WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Thuốc phiện của Ông Tòng Luận

 

1
Nếu có sống lại hẳn ông ta cũng minh thứ cho tôi vì lúc cuối đời ông đã rất thích tôi tình nguyện viết về ông. Ông gợi ý sát sàn sạt cho tôi ông khi đang dưỡng bệnh. Để khích lệ, ông cung cấp cho tôi tiểu sử với nhiều chi tiết và biến cố hệ trọng. Nhưng thật đáng buồn, ông không được thấy tôi viết về ông trong lúc ông còn đương chức cũng như sau khi ông đã mất chức. Sau khi ông nhắm mắt, nghỉ thở được vài tháng thì tôi cũng cao chạy xa bay khỏi quê hương bằng cách tình nguyện sang DDR sống đời “lao nô”. Nhân dáng và thân phận ông lúc cuối đời ám ảnh tôi dai dẳng. Tôi không thể nào lý giải ngay rằng vì sao dạo ấy tôi đã không viết nổi một tiểu luận về ông như tôi từng viết về nhà thơ họ Vũ, nhà thơ họ Nguyễn hay nhà nhiếp ảnh họ Hoàng. Nhưng xin bạn đọc khả kính của tôi chớ sốt ruột, mặc dù không có năng lực canh cải văn chương nhưng tôi xin cố gắng bầy tỏ vụ thuốc phiện của ông Tòng Luận theo lối cổ điển.

2
Dường như, ngoài ông không ai biết được chính xác ông nghiện tiêm chích Moorphin từ bao giờ. Tiểu sử công khai giới thiệu trên tạp chí Văn Nghệ Hải Đông. Người ta chỉ công bố năm sinh tháng đẻ dương lịch của ông cùng những biến cố quan trọng. Đại thể như tham gia Cách mạng từ trước tháng Tám năm 1945. Năm 1944 xuất bản tiểu thuyết ,”Hương sư”. Tham gia cướp chính quyền, đã giữ chức chủ tịch huyện v..v. Đương nhiên, để đảm bảo tính chiến đấu cho những trang văn nghệ người ta cũng không quan tâm đến việc ông có vợ lớn, vợ bé hay mấy đời vợ, mà chỉ ghi nhận những thăng tiến đáng kể của cuộc đời ông. Ví dụ: từ 1960 ông đã là giám đốc Sở văn hóa tỉnh. Từ năm 1978, sau Đại hội Văn nghệ lần thứ I. Đến Đại hội lần II ông được bầu làm Chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh Hải Đông. Ngoài ra, người ta còn ghi nhận ông là một dịch giả nòng cốt. Một cây bút văn xuôi vững vàng của một vùng văn nghệ gồm hơn hai triệu dân giỏi trồng lúa và thích ca hát. Đồng thời người ta cũng không quên giới thiệu truyện ngắn Chiếc bút bi mầu đỏ” – một tác phẩm bị trù dập ngay từ lúc còn đang ở dạng bản thảo viết tay. Thiên truyện này được ra đời sau nghị quyết 100, ủng hộ việc khoán ruộng cho nông dân để nâng cao sản lượng. Bút ký đầu tiên của ông được đăng trên báo “Quân khu Tả Ngạn” đã đưa ông vào đội ngũ các tác giả xuất hiện từ cuộc kháng chiến chống Pháp. Đại thể, ông là người có danh, có phận hẳn hoi. Tuy quyền thế chả có gì ngoài giấy bút, nhưng chức vụ đến như thế cũng đáng gọi là sang trọng.

Tuy vậy, hình như ông vẫn tự xếp mình vào loại nhân vật bi hài kịch trong tấn trò đời. Dạo mới mười lăm, mười sáu tuổi, tôi đã được biết và quen một người nghiện Moorphin: bác sĩ Khả Anh. Căn gác xép của bác sĩ chung một ngõ và cùng một khu nhà với thằng Nguyên bạn tôi. Chúng tôi nể phục bác sĩ Khả Anh trước hết bởi vì ông ta già cả hiểu đời ngay từ lúc đang độ 36, 37 tuổi. Ông lại biết đến bốn ngoại ngữ: Anh, Pháp, Đức và am tường văn chương một cách quái đản. Thỉnh thoảng bác sĩ Khả Anh đọc thơ của Whitman bằng tiếng Anh và tự dịch thẳng ra tiếng Việt cho tôi và thằng Nguyên nghe. Chúng tôi cảm thụ hơi thơ của Wihtman và hơi thở của bác sĩ Khả Anh như cảm thụ nghi lễ cầu hồn của một vị phù thủy. Tôi lờ mờ hiểu rằng Bác sĩ là con nhà tư sản và ông luôn bất mãn, chán đời; mặc dù ông là một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của mấy tỉnh đồng bằng. Mỗi lần chứng kiến bữa tối của bác sĩ Khả Anh, tôi lại ngạc nhiên và không hiểu sao đời sống của một bác sĩ lại chỉ đơn giản và tiêu điều đến như thế. Khi thì vài quả ổi xanh chấm muối, một miếng bột mỳ rán và một cút rượu. Khi thì mười hoặc mười lăm cái hạt mít rang cháy xém cạnh. Nhà thằng Nguyên dạo đó nhận lạc củ về bóc thuê cho Công ty Nông Lâm Thổ sản. Thỉnh thoảng nó lại xúc trộm một bơ sữa bò lạc nhân rồi rủ tôi mang biếu bác sĩ Khả Anh, để “nghe chú ấy nói chuyện” . Dáng dấp bác sĩ Khả Anh rất “sái nghiện”, nhưng ông lại luôn luôn diện một cái sơ mi bằng vải dù mầu cỏ úa trông như ngày hè. Thằng Nguyên bảo: “bao nhiêu tiền ông ấy đem mua Moorphin hết. Lắm lúc hạt mít cũng không có mà rang nữa cơ!”.

Khi nghe tin bác sĩ Khả Anh bị chết non vì nghiện ngập và đói rét, tôi có cảm giác lạ lùng là rất phục và thương con người kỳ dị ấy. Nhiều người bảo đấy là một tài năng bệnh hoạn. Nhưng tôi vẫn cứ thích. Cứ khoái. Và rất là phục cái nết đam mê, ngang tàng, bất cần đời của con người nghiện ngập nhưng tài ba ấy.

3
Thế rồi tôi mới vỡ lẽ là ,,Chef” của tôi, tức ông Tòng Luận cũng đã nghiện Moorphin từ khi bác sĩ chưa lìa đời. Tình cờ, trong những lúc trà dư tửu hậu, các đồng nghiệp vong niên của tôi hay nhắc đến bác sĩ Khả Anh và ông Tòng Luận, khi đề tài du hý xoay quanh những thảm kịch hiếm hoi của những kẻ nghiệp ngập. Người ta còn nhắc tới cả những tên tuổi tầm cỡ như Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân khi điểm danh những kẻ sĩ mê nàng tiên nâu. Trường hợp bác sĩ Khả Anh thật hiếm vì bác sĩ là con nhà tư sản. Trường hợp các văn thi sĩ tài danh kia thì người ta đổ lỗi cho ảnh hưởng của chế độ thực dân phong kiến thời trước cách mạng. Riêng ông Tòng Luận thì tôi vô cùng tò mò và từ chỗ tò mò khó hiểu tôi thấy ông là người đáng khâm phục? Vừa là Bí thư chi bộ của cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật, vừa là Chủ tịch Hội, mà ông vẫn ngang nhiên nghiện ngập và ngang nhiên được phép. Chắc hẳn tài năng học vấn của ông đã khiến ông trở thành ngoại lệ. Một ông thợ chữa đồng hồ rất giỏi thơ Đường luật bảo tôi: “Dào ơi? Cái ông này cũng kể như là có quyền có thế trong giới văn hóa ở tỉnh. Nhưng khổ một nỗi, quyền thế này nó không ra tiền. Ông ấy được vị nể và chiều chuộng chút đỉnh là do ông ấy thuộc loại nhiều chữ. Chứ so với cái trình độ văn hóa bình dân học vụ hay lớp bốn bổ túc của phần đông quan chức ở tỉnh này thì ông ấy hơn đứt. Chỉ thiếu một năm nữa là ông ta có bằng tú tài Tây kia mà? Khi tao cần sử dụng mày, tao cứ cho mày nghiện để mày phục vụ chúng tao, có mất đi mô? Vắt chanh bỏ vỏ đấy, thế thôi? Đừng tưởng thế là ghê mà có lúc trợn ngược mắt lên ấy chứ bỡn”. Lời giải thích kia, mặc dù được “xuất bản” miệng “bên một ấm chè tươi đặc sánh tình tự dân gian” cũng không làm cho tâm tưởng u minh của tôi trong sáng hơn hoặc tĩnh lặng hơn. Bởi vì, cả xứ Hải Đông đều biết ông Tòng Luận là người yêu chủ nghĩa xã hội thiết tha, say đắm. Người ta tán tụng rằng: Những đứa con của ông đều mang tên các nước trong phe xã hội chủ nghĩa: Nga là tên cô con gái cả, Trung – tên thằng con trưởng. Gái đầu, trai trưởng của ông mang tên hai cường quốc đàn anh của phe xã hội chủ nghĩa. Nguyễn Thị An Ba ( tức An Ba Ni ) và Nguyễn Thị Ba Lan – hai thứ nữ của ông, một đứa trở thành họa sĩ. Một đứa là cán bộ của công ty buôn bán. Hai thứ nam nữa của ông thì một thằng tên Đức, một thằng tên Tiệp. Một thằng tốt nghiệp Bách khoa. Còn một thằng tốt nghiệp đại học Quân sự. Thằng Trung con trưởng của ông học với tôi hồi cấp I. Khi biết tôi được về cơ quan Hội làm biên tập viên dưới quyền của bố nó, nó kể với tôi rất thân mật: “ông khốt tôi hâm bỏ mẹ ! Toàn lấy tên các nước xã hội chủ nghĩa đặt tên con. Sau này, tôi sẽ làm ngược lại. Lũ con tôi sẽ lần lượt đặt tên là Anh, Pháp, Mỹ, Tây Đức, Nhật Bản?” Đã nhiều lần ông Tòng Luận nổi khùng tống cổ thằng con trưởng ra khỏi bàn trà cuối tuần hoặc mâm rượu ngày giỗ chạp. Nhưng tại sao ông vẫn công nhiên nghiện ma túy ? Thế lực nào đã dung túng ông? Vụ thuốc phiện của ông có cái gì đó uẩn khúc không giống trường hợp của bác sĩ Khả Anh – người mà chính ông đã nhiều lần nhắc tới với một niềm tiếc thương, quý mến.

Thưa bạn đọc khả kính, tới đây, tôi phải thú nhận trước với bạn đọc rằng tôi cần phải cảm tạ cố văn sĩ Mikhail Bulgakov. Bởi vì chính tác phẩm “Moorphin” của nhà văn nổi tiếng này đã là duyên cớ để tôi có thể đi vào những bí mật trong vụ thuốc phiện của ông Tòng Luận.

4
Ngày ấy là đầu năm 1984. tôi vừa tay ướt tay ráo nhận nhiệm vụ biên tập viên phần Lý luận, Nghiên cứu và Phê bình của Hội Văn Nghệ vừa làm lính cơ động trong lúc cơ quan Hội đang ráo diết chuẩn bị cho Đại hội Văn nghệ lần thứ II của tỉnh Hải Đông. Dù trong tình trạng đau yếu, ông Tòng Luận đã hoàn tất bản báo cáo và dự thảo công tác của Hội. Bản thảo đã được in thành sách mỏng để phát cho các Đại biểu tham dự. Chỉ còn vấn đề ai sẽ đọc nó là đang bí mật mà thôi. Lúc đó tôi chưa bận bịu gì nhiều lắm ngoài việc biên tập dăm bài nghiên cứu Cổ văn. Đang làm quen với cung cách làm việc của Cán bộ Biên tập –Nghiên cứu bỗng dưng tôi được giao một việc rất đặc biệt là: tới tận giường bệnh của ông Tòng Luận để giúp ông hoàn thành một bản dịch quan trọng. Người giao nhiệm vụ này cho tôi là ông Trần Bính Dần, Phó chủ tịch Hội, phụ trách tổ chức.

Sự quan tâm cho bản dịch của một tác giả đang đau ốm thật đáng cảm động. Nhất là khi người ta đã đoán già đoán non rằng bất quá ông Tòng Luận cũng chỉ sống được vài năm nữa là giỏi. Đương nhiên là tôi bằng lòng ngay tắp lự. Ban đầu, mùi bệnh viện làm tôi ghê ghê. May là ông Tòng được ưu tiên nằm riêng một phòng, tiêu chuẩn của cán bộ cao cấp được hưởng theo chế độ mà hồi đó người ta vẫn gọi là chế độ Việt-Xô? Vậy mà mùi xú uế vẫn cứ bảng lảng quanh tôi và ông mỗi khi có ngọn gió bất thình lình lọt thốc vào chỗ ông nằm và nơi tôi ngồi viết.

Công việc cụ thể của tôi là phải chép lại bản dịch viết tay của ông bằng một thứ chữ sạch sẽ, rõ ràng. Tay ông run rồi, chữ viết rất khó luận ra. Còn muốn đọc thì lại càng khó vì nó nguệch ngoạc và nhiều ký hiệu. Tôi vào cuộc ngay từ buổi đầu tiên với một tinh thần công chức mẫn cán. Kết quả và ý đồ dịch thuật của ông đã quyến rũ tôi, mặc dù ông đã dịch truyện vừa “Moorphin” của Mikhail Bulgakov qua ấn bản tiếng Pháp của tạp chí “Tác phẩm và Dư luận” – một tạp chí của Hội nhà văn Nga Xô-viết xuất bản vào năm 1978. Ông chống tay dưới ngực ngồi dậy, dọn giọng đọc cho tôi lời giới thiệu của nhà văn C.X. Xi-mô-nốp và không quên nhắc tôi rằng hơn một năm sau đó ( 1979) thì Xi-mô-nốp cũng qua đời. Dĩ nhiên uy tín của Xi-mô-nốp chỉ có thể khiến người đọc đặc biệt chú ý chứ không thể làm cho Bungakov hay hơn. Thì ra nhân vật chính của thiên truyện này là một viên trung úy Bạch vệ nghiện Moorphin đến nỗi rốt cuộc phải tự tử bằng súng lục. Chàng có vợ là ca sĩ. Có người tình là y tá sau khi đã ly hôn. Thỉnh thoảng cô ca sĩ cùng với dàn nhạc xuất hiện trong mộng mị và ảo giác. Ngày lại ngày sự nghiện ngập và cô đơn lại càng đẩy chàng vào hố sâu bất lực, bi quan và tuyệt vọng. Truyện hấp dẫn bởi diễn biến vi tế của tâm lý nhân vật chính được miêu tả rất kỹ trong bối cảnh nước Nga sau Cách mạng tháng Mười ở một địa bàn heo hút…

Một ngày. Hai ngày. Rồi một tuần trôi qua. Bungakov đã làm cho tôi với ông Tòng Luận trở nên gần gũi cởi mở. Quen miệng tôi gọi ông là bác xưng cháu. Ông gọi tôi là chú xưng anh. Lúc tôi hí hoáy viết thì ông rót trà từ xuyến ra chén cho tôi. Khi nước trong xuyến hết thì tôi lại bưng phích, rót nước sôi vào xuyến bởi tay ông không khoẻ nữa. Tôi quên hẳn ông là “Chef”. Dường như lúc ấy chúng tôi chỉ là hai người đàn ông đang nao lòng trước hồn xác bi thảm, trần trụi của một phụ nữ trong sa đọa bất khả phục hồi. Dường như mọi bận bịu khúc mắc nhỏ nhặt trong đời thường đều không dính dáng gì đến chúng tôi. Chép xong được vài trang, tôi đọc lại để ông chỉnh lý. Thảng hoặc tôi bạo mồm góp ý điều này, câu nọ được ông tán thưởng. Cũng thấy thích thích.
Ngày hoàn thành toàn bộ bản dịch, tôi đọc lại cho ông nghe từ đầu đến cuối. Tới đoạn cô y tá Marina, người tình sau ly hôn của viên sĩ quan quân y vừa sợ hãi vừa xót xa đưa chùm chìa khóa tủ thuốc duy nhất của bệnh viện cho hắn để hắn lấy trộm Moorphin, thì ông Tòng Luận bỗng dưng nước mắt lưng tròng như bị ma nhập. Tới đoạn viên sĩ quan chui vào nhà xí công cộng, tự tiêm Moorphin bằng một tay vì một tay khác còn phải nắm chặt lấy cái móc cửa vì ở ngoài có người mót ỉa cuống lên đang giật đùng đùng thì ông ấy khóc rống lên như một thằng trẻ con bị đánh đòn thí mạng. Rồi đến đoạn nhà văn miêu tả trạng thái thèm thuồng, khát khao mê cuồng, ngây dại của người sĩ quan thì ông gạt lệ và nức nở bình luận: “Bungakov tài quá, kỳ diệu quá – Anh hoàn toàn cảm thấy mọi run rẩy, chấn động, mọi trạng thái mà anh đã trải qua, đã chịu đựng.” Tôi chỉ gật gù nhìn dữ dội vào mắt ông. Đương nhiên sự giao cảm ấy, trước hết là để thừa nhận văn tài của Bungakov song cũng vừa là để chia sẻ nỗi hận lòng sầu kín của đời ông. Nhìn thấy cái minh họa phóng túng của tôi trong trang bản thảo đầu tiên, hai tay ông run run bưng lấy bản dịch như bê một bó hoa và nói:

-Phải làm sao in được cái này thì anh mới hả chú ạ,

Tôi bảo:

-Khó lắm? Toàn là thuốc phiện, đàn bà, Bạch vệ và tự tử làm sao mà lọt lưới kiểm duyệt được?

Ông nói:

-Mẹ kiếp? Đời này chó lắm.

Tôi bảo:

-Bác mà còn than thân trách phận thì còn ai muốn sống nữa.

Ông ngửa mặt lên trần nhà:

-Hỏng hết rồi chú ạ Anh không thể bắt đầu từ số không được nữa…

Tôi hỏi nhỏ:

-Độ này bác cai thuốc tới mức nào rồi?

Ông trả lời:

-Bây giờ mỗi ngày chỉ dùng ba hoặc bốn mililít thôi!

Tôi tranh thủ hỏi luôn:

-Người ta bảo rằng bác có tiêu chuẩn Moorphin đặc biệt, được sĩ y tế cấp phát đều đều hàng tháng theo lệnh viết tay của Bí thư tỉnh ủy phải không?

Ông hất hàm mím môi hỏi quặt lại:

-Thế chú có tin không?

Tôi nói:

-Cháu nghĩ là sự đồn đại này đáng tin. Vì lẽ Bí thư tỉnh ủy là người quan tâm kỹ lưỡng đến văn học nghệ thuật. Cháu đọc kỹ bài của ông ta ở Đại hội Văn học Nghệ thuật tỉnh lần thứ I, cháu thấy ông ấy rất am hiểu. Bác, chả gì cũng là thủ lĩnh văn nghệ của xứ này, cho nên ưu tiên ưu đãi bác là hợp lý và không ngoan. Vì vậy cháu tin!

Ông vuốt tóc và cười nhạt hỏi tôi:

-Rồi! Chú thấy cái bài nói chuyện ấy được in thành sách có đáng không?

Tôi trả lời theo tinh thần vệ sinh phòng dịch:

-Được quá chứ bác? Cái tựa sách tuy dài nhưng rất thích hợp: Hay phấn đấu thể hiện chân thật, hùng hồn con người mới, cuộc sống mới …

Đột nhiên ông ngửa mặt phả khói, chép miệng buông một lời:

-Mẹ kiếp? Cái thằng ấy nó ăn không nhuận bút tập sách ấy của anh chú hiểu không.

Tôi giật mình chỉ sợ có ai nghe thấy điều ông vừa nói:

-ơ kìa, bìa sách còn có cả phụ đề rõ ràng là: Bài nói chuyện của Ng. D. – Bí thư tỉnh ủy cơ mà.

Ông đập tay vào cái ngực lép của ông bồm bộp như thể kẻ thù của ông đang ẩn nấp trong tim trong phổi:

-Anh viết hết. Từng câu, từng chữ, từng cái dấu chấm than là của anh hết. Chú hiểu rõ chưa. Mấy tháng trời nghiền ngẫm suy tư. Bao nhiêu tư duy, tâm huyết của anh. Nó chỉ có mỗi một việc là đứng trước micro để đọc và sau đó nghe người ta vỗ tay. Đại hội xong, người ta in thành sách và để nó trở thành tác giả. Lẽ ra nó phải đến nhà anh khi thằng chánh văn phòng tỉnh ủy chuyển tận tay nó số tiền nhuận bút ấy.

Tôi lè lưỡi:

-Thật vậy ư? Bất công quá?

Suýt nữa thì tôi nói: “Thật là bỉ ổi.”

Ngay sau đó tôi thầm nghĩ: “Nhưng mà cũng tại bác thôi, bác đồng ý nhận viết với giọng điệu của Bí thư, lại còn được Bí thư cấp Opium cho , còn đòi hỏi gì nữa cơ chứ?”. Ông tiếp tục nói:

-Nó biết gì nhiều về văn chương nghệ thuật đâu. Âm mưu và ái tình đã được công diễn ở Hà Nội. Khi về đến Hải Đông, nó ra lệnh cấm diễn. Ngay sau khi đoàn kịch nói Hà Nội đã diễn được một đêm ở nhà hát nhân dân. Khuyên nó, nó lại bảo Hà Nội thì kệ Hà Nội, phép vua thua lệ làng. Nghệ thuật gì lại có Âm mưu. ái tình thì được, chứ âm mưu thì cấm. Âm mưu để làm loạn à? Chú bảo nó xử sự như vậy với đạo diễn Đình Nghi con trai Thế Lữ thì có xấu hổ với kẻ sĩ thiên hạ không? Thật là nhục mặt. Người ta bảo tỉnh Hải Đông là tỉnh Hãi Hùng cũng có lý. Thật là nhục mặt!

Tôi nói:

-Làm thế nào được. Tỉnh ủy luôn có quyền lãnh đạo và quản lý Hội Văn học Nghệ thuật toàn diện kia mà. Thôi không nói chuyện chính trị nữa, rách việc lắm. Người ta đã nuôi thuốc phiện bác thì bác phải phục tùng người ta chứ?

Ông thở dài:

-Tao sẽ bán dần, bán bằng hết cái thư viện của tao.

Tôi dò xét:

-Sao bác không để lại cho con cháu.

Ông u uất nói:

-Lũ con anh chả đứa đếch nào thích nghiệp bút mực của anh. Chúng nó đều khổ sở thiếu thốn trong cái thời thổ tả này. Làm sao chúng nó cung phụng cho cái sự ăn hút, nghĩ ngợi ngâm nga, tiêm chích của mình được?

Tôi lắc đầu bảo:
-Bí quá?

Ông nói:

-Chú xem có ai thích mua văn học cổ Anh, Pháp, Nga, kể cả các loại từ điển và tiểu thuyết Tàu thì cứ giới thiệu đến anh. Sách quý mà giá rất phải chăng thôi…

Tôi hỏi rất vội:

-Bác có Kinh thánh gồm cả Tân ước lẫn Cựu ước không?

Ông nói rành rọt:

-Năm ngàn không hơn không kém.

Tôi trả lời:

-Ô? Bác yên tâm đi, để cháu nói lại với người ta…

Ông khích lệ thêm:

-Anh rất khó khăn. Cũng chẳng sống được bao lăm nữa. Đành tự nuôi mình bằng cách đó để đỡ gánh nặng cho vợ cho con. Chú biết bây giờ anh chỉ còn nặng 39 kg. Nhưng tâm hồn thì nặng hơn thân xác này hàng trăm ngàn lần. Mình muốn tranh thủ làm việc, những việc mình muốn làm.

Tôi bảo:

-Bác đừng nghĩ ngợi quá u ám như thế .

Hai ba tuần sau tôi bảo với ông rằng người quen của tôi chê Kinh thánh của ông quá đắt. Giá như chỉ độ ba ngàn đồng thì anh ta sẽ “chơi” được. Ông gặng hỏi tôi tên người ấy. Tôi không giấu. Té ra ông cũng chẳng lạ gì người quen của tôi vì anh ấy cũng là một tay làm báo. Rốt cuộc lại ba tuần nữa trôi qua, vì nể tình cùng nhau run rẩy bên “Moorphin” của Bungakov, ông đồng ý mại cho tôi cuốn Kinh thánh với giá ba ngàn đồng, để lấy tiền trà thuốc dưỡng thân. Vì trước đó một tuần người quen của tôi báo với tôi rằng đã tìm mua được Kinh thánh cực rẻ ở một quầy sách báo cũ tại phố Hàng Hòm Hà Nội. Tới những dòng này tự nhiên tôi thấy có lỗi với độc giả khi tôi chưa kịp giải thích rằng ở Cơ quan Hội, cũng như ở mọi chốn công đường lớn nhỏ người ta đều gọi ông là đồng chí Nguyễn Luận hoặc anh Nguyễn Luận. Tòng là tên cúng cơm của ông. Còn Tòng Luận, tên gọi âu yếm trân trọng đầy cảm mến của bạn hữu đồng niên cũng như vong niên khi mà trong những cuộc hoan hỷ của họ ông không có mặt được vì công tác hoặc tư tác. Hồi đi học lớp ba, lớp bốn, tôi réo tên ông suốt buổi vì thằng Trung con ông được chúng tôi gọi là Trung Tòng để phân biệt với thằng Trung Ba Toa và Trung Hắc Mô Ni. Sau vụ giúp ông hoàn tất bản thảo “Moorphin” của Bungakop, tôi và ông trở nên thân mật, cởi mở hơn trước rất nhiễu. Ngoài mối liên hệ nhân viên và thủ trưởng chúng tôi còn là bạn văn chương. ông kể là ông đã bán được ,,Hội chợ phù hoa”, “Những người khốn khổ”, được “Vỡ mộng”. Rằng vài hôm trước ông đã ngăn chặn được một người đàn bà năm con hoãn lại cuộc tự tử bằng một vốc gacdinan. Rằng ông đã lại khóc ròng sau khi dịch xong truyện ngắn “Mùa xuân cuối cùng” của một nhà văn Liên Xô. Rằng ông ước ao được nhìn thấy tuyển truyện dịch thứ hai của ông được xuất bản ở một nhà xuất bản trung ương.

Thấm thoát thế rồi Đại hội Văn nghệ lần thứ II của tỉnh cũng lại thành công tốt đẹp. Bản báo cáo do ông viết bên giường bệnh có tựa đề “Hãy để cho nụ nở thành hoa” cuối cùng cũng lại được Bí thư tỉnh ủy Ng. D. dõng dạc đọc trước Đại hội. Chỉ có điều sau đó Bí thư không thèm lấy bản quyền của ông mà văn kiện ấy được coi như công trình tập thể của Ban chấp hành Hội Văn hoá Nghệ thuật khóa II. Sau Đại hội, ông được về dưỡng bệnh hẳn ở nhà riêng tại một con phố nhỏ, giữa lòng thị xã H. D.. Ông tranh thủ dịch thêm một loạt truyện ngắn của các nhà văn Xô Viết (dĩ nhiên là vẫn qua những ấn bản tiếng Pháp) . Đôi khi ông chống ba toong ra thăm anh em cán bộ trong Hội. Từ khi được biết là cấp trên sẽ cho ông về hưu hẳn, ông hầu như không bén mảng tới Hội nữa. Có thứ hàng gì được phân phố thì ông cho vợ hoặc con ra nhận mang về. ông được chia một miếng đất bằng hai cái giường đôi để tăng gia cho nên bà vợ nhỏ của ông vẫn thường xuyên trồng rau muống, xu hào, bắp cải theo từng mùa. Nhờ sự có mặt của bà cho nên anh em ~ trong Hội không hề bị đứt liên lạc với ông. Thiên hạ đồn rằng, như thế là ông Tòng Luận vỡ mộng to trong Đại hội lần thứ II vì ông còn muốn làm Chủ tịch hội một nhiệm kỳ nữa nhưng Tỉnh ủy đã cử hẳn một trưởng ban tuyên huấn, có chân trong thường vụ tỉnh ủy nhẩysang làm Chủ tịch Hội. Mấy người ác khẩu còn bảo, sau vụ Đại hội II thì coi như ông Tòng Luận thân bại danh liệt, ông Trần Thi thì vỡ mộng thay ông làm chủ tịch. Dạo ấy tôi không thể hiểu nổi điều đó. Vì tại đại hội dù mới ốm dứt cơn chưa được một tuần ông vẫn được ngồi vào Đoàn chủ tịch và được mời lên phát biểu ý kiến đại diện tiêu biểu cho những cây bút xuất hiện từ trước cách mạng tháng Tám năm 45. Người ta cũng đồn rằng, từ khi ông về hưu chính thức thì Bí thư tỉnh ủy cũng cắt luôn tiêu chuẩn Moorphin của ông. Hàng tháng ông phải tự tìm tự lo cái của ấy bằng giá chợ đen một cách vụng trộm, cho nên vẻ mặt ông lúc nào cũng tư lự và u uất.

5
Tôi nhớ thời kỳ ông sốt sắng nhắc tôi việc nên dựng chân dung ông bằng một tiểu luận theo thể loại chân dung văn học chính là thời kỳ 86-88. ông muốn tôi làm việc đó vì ông tin cậy vào khả năng viết lách của tôi. Niềm tin ấy ở ông mỗi ngày thêm mãnh liệt, đặc biệt là khi tôi chính thức gặp ông đề nghị ông đồng ý cho xuất bản “Moorphin” của Bungakop. ông ngạc nhiên vì lúc ấy dường như ông đã là người của ngày xưa trong nhịp sống ở cơ quan Hội Văn nghệ. Sau khi chiêu xong ly trà thứ nhất, tôi bảo ông: “Đây là cơ hội tuyệt vời. Chi hội Văn nghệ của thị xã sẽ đứng ra chịu trách nhiệm in ấn, xuất bảnvà phát hành. Cháu là cán bộ của Hội tỉnh được cử xuống tăng cường cho hội nghị làm công tác chuyên môn. Tiền bạc sẽ do ủy ban thị xã tài trợ. Giấy phép xuất bản thì vẫn là sở Văn hóa.” ông nhăn nhó bặm môi tỏ vẻ hiểu đời: “Nhưng làm thế nào chúng nó duyệt cho ‘Moorphin’ của Bungakop?” Tôi phân tích tình hình: “Thời cơ tuyệt đẹp. Một là nhân dịp chào mừng 70 năm Cách mạng tháng Mười Nga. Hai là trong lời giới thiệu tác phẩm này chúng ta sẽ dẫn ý kiến của cả C. X. Xi-mô-nốp lẫn C. X. Pautopski là hai nhà văn XÔ Viết có uy tín với văn giới. Tất nhiên, khi chúng ta xì ra những thông tin ấy dứt khoát Sở Văn hóa sẽ không phản đối?” ông bảo: “Chú nhầm? Năm nay là kỷ niệm lần thứ 71 Cách mạng tháng Mười Nga, chứ không phải lần thứ 70 đâu?” Tôi nói: “Không sao, cứ nhân dịp chào mừng là được?” ông vỗ đùi trịnh trọng rất ra một chén rượu Phú Lộc và nói: “Được, làm ngay đi thôi? Chú có đầu óc lắm?” Tôi hạ giọng băn khoăn: “Nhưng bây giờ cái bản thảo duy nhất của bác nằm ở trong tay biên tập viên văn xuôi của Hội Văn học Nghệ thuật”. ông nói: “Chú là trưởng ban lýluận và phê bình mà chú không lấy được bản thảo ra à?” Tôi nói: ” Cháu mà thò tay vào thì việc này lộ ra sớm quá vả lại như thế cũng không tiện, chị hiền Hòa sẽ tự ái vì cháu biết chị ấy cũng rất muốn cho đi cái bản thảo này, nhưng các thủ trưởng không dám duyệt. Thượng sách, bác chống ba toong vào hội gặp trực tiếp nhà văn Hiền Hòa, nói bác muốn xin bản thảo để nhuận sắc lại vì đã gửi ban biên tập tới ba năm rưỡi mà Hội chưa dám sử dụng… Nếu bác không chê chi hội thị xã kém hơn hội tỉnh thì sau một thời gian rất ngắn sách sẽ xong xuôi Cháu rất thích công bố bản thảo này và quan niệm của cháu là giá trị tác phẩm hoàn toàn độc lập với nhãn hiệu của các nhà xuất bản.” ông gật gù nghe lời tôi. Chỉ hai ngày sau, ông trao cho tôi tập bản thảo do chính tay tôi chép giùm ông hơn ba năm về trước…

Tôi đưa cho Chi hội trưởng chi hội Văn học Nghệ thuật thị xã xem và thuyết phục anh ta đồng ý cùng tôi thực hiện việc xuất bản “Moorphin” một cách thần tốc. Tôi đã dí tận mũi anh ta cuốn “Trái tim chó” của nhà xuất bản Tác phẩm mới để anh ta biết rằng Bungakop vừa mới xuất hiện ở Hà Nội. Sau đó, tôi lại đọc cho anh ta lời bình của C. X. Pautopski về tác giả của tiểu thuyết “Người thợ cả và nàng Margarita”. Để khẳng định thêm xu hướng phục hồi lại những tài năng bị lãng quên ở Liên Xô, tôi giới thiệu luôn với anh ta một bản dịch mới của ông Tòng Luận về Borit Pastenak của một nhà phê bình Nga nổi tiếng. Chi hội trưởng chi hội văn nghệ thị xã nguyên là giám đốc công ty xây lắp điện, kiêm hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, cho nên anh ta tin cậy tôi về mặt chữ nghĩa và các loại thông tin văn chương, chỉ cần biết giữ chữ với anh là anh cười khà tán thành. Khi tôi đè nghị anh cùng tôi đứng tên biên tập, tôi chịu trách nhiệm viết lời giới thiệu, còn anh lo vụ giấy phép xuất bản, anh đồng ý và sốt sắng tiêu rả rích kinh phí của ủy ban thị xã cho sự ra đời của “Moorphin” .Sau khi đi thuê người đánh máy bản thảo xong, tôi lo việc tìm họa sĩ vẽ bìa. Tôi và ông Tòng Luận quyết định chọn họa sĩ Trí Tuệ, người mà cả tôi và ông đều cho là người có tay nghè khá trong nghểnh đồ họa. Họa sĩ bảo tôi sau khi nghe tôi bầy tỏ mục đích, yêu cầu và thời gian cần hoàn thành: “Mình nói
thực là mình chả đủ thời gian để đọc kỹ hết tập bản thảo này đâu. Mình tin cậu, cậu đọc rồi, lại làm phê bình nghiên cứu, cậu gợi ý cho tôi, tôi sẽ dựa trên cơ sở đó tạo hình. OK?” Tôi không phản đối tác phong tàu nhanh của họa sĩ liến nói ngay: “OK? Đại ca đã nói vậy thì xong rồi. Tiền ứng trước là 1000 đồng? Tên sách là ‘Moorphin’, tên tác giả là Bungakov, đọc theo lối phiên âm là Bungakop. Gam nóng hay gam lạnh thì tùy lương tâm đại ca. Theo thiên ý của em thì đại ca xem làm thế nào thì làm, cố gắng trên bìa có một bộ mặt đàn ông được đặc tả với cặp mắt mà hai đồng tử nhòe nhoẹt vừa chói chang, một dáng đàn bà kiều dim xiêu xiêu trong cơn bão tuyết của ái tình. Đó, nếu được phép khêu gợi thì em xin có mấy ý tướng như thế, còn lại là toàn quyền tự do sáng tạo của đại ca?” Họa sĩ cười rộng rãi và biết việc: “Được rồi, sẽ có đủ thuốc phiện, đàn ông và đàn bà. Sau ba ngày nữa cậu có thể đến lấy tác phẩm, sẽ không tồi đâu?” Đúng hẹn tôi đến và mang ngay phác thảo hoàn chỉnh của bìa sách tới cho ông Tòng Luận xem. ông sung sướng ra mặt, rất rượu pha trà để gọi là mừng một cái bìa sách đẹp đã ra đời .

Thế rồi, tuần tự như đến ngày đến tháng cuốn “Moorphin” đã ra đời đàng hoàng như một đầu sách. Chi hội trưởng hăm hở cặm cụi chở sách đi biếu, đi tặng, nộp lưu chiếu và ký gửi ở các hiệu sách và đại lý sách báo tư nhân. Phần tôi coi như xong việc sau khi nhận ít tiện thù lao cho công biên tập, viết lời giới thiệu. Tôi rất vui mừng, vì tôi đã góp phần đẩy được một vẻ mặt của Bungakop cho ra công chúng văn chương tỉnh lẻ vốn vẫn bị bế quan tỏa cảng trong việc giao lưu với văn học nước ngoài. Phần nữa vui vì tôi đã thỏa mãn phần nào nỗi ước ao thương của ông Tòng Luận trong những năm tháng cuối đời ông là kẻ nghiện văn chương không kém gì nghiện Moorphin. Nhất là trong lúc ông đang buồn, đau đớn được báo tin là tập truyện thứ hai của ông không thể ra đời như kế hoạch. Do kinh phí bao cấp bị triệt tiêu, hội văn nghệ tỉnh cũng như nhà xuất bản ~ Hà Nội đành xếp bản thảo của ông lại, mặc dù ban biên tập của Hội sốt sắng đi thuê một họa sĩ làm bìa khá nổi tiếng ~ tận thủ đô lo trình bầy cho tập sách cuối đời của ông. Hồi đó người ta đã khuyến khích việc làm kinh tế bằng văn hóa. Tôi không được biết 4.000 cuốn “Moorphin” có mang lại lời lãi gì cho Hội Văn học Nghệ thuật thị xã hay không, tôi không phải chịu trách nhiệm về điều đó. Tôi chả biết là sách bán chạy, dù cả bìa lẫn ruột đều được sài bằng loại giấy rất tầm tầm. Quan trọng là vào thời điểm đó ông Tòng Luận bảo: “Dạo này anh không phải dùng thuốc thường xuyên nữa mà thỉnh thoảng với liệu nhỏ. Từ độ bị cắt tiêu chuẩn Moorphin anh cũng điêu đứng nhưng sau đó cố gắng tự thắng được mình. Anh chuyển sang sài thuốc đầu lọc heo cho đỡ nhớ. Một nỗi nhớ rùng rợn?” Tôi hỏi: “Thế bác cho rằng chế độ Moorphin đặc biệt của tỉnh ủy cho bác là điếu đáng ơn hay đáng oán” ông cười hiu hắt: “Vừa đáng ơn mà cũng đáng oán?” Tôi thầm nghĩ: “Đó là sự đểu giả có vẻ mặt tử tế và cũng là sự sòng phẳng của trò đời.” Nhưng không dám nói ra vì nó vô tích sự. Dạo đó bí thư tỉnh ủy họ Ng. đã được điều về trung ương làm một chức phận gì đó giống như thủ trưởng, và vẫn là một ủy viên trung ương Đảng. Vả lại trong vụ thuốc phiện của ông Tòng Luận thì chính bản thân ông đã tự nguyện hiến mình chứ nào có ai cưỡng bức ông đâu Mọi sự đểu giả hay tử tế ở trên đời có thể hiểu được khi nó sẩy ra, và phàm cái gì mà người ta đã hiểu được thì cũng có nghĩa là người ta cũng có thể quên đi, hoặc nhớ lại. Chẳng hiểu vì sao vụ thuốc phiện của ông Tòng Luận ám ảnh tôi rất lâu.

6
Tin ông Tòng Luận giã biệt cõi đời hầu như không làm ai trong giới văn nghệ địa phương ngạc nhiên. ông cũng qua đời trong sự thiếu thốn nghèo túng. Tuy vậy, ông đã kịp viết chúc thư để lại dặn dò con cháu và hai người vợ của ông những điếu cần thiết. Đặc biệt là quyền thừa kế căn hộ hai tầng mà từ lâu nay ông là người đứng tên trước sở nhà đất. Đám ma của ông được tổ chức rất long trọng. Người đọc điếu văn trước linh cữu của ông là một nhà thơ trẻ đương đảm nhiệm chức Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật. Người này, mấy năm trước chỉ lo ông ở lại thêm một nhiệm kỳ thì sẽ gây khó cho sự thăng tiến của anh ta. Quan tài của ông được rất nhiễu bàn tay có chức có quyền, cỡ tỉnh ủy, ủy ban chạm vào (toàn là cỡ chủ tịch hội, giám đốc sở phó chủ tịch tỉnh trở lên…) . Có tiếng khóc của vợ cả lẫn vợ nhỏ (dĩ nhiên bà vợ lớn đã ly hôn với ông từ lâu nay vì nghĩa tử là nghĩa tận mà có mặt bên ông) . Có đầy đủ các con cả, con út, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại xúm xít xôn sao than khóc, rối bời… Thằng Trung mắt đỏ hoe nói nhỏ với tôi trong nhang khói: “ông khốt tao đã nhắc tới mày rất nhiễu lần trước lúc chết. Ông ấy bảo mày phải tìm cách đi khỏi cái xứ này một thời gian dài. ông ấy dặn đi dặn lại tao là phải niệm ông ấy cùng với hai tập thơ Đường, tuyển tập Vũ Trọng Phụng và Moorphin của Bungakop. Tao đã làm đúng như ý của ông ấy…”. Tôi chỉ gật đầu mà không nói gì được với nó. Có lẽ vào lúc cuối đời chuyện văn chương đã trở thành thuốc phiện của tâm hồn ông chăng.

Thi sĩ họ Vũ, người rất hay tới thăm, trò chuyện với ông Tòng Luận trong những ngày ông đau ốm hỏi tôi: ,,Theo chú thì con người này thành hay bại trong kiếp sống này” Tôi nói: “Trong điều kiện lâm khốc này em chả thích luận bàn gì hết?” Thi sĩ Họ Vũ, còn có biệt danh là thi sĩ “lụa” dằn giọng: “Sắp sửa tới giờ người ta lấp đất lên nắp ván thiên của ông ấy rồi. Nếu như ông có thể đẻ ra đủ mười ba đứa con chắc chắn là ông sẽ lấy tên của 13 nước trong phe xã hội chủ nghĩa để đặt tên cho chúng.” Tôi nói: “Thế cũng là nỗi mê đắm đáng yêu chứ sao.” Thi sĩ Lụa bảo: “Chú biết không Nỗi hận đời lớn nhất của ông ta là ông đã không thể trở thành tỉnh ủy viên? ông đã nghĩ rằng khi là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật thì đương nhiên người ta sẽ phải cơ cấu ông ta vào Tỉnh ủy?” Tôi thủng thẳng bảo: “Thì đó cũng là một giấc mơ đẹp chứ sao? Nhưng em nghĩ là ông ấy cũng khao khát trở thành một dịch giả và một nhà văn danh tiếng? ” Thi sĩ họ Vũ lắc đầu nói: ” Chú nhầm? Văn chương với ông chỉ là phương tiện để lo chuyện công hầu. Ông ấy chỉ dịch truyện của các nhà văn Xô viết qua ấn bản tiếng Pháp. Tại sao ông không dịch các tác giả Pháp từ tiếng Pháp. Thật là ngây thơ khi chọn lựa như vậy…” Tôi vặn lại: “Sao lại ngây thơ. Trong thời buổi của ông ấy thế là khôn chứ? Chắc là ông ấy muốn được người ta mời sang Mạc Tư Khoa với một tư cách là một dịch giả xuất sắc. Sách dịch cũng phải có thị trường và ông ấy là người biết đầu tư chất xám đấy chứ. Ông ấy chả ngây thơ tý nào?” Thi sĩ họ Vũ cười buồn hiu hắt: “Mình rất quý ông. Nhưng cũng không thể làm ngơ trước sự ngây thơ và dại dột của ông.” Tôi khó chịu hỏi: ” ở chỗ nào ?” Thi sĩ họ Vũ bảo: ” ở chỗ ông ta không tự biết mình và biết người. ông ta có khả năng trở thành văn sĩ thế mà lại cứ ao ước, hăm hở để trở thành tỉnh ủy viên?” Tôi bảo: “ông ấy đã nghiện việc đó như nghiện ma túy thì biết làm thế nào? Ai thích thì chơi, ai ngán thì tránh ra. Thế thôi?” Thi sĩ Lụa cười nhạt, nhặt từng tảng đất ném lên quan tài của người quá cố: “Chú nghĩ thế nào? Đáng thương hay đáng trách” Tôi nói: “Em nghĩ, đó là số phận chẳng đáng thương mà cũng chẳng đáng trách. Ngoài ra ông ấy còn nghiện một thứ nữa có lẽ còn hơn cả ma túy đó là văn chương, thứ văn chương hiện thực tỉnh táo. Chỉ tiếc là cơn nghiện ấy đến với ông quá muộn mằn…” Thi sĩ Lụa bảo: “Chú có vẻ công bằng, nhưng đó chỉ là chỗ nương náu cuối cùng lúc chót đời. Hầu như suốt cả đời ông, văn chương không chỉ là thứ ma túy nhiều nhất đối với ông ta?” Tôi hỏi: “Thế theo anh là cái gì ? Anh không biết rằng ngày từ những năm 60 ông ấy đã có ham muốn đề nghị tỉnh ủy thành lập Hội Văn nghệ và mãi tới năm 78 ao ước ấy của ông mới được thực hiện hay sao? ” Thi sĩ Lụa bảo: “Đó là ba chữ tỉnh ủy viên. Chính cái thứ chức danh này là thuốc phiện mà ông ấy nghiện suốt từ thủa thanh xuân tới lúc già nua. Chính cái thứ thuốc phiện này đã làm ông ấy thân bại danh liệt vào lúc cuối đời chứ không phải là Moorphin đâu…” Tôi chợt nhận ra, cỏ đã xanh rờn trên mộ ông và nói nhỏ: “Thôi, thế là ông ấy cũng đã đến bến rồi. Hãy dẹp vụ thuốc phiện của ông lại. Nào anh, hãy rót lên chỗ ông nằm một ly tống biệt…”

 7

Càng ngày tôi càng ngẫm ra thi sĩ Lụa có lý khi nhận xét về vụ thuốc phiện của ông Tòng Luận. Trong cõi đời này ai mà chẳng nghiện ngập một thứ gì đó. Khi tôi tự nguyện rời cơ quan hội sang DDR làm một xuất ,,lao nô” thì thằng Trung con trưởng của ông cũng quyết tâm để vợ dại con thơ ở nhà sang Liên Xô làm phiên dịch cho một đội lao động. Chúng tôi gặp nhau ở sân bay Nội Bài. Bây giờ chẳng biết nó đã về nước hay chưa Nghe nói người Việt ở bên đó cũng làm ăn đủ trò đủ vẻ. Tôi rất muốn rủ nó cùng tôi ngẫm nghĩ lại về vụ thuốc phiện của bố nó. Chẳng hiểu bây giờ nó đang nghiện gì ? Nó đã có thằng con nào tên là Hoa Kỳ chưa. Chẳng hiểu nó có hiểu rằng sở dĩ tôi viết những trang này là để tưởng niệm bố nó. Nếu như bây giờ nó đang nghiện ngập một thứ gì đó thì chắc hẳn chúng tôi sẽ nói chuyện với nhau hơn. Và tôi có thể đoán chắc rằng thuốc phiện của nó sẽ không phải là thứ thuốc phiện của ông Tòng Luận.

Berlin 1994

(Tác giả gửi đăng. Trích từ tập truyện “Tiếng người trong đá Giáp Sơn))

 

Phản hồi