Trịnh Công Sơn: Vai anh gầy guộc nhỏ
Nhớ Trịnh Công Sơn, bao giờ tôi cũng cố gắng để vẽ Anh – theo cách riêng của tôi, bức chân dung mà tôi nghĩ là nó đủ để khái quát tất cả những gì mà anh có cũng như những gì mà tôi và rất nhiều người nữa đã và sẽ thức cùng anh trong những tháng năm dài. Rồi một lần, tôi chợt hiểu ra rằng, tôi có thể học theo cách của người Trung Hoa, tóm tắt một cuộc đời, thậm chí cả một thời đại chỉ bằng một chữ mà thôi. Với Trịnh, tôi cho rằng có thể định nghĩa cuộc đời nhiều u uẩn và tuyệt vời tài năng của anh bằng một từ duy nhất: Gầy.
* * *
1. Có không ít thiền sư tu hành viên nguyện đến mức thân xác như là một phần của cõi thinh không. Sự chết hay cái sống hầu như khó thay đổi hình thể phi phàm của những thiền sư đó. Không giống thế và không hẳn là như thế, cái nỗi gầy của Trịnh vượt qua thể xác. Dường như con tim anh, máu đã tuôn ra ngoài(Phúc Âm buồn) nên trái tim anh gầy khô cô đơn và tủi buốt đến nỗi trong rất nhiều ca khúc của anh, từ mong manh cứ dược nhắc mãi hoài (Níu tay nghìn trùng, Phúc âm buồn, Quỳnh Hương, Ru đời đi nhé…). Trên đời này có điều gì có thể gầy guộc và mỏng mảnh hơn sự mong manh? Thậm chí Trịnh đã phải khóc lên: cho tôi tay – gối mong manh (Ru đời đi nhé) hay trong vườn trăng, vừa khép những đoá mong manh (Quỳnh Hương). Hẳn là vì thế nên những lời ca anh viết, dù ở bất kỳ thời điểm hay hoàn cảnh nào, cũng làm khắc khoải và dứt day mọi con tim. Ta như thấy từng hạt máu li ti trong trái tim sầu muộn ấy không ngừng run rẩy, không hết dại khờ. Tình yêu đến với anh, đuổi theo rồi cuốn anh đi dẫu bằng những nhịp nhạc chậm, buồn đến mấy; cuối cùng vẫn là Tự làm khô héo tôi đây (Chiếc lá thu phai). Những lời ca, những cách chiết từ diệu hiệu của Trịnh đã đưa cái nỗi gầy của anh thành rất riêng, thành cái ảo điệu của sự xót xa: Lá xác xơ cây (Cát bụi) bởi cuộc đời mà anh biết rõ, chỉ là Ðoá hoa vàng mỏng manh cuối trời (Như một lời chia tay).
2. Tôi đã nghe những bài ca của anh hàng trăm hay hàng ngàn lần – tôi không nhớ nữa. Rất nhiều khi tôi viết trong sự vỗ về, nâng dìu, thôi thúc từ tiếng nhạc của anh. Chỉ tiếc là chẳng bao giờ tôi viết được như tôi muốn cũng như chưa khi nào tôi thuộc nổi một bài hát của anh thật trọn vẹn. Thế nhưng, chữ gầy thì hoàn toàn khác. Không phải là nhớ nữa mà nó giống như một mũi khoan cứ nhẹ nhàng, da diết khoan mãi vào tiềm thức của tôi. Trịnh đưa tôi đến với mùa Xuân bằng Rụng cánh hoa mai gầy, chim chóc hót tiếng qua đời(Ngẫu nhiên). Anh cho tôi hiểu rằng cuộc đời anh trăn trở nhiều lắm, thức cùng ai nhiều lắm nên Ngày đi, đêm tới, còn chút hao gầy(Nghe những tàn phai). Tình yêu trong những bài ca được viết từ con tim luôn rỉ máu của anh ướt đẫm nước mắt tủi buồn. Không hiểu Trịnh có quan niệm cái đẹp giống như cách định nghĩa của Khổng Tử (551-479tr.CN): Nữ dĩ nhược vi mỹ? Chỉ những thiếu nữ gầy mới được coi là đẹp. Hoặc giả, theo cách duy lý của Kinh thi, Yểu điệu thục nữ. Quân tử hảo cầu. Chỉ những cô gái tha thướt, nhẹ nhàng mới đáng để ta cầu xin tình yêu và cuộc sống chung với nàng?
Tôi đặt ra câu hỏi trên vì tôi thấy Trịnh đam vướng và luỵ uẩn lắm với nỗi gầy. Vai em gầy guộc nhỏ (Như cánh vạc bay) nên Trịnh phải Gọi thơm hao gầy, gọi buồn ngất ngây (Gọi tên bốn mùa) để Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh (Gọi người yêu dấu)…
3. Nhưng đến một ngày tôi chợt biết cái mà mình nghĩ thật ra đúng là mình chưa hiểu Trịnh bao giờ. Dương Trung Quốc cho rằng thay đổi chuyện xây dựng ở đồi Vọng Cảnh là giấc mơ của sự ảo tưởng chân thành. Còn tôi, từ lâu lắm rồi, tôi luôn nghĩ về Trịnh bằng cái duy triết của sự mù mờ chân thành. Trịnh là một triết gia. Tôi khẳng định mà không hề băn khoăn một chút nào. Thậm chí, khẳng định chắc chắn đến nỗi tôi có thể bất kể mọi lời phản bác. Tất nhiên, trong lịch sử chưa hề có ở đâu cũng như chưa hề có ai nói nhạc sĩ là một triết gia. Nhưng tôi đoan chắc rằng, cũng không ở đâu trên trái đất này, kể từ khi có loài người, lại có một nhạc sĩ sáng tạo và triết lý nhiều đến thế về cuộc đời như Trịnh Công Sơn. Chỉ riêng chuyện sử khiến ngôn từ, Trịnh đã đạt đến độ thượng thừa.
Vì lẽ này, tôi nghĩ rằng, những đôi vai gầy trong các ca khúc của anh, sở dĩ nó nhiều đến thế là bởi anh duy ngẫm trên nền triết lý không-thời gian (time-space) bất tận của kiếp người. Trước những thách đố đản nghiệt của cuộc sống, số phận của con người gầy guộc lắm. Hạnh phúc thực ra là cái mỏng manh, nỗi gầy muôn thuở trong sự điệp trùng đắng cay và chua xót. Nếu không hiểu như thế, Trịnh không thể viết những câu như tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai (Còn tuổi nào cho em); Vòng tay đã xanh xao nhiều, ôi tháng năm (Mưa hồng)… Một vòng tay xanh xao; một buổi chiều có thể đi vào vườn mắt; hay một cây cơm nguội vàng suốt đời nằm bên cây bàng lá đỏ rồi một bờ cỏ non để cho ai kia – Tất Cả; phải mộng mị suốt đời… là ngôn từ và cái hằng nghĩ của triết gia. Cây cơm nguội héo mòn đứng bên cây bàng đang bật chồi, thổn thức đó thôi. Nhưng với Trịnh, nó phải nằm bởi bất lực trong sự giãi bày.
4. Sống trên đời, đôi vai của Trịnh Công Sơn gầy guộc lắm. Gầy đến nỗi anh mất đi rồi, tên anh vẫn gầy khô trong mọi con đường. Cách đây mấy năm, nhớ về anh tôi viết Trịnh Công Sơn và những con đường. Chắc hẳn Trịnh biết rõ điều này khi anh đã từng hát rằng Ta xô biển lại sông về đâu? (Sông về đâu). Hàng ngàn năm nay có ai hát về nỗi buồn hay, da diết và làm đam đắm lòng người như Trịnh hay không? Câu trả lời tự nó đã có rồi. Ðiều mà tôi hiểu, cái phi thường, tuyệt nghĩ và thiên tài của Trịnh là những bài ca của anh càng buồn bao nhiêu thì ta lại càng yêu mến cuộc đời bấy nhiêu. Ðó là điều không phải ai cũng làm được. Trịnh nói Ta ru ta ngủ vùi nhưng anh thức suốt biết bao đêm và, không ai còn muốn ngủ nữa khi nghe câu hát đó. Tại sao Vai em gầy guộc nhỏ nhất thiết phải nằm trong bài Như cánh vạc bay? Tại sao có thể Cho tay em dài để gầy thêm nắng mai (Hạ Trắng)?…
Trịnh tự ví mình gầy khô đến nỗi Thân mong manh như cây sậy hiền (Níu tay nghìn trùng), và cuộc đời anh còn khô gầy hơn nữa, bởi anh là Cơn gió ở trọ bao la đất trời (Ở trọ). Tôi cứ băn khoăn vì nỗi Trịnh đau đắm với chữ gầy. Chắc chắn anh đã yêu đất nước có hình dáng gầy cong này lắm. Bởi anh là một trong những người hiểu rõ nhất mảnh đất hình chữ S mà anh sống đến trọn đời, có muôn vạn kiếp người gầy guộc đứng bên anh. Những trái tim luôn thao thức và trăn trở giống như Trịnh không thể không héo khô bởi những đau nhức, gầy mòn…
* * *
Thắp một nén hương để tưởng niệm Trịnh Công Sơn là thêm một lần tôi hiểu hơn một chút, về anh. Tôi đã biết rằng anh cảm nhận cuộc đời mình giống như Người già co ro ngồi bên bếp lửa(Người già em bé). Lửa nóng lắm nên cuộc đời càng dễ hao gầy lắm. Và nước mắt cứ chảy để Mưa ướt đôi vai mềm(Mùa thu mây ngàn) cho ai đó, cho anh. Trịnh ơi! Ngày xưa cụ Nguyễn Tiên Ðiền tự vấn Bất tri tam bách dư niên hậu; Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Nguyễn Du cho rằng chẳng ai khóc vì ông sau ba trăm năm nữa. Nguyễn đã sai rồi. Bây giờ, tôi không dám mạo muội phân chia lằn ranh nhỏ hẹp Trịnh – Nguyễn nhưng tôi tin anh cũng đã sai khi nói Này em có nhớ, gì tôi? (Này em có nhớ)
Bất cứ nơi nào tôi đến trên Ðất Việt dấu yêu, đều được nghe những lời ca của anh. Tài năng của anh thực sự đã đem đến một định nghĩa khác về chữ gầy. Anh cô đơn và lạc lõng trong cuộc đời mập ú những bon chen. Những giọt nước mắt của anh làm sỏi đá bớt khô gầy. Những lời ca của anh gầy mỏng như ngọn gió bởi nó ở trọ bao la đất trời(Ở trọ) và, dẫu cuộc đời có sớm nắng, chiều mưa như Tố Hữu đã nói đi nữa thì anh vẫn Ở trọ bên trong mắt người. Ở trọ là một định nghĩa khác về sự gầy mòn của thân phận và thời gian. Nhưng với Anh, đó là lần ở trọ, nỗi gầy “mong manh” nhất của tình yêu và của sự vĩnh hằng.
Nguồn: Dân Luận
Chào bác Viện,
Tôi đã đọc được ‘thơ” của Bác đăng trên blog của anh ba sàm. Chúc mừng Bác.