WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hạt ươm hư [Kết]

Kết.

Đêm.

Những vì sao lung linh trên nền trời cao đen thăm thẳm. Căn lầu lớn hai tầng, cũng là đồn Công an vũ trang tọa lạc trên một con dốc nhỏ, gần như im lìm. Tầng trên cuối dãy căn lầu, qua khung cửa hẹp, hắt ra một gam màu, vàng leo loét. Thứ leo loét của bóng đèn yếu điện. Ở đó, thi thoảng vọng xuống tiếng gõ lạch cạch của con cờ di động lẫn tiếng cười nhẹ, nhưng hả hê. Còn lại, hầu như tất cả chìm lặng trong màn đêm. Căn lầu kế bên là của Quân đội nhân dân, cũng thế. Đây là hai căn cứ chiến lược tại đảo Bình Ba, Cam Ranh của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trú đóng trước 1975.

Tuấn ngồi tầng dưới ngay bậc tam cấp cuối cùng. Anh xem đồng hồ. 1 giờ 25 sáng.

Tuấn cố kéo dài ca trực, cho tới khi khởi hành – chuyến ra khơi. Thăng đã chia ca gác cho lính. Đến 2 giờ của Hưng và 3 giờ của chính Thăng. Nếu không có gì thay đổi, Tuấn sẽ ngồi canh chừng cho hai bạn làm việc dưới tàu. Đêm nay, ông thiếu tá trưởng đồn dẫn gã Quang sang làng bên công tác. Tuy nhiên, một phiền hà khác, ông thượng úy phó đồn mới trở về, sau hai tháng nghỉ phép ngoài Bắc…

Sau bữa cơm chiều, Thăng thông báo, đêm nay phải cấp tốc ra đi. Mọi kế hoạch coi như dở dang. Hải bàn, hải đồ vẫn còn nằm trong rương hòm cá nhân của anh hậu cần giữ kho quân vụ, không lấy cắp được.

Câu chuyện xẩy ra đêm hôm trước.

Trong tuần lễ trước khi đi, Tuấn vào làng mua một tút thuốc lá và một lố hộp quẹt. Lúc bước ra cửa hàng mậu dịch, Tuấn đụng đầu ông thiếu tá. Ông nhìn chăm chăm vào tay Tuấn, hỏi:

- Đồng chí làm gì mua lắm thuốc thế?

- Thưa đồng chí, gia đình vừa gửi tiền cho.

Ông chỉ hỏi rồi đi vào cửa hàng. Nhưng kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề công an, ông thiếu tá già đã đánh hơi điều khác lạ.

Sau phiên gác nửa đêm về sáng, Tuấn vào giường, súng dựng sát cái “hòm” (*) cá nhân theo bắt buộc, phòng khi có lệnh tập trung khẩn cấp.

Chợp mắt không lâu, Tuấn giật mình choàng dậy, sau một hồi kẻng báo động liên tục. Phản xạ tự nhiên đầu tiên của thằng lính, anh quơ tay lấy súng trước khi xỏ đôi giầy vào chân. Cây súng đã mất tự bao giờ! Anh bàng hoàng, nhìn quanh quất thật nhanh dưới ánh đèn lù mù từ ngoài hành lang chiếu hắt vào, trong lúc kẻng báo động hối thúc hơn. Biết có tìm cũng vô ích, Tuấn xỏ giày, vai ba lô, khoác áo thật lẹ, chạy ra sân tập trung. Bộ đội đã có mặt, Tuấn lúp xúp vào hàng. Ông thiếu tá hầm hầm:

- Trễ thế cơ à? Súng của đồng chí đâu?

- Báo cáo đồng chí. Tôi đang ngủ, choàng dậy tìm súng, không còn thấy ở đó nữa.

- Súng đạn phải luôn luôn bên mình như con, mà nì. Làm thế nào đồng chí để mất súng? Đồng chí nào trực ca, sau đồng chí Tuấn?

Gã Quang bước ra khỏi hàng, báo cáo. Ông thiếu tá ra quân lệnh:

- Trói đồng chí Tuấn lại cho tôi tính việc.

Gã Quang thọc tay vào túi quần lấy sợi dây dù. Gã bẽ quặt hai hai tay Tuấn ra sau, nghiến răng trói. Tuấn rên nho nhỏ. Thật dã man! Mới ban nãy còn đồng chí, đồng rận khi ký tên giao ban, nay nó trở mặt nhanh cun cút, chẳng khác chi… lũ việt cộng!

Đám bộ đội yên lặng, người ái ngại cho Tuấn, đứa coi như chẳng thấy gì trong đêm tối. Không khí nặng nề. Đám lính chờ ông trưởng đồn xử việc nước. Thăng thấy bất nhẫn đứng ra:

- Tôi có một điều muốn báo cáo đồng chí thủ trưởng và các đồng chí có mặt đêm nay. Sự việc thế này. Sau khi gác ca lúc 2 giờ sáng, đồng chí Tuấn vào ngủ, súng mới bị mất. Nghĩa là trách nhiệm này do người kế tiếp canh gác không được nghiêm ngặt, mới xẫy ra chuyện. Tại sao trói đồng chí Tuấn? Như vậy bất công, vì chúng ta chưa xử cho minh bạch.

Gã Quang:

- Tôi canh gác rất nghiêm ngặt!

Thăng trầm giọng:

- Đồng chí canh gác nghiêm ngặt, sao lại xẫy ra trình trạng mất súng đáng nghi ngờ? Đó là điều thậm vô lý. Hoặc trong khi gác, đồng chí không cảnh giác cao, để làm mất súng. Súng mất được, vậy địch vào đồn thì sao?

Gã Quang ú ớ:

- Hay là đồng chí Tuấn lấy súng bán?

Đám bộ đội nhốn nháo xì xầm. Thăng giận dữ, ngẩng cao mặt nói lớn trong đêm:

- Mọi người đã nghe đồng chí Quang vừa phát biểu? Nếu đồng chí Tuấn, có ý định bán súng cho ai đó, vậy kẻ mua súng – chính là kẻ phá hoại, là địch. Như vậy, có nghĩa, địch vào đồn công an mua súng lúc ba giờ sáng! Vậy ai thông đồng với địch trước? Ai đã gác cho đồng chí Tuấn bán súng sau phiên trực có “giao ban” hẳn hoi? Thăng ngừng nói, nhìn mọi người, tiếp:

- Nếu đồng chí Tuấn không bán súng cho địch, thì chỉ còn vấn đề là mất súng. Mà nếu mất súng, sau ca trực có “giao ban” hẳn hoi, như vậy mọi trách nhiệm do đồng chí Quang gánh lấy, chứ không phải đồng chí Tuấn. Đồng chí Quang đã ký vào sổ “trực ban” lúc ba giờ sáng, phải không?

Ông thiếu tá tự nãy giờ nhìn Thăng căm căm. Bấy giờ, ông lên tiếng:

- Thôi, không cãi nữa mà nì! Thả đồng chí Tuấn ra. Tôi sẽ điện về cho trung đoàn Tỉnh giải quyết việc mất súng này. Tan hang. Rõ!

Quang đứng cạnh Tuấn, tức tối bỏ đi. Thăng bước tới cởi trói cho bạn, nói khẽ:

- Chuẩn bị đi là vừa! Ổng gửi về Tỉnh là hết đường chạy.

Sáng hôm sau, Tuấn lấy ba lô bỏ mọi thứ cần thiết cho chuyến ra khơi. Anh khám phá, tút thuốc lá Vàm Cỏ và lố hộp diêm không cánh mà bay. Tuấn cho Thăng hay, hắn bảo:

- Đó là một chứng cớ khó thoát tội! Thôi, đi càng sớm càng tốt.

Tiếng lê bước xé toẹt cái đêm ác nghiệt vừa trôi qua, Tuấn giật mình đứng dậy như sợ ai đó đọc được ý nghĩ trong đầu. Thăng đi tới:

- Chuẩn bị tinh thần chưa Tuấn? Giờ hành động sắp bắt đầu! Mọi sự trên này trông vào cậu đó. Bây giờ, tôi và Hưng xuống sang dầu từ chiếc tàu lớn qua chiếc nhỏ. Canh gác cẩn thận!

- Sao không lấy dầu từ ‘phuy’ có phải dễ dàng hơn?

- Ống bơm dầu để ở trong kho hậu cần. Vả, trên nguyên tắc, bình dầu trong tàu không bao giờ được bơm hơn nửa. Thời giờ gấp quá làm sao lo cho kịp. Để chậm, tụi nó giải cậu về Tỉnh, là hết hy vọng.

- Liệu nhiêu đó dầu, có đủ chạy không?

- Dư sức qua biển. Máy mới không uống dầu bao nhiêu. – Thăng mỉm cười tự tin.

Tuấn móc gói thuốc mời bạn. Thăng lấy điếu thuốc mồi lửa, quay gót. Chợt Thăng quay lại:

- Này Tuấn! Phải coi chừng ông thiếu úy Huy ‘đù’ đó nghen. Mấy ổng còn đánh cờ ở trển. Có gì báo động lập tức.

Thăng xuống tàu. Một bóng đen lướt nhanh từ góc phòng tuần biển sát bên phòng chỉ huy đồn. Đó là Hưng.

Biết rằng thời gian rất hạn hẹp trong đêm nay, Tuấn vào phòng lấy những lá thư đã viết trưa nay. Anh bước xuống ngồi ở bực thềm, lấy lá thư viết cho anh Quyền đọc lướt nhanh lần nữa, dưới ánh đèn tù mù.

Từ dưới dốc, Thăng hối hả bước, người ngả về trước lấy thăng bằng. Hắn bước lẹ trên con dốc nhỏ khá cao và đầy sạn nhỏ. Tuấn hỏi bạn lên có việc gì, Thăng bảo lấy vài thứ cá nhân cần thiết đem theo và bảo bạn:

- Tụi mình đi quá bất ngờ, nên thực phẩm chưa kịp mua dự trữ, đành phải lấy củ mì lát phơi khô, đem theo. Cậu lấy ba lô đựng mì càng nhiều càng tốt, phải nhanh gọn, coi chừng tụi nó thấy. Trong vòng một tiếng nữa tụi mình sẽ khởi hành, cái gì muốn đem theo, cậu mang xuống hết để đâu đó, tới chừng đi là có liền.

Nói dứt, Thăng quày quả đi về phòng. Nhiệm vụ của Thăng là hằng đêm, thỉnh thoảng đi dạo vài vòng kiểm soát bộ đội canh gác. Vì thế, Thăng đi nửa đêm chẳng ai buồn hỏi. Tuấn ậm ừ và bắt đầu run. Khi chưa làm, anh thấy cái gì cũng dễ, nhưng khi đụng vào mới biết khó!

Thăng đi khá lâu, Tuấn mới lấy lại bình tĩnh. Anh lên lầu, vào giường cá nhân lấy mọi thứ, từ cái gương nhỏ để trên “hòm” rương, cây viết, hình ảnh thời học sinh, chứng chỉ học bạ mà Tuấn lấy từ nhà trường.. Nay nghe Thăng nói vậy, Tuấn bỏ tất cả quần áo ra, chỉ nhét vài thứ cần thiết, để lấy chỗ đựng mì lát, rồi trở về ngồi gác. Tuấn nhìn dáo dác, đi tới căn phòng nhỏ bỏ trống, dùng để chứa những thứ lỉnh kỉnh trong đồn và chứa củ mì lát. Anh bốc thật vội, bỏ mì vào gần nửa cái ba lô; chợt nghe tiếng chân đi xuống thang lầu, đầu dãy hành lang. Tiếng trở mình của phiến gỗ mục rệu rạo giữa đêm đen thanh tịnh, Tuấn nghe như một tràng súng nổ thật gần. Tim anh đập càng tợn hơn. Tuấn ném ba lô vào một góc khuất nhất, vờ nhìn quanh. Vừa khi ấy, thiếu úy ‘đù’ Huy bước tới bậc cửa. Tuấn đi ra, kềm hãm trái tim đang đập mỗi lúc một hỗn loạn khi thấy Huy đứng đó, trùng trục độc nhất cái quần cộc.

- Đồng chí làm gì thế?

- Lũ chuột vào đây quấy quá, tôi xua chúng.

Huy im lặng, bỏ đi. Tuấn càng hãi. Anh kéo dài thời gian.

- Đã gần hai giờ sáng, sao đồng chí chưa ngủ? Đồng chí Linh đâu?

Linh là người Nam, rất khoái đánh cờ với Huy. Cả hai tuy không hợp nhau, nhưng những lúc buồn thường kêu nhau ơi ới.

- Hắn ngủ rồi. – Và Huy than. – Trời càng về khuya, càng nóng tợn. Khiếp thật cái xứ miền Nam các anh, dù gần biển! Tớ xuống giếng tắm cho mát trước khi đánh một giấc thật ngon.

Tay chân Tuấn chợt lạnh ngắt. Một luồng nhân điển, chạy suốt từ hai chân lên ngang sống lưng và dội lên đầu, hừng hực lửa. Cái giếng nhỏ, nhưng lắm nước nằm giữa con dốc từ đây xuống bến tàu không quá trăm thước.

Huy ra giếng tắm. Ôi, sao kinh khiếp thế! Đến bấy giờ, dường như sự sợ hãi, nơi Tuấn, không còn nữa. Anh phải giết Huy. Ý nghĩ ấy lởn vởn trong đầu, nhưng Tuấn còn chùn. Tuấn lần tay bật lưỡi lê. Tay run run, tim đập liên tục, hai thái dương giựt giựt như muốn xô anh ngã xuống bất cứ lúc nào. Đâm Huy một dao là xong chuyện chớ gì! Nghĩ thì dễ, có làm được không? Giết người? Ghê gớm quá! Trời ơi! Tôi sắp giết người? Lần đầu tiên Tuấn có ý nghĩ giết người. Tiếng thét ai oán khi con người bị đâm lén sau lưng, sau ót hay bất cứ nơi nào… Nó như thế nào? Tuấn chưa từng nghe, nhưng biết có lẽ tiếng thét ấy chắc khủng khiếp lắm! Có thể là, giống như tiếng thét của con lợn bị thọc dao vào cổ, anh từng thấy và ghê tởm của thời thơ ấu? Có thể lắm! Người và lợn tuy hai giống khác nhau, nhưng tiếng thét ai oán, tuyệt vọng chắc là như nhau? Tuấn chợt nhớ cái chết của Bảy Rắn, người cùng xóm, cách đây hai năm ngày mới giải phóng. Tiếng thở ặc ặc, đau đớn trong cổ họng ông, cùng cánh tay như bắt chuồn chuồn lúc sắp chết. Nhưng đó là một cái chết ngọt và nhanh bằng súng! Còn con người chết bằng dao? Tuấn chưa từng nghe… Anh đắn đo, chưa xác quyết bằng hành động.

Khi Huy bước chân xuống bậc tam cấp đầu tiên, rồi bậc thứ hai, thứ ba… Tuấn ngẩn ngơ và trách mình sao chẳng ra tay. Ta sợ chăng? Hay Ta vẫn là Ta? Cái Ta của bản thể thánh thiện trong suốt như tờ giấy trắng của một thời thơ ấu, nơi đất địa Diên Khánh hiền hòa, dù rằng anh đã được huấn luyện thành một tên công an cộng sản khát máu!. Mà suốt cuộc chiến tranh, cả đất nước tan hoang, nhưng Tuấn chưa từng thấy ở quê anh?

Chợt Huy bước ngược trở lại. Tuấn hoảng hốt theo phản xạ tự nhiên.

Anh lùi người lại, bấm ngón tay trỏ xiết cò. Anh biết, anh xiết mạnh lắm! Đạn AK mà nổ gần thế này, nó ghim nát bấy thân thể Huy! Tuấn chờ cái thân thể kia đổ ập xuống, như anh đã từng thấy dạo nào. Tuấn chờ, và anh ngơ ngác…

- Ôi chao! Cái chốt an toàn, “nó” đóng mẹ mất rồi! – Tuấn vừa mừng, vừa sợ.

Huy ngạc nhiên, nhìn Tuấn:

- Cậu làm sao thế?

Tuấn đứng im, kềm thân thể đang run. Huy cười cười:

- Tớ đãng trí thật! Đi tắm mà lại không lấy cái gàu.

Đúng là thằng cha này ‘đù’ thiệt, chớ không phải như lời bộ đội giễu gã chơi cho vui miệng lúc buồn. Thủ dâm cho lắm vào! Làm ông xém bắn bậy. Sợ dái muốn chạy lên tới cổ. Một ý nghĩ thoáng trong Tuấn. Anh vui vì biết mình chưa giết người! Ừ, giết người cũng dễ lắm chớ! Cứ run, cứ hoảng hốt tột độ và cũng có lẽ cứ tàn bạo… Và, tất cả chỉ còn là: nhắm mắt và bóp cò! Là làm xong hành động ác độc chưa muốn làm ấy.

Khi Huy bước vào trong căn phòng nhỏ bỏ trống lấy gàu nước, Tuấn nhặt hòn đá để sẵn bậc tam cấp, ném xuống bến tàu như lời Thăng dặn trước. Một tiếng ‘Kẻng!’ va chạm vào sắt thép kêu khá lớn. Vừa khi ấy, Huy bước ra tay cầm cái gàu, nhìn thấy Tuấn vừa buông tay, gã ngạc nhiên:

- Cậu ném gì?

- Cú! Con cú lớn trên cành cây. Tôi ném cho nó bay khuất mắt.

Như trả lời hành động của Tuấn, một tiếng cú rúc trong đêm lảnh lót đến rợn người. Ở cái đảo cô độc này lắm cú mèo. Huy lặng thinh, không vòng vo như tánh của anh, xách gàu đi xuống giếng. Tuấn lại mất bình tĩnh. Anh lại mở chốt an toàn, ghìm súng định bóp cò! Cái ám ảnh giết người hiện lại nơi anh! Không giết hắn, lỡ xảy ra chuyện? Vậy giết? Vậy không? Từng câu hỏi cứ chạy ngược xoáy trong đầu Tuấn như điện xẹt. Lần này, súng đã mở khóa rồi. Bấm cái cò một cái là xong! Phải! Dí cây súng sau lưng Huy, nhắm mắt lại và bóp cò. Tuấn nhắm mắt… Một ý nghĩ choàng thức ở anh! Phải! Cái tiếng vang lớn vừa rồi có lẽ Thăng, Hưng đã nghe? Anh lại thôi, chần chừ. Tuấn loay hoay như còng tìm lỗ. Anh nhìn đăm đăm cái lưng trắng hếu của Huy xa dần trong bóng đêm, thầm khấn vái trời đất, định liệu.

Tiếng Huy khúc khắc ho, tiếng nước xối vang rõ mồn một trong đêm, khiến Tuấn ướt đẫm cả vạt lưng áo.

Giữa lúc tinh thần Tuấn như sắp nổ tung, Hưng lù lù dẫn xác đi lên. Hắn đi ngang nhiên như không có việc gì xảy ra, lại hút thuốc. Thằng cha này lì thiệt! Tuấn lầm bầm. Khi Hưng đến nơi, Tuấn ngửi mùi dầu thô, toát ra từ thân thể hắn.

- Ông không thấy cha Huy đang tắm ở dưới giếng, còn đi lên? Lại nữa, tôi đã báo động bọn ông. Ông ẩu thấy mẹ, cha Thăng cũng vậy! Người ông toát ra toàn mùi dầu thô, không chừng cha Huy ngửi được thì chết mẹ ba đứa.

Hưng đưa cánh tay áo lên mũi:

- Vậy à? Bị té một cú đau thấy ông bà ông vải. Mày không nghe cổ nhân nói: chỗ nào nguy hiểm nhất, chỗ đó an toàn nhất, sao?

- Lúc này ông còn bỡn cợt, tôi hổng biết nói sao.

Hưng nghiêm mặt:

- Nếu cha Huy hô hoán, mày bắn ngay, rồi chạy xuống tàu, tính sau.

Tuấn gật đầu, ngón trỏ đặt luôn vào cơ bẩm không rời. Nghĩ sao, anh lại khóa cái khóa an toàn. Hưng hỏi Tuấn đã lấy mì lát chưa, anh gật đầu ngu ngơ. Hắn bảo:

- Bấy nhiêu đó đủ rồi. Chờ khi cha thiếu úy ‘đù’ đi ngủ, rồi chuẩn bị xuống tàu ra khơi. Chúc may mắn.

Tuấn hối Hưng đi cho lẹ, vì mùi dầu thô mỗi lúc mỗi nặng, thoang thoảng trong gió.

Huy đi lên, thắc mắc hỏi Hưng vừa đi đâu về, vẽ lơ là. Đoạn anh nói:

- Thôi, tớ đi ngủ.

Đêm nay, lần đầu tiên và cũng là lần cuối Huy lúc nào cũng cậu tớ. Không đồng chí này, đồng chí nọ như mọi ngày. Anh vừa thắng bàn cờ? Hay vừa nhận được thư gia đình, người yêu? Con người đôi lúc dễ yêu đến lạ lùng! Đôi lúc, cũng muốn giết chết họ đi cho thật lẹ? Tuấn không muốn suy nghĩ vẩn vơ nữa, anh chỉ ngạc nhiên, mùi dầu thô còn thoảng trong khí trời, Huy không ngửi thấy?

Huy bị ngạt mũi? Hay: Trời, Phật, Thánh, Thần; linh thiêng phù hộ?

Thật tào lao, khi một thằng cộng sản, còn biết nghĩ đến sức mạnh siêu linh của Thần quyền!? Tuấn mỉm cười tự diễu mình.

Trong bóng đêm đồng lõa, Hưng đi nhanh xuống bến tàu, tay trái cầm cây phóng lựu B41, tay kia xách cây trung liên RPD. Trên vai, trên ngực, cổ Hưng, loòng thoòng những dây đạn.

Hưng mang súng đạn xuống bến tàu thật nhanh và trở ngược lại dãy lầu cũng thật lẹ. Lúc này, mới tỏ rõ sức chịu đựng và cái mạnh mẽ của con người hắn. Lần trở xuống, Hưng lấy hai cây AK.47, một cây CKC và thùng đạn trung liên RPD còn lại trên giá súng của phòng tuần biển. Tuấn hỏi, khi bạn đi ngang.

- Ông lấy chi nhiều vậy?

- Để lại, nhỡ tụi nó và tụi Hải quân bên kia đảo rượt theo làm sao chống. Có chết phen này bắn cũng đã tay!

Dãy lầu kế bên, hai bộ đội trực đêm của Quân đội nhân dân nhìn sang hờ hững. Công an vũ trang đi tuần lặng lẽ trong đêm tối là chuyện thường xảy ra. Hưng bảo:

- Tao xuống tàu cất súng, rồi lên ngay. Tụi nó ngủ hết rồi, khi tao trở lên gác thế mày vài mươi phút, mày mang cái ‘can’ đi lấy nước là vừa, nhớ mang theo súng.

Hưng xuống rồi trở lên ngay. Tuấn nhìn đồng hồ dạ quang. 2giờ30 sáng. Hưng ngồi gác canh chừng, đốt thuốc hút. Tuấn đi xuống dốc quẹo phải đến bể chứa nước. Anh dìm cái ‘can’ xuống bể nước, chọc giận đám muỗi đảo bay lên như đàn ong vỡ tổ đập cánh kêu vù vù, chích vào mặt, vào tay. Tuấn quơ tay vuốt mặt, tay anh nhớp nháp. Biết giết muỗi cũng vô ích, Tuấn đè cả hai tay xuống cái ‘can’, nước tràn vào cái lỗ nhỏ kêu ọc ạch, ọc ạch trong đêm tối. Vài phút trôi qua… Nó dài thăm thẳm! Anh nhấc tay vuốt mồ hôi, lẩm bẩm.

- Đầy rồi!

Đó cũng là tràng đại liên trong đời, mà mãi sau này nghĩ lại, Tuấn biết, anh như cảm nhận đã được bắn lần đầu tiên trong đời làm người lính thú trong tám tháng!

Giữa một ý nghĩ giết người mà anh vừa trải qua, và hành động vọc cái “can” nhựa, với những tiếng ọc ạch một khoảng ngắn thời gian, nhưng như bất tận. Hai sự việc: giữa cảm nhận và ý nghĩ, đều gợi nơi anh sự hoảng hốt tột cùng, như một điều gì đó khủng khiếp lắm trong đời người!

Tuấn xách ‘can’ đi phăng phăng xuống bến tàu. Đến giữa dốc, anh mới hay “can” nước vừa lấy chưa tới một phần tư góc. Nó nhẹ hẫng! Thăng đứng trong cabin nôn nóng:

- Mọi việc hoàn tất?

- Vâng, tốt đẹp! – Tuấn dấu cái “can” nước ngang hông, dù trời tối.

- Hưng đâu, sao chưa thấy xuống?

- Tôi đây.

Hưng vừa trờn tới, nhảy xuống tàu. Hắn nhìn Tuấn:

- Mày giúp tao việc này?

- Gì đó?

Hắn ngập ngừng:

- Mày lên gọi thằng Đông dùm tao, rồi mình dông.

- Đông nào?

Tuấn thảng thốt. Anh chợt nhớ, Đông cũng là một tân binh cùng khóa, không thân lắm. Đông phụ bếp anh nuôi, hiền lành, ít nói. Tuần trước, hắn được đồn cho về phép cuối tuần, hắn đi luôn một tuần bạt mạng, trở về sáng nay bị ông thiếu tá phạt quân kỷ và viết mấy tờ kiểm điểm. Hắn cay lắm!

Hưng thúc dục:

- Giúp tao được không, Tuấn? Gấp lắm rồi!

Thăng:

- Ông gọi nó đi hồi nào? Không báo cho tôi một tiếng biết trước, để tôi sắp xếp. Liệu thằng Đông có đáng tin?

- Tôi đã hứa với nó. Thấy nó hiền, lại cùng quê, tôi tội nghiệp nó quá.

- Tội nghiệp nó! Rồi ai tội nghiệp tụi mình đây? Giờ này còn lên trển đâu có được. Nhỡ thằng Tuấn xẫy ra chuyện gì, thì cả ba đứa cùng vào tù ngồi bốc lịch mãn đời? Tao không chấp nhận việc này!

Hưng ỉ ôi:

- Coi như tao van xin tụi mày vậy. Làm người đã hứa phải làm, có chết cũng làm. Vả lại, tụi mày đâu có biết, thằng Đông trước kia nó mở “cô-nét” cho tao trốn ra, khi bị nhốt!

- A, thì ra tên Đông này, nhìn thấy lù khù mà cũng dữ, hén. Đúng là lù khù, ôm cái lu mà chạy!
- Tuấn thầm nghĩ.

Thăng nhất quyết không đồng ý. Tuấn nhìn Hưng:

- Nếu vậy, ông lên kêu nó đi, tụi tôi chờ.

Hưng chỉ vào bộ quân phục ướt sũng dầu. Hắn nhăn nhó:

- Với bộ đồ này mà vô đó, ông phó đồn ngửi mùi ngay. Bởi vậy, tao mới năn nỉ nhờ tụi mày. Dù sao, cũng bạn bè, mày giúp tao vụ này nghen Tuấn.

Tuấn nhìn Thăng, thấy bạn chẳng ý kiến. Anh biết Thăng ngần ngừ, nên gật đầu quyết định:

- Được, tôi đi. Nếu hai ông nghe tiếng súng là lộ rồi, phải dọt ngay, đừng chờ tôi chi nữa.

Tuấn nhảy xuống tàu, dợm quay người, dặn:

- Nếu nghe tiếng súng, dộng cho tôi vài trái B.41 vào, cho tôi yên lòng ra đi. Nhớ nhé!

Cả ba nhìn nhau im lặng, một thoáng. Thằng này sao đêm nay nói gở thế? Hưng và Thăng cùng nghĩ như vậy khi Tuấn bước đi.

Tuấn đi lên lòng thanh thản lạ lùng. Dường như, cái sợ của con người ở một mức nào đó sẽ bão hòa? Bây giờ, nếu có cơ hội bóp cò, bắn một tràng tiểu liên AK.47, vào một người nào đó, có lẽ anh sẽ thản nhiên!

Lên con dốc, Tuấn quẹo trái tới đầu dẫy lầu, đi vòng cửa sau, bước nhẹ vào phòng Đông. Tuấn lẩm bẩm, chửi thề:

- Mẹ! Số thằng này sướng cha thiên hạ. Vượt biên mà cũng có người lo cho. Kiếp trước, chắc cha này tu mấy đời chớ chơi. Thôi, dậy vượt biên cha!

Tuấn vạch mùng, thò tay lay vai gọi Đông. Hắn trở mình ú ớ, lại ngủ vùi. Tuấn lay Đông lần nữa, lần này anh gọi tên hắn, mắt nhìn chừng ông phó đồn đang nằm ngủ bên kia giường sát vách, dù căn phòng tối om om. Đông trở mình ú ớ:

- Ai?

- Tới giờ rồi! Dậy đi, cha.

- Đi đâu? Mà ai đây? – Đông ngơ ngác

- Ông nói khẽ chứ. Tuấn đây. Thằng Hưng nhờ tôi vào gọi ông đi, ông không nhớ? – Tuấn giận điên người, muốn vả cho hắn một bạt tai. Đông vỡ lẽ, hắn tỉnh ngủ đôi chút, nhưng vẫn còn ngơ ngác:

- Thằng Hưng, nó nói đùa chơi mà.

- Đù, con mẹ tui! Tụi tui đang đợi ông ở dưới tàu. Có đi hay không?

Bỗng một tiếng ‘xạch’ lên đạn của loại súng ngắn, bên kia giường khoảng vài thước, của ông phó đồn:

- Ai?

Đông tự nãy giờ cứ cà khịa, làm Tuấn lo quắng. Cái sợ hãi tưởng đâu đã mất, nay kéo về dữ tợn hơn. Tuấn đáp bừa, dù mới hơn ba giờ sáng:

- Báo cáo đồng chí. Tôi “trực ban”, thèm thuốc vào xin. Cũng gần tới giờ sửa soạn nấu cơm sáng cho bộ đội, tôi đánh thức đồng chí anh nuôi.

Ông phó đồn, bỏ súng xuống, tiếp tục giấc ngủ. Cha này chắc còn mệt sau mấy ngày ngồi tàu từ Bắc vào đây? Cũng may cho Hưng, vào là dính ngay, chứ chẳng giỡn chơi. Tuấn lẩm bẩm, thở phào nhẹ nhõm.

Đông đã tỉnh ngủ, nhìn Tuấn, suy nghĩ. Tuấn nóng ruột:

- Quyết định lẹ đi cha. Tụi này không còn thời gian nữa.

Đông chậm chạp, hắn run run:

- Được rồi! Chờ tui một chút. Tui đi lấy cây súng, vài thứ mà hồi sáng má tui cho, bắt đem theo ăn dọc đường.

Tuấn dở khóc dở cười, cái tánh vụn vặt của gã nhà quê:

- Trời đất! Giờ này mà ông còn lấy mấy cái thứ ấy làm gì nữa?

- Ông chờ tui chút. Tui lẹ lắm.

- Lẹ cái con mẹ! Ông làm tui muốn ngất luôn đây cha. Thiệt cơ khổ! Bắt mấy ông này đi lính chi vậy không biết?

Tuấn lẩm bẩm. Anh đâu ngờ, gói xôi vò khá lớn của Đông đã cứu sống cả bốn trên con đường vượt thoát khi thức ăn bị sóng đánh nhồi, rớt xuống biển. Tuấn thầm thì dặn Đông vài điều rồi trở ra. Ông phó đồn vẫn ngủ mê mệt.

Đi dọc hành lang sau, Tuấn suy nghĩ, buộc đầu óc làm việc thật nhanh, xem còn thiếu sót? Chợt nhớ tới mấy lá thư, anh rón rén bước lên cầu thang vào phòng truyền tin. Nơi đây quá quen thuộc, Tuấn lần bước trong bóng tối tránh va chạm bàn ghế. Trực giác hiện hữu trong đầu Tuấn rất nhanh; từng góc xó, nơi nào có gì, để gì anh nhớ phong phóc vì hàng ngày thường lên đây quay máy điện gửi về trung đoàn. Khi quen dần bóng tối, Tuấn tới cạnh giường Thạnh – hạ sĩ truyền tin, người cùng quê Tuấn, đi trước một khóa, bỏ những lá thư vào hòm rương Thạnh. Thạnh ngủ mê mệt. Bộ đội lúc nào chả ngủ mê mệt? Sáng năm giờ đã thức dậy tập võ thuật, tối, chẳng lúc nào tự kiểm và tự phê; đêm hôm khuya khoắt còn trực ban. Tuấn tin rằng, Thạnh sẽ gửi những lá thư về gia đình khi về phép.

Tuấn đứng im trong bóng tối. Nhìn hai chiếc máy truyền tin, mắt anh chợt sáng lên. Tuấn giật đứt những sợi giây điện. Thế là xong!

- Thạnh ạ, xin lỗi nhé. Chúc bạn ở lại may mắn.

Vừa dợm bước, Tuấn dừng lại moi móc mọi túi áo quần. Tất cả tiền bạc còn lại, đồng hồ và cây bút Paker, anh nhẹ nhàng kéo cái ngăn con bỏ tất cả vào đó. Thấy bọc túi nhái thuốc lá, Tuấn lấy và đi ra.

&

Đông xuống tự lúc nào, ánh mắt ngơ ngác như không tin sự việc đang xẩy ra. Hắn ngồi co ro trong góc cabin nhìn bâng quơ. Đến giờ phút này, hắn vẫn ôm cây súng CKC bên mình, lấy từ trên đồn xuống, vai đeo tay nải khá to, mà sau này Tuấn biết đó là những thức ăn của một bà mẹ quê thương con, gói cho hắn ăn khi đi đường. Cây súng của Đông, nổi tiếng sạch sẽ nhất đồn, không một vết bụi dầu, báng gỗ sáng ngời màu nung đỏ, một loại gỗ khá đặc biệt của Tiệp Khắc. Đông quí cây súng là phải! Ngoài những giờ lui cui dưới bếp phụ giúp anh nuôi; còn bao thời giờ hắn dồn cho việc lau súng và nâng niu nó. Đi đâu hắn cũng kè kè bên hông, ngay cả những lúc ở nhà bếp, cây súng dựng sát bên.

Cả ba nôn nóng chờ Tuấn. Họ thở phào nhẹ nhõm, khi Tuấn bước xuống tàu.

- Tưởng ông bị lộ rồi. Làm gì trên ấy mà lâu dữ vậy? – Thăng nói.

Tuấn nhìn Đông cười:

- Tôi lên phòng truyền tin cắt giây điện. Nếu không, thằng Thạnh khi biết được, nó điện qua Hải quân chặn đầu thì bỏ mẹ. Công dã tràng xe cát biển đông cả tháng không nói làm chi. Cái thân tù tội mới sợ.

- Có chuyện như vậy mà tụi mình cũng quên. Quẩn thật! – Thăng mỉm cười hài lòng, ra lệnh:

- Nhổ neo!

- Nổ máy chưa? – Hưng mở dây neo, hỏi.

- Nổ máy sao được! Khác gì ‘lạy ông con ở bụi này’! – Thăng la khẽ.

Hưng ngơ ngác, ừ hử. Căn lầu sát bến tàu không quá trăm thước. Cái điều oái ăm, cả bọn không nghĩ tới.

- Tôi có ý kiến thế này. Tụi mình thay phiên nhau, bỏ neo vô cái thúng chai bơi ra xa. Một đứa ôm neo lặn xuống biển, ba đứa còn lại ra sức kéo sợi dây thừng, vài bận là khá xa đồn.

Cả bọn theo phương pháp của Thăng. Đông lúc này vẫn còn sợ, ngồi thu lu một góc cabin không rời, tay hắn lăm lăm cây súng ngó dáo dác vào đồn, dù chẳng thấy gì ngoài cái bóng đêm đen. Hưng, Thăng tự nguyện thay phiên ôm neo lặn trước. Con tàu đã ra khỏi đồn gần năm chục thước, rồi trăm thước. Hưng vừa ngoi lên khỏi mặt biển. Hắn trèo vào cái thúng “chai” lớn vừa vuốt mặt, vừa thở, vừa nói:

- Tới phiên thằngTuấn. Nhảy xuống, mày!

Tuấn cuống cuồng:

- Lạy trời! Sao lại là tôi? Trên đời này tôi sợ nhất mấy con Nhum! Trông nó đen đúa, tua tủa như quả cầu gai, dễ sợ quá. Ông giúp tôi việc này đi, ông ơi!

Đang mệt phờ người, Hưng bật cười:

- Đ. m! Lính c. gì, lại đi sợ ba cái thứ vớ vẩn. Cái tiếng lì ở trong quân trường của mày đâu, mà đi sợ cái ‘đĩ’ Nhum? Đồ hèn!

Chửi xong, Hưng ôm neo chèo thúng đi. Thăng đang lạnh run, cũng cười khục khặc. Thời gian lê thật chậm. Con tàu nhích từng chút nặng nề. Thăng, Hưng thay phiên nhau lặn mấy lượt nữa, con tàu được kéo ra xa cái đồn sâu quái ác hơn cả nửa cây số đường.

Thăng mở máy, để ga nhỏ. Chờ máy nóng dăm phút, Thăng quay mũi tàu rẽ sóng hướng cửa Lớn. Con tàu lướt im trong bóng đêm.

- Chiếc tàu còn lại, ông tính chưa? – Tuấn hỏi.

Hưng cười mãn nguyện:

- Tao đục lủng rồi. Vài giờ sau nó sẽ chìm xuống cái cảng sâu này.

Cửa Lớn sừng sững dưới ánh sao lờ mờ. Từ xa, Tuấn phóng tầm nhìn, thấy giống cái cổng lớn cổ xưa hùng vĩ, được đóng cứng trên mặt đại dương xanh đen. Vài chiếc ghe nhỏ, sống nghề đăng tôm, lênh đênh trên sóng nước mênh mông soi những ánh đèn leo loét tìm kiếm, trông não nùng.

Tàu nổ máy lớn hơn, rống mạnh lao vút tới, chẻ dọc ngọn sóng bạc đầu, đập ầm ầm.

Con tàu lướt sóng lao băng băng.

Qua bên kia dọi đất bán đảo Cam Ranh, đồn Hải quân nghe tiếng máy tàu, bật đèn chớp nhá, chớp nhá làm ám hiệu dò dẫm ghe vượt biên. Thăng bật đèn đáp lại trong tiếng cười thống khoái:

- Đúng là phe ta phải không mấy ông bạn? Công an vũ trang đang vượt biên nè mấy cha, được chưa? Tắt cha cái đèn chớp đi.

Bên Hải quân tắt đèn. Thăng nhá thêm mấy cái nữa mới chịu thôi. Anh rú ga, như dục dã con tàu ra khơi khoe sóng nước.

Mặt trời như một đóm lửa tròn lớn, từ từ nhú lên, đâm toạc mặt biển cong vòng, tỏa ánh hào quang dật dờ trên sóng nước chập chùng… chập chùng đến lóa mắt.

Trời sáng tỏ. Con tàu lướt sóng vượt trùng dương, bỏ Việt Nam trong lòng vịnh Cam Ranh, khi Cửa Lớn khuất dần tầm mắt, chỉ còn một lỏm lờ mờ xanh.

Cả bốn vẫn tỉnh táo, dù cân não bị chùng xuống thật thấp qua một đêm căng thẳng. Bốn gã thanh niên, mỗi người nhìn sóng biển theo đuổi những ý nghĩ mông lung.

Tuấn nhìn về hướng mặt trời. Anh trông chờ một cánh nhạn lẻ loi trên nền trời trống vắng.

Khát vọng tự do, Tuấn đã đạt được. Và anh được gì? Một tâm hồn trống vắng. Đó là nỗi buồn!? Nỗi buồn của một con thú mất Mẹ, tru lên những tiếng thảm thiết, nghe ai oán vô cùng. Buồn gấp trăm ngàn lần cái ngày anh rời bỏ mái trường ra đi làm người lính thú. Buồn, như chưa bao giờ anh đã từng buồn trong những đêm gác về sáng.

Tự hỏi mình, sinh ra trên cõi này để làm gì, trước một quê hương tan tác, sau thời chiến tranh chấm dứt? Tự hỏi, có quê hương nào mà lòng thù hận người đồng chủng lâu da diết như dân tộc Việt Nam? Tự hỏi, Ta là Ai? Anh là Ai? Mà mỗi một lần, suốt cả một chiều dọc lịch sử, khi một trang sử vừa được lật qua, kẻ chiến thắng, muốn vẽ vời lên đó những gì họ muốn, bằng sự ngụy tín mà không ai dám phản kháng. Tự hỏi, trong chiến tranh Pháp-Việt -Mỹ, cả hai miền Nam Bắc có bao con người Việt Nam trốn lánh ra ngoại quốc tìm sinh kế, ngoài những chí sĩ yêu nước tìm đường cứu quốc?

Tự dưng, Tuấn thấy cay xè đôi mắt và chợt biết: anh đã khóc tự bao giờ!

Ôi quê hương! Trước mắt mà tưởng như đã nghìn trùng xa cách! Quê hương ta còn đó, mà ta đang lạc mãi tận phương trời nào? Tuấn len lén nhìn các bạn. Họ cũng cùng tâm trạng như anh. Cả bốn đều ngoảnh mặt mỗi hướng, che lấp giây phút thiêng liêng nhất, trước khi rời xa tổ quốc. Lần cuối!

Thăng đưa tay lau vội nước mắt. Anh rú ga xăng. Con tàu lao tới, cắt nước, đập liên tục trên đại dương xanh thẳm, mênh mông.

- Ngừng! Ngừng tàu! – Tuấn khóc nức lên.

- Chuyện gì? – Thăng hỏi.

- Xin ông tắt máy tàu. Tôi muốn nhìn lại quê hương lần cuối.

Thăng giảm ga, tắt máy. Con tàu chồng chềnh trên sóng nước, như tâm trạng của bốn gã thanh niên.

Biển vẫn cong như một vòng cung bất tuyệt tận, xa típ tắp tận chân trời. Mà nơi ấy, màu đỏ của khoảng nước bao la mỗi lúc đỏ đậm đặc hơn.

Như một người đang đi hai chân về phía trước, mà quay mặt nhìn lại sau lưng, Tuấn bước ngược về phía đuôi tàu.

Nơi đó là quê hương anh!

Nơi đó, đã chất chứa tất cả những kỷ niệm của một thời đã qua. Có tuổi thơ. Có tuổi trẻ và tình yêu. Có những ôm ấp lớn và não nề. Có tình thương bát ngát như một cánh đồng cỏ mượt một màu xanh; cùng lòng hận thù sâu hun hút như một đại dương đen không đáy.

Bây giờ, nó chỉ còn là một bóng dáng xưa mờ ảo, cuối đường!

Giã từ tất cả!

Đông bắt đầu khóc hù hụ. Hắn quỳ gối, mặt ngước nhìn về quê hương. Hắn thét lên, tiếng thét của một con thú.

- Tôi không đi… Tao không đi nữa! Hãy trả tao về! Hưng ơi! Mày rủ tao đi làm gì? Dù gì, đó cũng là quê hương ta.

- Một quê hương, không định nghĩa đúng cho một con người, sống làm gì?

- Làm phận một con kiến, tao cũng cam chịu mà! Trời ơiii… Hu hu…

“Đoành! Đoành! Đoành!”

- Thằng nào, muốn làm một con kiến, hãy bước qua xác tao! Đây là ba phát súng, để giã từ quê hương; và, cũng là ba phát súng ân huệ cho những kẻ không muốn làm người!

“Đoành! Đoành! Đoành!”…

- Mẹ ơi! – Đông vái bốn phương, tám hướng và vẫn khóc.

Con tàu quay hướng và lướt sóng.

Nó thản nhiên và lạnh lùng vượt trùng dương, như một thớ gỗ chắc.

Về phía trước.

Ở đó, mặt trời đã bừng sáng và đang lên cao. Lên cao…

Họ đang đi về hướng mặt trời.

Nơi ấy, là những xứ sở xa lạ đối với họ, để gieo trồng lại những Hạt Ươm Hư đã bị chính quê hương họ ruồng bỏ, vào ngày đen tối nhất lịch sử của dân tộc Việt Nam kiêu hung có bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Ngày Ba mươi, tháng Tư, năm 1975.

- Ôi, Quê Hương!

© Vũ Đình Kh.
Vancouver, Canada. Khởi thảo và hoàn tất: tháng 2/1988. Viết lại 2012.

© Đàn Chim Việt

(*) Một loại “hòm” giống như cái rương bằng gỗ đựng đồ cá nhân của bộ đội.

Pages: 1 2 3

Phản hồi