Miền hư ảo [17]
Tiếp theo các chương: I, II, III, IV, V, VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII, XIV, XV và XVI.
Chương 17: Giang blog – Tình người là cái phao lủng
Đó là những ngày cuối cùng ở bên nhau. Tôi không muốn nhìn vào mắt Bắc, cũng như sợ phải ở cạnh bên nàng để lòng mình lại khao khát lắng nghe làn hơi thở nhẹ nhàng ấm áp. Chúng tôi đã xa nhau suốt sáu tháng để làm đề tài tốt nghiệp, sáu tháng thật dài để con đường tôi đi tưởng như không còn dấu quay về. Bắc đen và ốm rộc đi, lặng lẽ như cái bóng. Lời nói mềm mại của nàng, cử chỉ ân cần của nàng như tìm cách đánh thức trong lòng tôi những cảm xúc yêu thương đã bị chối bỏ. Tôi hốt hoảng lùi lại, lùi thật xa để mình đừng quá đau khổ.
Cả lớp NH41 kéo lên khu chữ I, phụ nhau kẻ bản biểu chuẩn bị báo cáo luận văn trước hội đồng khoa. Chỉ thiếu có thằng Sỏi, nó bị xe đụng chết hai tuần trước đó. Tôi cứ mong lòng mình chai đá để đừng còn xúc động hay đau khổ vì bất cứ điều gì, nhưng cái chết của thằng bạn nghèo lại đánh vào tâm hồn thương tật của tôi thêm một đòn chí mạng. Tôi quỵ xuống bên nấm mồ của Sỏi rồi gạt nước mắt bò dậy.
Cả lớp không ai dám nhắc tới Sỏi, chỉ nén buồn thương mà tập trung đi cho hết con đường bất hạnh. Bắc cũng vậy, nàng cũng tránh không nhắc gì tới Sỏi.
Tôi nghe bạn bè nói, “con nhỏ Bắc hoá điên vác dao vác cuốc đi cả ngày lẫn đêm, đào nát cả vùng đồi phía sau trường”. Những kỷ niệm về khu trường bắn, về cánh đồng hoang vắng sau đồi lại gợi lên trong lòng tôi một cảm giác bất an, kinh sợ. Tôi bỗng muốn nắm tay Bắc, giữ Bắc lại và nói với nàng rằng, cái Bắc đi tìm chỉ đưa lại hiểm hoạ cho cuộc đời nàng. Trên đời này làm chi có cái gọi là “sự thật” mà Bắc đi tìm. Cái mình nghĩ là sự thật cũng chỉ là thứ cảm nhận chủ quan trong suy luận của chính mình. Ánh mắt Bắc chợt ngước lên nhìn tôi long lanh.
Tôi im lặng quay đi nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài trời xanh thẳm, giàn hoa giấy đơm nỗi buồn tím ngát, tình biệt ly, niềm phôi pha quên lãng.
Ừ thôi. Tôi không kể cho Bắc nghe sự lựa chọn của mình. Tôi không dám so đo đặt cạnh Bắc mối tình trần trụi với Châu. Đứa con gái tưởng như từ đâu trôi ngang qua đời tôi, tưởng như là tấm phao cứu mạng, tưởng như là một phút níu kéo vật vờ qua sông. Qua rồi đạp bỏ. Gọi là mối tình, nghe vậy cho xong. Bắc ơi.
Sáng nay Bắc bảo vệ luận án ở hội đồng A. Chẳng ai hiểu nổi, làm sao một người xinh đẹp như Bắc lại chọn cái đề tài dầm sương dãi nắng mà tiêu chí chẳng có gì cụ thể, cứ như là một cuộc phiêu lưu. “Bước đầu khảo sát và phân loại các giống thực vật hoang dại vùng đồi Thủ Đức.” Cũng như chẳng ai hiểu nổi, làm sao một đứa con gái yếu đuối hiền lành như Bắc lại chọn đề tài của thầy Chiến. Thầy Chiến là kẻ có nhiều xung đột với ban lãnh đạo khoa, đang bị mọi người xa lánh. Nhận làm làm đề tài tốt nghiệp do thầy hướng dẫn là nhận bản án tử hình, hay tệ lắm cũng tù chung thân.
Bất chấp những lời thị phi và nỗi lo lắng của bạn bè, luận án của Bắc là một cố gắng tuyệt vời. Bắc thật sự đã đổ cả công sức và ước mơ vào tập luận án dày đặc những hàng chữ latin, những hình vẽ chắt chiu và những mẫu thực vật mỏng manh ép khô. Bắc cười thật nhỏ.
“Ừ, năm năm đại học trôi qua vội vã, đến những ngày cuối cùng Bắc mới nhận ra, mới thấy khao khát được làm một cái gì đó có ý nghĩa.”
Tôi lặng lẽ ngắm nhìn bóng Bắc cắm cúi bên bàn giấy. Có thật là Bắc không biết, những điều dối trá bất công đang chờ nàng phía trước. Hay nàng biết và sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả.
Tôi nằm trong danh sách thí sinh báo cáo luận án ngày đầu tiên, còn hai ngày nữa, hai hội đồng sẽ kết thúc và tổng kết điểm chung. Cho đến ngày hôm nay, điểm tốt nghiệp của tôi vẫn đang dẫn đầu hội đồng A. Dù tôi thực hiện một đề tài cũ rích, đã được các thí sinh khoá trước khảo sát băm vằm, nát như cháo, nhưng sẽ khó có đứa nào vượt qua được kỷ lục thủ khoa do tôi lập ra, hay nói kiểu khác, kỷ lục do người khác lập ra cho tôi. Bạn bè chúc mừng tới tấp, tôi không biết, bọn hắn chúc mừng thật hay bọn hắn chỉ bám vào hy vọng, rồi sẽ được may mắn như tôi. Làm chi có sự may mắn ở đây. Cái chi cũng có cái giá phải trả.
Bên hội đồng B, Loan vừa vượt qua thằng Lũ để dẫn đầu số điểm. Loan cũng không thay đổi chi nhiều so với đám bạn nghèo tả tơi phải vật lộn với muôn vàn khó khăn để hoàn thành luận án. Loan trở lại trường, vẫn ăn diện phấn son và đẹp hơn bao giờ hết. Tay phó giám đốc công ty nơi Loan làm luận án, đưa xe hơi lên đón Loan đi về mỗi ngày. Bạn bè đồn, Loan chẳng làm gì cả trong suốt thời gian đi thực tập. Tất cả các số liệu thí nghiệm là do phó giám đốc cung cấp. Bản báo cáo trước hội đồng là do trưởng phòng kỹ thuật phác thảo, tu chỉnh. Thằng Lũ nghe tin đề tài của Loan đạt diểm xuất sắc, hắn chỉ khoát tay cười sặc sặc rồi vui vẻ chúc mừng Loan.
Khánh từ cao nguyên về, áo quần bảnh bao, một mảnh tang đen cài bên nẹp áo sơ mi. Gã chặn tôi ở cầu thang giảng đường, nồng nhiệt bắt tay chúc mừng. Sinh viên trường không có thói quen bắt tay nhau. Điệu bộ trịnh trọng quá đáng của Khánh làm tôi lùi lại thủ thế. Tôi nhìn vào mắt Khánh, bỗng cay cú nhận ra rằng, gã hiểu điều đó. Tôi đã chọn một con đường, phủ nhận những thứ còn lại.
Khánh nói.
“Cảm ơn Giang mấy tuần nay lo cho Bắc. Mình có nghe nhiều tin không hay, chưa biết thế nào…”
Tôi lẩm bẩm không thành tiếng.
Khánh nhìn đăm đăm dò hỏi.
“Căng thẳng mệt mỏi quá, đúng không?”
Tôi gật đầu rồi bỏ đi.
Trong phòng báo cáo luận án hội đồng A vừa có tiếng cười nhỏ, hình như đứa nào vừa trả lời hố câu hỏi của ban giám khảo. Sáu người trong hội đồng thi ngồi trịnh trọng ở dãy bàn đầu tiên. Giáo sư Hoàng, chủ tịch hội đồng tốt nghiệp, ngồi ở giữa. Bà vợ, phó tiến sĩ Xuyên, ngồi cạnh bên. Tôi nép bên ngạch cửa nhìn vào. Thầy Chiến vẫn chưa xuất hiện. Thầy sẽ không đến, tôi biết chắc như vậy.
Thằng Rồi đang đứng trên bục báo cáo, mồ hôi tươm ra trên bộ mặt đầy mụn đỏ. Thằng Thung thì thào vào tai tôi, nó ngắc ngứ nhiều lần nhưng không tới nỗi tệ như bạn bè tưởng. Thầy Hoàng, cô Xuyên không hỏi chi nên cả hội đồng nhanh chóng cho qua. Loại sinh viên suốt mấy năm đại học chỉ chuyên chơi gái và quay cóp như nó được đối đãi như rứa là vui rồi. Mà hình như nó cũng cóc cần điểm cao, ba nó ở thành phố, má nó ở quê đã dọn sẵn bàn tiệc chờ nó về tợp. Tôi và nhóm phục vụ hội đồng thi lật đật nhảy vào gỡ bản biểu của Rồi. Chuẩn bị cho phần báo cáo của Bắc.
Bắc đã bước lên bảng. Nàng mặc áo dài trắng, mảnh mai yếu đuối, lặng lẽ tìm ánh mắt của tôi. Tôi quay đi tìm chị Mẫn đang lo khâu phục vụ nước uống cho hội đồng giám khảo.
Thầy Chiến, người trực tiếp hướng dẫn đề tài cho Bắc vẫn không đến. Tôi hằn học nghĩ thầm, Bắc đã bị bỏ rơi.
Bốn năm trước, thầy Chiến, tiến sĩ tốt nghiệp ở Hung về, vận động các cán bộ giảng viên tố cáo chuyện tham nhũng, ăn chặn kinh phí đào tạo của vợ chồng giáo sư Hoàng. Nhiều người trẻ tuổi ủng hộ thầy vì công lý và cũng vì thầy là cháu của thứ trưởng. Không ngờ vào phút cuối, ông bác thứ trưởng lại bị hất cẳng ra khỏi ghế. Tổ chức đảo chánh trong khoa tự động tan rã. Lãnh đạo trường bắt tay đoàn thanh tra thanh trừng phe phản loạn. Thầy Chiến bị đánh tơi tả và bị tập thể cô lập. Tiếng lành đồn gần tiếng dữ đồn xa, chẳng biết thật hư, sinh viên năm cuối đều tránh nhận làm luận án với thầy. Chỉ có Bắc nghe lời thầy, hăm hở vác cuốc đi đào bới ngoài đồi.
Hôm nay, phần ân oán của thầy Chiến sẽ được lãnh đạo khoa tính sổ.
Không phải vô tình mà tên Bắc lọt vào danh sách của hội đồng A, nơi có thầy Hoàng ngồi ghế chủ tịch. Mối huyết hải thâm thù này lãnh đạo đâu chịu bỏ qua.
Có thật là Bắc không biết? Nàng đang nói thao thao không vấp chữ nào, trình bày mạch lạc say sưa bằng cả lòng tin. Tôi đứng bên mép cửa, chăm chăm nhìn giáo sư Hoàng. Cả hội đồng im phăng phắc, lo sợ căng thẳng ngấm ngầm.
Bắc đã xong phần báo cáo, đang bắt đầu bước vào phần bảo vệ. Các câu hỏi của giám khảo đều được giải thích thoả đáng. Tôi thở ra nhìn đồng hồ treo tường, nháy mắt với thằng Thung. Cả hai đứa tôi chuẩn bị vào thu dọn bản biểu. Họ sẽ không làm chi Bắc. Trí thức mà, ai lại đem sinh viên ra trả thù chuyện riêng. Tôi lại nhìn đồng hồ, giờ báo cáo của Bắc đã kết thúc. Mắt tôi bắt gặp Khánh trong góc phòng, hình như Khánh cũng đang thở ra.
Giáo sư Hoàng đột ngột lên tiếng, giọng ông chậm rãi vang lên giữa hội đồng đang im phăng phắc. Tôi nghe ông xoay ngược vấn đề về “giá trị thực tiễn, hiệu quả kinh tế” của bản luận án. Đám thí sinh bên dưới xanh mặt nhìn nhau. Đề tài Bắc ghi rành rành trên bảng “Bước đầu khảo sát…” Và trong khoảng thời gian sáu tháng, cho toàn bộ công việc, kể cả viết lách, kể cả chạy xuôi ngược tìm tài liệu đối chiếu, bảo quản và phơi khô mẫu mã thực vật… Trên bục báo cáo, Bắc cẩn thận trả lời từng câu hỏi. Tới lúc đó, tôi mới kinh ngạc hiểu hơn rằng, Bắc thực sự đã dồn tất cả sức lực và đam mê của mình vào công việc. Nàng không thông minh như Duyên, không xuất xắc như Lũ, không có cả bồ chữ trong bụng như Sỏi nhưng nàng thật sự đã cố gắng rất nhiều để hoàn tất luận án. Bắc hiểu biết cặn kẽ công việc phân loại thực vật hơn những điều vừa trình bày.
Tôi lắng nghe giọng nói trầm tĩnh của giáo sư Hoàng khi đặt ra những câu hỏi hóc búa để dồn ép Bắc. Đám sinh viên tụi tôi đã từng yêu mến giọng nói của ông ấy biết bao nhiêu. Cả đến khi nghe tin ông tham ô tiền tài trợ nghiên cứu, sinh viên trong khoa vẫn không muốn tin đó là sự thật. Những đứa sinh viên nghèo, khao khát tri thức, đã đạp lên cái đói, cái nghèo, cái khốn cùng để bám lấy truyền thống tôn sư trọng đạo. Giờ học với giáo sư Hoàng bao giờ cũng hoành tráng. Giáo sư đi nhiều, biết nhiều. Giáo sư nói về những điều hay ho tiến bộ ở xứ người, dạy cho bạn bè tôi những bài học yêu thương cây cỏ thiên nhiên và lòng tự hào của người Việt Nam có một non sông gấm vóc.
Những câu hỏi tàn nhẫn của một người làm thầy, một người được sinh viên quý trọng, nhằm đánh gục Bắc, đã đánh gục lòng tự trọng mong manh còn sót lại trong lòng tôi.
Tôi nắm chặt hai bàn tay, nép dần vào mép cửa. Bỗng dưng rồi nước mắt ứa ra, không ngờ đó là những giọt nước mắt lương thiện cuối cùng của một thằng người.
Phó tiến sĩ Xuyên cũng múa kiếm xông vào hỗ trợ cho chồng, chém ra những đòn độc địa. Mồ hôi vã ra trên trán Bắc. Cái nóng trong phòng nung ngốt.
Tôi thè lưỡi liếm đôi môi khô khốc, mệt mỏi rã rời. Khuôn mặt Bắc tái mét. Đôi mắt cô ấy phủ một màn sương kỳ dị. Tôi lùi dần vào góc cửa, muốn bịt kín hai tai. Giọng phó tiến sĩ Xuyên the thé, xuyên qua đầu tôi.
“Tôi nhắc lại lần nữa, chị hãy cho biết, đề án của chị có khả năng ứng dụng và giá trị kinh tế thực tiễn như thế nào trong việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Tôi hỏi như thế, bởi vì toàn bộ đề án không gợi ra một chỉ tiêu, số liệu kinh tế cụ thể nào. Cứ thu thập, đặt tên vớ vẩn cho vài thứ cây cỏ thế mà thành kỹ sư à?”
Màn sương trong mắt Bắc đang đọng lại thành nước. Bàn tay Bắc đang nắm chặt cạnh bàn nổi cả gân xanh, bỗng từ từ giãn ra. Tôi hiểu, đó là dấu hiệu bỏ cuộc. Nhưng Bắc vẫn đứng chết sững ở đó, hình như cũng chẳng còn sức lực để bỏ chạy. Tôi quay mặt đi, để khỏi phải nhìn cảnh Bắc quỵ xuống trên bục báo cáo. Tôi chờ tiếng chuông rung. Chuẩn bị lên gỡ bản biểu xuống cho Bắc. Rứa là xong. Chấm dứt năm năm dùi mài kinh sử.
Giữa lúc ấy, tôi nhìn thấy Khánh đứng lên. Khánh xoải bước tiến ra giữa phòng. Chiếc bóng cao lớn chắn ngang tầm nhìn của Bắc. Khánh áp sát đến sau lưng cô Xuyên, nhanh nhẹn dữ tợn như con dã thú. Chỉ có đám cử tọa phía sau là nhìn thấy Khánh. Hội đồng giám khảo dường như không hay biết gì. Khánh khoanh tay đứng sừng sững giữa phòng. Đôi mắt sùng sục tìm Bắc, đón bắt cảm xúc. Khánh đứng ngay sau lưng cô Xuyên, móng vuốt xòe ra. Tôi bỗng nghĩ, nếu Bắc bị đánh rớt thì Khánh sẽ trả thù. Cứ như thế lực gia đình đó dư sức nghiền nát bọn nô bộc. Hình như tất cả những đứa học trò trong phòng đều nghĩ như vậy. Tôi nhìn thấy những đôi mắt tuyệt vọng căm phẫn của những con thú nhỏ bị dồn đến bước cuối cùng chỉ muốn liều mạng. Mạng đổi mạng. Cái ác chỉ cần gieo là mọc. Cái ác mọc lên ngùn ngụt trong phòng thi. Giữa lúc tôi tưởng là sẽ có thêm một cái chết thì Bắc bắt đầu lắp bắp nói. Nàng cố tìm cách để tự vệ, cố tìm cách lắp ráp lại những mảnh kiến thức bị chính thầy cô mình chém nát bét. Tôi ngỡ ngàng nhận ra, như trong buổi chiều nào cùng Bắc chạy trốn khỏi trường bắn, đằng sau con người ẻo lả nhu mì đó là một bản lĩnh bất khuất kiên cường.
Thầy Danh, ông tiến sĩ nhỏ bé gầy gò vẫn im lặng trong suốt thời gian Bắc bảo vệ luận án, bỗng đột ngột lên tiếng, cắt ngang lời Bắc, cắt ngang những câu hỏi loanh quanh kỳ dị của phó tiến sĩ Xuyên. Ông tiến sĩ già tốt nghiệp ở Mỹ điềm đạm cảm ơn Bắc phần báo cáo luận án mang nhiều giá trị thực tiễn và ý nghĩa khoa học. Ông dõng dạc tuyên bố chấm dứt phần vấn đáp. Giáo sư Hoàng bị bất ngờ chăm chăm nhìn sang tiến sĩ Danh, khuôn mặt vốn đầy đặn nhân từ bỗng mở ra một nụ cười độc địa khó hiểu. Suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên được khuôn mặt của ông ấy trong giờ phút đó.
Tôi bước vào nắm tay Bắc lôi ra ngoài. Nàng vẫn đứng lơ ngơ giữa hội đồng, cứ như chưa tin chắc là mọi việc đã trôi qua. Thằng Thung ở đâu nhảy xổ tới, suýt nữa thì vật Bắc té lăn quay ra sàn. Hắn chưa tới phiên báo cáo luận án, màn đánh hội đồng vừa rồi làm hắn sợ són ra quần. Đề tài của Thung xuống giống được hai tháng thì bị sùng phá nát. Hắn phải cóp lại số liệu của các luận án cũ đưa vào luận án của mình. Chuyện này ai cũng biết. Nhưng thầy hướng dẫn của hắn đang ngồi hội đồng B, chắc chẳng ai muốn làm khó dễ.
Thằng Trí mặt xanh lét đứng dựa cửa, màn đánh hội đồng vừa rồi cũng làm hắn tiêu tan hết dũng khí. Thằng Trí làm đề tài bảo quản nông sản, thử thuốc loạn xạ theo kiểu có chi thử đó. Kinh phí dự án là bao nhiêu, rót qua tay thầy hắn hay qua ngả nào khác, thằng Trí không biết gì mà cũng nhận được đồng xu nào, hắn phải tự bỏ tiền túi ra trang trải, khi hết tiền thì đi gõ cửa mấy công ty rau quả xin thuốc bố thí. Số liệu, kết quả nếu có thì nộp hết cho thầy, nếu không có thì quỳ lạy xin thầy cứu mạng. Những chuyện như vầy chẳng lạ lùng chi, sinh viên ra trường chỉ là loại lao động không công cho cán bộ hướng dẫn.
Tôi gặp Khánh bên hành lang. Vừa rồi gã diễn tuồng giương oai diễu võ giữa hội đồng thi, thực ra thằng con mồ côi này là con cọp giấy bị cắt hết móng vuốt, chẳng làm chi được ai.
Bàn tay Khánh nắm chặt lấy tay tôi.
Tôi rút tay lùi lại, rùng mình nghĩ đến Châu. Bàn tay Châu lạnh và ướt, bàn tay của quyền lực vô biên thao túng bóp nát mọi giá trị đạo đức và lương tâm. Một mối tình, ừ thì, gọi rứa cho xong.
Tôi tránh nhìn Khánh, quay mặt đi. Không ngờ tôi bắt gặp thằng Rồi, nó đứng sững ở bực cầu thang nhìn vào lưng áo Khánh, hình như nó vừa đi lên tới nơi đã muốn quay ngược xuống. Khánh nghe tiếng bước chân liền quay phắt lại, ánh mắt gã như lưỡi dao nhằm ngay mặt thằng Rồi xẻ xuống. Khuôn mặt thằng Rồi dúm dó, suýt nữa nó bước hụt chân té chúi nhủi. Tôi đọc thấy sự kinh hãi khiếp sợ trên khuôn mặt nó, lúc đó tôi mới ngờ ngợ nghĩ ra một điều. Ba Khánh vừa mất hôm tháng bảy âm lịch, trên tivi người ta tổ chức quốc tang, đình đám và long trọng, điếu văn ca tụng công đức tràn đầy. Ba thằng Rồi ngay sau đó được đưa lên nắm chức quan tổng đốc thay người đồng chí quá cố. Một tay điền chủ đỏ miền Đông quê mùa cục mịch, ăn không nên đọi nói không nên lời, không hiểu cớ sự chi được điều sang nắm quyền một thành phố công thương nghiệp hàng đầu.
Nhưng những chuyện ân oán giang hồ đó tôi không muốn tìm hiểu. Tôi bỏ đi, mặc kệ bọn hắn.
Khánh ở chơi với bọn tôi suốt ba ngày. Chờ xem kết quả của Bắc. Gã vui vẻ hào phóng dắt cả đám đi ăn hàng quán liên tục. Hôm cuối cùng Khánh được mời lên cư xá nữ ăn rau muống luộc chấm nước tương. Khánh ngồi bệt dưới đất khoan khoái kể, đây là lần đầu Khánh được mời ăn cơm ở cư xá nữ.
Tôi chán ngán nhìn món rau luộc nấu bằng cỏ khô, vàng khè vì thiếu lửa, bỗng thèm chi lạ những bữa ăn đầy ắp, thừa mứa của gia đình Châu.
Duyên đi biền biệt không tin tức, bỗng trở lại trường vào đúng hôm đó. Duyên ngồi cạnh Khánh, ăn ngon lành món rau muống chấm tương. Duyên xanh xao, hốc hác và già khằn đi, rứa mà vẫn cười khì khì. Tôi ước chi mình có được nụ cười như Duyên.
“Mẹ Duyên bị bệnh, tưởng là không qua khỏi. Mấy tháng nay Duyên phải lo nuôi mẹ ở nhà thương, bây giờ mẹ đỡ rồi. Duyên mới bán nhà để lo đưa mẹ về quê tĩnh dưỡng.”
Hoá ra Duyên bỏ ngang luận án để chăm sóc mẹ, chẳng thấy báo tiếng nào cho bạn bè biết. Khánh trầm ngâm, không thấy cười nữa. Khi Bắc với chị Mẫn mang chén dĩa đi rửa, mấy đứa con gái khác lục đục chuẩn bị ba lô túi xách, chỉ còn tôi với Khánh và Duyên trong căn phòng trống trải.
Khánh quay sang Duyên hỏi nhỏ.
“Vậy em định bỏ luôn hay sang năm làm lại luận án?”
Tôi ngạc nhiên, lần đầu tiên nghe Khánh gọi người khác bằng “em”. Lần đầu tiên tôi lọt vào giữa cuộc đối thoại của hai người, lần đầu tiên tôi thấy Duyên rưng rưng nước mắt.
“Anh Khánh. Ba em vừa mất trong trại cải tạo Đồng Đăng. Em ra tới tận nơi mà vẫn không được phép đưa hài cốt về Nam.”
Khánh lặng người ngồi im, không thấy gã nói chi nữa. Duyên mân mê vạt áo, giọng nó khàn đặc như bà già.
“Chắc em phải đi thôi. Lý lịch tối thui như em, có tốt nghiệp kỹ sư cũng chẳng xin được việc đúng nghành nghề. Có những điều mình muốn quên đi, nhưng người ta cứ bắt mình phải nhớ, người ta cứ cột chặt nỗi bất hạnh vô lý đó vô cuộc đời mình.”
Khánh vẫn lặng im. Duyên đứng dậy bỏ ra ngoài hành lang thật lâu, khi nó trở vào hai mắt đỏ hoe. Rứa mà nó vẫn gượng gạo cười. Tôi ngồi nán lại, nâng niu những giờ phút cuối cùng bên Bắc. Duyên hỏi Thanh Mai chuyện báo cáo tốt nghiệp của lớp. Mai chỉ trả lời qua quýt. Duyên hỏi chị Mẫn, chị Mẫn cũng trả lời qua loa.
Như một thoả thuận ngấm ngầm, tất cả bạn bè không ai nhắc muốn lại những chuyện tồi tệ xảy ra ở hội đồng thi. Trong những ngày cuối cùng chuẩn bị rời xa trường, bọn tân kỹ sư khố chuối chỉ muốn giữ lại những kỷ niệm đẹp đẽ của trường lớp, những tình cảm yêu thương dành cho thầy cô, cho dù phải thoả hiệp với sự dối trá và mang mãi cái ác theo bên mình. Nhưng ít ra, cũng còn một cái gì đó để bám vào mà đi tới.
Tôi không cần loại phao tình cảm vá đâu lủng đó.
Tôi đậu thủ khoa. Châu cười tềnh hệch, bố muốn thế. Mấy đứa trong lớp cũng cười, nụ chế nhạo, nụ cười đau đớn của kẻ không may. Tôi nhún vai thản nhiên, cũng cười, cười vì cái giá phải trả. Bọn kia tất tả đâm đầu vào những lo toan khác. Những số phận lông bông bắt đầu trôi dạt đi, mà cũng chẳng biết sẽ đi về đâu. Tụi tôi ngồi lại với nhau buổi trưa cuối cùng trong căn phòng ký túc xá chật chội đầy rác và cứt chuột. Tôi nghe những thằng xấu số thở dài, lòng mình trống rỗng không vui không buồn, chỉ thấy mất mát. Ngày mai, tôi sẽ về nhận việc ở viện nghiên cứu. Ngày mai, đã là ngày khác.
Bắc vừa đủ điểm đậu, cười buồn thiu.
“Mình dở quá. Không có khiếu ăn nói nên không bảo vệ nổi luận án.”
Tôi quay mặt đi, chẳng có chi để bàn cãi ở đây. Bắc biết rõ hậu quả nhưng vẫn cố tình nhận làm đề tài với thầy Chiến. Con người Bắc là rứa. Khánh nhìn tôi đăm đăm. Tôi khó chịu nghĩ, hình như Khánh hiểu tôi hơn ai hết.
Hai giám khảo người miền Bắc, cho Bắc điểm bốn, họ chịu áp lực của giáo sư Hoàng. Vợ chồng giáo sư Hoàng đều cho Bắc điểm ba, là điểm loại. Hai người còn lại, giáo sư Danh và thầy Quý, cho Bắc điểm chín, điểm xuất xắc chưa từng có ở hội đồng khoa Nông Học. Thầy Quý tốt nghiệp ở Đức, còn quá trẻ để chấp nhận sự vô lý, gia đình cũng quá giàu để phải cố bám vào chân giảng dạy thảm hại ở trường đại học. Giáo sư Danh là người của chế độ cũ miền Nam, quá già để còn phải biết sợ, quá nhiều lương tâm để chịu cúi đầu quỳ gối trước cái ác.
Tôi đi một mình lên giảng đường, ngồi lơ ngơ lần cuối bên góc cầu thang. Tôi lặng lẽ nhớ tới ông già tiến sĩ nhỏ bé gầy gò, tấm áo sơ mi sờn cũ, những buổi sáng lọc cọc đạp chiếc xe cũ kỹ lên giảng đường. Một buổi trưa nóng hừng hực, tiến sĩ Danh gạt mồ hôi trán, nhỏ nhẹ hỏi. “Nếu mấy anh chị mệt hay đói thì để tôi kể chuyện tào lao cho nghe. Chịu không? Nhẹ nhàng thôi. Đi qua vùng ôn đới cho bớt nóng nghe? Ở vùng ôn đới có một loài cây thân trắng, tên là bạch dương. Mùa thu se lạnh, lá rừng bạch dương ngả sang màu hồng rồi vàng dần. Đẹp lắm, để hôm sau thầy mang mấy tấm hình chụp theo cho tụi con coi. Các con có biết tại sao vỏ cây bạch dương có màu trắng không? Có đứa nào biết gì về tế bào bần? Tế bào bần là tế bào chết…” Tôi nghẹn ngào đưa bàn tay lên ôm ngực. Khi ấy, tôi không hề biết rằng, những hình ảnh mong manh nhân ái đó đã lặng lẽ bám theo đời tôi và níu giữ tôi lại ở ranh giới cuối cùng – để còn làm người.
Tôi viết thư cho mạ, chẳng biết gửi về đâu, đành vò nát liệng vào thùng rác. Lần cuối cùng tôi nhảy tàu về quê thăm mạ, chiếc bóng còm cõi bệnh hoạn nằm bên góc chợ vuốt tóc tôi, thều thào khóc. Chắc mạ không chờ được tới ngày con ra trường. Con đi đi, bao giờ đủ sức, nhớ tìm cho ra kẻ mang bí danh Anh Cả, buộc hắn phải công khai sự thật về cái chết của cha con.
Mạ đã không chờ được tới ngày con ra trường, đường hoàng về làm ở viện nghiên cứu. Mạ cũng không chờ được tới ngày con uất hận hiểu ra rằng, cái chết của cha mãi mãi không bao giờ được minh oan.
Mạ ơi.
Mạ ơi.
Comments (2 total)
Thuý
Xin được chia sẻ cùng Giang nỗi đau của đời sinh viên. Nhưng bạn có vì những uẩn khúc riêng tư của cuộc đời mà đâm ra quá khắc khe?
Thuý nghĩ, trong cái guồng máy giáo dục đầy dẫy những bất công và nghịch lý đó, thầy cô của chúng ta cũng là nạn nhân. Những nạn nhân đáng kính trọng. Chính họ cũng phải cố gắng vượt qua những khó khăn khốn cùng về vật chất lẫn tinh thần, để bám lại bục giảng, để truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ sau. Chúng ta không nên phê phán họ một cách hồ đồ như vậy. Thuý viết ra những dòng này với lòng biết ơn vô bờ bến dành cho các thầy cô giáo trường Nông Lâm, những người đã giúp Thuý hành trang vào đời.
Lũ
Thuý và Giang thân mến,
Giang nói một đằng, Thuý hiểu một nẻo. Mình tin rằng, thằng Giang không hề có ý xúc phạm hay phủ nhận công ơn thầy cô. Thằng Giang lớn lên trong đói nghèo và bất công, nên nó là đứa có nhiều sự cảm thông, dằn vặt và đau đớn. Vạch trần bộ mặt giáo dục đầy dẫy chuyện gian tham, dối trá và lừa lọc, không có nghĩa là phủ nhận công ơn cũng như sự cố gắng của các thầy cô giáo. Ngược lại, nó nói lên một điều, những vấn đề tiêu cực thối nát của tầng lớp lãnh đạo ngành giáo dục đã làm hư hỏng môi trường đào tạo, huỷ hoại công sức của thầy và trò chúng ta.
Giang, tao đọc bài viết của mày mà ứa nước mắt. Mong mày tiếp tục đi tới tận cùng vấn đề.
© Lưu Thủy Hương
© Đàn Chim Việt