Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Nguyễn Tiến
Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Nguyễn Tiến (1)
CWIHP
12-04-1972
Mô tả: Chu Ân Lai bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam trong việc đối mặt với nhiều vụ đánh bom của Mỹ.
Chu Ân Lai: (Sau khi chấp nhận tuyên bố do chính phủ Bắc Việt ban hành ngày 11 tháng 4) Chúng tôi ghi nhận hồi đầu tháng 4, rằng Hoa Kỳ mở rộng oanh tạc và sử dụng tàu chiến để nã pháo vào lãnh thổ Bắc Việt (2). Họ cố sử dụng việc mở rộng đánh bom và mở rộng các mặt trận để ngăn ngừa thất bại của họ. Chắc chắn, điều này sẽ không có hiệu quả. Những người dân Đông Dương đang hợp lại với nhau và cùng nhau chiến đấu. Cho dù Hoa Kỳ sẽ đưa cuộc chiến này đi tới đâu đi nữa, họ sẽ chịu tổn thất từ những đợt tấn công lớn. Trung Quốc kiên quyết hỗ trợ lập trường nghiêm túc của chính phủ Bắc Việt, và sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ người dân Việt Nam thực hiện chiến tranh chống Mỹ đến cùng.
Ghi chú:
1. Đại biện Việt Nam (Bắc Việt) tại Trung Quốc.
2. Ngày 16 tháng 4 năm 1972, hai tháng sau chuyến thăm của Nixon đến Bắc Kinh, máy bay ném bom Mỹ tấn công Hà Nội và Hải Phòng, lần đầu tiên kể từ năm 1968.
————-
Chu Ân Lai nói chuyện với Xuân Thủy
07-07-1972
Xuân Thủy: Bắc Việt chuẩn bị cho hai khả năng: một mặt sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến và mặt khác không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để đạt được một giải pháp thỏa thuận trên cơ sở hợp lý.
Chu Ân Lai: Cho dù chiến tranh Việt Nam có tiếp tục hay kết thúc bằng một giải pháp thỏa thuận do sự nhượng bộ từ Hoa Kỳ, bốn tháng kể từ tháng 7 đến tháng 10 năm nay (*) sẽ là một giai đoạn quan trọng.
(*) Xem Thêm: Ending the Vietnam War: The Vietnamese Communists’ Perspective – Chiến tranh Việt Nam kết thúc: Quan điểm của Cộng sản Việt Nam – tác giả: Cheng Guan Ang, trang 103-104.
Ngọc Thu dịch từ: wilsoncenter.org
—————
Chiến tranh Việt Nam kết thúc: Quan điểm của Cộng sản Việt Nam – Ending the Vietnam War: The Vietnamese Communists’ Perspective – tác giả: Cheng Guan Ang, trang 103-104.
Cuộc họp Lê Đức Thọ – Kissinger lần thứ mười bốn (ngày 19-07-1972)
Ngày 7 tháng 7 năm 1972, khi Xuân Thủy gặp Chu Ân Lai để cung cấp thông tin mới nhất cho ông ta về các cuộc đàm phán ở Paris, ông ta nói với Chu Ân Lai rằng, Hà Nội tiếp tục chuẩn bị chiến đấu chống Mỹ nhưng sẽ không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để tìm một giải pháp trên cơ sở “các cuộc đàm phán hợp lý”. Theo quan điểm của Chu Ân Lai, cho dù cuộc chiến tranh tiếp tục hoặc có thể giải quyết một cách hòa bình sẽ được xác định trong “bốn tháng quan trọng, từ tháng 7 đến tháng 10 [năm 1972]”.
Khi Lê Đức Thọ gặp Chu Ân Lai vào ngày 12 tháng 7, Thọ dường như có lập trường cứng rắn hơn Xuân Thuỷ. Theo Lê Đức Thọ: “Chúng tôi vẫn nghĩ đến một chính phủ mà không có Thiệu” và “chúng tôi đang yêu cầu Thiệu từ chức. Nếu ông ta không từ chức, chúng tôi sẽ không nói chuyện với chính phủ Sài Gòn”.
Chu Ân Lai cố gắng thuyết phục Lê Đức Thọ rằng, cần thiết để nói chuyện với Nguyễn Văn Thiệu và ông ta đã đưa ra một số ví dụ để minh họa lý do tại sao. Chu Ân Lai lý luận rằng, không thể được đạt được điều gì, nếu Cộng sản Trung Quốc từ chối nói chuyện với Tưởng Giới Thạch trong nội chiến Trung Quốc. Ở Bắc Triều Tiên, Kim Nhật Thành cũng đã cố gắng để nói chuyện trực tiếp với Park Chung Hee. Thay thế ông Thiệu có nghĩa là vẫn có “chính sách của Thiệu mà không có ông ta”.
Ý kiến của Lê Đức Thọ về một chính phủ ba thành phần có thể là Dương Văn Minh. Quan điểm của Chu Ân Lai là một chính phủ liên minh có thể được thành lập, nhưng vẫn sẽ phải quay lại chiến đấu sau đó. Điểm mấu chốt là “kéo dài thời gian” để Bắc Việt phục hồi sức mạnh và trở nên mạnh hơn, trong khi kẻ thù trở nên yếu hơn.
Quyết định về chiến lược mới đầu tháng 7 năm 1972, Lê Đức Thọ gặp Kissinger vào ngày 19 tháng 7 năm 1972 cho cuộc họp kín lần thứ mười bốn của họ. Đây là lần đầu tiên cuộc họp của họ được công bố. Thọ và các đồng sự của ông ta tham dự cuộc họp này với một thái độ tích cực hơn.
Để bắt đầu, họ muốn biết ý định của Mỹ kể từ cuộc họp lần trước vào ngày 2 tháng 5 năm 1972. Họ cũng muốn cho Kissinger biết họ có “quyết tâm và thiện chí”. Tại cuộc họp, Kissinger đưa ra đề nghị năm điểm. Thọ từ chối đề nghị, rằng nó không cụ thể lắm. Một lần nữa, ông ta đã nêu vấn đề Thiệu từ chức, thời gian bầu cử ở miền Nam Việt Nam và hạn chót cho việc rút toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ. Mặc dù không có gì được giải quyết (không ai mong đợi bất kỳ đột phá nào tại cuộc họp này), chắc chắn dễ chịu hơn và tích cực hơn nhiều so với cuộc họp trước đó. Cả hai bên đã kết thúc bằng cách đồng ý sớm gặp lại sau đó, hoặc vào ngày 31 tháng 7 hoặc ngày 1 tháng 8 năm 1972.
© Ngọc Thu