN sau năm 1930 chỉ còn là tương đối. Đó là thời kỳ đảng CS quốc tế đã xuất hiện trong nước. Nó tạo nên một sự rạn nứt cơ bản của dân tộc. Đó là chính đảng CS và chính đảng những người không CS được tự mệnh danh là những người quốc gia yêu nước. Có nghĩa đã bước vào thời kỳ chống đối giữa lý tưởng CS quốc tế và lý tưởng những người quốc gia tư sản phi cộng sản hay chống CS. Nói cho cùng thì đó chỉ là hai ngọn cờ. Những người tập trung dưới ngọn cờ đỏ, hay cờ đỏ sao vàng, tức mục đích cộng sản quốc tế. Những người tập trung dưới ngọn cờ vàng, tức không cộng sản, họ tự mệnh danh là quốc gia, còn phía CS thì chữi bới họ là tư sản, phản động. Có nghĩa lý tưởng VN từ thời kỳ đó đã bị chia đôi, chỉ có lý tưởng của phe này hay của phe kia, không còn lý tưởng chung của mọi người VN chân chính yêu nước vô tư như trước kia nữa. Có nghĩa từ khi ông Hồ Chí Minh xuất hiện thì lý tưởng kiểu Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái …. cũng không còn. Bởi vậy nếu bây giờ có người muốn gióng tiếng chuông chính nghĩa của VN đi khắp nơi, thì phải hỏi lại chính nghĩa đó của VN ngày nay là gì ? Có phải chăng là cờ đỏ sao vàng hay cờ vàng ba sọc đỏ ? Đối với những người CS, tức những người theo chủ nghĩa Mác, cờ đỏ sao vàng là cờ tổ quốc. Còn đối với hầu hết Việt kiều hải ngoại, hay những người không cộng sản trong nước, thì có thể không quan niệm như vậy, hoặc có những người chỉ coi cờ vàng ba sọc đỏ mới là cờ tổ quốc. Đấy sự chia rẽ dân tộc đã thật sự ngút ngàn như vậy. Ai có màu cờ đó, còn đất nước, dân tộc thường ít khi được nghĩ đến. Nói như thế, mọi người chín chắn, trung thực, khách quan, không bè phái, không xu phụ, ngày này đều có thể nghĩ đến lý tưởng của Việt Nam đúng đắn là gì. Đó là lý tưởng vượt lên mọi ý thức hệ, vượt lên mọi màu cờ chủ quan. Lý tưởng ấy là một nước Việt Nam phi ý thức hệ mác xít hay CS trong tương lai, vượt lên trên hai màu cờ đã cũ để đi đến một màu cờ mới hiện đại hơn, dân tộc hơn, đúng nghĩa truyền thống và thực tế, thực chất hơn. Cái lý tưởng đó dần dần sẽ hình thành qua thời gian lịch sử, để trở thành một đất nước VN thực chất trở về nguồn cội, về dúng bản chất khách quan, tự nhiên của mình, như bất cứ một quốc gia tiến bộ, hiện đại nào ngày nay trên thế giới văn minh h.iện tại. Nếu ai muốn đem chính nghĩa VN đi gióng lên tiếng chuông ở mọi nơi ngày nay, thì chính là chính nghĩa này và tiếng chuông này mà không thể là gì khác. Ngày nay chỉ những người VN nào trung thực, khách quan, đúng đắn mới thật sự nhận ra được chính nghĩa hay lý tưởng thực chất của VN là như thế nào và ở đâu. Còn nếu chỉ nói theo phe phái hay quyền lợi riêng, đó chì là điều thường tình, không có gì đáng nói.

    ĐẠI NGÀN
    (07/4/12)

  3. Trường Giang HN says:

    Tôi không hiểu ông Nguyễn Khoa Thái Anh muốn nói gì với cái tựa đề “Làm thế nào gióng tiếng chuông chính nghĩa Việt Nam đi khắp nơi?

    Tiếng chuông chính nghĩa Việt Nam? Chính nghĩa gì? Đảng CSVN hay Cờ đỏ? Đây là chính nghĩa?

  4. Buithaisa says:

    Nhận thức về chính trị hiện nay của thế giới , là một việc làm quá khả năng cho một người Bình thường.

    Chi bằng . Ngủ một giấc , khi nào nghe ồn ào tỉnh giấc , thức dậy sẽ thấy VN thay đổi , nội loạn , biếu tình , lật đổ , đảo chính , là điều chắc chắn sẽ xảy ra ở VN . Nếu tinh thần dân tộc VN mạnh , nước VN của người VN . Nếu tinh thần dân tộc VN yếu kém , nước VN lại tiếp tục nô lệ cho TQ .

    Đối với Mỹ . VN của người Việt hay của TQ đều như nhau . Đường lối ngoại giao của Mỹ chỉ nhằm phục vụ vì quyền lợi cho dân tộc Mỹ , tự nó sẽ uyển chuyển theo từng thời thế .

    Chúng ta là ai , lại đi cải nhau ? Theo tôi , chúng ta là những người mù đang sờ con voi CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI .

  5. Thường Đức says:

    9:41AM, tôi trở lại diễn đàn thì thấy ý kiến của tôi đã được post. Cám ơn moderator của danchimviet.info. Đọc lại ý kiến của mình, tôi muốn được làm rõ một vài từ ngữ ‘nhấn mạnh’, nên xin ghi chú thêm:
    –Chuyến về thăm Huế của tôi và có ghé vào nhà thờ họ NK thắp nhang là vào cuối năm 2007.
    –Tôi kể có thắp nhang cho một nắm mộ vô chủ nào đó ở chùa Trà Am/ ở đó là nơi chôn cất ông Nội tôi… Tôi muốn viết thêm: Những ai ở làng An Xá, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, hẳn phải biết dòng họ Nguyễn Như Chúc, trong đó dòng họ của Võ Nguyên Giáp phải biết rõ hơn ai hết!! Cái “biết” đó là một yếu tố giải thích tại sao dòng họ của ông Nội, ông Cố tôi tử vùng Quảng Bình lưu lạc vào đất Thuận Hóa… mua cả một dãi đất mênh mông, và đã thành lập Trà Am rồi cho một “ông từ” ở để giữ gìn và hương khói… Thế mà sao này, có thể manh nha từ thời Bảo Đại (hoặc Ngô Đình Diệm) Trà Am [ban đầu chỉ là một cái “am” nhỏ thôi, chưa thể gọi là chùa) biến thành một vùng đất của dòng họ Nguyễn Khoa (và Trà Am trở thành chùa Trà Am) là người đã sáng lập ra ngôi chùa này, và chủ nhân của vùng đất Trà Am đó. Tôi có đọc tiểu sử của chùa T/A ngay trong chùa.. lúc viếng thăm, nhưng xin một copy thì ông trụ trì ở đây không cho, nhớ là trong lịch sử của chùa Trà Am được chứng thực bởi sư Trí Quang (hoặc một vị sư hữu danh đương thời nào đó!?). Tại sao có nhiễu sự này? –Bởi dòng họ Nguyễn Khoa đương thời là dòng họ có quyền thế ở Huế! Có quyền thì có tiền, to “mồm”, to miếng, to danh, to “sự”…
    --Tôi viết: sự thiết kế nhà máy làm bia HUDA là “thiếu văn hóa, ngu xuẩn…” là bởi, (những ai từng ở Huế thì biết rõ hơn!) từ hướng Đạp Đá đi xuống (đường ra biển Thuận An), bên tay phải là dọc một con đường có nhà vườn, có những ngôi nhà có những di tích văn hóa, lịch sử thí dụ: như nhà thờ Tuy Lý Vương, Ưng Bình Thúc Dạ Thị và vân vân…, dĩ nhiên kể luôn dòng họ Nguyễn Khoa. Cách nhà thờ họ Nkhoa chừng vài trăm yards là tư gia nhà vườn của Nguyễn Khoa Điềm (nguyên Bộ trưởng Văn hóa-Thông tin, Ủy viên Bộ Chính trị -trưởng ban tư tưởng văn hóa Đảng Việt cộng).
    Tôi xin được bổ túc vài dòng trên cho độc giả được rõ hơn (theo reply cũ ở dưới). Trân trọng. Thường Đức. (10:08AM, 01/4/2012)

    o Thường Đức says:
    01/04/2012 at 07:38
    Theo tôi, ý kiến của bạn có lẽ là một trong những người nhìn thấy được “thâm ý” của Nguyễn Khoa Thái Anh. Tôi chưa hề gặp mặt anh ta ngoài đời, nhưng đọc những bài viết của anh ta, lại thấy sự tầm thường, tào lao, ba láp, ba sàm, không thuyết phục được ai cả. Chính vì vậy, tôi không cần phải nêu ra những cái tào lao [thêm một bài viết...trong cái gia tài tao lao đó] ra đây.
    Chỉ muốn nhắn gởi cho tác giả một điều: Nói cho tôi biết anh đang giao tiếp thân tình với ai, đang cộng sự với ai, tôi sẽ nói nhận xét của mình về con người anh. Trường hợp NKTA là một người cộng sự thân mật/ thắm thiết với Nguyễn Hữu Liêm, là một yếu tố chưa đủ, nhưng khá chính xác để nói về con người tao lao, ba láp của NKTA. Khoe khoang, mà để lộ “đuôi chồn” quá to, quá lộ. Có phải ông ta là một người gốc Huế? Dòng họ Nguyễn Khoa.. từ Bắc kỳ trôi giạt vào? Nếu đúng, tôi xin nhắn gởi tác giả một điều: Tôi là người không quen biết với ai trong dòng họ NK, nhưng trong chuyến về thăm Huế [về Vỹ Dạ] có ghé thăm nhà thờ Họ Nguyễn Khoa, để thắp một nén nhang cho tiền nhân, tương tự như tôi thắp một nén nhang ngay tại một ngôi mộ hoang vô chủ ở vùng Chùa Trà Am, là nơi chôn cất ông Nội của tôi vậy!! -Song, dòng họ Nguyễn Khoa cũng để lại một chút danh trong lịch sử, thí dụ trường hợp tướng Nguyễn Khoa Nam là một v.v… Điều quan trọng nhất gây một ấn tượng không thể xóa tan trong tôi, là cái nhà thờ Họ NK kia, hướng chính quay ra bờ sông Hương, bên kia đường.. đã bị án ngữ bằng một xây dựng của công ty làm Bia HUDA [của người Hòa Lan] với những ống thiết trắng to tổ bố, có những ống khói thỉnh thoảng phun khói, cũng to tố bố… những thiết kế của một nhà máy làm bia này có chiều cao gần cả 100 feet -có nghĩa là cao gấp 3, 4 chiều cao của nhà thờ họ NK, và thẳng góc, trực diện với cổng chính đi vào nơi thờ tự, dù chỉ cách quãng bằng một con đường lộ hẹp, cách đôi. Nếu ông [Thái Anh] là người thật sự quan tâm cho cái “danh” của dòng họ mình, thì tôi mong ông hảy tìm cách khắc phục “sự cố” xem ra rất thiếu văn hoa, ngu xuẩn.. của kẻ đầu tư và, của người nhận ơn đầu tư -đồng thời, nói lên sự bất lực, vô giá trị… của một dòng họ.. đã phai tàn bằng những dòng lịch sự tàn bạo và khốn kiếp. Mong ông Thái Anh quan tâm. Kính, -Thường Đức. San Jose, sáng ngày 1/4/2012.

    • Bút Thép Diệt Tà says:

      Ông Thường Đức viết: ‘Nguyễn Khoa cũng để lại một chút danh trong lịch sử, thí dụ trường hợp tướng Nguyễn Khoa Nam là một’.

      Theo tiểu sử thì tướng Nguyễn Khoa Nam sinh ngày 23 tháng 9 năm 1927 tại Đà Nẵng. Năm 1953 ông nhập ngũ Khóa 3 Thủ Đức và gia nhập binh chủng Nhảy dù vào tháng 10 cùng năm. Từ 1955 đến 1964, Nguyễn Khoa Nam mang lon đại úy. Năm 1965 ông lên quân hàm thiếu tá và giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nhảy dù.

      Năm 1967, Nguyễn Khoa Nam được thăng cấp trung tá và được bổ nhiệm làm Lữ đoàn trưởng của Lữ đoàn 3 Nhảy dù. Cuối năm này ông được thăng đại tá. Năm 1969 ông giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh, kiêm Tư lệnh Khu Chiến thuật Tiền Giang. Tháng 11 cùng năm ông được thăng chuẩn tướng. Năm 1972 ông được thăng thiếu tướng.

      Khi xảy ra sự kiện 30 tháng 4, 1975, Nguyễn Khoa Nam vận bộ lễ phục trắng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa dùng súng Browning bắn vào màng tang tự sát. Thi thể ông được an táng trong Nghĩa Trang Quân Đội Cần Thơ, đến năm 1994 thì được hỏa thiêu, tro cốt để tại chùa Quảng Hương Già Lam, địa chỉ số 498/11 đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh.

      Như vậy chắc là tướng Nam không dính dáng gì đến dòng họ ‘Nguyễn Khoa’, ông mang họ Nguyễn còn Khoa chỉ là tên độn?

  6. Trung Kiên says:

    Tác giả NKTA dẫn bạn đọc chu du, vòng vo, lạc bước trên đỉnh vu sơn, nhưng không quên ý tưởng: …”Hãy dùng lá cờ ĐỎ chung với lá cờ VÀNG”???

    Trích bài chủ…”Khi chúng ta trương cờ Vàng xuống đường có phải là chúng ta muốn khôi phục lại chế độ Việt Nam Cộng hòa?

    Có cần phải rào trước đón sau như thế không, thưa ông NKTA?

    Đã có ai trong “chúng ta” (sic) “muốn khôi phục lại chế độ Việt Nam Cộng hòa“, hay chỉ là suy diễn của tác giả để rồi mỉa mai rằng;

    Tôi không biết trả lời họ sao cho ổn. Dù sao nếu thật sự đúng như vậy thì cũng không hợp tình, hợp lý lắm! Vì chỉ cần hình dung ra viễn tượng ai xung phong về nước, ai khởi nghĩa, ai ủng hộ, ai lãnh đạo ai, cũng đã thấy phức tạp lắm rồi. .. khó có thể thực hiện, nếu không nói là hoang tưởng“.

    Từ ngày 30/4/1975 tới nay chính quyền VNCH không còn hiện hữu, nên không thể nói rằng; “cầm CỜ VÀNG là muốn khôi phục lại VNCH”. Ai khôi phục lại VNCH và khôi phục cho ai? Hay đây chỉ là luận điệu gian dối cho một ý đồ không trong sáng?

    CỜ VÀNG hiện nay chỉ là biểu tượng cho NHÂN QUYỀN, DÂN CHỦ & TỰ DO, và là biểu hiệu của Người Việt Tị Nạn…

    Vì thế… “khi tranh đấu cho nhân quyền, tự do, (dân chủ) và công bằng bác ái” thì lẽ dĩ nhiên là NVHN dùng CỜ VÀNG!…Còn người trong nước dùng cờ nào (?) là quyền của họ.

    Chẳng có gì là “khó khăn hay nan giải” cả. Việc ai người ấy làm, đường ai người ấy đi, cùng hướng về mục tiêu chính là…đấu tranh đòi NHÂN QUYỀN và DÂN CHỦ cho Việt Nam!

    Rồi “một ngày kia nếu Việt Nam có bầu cử dân chủ“, thì đương nhiên là nhân dân sẽ “quyết định chọn cho mình một lá cờ mới” qua một cuộc trưng cầu dân ý…Như vậy thì có gì là khó khăn hay nan giải như ông NKTA nghĩ (hay hù doạ) ?

    Trích bài chủ…”Gần đây, tôi có nghe được một cao kiến: Hãy dùng là cờ Máu chung với lá cờ Vàng, và tất nhiên có nhiều người không cần đến cờ quạt khi tranh đấu cho Việt Nam và những lý tưởng cao xa đó! Chuyện đa nguyên này sẽ cho thấy sự kết hợp trong và ngoài nước, khoan nói đến chuyện chính danh hay chính nghĩa của là cờ Việt Nam hiện nay!

    Rõ khổ!

    “Cờ MÁU” là đảng kỳ của csvn, là biểu tượng cho chế độc tài đảng trị (csvn), chà đạp NHÂN QUYỀN và bóp chết DÂN CHỦ. Vậy mà ông NKTA cho là “cao kiến” (nếu NVHN dùng nó) chung với CỜ VÀNG…thì họa chăng là người (xin lỗi)…bất bình thường?

    Thiết nghĩ, “Chuyện đa nguyên” và “sự kết hợp trong và ngoài nước”…chỉ là giữa con người với con người, giữa những người yêu chuộng Nhân quyền và Dân chủ với nhau,… Chứ không thể nhập nhằng đánh lận con đen bằng cách…tôn vinh một biểu tượng độc tài đảng trị (CỜ ĐỎ) và kết hợp nó vớí CỜ VÀNG (là biểu tượng cho NHÂN QUYỀN và DÂN CHỦ) được!

    Hay nghe tâm sự của một du sinh:

    Còn Cờ Đỏ Sao Vàng Thì Không Bao Giờ Có Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc…

    Mang biểu tượng (CỜ ĐỎ) của kẻ chà đạp NHÂN QUYỀN, bóp chết DÂN CHỦ (csvn) mà biểu tình, đấu tranh đòi NHÂN QUYỀN, DÂN CHỦ…thì có chính danh, chính nghĩa không?

    Ông NKTA hẳn đã biết rõ điều này, thế mà vẫn nhập nhằng với…” khoan nói đến chuyện chính danh hay chính nghĩa của là cờ (máu) Việt Nam hiện nay“…nghe không lọt tai chút nào!

  7. Thường Đức says:

    Tôi có viết một ý kiến “phản hồi” [tiếp theo ý kiến "Pham Minh says:"] vào lúc 4:43AM ngày 01/4/2012, tại sao không thấy ‘diễn đàn moderator’ post lên ??

    -Thường Đức
    p/s: Có cần tôi viết lại một lần nữa, dài hơn không??

  8. Thường Đức says:

    Tôi có viết một ý kiến “phản hồi” vào lúc 4:43AM ngày 01/4/2012, tại sao không thấy ‘diễn đàn moderator’ post lên ??

    -Thường Đức
    p/s: Có cần tôi viết lại một lần nữa, dài hơn không??

  9. Kêu gọi, chờ đợi, chửi mãi đã mấy chục năm rồi! Có thay đổi gì đâu? Sao không tự mình thay đổi? Những ai cứ ngồi chờ đợi người khác đem đến thay đổi cho mình sẽ không bao giờ được toại nguyện. Phải nhận ra vấn đề gốc rễ là: Đảng Cộng Sản Việt Nam là một Đảng Ký Sinh, sống bám và dân tộc Việt Nam. Bạn hãy suy nghĩ xem: làm sao để diệt một con ký sinh trùng? Cách duy nhất là giữ mình sạch sẽ, từ bỏ, xa lánh nó, và một ngày nào đó nó sẽ không còn đất sống nữa và tự hủy diệt. Đảng Cộng Sản là Đảng của Nhơ Nhuốc, Tham Lam, Tàn Ác, Tráo Trở, Gian Dối, Mỗi người dân Việt Nam hãy tự rèn luyện mình để trở thành một biểu tượng của Trong Sạch, Liêm Chính, Nhân Đạo, Thẳng Thắn, Ngay Thật. Từ đó người Việt Nam mới có thể tạo thành một “thế lực” chặt chẽ để đối phó với thế lực cầm quyền vô nhân đạo hiện nay. Việc làm này, tuy dễ nhưng mà khó. Dễ là vì khi thực hành không cần phải dấn thân vào chốn nguy hiểm, bị trù dập hay bắt bớ. Khó là vì mỗi người dân Việt Nam phải tự tranh đấu với bản thân (và gia đình) để có một cuộc sống mới, tách biệt với những nhơ nhuốc của xã hội hiện tại cũng như tách biệt với Đảng Cộng Sản Ký Sinh. Vấn đề là mỗi người Việt Nam có đủ can đảm và trí tuệ để “hy sinh” vì tự do bản thân và cho con cháu mình mai sau hay không.

    Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tạo được một thế lực tàn ác, bẩn thỉu, ngu dốt, để cầm quyền từ bấy lâu nay. Giờ chỉ có một “thế lực” của lòng nhân đạo, trong sạch và trí tuệ, xuất phát từ hàng triệu người dân Việt Nam, mới có thể hóa giải được gông cùm này.

    Mời các bạn ghé thăm phavongnole.wordpress.com và đóng góp ý kiến. Cũng xin các bạn thứ lỗi vì thời giờ hạn hẹp nên trang web không được hoàn chình như ý muốn. Tôi chỉ mong đóng góp một ý kiến “đột phá” để mong sớm đưa đất nước ra khỏi cảnh tăm tối như hiện nay. Rất mong sự ủng hộ và đóng góp của các bạn.

    Mời mọi người vào: thoatvongnole.wordpress.com

Leave a Reply to CôngĐài