WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Vấn đề của đảng Cộng Sản Việt Nam (Phần 1)

 

DangDiTruoc“Bốn chữ tự nhiên kinh tế mâu thuẫn lẫn nhau, vì kinh tế bao giờ cũng bao hàm một thủ đoạn nhân vi trái ngược với hai chữ tự nhiên”.

(Lý Đông A)

Tổng Bí thư đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng, năm 2013, trong lần tham dự bàn về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã phát biểu rằng “…Đổi mới chỉ là giai đoạn, còn xây dựng Chủ nghĩa Xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.

Người ta có thể tin rằng ông nói điều đó thật lòng vì ông từng là Tiến sĩ Chính trị học, chuyên ngành Xây dựng đảng và đã nắm giữ các chức vụ quan trọng. Từ 1987 – 1989, ông là Trưởng ban xây dựng đảng; rồi 1991-1996 là Tổng Biên tập tạp chí Cộng Sản. Dù biết rằng cho đến cuối thế kỷ 21 chưa chắc đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam, nhưng vì tin tưởng hoàn toàn vào những điều căn bản làm nền tảng xây dựng chủ thuyết cộng sản, như xã hội cộng sản nguyên thuỷ, kinh tế tự nhiên, động lực làm lăn bánh xe lịch sử, những quy luật biện chứng, tính quyết định của vật chất v.v… nên ông và Đảng CSVN vẫn kiên định đưa đất nước tiến lên XHCN.

Những điều căn bản đó có đúng hoặc có bám sát thực tại hay không? Nếu không, ông và các đồng chí của ông vẫn lầm lẫn tin vào, thì thay vì đi lên Xã Hội Chủ Nghĩa, lại như dân gian thường nói, Xuống Hố Cả Nước.

Nhận định sai dẫn đến tư duy sai rồi hành động sai. Chính sách xây dựng quốc gia, do đó, càng sai.

Xã hội cộng sản nguyên thuỷ

Vì nhu cầu của cuộc sống, người tinh khôn (homo sapiens) đã biết quây quần tổ chức thành thị tộc, khởi đầu bằng tập thể nhỏ một vài chục người, có quan hệ huyết thống gần gũi với nhau. Nhu cầu vật chất của họ rất giới hạn, chỉ nhằm thoả mãn các nhu yếu căn bản như đói ăn, khát uống, ngủ nghỉ mà thôi.

Họ sống chủ yếu nhờ vào hái lượm và săn bắt. Công việc săn bắt cần sự phối hợp của số đông bầy đoàn như cùng lùa con thú vào vực thẳm rồi ném đá, phóng cây cho đến chết.

Họ săn chung, hưởng chung, ăn lông ở lỗ không khác mấy với loài thú. Ý thức tư hữu cá nhân chưa xuất hiện, nhưng tư hữu thị tộc thì có. Mỗi thị tộc chiếm cứ một khu vực riêng, bất khả xâm phạm, giống với rừng nào cọp nấy.

Một nhóm nhỏ sơ khai sinh sống đơn giản, chưa có mô hình tổ chức xã hội, không có điều kiện khách quan để phân chia giai cấp, hay đúng hơn, các giai tầng xã hội.

Xã hội nguyên thủy đó, Mác và Ăng ghen cho là xã hội đầu tiên của con người, có nhiều điều nên được phát huy để xây dựng một xã hội tốt đẹp, mà ông gọi là xã hội cộng sản trong tương lai. Nhưng với bản tính “tự nhiên” của lối sống bầy đoàn, thời kỳ nguyên thủy này đã thật sự là giai đoạn đầu tiên của xã hội loài người chưa, hay vẫn còn là giai đoạn mà loài người sống như tự nhiên, chưa thoát khỏi tự nhiên giới? Chúng ta hãy theo dõi xem nhân chủng học và nguyên-thủy-sử học khám phá ra như thế nào.

Cho đến khoảng 4000 năm trước Công nguyên, con người phát hiện ra đồng nguyên chất, rất mềm, chủ yếu làm đồ trang sức. Họ tìm cách pha chì và thiếc cho đồng cứng hơn, tạo ra các loại rìu, cuốc, thương, giáo, mũi tên… và cả trống đồng.

Nhờ công cụ lao động bằng kim loại, con người đã có thể gia tăng năng suất, khai khẩn đất hoang tăng, sản phẩm ngày càng nhiều. Một số người nhờ lao động giỏi hơn người khác, hoặc lợi dụng uy tín để chiếm đoạt sản phẩm của người khác mà trở nên khá giả. Thời kỳ hái lượm, săn bắt chung, hưởng chung của xã hội nguyên thuỷ dần tan vỡ, mở đầu cho một xã hội có nhiều giai tầng mang tính đa nguyên đầu tiên xuất hiện.

Đó là quy luật phát triển khách quan của xã hội loài người.

Sai lầm căn bản của Mác là không thấy được khả năng đặc biệt của con người là có thể tu chỉnh lại tự nhiên. Như Lý Đông A đã thấy: “…loài người thành tựu được là bởi sự tu chỉnh tự nhiên, nó là cuộc cách mạng tối sơ của loài người, nó là động cơ tiến hóa không dứt…”. Nhờ vậy mà loài người tiến hóa không ngừng, từ thời nguyên thủy tới nay và mãi mãi không dứt, khác hẳn với tự nhiên và với động vật khác. Khoa học đã và đang tiếp tục khám phá các giai đoạn phát triển khác nhau của loài người kể từ thời nguyên thủy thô sơ cách đây vài triệu năm, khởi đi và căn bản là “tu chỉnh tự nhiên”. Nếu chỉ sống theo hay như tự nhiên thì không có tiến hóa, không có loài người như hôm nay.

Mác và những người cộng sản cũng không thấy được rằng trong quá trình tu chỉnh tự nhiên, con người phát huy các khả năng và sự sáng tạo đa dạng, tùy cá nhân, nhu cầu và môi trường sống khác nhau. Đây là những khả năng và động lực phát triển khác nữa của con người. Sự đa dạng khác biệt này cần được điều phối để không gây ra mâu thuẫn, xung khắc. Triệt tiêu tính đa dạng tức là triệt tiêu động lực và khả năng tiến hóa của loài người. Họ tìm cách áp đặt nguyên tắc vô giai cấp của thời kỳ xã hội nguyên thuỷ sơ khai, cho đó là lý tưởng nhằm triệt tiêu các giai tầng xã hội và cào bằng cho mọi người vô sản như nhau, ai cũng suy nghĩ giống nhau. Càng về sau họ càng phải chỉnh sửa nhiều nhưng trên căn bản vẫn giữ các nguyên tắc ban đầu của chủ nghĩa Mác.

Họ không thấy được tính đa nguyên khách quan khi xã hội phát triển. Vì không bám sát thực tại như vậy nên không biết cách tôn trọng đa nguyên tính, thản nhiên hô hào giai tầng công nhân vùng lên lật đổ giai tầng tư sản, thương gia, trí thức để tạo nên xã hội không giai cấp. Giai cấp này dùng bạo lực tiêu diệt giai cấp khác là cách giải quyết của tự nhiên, của thế giới động vật, mạnh được yếu thua, không phải cách thức giải quyết của con người.

Mỗi người, mỗi nhóm là mỗi đơn vị xã hội, có giá trị nội tại của nó, cần được phát huy cũng như cạnh tranh ôn hòa cùng tồn tại để xã hội được phát triển nhiều mặt, phong phú và không ngừng tiến hóa. Một trong những trách nhiệm trọng yếu của nhà nước hiện đại là tạo mọi điều kiện thuận lợi để mỗi đơn vị, mỗi “tế bào xã hội” đó phát huy hết tính đặc thù và sức sáng tạo của mình thông qua giáo dục, định chế và luật pháp. Đồng thời tạo môi trường và điều kiện để điều phối những dị biệt, giảm thiểu tối đa mâu thuẫn và xung khắc dẫn đến tan vỡ xã hội, nhờ đó mang lại cuộc sống hài hòa lợi ích cho mọi thành phần dân chúng.

Cộng sản thường hô hào ổn định để phát triển. Ổn định theo cách nhìn của cộng sản là làm mọi cách, sử dụng mọi phương tiện để trói buộc tính đa nguyên của xã hội vào độc nguyên – nguyên cộng sản. Cả sinh lực của đảng dành cho việc níu kéo độc nguyên nhằm gìn giữ ổn định. Nhưng càng níu kéo trói buộc lại càng bị tính đa nguyên tìm cách bung phá, càng có nhiều tổ chức ra đời dù bị cấm đoán, đấu tranh ôn hòa hay bạo động để đòi đảng phải chấp nhận sự xuất hiện của họ và đòi chia sẻ quyền lực chính trị trong ôn hoà bằng bầu cử dân chủ thực sự. Cứ nhìn xã hội dân sự đang ra đời ở Việt Nam và đông đảo những người không cộng sản tự ứng cử vào quốc hội thì thấy rõ tính đa nguyên bung phá đó.

Vấn đề ở đây là làm thế nào, chính sách nào cho đa nguyên phát triển trong thống nhất (unity in diversity) chứ không phải dồn ép đa nguyên vào một rọ độc nguyên. Làm sao để biết được tính thống nhất? Đó chính là văn hoá và những giá trị chung (core values) được đãi lọc qua thời gian và được cả cộng đồng dân tộc chấp nhận. Lỗi lầm lớn nhất của đảng CSVN là đã huỷ diệt văn hoá ngàn đời của cha ông để lại, chỉ vì những nhận định sai khớp với lịch sử.

Đảng CSVN đi ngược quy luật phát triển khách quan đa nguyên của xã hội nên chỉ còn biết sử dụng côn đồ, bạo lực để giữ ổn định giả dối tạm thời. Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ còn biết nói, không để lọt vào quốc hội những phần tử “thế này thế khác”. Ông nói thế vì ông thầy Các Mác của ông không hiểu rằng “thế này thế khác” chính là đa nguyên xã hội, luôn cần thiết để xã hội loài người phát triển được.

Trong thời chiến, người ta cần sự đoàn kết, trên dưới một lòng để đạt hiệu quả đấu tranh cao. Ngược lại, trong thời bình, muốn phát triển phải biết tôn trọng tính đa nguyên để mọi người, mọi giới, cộng sản hay không cộng sản, đều có thể đóng góp tài sức của mình một cách bình đẳng và được hưởng thành quả một cách hợp lý.

Kinh tế tự nhiên

Kinh tế tự nhiên theo cộng sản, được hiểu là kinh tế tự cung tự cấp, có nghĩa sản phẩm tạo ra nhằm thoả mãn nhu cầu trực tiếp của người sản xuất. Ngành sản xuất chính là săn bắt, hái lượm và nông nghiệp thô sơ (gộp nông nghiệp vào với săn bắt hái lượm là điều sai lầm sẽ nói ở đoạn sau). Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất giai đoạn này rất thấp và phải phụ thuộc chặt chẽ vào tự nhiên. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, bị giới hạn bởi nhu cầu và nguồn lực cá nhân, gia đình.

Kinh tế sản xuất phát triển sẽ tiếp nối bởi kinh tế thị trường. Để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cần có chợ búa, thị trường trao đổi, thoả mãn nhu cầu của đông đảo khách hàng. Người cộng sản chọn áp dụng nguyên tắc tự cung cấp và phân phối lấy nên phải đặt kế hoạch mỗi năm năm, gọi là kinh tế kế hoạch hay kinh tế chỉ huy.

Trong nền kinh tế kế hoạch, nhà nước hoàn toàn kiểm soát và toàn quyền sử dụng các yếu tố sản xuất (vốn, nhân lực và tài nguyên thiên nhiên), đồng thời tự quyết định việc phân phối thu nhập với yếu tố bình quân là quan trọng. Nhà nước cũng quyết định mặt hàng nào với khối lượng bao nhiêu sẽ được sản xuất, trái với kinh tế thị trường, sản xuất hàng hoá phi kế hoạch, dựa chủ yếu trên cung và cầu của thị trường.

Ví dụ: Mỗi người cần hai thước vải một năm, dân số 30 triệu, kế hoạch đặt ra là phải có 60 triệu mét vải. Cứ thế mà sản xuất cho đủ chỉ tiêu. Ai cũng được hai mét vải bình quân như nhau, không có sự giầu nghèo bóc lột nhau ở đâu hết!

Điểm rất cần lưu ý ở đây là trong nền kinh tế chỉ huy, yếu tố con người không được coi trọng, ý kiến người dân không cần thiết vì tất cả đã được đảng và nhà nước lên kế hoạch giùm. Đạt yêu cầu, đạt chỉ tiêu sản xuất vật chất mới quan trọng. Cả xã hội làm việc cứ như đàn ong đàn kiến, không cần cạnh tranh và sáng kiến nên sản phẩm kém phẩm chất, đơn điệu, nghèo nàn; đời sống xã hội cũng kém đa dạng và phong phú.

So với sản xuất tự cung cấp thì sản xuất hàng hoá dựa trên cung cầu của kinh tế thị trường có ưu thế vượt trội.

  1. Sản xuất hàng hoá dựa trên chuyên môn hoá sản xuất và phân công lao động hợp lý bởi thị trường nhân dụng nên khai thác được những lợi thế của tự nhiên, khả năng của từng cá nhân, cơ sở, từng địa phương và của toàn xã hội.
  2. Việc khai thác những lợi thế trên tác động trở lại thị trường làm cho phân công lao động ngày càng hợp lý hơn, khiến cho mỗi người phát huy hết khả năng đặc thù và sáng kiến, hết mình với chức năng công việc (được gọi là phân mệnh). Qua chuyên môn hoá sản xuất, mỗi cá nhân nắm giữ phần vụ tuỳ khả năng ngày càng cao (phân công), thu nhập vì thế càng nhiều (phân lợi). Quan hệ giữa các ngành nghề và vùng miền (quốc gia) hay với khu vực (quốc tế) ngày càng mở rộng ở cả bề mặt lẫn bề sâu.
  3. Quy mô sản xuất không còn bị giới hạn bởi nhu cầu và nguồn lực của mỗi cá nhân, gia đình hay mỗi vùng mà mở rộng ra, dựa trên nhu cầu và nguồn lực của cả xã hội, tạo điều kiện cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy sản xuất gia tăng để chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn.
  4. Kinh tế sản xuất hàng hoá phát triển sẽ tiến sang khu vực dịch vụ và kinh tế tri thức, vốn là hai mặt yếu kém của kinh tế chỉ huy.

Điều cần lưu ý là việc đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng rất quan trọng. Để tồn tại và có lời, nhà sản xuất phải luôn luôn năng động, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá và giảm chi phí sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động.

Nói khác đi, yếu tố con người trong việc tổ chức sinh hoạt kinh tế và xã hội là then chốt. Phản hồi của khách hàng trong quá trình phân phối và tiêu thụ ngày càng mang tính quyết định trong nền kinh tế thị trường. Kinh tế kế hoạch không có các yếu tố nhân bản này nên không phù hợp với con người và không giúp xã hội phát triển được.

Khi nói đến kinh tế, người ta nói đến toàn bộ các hoạt động sản xuất, trao đổi, phân phối, lưu thông, lao động, tài chánh và các hoạt động liên quan. Nói khác đi, hoạt động kinh tế mang tính nhân vi, do con người chủ động.

Tự nhiên, còn được gọi là vũ trụ và thế giới tự nhiên, là tất cả những gì bên ngoài con người, tồn tại dù có sự xuất hiện của con người hay không.

Người tinh khôn ở giai đoạn xã hội nguyên thuỷ dù đã đứng thẳng nhưng vẫn còn ăn lông ở lỗ, chưa có ý thức tư hữu, chưa nhận ra mình khác với tự nhiên giới. Chung quanh thiên nhiên có cái gì thì con người thụ hưởng cái đó. Họ săn bắt hái lượm những thứ có sẵn trong thiên nhiên, không phải là tự cung tự cấp lấy. Đây là lối sống tự nhiên của muôn loài, chưa phải là hoạt động kinh tế. Chỉ có con người mới có hoạt động kinh tế. Và chỉ khi con người bắt đầu làm kinh tế, nghĩa là tu chỉnh lại cách sinh sản của tự nhiên (như hạt trái cây rơi xuống đất, may rủi nẩy mầm thành cây. Chỉ con người mới chủ động đem hạt đi trồng cây mới) thì lúc đó mới có đời sống và xã hội con người.

Mác đánh đồng giai đoạn nông nghiệp thô sơ vào thời kỳ săn bắt hái lượm tồn tại rất lâu dài trước đó là một kết hợp gượng ép, vì ở thời kỳ đầu nông nghiệp dù còn thô sơ, con người đã biết mình khác với tự nhiên giới, khác với các động vật khác (làm thế nào vượn người thành người sẽ được bàn đến ở bài khác, không phải như Mác nghĩ). Do đó, kinh tế và tự nhiên phủ định lẫn nhau. Không thể có cái gọi là kinh tế tự nhiên tự cung tự cấp để phóng chiếu xây dựng CNXH với nền kinh tế kế hoạch.

Những người Mác-xít đã sai lầm từ nhận định và những khái niệm căn bản.

Động lực của lịch sử

Những người cộng sản luôn coi đấu tranh giai cấp là động lực làm lăn bánh xe lịch sử. Họ không nhận ra tính tự động điều chỉnh được hướng dẫn bởi nhân đạo, vì họ đặt trọng tâm trên tiền đề vật chất, giành giật quyền lợi vật chất và phương tiện sản xuất chứ không đặt tiền đề triết học trên con người.

Con người phải là trung tâm trong tất cả các chương trình thiết kế xã hội.

Đành rằng tư bản thời hoang dã là thối nát bất công, chẳng ai muốn thời kỳ đó tái hiện. Nhưng với tính tự động điều chỉnh của nhân đạo – tức đời sống người, lối sống người – chứ không phải của thần linh (duy tâm) hay tự nhiên (duy vật), xã hội tư bản ngày càng hoàn thiện, ngày càng “người” hơn, hơn hẳn các xã hội tự xưng cộng sản hay đang trên đường tiến đến CNXH.

Nhân đạo – do con người và cho con người – chính là động lực đẩy bánh xe lịch sử chuyển động rồi lăn đi, tiến mãi. Đấu tranh giai cấp không phải là cách giải quyết vấn đề đa nguyên khách quan của con người. Đó là cách giải quyết của tự nhiên, là tình trạng bệnh thái chứ không phải thường thái, xẩy ra khi khoa học kỹ thuật và phương tiện sản xuất phát triển quá nhanh mà xã hội chưa kịp thời điều chỉnh.

Trong thời kỳ tư bản hoang dã, không ai chối cãi tính cách bóc lột của giới chủ nhân. Nhưng với lối sống người, không chỉ giai tầng công nhân mà các giai tầng khác đều tham gia đấu tranh, buộc chính quyền phải can thiệp, bảo vệ thợ thuyền và người dân nói chung bằng các đạo luật về tài chính, thuế khoá, phúc lợi công cộng để giảm thiểu chênh lệch giầu nghèo; ưu đãi những nhóm thua kém và thiểu số để giảm thiểu bất công.

Xã hội với nền kinh tế tư bản có thể điều chỉnh được các khiếm khuyết không phù hợp với nhân bản là nhờ thể chế chính trị dân chủ, một thành quả tiến hóa khác của loài người. Không có chế độ dân chủ, khả năng tự điều chỉnh của con người không phát huy được. Kinh tế thị trường tự do và thể chế chính trị dân chủ tạo điều kiện cho đa nguyên phát triển. Qua đó, chế độ tư bản mở ra cơ hội cho mọi người mọi giới, cộng sản hay không cộng sản, tham gia vào tiến trình điều chỉnh những sai trái của chế độ trong ôn hoà và tôn trọng lẫn nhau.

Ở những chế độ độc tài như cộng sản thì hoàn toàn không thể.

© Tạ Dzu

© Đàn Chim Việt

9 Phản hồi cho “Vấn đề của đảng Cộng Sản Việt Nam (Phần 1)”

  1. Lại Mạnh Cường says:

    Một chút về ĐA NGUYÊN
    Phần về chính tri- kinh tế còn sơ lược

    ****

    Wikipedia:
    Đa nguyên theo nghĩa tổng quát là sự xác nhận và chấp nhận tính đa dạng. Khái niệm này thường được dùng theo nhiều cách khác nhau trong nhiều vấn đề khác nhau. Trong chính trị, sự xác nhận tính phong phú về các mối quan tâm và niềm tin của toàn thể công dân là một trong số các đặc tính quan trọng của nền dân chủ hiện đại. Trong khoa học, khái niệm này thường miêu tả quan điểm cho rằng có vài, không phải duy nhất, phương pháp, lí thuyết hay quan điểm là hợp lí hoặc đáng tin cậy. Thái độ này được cho là một yếu tố quan trọng cho tiến bộ khoa học. Thuật ngữ đa nguyên cũng được dùng với một số nghĩa khác trong ngữ cảnh tôn giáo và triết học.

    Triết học
    Học thuyết triết học đa nguyên luận chỉ thừa nhận sự tồn tại của nhiều nguyên thể khác biệt, độc lập với nhau trong thế giới, thế giới được hợp thành bởi nhiều bản nguyên.

    Tôn giáo học
    Trong tôn giáo học, tính đa nguyên còn chỉ sự tồn tại của nhiều tôn giáo trong một xã hội. Hiện nay trong cuộc sống, nhiều chính quyền đã phải thừa nhận xu hướng “Đa nguyên trong tôn giáo”, nghĩa là chấp nhận nhiều tôn giáo mới du nhập trên mặt pháp lý lẫn thực địa.

    Việc thừa nhận nhiều tôn giáo trong một xã hội xuất hiện nhiều ở các nước Phương Đông hơn các nước Phương Tây vì ở Phương Tây Kito giáo mang một tính chất độc quyền, phản đối tính đa nguyên tôn giáo, gắn cho các tôn giáo khác cái mác dị giáo trong một thời gian dài.

    Kinh tế-chính trị
    Học thuyết đa nguyên trong kinh tế – chính trị học cho rằng cần có nhiều lực lượng chính trị, nhiều đảng phái trong một quốc gia (chống lại vai trò độc quyền lãnh đạo của một đảng); nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại và đua tranh với nhau, không có thành phần kinh tế chủ đạo.

    • ĐẠI NGÀN says:

      PHÂN TÍCH KHOA HỌC Ý NGHĨA CỦA KHÁI NIỆM ĐA NGUYÊN

      Có hai cấp độ cần được quan tâm, cấp độ triết học và cấp độ thực tại. Cấp độ triết học có các quan điểm như nhất nguyên, nhị nguyên, đa nguyên. Nhất nguyên chỉ thừa nhận một thực thể hay bản thể duy nhất của vũ trụ hay thế giới thực tại, tức hoặc là vật chất, hoặc là tinh thần, hay hoặc là duy tâm, hoặc là duy vật. Không công nhận cùng lúc có cả hai, không công nhận có nhiều nguyên nhân, nguyên lý, nhiều bản thể khác nhau của thực tại tồn tại.

      Nhị nguyên trái lại công nhận cả hai, tức thế giới hay thực tại tồn tại vừa có mặt vật chất vừa có mặt tinh thần, không phải chỉ có một trong hai. Như con người vừa có thân xác, có não bộ sinh lý, nhưng vừa có ý thức, tinh thần, hay tâm lý hoàn toàn trừu tượng, phi vật chất. Như thế có thể có hai nguyên nhân khác nhau, nguyên nhân vật chất và nguyên nhân tinh thần, không phải chỉ có một nguyên nhân duy nhất của thế giới tồn tại.

      Đa nguyên thì phức tạp hơn, đưa triết học đến chỗ tinh tế hơn, không giản lược thế giới chỉ là vật chất hay chỉ là tinh thần, nhưng cho rằng mọi ý nghĩa của tồn tại và của nhận thức là phong phú hơn nhiều, hay nguyên nhân của mọi nguyên nhân không phải đơn giản chỉ cái gì đó đơn nhất là một. Đó là ý nghĩa của hiện tượng luận triết học mà nhiều nhà triết học lớn vẫn quan tâm nghiên cứu.

      Trở về thế giới thực tại, thực tại luôn có nhiều phương diện vô cùng phóng phú, có nhiều sự vật phong phú, không bao giờ chỉ đơn giản duy nhất là một cái gì đó độc nhất vô nhị. Như con người vừa có thân xác vật chất, sinh học nhưng vừa có tâm lý ý thức và năng lực nhận thức, vừa có sự sống trừu tượng phi vật chất ở trong thân mình.

      Như vậy quan niệm của Engels cho rằng não bộ tiết ra ý thức chỉ là một quan niệm hoàn toàn ngây thơ và thô lậu. Hay quan niệm của Mác cho rằng chỉ có bản thân vật chất tự biện chứng để làm nên tồn tại, cũng là ngây thơ và nông cạn. Bởi vũ trụ vật chất như ta thấy là có thật, thế nhưng không thể bảo đó là cái duy nhất theo kiểu chỉ có cảm tính mách bảo cho ta điều đó.

      Bởi vậy thuyết duy vật vẫn chưa phải là quan điểm toàn diện, và mọi quan điểm độc tài đều chủ quan, phản khoa học vì nó chống lại một cách ngược ngạo, vô lý mọi tính cách đa dạng trong thực tại đời sống, trong thực thể con người, cũng như trong thực thể xã hội vẫn vốn luôn hoàn toàn đa dạng, phong phú và sinh động.

      THƯỢNG NGÀN
      (30/4/16)

  2. Quang Phan says:

    Lê Hồng Hà – chánh văn phòng bộ Công An : “Qua thực tế của các nước trên thế giới, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cuối thế kỷ 20, đã chứng minh chủ nghĩa Mác Lê Nin là sai lầm, mô hình Chủ nghĩa Xã hội Xô Viết là sai lầm …”

    “Do mấy chục năm qua, cả nước ta đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa sai lầm nói trên, nên đất nước ta lâm vào tình trạng suy yếu, xuống cấp về hầu hết các mặt của đời sống xã hội (không chỉ kinh tế mà cả chính trị, xã hội, văn hóa, đạo đức v.v.) và tụt hậu so với nhiều nước xung quanh, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm” .

    • NON NGÀN says:

      TỪ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ĐẾN CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN KIỂU MÁC XÍT

      Thực chất cả hai khái niệm này đều sai lầm ráo trọi. Mác cho rằng chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản. Trong chủ nghĩa xã hội, con người làm theo năng lực hưởng theo lao động. Trong chế độ cộng sản, con người làm theo lao động, hưởng theo nhu cầu.

      Cái phản lịch sử, phi thực tế của Mác chính là như thế. Hay điều ông muốn là phải triệt tiêu chế độ tư hữu, quay lại chế độ vô sản, muốn tiêu diệt tư bản chủ nghĩa khách quan để đi lên cộng sản chủ nghĩa không tưởng. Đó chỉ là những thứ xã hội chủ nghĩa hoàn toàn hình thức hay cộng sản chủ nghĩa hoàn toàn hình thức, vì nó chỉ được tổ chức cưỡng bách thành kiểu tập thể ở bên ngoài mà không có gì là tự nhiên, thực chất từ bên trong.

      Thực sự, chủ nghĩa xã hội theo Mác và Lênin đều là gom vào kinh tế tập thể, vào kiểu hợp tác xã theo lệnh lạc và kiểu tổ chức cơ giới, máy móc. Còn chủ nghĩa cộng sản có nghĩa lao động trực tiếp và phân phối trực tiếp. Bởi vì khi đó không còn thị trường, không còn tiền tệ. Đây đều là những ý tưởng giả tạo, vì nó trái với mọi nguyên tắc và quy luật phát triển khách quan tự nhiên của xã hội loài người.

      Sự ảo tưởng của Mác chỉ là muốn kéo lùi xã hội về thời tiền sử, tức thời kỳ cộng sản nguyên thủy sơ khai nhưng được nâng cấp lên. Chẳng khác gì sông băng chỉ có trên núi cao vào thời băng hà, nhưng cả triệu năm sau, xuống đồng bằng đã trở thành sông nước lưu chảy tự nhiên, Mác lại muốn xã hội quay lại sông băng thời tiền sử mà ông ta cho là hoàn toàn lý tưởng, trong sáng, tốt đẹp.

      Bởi vì mọi ý nghĩa trong cuộc sống này chính ý thức của con người từ bên trong quyết định mà không phải do mọi cái hình thức bề ngoài ở bên ngoài. Chính cái ở trong mới là cái thực chất, cái bề ngoài thường khi chỉ là cái hình thức giả tạo. Mọi cái gì o ép, trình diễn từ bên ngoài đều trái với ước nguyện, bản năng hay nhu cầu tự do từ bên trong. Nên cái gọi là xã hội chủ nghĩa hay chủ nghĩa tập thể, hoặc cộng sản chủ nghĩa kiểu không tưởng sẽ không khi nào có thực chất hay hiện thực được trên thế giới này cả.

      NGÀN KHƠI
      (28/4/16)

  3. Lại Mạnh Cường says:

    Chủ nghĩa CS đã bị vứt vào thùng rác lichj sử nhân loại, cho nên đừng tốn công bàn luận thêm nữa.
    Cái chính là cần tìm hiểu thật kỹ thế nào là dân chủ đa nguyên, khắc tinh của độc tài nhất nguyên

    • ĐẠI NGÀN says:

      LƯỢC LẠI CHƠI Ý NIỆM ĐẤU TRANH GIAI CẤP CỦA MÁC

      Có người ngày nay vẫn mang đầu óc cạn xợt, lơ mơ về chính trị. Chủ yếu bảo rằng thế giới đã coi học thuyết Mác như miếng giẻ rách rồi thì còn bàn chi vô ích nữa. Nói thế chẳng khác gì ngày xưa Liên Xô làm cộng sản thì ta cũng nhắm mắt làm, ngày nay thế giới hô bỏ thì ta cứ cùi cụi bỏ đi.

      Đó là lấy quan điểm của người làm quan điểm của mình, rồi lại lấy suy nghĩ cá nhân của mình làm suy nghĩ của người khác. Thực chất vấn đề sâu xa là niềm tin, chừng nào còn người có niềm tin đó thật bụng thì vẫn chưa có lối thoát, như vậy dẫu có bàn dân chủ đa nguyên đến vạn lần cũng chẳng đi tới đâu cả.

      Thực chất cái cốt lõi trong học thuyết chủ nghĩa Mác là đấu tranh giai cấp. Chính đây là chỗ hấp dẫn nhất khiến mọi người cộng sản đúng nghĩa đi theo nó. Tức nhằm xóa giàu nghèo, đi đến xã hội không còn giai cấp. Mác cho rằng tư hữu là đầu mối của giai cấp, là nguyên do của bóc lột, vì thế phải triệt tư hữu, đi đến vô sản thì giải quyết được cả thảy.

      Mác chỉ quên một điều tư hữu chính là phương tiện thiết nhất yếu để cá nhân sống còn, và giai cấp chẳng qua chỉ là một hình thức cấu trúc xã hội mang cách tạm thời và tương đối. Một xã hội không giai cấp chẳng khác một sự vật không cấu trúc, cũng không làm sao hiện hữu được. Cái ngây thơ và nông cạn cơ bản của Mác chính là như thế.

      Thật ra có thể Mác không phải không biết điều này, bởi nó hoàn toàn thực tế, vì mọi sự đấu tranh của con người cụ thể là luôn luôn có, nhưng giai cấp chỉ là ý niệm trừu tượng chỉ chung một phạm trù người như thế nào đó, như giới giàu, giới nghèo, giới có học, giới it học v.v… làm sao những thực thể trừu tượng lại đấu tranh nhau được.

      Chẳng qua vì Mác quá mê tín vào biện chứng luận của Hegel, cho rằng theo nguyên lý phủ định của phủ định đó thì vô sản phải phủ định tư sản, và như vậy chế độ tư bản chủ nghĩa phải chấm dứt để thay vào đó chế độ cộng sản mà Mác gọi là khoa học. Nguyên lý của Hegel thực chất chỉ là sự lập luận trừu tượng chẳng có gì xác đáng hay cụ thể cả, chỉ là lối nói tưởng tượng hay lý luận suông, vậy mà Mác tin suông vào đó kể cũng lạ.

      Nhưng chính niềm tin suông khẳng định đó mà Mác cho đó là chân lý tuyệt đối đúng phải theo, đó là lý do phát sinh ra quan điểm chuyên chính vô sản, hay độc tài nhất nguyên vô sản mà ai cũng biết. Như vậy rõ ràng tự do dân chủ đa nguyên là nguyên tắc của tư sản, tức nguyên tắc tự do bình đẳng giữa mọi cá nhân trong xã hội với nhau. Đây chỉ là chân lý khách quan, vì từ thế giới đến vũ trụ tồn tại không cái gì là không cấu trúc hoặc tuyệt đối đồng nhất với nhau cả.

      Có nghĩa nguyên tắc đa nguyên và tự do dân chủ là nguyên tắc hay quy luật cũng như giá trị khách quan, còn học thuyết Mác chỉ là một mớ những quan niệm tùy tiện, chủ quan, đầy tính tưởng tượng không thực tế và không thực chất thế thôi. Khoa học khách quan kh%5I

      • NON NGÀN says:

        Có nghĩa nguyên tắc đa nguyên và tự do dân chủ là nguyên tắc hay quy luật cũng như giá trị khách quan, còn học thuyết Mác chỉ là một mớ những quan niệm tùy tiện, chủ quan, đầy tính tưởng tượng không thực tế và không thực chất thế thôi. Khoa học khách quan khác xa cảm tính chủ quan là như thế. Chỉ khi nào người cộng sản đả thông được điều này họ mới từ bỏ quan điểm độc tài mác xít vậy thôi.

        Tức khi nào họ còn chưa nhận thức ra tính chủ quan, chưa từ bỏ nó, sự đấu tranh giữa quan điểm tự do dân chủ đa nguyên khách quan khoa học và quan điểm độc tài vô sản mác xít vẫn cứ tiếp diễn hoài dưới nhiều hình thức khác nhau. Nên con đường nhận thức và khoa học là con đường tiết kiệm nhất cho xã hội. Ngược lại mọi con đường khác đôi khi chỉ tốn kém, phức tạp, có khi còn vô bổ nữa cũng nên.

        THƯỢNG NGÀN
        (26/4/16)

  4. PHƯƠNG PHÁP LUẬN KHOA HỌC NHẰM LÝ GIẢI CHỦ NGHĨA MÁC

    Chủ nghĩa Mác hay học thuyết Mác cần được lý giải như thế nào về mặt khoa học ? Đây là phương pháp luận thiết yếu nhất ? Tức đứng ngoài hay đứng trong nội dung của nó để giải thích về nó, hoặc đứng ở chỗ nào hay dựa trên tiêu chuẩn hoặc tiêu chí nào là tốt nhất ? Đó đều chính là những điều cần phải thảo luận.

    Đã có người như Lữ Phương từng tuyên bố, tại Việt Nam không ai hiểu chủ nghĩa Mác cả ngoài Lữ Phương, kể cả như Lê Duẫn, Trường Chinh hoặc người khác thì cũng vậy. Trần Đức Thảo vào giữa thập niên thế kỷ 20, khi từ Pháp hăng hái về nước cũng để chống Pháp và xây dựng chủ nghĩa cộng sản mác xít theo kiểu lý tưởng mà ông ta tự cho mình là người hiểu được hơn ai hết.

    Thực tế Liên Xô và khối Cộng sản cũ đã hì hục và trầy vi tróc vãy xây dựng chủ nghĩa cộng sản mác xít trong suốt 70 năm, cuối cùng cũng sụp đổ và tan rã, đó là bằng chứng thực tế hiển nhiên cho điều gì không thể làm được. Nhưng đó là mặt thực tiển, còn mặt lý thuyết thì sao ?

    Hay lấy ví dụ một cái cây. Cái cây từ một hạt đơn giản mà ra. Cây càng ngày càng phức tạp lên, tạo ra hạt mới khác mà không bao giờ quay lại chính bản thân hạt cũ. Như vậy nếu từng có cái gọi là xã hội cộng sản nguyên thủy thì xã hội cũng không bao giờ quay lại, huống gì đó chỉ là khái niệm bị hiểu sai hay bị cố tình bóp méo đi.

    Bởi vậy có người dùng cách căn cứ vào nội dung chính học thuyết Mác để giải thích về học thuyết Mác. Đó là kiểu trứng khôn hơn vịt, giống như cách của Lữ Phương và Trần Đức Thảo, hay chính là cách bảo hoàng hơn vua cũng như thế. Chẳng khác nằm trong cái ông kín mít lại muốn di chuyển cái ông đi theo hướng mình muốn.

    Ngay như Mác, ông cho mọi quan niệm cộng sản có trước ông đều là không tưởng, bởi vì nó toàn thị cảm tính, tự phát, mà không đặt vững chắc trên nền tảng khoa học khách quan nào cả. Nên nền tảng khoa học khách quan đó Mác tự hào cho mình là người đầu tiên đã tìm ra được, đó chính là biện chứng luận của Hegel. Hegel tự cho mình duy nhất khoa học, nên Mác mới bạo gan tuyên bố học thuyết cộng sản của là học thuyết cộng sản khoa học tức nó không phải là không tưởng hay ảo tưởng gì cả.

    Nhưng Mác quên một điều, đó cũng chỉ là cách tự xưng của Hegel và Mác cũng là người tự xưng lại, có gì bảo đảm đó là khoa học khách quan đâu. Tuy vậy Mác chê Hegel là duy tâm và Mác hí hung khoe là mình đã lật ngược ông thầy lại để bắt ông thầy mình phải đứng trên hai chân (xem phần mào đầu của Tư bản luận). Có điều một thuyết duy tâm được Mác lật ngược lại để cho mục đích thành duy vật, chẳng khác gì có một anh Tây khi trồng chuối ngược lại biến thành anh Marốc, đúng là điều không nhịn cười được.

    Biện chứng luận của Hegel thực chất chỉ là sự biện luận vu vơ, phi cụ thể, kiểu nói mơ hồ phủ định của phủ định. Mác dùng lập luận vu vơ đó đề cho phủ định của tư bản^J

    • NON NGÀN says:

      Biện chứng luận của Hegel thực chất chỉ là sự biện luận vu vơ, phi cụ thể, kiểu nói mơ hồ phủ định của phủ định. Mác dùng lập luận vu vơ đó đề cho phủ định của tư bản chủ nghĩa là cộng sản chủ nghĩa khoa học. Đây chẳng khác gì kiểu nghe hơi nổi chỏ, vì nói phủ định của phủ định thì cái gì mà chẳng trở thành cái gì được.

      Như vậy phải đứng trên quan điểm khoa học khách quan để luận về chủ thuyết Mác. Đó chính là khoa học kỹ thuật mới là tác nhân chính làm phát triển thế giới mà không phải đấu tranh giai cấp như Mác tưởng. Bởi hai người có thể dùng cái đòn bẫy để cùng nâng lên hòn đá, còn hai người chỉ lo cãi nhau hay đánh lộn nhau thì mang lại được gì ?

      Vả lại cái cây vì có sự sống (là cái vô hình, phi vật thể) nên có thể hiểu là biện chứng hay phủ định của phủ định để phát triển được. Còn hòn đá (vật chất thuần túy) có bao giờ tự biện chứng để cho ra cái gì được. Thế nhưng chính Trần Đức Thảo suốt cả một thời gian dài cũng bị lầm về cái này.

      Như vậy lịch sử loài người từ chỗ đơn gian tiến hóa tới chỗ phức tạp là lẽ tự nhiên mà không bao giờ ngược lại. Xã hội phát triển là nhờ kinh tế, văn hóa phát triển, không bao giờ nhờ đấu tranh giai cấp như Mác mê ngủ. Hơn thế dân gian ta có nói sống gửi thác về, hàm ý con người sống ở đời là nhằm cầu tìm mọi hạnh phúc nội tâm trong cõi đời tạm bợ, không phải sống cốt nhằm xây dựng một hình thái xã hội vu vơ không tưởng nào đó không thể có trên đời một cách hoàn toàn rỗng không và vô ích.

      ĐẠI NGÀN
      (25/4/16)

Leave a Reply to THƯỢNG NGÀN