Ba Lan Du Ký: Warsaw, Thành Phố Sống Dậy
Tôi đến thăm thủ đô Warsaw của Balan trong một chuyến du lịch Đông Âu dài ngày. Từ lâu Ba lan đối với tôi là niềm cảm mến chân thành về một dân tộc bị trị đã quả cảm đứng lên thực hiện cuộc nổi dậy chống bạo cường Đức quốc xã vào thế chiến thứ hai. Nhưng trời không chiều lòng người và hơn 200 ngàn dân Ba Lan đã bị tiêu diệt trong cuộc tắm máu đó. Họ tin tưởng vào lời hứa hẹn của liên minh Nga và bị phản bội dù quân Nga đã đến đóng bên kia sông Wisla. Đoạn hồi ký lịch sử Ba Lan này đã được quay lại trong cuốn phim “Pianist” với nhân vật Wladyslaw Szpillman. Anh là một nhạc công dương cầm tài năng mang hai dòng máu Ba Lan-Do Thái và bắt đầu bi kịch đời mình khi quân đội Nazi bỏ bom như trút nước xuống Warsaw, rồi tiến chiếm Ba Lan. Cuộc đời tù túng, trốn chạy không ngừng trước những săn đuổi ráo riết của quân Đức chẳng làm phai nhoà niềm đam mê, bầu nhiệt huyết cháy bỏng của anh với âm nhạc. Vào tháng 11 năm 1940, anh là nhân chứng sống thấy được những cảnh man rợ, ngược đãi con người không nhân tính trong trại tập trung người Do Thái (Warsaw Ghetto), ở Warsaw, nơi có giam cầm cha mẹ anh. Anh cũng chứng kiến cuộc nổi dậy và những thây người ngã xuống khi dân chúng Ba Lan bị thất bại và đàn áp. Những người Do Thái cũng bị tập trung ở đây trước khi đưa qua phòng hơi ngạt.
Tôi cũng không thể quên nhân vật Abel Rosnovski người Ba Lan trong tác phẩm bán chạy nhất khắp thế giới năm 1979 “Kane & Abel” của Jeffrey Archer. Cuốn tiểu thuyết gây nhiều ấn tượng với độc giả, xoay quanh hai nhân vật sinh ra cùng thời điểm, từ hai hoàn cảnh sống, hai số phận khác nhau, lớn lên cùng đạt thành công trong cuộc sống nhờ vào sự quyết tâm. Tuy nhiên nhân vật Abel là người cùng khổ từ lúc lọt lòng, nhờ thông minh lại có nhiều nghị lực đấu tranh nên sống còn sau cuộc chiến giữa Đức và Ba Lan. Abel đến được Hoa Kỳ lập nghiệp và leo đến tận cùng của đỉnh danh vọng. Độc giả có thể nhận ra Abel như một người mẫu điển hình trong rất nhiều người di dân Ba Lan đã di cư đến New York, hay Chicago Hoa kỳ vào những năm cuối đệ nhị thế chiến. Họ bị ly tán đi khắp thế giới và chăm chỉ cần cù lập nên sự nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Warsaw hay Warszawa, cái tên được tạo bởi Wars (người đánh cá), và Sawa (nàng tiên cá trên sông Wisla) là thành phố lớn nhất cũng là thủ đô của Ba Lan, một trong những trung tâm thương mại phát triển nhất của Đông Âu. Thành phố Phương Hoàng (một tên khác của Warsaw) này là một kết hợp của nhiều kiến trúc. Gồm các nét nghệ thuật Gô-tích (Gothic) trước Trung Cổ, thời Phục Hưng với Renaissance, kiểu La Mã với Ba-rôc (baroque) và pha trộn cả Hy Lạp cổ với Neoclassical nữa. Đồng thời những toà nhà mang nét kiến trúc Nga cũng hiện diện, điển hình là Cung Văn Hoá.
Theo chân đoàn du lịch, chúng tôi đi thăm vùng cố đô(old town) của Warsaw. Sau hai cuộc thế chiến, Phố Cổ như một bãi hoang địa hư hỏng đến 85%, giờ đã rùng mình sống lại, đẹp hơn, trang nhã hơn trong nét kiến trúc có hơi hướng hội họa cổ điển Canalletto, nửa nguyên thủy, nửa tân tạo, bừng sáng lóng lánh tươi. Nhìn vẻ hài hoà, màu sắc nhu hợp nhưng không thiếu dáng uy vĩ của các ngôi lầu đài, cung điện, thánh đường, du khách không thể không cảm phục tinh thần bất khuất của người dân Ba Lan. Họ đã xây dựng, tái thiết lại đô thị của họ bằng tiền quyên góp của người dân. Lòng yêu nước, nỗi tự hào dân tộc đã nuôi sống các cuộc trùng tu cố đô bắt đầu từ những năm 1950. Riêng cung điện Hoàng Gia khởi sự sau năm 1970. Nhờ những bản vẽ và hoạ đồ từ thế kỷ 18 còn để lại, việc kiến thiết trở nên dễ dàng hơn. Cư dân phần lớn dời về Phố Mới(new town), nhường lại Phố Cổ cho thương mại cùng những dịch vụ du lịch vì số lượng du khách ngày càng tăng.
Chúng tôi vào trong Cung Điện Hoàng Gia và được nhìn tận mắt kiến thiết huy hoàng của cung điện với những hoa văn trang trí khi thì mạ vàng, khi thì dịu nhẹ, tươi mát với sắc xanh lục êm êm. Tường phần lớn trần thiết với những bức tranh hoạ quang cảnh của đô thị Warsaw xưa do các hoạ sĩ thế kỷ thứ 19 vẽ lại. Các câu chuyện và biến cố lịch sử qua các triều đại được miêu tả và tường thuật tỉ mỉ bằng các cây cọ lừng danh của Ba Lan.
Tôi được đi lại trên con đường có lát đá (hầu hết những con đường cổ ở Âu Châu đều lát đá) thật râm mát với những vòm dẻ gai rụng trái khắp nơi. Lạ, Âu châu nơi nào cũng có loại cây mang thứ trái xù xì gai như chôm chôm này. Mỗi lần trái chín khô rơi xuống, cái hạt dẻ nâu bên trong lại mở ra, trông rất ngon mắt. Chim chóc rất thích hạt dẻ gai, nhưng con người ăn nhiều không được vì nó chứa chất độc tannins. Hồi thế kỷ thứ 19, người Anh đã dùng dầu của nó để xào nấu và đốt đèn. Con đường Hoàng gia này là một trong những đại lộ rộng nhất của châu Âu, nối Công viên Lazienki đến Thành Cổ. Ngày xưa chỉ có vua chúa và các gia đình quý tộc mới được đi. Nó dẫn đến các kiệt tác kiến trúc – nhà thờ, cung điện, nhà hát – đã được xếp hạng của thủ đô xứ Ba Lan. Đó là Cung điện Hoàng gia Warszawa tại Quảng trường Thành cổ, nơi sừng sững và vươn cao bức tượng vua Zygmunt Đệ nhị trên chiếc cột đá cao 22 mét; đây chính là vị vua đã dời thủ đô Ba Lan từ cố đô Cracow về Warszawa vào thế kỷ XVI. Sau này trong thời Nga chiếm đóng con đường chỉ dành cho những chức sắc và gia đình có quyền hành trong Đảng mà thôỉ. Khu quảng trường coi như Paris thu nhỏ này cũng là nơi tổ chức các buổi hội họp và lễ lạc thời Liên Bang Sô Viết thống trị. Cũng chính nơi này chúng tôi được xem những bức ảnh chụp và tận mắt thấy những lóng xương giày dép, vật dụng của những người Do Thái bị thảm sát ngày trước. Khi dân Ba Lan tái thiết thành phố, họ đã khai quật và tìm thấy xương cốt cũng như dấu vết của các sắc dân Do Thái, Ba Lan, Ukraine đã bị giết.
Sau đó chúng tôi có đến thăm đài tưởng niệm cuộc nổi dậy dành độc lập tháng 8 năm 1944 với những bức tượng điêu khắc tường thuật lại diễn biến cuộc chiến. Hình ảnh quân Ba Lan chui lên từ những đường hầm đã bị quân Đức bắt, được mô tả tỉ mỉ qua các bức tượng. Người hướng dẫn viên du lịch không ngần ngại bày tỏ nỗi phẫn uất lịch sử qua tấn bi kịch gần nửa thế kỷ, từ năm 1944 tới năm 1989, dân tộc Ba Lan cay đắng với thân phận vừa thoát khỏi ách phát xít lại rơi vào ách của hệ thống toàn trị cộng sản do Liên Xô đứng đầu.
Norman Davies, sử gia Anh, đã nói trên nhật báo Ba Lan Dziennik:
“Một số vấn đề lịch sử của Ba Lan cho đến ngày hôm nay bị làm ngơ khủng khiếp ở phương Tây. Câu hỏi đặt ra là làm sao đánh động được hàng triệu người không phải là kẻ thù của lịch sử Ba Lan, mà đơn giản là họ không biết gì cả. “Katyn” không hợp với sự mường tượng của họ về Thế chiến II: phía Thiện, tức là những người chống lại Đức Quốc Xã – và chỉ một phía Ác: phát xít Hitler. Sự thể là, trong cùng thời gian ấy còn một bạo chúa hãi hùng khác, đó là Liên Xô – mà trong thực tế người ta có biết đến nhưng rất hời hợt. Sau khi Đức đổ bộ, Ba Lan còn bị cả quân Xô Viết tấn công”.
Viếng thăm một quốc gia, du khách không những được mục kích những kiến trúc, đền đài, cung điện, phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, thơ mộng, du khách còn được hiểu biết thêm về văn hoá, kinh tế và chính trị của nước đó. Bi kịch lịch sử của Ba Lan là một bài học quý giá cho những sử gia thế giới và những ai ưa thích môn lịch sử muốn tìm hiểu thêm. Ba Lan còn nhiều nơi chốn và nhân vật lừng lẫy sẽ được nhắc đến trong bài viết tới của chương ký sự Ba Lan này, xin độc giả đón đọc.
Trịnh Thanh Thủy (Tuần báo Online Texas)