Hành trình của người trí thức dấn thân nhập cuộc
Giới thiệu sách mới
Nguyên tác bản tiếng Anh: Thinking the Twentieth Century.
by: Tony Judt with Timothy Snyder
Nhà xuất bản The Penguin Press, New York ấn hành năm 2012
Sách dày trên 400 trang với bìa cừng.
www. Penguin.com
* * *
Tony Judt (1948 – 2010) sinh trưởng tại London Anh quốc, là một giáo sư về môn lịch sử và chính trị tại nhiều Đại học danh tiếng ở Âu châu và ở Mỹ. Ông cũng là tác giả hay biên tập của 14 cuốn sách, trong đó có cuốn “Postwar : A History of Europe Since 1945” xuất bản năm 2005 là được giới thức giả quốc tế chú ý và đánh giá cao. Ông còn đóng góp nhiều bài vở cho các tạp chí nổi tiếng như The New York Review of Books, The Times Literary Supplement, The New Republic… Do bị bệnh liệt não, ông đã sớm từ giã cõi đời tại New York vào năm 2010 lúc mới ở vào tuổi 62.
Nhận thấy bậc đàn anh lâm bệnh ngặt nghèo, nên Timothy Snyder – cũng là một giáo sư trẻ tuổi người Mỹ về môn lịch sử – trong các năm 2009 – 2010 đã đến tư gia của Tony Judt tại New York để trao đổi thảo luận trong nhiều buổi nói chuyện thân mật tay đôi với ông. Và qua việc khai thác các băng ghi âm từ những cuộc đối thọai đó, Timothy đã hòan thành được cuốn sách có nhan đề thật bao quát là : “Thinking the Twentieth Century” – sách này vừa mới cho ra mắt công chúng trong năm 2012. Có thể nói đây vừa là cuốn sách tự truyện của Tony Judt, vừa là một nhận định tổng hợp về sự dấn thân nhập cuộc của giới trí thức tại Âu châu suốt trong thế kỷ XX.
Để thuận tiện cho độc giả theo dõi câu chuyện đối đáp giữa hai vị chuyên gia về sử học tại Âu châu trong thế kỷ XX, người viết xin lần lượt trình bày về tiểu sử các tác giả trước khi đề cập đến những mục đáng chú ý nhất trong cuốn sách.
I – Tiểu sử các tác giả.
1 – Tony Judt (1948 – 2010)
Xuất thân từ một gia đình có cả cha mẹ đều là di dân người Do Thái gốc gác từ Đông Âu, nên Tony Judt dễ có điều kiện tìm hiểu về những biến chuyển lớn lao tại miền đất xưa kia là quê hương của dòng họ bên nội cũng như bên ngọai của mình. Tony được học ở trường Đại học nổi danh bậc nhất của Anh quốc, đó là trường Cambridge – rồi lại còn được học thêm ở Trường Cao Đẳng Sư Phạm ở Paris (École Normale Supérieure) là cái nôi sản sinh ra những tinh hoa của nước Pháp. Ông thông thạo nhiều ngọai ngữ như tiếng Pháp, Đức,Tiệp khắc… và được coi là một chuyên gia có thẩm quyền về Lịch sử Giới Trí thức của Pháp thời hiện đại.
Luận văn để thi bằng Tiến sĩ của ông tại Cambridge được xuất bản thành cuốn sách trước tiên bằng tiếng Pháp vào năm 1976 – với nhan đề là “La Reconstruction du Parti Socialiste 1921 – 1926” (Sự Tái Xây dựng Đảng Xã hội (Pháp) 1921 – 1926).
Ông đã giảng dậy nhiều năm về Lịch sử và Chính trị tại các Đại học danh tiếng như Cambridge, Oxford và Berkeley và làm Giám đốc Sáng lập của Viện Erich Maria Remarque tại Đại học New York, Viện này chuyên chú vào công cuộc Trao đổi và Đối thọai giữa Âu châu và Mỹ châu.
Tony Judt cũng là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng, điển hình như :” Past Imperfect : French Intellectuals, 1944 – 1956” (xuất bản năm 1992), “Marxism and the French Left : Studies on Labor and Politics in France 1930 – 1982” (xb 1990), “The Burden of Responsibility : Blum, Camus, Aron and the French Twentieth Century (xb 1998)”, “A Grand Illusion? : An Essay on Europe” (xb 1996). Và đặc biệt cuốn “Postwar : A History of Europe Since 1945” (xb 2005), thì được tạp chí New York Times Book Review xếp lọai là “một trong 10 cuốn sách hay nhất trong năm 2005”.
Ở vào tuổi 16 – 20, Tony đã nhiều lần về Do Thái để tham gia xây dựng kibbutz ở nông thôn và làm cả việc phiên dịch cho các đòan thiện nguyện viên trong cuộc chiến tranh 7 ngày năm 1967. Nhưng sau đó, Tony đã có lập trường khác biệt với chính quyền Do Thái và trở về đi học lại để hòan tất học trình thi Tiến sĩ và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu và giảng dậy chuyên môn về lịch sử và chính trị cho đến khi lìa đời vào tháng 8 năm 2010 tại New York.
Năm 2003, Tony Judt đưa ra chủ trương “Một quốc gia – hai dân tộc” (A bi-national State) như là giải pháp cho cuộc tranh chấp Do Thái & Palestine – thì gặp phải sự phản ứng gay gắt trong công luận – khiến cho một vài tạp chí phải từ chối sự cộng tác của ông.
Về đời tư của gia đình, thì Tony Judt có hai người vợ trước đều đã ly dị. Sau cùng, ông sống đến cuối đời với bà vợ thứ ba tên là Jennifer Homans và có hai người con trai với bà này được đặt tên là Daniel và Nicolas.
2 – Timothy Snyder (sinh năm 1969)
Sinh trưởng tại Mỹ, Timothy Snyder theo học tại Đại học Brown ở Mỹ và tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ từ Đại học Oxford Anh quốc. Ông còn tham gia nghiên cứu tại Paris, Warsaw, Vienna và Đại học Harvard. Ông chuyên giảng dậy tại Đại học Yale về môn Lịch sử chính trị của Đông Âu hiện đại.
Ông cũng là tác giả của 5 cuốn sách đều được giải thưởng – trong đó cuốn sách nhan đề “Bloodlands : Europe between Hitler and Stalin” (Miền Đất Đẫm Máu) đã trở thành sách bán chạy nhất tại 4 quốc gia và được 10 nhà xuất bản xếp vào lọai sách hay nhất trong năm.
Timothy Snyder là người thông thạo rất nhiều ngôn ngữ Đông Âu, cụ thể như tiếng Nga, Ba Lan, Ukraine, Belorussian, Tiệp khắc và cả tiếng Yiddish của người Do Thái ở Đức và Trung Âu – đó là chưa kể tiếng Pháp và Đức. Sách của ông đã được dịch ra đến 20 ngôn ngữ khác. Chính Tony Judt đã xác nhận trong Lời cuối sách rằng : Với sự thông suốt về lịch sử và văn hóa Đông Âu, thì Timothy Snyder là phần bổ túc thật quý báu cho mình, mặc dầu Timothy trẻ hơn 21 tuổi so với Tony.
Tuy vậy, do sự khiêm tốn, trong cuốn sách này Timothy Snyder đã lọai bỏ bớt đi phần nói về tiểu sử của bản thân mình – cốt ý để cho Tony Judt đóng vai trò chính yếu trong việc hòan thành cuốn sách. Độc giả có thể nhận ra chi tiết đó ngay trên trang bìa sách, thì chữ Tony Judt cũng lớn hơn hẳn chữ Timothy Snyder – ông này tự coi như mình chỉ là ‘một tác giả phụ” của cuốn sách mà thôi.
II – Mấy nét chính yếu của tác phẩm.
1 – Có thể xếp lọai cuốn sách này là Lịch sử Tư tưởng Chính trị và giới Trí thức trong sinh họat chính trị của thế kỷ XX ở Âu châu – đó là một lãnh vực mà cả hai tác giả đều đã dày công nghiên cứu trong nhiều năm. Vì thế mà có ấn bản lại ghi thêm một nhan đề phụ nữa là : “ Giới Trí thức cà Chính trị” (Intellectuals and Politics) để bạn đọc chú ý hơn đến nội dung của sách. Phần Tự thuật của riêng Tony Judt có tác dụng minh họa cho những nghiên cứu cũng như về sự gặp gỡ trao đổi của ông với nhiều vị thức giả có tên tuổi trong giới học thuật đặc biệt xuất thân từ Đông Âu.
Cuốn sách được thành hình qua nhiều cuộc trao đổi đối thọai giữa hai vị giáo sư chuyên về môn lịch sử ở Âu châu thời cận đại – nên có tính chất linh họat của lối văn nói hơn là văn viết.
2 – Về mặt bố cục, sách được chia thành 9 chương với Lời Nói đầu của Timothy Snyder và Lời Nói cuối của Tony Judt do ông này viết tại New York vào ngày 5 tháng Bảy năm 2010 – chỉ mấy tuần trước ngày ông từ giã cõi đời vào tháng 8 năm 2010. Mỗi chương đều có nhan đề riêng biệt, điển hình như sau:
Chương 3: Familial Socialism: Political Marxist
Chương 5: Paris, California: French Intellectual.
Chương 6: Generation of Understanding: East European Liberal
Chương 7: Unities and Fragments: European Historian
Chương 9: The Banality of Good: Social Democrat.
Phần cuối sách còn có 6 trang kê khai rất nhiều tác phẩm được hai tác giả đề cập thảo luận tới trong các cuộc đối thọai. Cuốn sách thật hấp dẫn lôi cuốn đối với người đọc – vì trong nội dung mỗi đề tài thảo luận giữa hai tác giả, thì đều ghi xen lẫn cả nhiều chi tiết về quá trình sinh sống, gặp gỡ quen biết với các chuyên gia đày tài năng khác và cả sự miệt mài say sưa trong công việc nghiên cứu không biết mệt mỏi – đó là tính chất đặc trưng của Tony Judt.
3 – Vì chủ đề của những cuộc trao đổi thảo luận quá rộng rãi – bao quát nhiều khía cạnh của lịch sử tư tưởng và sinh họat chính trị tại Âu châu suốt trong thế kỷ XX, nên việc tóm lược cho thỏa đáng về những điểm cốt lõi của cuốn sách là một công việc hết sức khó khăn – nhất là lại phải gói gọn trong một bài giới thiệu không thể kéo dài quá 3,000 chữ như thường lệ. Do vậy, tôi chỉ xin nêu ra vài ba khía cạnh đặc trưng đáng chú ý nhất trong tác phẩm – đặc biệt đối với số người Việt vốn từng quen theo dõi tình hình sinh họat chính trị tại nước Pháp. Đó là nội dung được trình bày trong phần III sau đây.
III – Những khía cạnh đáng chú ý nhất trong cuốn sách.
A – Cách tiếp cận của người vừa ở trong cuộc, vừa ở ngòai cuộc. (Insiders/Outsiders Approach)
Như tác giả Timothy Snyder đã ghi trong Lời nói đầu, Tony Judt vừa là người trong cuộc, vì ông dấn thân họat động cụ thể trong một số lãnh vực như một người trí thức nhập cuộc (intellectuel engagé) – mà ông cũng còn là người ngọai cuộc, vì ông chủ trương theo đuổi cái viễn kiến rộng rãi hơn, thông thóang hơn của một nhà nghiên cứu lịch sử vốn đòi hỏi một tinh thần bao quát khách quan hơn. Điều này khác biệt với phong cách của một nhà viết tiểu luận (essayist) vì ông này cần bày tỏ lập trường nhận định của mình với sự xác tín và nhiệt huyết của cá nhân mình trong bài viết – mà không bó buộc phải cân nhắc đắn đo với những đối chiếu thận trong của một nhà viết sử.
Cụ thể là Tony lúc ở tuổi 16 – 20, thì đã từng về bên nước Do Thái để tham gia xây dựng tại các kibbutz. Nhưng sau này Tony lại có ý kiến khác hẳn với chủ trương của nhà đương quyền ở xứ này. Cũng vậy, Tony theo truyền thống Marxist trong gia đình, nhưng khi trưởng thành chín chắn, thì lại theo đường hướng Xã hội Dân chủ mà ông coi là nhân bản tốt đẹp hơn hẳn chế độ tàn bạo sắt máu trong hệ thống cộng sản do Liên Xô đứng đầu. Và nhờ tiếp cận thân thiết với giới trí thức lưu vong từ Đông Âu sau năm 1968, mà Tony có cơ hội thấu hiểu cặn kẽ hơn về cái bối cảnh tòan diện chính trị xã hội và văn hóa của cả hai phía Đông Âu và Tây Âu – điều mà ít có người thức giả thực hiện được.
B – Nhận định phê phán về Giới Trí thức của nước Pháp.
Là một nhà nghiên cứu lâu năm về tình hình chính trị cận đại của nước Pháp, Tony Judt đã trình bày những nhận xét hết sức rõ rệt sắc nét về giới Trí thức của Pháp trong thế kỷ XX. Tony thẳng thừng phê phán những trí thức thiên tả hàng đầu của Pháp như Jean Paul Sartre, Maurice Merleau-Ponty, Simone de Beauvoir … là những người cố chấp, thiên vị đến độ mù lòa (blindfully) đồng lõa với chủ trương tàn ác của Staline. Họ coi cách mạng ở Nga năm 1917 là sự tiếp nối của cách mạng Pháp năm 1789. Tony coi họ có tinh thần điạ phương cục bộ, khư khư bám víu vào cái hư danh của truyền thống cũ kỹ cổ xưa của mình (parochial). (Xin đọc chi tiết nơi cuốn “Past Imperfect : French Intellectuals, 1944 – 1956 – xuất bản năm 1992)
Trái lại, Tony Judt lại đề cao những trí thức như Léon Blum, Albert Camus và Raymond Aron là những người đã có sự dũng cảm đi ngược lại cái khuynh hướng thiên tả cố chấp của đa số trí thức đương thời – để nói lên sự cảnh báo trước nguy cơ bành trướng của khối cộng sản Liên Xô kể từ sau năm 1945. Ông đã viết cả một cuốn sách nhỏ xuất bản năm 1998 dưới nhan đề là “The Burden of Responsibility…” đề cập chi tiết hơn về ba nhân vật này.
Trong cuộc đàm đạo với Timothy, thì Tony còn thuật lại vào tháng 2 năm 1948, cựu lãnh đạo Mặt trận Bình Dân ở Pháp năm 1936 (Front Populaire) là chính Léon Blum đã phải viết trong bài xã luận của tờ báo Le Populaire của Đảng Xã hội rằng : Ông nhận sự sai lầm của mình khi tin rằng phe Xã hội có thể hợp tác với phe Cộng sản” (trang 214).
C – Về chính sách kinh tế, Tony Judt bênh vực John Maynard Keynes.
Giữa hai quan điểm đối nghịch của John Maynard Keynes là kinh tế gia người Anh giữa thế kỷ XX và của Friedrick Hayek người gốc Áo quốc gần đây, thì Tony Judt có vẻ thiên về tác giả Keynes là người cổ võ cho chính sáchTòan dụng trong nền Kinh tế Vĩ mô (Full Employment in Macro-economics) – mà ông coi là bổ túc cho khuynh hướng của chủ trương kế họach hóa do Sir William Beveridge đề xuất ở nước Anh. Tony biện minh rằng chủ trương của Keynes có tính cách mềm dẻo linh động, chứ không có sự khe khắt khắc nghiệt làm tê liệt sáng kiến của giới doanh nhân – như Hayek đã nặng nề phê phán, đặc biệt trong tác phẩm nổi danh “The Road to Serfdom” của ông (Con Đường dẫn đến Sự Nô dịch).
Tony coi trọng thành quả của Tây Âu là đã xây dựng vững chắc được các định chế dân chủ và đặt nền móng sâu rộng cho một số quốc gia có nền phúc lợi xã hội khả quan (The Social Welfare State). Đặc biệt là sự thành công của chế độ dân chủ Xã hội tại các quốc gia ở Bắc Âu châu (Social Democracy).
IV – Để tóm lược lại.
1 – Tuy chủ đề của cuốn sách quá rộng lớn bao quát, nhưng vì nội dung của các buổi thảo luận được trình bày xen kẽ với nhiều chi tiết sinh động về tiểu sử có tính cách tự thuật của Tony Judt, nên người đọc dễ theo dõi câu chuyện với sự thích thú kỳ diệu mà lại nhẹ nhàng. Cả hai tác giả đều là những nhà giáo – nhà nghiên cứu uyên bác và đã từng có những tác phẩm được đánh giá cao trong học giới cũng như trong công chúng độc giả. Vì thế, sự trình bày của họ trong cuốn sách thì rất là phong phú khúc chiết – nó giúp chúng ta có được một cái nhìn tổng hợp về tư tưởng và hành động của giới trì thức tiêu biểu tại Âu châu trong thế kỷ XX. Có thể nói các tác giả đã cung cấp cho người đọc một thứ lộ đồ (a road map) để khám phá cái không gian tư tưởng cực kỳ bao la đa dạng và phức tạp của thế kỷ XX.
2 – Đúng như nhan đề của bài viết, cuốn sách này là một thứ tự thuật của Tony Judt về quá trình nhập cuộc của bản thân mình trong sự tìm kiếm một giải pháp thỏa đáng cho xã hội đương thời. Mà đồng thời cũng trình bày những nét chính yếu về vai trò của tòan thể giới trí thức ở Âu châu trong sinh họat chính trị văn hóa suốt thế kỷ XX. Các tác giả đã bày tỏ sự lạc quan và xác tín của mình trước viễn tượng của một nền Dân chủ Xã hội mà các thế hệ trẻ của thế kỷ XXI có thể xây dựng được – sau khi rút kinh nghiệm từ những thất bại của các thế hệ đàn anh của thế kỷ XX.
Người viết xin hân hạnh được giới thiệu với quý bạn đọc cuốn sách rất hấp dẫn lôi cuốn và cũng thật có giá trị vững chắc này vậy./
Costa Mesa, Tháng 12 năm 2012
© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt
Tại sao họ có thể nhìn ra tương lai trong hàng núi vấn đề và tiến đến điều họ thường mơ ước, không để ý đến những đòn đánh ác nghiệt của số phận, trong khi đó những người khác hành động một cách tuyệt vọng, luôn luôn sai lầm, và cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu? Nhiều năm về trước Napoleon Hill trong lúc nói chuyện với Andrew Carnegie – một trong những người giàu có nhất hành tinh – cảm giác như mình đã thấy được sự loé sáng của Điều bí mật vĩ đại này. Carnegie khuyên Hill nên phân tích các phương pháp mà những người nắm được bí mật này đã sử dụng, và đưa ra công thức thành công để làm mẫu và thí dụ cho toàn thế giới. Cuốn sách này mở ra Điều bí mật và đưa ra Kế hoạch hành động. Từ năm 1973 cuốn sách này đã trải qua 42 lần xuất bản và vừa ra đã hết ngay lập tức. Lần xuất bản này có bổ sung thêm nhiều tư liệu mới, trong đó có cả việc tóm tắt lại phần đã trình bày trong mỗi một chương. Rốt cục, cuốn sách này chỉ ra con đường duy nhất đúng để khắc phục tất cả các chướng ngại vật, đạt tất cả các mục tiêu đã đặt ra và thành công, giống như trong phim ảnh, đến với bạn từ con sông bất tận của thời gian.