Sửa luật, giữ nguyên tội lợi dụng quyền tự do dân chủ
Dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi giữ nguyên tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, vốn là điều 258, nay trong dự thảo là điều 342.
Suy thoái đạo đức có phải tội hình sự?
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đặt câu hỏi trong phiên họp của UB Thường vụ QH về dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi sáng nay: Có một số tội mới phát sinh rất nguy hiểm cho xã hội, như tự chuyển hóa, lợi ích nhóm, suy thoái đạo đức lối sống… có thể cấu thành tội phạm hình sự không?
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời, các tội tự chuyển hóa đã có một chương riêng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, đủ để xử lý.
“Về suy thoái về đạo đức, bộ luật Hình sự đã có khá đầy đủ các quy định, nhưng cụ thể là các tội gì thì sẽ báo cáo Phó Chủ tịch QH. Lợi ích nhóm có thể là nguyên nhân dẫn đến hối lộ, tham nhũng thì đã có các quy định trong trong phần các tội về kinh tế. Và để xử lý các vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm, cơ quan soạn thảo lần này mạnh dạn đề nghị QH cho hình sự hóa trách nhiệm của pháp nhân”, ông Hà Hùng Cường giải trình.
Cũng quan tâm đến các loại hình tội phạm mới phát sinh sau khi sửa bộ luật Hình sự năm 2009 là Chủ tịch HĐ Dân tộc Ksor Phước. Theo Bộ trưởng Tư pháp, một trong nhiều tội phạm mới có liên quan đến các quyền tự do dân chủ đã được quy định trong Hiến pháp.
“Chúng tôi đã mạnh dạn quy định tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, biểu tình của người dân. Sau này khi có luật Trưng cầu ý dân, Biểu tình, Báo chí sửa đổi…, ai cản trở những quyền này của người dân sẽ bị xử lý”, ông Hà Hùng Cường nói.
“Như vậy là lạm dụng quyền tự do ngôn luận, biểu tình cũng bị trừng trị, mà cản trở người khác thực hiện quyền tự do ngôn luận, biểu tình đúng pháp luật, cũng bị trừng trị”.
Cụ thể, dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung một tội mới “xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân”, đồng thời giữ nguyên tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, vốn là điều 258, nay trong dự thảo là điều 342.
Ngoài ra còn có các tội mới trong lĩnh vực trật tự, giao thông như rải đinh trên mặt đường, trộm chó; trong lĩnh vực kinh tế như ngân hàng, chứng khoán, tiền tệ, đặc biệt là tội cố tình dây dưa không đóng BHXH cho người lao động…
Tránh dùng tiền để thoát án tử
Dự thảo cũng đưa ra một số chính sách mới cho những tội danh cũ. Đa số ý kiến đồng tình với chính sách tăng phạt tiền với tính cách là hình phạt chính đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, nhưng riêng với quy định sau lại có nhiều ý kiến khác nhau:
“Người bị kết án tử hình nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho nhà nước ít nhất là 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”, thì có thể chuyển thành tù chung thân.
Cơ quan thẩm tra, UB Tư pháp QH nhấn mạnh cần cân nhắc kỹ: Nếu cần bổ sung điều kiện này để giảm án tử hình trên thực tế thì cần có sự phân hóa, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh xu hướng mọi trường hợp đều có thể dùng tiền để thoát án tử hình.
UB này đề nghị cân nhắc loại trừ các nhóm đối tượng sau: Người đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, các tội phạm về ma túy; Người phạm tội là người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng.
Dự thảo cũng đề nghị không tiếp tục duy trì tội danh cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
“Dự thảo đã cập nhật, bổ sung thêm một số loại vi phạm mới mang tính chất ‘cố ý làm trái’ trong thời gian vừa qua, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Chương các tội phạm về chức vụ cũng quy định một số tội danh chung liên quan đến hành vi ‘cố ý làm trái’ của người có chức vụ, quyền hạn“, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.
Đa số ý kiến trong UB Tư pháp đồng tình xác định rõ các hành vi phạm tội, bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh sự tùy tiện trong áp dụng. Nhưng cũng có ý kiến muốn duy trì tội danh này vì không thể dự liệu và cụ thể hóa được tất cả các vi phạm trong quản lý kinh tế, nếu bỏ tội danh này sẽ bỏ lọt tội phạm.
Phó Trưởng ban Nội chính TƯ Nguyễn Doãn Khánh phân tích: “Hiện nhóm tội chức vụ, tham nhũng không bao quát hết được những tội cố ý làm trái, còn rất nhiều lĩnh vực. Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều tội phạm tham nhũng ẩn trong tội cố ý làm trái, ta không chứng minh được yếu tố vụ lợi và không làm rõ được hậu quả nên không xử lý họ được tội tham nhũng”.
Theo ông Khánh, nếu bỏ tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng thì trong thực tế nhiều tội về chức vụ, trong đó có nhóm tội tham nhũng sẽ do những hạn chế trong quá trình điều tra làm rõ mà bị bỏ lọt tội phạm.
Chung Hoàng (VietNamNet)
Trong các cơ quan chức năng của “nhà cầm quyền vô sản”, Bộ Tư Pháp CHXHCNVN là 1 cơ quan lãnh trọng trách nặng nề nhất. Trong khi Bộ Y Tế chỉ cần nghiên cứu điều luật là không được nằm quá 2 bênh nhân trên 1 gường bệnh, Bộ Tư Pháp phải thay thế cả Quốc-Hội CSVN để soạn luật cho cả nước, phải biết làm sao cho có bộ mặt dân chủ với thế giới, hợp với ý muốn của đảng mà còn phải biết uốn éo để giải quyết cho từng “sự cố”, thiệt là nơi của những đỉnh cao trí tuệ!