WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chuyện một người Chiến binh trong cuộc chiến Bắc Nam: Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn

nhân đánh dấu 35 năm ngày 30-4-1975

Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn là bạn tù của tôi ở trại Lam Sơn, một Trung tâm Huấn luyện của quân đội VNCH tại Dục Mỹ, quận Ninh Hòa, được bộ đội miền Bắc chiến thắng trong cuộc chiến tranh Bắc Nam 1955-1975 tạm thiết lập làm trại tù.

Anh Sơn, nguyên thiếu tá lực lượng Lôi Hổ. Thời gian anh Sơn và tôi ở tù chung một trại không dài nhưng anh đã để lại cho tôi một ấn tượng khó quên. Một mẫu người có phong cách kỳ lạ.

Hình ảnh và tiếng kêu của anh Sơn vẫn còn văng vẵng bên tai tôi suốt 35 năm qua sau ngày chúng tôi chia tay nhau.

Anh được chuyển ra khỏi trại Lam Sơn để bước vào vòng thứ nhì của hệ thống địa ngục lao tù cộng sản. Khi chiếc xe GMC chở tù chuyển trại chạy qua khu trại tôi vào một ngày nóng bức cuối tháng 7 năm 1975 anh Sơn kêu to để báo cho tôi biết anh rời trại. Tôi chỉ kịp nhìn thấy chiếc xe tù chạy qua, cánh tay anh Sơn đưa cao vẫy. Tôi vẫy lại. Rồi biệt vô âm tín.

Thế mà đã ba mươi lăm năm!

Cuối tháng 3 năm 1975 sau khi bộ đội cộng sản vào thành phố Nha Trang tôi bị kẹt lại. Tháng 6 đang đêm công an đến nhà bắt tôi về tội không ra trình diện.

Thật ra tôi có trình diện, nhưng trễ. Biết mình đã nằm trong rọ, tôi cẩn thận theo dõi các thông cáo của Ủy ban quân quản (cơ cấu chính quyền mới ngay sau khi chiếm thị xã Nha Trang) về việc trình diện. Lúc đó tôi là dân biểu thị xã Nha Trang. Gốc sĩ qan Hải quân, nhưng tôi đã giải ngũ từ năm 1971 và không có chân trong bất cứ một đảng chính trị nào tôi đặt mình vào diện “dân cử” và chờ gọi dân cử ra trình diện để thi hành. Không thấy có thông cáo nào gọi dân cử, tôi nằm nhà chờ. Tuy nhiên vì thận trọng, một thời gian sau tôi ra phường Lộc Thọ trình diện. Lấy cớ không ra trình diện công an thị xã ra lệnh bắt.

Đang đêm đại úy công an Nguyễn Văn Linh (trùng tên với ông Tổng bí thư đảng cộng sản sau 1986) trưởng ty công an Nha Trang dùng xe Jeep  dẫn một đoàn du kích đến bắt tôi. Khi đại úy Linh giải thích lý do, tôi trình giấy trình diện. Đại úy Linh hơi lúng túng. Nhưng đoán biết công an đã quyết định bắt tôi, trình diện hay không chỉ là cái cớ, tôi nói sẵn sàng về đồn để cơ quan an ninh làm những thủ tục cần thiết. Cảm thấy thoải mái đại úy Linh bảo tôi mang đồ lề cá nhân lên xe công an đậu chờ xế cổng nhà. Tôi ngồi băng sau không bị còng tay, bên cạnh là một anh công an mang súng dài. Đại úy Linh ngồi băng trước, súng lục ngang hông với tài xế. Đoàn du kích bao vây quanh nhà tản mác vào đêm tối.

Công an đưa tôi về ty công an thị xã Nha Trang đóng nơi nhà ông giám đốc chi nhánh Nha Trang của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín nằm trên đường Duy Tân chạy dọc theo bờ biển Nha Trang. Từ đó công an chuyển tôi lên trại Lam Sơn. Tại đây tôi ở chung trong một trại nhỏ, giống như một căn nhà với Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn. Trong tổng trại Lam Sơn có hằng mấy trăm căn nhà như vậy.

Từ trại Lam Sơn đang đêm tôi cùng một số tù nhân khác được chuyển về nhà tù Chợ Đầm của tỉnh Khánh Hòa. Sau vài tuần lễ được chuyển về giam tại trại giam tù chính trị cũ (của VNCH) xây phía sau Trung Tâm Huấn Luyện Công chức, cũng nằm trên đường  Duy Tân. Hai ngày đầu tôi bị nhốt vào xà lim trước khi chuyển qua nhốt chung với hơn 80 anh em tù nhân trong một căn phòng chỉ có khả năng chứa khoảng 30 người nằm ngồi. Tại đây tôi gặp ông Khác Chánh Văn Phòng của đại tá Lý Bá Phẩm, tỉnh trưởng Khánh Hòa kiêm thị trưởng thị xã Nha Trang và ông Nghi, trưởng ty hành chánh Thị Xã Nha Trang. Qua hai ông Khác và Nghi tôi được biết đại tá Phẩm cũng đang bị giam riêng trong trại để điều tra cùng với Thiếu Tá bác sĩ Dù Trần Đoàn.

Trại cải tạo (hình có tính minh họa)

Từ trung tâm này tôi được chuyển lên trại Đồng Găng trong rừng sâu của tỉnh Khánh Hòa. Tôi được trả tự do từ trại Đồng Găng.

Trở lại chuyện Thiếu Tá Sơn. Tôi không quen biết Thiếu Tá Sơn trước khi đến trại Lam Sơn. Chúng tôi chỉ ở chung nhà với nhau vài tuần lễ trước khi tôi  được chuyển qua nhà khác và sau đó Sơn được chuyển ra khỏi trại Lam Sơn.

Chỉ mấy tuần thôi, chúng tôi quen nhau, thân nhau, tin cậy nhau. Câu chuyện tôi thuật lại ở đây hoặc do Thiếu Tá Sơn kể lại hoặc xẩy ra trong mấy tuần lễ ngắn ngủi đó.

Trước ngày 31/3/1975 (ngày quân đội cộng sản chiếm tỉnh Khánh Hòa) trại Lam sơn là một Trung Tâm Huấn Luyện cấp sư đoàn của quân đoàn 2 có khả chứa hàng ngàn tân  binh hoặc binh sĩ về tái huấn luyện. Các binh sĩ này tạm trú trong những mái nhà tranh đơn sơ dựng cạnh nhau có phên che gió và giường ngủ chồng lên nhau. Lực lượng  cộng sản quản lý trại dùng các căn nhà này sau khi đã tháo phên che và giường chồng bên trong (để dễ kiểm sóat) gọi là “Nhà”, Nhà số 1, Nhà số 2 v.v… để cho các cựu sĩ quan và công chức miền Nam vừa bại trận trú ngụ trong thời gian học tập. Sĩ quan ở riêng. Công chức ở riêng.

Nhà số 10 dành cho một trung đội Dù bị bắt tại đèo Phượng Hoàng thuộc quận Khánh Dương trên quốc lộ nối liền Ban Mê Thuột với Nha Trang qua quận lỵ Ninh Hòa. Đặc biệt nhà số 10 sĩ quan ít mà nhiều lính Dù. Trung đội Dù này đã quần thảo với quân chính quy Bắc Việt trên đèo Phượng Hoàng cho đến phút chót. Trong nhà 10 chỉ có một Trung úy và một Thiếu úy Dù, còn lại là hạ sĩ quan và binh sĩ, và một sĩ quan Lôi Hổ: Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn.

Tôi bị bắt trễ nên khi lên Lam Sơn các dãy nhà đều đầy người, họ nhét tôi vào nhà 10. Tôi nhận thấy hai người sĩ quan Dù rất bình thản và các người lính Dù có vẻ thoải mái như đang được nghỉ ngơi sau các cuộc hành quân. Họ giúp các sĩ quan đào giếng lấy nước, trồng cà chua, ớt, bầu bí v.v… nơi đám đất  bỏ hoang trước nhà. Thiếu Tá Sơn suốt ngày hút thuốc và kể chuyện tiếu lâm.

Thời biểu chính của tù nhân là hằng ngày lên lớp nghe cán bộ giảng 9 bài căn bản. Tôi còn nhớ một số đề tài như “Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”, “Chiến tranh giới hạn” … và học những bài hát  “cách mạng” như “Tiếng chày trên sóc Mambo”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Giải Phóng Miền Nam”, “Chiến thắng Điện Biên”…

Tôi không hiểu làm sao và lúc nào tôi và Thiếu Tá Sơn trở nên thân nhau. Hình như Lôi Hổ và Dù không có gạch nối nên hai sĩ quan Dù ít nói chuyện với Thiếu Tá Sơn. Lính Dù thì vẫn giữ khoảng cách với sĩ quan. Có lẽ còn do tính tình. Hai sĩ quan Dù ít nói, trong khi Thiếu Tá Sơn sống để ruột ngoài da. Anh Sơn không quan tâm đến hoàn cảnh. Ông vui sống trong cảnh tù tội và sằn sàng đón chờ mọi chuyện.

Thời gian đó không khí trong trại Lam Sơn còn rất dễ chịu. Người cộng sản có sách vở để xử lý phe địch. Họ áp dụng phương pháp “bảy tầng địa ngục”. Họ không đưa người tù vào ngay tầng dịa ngục cuối cùng. Họ đưa vào tầng nhẹ nhàng nhất ở ngoài và dần dần đưa người tù vào các tầng bên trong khắc nghiệt hơn từng bậc để người tù thích ứng dần và mất ý chí phản kháng.

Trại Lam Sơn,  nơi tù nhân học 9 bài căn bản là vòng đầu của địa ngục. Sau giờ lên lớp tù nhân trở về nhà giam tự do thoải mái trò chuyện với nhau, nấu nướng linh tinh gì cũng được, có thể đi thăm bạn tù ở các nhà khác và chỉ phải tôn trọng giờ đi ngủ và giờ thức dậy. Trước cỗng trại Lam Sơn ban quản trại cho họp chợ bán thức ăn và mọi thứ cần dùng cho tù nhân. Vợ con tù nhân đến thăm bao nhiều lần một tuần cũng được và tù nhân có tiền (lúc đó tiền VNCH vẫn còn lưu dụng) có thể tiêu xài thoải mái.

Học xong 9 bài là thời  kỳ 2 tuần lễ để viết bản “thu hoạch”, nghĩa là mỗi tù nhân viết bản khai lý lịch, khai báo quá trình làm việc và mọi tư tưởng riêng tư. Trong thời kỳ này ban quản trại mỗi ngày tập họp tù nhân toàn trại một lần động viên tù nhân “thành thật khai báo” để được khoan hồng về với gia đình. Ban quản trại phỉnh các tù nhân rằng họ có hồ sơ từng người không cần khai báo họ cũng đã biết. Thu hoạch chỉ là để đo sự tin tưởng của tù nhân vào “cách mạng”. Thời kỳ khai báo họ để cho tù nhân nhiều tự do hơn và đa số tù nhân tưởng rằng (trừ các sĩ quan và viên chức ở trong ngành an ninh tình báo) sau khi viết xong bản thu hoạch họ sẽ được trả tự do. Tâm lý này làm đa số tù nhân viết rất thật, không dấu diếm ngay cả những gì nghĩ là sai trái mình đã làm, cũng như các công tác quan trọng mình đã thi hành. An ninh cộng sản chỉ cần có thế để phân loại tù nhân đưa vào những tầng trong thích hợp cho từng đối tượng của bảy tầng địa ngục.

Bản thu hoạch của tôi tương đối đơn gỉản nên chỉ cần vài hôm là tôi viết xong. Tôi ở trong quân ngũ 16 năm. Hai  năm tại trường đào tạo kỹ sư hải quân của hải quân Pháp, một năm phục vụ trên chiến hạm như một cơ khí trưởng và 13 năm tại Trường Sĩ Quan Hải quân Nha Trang như một huấn luyên viên và sĩ quan điều hành công tác đào tạo sĩ quan hải quân, trước khi đắc cử dân biểu thị xã Nha Trang và giải ngũ. Thời gian trên chiếm hạm, chiến tranh bắc nam chưa bùng nổ lớn nên chiến hạm của tôi chỉ đi làm các công tác tiếp tế nhỏ. Một chuyến đi tiếp tế địa phương quân canh gát đài khí tượng trên đảo Hoàng Sa, một chuyến tiếp tế cho trại tù Côn Sơn.

Thiếu Tá Sơn cũng không viết gì nhiều. Tôi hỏi, Sơn nói: “Họ nói họ đã biết hết rồi thì còn gì để viết. Tôi viết ngắn gọn rằng tôi là sĩ quan Lôi Hổ, một đội quân được huấn luyện để làm các công tác đột kích vào mật khu Việt cộng, và tôi đã từng giết nhiều cán bộ cao cấp trong các cuộc đột kích. Tôi sẵn sàng trả giá của người chiến bại theo tinh thần thượng võ, không có gì để nói chuyện khoan hồng khai báo lôi thôi.”

Cung cách của Thiếu Tá Sơn là vậy. Hiên ngang như đời sống phóng khoáng của anh. Anh kể rằng anh thuộc một gia đình công giáo sung túc. Bố mẹ muốn anh trở thành linh mục. Anh đã vào đại chủng viện, nhưng chịu không nổi khuôn phép của Giáo Hội để trở thành linh mục, anh rời chủng viện bất chấp sự bất mãn của bố mẹ. Tránh phiền toái và trách móc của gia đình anh thi vào trường sĩ quan bộ binh Đà Lạt. Ra trường anh chọn binh chủng Lôi Hổ để thỏa chí phiêu lưu.

Thiếu Tá Sơn cho biết anh có vợ và 2 con. Chuyện lấy vợ của anh ly kỳ không kém đời anh. Nó là một tình sử của thời chiến tranh. Trách Sơn cũng được mà thông cảm Sơn cũng được.

Chuyện Sơn kể rằng: Sau những ngày đánh trận anh thường lang thang nơi thành phố Nha Trang. Một nữ sinh ở Xóm Bóng lọt vào mắt xanh của anh. Hai người tha thiết yêu nhau và anh quyết định cưới người yêu.

Bố mẹ cô nữ sinh không thuận cuộc hôn nhân vì không muốn con gái ở góa trong thời chinh chiến. Lý do khác là khác biệt tôn giáo. Sơn đến nhà cô gái cho bố mẹ cô gái biết anh không có thì giờ chờ đợi và anh không buộc vợ rữa tội theo đạo Chúa. Anh nói anh đã sắp xếp với nhà thờ và trong vài hôm sẽ mang sính lễ tới xin cưới trước khi đi hành quân. Anh đã thuê một căn nhà trong thành phố cho vợ ở khi anh vắng nhà.

Ngày hẹn, anh đến nhà cô gái với sính lễ đầy đủ trên hai chiếc xe Jeep.  Anh dùng một xe có tài xế. Xe thứ  hai dành cho hai sĩ quan bạn và mấy quân nhân Lôi Hổ tháp tùng. Một đại úy đóng vai đại diện nhà trai làm chủ hôn. Một trung úy đóng vai phụ rễ. Anh Sơn mặc đại lễ trung úy Lôi Hổ, lưng đeo súng ngắn, ngực đầy huy chương.

Biết bố mẹ vợ tương lai sẽ từ chối cuộc rước dâu, anh cho quân nhân mang sính lễ vào nhà như không có chuyện gì sẽ xẩy ra. Anh Sơn và hai sĩ quan bạn theo sau. Thấy  quân nhân trang trọng vào nhà, bố mẹ cô dâu buộc phải ra tiếp (thời chiến tranh, không ai muốn cưỡng lại nhà binh!). Ông bố bình tỉnh hỏi quý vị đến nhà có việc gì. Ông đại úy chủ hôn trình bày lý do. Ông bố tuyên bố ông chưa bao giờ chấp thuận hôn lễ. Đã tính trước, ông đại úy xin được mời cô dâu ra để hỏi ý kiến. Từ trong phòng cô dâu trang phục sẵn sàng bước ra trước sự ngạc nhiên của bố mẹ.

Ông đại úy chủ hôn hỏi, và cô dâu xác nhận biết hôm nay là ngày hôn lễ của cô với trung úy Nguyễn Văn Sơn. Bố mẹ cô dâu nén giận nhưng đành phải để cho con lên xe hoa. Trung úy Sơn giành tay lái, người yêu khóc sướt mướt ngồi bên cạnh. Khóc vì lấy được người yêu hay khóc vì đã làm buồn lòng cha mẹ? Ghế sau hai quân nhân bồng súng ngồi ở thế tác chiến. Sĩ quan chủ hôn và phù rể lái theo sau. Đám cưới không có phù dâu.

Sau lễ cưới độc đáo của thời chiến tranh, trung úy Sơn chiến trận liên miên. Chị Sơn ở nhà lo tổ ấm. Sau vài năm anh chị Sơn có được hai cháu, một trai một gái kháu khỉnh. Thấy con gái có hạnh phúc với tình yêu chân thật bố mẹ chị Sơn tha lỗi cho con gái, nhận rễ và cho phép con gái và cháu ngoại về ở chung để con gái tránh đơn độc trong những lúc anh Sơn hành quân vắng nhà.

Biến cố tháng Tư đến và trung úy Sơn, lúc này là thiếu tá bị bắt tại mặt trận và đưa vào trại Lam Sơn. Câu chuyện giữa anh Sơn và tôi bắt đầu từ đó.

Cán bộ hướng dẫn nhà 10 của chúng tôi là một hạ sĩ quan quê Bắc Ninh. Anh ta hiền lành và không hống hách như các cán bộ khác. Anh thưộc một đơn vị chính quy quân đội Bắc Việt từng tham dự trận đánh An Lộc trong những ngày đầu của trận chiến sau cùng. Mỗi ngày anh đến nhà chúng tôi làm nhiệm vụ hướng dẫn và thường ngồi xổm trên đất, tay vấn thuốc lá phì phèo hút và kể đủ thứ chuyện về “ngoài Bắc ta” và chuyện chiến trận anh đã trải qua. Anh không tô điểm đời sống “ngoài Bắc ta cái gì cũng có” như các cán bộ khác và kể lại các trận đánh anh không theo luận điệu của trại là “trận nào quân ta cũng thắng”. Chúng tôi trong nhà 10 có nhiều thiện cảm với anh, và trở nên bạo dạn trong những trao đổi với anh.

Một hôm tôi ngồi cạnh Thiếu Tá Sơn nghe anh nói chuyện với anh trung sĩ cán bộ. Thuật lại một trận đánh để giành một vị trí gần Lộc Ninh, viên trung sĩ nói đơn vị anh, mặc dù với quân số áp đảo, đã gặp sự kháng cự mãnh liệt của một đơn vi quân đội VNCH cho nên dù chấp nhận mọi tổn thất nhân mạng đơn vị anh vẫn không chiếm được vị trí. Thiếu Tá Sơn cho biết tiểu đoàn của anh đã được phái đến tăng cường trong trận đánh đó. Sơn nói:

“Đánh đấm với các anh chán bỏ mẹ. Quân lính các anh cỡ tuổi 14 hay 15, trông như con nít, không biết gì khác ngoài việc xông tới, hết lớp này đến lớp khác. Chúng tôi bắn chết, thây chồng chất lên nhau trông vừa thương tâm vừa kinh tởm và có lúc tôi đã ra lệnh cho lính tạm ngừng bắn dù biết chậm một giây là đơn vị có thể bị tràn ngập”

Viên trung sĩ cán bộ nghe và không trả lời. Anh ta chỉ cười nho nhỏ. Vẫn giữ thế ngồi xổm anh xê dịch kiếm lửa châm điếu thuốc đang hút dở vừa tắt. Hình như anh ta chán nản một điều gì.

Chiều hôm đó tôi nói với Sơn: “Chúng ta là kẻ chiến bại. Những gì anh nói với viên trung sĩ cán bộ có thể được báo cáo và người  cộng sản có thể thủ tiêu anh. Khích hay làm nhục kẻ chiến thắng không phải là một cách hành xử không ngoan.”

Sơn cười chua chát: “Tôi biết họ và họ biết rõ tôi. Trước sau họ cũng sẽ giết tôi. Tôi nói để họ biết người chiến sĩ VNCH không hèn nhát. Thua, tôi chấp nhận mọi hậu quả, không than van, không than trời trách đất, không đổ thừa cho đồng minh bỏ chạy.”

Thiếu Tá Sơn rất ít nói đến gia đình dù tôi biết anh nghĩ tới và âu lo từng phút từng giây. Có lẽ anh đang dọn mình cho đời sống ở một thế giới khác cùng với người vợ và cũng là người tình duy nhất của anh. Trong khi thân nhân của các sĩ quan và công chức bị bắt tại Nha Trang và các vùng lân cận đến thăm thì không một thân nhân nào của anh Sơn đến thăm anh. Tôi hỏi, anh Sơn nói anh không biết và cũng không muốn đoán biết.  Anh nói anh xem như đời anh đã chấm dứt sau khi đơn vị anh đầu hàng và anh không thể tự vận vì anh là một tín dồ theo đạo Chúa.

Một thời gian vài tuần sau khi mọi tù nhân viết xong bản “kiểm điểm” nộp ban quản trại, tôi được chuyển sang một nhà khác giam chung với các công chức trong thị xã . Họ đã xếp loại và cho tôi vào thành phần “ngụy quyền”.

Bây giờ không còn chợ trời trước cổng trại Lam Sơn, không còn  những buổi thăm viếng tự do. Nhân một tù nhân lợi dụng giờ ra chợ trốn trại về Nha Trang bị bắt lại, ban quản trại không cho họp chợ nữa. Nhưng bên trong trại các tù nhân vẫn còn được đi lại từ nhà này qua nhà khác thăm viếng hàn huyên. Tôi vẫn thường đến thăm Thiếu Tá Sơn vào những buổi chiều trước giờ cơm chiều. Cơm còn đủ để ăn no với cá vụn và canh rau.

Một buổi chiều đang ngồi trong trại, cạnh con đường đất dùng để xe tuần chạy quanh các khu nhà, tôi nghe tiếng kêu từ một chiếc xe GMC chạy qua nhà tôi: “Anh Sơn ơi, tôi đi đây, vĩnh biệt anh.” Nhìn nhanh ra đường tôi thấy một chiếc xe GMC mui trần chở đầy tù nhân chạy qua. Một người lính cầm súng đứng gát phía sau. Thấp thoáng tôi thấy bóng dáng Sơn đưa tay vẫy, miệng không ngừng kêu “Anh Sơn! Vĩnh biệt anh!”

Anh Sơn bị chuyển trại. Và đó là hình ảnh cuối cùng của Sơn.

Tôi ra trại, vượt biên, và trong suốt hơn 30 năm ở  nước ngoài tôi vẫn ngóng trông tin Sơn. Tôi không nghĩ anh Sơn đã bị giết hay chết trong một trại tù nào đó ngoài miền Bắc. Một người giàu ý chí như Thiếu Tá Sơn không thể chết dễ dàng như vậy. Tôi tin anh vẫn sống và đã ổn định tại một góc trời nào đó trên trái đất này. Nhiều sĩ quan rơi vào những trường hợp nghiêm trọng hơn anh đã được ra nước ngoài theo diện HO.

Tôi tin anh Nguyễn Văn Sơn vẫn sống. Hy vọng lớn nhất của tôi là  đoản văn này lọt vào mắt của anh Sơn hay bạn bè anh Sơn trong quân ngũ hay ngoài đời sống dân sự. Xin nhắn với Thiếu Tá Sơn rằng người bạn tù Trần Văn Sơn tại trại Lam Sơn vẫn còn đây và chờ nghe tin lành của anh và gia đình. E-mail liên lạc: binhnam@sbcglobal.net

April 15, 2010
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

12 Phản hồi cho “Chuyện một người Chiến binh trong cuộc chiến Bắc Nam: Thiếu Tá Nguyễn Văn Sơn”

  1. ForgetMeNot Đặng says:

    Trích:
    “Trở lại chuyện Thiếu Tá Sơn. Tôi không quen biết Thiếu Tá Sơn trước khi đến trại Lam Sơn. Chúng tôi chỉ ở chung nhà với nhau vài tuần lễ trước khi tôi được chuyển qua nhà khác và sau đó Sơn được chuyển ra khỏi trại Lam Sơn.

    Chỉ mấy tuần thôi, chúng tôi quen nhau, thân nhau, tin cậy nhau. Câu chuyện tôi thuật lại ở đây hoặc do Thiếu Tá Sơn kể lại hoặc xẩy ra trong mấy tuần lễ ngắn ngủi đó.”

    Tôi chỉ dựa vào 2 câu trích dẫn ở trên để thấy rằng Ông Trần Văn Sơn chỉ quen biết Thiếu Tá Nguyễn văn Sơn Lôi Hổ có mấy tuần ngắn ngủi trong trại tập trung, Ông TBN đã nhận xét qua cung cách nào đó của TT NVS và đã khen tặng TT Nguyễn văn Sơn là “Một mẫu người có phong cách kỳ lạ.”.
    Trong mấy tuần ngắn ngủi đó mà 2 người đã trở thành đôi bạn thâm giao.
    Không thể trách Ông TVS vì Ông không có ở tù ngoài Bắc với TT Nguyễn văn Sơn nên không biết những điều không tốt về TT NVS này. Người xưa có nói :

    Thức lâu mới biết đêm dài,
    Ở lâu mới biết con người có nhân.

    Mấy ai may mắn biết được ngay “con người bất nhân” trong vòng 1 ngày đến vài tuần ?
    Nếu biết được, xin bỏ của chạy lấy người !

  2. John Nguyen says:

    Tuan Tran này là tên tay sai của bọn CS hiện nay, chuyên môn chụp mũ bôi bẩn. TT có chứng nhân nào để nói TT SON ? Có bao nhiêu người bị bọn tay sai bôi bẩn với những bằng cớ giả. Chuyệ bôi bẩn VTA cách đây khá lâu

  3. Nguyenle says:

    Ai mới tiếp xúc với Nguyễn Văn Sơn vài lần cũng có nhận xé như ông Trần Bình Nam, Nhưng ông Trần Bình Nam lại khác, ông là cây viết, đã đọc của ông nhiều bài nay đọc bài nầy làm tôi thất vọng ê chề .
    Tôi ở tù cùng ông Nguyễn Văn Sơn từ trại Lam Sơn qua Trại 53 thuộc Tổng trại 5 chuyển qua Trại A30 cho đến cuối năm 1982 .Trước hay sau thời gian Lý Tống trốn trại ; Nguyễn Văn Sơn cũng biến mất, bạn tù có người nói Sơn trốn trại, nguời khác nói Sơn được tha . Tôi dồng ý với anh Tuan TRAN . Chuyện anh Sơn là chuyện dài, xin để nó về với qúa khứ. Ở đây tôi chỉ muốn gắp một con sâu trong nồi canh của ông Trần Bình Nam .

  4. sonrom says:

    bai viet that cam dong cam dong. nhung co le hay nhat la doan ( Danh dam voi cac anh chan bo me…da co luc toi ra lenh cho linh tam ngung ban ) That la hanh dong cao thuong. Cac bac co the binh luan tiep .

  5. Nhật Lan says:

    Tui mới đọc một chuyện ngắn viết về CUỘC NAM BẮC PHÂN TRANH CỦA NƯỚC MỸ! hơn hai trăm năm trước; cuộc Nam Bắc chiến, đã khiến cho nước Mỹ mất đi số lớn những người anh hùng vì lý tưởng mà họ cho là họ làm đúng .

    Trong tháng Tư của năm đó hai vị tướng cầm quân cho hai đoàn quân từ hai miền đất nước, họ đánh rất hăng say …rồi việc gì tới phải tới. Ông tướng miền Nam bỗng nhận được một tờ hàng thư, do tướng miền Bắc gởi ; tướng Bắc viết rằng ông không thể kéo dài cuộc chiến hơn nữa, vì trong đoàn quân hầu như bị kiệt quệ mọi thứ…từ lương thực tới quân cụ quân trang, quân số; nên ông phải đầu hàng. Tướng Nam đồng ý; Sáng hôm sau, Tướng Bắc nghiêm chỉnh trong bộ lễ phục, thẳng nếp lưng đeo lưỡi kiếm chỉ huy, nghiêm trang ngừng ngựa trước bản dinh của tướng Nam, tướng Bắc trình lên cho tướng Nam bản danh sách của quân chủng miền Bắc và khí giới. Qua một chút thời gian ngắn đàm đạo, tướng Bắc dẩn đoàn quân chiến bại lên đường, tướng Nam tặng cho bên chiến bại đầy đủ lương thực, lừa ngựa, đạn dược để họ trở về quê cũ .
    Quân binh miền Nam đứng hai bên đường nghiêm trang nhìn đội quân chiến bại tuy sơ sác, nhưng rất nghiêm chỉnh hiên ngang trong đội ngũ họ cất bước trở về quê hương của họ. Hai bên đường đoàn quân chiến thắng theo lịnh của tướng chỉ huy cũng đứng nghiêm trang chào tiễn đoàn quân chiến bại đi qua; Theo lịnh của tướng chỉ huy họ, đoàn quân chiến thắng không hề thốt ra lời khinh bạc để biếm nhẽ kẻ chiến bại, mà nghiêm trang chào kính tinh thần chiến đấu của họ.

    Không có nhà tù xây lên, không có đòn thù, không có lời sỉ nhục đối với bên chiến bại, không cả lời hô vang chiến thắng, mà họ còn biểu lộ vẻ nghiêm chỉnh kính trọng đoàn quân chiến bại trở về quê hương. Bỗng có tiếng hô dõng dạc của tướng chỉ huy “Bồng Súng, Chào !” Đoàn quân chiến thắng bồng súng lên tăm tắp chào đoàn quân chiến bại đi qua mặt họ, người sĩ quan tuốt gươm chỉ xuống dưới, trong tư thế oai nghiêm trên lưng ngựa ông đi qua đoàn quân chiến thắng đang đứng chào đội ngũ quân binh của ông hồi hương .

    Đọc những hàng chữ này mà nước mắt NL trào ra, xúc cảm bởi cái TINH THẦN UY NGHIÊM TUY CHIẾN THẮNG NHƯNG VẪN ĐẦY ẮP TÌNH NGƯỜI CỦA TƯỚNG NAM VÀ QUÂN BINH CỦA ÔNG. Đẹp thay những con người còn giữ được nguyên vẹn tình cảm giữa người và người với nhau !

    Nghĩ lại cũng vào tháng Tư, cũng trận nội chiến giữa hai miền Nam Bắc, nhưng khi ngã ngũ, thì nhà tù mọc lên ở những miền hoang vu, nước độc, doàn quân chiến bại tuy đã nghiêm túc thi hành lịnh tập trung, nhưng họ được giam kính những nhà tù, bị đày đọa khổ sai, những đói, khổ bịnh hoạn không có thuốc chữa trị, khá đông trong số quân binh cải tạo tập trung ấy đã bỏ sác nơi rừng sâu v.v.
    Rồi luật “Lý lịch ba đời” nào là luật khắt khe đối với con cái của hàng binh nên đa số chẳng được học hành đầy đủ, . Thời gian tù kề từ chục năm trở lên, sống khổ sai, đói khát, làm việc tệ hơn súc vật, đã đốn ngã biết bao nhiêu là sĩ quan ưu tú của quân chủng miền Nam, Khi được mãn tù trở về chỉ còn là những hình hài rách nát, từ tinh thần tới thể chất !
    So sánh hai hoạt cảnh cùa TÌNH NGƯỜI mà Nhật Lan không nén được tiếng nấc nghẹn ngào. Bài viết khá khéo, làm nổi bật tình người giữa hai đoàn quân của nước Mỹ khi chấm dứt chiến tranh. Và nghĩ lại hai đoàn quân Nam Bắc của nước VN mà ghê sợ cho lòng thù hận của cái chế độ vô cảm không còn có tình người ! Nhóm chữ HHHG mà phía Bắc cứ ca cẩm kia, so với những sanh hoạt tại những nơi có tên là Trại Tập Trung Cải Tạo kia mà ghê người đi, rồi thì những khẩu hiệu từ đoàn người chiến thắng cứ vang vang như mỉa mai trù rủa những nghười được mang danh NGỤY nọ!

    Đã trải qua hơn 35 năm, hồ như tình cảm của con người vẫn cách ngăn như hai miền xa cách, chưa nhìn ra sự hòa hợp nào, trong khi này thì có lẽ hai giống người Việt và Trung lại có vẻ như hòa đồng thân thiết dễ hơn !

  6. son nguyen says:

    Thành thật bái phục niên trưởng Sơn tôi cũng hiên ngang nhưng chưa được 1/10 của Niên trưởng. Bài viết quá cảm động thương nhớ cho một anh-hùng của QLVNCH. Anh Trần văn Sơn, mong anh còn những hình ảnh oai hùng của những quân nhân QL/VNCH để nói lên cái bất khuất không bao giờ quên được trong cuộc chiến dù đã tàn sau 35 năm ngậm ngùi trong thân hình của kẻ chiến bại bị bắt buộc buông súng vô điều kiện. Chào anh, và mong nhận được tin Anh còn sống ở một nơi nào đó, mau về bên nhau sau những ngày tàn cuộc./-

  7. "Forget Me Not" Đặng says:

    Bài viết thật cảm động. Hi vọng Thiếu tá Nguyễn văn Sơn vẫn còn sống và đang sống đâu đó trên xứ Mỹ hoặc trên các xứ tự do khác. Mong rằng có ngày hai ông Sơn , Nguyễn và Trần, sẽ gặp lại nhau.
    Nếu có ngày tái ngộ , mong ông TBN sẽ lại viết tiếp câu chuyện này qua trang:
    “Anh không chết đâu Anh,
    Người anh hùng Lôi Hổ tên Sơn”

  8. Kan says:

    Bài viết hay và cảm động quá! Bao nhiêu anh hùng, tinh hoa của giòng giống Việt đã ra đi!

  9. Nguyễn-Khoa Thái Anh says:

    Ngoài chuyện trông ngóng tin tức, hy vọng và cầu mong cho mọi sự tốt lành đến với anh Nguyễn văn Sơn Lôi Hổ, tôi cũng rất mong được tin tức của Trung sĩ Bộ độ Bắc việt quê ở Bắc Ninh. Không hiểu ngày nay ông ấy nghĩ gì về đất nước và Đảng Cộng sản? Sự thật có quá phũ phàng không? Hay ông đã chuẩn bị tinh thần từ những năm trong lính?

    Tôi vốn tính hiếu kỳ và lúc nào trong tinh thần hiếu hòa (hòa giải hòa hợp) cũng thích tìm hiểu về các người chiến sĩ bên kia chiến tuyến, bởi vì tôi chưa bao giờ là chiến binh đấu tranh một ngày nào trong cuộc nồi da sáo thịt cho lý tưởng của tôi hay lý tưởng của Bác.

    • Vũ Đình Kh. says:

      Gửi NKTAnh và Chú TBNam;

      Cho rằng tôi là người bộ đội đó đi! Vâng, năm 1976 là 1 công an biên phòng nhập ngũ khoá đầu tiên nghĩa vụ quân sự ở miền Nam, tôi từng công tác vùng Đồng Găng này, trong nhiều tháng khi còn ở trong quân trường Nha Trang. Đây là 1 trại giam tù chính trị và tội phạm kể đỉ điếm. Trại giam bị bao vây bởi 3 sắc quân đóng chung quanh: Hải quân, Quân đội nhân dân, công an vũ trang. Còn công an áo vàng thì trấn giữ trại giam.

      Cá nhân tôi lúc đó, khi nhìn thấy các tù nhân chính trị bị nhốt hàng loạt, trong đó có những người chú, bác quen thân gia đình tôi. Tôi biết đây là một chính quyền sắc máu về mọi mặt. Ở họ chỉ có trả thù và trả thù!!!

      Vì vậy, sau khi ra trường đóng ở đảo Bình Ba, Cam Ranh đúng 28 ngày, chúng tôi 4 tân binh cướp tàu nhà nước ra đi, để tìm cái đích thực của đời sống mình.

      Đồng Găng bây giờ đã là 1 thị trấn khá lớn, có nhiều đường cho xe chạy thẳng lên Đà Lạt, Buôn Mê Thuột. Ít có ai biết được Đồng Găng đã là nơi từng giam những người lính VNCH sau 1975.

      Lịch sử VN sao tàn nhẫn quá!!! Con người VN sao ác độc với nhau quá quắc???

      Mới ngày nào tôi,18 tuổi là anh bộ đội ngơ ngáo trên cánh rừng Đồng Găng, nay đã 50 tuổi đời!

      Chú Trần Bình Nam, cho cháu thăm hỏi sức khỏe gia đình và cầu mong chú quên đi thù hận một cái chế độ đê hèn! Chỉ biết trù dập con dân VN và khiếp sợ bọn Tàu phù đến nhục nhả của bọn Thái thú bán nước.

      Vũ Đình Kh.

  10. Hoàng Thi Liên says:

    Dù còn sống hay đã chết, cựu Thiếu Tá NGUYỄN VĂN SƠN, xứng đáng là một SĨ QUAN của QLVNCH. Xin gởi đến Ông NVS ( hay Linh Hồn của Ông) với lòng ngưỡng phục.

    • Tuan TRAN says:

      Ban than men,Si quan QLVNCH khong he co ten Thieu ta SON Loi ho,ma chi co ten thieu ta SON ma anh em khong dam den gan ,1 ten si quan khong tuyen the chuyen gai anh em vao cho chet de lap cong voi viet cong .xin tac gia viet bai nay nen can than keo huong hon anh em bi SON gai vao the bi viet cong ban chet va cac ban da tung o tu trai Lam son Duc my phai dau long .

Leave a Reply to Nhật Lan